Miến Điện: Biểu tình chống quân sự đảo chính trên internet

Song song với các cuộc biểu tình liên tiếp từ 14 ngày qua tại các thành phố lớn trên khắp đất nước Miến Điện, cuộc đấu tranh phản đối đảo chính còn diễn ra trên mạng internet. Chính quyền quân sự cắt internet, những người phản kháng đáp trả bằng cách tấn công vào các trang mạng của chính

Hôm nay, 18/02/2021, các tin tặc đã tấn công vào các trang internet của chính phủ do giới quân nhân quản lý. Trong số đó có các trang của Ngân hàng Trung ương, trang tuyên truyền của quân đối, kênh truyền hình Nhà nước MRTV và nhiều cơ quan quản lý của chính phủ khác.

Trên Facebook, một nhóm tin tặc thề "chiến đấu vì công lý cho Miến Điện" và coi hành động của họ là cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự trên mạng bên cạnh các cuộc xuống đường của hàng trăm nghìn người dân.

Những ngày qua nỗi phẫn nộ của người dân Miến Điện quay sang Trung Quốc, tố cáo nước này đã giúp chính quyền quân sự cắt mạng internet. Qua kênh ngoại giao, Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn không can dự vào cuộc chính biến tại Miến Điện.

 

Những người biểu tình ở Myanmar tập hợp hôm thứ Tư 17/2 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay để phản đối việc quân đội tiếm quyền bằng cuộc đảo chính hôm 1/2.

Ngoài Yangon ra, các cuộc biểu tình mới cũng diễn ra ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay và thủ đô Naypyitaw, bất chấp lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên. Đến tối 17/2, chưa có tin tức nào cho thấy có bạo lực lớn xảy ra hay không.

Lượng người đổ xuống đường biểu tình hôm 17/2 ở Yangon dường như là một trong những cuộc tập hợp lớn nhất cho đến nay ở thành phố. Những người biểu tình áp dụng chiến thuật chặn đường của lực lượng an ninh bằng cách mở nắp ca-pô xe và đỗ ở giữa đường với lý do hỏng máy.

Tại Naypyitaw, hàng nghìn người, bao gồm cả nhân viên ngân hàng tư nhân và kỹ sư, đã tuần hành trên các đại lộ rộng lớn, hô hào đòi thả bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Người biểu tình cũng đổ ra đường phố của Mandalay.

Cảnh sát vừa đưa ra cáo buộc mới đối với bà Suu Kyi, luật sư của bà cho biết hôm 16/2, một động thái có khả năng buộc bà bị quản thúc tại gia và càng làm cho công chúng tức giận hơn.

Trước đó, bà Suu Kyi đã phải đối mặt với cáo buộc về sở hữu trái phép máy bộ đàm.

Luật sư Khin Maung Zaw nói với các phóng viên sau cuộc gặp với một thẩm phán rằng cáo buộc mới liên quan đến một đạo luật được áp dụng để truy tố những người vi phạm các quy định về phòng chống dịch virus corona. Theo luật này, hình phạt tối đa là ba năm tù.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên án mạnh mẽ hành động pháp lý nhằm vào bà Suu Kyi.

“Các cáo buộc mới do quân đội Myanmar bịa đặt ra nhằm vào bà Aung San Suu Kyi là sự vi phạm rõ ràng đối với nhân quyền của bà”, ông Johnson viết trên Twitter. "Chúng tôi sát cánh với người dân Myanmar và sẽ đảm bảo là những người đứng sau cuộc đảo chính đó sẽ phải chịu trách nhiệm", ông khẳng định.

Trung Quốc cho đến nay chưa lên án cuộc tiếm quyền. Một số người biểu tình Myanmar cáo buộc rằng Bắc Kinh chống lưng cho chính quyền Myanmar. Trung Quốc lâu nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Myanmar và có các khoản đầu tư lớn vào nước này.

Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, Chen Hai, cho biết Bắc Kinh mong muốn những người biểu tình và quân đội Myanmar có thể giải quyết những khác biệt của họ thông qua đối thoại, theo nội dung của một cuộc phỏng vấn được đăng trên trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc hôm 16/2.

Ông nói: “Những diễn biến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy”.

Ông Chen cũng phủ nhận chuyện Trung Quốc đang giúp Myanmar kiểm soát việc truy cập internet và chuyện binh lính Trung Quốc đang xuất hiện trên đường phố Myanmar.