Thủ tục hoãn thi hành Bộ Luật Hình Sự 2015 vi hiến như thế nào?

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Bộ Luật hình sự 2015) lẽ ra có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, nhưng đã được hoãn lại một cách vội vã bằng một thủ tục kỳ lạ, không được Hiến pháp 2013 quy định.

Lý do là vì cách vài ngày trước khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, các quan chức của Quốc hội được chỉ thị phải hoãn thi hành. Tuy nhiên, do không có đủ thời gian triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường tại Hà Nội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) phải họp gấp vào sáng ngày 27/6/2016 để quyết định giao cho Đoàn ĐBQH của các địa phương tổ chức họp nội bộ từng đoàn để thảo luận. Trong các cuộc họp Đoàn ĐBQH đó, từng Đại biểu Quốc hội sẽ ghi phiếu biểu quyết rồi đặt vào một phong bì dán kín.

Trên phiếu biểu quyết có ghi ý kiến tán thành/không tán thành/không biểu quyết để đại biểu lựa chọn. Sau khi biểu quyết, phiếu sẽ được niêm phong và tập hợp về hòm phiếu tại tòa nhà Quốc hội. Ban kiểm phiếu đã được thành lập ngay vào ngày 27/6. Văn phòng từng Đoàn ĐBQH các tỉnh có trách nhiệm thu các phiếu đó, mang đến hội trường Quốc hội để bỏ vào hòm phiếu trước 15 giờ ngày 29/6, sau 15 giờ thì mở hòm phiếu để tiến hành kiểm phiếu. Kết quả biểu quyết được công bố vào ngày 30/6/2016.
 


    Văn phòng Chủ tịch nước công bố Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình hôm 30-6-2016. Ảnh: news.zing.vn

Họ gọi cách biểu quyết thông qua nghị quyết đó là “trưng cầu biểu quyết của các đại biểu”, một thủ tục không được quy định cụ thể và rõ ràng trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 (Luật Tổ chức Quốc hội). Tuy nhiên, các quan chức của Quốc hội vẫn khẳng định rằng việc bỏ phiếu và kiểm phiếu bất thường đó vẫn “bảo đảm quy trình chặt chẽ”.

Dù cách thức “trưng cầu biểu quyết của các đại biểu” có thể được tổ chức theo quy trình chặt chẽ như báo chí mô tả, nhưng thủ tục thông qua Nghị quyết hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015 vừa rồi vẫn trái với Hiến pháp 2013 bởi các lý do sau đây:

1) Theo Điều 83 của Hiến pháp 2013, Quốc hội họp công khai mỗi năm hai kỳ. Điều 90 Khoản 3 của Luật Tổ chức Quốc hội diễn giải cụ thể rằng Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội.

2) Điều 94 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội mà Hiến pháp ấn định, trong đó Khoản 3 của điều này liệt kê phiên họp của các Đoàn ĐBQH cũng được xem là hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội, nhưng phải trong khuôn khổ hai kỳ họp hàng năm và cũng chỉ nhằm thảo luận các nội dung thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội, chứ không phải để biểu quyết thông qua luật và nghị quyết vốn dành cho các phiên họp toàn thể.

3) Điều 3 của Luật Tổ chức Quốc hội khẳng định Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị. Cụ thể hơn, Điều 96 Khoản 1 của luật này quy định Quốc hội quyết định mọi vấn đề tại phiên họp toàn thể bằng biểu quyết, trong đó Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết, chứ không phải tại phiên họp của các Đoàn ĐBQH riêng lẻ như cách thức thông qua Nghị quyết hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015 vừa rồi.

4) Cần lưu ý, trong 5 nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn ĐBQH, như được quy định tại Điều 43 Khoản 2 của Luật Tổ chức Quốc hội, thì Đoàn ĐBQH chỉ có quyền tổ chức họp để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, pháp lệnh, các dự án khác và dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chứ hoàn toàn không có quyền tổ chức cái gọi là “trưng cầu biểu quyết của các đại biểu” để thông qua một nghị quyết của Quốc hội trong lúc Quốc hội không nhóm họp theo định kỳ nói trên.

Như vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, có thể thấy thủ tục thông qua Nghị quyết hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015 không những trái với Hiến pháp, mà còn vi phạm các quy định cụ thể của Luật Tổ chức Quốc hội. Một nghị quyết như vậy chắc chắn không có giá trị pháp lý, với hệ quả là Bộ Luật hình sự 2015 nghiễm nhiên vẫn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016 vừa qua.

Đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, chưa từng có trong lịch sử lập pháp của Quốc hội Việt Nam kể từ năm 1946. Do đó Quốc hội, và trên hết là Chủ tịch Quốc hội, phải chịu trách nhiệm đối với hành động vi hiến rất nghiêm trọng này. Nếu các cơ quan tư pháp và tòa án vẫn tuân thủ một nghị quyết vi hiến như thế và tiếp tục áp dụng bộ luật hình sự cũ, thay vì Bộ Luật hình sự 2015, thì càng có thể thấy rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ máy tư pháp công nhiên không đếm xỉa đến Hiến pháp.

Sự việc này báo hiệu một giai đoạn suy thoái tệ hại và cuối cùng của thể chế chính trị đảng trị tại Việt Nam, trong đó Hiến pháp và luật pháp có thể bị chà đạp trắng trợn một khi ý chí chính trị quyết định cần phải hành động gấp rút để bảo vệ lợi ích tối thượng nào đó của đảng cầm quyền. Tất nhiên, cho đến nay Hiến pháp vẫn thường xuyên bị vi phạm, nhưng điều đó thường được che đậy khéo léo bằng mị dân hoặc tuyên truyền dối trá để người dân không dễ dàng nhận ra, nhưng đã đến thời kỳ sự khéo léo đó trở nên không cần thiết và quan trọng bằng lợi ích phe nhóm nữa.

Dù sao, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn khả năng cai trị xảo trá bằng Hiến pháp và luật pháp một cách bình thường như trước đây. Càng ngày sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và thế giới hiện đại càng mang đến nhiều vấn đề nan giải vượt quá năng lực trị quốc của tầng lớp cầm quyền, nên các khuyết tật không sửa chữa được của thể chế chính trị lỗi thời này cũng bộc lộ gần hết. Con quái thú đã hiện nguyên hình trước bàn dân thiên hạ.

Nguồn: FB Lê Công Định