Hong Kong, nhìn từ Trung Nam Hải

Cuộc kháng cự của người dân Hong Kong trước con rồng Đại lục đã đến thời khắc quyết định. Ảnh: FT

Tầm quan trọng kinh tế của Hong Kong trong mối tương quan với Trung Quốc đã giảm đáng kể, nhưng Trung Quốc không thể tránh khỏi áp lực từ các sự kiện gần đây.

***

Lược dịch từ bài viết How Beijing sees Hong Kong, của Giáo sư Kerry Brown, giảng dạy bộ môn Trung Quốc học tại King’s College, London; đăng ngày 04 tháng 8 năm 2019 trên Inside Story.

***

Nhìn lại lịch sử, Hong Kong đã trải qua nhiều thử thách. Bạo loạn lan rộng xảy ra trong thời điểm Cách mạng Văn hóa là bằng chứng chống lại quan điểm cũ rích rằng cư dân thành phố này không quan tâm đến chính trị. Từ thời điểm năm 1997, người dân đã phản đối một loạt các động thái lập pháp, bao gồm cả những thay đổi đối với Điều 23 của Luật Cơ bản (Hong Kong Basic Law – được coi như Hiến pháp lâm thời của Hong Kong) liên quan tới việc thay đổi chế độ. Nhưng kể từ khi cuộc biểu tình Chiếm Trung tâm [Dù vàng – ND] bắt đầu năm 2014, thành phố dường như đã bước sang một kỷ nguyên mới mà tranh chấp và khủng hoảng xảy ra thường xuyên. Một điều gì đó quan trọng đang diễn ra, nhưng dường như không ai biết rõ nó là cái gì.

Nhà kinh tế Leo Goodstadt cùng đồng sự đã chỉ ra rằng vẻ bề ngoài gây ấn tượng với du khách của Hong Kong đơn giản chỉ là vẻ bề ngoài. Cuộc sống thường nhật khá là vất vả đối với hầu hết người dân, và ngày càng vất vả hơn. Giá bất động sản đắt đỏ tới mức không thể tin được, mà theo các chuyên gia tư vấn bất động sản CBRE là đắt nhất thế giới. Chi phí sinh hoạt tại Hong Kong cũng sánh ngang với Paris và Singapore trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Những áp lực như thế này sẽ là nguồn cơn gây bất mãn ở bất cứ nơi đâu. Nhưng điều thực sự khiến dân chúng phản kháng chính quyền là cảm giác bất lực về chính trị. Các cuộc biểu tình trước đó cuối cùng cũng bị giải tán, nhưng cơn tức giận thì không. Ngược lại, mọi dấu hiệu cho thấy nó ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Hong Kong, một trung tâm tài chính thế giới, đang bị bao phủ bởi không khí bất an do cơn giận dữ luôn bị đè nén.

Người dân Hong Kong đang tỏ thái độ khinh bỉ một cách bất thường đối với các nhà lãnh đạo của họ. Kể từ thời điểm Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc năm 1997, không có Trưởng đặc khu nào tại vị đủ hai nhiệm kỳ. Người đầu tiên, ông Tung Chee-hwa, đã từ chức sau các cuộc biểu tình liên quan tới Điều 23 của Hiến pháp. Người thứ hai, Ông Donald Tsang, không tái tranh cử. Người thứ ba, ông C.Y. Leung, cũng chỉ giữ ghế trong một nhiệm kỳ sau khi phải đối mặt với cơn bất mãn ghê gớm của công chúng liên quan tới cách ông thực hiện cải cách bầu cử. 

Người kế vị của Leung, bà Carrie Lam, cũng phải đối mặt với tình huống tương tự, nhưng sớm hơn rất nhiều. Điều này có thể không liên quan gì đến khả năng lãnh đạo của bà. Nó có thể là một dấu hiệu cho thấy việc quản trị thành phố đã khó đến mức trở nên gần như không thể quản trị nổi do công chúng mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo của mình. Công chúng không tin rằng những người như bà Carrie Lam có thực quyền. Thực quyền nằm cách Hong Kong vài ngàn cây số, ở Bắc Kinh.

