Lê Hải Triều|
Uy tín ông Trọng dường như không được cải thiện, mặc dầu ông đã “dũng cảm” vượt cấp nâng quan hệ với Mỹ. Nhưng với tham vọng “thế thiên hành đạo” tại TƯ8, kế hoạch về nhân sự của TBT có vẻ đã không thành tựu như mong muốn.
____________________________
Bốn Nghị quyết được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) lần thứ 8 vừa thông qua bao gồm: i) Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội… ii) Nghị quyết về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh…. iii) Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức... iiii) Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (1). Vậy là nội dung quan trọng thứ năm mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã đưa vào chương trình hôm khai mạc – đó là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 – đã không đạt được một Nghị quyết nào (2) . Tại phiên bế mạc, TBT Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Nhưng đồng thời ông cũng nói: “Lấy quy hoạch BCHTƯ Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự BCHTƯ Đảng tại Đại hội lần thứ 14”. Vậy thì khi chốt lại, “con gà hay quả trứng”, cái nào sẽ có trước? (3)
Vấn đề trọng đại nhất qua các kỳ Đại hộ ĐCSVN, như các nhà quan sát đã nhiều lần vạch rõ, nó không phải là vấn đề chủ trương đường lối vĩ mô cho giai đoạn trước mắt. Tất cả những chuyện ấy chỉ là vấn đề văn bản, lúc nào cũng có Nghị quyết để thông qua. Ngược lại, vấn đề cơ cấu BCHTƯ, Bộ chính trị, Ban bí thư… mới thực sự là những trận đấu ác liệt. Tuy nhiên, bề ngoài người dân không bao giờ được biết tường tận các trận đánh “giáp là cà” ấy. Khác xa thông lệ các Hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ của các đại hội trước, làn này, tuy còn hai năm nữa mới đến những màn đấu quyết định, nhưng những phát súng phản công trực tiếp vào uy tín của TBT đã được vang lên khá dòn dã và chát chúa, ngay trong khóa họp lần nay. Các đồng chí trung ủy vừa bước vào thảo luận ngày thứ ba thì trên trang mạng Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) xuất hiện một bài viết có nhan đề: “Lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài đưa vào Ban Cấp hành Trung ương khóa mới” (4) Đây là hiện tượng “xưa nay hiếm”, vì bài viết không nói chung chung mà trích dẫn các vị có tên tuổi và chức sắc phê phán gần như trực tiếp nhắm vào TBT Trọng.
Bài viết khai mào bằng một câu chuyện cụ thể: “Gần đây nhất, việc BCHTƯ cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre) hay cho thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đối với ông Điểu K'ré – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông đã cho thấy quy trình chặt chẽ nhưng vẫn còn lỗ hổng”. Liền đó là “nổ” luôn: “Ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương”. PGS-TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương thì cho rằng, quy trình của ông Trọng thực hiện máy móc, và triển khai trong những bối cảnh khác nhau nên cũng không mang lại kết quả mong muốn. Quy trình đúng chỉ phát huy hiệu quả… trong đó không thể thiếu yếu tố rõ ràng, minh bạch của công tác tổ chức cán bộ (5). Rõ ràng, Tổng bí thư là người “đứng mũi chịu sào” nên ông phải là người chịu trách nhiệm. Trước mỗi kỳ Đại hội, TBT Trọng đã từng nhấn mạnh quyết tâm “xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược… hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không còn những "khoảng trống," "kẽ hở," để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng” (6).
Tuyên bố vậy song kết quả thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, tính đến nay đã có 113 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong năm năm nhiệm kỳ đại hội 12. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng; 30 sĩ quan cấp tướng… Ấy vậy mà chỉ trong có năm rưỡi tính từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13, đã có 2 ủy viên BCT phải về vườn, gần 50 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương “chăm sóc” bị “trảm” công khai. Trong đó, hơn 10 cán bộ bị khởi tố, hai ủy viên trung ương đảng đương nhiệm bị khai trừ đảng, và bắt tạm giam… Đơn cử như nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh… (7) TBT vẫn hô hào, chống tham nhũng phải gắn chặt với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược… hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không còn những "khoảng trống," "kẽ hở," để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng (8). Tuy nhiên, kết quả trên thực tế đã đã bác bỏ tính hiệu quả trong các chủ trương này của TBT.
