Tấn tuồng chính trị hotdog cuối năm

Ngô Nhân Dụng

Suốt một năm Covid, các nhà hát đóng cửa. Không được ngồi chen nhau coi phim trong rạp. Không được đi xem ca nhạc kịch Broadway. Không được coi xiệc hay ngựa chạy đua. Không được cười bể bụng với các tay hề trên sân khấu hộp đêm. Thật chán đời!
Nhưng người Mỹ vẫn may mắn. Họ có quốc hội. Theo dõi các cuộc tranh luận và biểu quyết trong quốc hội cũng có dịp vui cười, giải trí rất lành mạnh. Người Mỹ lại có tới hai viện quốc hội cho dân nghe họ tranh cãi, lối “mua một tặng một.”
Cả nước Mỹ đang lo Covid thì quốc hội diễn tuồng Covid. Họ cãi nhau hoài nhưng rồi cũng đồng ý trợ cấp thêm $600 đô la cho mỗi người dân đóng thuế, đủ để ăn 50, 70 tô phở. Chẳng qua vì đến cuối năm, dân Mỹ chạy đôn đáo mua sắm, nhà giàu sắm kiểu giàu, dân nghèo có kiểu dân nghèo. Quốc hội Mỹ cũng phải vừa tranh cãi, vừa mặc cả, vừa chạy đua với nhau để làm sao đẻ ra một dự luật cứu trợ toàn dân vì cơn bệnh Covid.
Sau khi chờ đợi tám tháng trời, chạy đua lúc cuối năm gấp gáp thì thế nào cũng vấp váp. Nhân viên Quốc hội không có thời giờ “viết” hay “soan” một dự luật. Người ta đem ghép các đề nghị của mọi người lại, sau khi các đại biểu đã mặc cả với nhau sẽ giữ điều nào, bỏ điều nào, cuối cùng có một cuốn “tự điển bách khoa” dài 5,593 trang giấy, biểu quyết ngay trong ngày. Rồi yêu cầu ông tổng thống ký ngay, càng sớm càng tốt – trước khi tiền bảo hiểm thất nghiệp của hơn chục triệu người hết hạn, trong năm ngày!
Các dân biểu Hạ viện nhận được bản dự thảo dài 6,000 trang lúc 2 giờ chiều ngày 22 tháng 12, 2020. Đến 4 giờ chiều phải biểu quyết. Không ai có đủ thời giờ đọc một phần mười bản dự luật, nhưng cuối cùng đại đa số, thuộc cả hai đảng, vẫn đưa tay lên chấp thuận. Trên Thượng viện, các nghị sĩ cũng như vậy. Họ biết rằng các lãnh tụ hai đảng đã mặc cả hết sức rồi. Nếu không ai nhịn ai cù cưa thêm nữa thì sẽ bế tắc. Cả bản dự luật sẽ bị trì hoãn trong khi ngân sách quốc gia sắp hết hạn và các chương trình cứu trợ cũ sắp chấm dứt. Tất nhiên ông tổng thống không thể nào đọc, những lúc ông tạm ngừng giữa hai lỗ sân golf ở Florida, hết bấy nhiêu trang giấy!
Ông Tổng thống chê $600 ít quá, bảo phải nâng lên $2,000. Con số đó chính ông bộ trưởng tài chánh đưa ra, chắc không hỏi trước ý ông Trump. Bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mừng quá, bám ngay lấy, cũng biểu quyết $2,000, cố tình gây mâu thuẫn giữa đảng Cộng Hòa với nhau. Ông Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng viện, lúng túng không biết làm gì, bèn đưa kế hoãn binh, hạ hồi phân giải!
Chưa có sân khấu tuồng, chèo, cải lương hay nghệ thuật điện ảnh xứ nào, Ấn Độ hoặc Hồng Kông, có thể viết một kịch bản với những màn gay cấn như vậy.
Phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến các món tiền $600 hay $2,000 đô la; hoặc khoản $300 mỹ kim thêm mỗi tuần cho các người thất nghiệp. Nhưng nếu đọc vào nội dung cả 2 bản dự luật, $900 tỷ cứu trợ vụ bệnh Covid và $1,400 tỷ cho ngân sách quốc gia,thì dân Mỹ sẽ thấy nhiều chuyện hào hứng hơn nhiều.
