TRIẾT LUẬN VÔ TỘI VẠ, NHƯNG TRUYỀN HÌNH VÀ BÁO CHÍ XEM NHƯ KINH ĐIỂN

Chu Mộng Long

Việt Nam là một xứ sở lười học và lười suy nghĩ. Tư duy của người Việt có gốc từ nhai và nuốt củ khoai sống còn dính đất cát, đến khi đi học thì không cần học mà lấy bằng nhanh với đủ các loại danh hiệu giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ. Khi có được danh hiệu rồi thì đám được gọi là trí thức ấy nói mà không cần nghĩ, kéo theo công chúng cũng ngồi nghe và nuốt chửng những lời nói ấy rồi khoe ra cả làng như một phát minh mà không cần biết đúng sai.

Trong vô số các câu nói không não của bọn này, tôi chọn câu nói của TSKH Đoàn Hương mà truyền hình và báo chí đang khoe như một kinh điển trong ngày 8.3. Nguyên văn:

"Đàn bà là giống cực kỳ khó hiểu. Các vị không thể biết hết được người đàn bà đang nằm cạnh mình đâu. Đừng nghĩ rằng nó nằm cạnh mình, nó ôm mình, nó âu yếm mình, mà nó là của mình. Có khi nó lại là của ông hàng xóm".

Đoàn Hương là phụ nữ (trừ phi thực chất bà ta không là phụ nữ), nên tôi hình dung câu nói của bà ta nhằm ngợi ca phụ nữ. Rằng phụ nữ là một thế giới bí hiểm mà đàn ông không thể hiểu được. Vì không hiểu được nên phụ nữ luôn hấp dẫn?

Nhưng thưa bà Đoàn. Khi người ta nói phụ nữ bí hiểm là nói ở phương diện tâm hồn giàu có, phức tạp với những điều bất ngờ khó suy đoán được. Còn việc bà chộp giật đâu đó rồi diễn đạt theo cách của lũ đàn ông vô học ở quán thịt chó: "Có khi nó lại là của ông hàng xóm" thì chẳng có gì bí hiểm, vì nó thuộc loại đàn bà trắc nết với những ham muốn xác thịt thuần túy. Bà ngợi ca phụ nữ như vậy khác gì tự hạ nhục mình và giới của mình?

Bây giờ thì tôi dạy bà động não bằng thao tác phản biện mà tôi vẫn dạy học trò tôi. Với loại trắc nết như vậy, bà thử thay thế toàn bộ từ "đàn bà" trong lời nói ấy bằng từ "đàn ông" xem sao?

"Đàn ông là giống cực kỳ khó hiểu. Các vị không thể biết hết được người đàn ông đang nằm cạnh mình đâu. Đừng nghĩ rằng nó nằm cạnh mình, nó ôm mình, nó âu yếm mình, mà nó là của mình. Có khi nó lại là của bà hàng xóm".

Chắc chắc cũng sẽ đúng! Hai mệnh đề đối lập đều đúng thì rõ ràng không có sự đối lập. Đã trắc nết thì đàn ông và đàn bà là như nhau.

Viết đến đây, tôi lại giật mình, vì bà khó mà động não được. Lý do đơn giản, bà không có chồng nên không thể biết đàn ông có giống như đàn bà mà bà đang triết luận như một triết gia không não?