Tiền đâu xây Biệt phủ

Vào năm 2014, dư luận đã xôn xao khi cơ ngơi hàng triệu đô của quan cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền được khám phá trên một lô đất 16.000 m2 ở ấp 3, xã Sơn Đông, ngoại ô TP Bến Tre. Giải thích việc xây dựng dinh cơ lộng lẫy để an hưởng tuổi già giữa “quê hương đồng khởi” này, ông Truyền thú nhận một phần là tiền tích cóp của gia đình, một phần của nhiều người bạn cho đá, cho gạch, cho gỗ, cho xi-măng… Trong đó có một “cô em nuôi” thật đáng quý ở quận 9, TP.HCM, đã nhiệt tình hỗ trợ tiền bạc cho quan Tổng khi thiếu hụt.

Sau nhiều đợt học tập “quán triệt” nghị quyết làm sao cho đảng trở thành “trong sạch vững mạnh”, mọi việc gần trở thành quên lãng sau khi ông Truyền bị kỷ luật cảnh cáo và hạ cánh an toàn. Thế nhưng trong thời gian vừa qua lại có ít nhất 10 dinh cơ được đưa lên mạng xã hội mà quy mô của chúng làm mọi người phải ngẩn ngơ. Giờ đây dư luận gọi chúng với danh từ pha mùi tôn kính chủ nhân, đó là những “biệt phủ” thậm chí còn là “siêu biệt phủ”. Chẳng hạn “siêu biệt phủ” của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Phạm Sĩ Quý, giữa cảnh núi rừng hùng vỹ Yên Bái còn vương mùi thuốc súng năm 2016.

https://www.youtube.com/watch?v=d6zCx_Wh7No

Hay Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái được cho là đang sở hữu một khu biệt phủ trên một ngọn đồi thuộc thành phố Yên Bái. Đây chỉ là hai trường hợp điển hình bị dư luận phanh phui gần đây nhất, trong khi các địa phương khắp nước còn biết bao lâu đài tráng lệ mọc lên như thách thức sự nghèo đói của người dân.

Câu hỏi đơn giản đầu tiên bật ra: tiền đâu để các cán bộ thanh liêm đảng CSVN ở các tỉnh, thành phố và trung ương tạo dựng cơ ngơi bề thế cho mình, trong khi lương hàng tháng của họ được mô tả là khiêm nhượng? Để trả lời thắc mắc nêu trên, tất cả các chủ nhân đều nói rằng họ xây dựng những biệt phủ này từ một số nguồn sau.


Biệt phủ của gia đình Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: Bảo Lâm.

- Vay mượn ngân hàng: điển hình như ông em của bà Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đã tự nêu lên một lý do hết sức thuyết phục người nghe, “tôi vay ngân hàng 20 tỷ”. Nhưng khổ nổi một chuyên viên ngân hàng đã phân tích cụ thể: với tiền lương hàng tháng hiện nay, ông Giám đốc Phạm Sĩ Quý không đủ tiền trả lãi, chưa nói tới vốn vay. Vả lại ông giám đốc cũng chẳng có tài sản nào đáng giá để thế chấp cho ngân hàng ngoài gian nhà 150 mét vuông xoàng xoàng ở Hà Nội. Do đó nhiều người mới bảo nhau, ông Quý có một thứ đáng quý trong thời đại ngày nay có thể dùng để thế chấp: đó là bà chị bí thư tỉnh ủy. Cứ thế chấp bà chị thì cửa ngân hàng nào chẳng lọt?

- Nuôi heo đàn: Đây là một cái nghề phổ biến nhất trong xã hội, dễ kiếm tiền nhất nếu thương lái Trung Cộng không eo sách và nhà nước bảo đảm có chiến dịch giải cứu. Xây được biệt phủ nhờ vợ con nuôi heo, chăn bò quả là một chứng minh trong sáng và thực tế nhất. Từ đàn heo này sinh sản ra đàn heo kia, không mấy chốc nhà cán bộ lãnh đạo nào cũng đầy heo. Tiền vô như nước, tại sao không chăn heo cho hợp pháp khối tài sản mà thiên hạ xấu mồm bảo là bất minh?

