Ngọc Hòa - Tường trình từ Brüssel
Chúng tôi được hướng dẫn lên đến một phòng tiếp khách ở tầng 14 của tòa nhà Quốc Hội Liên Âu. Ông Nghị Viên Bernd Lange xuất hiện với phong thái cởi mở vui vẻ và sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng của những công dân Liên Âu gốc Việt.
Ông Nguyễn Thế Bảo trình bày về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Ông kêu gọi ông Bernd Lange với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế thuộc Quốc Hội Liên Âu chỉ nên thông qua Hiệp Ước Thương Mại Tự Do Liên Âu-Việt Nam EVFTA và IPA khi các nguyên tắc cơ bản về Quyền Con Người và Quyền Người Lao Động được Nhà Cầm Quyền Việt Nam thực sự tôn trọng. Việc này phải được thực hiện cụ thể qua việc miễn án tù cho tất cả các Tù Nhân Lương Tâm và thực thi tự do ngôn luận báo chí. Ông Bảo cũng đệ trình bản Thỉnh Nguyện Thư kêu gọi Quốc Hội Liên Âu xét duyệt tình trạng Nhân Quyền tại VN trước khi thông qua Hiệp Ước EVFTA với trên năm ngàn chữ ký của Công Dân Đức.
Bà Hoàng Thị Mỹ Lâm xác định sự quan tâm của ông Bernd Lange về những điều kiện Nhân Quyền và Bảo Hộ Lao Động trong các Hiệp Ước Thương Mại Quốc Tế mà điển hình là những biện pháp kiểm soát việc thực thi Nhân Quyền và Bảo Hộ Lao Động trong các Hiệp Ước Thương Mại Quốc Tế do chính ông và Friedrich Ebert Stiftung đã hoàn thiện từ năm 2017. Bà nhắc lại sự kiện ông Bernd Lange vừa đi công tác ở Việt Nam 2 ngày trong cuối tháng Mười vừa rồi và chỉ ba tuần sau đó Quốc Hội Việt Nam đã thông qua bộ luật mới về thành lập Nghiệp Đoàn Lao Động bên cạnh Công Đoàn Lao Động . Tuy nhiên điều bà nhấn mạnh là tính cách Độc Lập không được định nghĩa rõ ràng trong trong bộ luật Nghiệp Đoàn Lao Động mới này và nêu rõ việc thành lập Nghiệp Đoàn Lao Động Độc Lập tại Việt Nam sẽ là việc bất khả thi khi mà Điều 4 trong Hiến Pháp Việt Nam vẫn quy định : „Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội“. Bà Mỹ Lâm cũng nêu lên sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền VN là chỉ sau một ngày ra bộ luật mới về Nghiệp Đoàn Lao Động thì ngày 21.11.2019 họ đã ra lệnh bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Ngoài ra bà cũng liệt kê các trường hợp Tù Nhân Lương Tâm cụ thể như Nguyễn Ngọc Anh , Lê Đình Lượng , Nguyễn Bắc Truyền , Nguyễn Năng Tĩnh….và đặc biệt là bản án tử cho Dân Oan Đặng Văn Hiến.
Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh tường trình về việc đối xử tàn tệ trong trại tù đối với các Tù Nhân Lương Tâm mà nhân chứng là Luật Sư Nguyễn Văn Đài đã trải qua và kêu gọi công lý cho Tù Nhân Lương Tâm Châu Văn Khảm. Ông Tôn Vinh cũng đệ trình bộ tài liệu dày trên 600 trang về Chính Sách Ám Sát , Tra Tấn và Bắt Cóc Các Dân Thường Vô Tội Tại Việt Nam.
Ông Nghị Viên Lange đón nhận những nguyện vọng và các văn bản một cách nghiêm chỉnh nhưng không kém phần nồng nhiệt. Ông ngỏ lời đồng thuận về việc bắt bớ người tùy tiện của nhà cầm quyền Việt Nam và xem đó là việc cần thiết phải giải quyết. Ông đặt nặng sự quan tâm về bộ luật hình sự tại Việt Nam , một bộ luật đã tạo nên các vụ xử án người bất đồng chính kiến một cách sai trái. Ông Lange cũng chia sẻ là phải triển khai các vấn đề này và phải lồng các vấn đề vào hiệp ước . Ông còn đề cập đến việc nhiều đoàn thể, đặc biệt là đảng Xanh và một số các tổ chức Xã Hội Dân Sự Quốc Tế, đã đệ trình văn bản và thỉnh nguyện thư yêu cầu Quốc Hội Liên Âu xét lại việc thông qua Hiệp Ước EVFTA.
Trong buổi đối thoại hai bên đã có những đồng thuận tốt đẹp và cởi mở. Sau khi chụp hình lưu niệm chúng tôi tình cờ đưa mắt nhìn thấy những túi lớn màu đỏ có in hình Quốc Huy nước Việt Nam đặt trong phần dưới một cái tủ trong phòng. Ông Lange tinh ý nhận ra và cười nhẹ: „ họ không tiết kiệm về khoản này đâu „ Chúng tôi cùng thầm nghĩ công lý và đạo làm người thì không ai có thể mua chuộc bằng vật chất.
Buổi chiều chúng tôi có hai buổi hẹn với hai Nghị Viên Liên Âu nữa là bà Svenja Hahn ( Phó Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế ) và ông Daniel Caspary . Cả hai Nghị Viên đều ngỏ ý quan tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam . Bà Svenja Hahn cũng đưa ý kiến tương tự như ông Chủ Tịch Ủy Ban Bernd Lange là phải làm sao triển khai các vấn đề về bộ luật hình sự ở Việt Nam để lồng vào Hiệp Ước EVFTA . Cả hai Nghị Viên đều đã tiếp nhận từ phái đoàn bản Thỉnh Nguyện Thư NO HUMAN RIGHTS NO EVFTA và bộ tài liệu về Chính Sách Ám Sát , Tra Tấn và Bắt Cóc Các Dân Thường Vô Tội Tại Việt Nam.
Ngọc Hòa - Tường trình từ Brüssel