Trong mỗi dự luật có rất nhiều đề nghị do các đại biểu đưa ra. Có nhiều đề nghị không liên can, dính dáng gì đến bệnh dịch Covid hoặc cần thiết phải ghi ngay vào ngân sách quốc gia năm 2021. Thực ra mỗi điều này thể đứng riêng như một dự luật. Nhiều nghị sĩ, dân biểu đã làm thử mà chưa thành công vì dù họ rất thiết tha làm điều luật đó nhưng không được các bạn đồng viện quan tâm, ủng hộ. Hơn nữa nếu làm nhiều luật lệ lẻ tẻ như vậy, các đại biểu quốc hội sẽ mất công đưa tay lên biểu quyết nhiều lần.
Người dân Mỹ bình thường, nhất là người nước ngoài, không mấy ai để ý một hiện tượng này. Người Mỹ vẫn ví việc quốc hội làm luật giống như các công ty sản xuất “xúc xích.” Họ đổ vô lò đủ thứ thịt, hẩu lốn, cuối cùng thòi ra những dây tràng toàn hotdog!
Mỗi lần quốc hội sắp biểu quyết một dự luật quan trọng, các đại biểu thường nhân dịp đó xin kèm theo một vài đề nghị của mình, xin “quá giang,” ghé vào, cho nó được thông qua luôn. Các dự luật ngân sách là con tàu phải chở theo nhiều điều luật “quá giang” nhất. Bởi vì ai cũng biết phải biểu quyết cho xong, làm bằng được mới nghỉ, nếu trì hoãn thì chính phủ sẽ đóng cửa vì hết tiền!
Cho nên trong dự luật vừa mới được Tổng thống Donald Trump vừa miễn cưỡng ký tên, có những điều khoản cho phép đem hoa thủy tiên và hạt dẻ qua biên giới các tiểu bang, không còn bị tù sáu tháng nữa. Những người làm phim, video, bị người khác tự ý lấy trộm đưa lên mạng kiếm tiền, sẽ được đạo luật mới bảo vệ. Từ nay, thủ phạm có thể bị tù đến 10 năm! Có cả một điều luật cấm Bưu Điện không được chuyển các thứ giả thuốc lá, vaping và e-cigarettes. Rất nhiều “món thịt” lớn nhỏ được đưa vào nấu trong cái lò quốc hội.
Đặc biệt, có điều khoản nhằm bảo vệ sức khỏe các con ngựa đua, một dự luật đã bị “ngâm tôm” trong quốc hội nhiều năm, bây giờ nằm ngay trong dự luật cứu trợ Covid và ngân sách mới.
Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa đa số ở Thượng viện, đại biểu cho Tiểu bang Kentucky với trường đua ngựa lừng danh thế giới. Trong đạo luật mới ra đời, ông đã cho quá giang một số điều đặt ra một cơ quan thi hành những tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cho các con ngựa đua, nhất là cấm chích thuốc ma túy kích thích ngựa. Dân biểu Cộng Hòa Andy Barr, cũng ở Kentucky, và Dân biểu Paul Tonko, Dân chủ, New York đồng ký tên đưa điều này vào dự luật ở Hạ viện, sau sáu năm tranh đấu ở nghị trường cốt “đặt trọng tâm vào quyền lợi các con ngựa và các chú lài.” New York cũng có những trường đua ngựa nổi tiếng.
Trong dự luật mới quốc hội Mỹ cũng ghi một điều khoản nhằm bảo vệ truyền thống của người Tây Tạng. Đạo luật xác định phải tôn trọng tín ngưỡng của người Tây Tạng khi đến ngày phải chọn và tấn phong người thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có kế hoạch chờ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 viên tịch sẽ bày trò tìm một hóa thân của ngài trong nước, đưa lên làm nhà lãnh đạo mới. Năm nay ngài đã 85 tuổi. Đạo luật mới của Mỹ nói rõ ràng không chấp nhận cho Trung Cộng can thiệp làm sai lạc truyền thống của dân Tây Tạng. Chính phủ Mỹ sẽ phải có các biện pháp trừng phạt nếu Trung Cộng cố tình vi phạm!