- Chạy xe ôm: Đây cũng là một nghề cao quý mà nhiều cán bộ nếu không tự khai cũng không ai biết cán bộ ấy đã từng chạy xe ôm những ngày còn cù bơ cù bất. Nó tượng trưng cho sự tích góp lương thiện bằng mồ hôi, thực hiện tốt câu đảng dạy “lao động là vinh quang”. Dĩ nhiên đó là thời gian mà người ta chưa được kết nạp đảng. Còn khi đã là đảng viên thì phải từ giã xe ôm để bước lên ôm nghề làm đầy tớ nhân dân.

- Làm đủ thứ việc: Quan niệm thông thường trong xã hội, nghề nào cũng cao quý miễn nó lương thiện. Những cán bộ đảng thời kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, khi bị đánh dấu hỏi về các biệt phủ nguy nga từ đâu mà có, cũng tự khai ra mình đã làm đủ thứ việc để kiếm tiền, kể cả những nghề ít ai ngờ tới. Chẳng hạn Giám đốc Phạm Sĩ Quý đã kể lể thật đáng thương về thời trẻ của mình, lam lũ vươn lên bằng cách làm đủ thứ nghề, kể cả “mua chổi đót, lá chít” từ Yên Bái về Hà Nội bán… Nghĩa là ông chẳng tơ hào đồng bạc nào của ngân sách, hay chia chác khối gỗ quý nào của rừng Yên Bái. Mà dinh cơ của ông là do chắt mót từ lá chít, chổi đót, đóng giày gầy dựng nên.

Hãy cứ tạm tin là các cán bộ nhà nước giàu lên nhờ làm ăn lương thiện, hợp pháp, nào là kinh doanh địa ốc, nuôi heo, chạy xe ôm trong nhiều năm thì câu hỏi đặt ra:

1. Họ là những viên chức cao cấp của nhà nước mà lại đi làm thêm đủ thứ để có bạc tỷ xây nhà, hóa ra nghề cán bộ của họ là phụ và đi buôn mới là chính. Vậy còn đâu thời giờ để phục vụ nhân dân, làm tròn nghĩa vụ “đầy tớ nhân dân” như họ từng tự hào? Hay họ chỉ chăm lo núi tài sản của mình càng ngày càng cao?

2. Một khi coi đi buôn là chính để kiếm tiền thì những công việc mà họ phụ trách trong chính quyền chỉ là bàn đạp để họ tìm cách khai thác làm giàu. Tiền bạc sẽ làm họ dễ dàng móc nối với cấp cao hơn và chính cái mối quan hệ trong bóng tối ấy sẽ giúp họ làm giàu nhanh chóng hơn. Mối quan hệ ấy cũng tạo cơ hội tốt cho việc thăng quan tiến chức trong chính quyền, ngay cả trong đảng. Điều này cũng cho thấy mặt trái của đảng lãnh đạo, một bộ mặt lem luốc đầy những vết chàm.

3. Khi họ đi buôn lớn để thu vào tiền tỷ thì sẽ phải liên hệ nhiều đầu mối, kết nối chuyện làm ăn phi pháp. Nói cách khác, là tạo thành một phe nhóm để kinh doanh phi pháp bằng chức vụ chính quyền và tài sản đất nước. Ăn chia với nhau và đối địch, triệt hạ những phe nhóm khác để giữ thế độc quyền. Đây cũng là lời giải thích lý do của vụ thanh toán nhau bằng súng đạn năm ngoái giữa các đầu sỏ tỉnh Yên Bái.


Cựu TBT Nông Đức Mạnh với bộ ngai vàng đầu rồng. Ảnh: Internet

Trả lời được 3 câu hỏi trên, người ta sẽ tìm ra đáp số “Tiền đâu xây Biệt phủ”. Đó chính là tiền ăn cắp tài nguyên quốc gia để làm của riêng. Cán bộ ở rừng thì ăn cắp rừng, cán bộ ở đồng bằng thì chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, địa phương ăn cắp theo địa phương, trung ương ăn cướp theo trung ương. Chúng ăn cắp công khai, hợp pháp mà sự ăn cắp này không phải lẻ tẻ một hai nhân vật mà cả một phe nhóm bao che, hợp tác với nhau.

Do đó, vài ba ngôi biệt thự đuợc chiếu cố chỉ là phần nổi của một số tên cán bộ tham lam thích khoe của khi đang tại chức. Những đầu sỏ khôn ngoan hơn, đa số sẽ giấu kín và chờ ngày hạ cánh an toàn mới hưởng thụ. Cứ nhìn cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chễm chệ trên ngai vàng khi tiếp khách tại tư dinh thì thấy ngay.

Theo http://www.viettan.org