Vài tin liên quan đến Formosa Plastics làm bài học cho Việt Nam

Theo tin ngày 6/12/2016 của tờ Metal Bulletin các quan chức hãng China Steel Corporation (CSC) Đài Loan cho biết đã cử một nhóm 16 chuyên gia, nhân viên của hãng, tới Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam để đánh giá tình trạng và chuẩn bị vận hành lò cao số 1. Nhóm này còn có nhiệm vụ giúp Ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh kiểm kê nhân lực và trang thiết bị để đi vào hoạt động.

Tuy CSC chưa ước tính được ngày khởi công chính thức, thay cho dự tính vào tháng 12 năm 2016 trước khi xảy ra vụ thảm hoạ môi trường biển, nhưng các báo cáo tin tức địa phương cho rằng sẽ vào quý đầu tiên của năm 2017.

Tin trên nằm trong chiều hướng chương trình tuyển mộ nhân viên của Formosa Hà Tĩnh đăng trên Facebook của hãng này vào ngày 15 và 16 /12/2016.

Mối quan hệ giữa Chính phủ Đài Loan với China Steel Corporation hoặc với Formosa Plastics Group (Tập đoàn Nhựa Đài Loan)

Formosa Hà Tĩnh gồm 70% thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp Đài Loan Formosa Plastics Group, 25% thuộc sở hữu của CSC, và JFE Steel của Nhật Bản sở hữu 5% còn lại.

China Steel Corporation

Là công ty thép lớn nhất Đài Loan nắm giữ hơn 50% thị phần nội địa với mức sản xuất khoảng 14.8 triệu tấn trong năm 2015 và là công ty thép lớn thứ 23 trên thế giới.

Từ một công ty tư chính thức bắt đầu tháng 12/1971, CSC chuyển thành công ty nhà nước tháng 7/1977 rồi từ tháng 4/1995 lại được tư hữu hóa, nhưng trên thực tế Chính phủ Đài Loan vẫn giữ số cổ phần cao nhất do đó có quyền chỉ định Chủ tịch của công ty.

Ông Wong Chao-tung, vị Chủ tịch mới được bổ nhiệm tháng 6/2016 là người đã điều hành Công ty China Steel Sumikin Vietnam từ năm 2010 tới cuối 2015, tuyên bố khi nhậm chức là ông sẽ theo ” Chính sách hướng Nam mới” của Chính phủ, nhằm tăng cường và mở rộng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp thép Đài Loan tại các quốc gia ASEAN, Nam Á, Australia và New Zealand,

Formosa Plastics Group (Tập đoàn Nhựa Đài Loan)

Theo tờ Focustaiwan News Channel ngày 3/10/2016,  mặc dù gặp khó khăn với dân chúng vì gây ô nhiễm môi trường tại Đài Loan cũng như Việt Nam, cổ phiếu FPG vẫn tăng 0,51%.

FPG là công ty tư hữu lớn nhất của Đài Loan với giá trị vốn hóa thị trường (Market Cap) vào cuối năm 2015 là 21tỷ với 78.565 nhân viên nội địa và 32.112 nhân viên tại các quốc gia khác trên thế giới, do đó đang dùng thế mạnh kinh tế để “giao chiến” với những nhóm bảo vệ môi trường Đài Loan và cả những Chính phủ địa phương họ không ảnh hưởng được, thí dụ như tình trạng hiện nay tại Changhua.

Chính quyền vùng Changhua (Chương Hoá) sau nhiều lần cảnh cáo Formosa Chemicals & Fibre Corporation (Formosa Hóa chất và Sợi) đã từ chối không gia hạn hoạt động cho công ty này sau ngày 28/9/2016 vì đã không giải quyết vấn đề giảm lượng lưu huỳnh trong khí thải theo đúng tiêu chuẩn. Phó Chủ tịch Formosa Chemicals, ông Hong Fu-yuan phản công tuyên bố quyết định đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng đến 1.000 lao động và kết án chính quyền địa phương cố tình không chấp thuận đơn xin gia hạn của Formosa 37 lần trong vòng 3 tháng qua và loan báo đưa nội vụ ra trước tòa án.