Phải chăng vì các kết quả “khiêm tốn” nói trên nên mà mọi “thiết kế ban đầu” về nhân sự của TBT hầu hết đều bị tập thể Trung ương “phủ quyết”. Tại hôm khai mạc ngày 2/10, TBT tuyên bố thế này: “Hội nghị lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 từ nay đến hết nhiệm kỳ”. “Nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm…”, nhưng kết quả cuối cùng chỉ thấy Hội nghị bổ sung được duy nhất mỗi ông Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung vào Ban bí thư. Chuyện này là lẽ đương nhiên, vì Lê Hoài Trung đã thành công “ngoài mong đợi” trong chuyến ngoại giao con thoi. Thuyết phục đươc phía Mỹ không đòi TBT Trọng phải sang Mỹ ký CSP, mà ngược lại, Tổng thống Biden phải đảo lộn lịch trình, bỏ Hội nghị EAS, rút ngắn thời gian ở Ấn Độ, sang Việt Nam ngay chiều 10/9. Cú đột phá vượt cấp quan hệ Việt – Mỹ lên CSP không chỉ mở đường cho nhà ngoại giao chuyên nghiệp này vào Ban bí thư, mà có thể cái ghế Bộ Chính trị cũng đang chờ ông.
Tuy nhiên, TBT đã không đột phá được các vấn đề “phức tạp, nhạy cảm” khác tại khóa họp. Ghế của Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn vững vàng, tuy người tiếp quản vị trí của ông Chính thời Quảng Ninh là Nguyễn Văn Đọc vừa bị đánh tơi tả. Đánh Nguyễn Văn Đọc là đánh thẳng vào chân ghế của Thủ tướng, nhất là trong bối cảnh “cánh chim tự do” Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) vẫn lượn ở trời Âu hay đâu đó bên ngoài Việt Nam. Kế hoạch “trám” hai ghế trống do Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh để lại cũng bất thành. Việc bỏ phiếu đối với tân Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị cũng thất bại! Điều này cho thấy, tuy “credit” của TBT Nguyễn Phú Trọng ở kỳ họp này có thể cao hơn các kỳ trước, do các đột phá về ngoại giao, nhưng riêng trong vấn đề nhân sự, các phe cánh trong Trung ương vẫn ở thế “cài răng lược”, không phải TBT muốn mà được. Trên đà ấy, những đồn đoán về việc thay Bộ trưởng Công an Tô Lâm bằng Phan Đình Trạc, theo dự kiến của TBT, dường như chưa có kết quả gì. Trong khi đó, 39/63 Giám đốc Công an trong cả nước đều là “đồng hương” của Tô Lâm. Tô Lâm lại vừa “bọc lót” thêm được chú em vợ Vũ Hồng Văn, Cục trưởng Cục bảo vệ Chính Trị Nội vào Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, ghế Tổng bí thư mà Tô Lâm nhắm tới vẫn xa vời, vì con đường tiến thân của “đồng chí Beria” Việt Nam này còn bị nhiều lực cản (9).
_______________
Tham khảo:
https://vtv.vn/chinh-tri/hoi-nghi-trung-uong-8-va-nhung-quyet-sach-quan-trong-20231009195249207.ht
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-119231002155117386.htm
http://bon-phuong.blogspot.com/2023/10/quy-hoach-can-bo-chien-luoc-khoa-xiv.html
https://vov.vn/chinh-tri/chung-ta-da-de-lot-can-bo-khong-du-duc-du-tai-vao-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii-post1050103.vov
https://vov.vn/chinh-tri/chung-ta-da-de-lot-can-bo-khong-du-duc-du-tai-vao-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii-post1050103.vov
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM145426
https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-so-ket-1-nam-hoat-dong-cua-ban-chi-dao-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-cap-tinh-102230619190140061.htm
https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/30385-ba-khuc-xuong-kho-g-m-c-a-b-tru-ng-h-to