Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống

Nhạc sĩ Tuấn Khanh -

Trong cùng một thời điểm, tin tức về những đứa trẻ tội nghiệp ở Việt Nam ập vào lòng nhân ái đang đau yếu của người Việt, không khác gì một cú knock-out chí mạng. Chúng ta – những người trưởng thành – đều lảo đảo theo những cách khác nhau.

Cuối tháng 8/2019, bé Đặng Thùy Trâm 10 tuổi, theo bà ngoại đi mò cua bắt ốc mưu sinh ở Vịnh Cam Ranh bị nước cuốn đi mà chết. Nhưng cùng với cháu, là 4 nhân mạng gia đình nghèo khó ấy cũng chết chìm theo trong buổi nhặt nhạnh cuối cùng đó. Báo Tuổi trẻ cho hay.

Cũng trong tháng 8, chuyện 2 đứa bé gái sống trong gia đình bên nội, bị tất cả gã đàn ông cưỡng hiếp, ép làm nô lệ tình dục từ lúc 10 tuổi đến 17 tuổi. Thời gian súc vật đó kéo dài suốt nhiều năm ở Xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, xóm làng ai cũng biết nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương cứ làm ngơ. Mới đây, một nhóm phụ nữ làm từ thiện đến tìm hiểu và tìm cách giải cứu cho em gái nhỏ, đã bị cả gia đình đó chặn đường, hành hung, dọa giết vì sợ bị cướp đi nguồn vui thú của họ. Chuyện đồi bại huyên náo đến mức quanh vùng đều biết, chỉ những người cần phải biết thì không.

Và cuối tháng 8, những tin tức ngày càng lộ rõ ở trường Gateway, Hà Nội, cho thấy một bé trai 6 tuổi đã chết oan khuất tại nhà trường, không như những giả thuyết đánh lạc hướng đầy tính nghiệp dư của công an điều tra và ban giám đốc nhà trường, nơi được nói đến là có liên quan đến việc làm ăn của con gái đương kim thủ tướng. Nếu không có giới truyền thông tự do trên internet, không có những phụ huynh xót xa, những người vô danh giận dữ lên tiếng vì sự mờ ám, có lẽ, mọi sự đã được dàn xếp trở thành một cái chết ngớ ngẩn không liên quan đến trường Gateway đang ăn nên làm ra. Theo kịch bản, bé sẽ được chết nhạt nhòa trong nền đạo đức xã hội chủ nghĩa. Không những bé trai đó, người phụ nữ đưa đón học sinh có lẽ cũng có một số phận không lành, vì sự bộc trực của bà.

Sống hay chết, trẻ em Việt đều đang bấp bênh trước những cửa ngõ vào đời, bất chấp đầy dẫy các hội, đoàn nhân danh các em mà được xênh xang, bất chấp các lời cam kết, tuyên thệ thơm phưng phức lấy ra từ các lò bánh vẽ mỗi ngày.

Số phận có công lý của nó. Những số phận nghèo hèn hay cao sang, đều có những kịch bản-công lý bất ngờ. Trong thế giới duy vật đắc chí hôm nay, mọi nỗ lực thực tế bằng tiền của hay địa vị để mưu cầu một vị trí vượt lên đồng loại, cũng không thể chọn lựa được màu của số phận. Ngay vào lúc nhà nước giương cao ngọn cờ mãi miết vinh thân phì gia, người dân chỉ nên lo kiếm cái ăn cái mặc, những chuyện khác “hãy để cho nhà nước giải quyết”, những ví dụ ập đến, bộc lộ cốt lõi đang sụp đổ của một xã hội chỉ còn phục vụ ánh nhìn duy lợi.

Chết nhiều thật. Những con số người Việt chết hàng năm vì ung thư, tử nạn vì giao thông, chết vì tiêm chích, dịch bệnh, chết vì lũ lụt, chết trong đồn công an…trở nên là những cột mốc cao ngất, cao như một cường quốc về cái chết.

Khổ nạn nhiều thật. Những câu chuyện kể trong thời kết nối vũ trụ nghe mà sợ. Ô nhiễm tràn các con đường, bờ biển, đô thị. Đất đai bị cướp cho dự án, cho âm mưu, rừng núi trơ trọi và sông hồ cạn kiệt, người lên tiếng bị tù đày, tín ngưỡng truyền đời bị càn quét… đất nước chữ S ngày càng cong quặn vì những khổ nạn chất chồng.

Nhưng chúng ta, có thể đáng chết, có thể đáng phải nhận khổ nạn, nhưng con cháu chúng ta không đáng phải nhận những gì đang thấy, đang diễn ra hôm nay. Lẽ ra, những đứa trẻ Việt Nam phải có một cuộc sống khác, một tương lai khác. Lẽ ra, non nửa thế kỷ với một chính quyền thống nhất địa lý, trẻ em Việt phải được hưởng thụ một xã hội có một lộ trình tương lai khác.

Có lẽ, chúng ta cần phải quỳ xuống xin lỗi những đứa trẻ Việt Nam. Con cháu của một dân tộc đang chứng kiến sự nhu nhược, suy đồi và bế tắc từ cha anh của chúng. Khổ nạn hay cái chết của chúng không phải là may rủi, mà là sự thỏa hiệp và cam chịu tệ hại của chúng ta.

Có lẽ, chúng ta cần quỳ xuống xin lỗi những gia đình mang khổ nạn, đang chịu những cái chết. Vì họ là đồng bào. Vì họ cùng chia sẻ đất nước này với chúng ta trong thế kỷ bị nhà cầm quyền dẫn dắt vào mê lộ duy lợi, chỉ còn biết đến mình, tranh nhau vượt lên và hài lòng vì thấy mình đã khôn khéo hay khỏe mạnh nhất, để giành được chỗ đứng gần máng ăn của nông trại-người. Chúng ta xin lỗi vì đã mê mãi trong cuộc đua vô nghĩa, mà đau đớn nhất, con chuột đến nhất trong cuộc đua chuột, vẫn chỉ mãi là một con chuột.

Chúng ta cần xin lỗi tổ tiên, đất nước này. Vì lẽ nơi chốn đã cưu mang chúng ta, nhưng chúng ta đã quá hèn yếu và bất lực, đã để mặc cho những người cầm quyền tham danh hám lợi, đưa cuộc sống chúng ta thành một bàn cờ, mà mỗi nước đi chỉ thí mạng con người cho việc dựng lên những lâu đài mới, dòng tộc tự xưng và những bài hát màu hồng về số phận, khổ nạn, về cái chết của chúng ta, của chính con cháu chúng ta.