Khoảng 3.000 người tranh đấu bảo vệ môi sinh đã biểu tình yêu cầu chính quyền Changhua giữ vững đòi hỏi chính đáng trước áp lực phản công của Formosa Chemicals. Trong khi đó dù Thẩm phán Wei Ming-ku của Toà án Changhua đích thân đến gặp và hứa chính quyền sẽ bảo vệ quyền lợi lao động, 1.000 nhân viên Formosa Chemicals đã đem theo gia đình đi biểu tình đòi gia hạn hoạt động cho công ty, gây xô xát lớn với cảnh sát đưa tới hơn 60 người bị thương và khoảng 12 người phải nhập viện.

Trong khi đó tại Renwu (quận Nhân Vũ thuộc thành phố Cao Hùng), bà Joan Tsai thuộc nhóm Mercy on the Earth, Taiwan (MET) cho biết nhóm của bà đã cộng tác với một Giáo sư đại học National Kaohsiung Marine University (Đại học Hàng hải quốc gia Cao Hùng) lấy mẫu từ 14 giếng nước ngầm tại Renwu  và sông Houjing, trong suốt thời gian 5 tháng, để thử nghiệm. Kết qủa từ 1.800 mẫu thử nghiệm cho thấy lượng hợp chất hữu cơ bay hơi như chloroform, vinyl chloride monomer, 1,2-dichloroethane và dichloromethane cao 1,3 tới 7,35 lần hơn tiêu chuẩn Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA) cho phép.

MET đòi hỏi nhà máy Formosa Plastics Renwu phải lập tức ngừng hoạt động trong khi chờ đợi chính quyền địa phương xác định mức ô nhiễm và khởi động chương trình đánh giá sức khỏe cũng như điều tra dịch học tại vùng hạ lưu sông Houjing.

Khác với tại Changhua, ông Tsai Meng-yu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường thành phố Cao Hùng, tỏ thái độ đứng về phe Formosa, phê bình là cần một thời gian dài hơn nhiều để xác định các chất ô nhiễm đã lan và có thể là các nước trong giếng đã bị ô nhiễm do ô nhiễm tích lũy từ quá khứ. Ngoài ra theo ông, thanh tra định kỳ mỗi 2 tháng cho thấy mức độ ô nhiễm đã thực sự giảm thiểu (?).

Bài học cho Việt Nam

Theo dõi sự tranh đấu của những người bảo vệ môi sinh Đài Loan cho thấy công việc khó khăn, đòi hỏi một chương trình hoạt động khoa học, có tổ chức vững vàng. Chính phủ Đài Loan bị ràng buộc kinh tế, bị Formosa Plastics đem vấn đề thất nghiệp và hỗn loạn xã hội làm áp lực.

Tại Việt Nam, qua China Steel Corporation CSC, Chính phủ Đài Loan lại có cổ phần trong Formosa Vũng Áng, do đó dân Việt Nam không thể đặt quá nhiều hy vọng ở sự ủng hộ của Chính phủ Đài Loan để đối đầu với Formosa Plastics. Thêm vào đó, đằng sau Formosa Plastics là MCC, Metallurgical Corporation of China Ltd. Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Hoa.

Bên cạnh những liên kết với những chính trị gia /nhóm/ hội bảo vệ môi trường Đài Loan, người Việt phải gấp rút liên kết với nhau để tìm phương cách kêu gọi sự chú ý và giúp đỡ của quốc tế về mặt tích cực bảo vệ môi sinh và về mặt luật pháp. Muốn vậy cần phải nhẫn nại và nghiêm chỉnh thu thập bằng chứng trong tay để hành động.

Phó mặc cho vài cuộc biểu tình của những nạn nhân nghèo khổ để mong đòi được công lý hoặc chấm dứt được tình trạng ô nhiễm Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã và sẽ tiếp tục gây ra là điều không tưởng. Không một dân tộc trưởng thành nào (và tự cho mình là anh hùng) lại nhắm mắt, bó tay, chờ chết như vậy.

T.Q.

Nguồn: Boxitvn