Ý định của Bắc Kinh đối với Hong Kong sau các cuộc biểu tình lớn và kéo dài gần đây vẫn là đề tài được bàn tán rộng rãi. Mặc dù bà Carrie Lam tuyên bố dự luật dẫn độ (nguyên nhân của tình trạng bất ổn hiện tại) đã chết, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, ngày càng nhuốm màu bạo lực hơn và gây gián đoạn sinh hoạt bình thường. Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được phát hiện ở vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Đông vào cuối tháng 7, nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ thẳng tay đàn áp càng gia tăng.

Trong bối cảnh này, chúng ta phải ghi nhớ hai điều trong quan điểm của Bắc Kinh về Hong Kong dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Trước tiên là về mặt kinh tế, Hong Kong đã trở nên kém quan trọng với Trung Quốc so với trước đây. Tại thời điểm bàn giao năm 1997, nền kinh tế Hong Kong chiếm 1/5 kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, nó ít hơn 3%. Thâm Quyến, trước đây là một làng chài, hiện đã có dân số lớn hơn và nền kinh tế có quy mô tương tự Hong Kong, và đang phát triển nhanh hơn. 

Thế giới bên ngoài có thể có một cái nhìn lệch lạc về sự ưu tiên của các lãnh đạo Bắc Kinh dành cho Hong Kong. Thực tế là Trung Quốc đã học hỏi nhiều từ Hong Kong trong các lĩnh vực tài chính và kinh doanh. Việc bàn giao năm 1997 cũng quan trọng đối với thể diện quốc tế của Trung Quốc. Trong thập kỷ đầu tiên sau khi tiếp nhận Hong Kong, Bắc Kinh đã cẩn trọng tuân thủ tinh thần của thỏa thuận chuyển giao và Luật Cơ bản của Hong Kong. 

Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình, cam kết của Bắc Kinh đối với thoả thuận lịch sử này dường như ngày càng yếu đi. Hong Kong đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ mục đích của Trung Quốc; giờ là lúc Bắc Kinh hướng đến những mục tiêu và tham vọng lớn hơn. Mối bận tâm chính của Tập Cận Bình là làm sao tránh né những đòn chỉ trích và tấn công trực diện trên trường quốc tế, điều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tương lai lớn hơn của ông. Còn Hong Kong? Không quan trọng như nhiều người nghĩ. 

Vấn đề thứ hai thường bị lãng quên là Tập Cận Bình và các đồng sự của ông tin tưởng tuyệt đối vào khả năng tồn tại của chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc. Niềm tin này giúp họ chèo lái đất nước hướng tới một vị thế kinh tế toàn cầu trong khi vẫn phải đối phó với sự tấn công hàng ngày của Mỹ. Sự sụp đổ của Liên Xô, từng được coi là một điềm báo cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, thực sự củng cố niềm tin đó của Bắc Kinh. Đối với họ, sự suy giảm quyền lực của nước Nga sau thời Xô viết cho thấy rằng việc vứt bỏ ý thức hệ cốt lõi là sai lầm tai hại.

Ông Tập trong một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi 2017 tại Thụy Sĩ. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt mức độ tăng trưởng và quy mô khiến Trung Nam Hải đủ tự tin phủ nhận tất cả các giá trị tự do – dân chủ phương Tây. Ảnh: AP Photo/Michel Euler)

Gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc Donald Trump thắng cử, Brexit và các sự kiện khó lường khác đã khẳng định niềm tin của Tập Cận Bình và đồng nghiệp rằng những người tiền nhiệm của họ hoàn toàn có lý khi từ chối cải cách chính trị theo hướng tự do – điều mà phương Tây muốn áp đặt cho họ. Như Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: thực hành là tiêu chí duy nhất đánh giá sự thật (practice is the sole criterion for truth).

