Tiêm liều 3 : Các loại vac-xin có thích ứng được với các biến thể ?

Tại một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 ở thành phố Saint Jean de Luz, phía tây nam Pháp, ngày 29/11/2021 © AP Photo/Bob Edme

Anh Vũ  - RFI|

Tại Pháp, chiến dịch tiêm vac-xin ngừa Covid-19 liều thứ 3 đã được mở rộng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Không ít người có những thắc mắc về liều tiêm chủng nhắc lại này. Thành phần và hoạt tính trong vac-xin liều 3 có được thay đổi không ? Đây là câu hỏi chính đáng khi biến thể virus Delta lây lan hơn virus corona ban đầu đang tràn lan ở châu Âu. 

Trong lúc đó, các loại vac-xin hiện có đều được bào chế trên cơ sở virus gốc. Các nhà bào chế có làm gì để vac-xin của họ thích ứng với biến chủng Delta?

Trước hết cần nhắc lại là tiêm vac-xin tức là tiêm vào cơ thể một mảnh virus để cơ thể sản sinh ra miễn dịch tự vệ với virus đó. Trong trường hợp cụ thể đối với Covid-19, các loại vac-xin ngừa virus Sars-CoV2 cho phép hệ miễn dịch nhận biết các protéine có tác dụng như « chìa khóa » để virus xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Proteine này có tên gọi tiếng Anh là « spikes » nằm trên bề mặt virus.

Nhưng protéine này không cố định, tùy theo các biến thể khác nhau, nó có thể thay đổi để tồn tại bằng cách đột biến gien. Proteine này càng đột biến thì các chìa khóa vào tế bào cũng thay đổi so với phiên bản ban đầu làm cho hệ miễn dịch đã có được từ tiêm chủng hay tự nhiên không còn nhận biết được và kháng thể tạo ra trước sẽ kém hiệu quả.

Điều này gần giống với những gì diễn ra với biến thể Delta, nhưng ở mức độ hạn chế. Virus corona đã có hơn chục đột biến ở protéine Spike so với virus gốc. Nhưng những thay đổi đó không đủ vô hiệu hóa vac-xin. Chuyên gia nhiễm trùng học Pháp  Odile Launay giải thích : « Hiện tượng giảm công hiệu vac-xin được ghi nhận với biến thể Delta không lớn. Điều này còn là do thời gian từ mũi tiêm đầu tiên ».

Ông Jean-Daniel Lelièvre giáo sư miễn dịch học, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm bệnh viện Henri-Mondor, Créteil, Pháp thì khẳng định, « việc tiêm liều vac-xin thứ 3 có công hiệu tốt chống các thể nặng. Trên cơ sở những yếu tố đó mà các nhà bào chế không triển khai vac-xin mới thích ứng với biến thể Delta.  Khi biến thể không khác nhiều với virus gốc, thì không cần thiết phải làm lại toàn bộ sơ đồ vac-xin bằng loại mới ».

Hãng Moderna cách đây vài tháng đã bào chế một loại vac-xin thích ứng với biến thể Bêta, xuất hiện ở Nam Phi tháng 5/2020. « Họ đã chứng minh rằng tỷ lệ kháng thể có được sau tiêm liều thứ 3 với vac-xin cũ và vac-xin chống Bêta là như nhau », theo giáo sư Jean-Daniel Lelièvre. Biến thế Beta này hầu như không còn tìm thấy trên thế giới từ tháng 9/2021, theo các dữ liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Hiện tại chưa có cập nhật các loại vac-xin

Tất cả các hãng bào chế Moderna, Pfizer/BioNTech, Janssen hay AstraZeneca đều chưa đưa ra thị trường phiên bản cập nhật vac-xin. Ngay cả liều lượng cũng không bị thay đổi, chỉ có Moderna cho giảm một nửa lượng ARN thông tin cho liều thứ 3. Vac-xin của Moderna ngay từ đầu đã có liều lượng cao hơn Pfizer.