Điều khoản trên chắc được tất cả mọi người ủng hộ, mặc dù nó không liên hệ gì đến ngân sách chính phủ Mỹ hoặc cứu trợ Covid. Nhưng còn nhiều điều khác thì thường là không. Các nghị sĩ và dân biểu hai đảng phải thỏa hiệp với nhau để có thể đưa các điều mình muốn cho “quá giang” trong dự luật mới, theo lối anh gãi lưng tôi, tôi gãi lưng anh. Có khi họ mặc cả không phải để thêm một điều, mà đồng ý bỏ bớt.
Thí dụ, trước đây các đại biểu đảng Dân chủ đã khăng khăng đòi phải có một ngân khoản trợ (trăm tỷ đâu có bao nhiêu) để giúp chính quyền các tiểu bang và thị xã; vì Covid 19 làm ngân sách của họ cạn kiệt. Nhưng cuối cùng họ đồng ý rút đề nghị đó lại. Để đáp lại, các đại biểu Cộng Hòa chấp nhận bỏ không đòi miễn tội, toàn xá cho các công ty, xí nghiệp, nếu họ bị nhân viên kiện vì lây bệnh Covid-19 trong lúc làm việc. Sau khi thỏa thuận trao đổi; cả hai điều đó không được ghi vào luật! Các tiểu bang và các đại công ty mừng hụt!
Một chuyện bất ngờ là những điều khoản nhằm bảo vệ môi trường sống, đầu tư vào việc nghiên cứu, và hỗ trợ công nghiệp điện gió và điện mặt trời. Số tiền lớn hơn tất cả các ngân khoản đã chi trong hàng chục năm qua. Thông thường chỉ một chính phủ của đảng Dân chủ mới đưa ra đề nghị này. Đó cũng là một lý do Tổng thống Donald Trump vừa cầm bút vừa cằn nhằn, khi ông bất đắc dĩ phải ký tên vào đạo luật. Vì nếu không chính phủ sẽ phải đóng cửa và dân thất nghiệp sẽ oán thoán! Chắc chắn ông cũng không hài lòng với số tiền $1.375 tỷ trong dự luật để xây dựng tiếp bức tường ở biên giới Mexico!
Trong một tuần lễ, dân Mỹ hồi hộp theo dõi tấn tuồng “Phủ Quyết hay không Phủ Quyết?”
Ông Trump đã phủ quyết (veto) dự luật chi phí quốc phòng $740 tỷ mỹ kim. Ai cũng đoán, một tuần sau hai viện quốc hội sẽ bác bỏ, với đa số tuyệt đối. Nhưng trong năm, sáu ngày liền không ai đoán được ông tổng thống có phủ quyết các dự luật ngân sách và Covid hay không, cho đến khi ông đành nhượng bộ.
Tuy đặt bút ký tên, nhưng Tổng thống Trump vẫn không chịu thua. Ông ký kèm theo một danh sách các điều “bị vạch đỏ” mà ông chê là chi tiêu phí phạm cần phải xóa bỏ, kèm theo một điều ông muốn thêm vô vào ngân sách quốc phòng nhưng không ai nghe.
Dựa vào một điều luật năm 1974, ông Trump có quyền “bắt ngưng” (freeze) không chi các khoản tiền mà ông “gạch bút đỏ.” Phải ngưng lại trong vòng 45 ngày, kể từ lúc quốc hội họp lại. Quốc hội sẽ họp lại ngày 3 tháng Giêng năm 2021! Trong 45 ngày sau đó, ông Joe Biden có thể đã tuyên thệ làm tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, mặc dù ông Trump không đồng ý. Từ ngày 3 đến ngày 20 tháng Giêng sẽ còn nhiều màn kịch ly kỳ, hồi hộp!
Dân Mỹ còn tiếp tục được coi tấn tuồng chính trị năm 2020 kéo dài qua năm 2021!