Từ thế giới quan này, mô hình Hong Kong thể hiện tính không thực tế của chủ nghĩa tư bản phương Tây đối với tương lai dài hạn của Trung Quốc. Theo một góc độ phức tạp hơn, Hong Kong cũng chứng tỏ rằng dân chủ và văn hoá Trung Hoa không ăn nhập gì với nhau. Các từ như “sự hỗn loạn” (chaos) và “vô pháp” (lawless) – thường dùng để mô tả về thực trạng không thể tránh khỏi nếu đảng Cộng sản Trung Quốc mất quyền kiểm soát đất nước – đã bị cấm sử dụng trên báo chí chính thống.

Theo một cách kỳ cục khác, tình trạng của Hong Kong dường như không được Bắc Kinh coi là một sự phản kháng với những việc mà Bắc Kinh làm. Ngược lại, nó là bằng chứng cho thấy di sản chính trị và hành chính của mô hình Anh Quốc luôn không bền vững. Số phận Hong Kong phải như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng tất cả những gì họ phải làm chỉ là chứng kiến Hong Kong tan vỡ một cách có kiểm soát. Thượng Hải và những nơi khác ở Trung Quốc rồi sẽ đảm nhận vai trò kinh tế của Hong Kong trước đây. Hong Kong sẽ lùi xuống vị trí 2% và sau đó là 1% nền kinh tế của một đế chế vĩ đại, họ tin là như vậy.

Với hai yếu tố kể trên – sự suy giảm vị thế kinh tế của Hong Kong và thế giới quan của Bắc Kinh – liệu Hong Kong có được Tập Cận Bình và các đồng nghiệp nói đến trong kỳ nghỉ hè thường niên tại thị trấn Bắc Đới Hàn hay không? Tất nhiên, vấn đề Hong Kong sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Nhưng có khả năng nó sẽ không được ưu tiên như các thảo luận về củng cố lòng trung thành của người dân với chế độ trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ, và cố gắng đồng thuận quốc gia để đạt mục tiêu thiên niên kỷ đầu tiên của Trung Quốc (tập hợp các mục tiêu như tỷ lệ đô thị hóa 60%, chuyển đổi sang năng lượng sạch, và xã hội phồn thịnh). 

Bắc Kinh đang tự mãn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đúng. Việc người dân Hong Kong tham gia biểu tình không đơn giản bó hẹp trong sự bất mãn của họ với một điều luật hoặc sự yếu kém của các lãnh đạo chính trị. Những gì chúng ta đang thấy là sự xuất hiện của một thái độ chính trị mới trong lòng một trung tâm thương mại lớn. Điều đó không nên và không thể bỏ qua. Người dân Hong Kong tức giận về những điều mà nhiều người dân Trung Quốc đại lục cũng đang cảm thấy: sự bất bình đẳng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các vấn đề môi trường, nhà ở, dịch vụ công cộng, việc làm cho thanh niên và tình trạng già hóa dân số. Những vấn đề này có thể không được nhìn thấy rõ ràng ở đại lục, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại. Đơn giản vì Hong Kong là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà chúng ta có thể thấy người dân công khai bày tỏ sự lo lắng của họ. 

Điều đáng làm cho Tập Cận Bình và Bắc Kinh lo lắng có lẽ không phải là các cuộc biểu tình ở Hong Kong mà là các yếu tố tiềm ẩn khủng hoảng. Biểu tình ở Hong Kong, sự thất vọng bị dồn nén ở Trung Quốc có thể dẫn đến thảm họa. Vì những lý do khác nhau, và theo những cách khác nhau, những gì đang xảy ra ở Hong Kong dạy tất cả chúng ta, kể cả giới lãnh đạo Trung Quốc, nhìn sự việc theo những góc khác nhau, nếu biết nhìn đúng cách.