« Mũi tiêm nhắc lại của Moderna chứa 50 micrograme ARN thông tin, trong khi của Pfizer có 30 micrograme », giáo sư miễn dịch học Stéphane Paul, thành viên Ủy ban vac-xin Covid 19 của Pháp cho biết cụ thể. Chuyên gia này cho rằng không cần phải đưa nhiều hoạt chất vào liều tiêm nhắc để đánh thức các tế bào miễn dịch sản xuất kháng thể.

Tuy nhiên các nhà khoa học đều không tin vac-xin chống biến thể Delta là thừa. Nếu có liều nhắc lại riêng cho biến thể Delta thì vẫn tốt hơn. Theo giáo sư Stéphane Paul, « nhưng trên thực tế việc này cần có thời gian. Cách tính toán là thế này : Nên chăng đợi thêm 6 tháng để tiêm liều nhắc lại hiệu quả hơn hay  tiêm nhanh và sớm hơn với vac-xin gốc ? »

Dù sao cũng không loại trừ trong tương lai sẽ có một công thức vac-xin mới. Biến thể Omicron vừa được phát hiện lại càng khẳng định hướng này.

Dù hiện tại, người ta không biết liệu vac-xin hiện nay có còn công hiệu chống lại biến thể mới này hay không ? Các kết quả phân tích phải đợi trong hai tuần nữa. « Với các loại vac-xin công nghệ ARN thông tin, không khó lắm để triển khai một loại vac-xin mới. Nhưng đi kèm với việc đó là phải triển khai quy trình sản xuất riêng. Chỉ khi nào vac-xin thực sự mất nhiều công hiệu thì mới tính đến chuyện thay đổi ».

Theo các chuyên gia, trong trường hợp phải bào chế vac-xin mới các hãng dược cũng có thể sẽ không phải làm lại tất cả các xét nghiệm lâm sàng từ A đến Z. Nhưng họ sẽ phải tiến hành các nghiên cứu so sánh sinh học, thí dụ như giữa 1000 người đã tiêm nhắc lại với vac-xin cũ và 1000 người người khác được tiêm vac-xin mới.

Dự tính cập nhật vac-xin với Omicron

Rất năng động, các phòng thí nghiệm Pfizer, Johnson&Johnson và cả Moderna ngay hôm thứ Hai tuần này (29/11) cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu về một phiên bản mới vac-xin chống Covid nhằm riêng vào biến thể Omicron, trong trường hợp các loại vac-xin hiện có không đủ hiệu quả chống biến thể mới.

Ngày 30/11, Cơ quan quản lý thuốc châu Âu đã có phản hồi, bảo đảm rằng các loại vac-xin được thích ứng chống lại biện thể mới Omicron có thể sẽ được cấp phép trong vòng 3 đến 4 tháng nếu vac-xin đó là cần thiết.

Người ta vẫn còn chưa biết các đặc tính của biến thể này, nhưng dù gì độ nhạy cảm của biến thể mới này với vac-xin sẽ không phải hoàn toàn không lo lắng, theo đa số các chuyên gia. Hầu hết đều khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng tiến hành tiêm liều thứ 3.

Mặt khác, mũi  nhắc lại sẽ càng có hiệu quả hơn khi phải tiêm loại khác với hai mũi ban đầu. «  Nhiều người ban đầu tiêm vac-xin AstraZeneca, sau đó tiêm nhắc lại bằng Pfizer hay Moderna, cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh hơn, biết đâu lại kháng tốt hơn với các biến thể », giáo sư Stéphane Paul nhấn mạnh.

Không loại trừ trong tương lai, các hãng dược sẽ quan tâm đến một loại vac-xin đa dụng để có thể chống lại cùng lúc nhiều biến thế. « Việc làm này cần triển khai các quy trình lâm sàng riêng, khó quản lý trong giai đoạn đại dịch như hiện nay », giáo sư Paul khẳng định. Ông cho rằng, nếu tiêm nhắc lại định kỳ là cần thiết cho mọi người hay một bộ phận dân cư thì có lẽ người ta sẽ đi theo hướng đó.

(Theo Le Figaro)