Thái Hạo
Người Việt vẫn hay tự nói về mình, rằng hiền lành, nhưng sự thể không chỉ có thế. Tôi quan sát thấy, cái “hiền lành” ấy rất gần với sự cảm tính, và gần hơn với sự bạc nhược. Mặt khác, cái “hiền lành” ấy sẽ lập tức trở nên khắc nghiệt và tàn nhẫn ngay, nếu chỉ cần nó rơi vào một tình huống có tính phép thử. Vụ đấu tố em nam sinh ở Yên Bái là một ví dụ. Trăm năm trước, người Pháp khi qua xứ ta đã đúc kết rằng, trong mỗi người An Nam đều có một ông quan. Tôi hiểu cái gọi là “ông quan” ấy chính là ẩn dụ cho tính chuyên chế hà khắc trong mỗi người Việt. Cái tính này từ đâu mà ra?
Cũng cách nay ngót một trăm năm, nhà cách mạng khai sáng Phan Châu Trinh đã nói: “Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.”
Nghĩa là theo cách nói của cụ Phan, người mình, một mặt mang nô lệ tính, nhưng mặt khác, luôn chực chờ để biến thành một kẻ chuyên chế, độc đoán. Đối với người trên, người mạnh, người giàu thì nó khúm núm sợ sệt, nhưng với kẻ yếu hơn thì luôn trong tâm thế áp đặt, chuyên quyền. Cứ xem cái cách cha đối với con, chồng đối với vợ, thầy đối với trò, quan đối với dân, thì rõ.
Cho nên, muốn thay đổi cái tính này thì phải bắt đầu từ gia đình, tập tôn trọng con cái. Tôn trọng chứ không phải chiều chuộng. Chúng ta có thừa sự chiều chuộng vô lối nhưng thiếu hẳn lòng tôn trọng. Nếu chưa hiểu “tôn trọng” ở đây nghĩa là gì thì trước mắt cứ mang Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em ra đọc, để biết.
“Làm một cuộc cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn một dân tộc mới là khó”. Sau vài lần “được” chứng kiến, thì đến nay, những việc như đang xảy ra với em học sinh kia, tôi không còn ngạc nhiên nữa. Nó tất yếu phải như vậy, một khi văn hóa chưa thay đổi. Văn hóa chưa thay đổi nghĩa là tính người chưa thay đổi. Mà nói theo cách của chí sĩ Phan Châu Trinh thì tất cả đều do dốt mà ra cả. Khi đã dốt thì một mặt con người hèn nhược, mặt khác là đầy tính bạo lực.
Cụ Phan dẫn lời nhà triết học chính trị Montesquieu: “Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi; duy dân chủ mới thật còn có đạo đức”.
Cha mẹ, thầy cô cho đến người làm công việc quản lý xã hội phải học để hiểu giá trị của tự do. Phải có tự do mới mang đến sự phồn thịnh và hạnh phúc. Nhà triết học John Stuart Mill nói rằng, nếu toàn thể nhân loại chung nhau một ý kiến và chỉ duy nhất một người có ý kiến khác, thì nhân loại ấy cũng không được biện minh nhiều hơn kẻ đơn độc kia trong việc thể hiện quyền tự do quan điểm và tự do ngôn luận. Các cộng đồng văn minh bảo vệ quyền tự do cá nhân còn vì nó có quan hệ trọng yếu đối với lợi ích chung của toàn xã hội. Một ý kiến đúng sẽ giúp xã hội sữa chữa những sai lầm, một ý kiến sai sẽ làm cho ý kiến đúng được khẳng định và trở nên sống động. Mà nhân loại này chưa bao giờ thôi sai lầm. Cái đúng của hôm nay có thể thành sai ở ngày mai; có những cái đúng mà toàn nhân loại đinh ninh tin tưởng không suy xét, nó đứng vững một nghìn năm, nhưng bỗng sụp đổ một ngày khi có một ý kiến khác. Biết thế để ta không độc quyền chân lý. Nếu không có ý kiến khác và sự va chạm giữa chúng với nhau, chân lý (nếu có) cũng sẽ là chân lý chết – tức trở thành giáo điều.
Nếu không hiểu bản chất và giá trị cao cả của tự do, người ta sẽ chỉ hô khẩu hiệu và rồi sẽ hiện nguyên hình là những kẻ chuyên chế mỗi khi gặp tình huống có tính phép thử. Tôi đã ngạc nhiên đến bàng hoàng khi thấy không ít người ngày ngày “phản biện” trên mạng nhưng bỗng một hôm họ lộ nguyên vẹn “não trạng Annam”. Không ít nhà văn, nhà báo, những người lắm chữ nhiều fan, như trong sự vụ này, đã chứng minh điều ấy.
Than trách hờn dỗi không giải quyết được việc gì, chỉ có không ngừng chia sẻ tri thức và tự mình thực hành mỗi ngày (đầu tiên là trong gia đình, với con cái mình, cho đến lên tiếng trước cái sai, biết bảo vệ cái đúng trong xã hội…), may ra sau vài thế hệ nữa mới mong người Việt gột rửa được ít nhiều chăng?