Nói về tính "chính danh" của đảng CSVN

Ông Chu Hảo ra tuyên bố từ bỏ đảng. Một trong những lý do khiến ông bỏ đảng là “đảng không có chính danh để lãnh đạo”.

“Chính danh” là gì ?

“Chính danh - légitime” trong chính trị có thể có thể được hiểu như là sự “hợp pháp” hay “hợp hiến” của một sự việc, hay một hành vi liên quan đến việc sử dụng quyền lực chính trị.
“Légitime” nguyên thủy bắt nguồn từ Latin “legitimus”, có nghĩa là được “chuẩn nhận bằng luật”, có “phù hợp với tập quán, với luật lệ”.

Khi tuyên bố rằng “đảng không có chính danh để lãnh đạo”, GS Chu Hảo chính thức không nhìn nhận tính hợp pháp của mọi hành vi chính trị, mọi quyết định chính trị của đảng CSVN. Việc này hàm ý đảng CSVN lãnh đạo “nhà nước và xã hội” hiện nay chỉ là sự “tiếm danh” và “lạm dụng”.

Những ngày qua ta thấy liên tục nhiều bài viết xuyên tạc GS Chu Hảo được đăng lên báo chí. Ngoài việc phỉ báng cá nhân, không bài viết nào phản biện được lập luận của GS Chu Hảo về tính chính danh của đảng CSVN. Người ta tìm cách hướng dẫn dư luận về một phía khác, tung hỏa mù khắp nơi, mục đích để mọi người không để ý tới vấn đề quan trọng là “tính chính danh” của đảng lãnh đạo.

Bởi vì đây là một “sự thật” không thể phản biện.

Ngay từ việc “bầu” ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch nước, đã là một việc thiếu chính đáng.

Ông Trọng cho rằng “trình độ, năng lực, sự hiểu biết” của ông là “có hạn” trong khi “tuổi tác đã lớn” và “sức khỏe yếu”. Ông Trọng tự nhận mình “phận mỏng cánh chuồn” và e ngại rằng không biết có “hoàn thành được nhiệm vụ hay không.”

Cả nước có 95 triệu người. Tại sao lại bầu chọn một con người không có trình độ, không có năng lực, thiếu hiểu biết lại không đủ sức khỏe... vào ghế “chủ tịch nước”, lãnh đạo đất nước và đại diện cho dân tộc ?!

Đảng CSVN không đủ nhận thức bằng xã hội loài thú.

Nếu so sánh với xã hội loài thú. Ta thấy trong một đàn chim, một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn.

Tính “chính danh” của con thú đầu đàn là sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sức mạnh không phải là “mạnh được yếu thua” hay khả năng tiêu diệt được đồng chủng, mà là sự cần thiết để bảo vệ an ninh cho cả bầy trước những đe dọa của thiên nhiên hay trước sự tấn công của các con thú khác.

Tính “chính danh” của con chim đầu bầy là sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Những thứ cần thiết để dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.

Ông Trọng, “sức khỏe yếu”, “thiếu năng lực” không có tính “chính danh” của con sư tử đầu bầy. Ngay khi ông Trọng có khả năng “tiêu diệt đồng chí” thì việc này cũng không tạo nên ông tính “chính danh” của một “con thú đầu đàn”.

Ông Trọng không có “trình độ” và “sự hiểu biết”, tức thiếu sự “tinh khôn” của con chim đầu đàn. Ông Trọng có thể dư thừa mưu mẹo để loại bỏ những “đồng chí” chống lại mình. Mà việc này không bao giờ tạo nên ông Trọng tính “chính danh” của một “con chim đầu đàn”.

Những ngày qua có hàng trăm bài viết tung hô nịnh bợ ông Trọng. Ngay cả khi những thứ tiếng “vo ve” này “trấn áp” dư luận xã hội, việc này cũng không thể tạo cho ông Trọng sự “chính danh” trong lãnh đạo.

Còn về đảng CSVN, tính “chính danh” của đảng dựa lên cái gì ?
Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” và “có chủ quyền”.

Người ta hiểu thế nào là “cộng hòa” và thế nào là “có chủ quyền” ?

“Cộng hòa” là chế độ đối nghịch với chế độ “phong kiến đế quyền”. Đó là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa. Trong chế độ phong kiến, quyền lực thụ đắc của người lãnh đạo là do sự kế thừa. Tính chính danh của người lãnh đạo thể hiện qua việc kế thừa.

Vậy thì tính “chính danh” của người lãnh đạo chính trị trong chế độ cộng hòa là gì ?

VN là một “quốc gia có chủ quyền” có nghĩa là hiện hữu trong lãnh thổ VN một quyền lực chủ tể (chủ quyền).

Trong một chế độ phong kiến, chủ quyền thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…). Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire).

Hiến pháp VN khẳng định quyền lực chủ tể (chủ quyền) thuộc về nhân dân.

Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước phải đến từ “quyền chủ tể”, tức đến từ nhân dân, thể hiện qua các cuộc bầu cử.

Tính chính danh của “quyền lực” trong chế độ “cộng hòa” được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.

Từ trước đến nay, những người cộng sản luôn lập luận rằng tính chính danh của đảng CSVN đến từ việc đảng “đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập, thống nhứt đất nước”.

Tạm cho rằng đảng CSVN đã “lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập và thống nhứt đất nước” là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện.

Thì những thế hệ “khai quốc công thần” chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người “có công”, tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời, như ông Nguyễn Phú Trọng, cũng không có ai trực tiếp tham gia vào cuộc chiến “chống Mỹ”.

Nếu dựa vào “công lao”, thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự “chính danh”. Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.

Mà tính chính danh không có “kế thừa”. Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng.

Tức là, nếu lập luận theo kiểu “kế thừa”, thì ông Chu Hảo có “chính danh” hơn cả ông Trọng (hay bất cứ ai trong BCT hiện thời).

Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm. Đó là tính “chính danh” trong thế giới loài thú.

Ông Chu Hảo bỏ đảng là phải (cho dầu hơi bị trễ một chút)!.