Họ là tù nhân lương tâm xin đừng quên họ

 
Trước giờ mình chỉ hiểu loáng thoáng chữ tù nhân lương tâm (TNLT), cứ nghĩ những người làm chính trị hay sĩ quan trước 75 thì gọi là tù chính trị, còn sau 75 thì những người tranh đấu cho dân chủ gọi là TNLT. Một anh lớn giải thích vì sao mình thường gọi những nhà đấu tranh là TNLT, vì họ hành động đúng theo lương tâm của họ, có nghĩa là mình đòi hỏi quyền con người, quyền tự do ý kiến, quyền lập hội, vv...

Tù nhân chính trị có thể hiểu là "làm chính trị”, để ra ứng cử, để lên nắm quyền,... thì ít được sự quan tâm của thế giới bằng đấu tranh cho nhân quyền. Cái quyền con người mà tất cả mọi người trên thế giới đều phải công nhận.

Chỉ vì họ yêu quê hương, yêu đất nước mong muốn có một xã hội minh bạch, môi trường trong sạch, không phải dùng thực phẩm bẩn...Họ không nghĩ chỉ vì vậy mà bị bỏ tù, vấn nạn này chỉ có ở những nước CS như VN.
.
Những năm gần đây mình thấy nhiều người bị chính quyền kết tội và bỏ tù với những bản án nặng nề, từ 7-20 năm tù, những người công dân yêu nước với mong muốn tốt đẹp cho đất nước. Thay vì lắng nghe tiếng nói của người dân thì chính quyền lại dập tiếng nói của họ, bắt bớ và bỏ tù với những tội danh "gây rối trật tự hoặc phản động".

Không những bỏ tù những người yêu nước ấy, nhà cầm quyền còn hành hạ cả gia đình bên ngoài của TNLT. Một trong những cách họ hay làm nhất là đưa các TNLT đến những nơi xa nhà nhất cốt tạo khó khăn cho gia đình trong việc thăm nuôi.

Và như khi xưa họ cũng từng ngược đãi với những sỹ quan VNCH, những tướng tá trong Nam thì họ đày ra Bắc để cho gia đình không thể đi xa thăm nuôi chồng. Nhiều gia đình vì con còn quá nhỏ người vợ phải lo tảo tần kiếm cơm cho con, đầu tắc mặt tối thì có thời gian đâu để đi thăm nuôi chồng và cũng không thể bỏ con ở nhà, nên những lần thăm nuôi rất ít, nghĩ lại mình cảm thấy thương cho ba mình và những người lính VNCH ngày xưa cùng những TNLT ngày nay.

Nhà thơ Trần Đức Thạch ngoài Bắc thì họ đày vô trong Nam. Vợ anh phải đi hơn 4000km và mỗi lần đi là 3-4 ngày, mà khi gặp thì chỉ được nói chuyện 30 -60 phút, nhiều Công An đứng giám sát và nghe điện thoại nếu thấy nói chuyện bên ngoài xã hội nhiều quá thì họ cảnh cáo và bắt ngưng, có khi bị cúp ngang khi mới gặp nhau 10-20 phút. Vì thế mấy chị phải khéo lắm để hy vọng được nói chuyện với chồng 60 phút. Nghe kể thấy thương các chị quá!

Lúc xưa họ cũng bắt ba mình đi tù sau 75, mẹ thì đi bán suốt ngày, các chị em mình coi như thiếu tình thương và sự dạy dỗ của cả cha lẫn mẹ nên giờ nhìn thấy cảnh những gia đình TNLT có con còn nhỏ, những đứa trẻ sẽ mất đi tình yêu thương của mẹ hay cha nên mình thấy thương và đồng cảm với họ, nhất là những người phụ nữ đơn thân có con còn rất nhỏ!

Ngoài những TNLT nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, còn biết bao TNLT cô đơn, không được ai biết đến. Một người bạn kể mình nghe, trong đợt thăm nuôi kỳ trước, cô gặp một nữ TNLT tâm sự rằng cô không được ai thăm nuôi. Nghe câu này mình thấy buồn và rất đau lòng, ai đã làm cha, mẹ thì chắc chắn sẽ hiểu được nổi đau của câu nói đó. Họ cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi hay nói chung là bị lãng quên.
Mình nghĩ còn rất nhiều người đấu tranh cho quyền con người cũng có cùng hoàn cảnh như người nữ TNLT cô đơn kia. Mong rằng những người quen biết họ, giới thiệu cho cộng đồng biết những hoàn cảnh như vậy để họ được quan tâm giúp đỡ hơn.

Thời gian gân đây vì những chuyện bầu cử của nước Mỹ mà nhiều người quên đi những người đấu tranh trong nước đang bị bắt bớ, tù đày. Họ rất cần sự quan tâm, động viên, những lời an ủi, những giúp đỡ từ các anh, chị, em hải ngoại cũng như trong nước.

Họ là những người rất đáng thương và rất đáng được trân trọng, xin đừng quên họ.