Thêm một nhà báo trực ngôn nhận án nhiều năm tù tội ‘trốn thuế’

Cựu nhà báo Mai Phan Lợi tại phiên toà xét xử hôm 11/1 ở Hà Nội. Người từng đại diện cho xã hội dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội năm 2016 bị kết án 4 năm tù tội "trốn thuế."

VOA Tiếng Việt

Việt Nam vừa kết án thêm một nhà báo với tội danh “trốn thuế” khi Toà án Nhân dân Hà Nội tuyên 4 năm tù cho ông Mai Phan Lợi, cựu phó tổng thư ký toà soạn báo Pháp Luật và là một trong những đại diện xã hội dân sự từng gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội.

Phiên toà xét xử ông Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), diễn ra trong một ngày hôm 11/1, theo truyền thông nhà nước. Cựu nhà báo 51 tuổi bị toà ở Hà Nội tuyên phạt 48 tháng tù với cáo buộc là người “chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai nộp thuế”.

Ông Lợi, người sáng lập MEC – một tổ chức phi lợi nhuận có kênh tuyền thông GTV chuyên sản xuất các chương trình giáo dục cho công chúng về các kỹ năng và kỹ thuật giao tiếp, bị bắt giữ vào cuối tháng 6 năm ngoái vì cáo buộc “trốn thuế”.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lúc đó đã kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho nhà báo này vì cho rằng cáo buộc “trốn thuế” theo điều 200 của Bộ luật Hình sự rất mơ hồ và không không nêu rõ bản chất của tội danh bị cáo buộc.

Theo cáo trạng được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Lợi đã “chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai, nộp thuế” và sau đó “chiếm hưởng toàn bộ số tiền trốn thuế”.

Ông Bạch Hùng Dương, giám đốc của MEC và là người cùng bị đưa ra xét xử hôm 11/1, bị Viện kiểm sát cho là đã “thực hiện chỉ đạo” của ông Lợi “không kê khai nộp thuế” và hưởng lợi gần 2 tỷ đồng từ các khoản tài trợ trị giá hơn 19 tỷ đồng mà MEC nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước kể từ khi thành lập vào năm 2012 đến tháng 3/2021, theo Thanh Niên. Ông Dương bị kết án 2 năm rưỡi tù với cùng tội danh.

Cả ông Lợi và ông Dương đều là thành viên điều hành của Mạng lưới VNGO-EVFTA, một nhóm gồm 7 tổ chức dịch vụ cộng đồng được thành lập vào tháng 11 năm ngoái để phối hợp các hoạt động liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Cả hai người được biết tiếng trong việc chủ động khởi xướng các hoạt động tập trung vào quyền môi trường trong nước.

Một tiền án tương tự đã xảy ra với ông Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền vì người nghèo có tiếng ở Việt Nam, khi ông cũng bị kết án 2 năm rưỡi tù vì tội “trốn thuế” vào năm 2013.

“Chúng tôi không bị lừa bởi cáo buộc gian lận thuế chống lại ông Mai Phan Lợi”, ông Daniel Bastard, trưởng Ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói khi kêu gọi trả tự do cho ông Lợi không lâu sau khi nhà báo này bị bắt giữa năm ngoái. “Mọi thứ chỉ ra rằng đó chỉ là cái cớ để bịt miệng một nhà báo đã cố gắng làm công việc của mình để đưa tin đến cho đồng bào của mình một cách chính đáng”.

Ông Lợi bị từ chối gia hạn thẻ nhà báo vào năm 2016 sau khi điều tra các trường hợp bí ẩn trong đó có CASA-212, một máy bay tuần thám của cảnh sát biển Việt Nam rơi khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Ông Lợi lúc đó đưa ra một cuộc khảo sát mở trên Diễn đàn Nhà báo trẻ về nguyên nhân “Vì sao CASA-212 tan xác”, trong đó có một phương án trả lời là “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật”. Theo Báo Pháp Luật cho biết lúc đó, Bộ TTTT thu hồi thẻ của ông Lợi vì cho rằng ông đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam.”

Ông Lợi, một trong 6 đại diện các tổ chức dân sự gặp mặt Tổng thống Obama khi người đứng đầu Nhà Trắng lúc đó tới thăm Hà Nội vào tháng 5/2016, gia nhập danh sách ngày càng nhiều các nhà báo Việt Nam từng làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước và sau đó bị bắt cũng như bị kết án khi chọn làm việc tự do và độc lập, trong đó có Phạm Đoan Trang, Phan Bùi Bảo Thy và nhóm Báo Sạch.

Việt Nam được xem là không có tự do báo chí khi bị RSF xếp hạng 175/180 trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021.