Tại sao ông Trọng cho “trảm” Nguyễn Văn Bình?

Trung Điền - Việt Tân

Trong lúc dư luận đang hướng về nước Mỹ để chờ kết quả cuộc bầu cử xem ông Trump hay ông Biden sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ cho 4 năm tới (2021-2025), thì Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN đã thông báo một bản tin thuộc loại bom tấn, khiến cho dư luận khá bất ngờ. Đó là đề nghị xem xét kỷ luật đối với ủy viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Bình, trong phiên họp lần thứ 49 của Ủy Ban vào ngày 3 tháng Mười Một vừa qua.

Gọi là “bom tấn” vì sự kiện ông Nguyễn Văn Bình bị xem xét kỷ luật ngay khi chỉ còn vài tháng nữa đại hội đảng CSVN lần thứ 13 khai mạc, đồng nghĩa với nhiều xác suất là cuộc đời thăng tiến chính trị của ông Bình sẽ chấm dứt ở đại hội này. Nói cách khác, với đề nghị xem xét biện pháp kỷ luật của Ủy Ban Kiểm Tra, dù ở mức thấp nhất là cảnh cáo, thì ông Nguyễn Văn Bình không còn có cơ hội để được tiến cử vào trung ương nhiệm kỳ 13 và ước mơ trở thành một trong tứ trụ (ghế thủ tướng hay chủ tịch nước) hoàn toàn sụp đổ.

Ông Nguyễn Văn Bình đã dính vào những sai phạm gì để bị phe nhóm ông Trọng “trảm” vào giờ phút chót?

Theo công bố khá mù mờ của Ủy Ban Kiểm Tra thì ông Nguyễn Văn Bình bị sai phạm khi còn làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước từ năm 2011, dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Tội của ông Bình được công bố như sau: “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc… gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân Hàng Nhà Nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự”.

Những dòng chữ này hoàn toàn không nói rõ tội của ông Bình, nhưng sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ Chính Trị xem xét về việc Ngân Hàng Nhà Nước đã mua lại ba ngân hàng với giá 0 đồng gồm Ngân Hàng Xây Dựng (VNCB – nay đổi thành CB Bank), Ngân Hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank), Ngân Hàng Đại Dương (Ocean BanK) khi những ngân hàng này bị phát hiện là “sân sau” của một số cán bộ trong ngành xây dựng và dầu khí để tham ô và bị phá sản. Một số những lãnh đạo của các ngân hàng này như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Tạ Bá Long đang ngồi tù.

Ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị xem xét vì Ngân Hàng Nhà Nước tuy mua lại 3 ngân hàng nói trên với giá 0 đồng, nhưng nhà nước đã phải gánh những khoản nợ xấu do các ngân hàng này gây ra, lên đến chục ngàn tỷ đồng, trong thời gian ông Nguyễn Văn Bình làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước từ 2015-2016. Nói cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ông Nguyễn Văn Bình là người có trách nhiệm khi mua lại những ngân hàng đã phá sản và làm thiệt hại tài sản nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Nguyễn Phú Trọng và Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương lại khui hồ sơ sai phạm của ông Nguyễn Văn Bình vào lúc này mà không là trước đó, khi các vụ xử những sai phạm của các ngân hàng nói trên diễn ra trong các năm 2017 và 2018?

Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961 tại Phú Thọ. Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Liên Xô. Từ năm 1986, ông Bình đã bắt đầu làm việc tại Ngân Hàng Nhà Nước với nhiều chức vụ khác nhau, cho đến năm 2016 thì chuyển qua làm Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương đảng như hiện nay. Có thể nói, ông Nguyễn Văn Bình là nhân vật chính trị có kỹ năng trong lãnh vực tài chánh, ngân hàng.

Khi ông Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước từ tháng Tám 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước nhiều rủi ro. Nợ xấu tăng cao sau giai đoạn khủng hoảng, sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng đã tạo ta tình trạng bất ổn chưa từng thấy, nhưng ông Bình đã giải quyết ổn thỏa và đưa thị trường tài chánh và kinh tế Việt Nam trở lại bình thường từ năm 2015.

Với những thành tựu này, ông Bình được tín nhiệm cao trong đại hội 12 và đã được bầu vào Bộ Chính Trị đứng ở vị trí 13 trên 16 người (cao hơn các ủy viên Bộ Chính Trị khác như Hoàng Trung Hải, Phạm Bình Minh, Đinh La Thăng, Tô Lâm, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai).

Với những khả năng kinh tế – tài chánh, ông Bình trong vai trò trưởng ban kinh tế trung ương đã giúp cho ông Trọng hai nỗ lực đáng kể. Thứ nhất là duy trì sự tăng trưởng kinh tế khá ổn định và lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt hơn 500 tỷ Mỹ Kim (2019). Thứ hai là phụ trách việc biên soạn các văn kiện đánh giá kết quả phát triển kinh tế – xã hội (2016-2020) và phương hướng phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm (2021-2025), mà đích nhắm là vào năm 2035, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.

Trong hội nghị trung ương đảng vào tháng Năm, 2020, khi ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các ủy viên trung ương bầu chọn thử những nhân sự nào nên chọn ở lại cho nhiệm kỳ 13 (2021-2025) thì ông Nguyễn Văn Bình đạt số phiếu khá cao, đề cử vào trong danh sách tân bộ chính trị và có nhiều triển vọng sẽ là chủ tịch nước hoặc thủ tướng.

Cả hai vị trí này chắc chắn đụng phải người của ông Trọng. Nếu ở  vị trí thủ tướng thì sẽ đụng với ông Vương Đình Huệ, hiện là bí thư thành ủy Hà Nội có nhiều triển vọng được nhóm ông Trọng – ông Vượng đưa vào hàng tứ trụ với ghế thủ tướng thay ông Nguyễn Xuân Phúc. Nếu ông Nguyễn Văn Bình được đề cử ghế chủ tịch nước thì sẽ đụng chính ông Nguyễn Phú Trọng, vì phe nhóm ông Trọng đang vận động để ông Trọng tiếp tục ở lại giữ chức chủ tịch nước.

Nói cách khác, nếu ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục ở lại cho nhiệm kỳ 13 (2021-2025) sẽ phá hỏng kế hoạch sắp xếp dàn tứ trụ mà phe ông Trọng muốn củng cố và trung ương đảng sẽ chọn trong hội nghị 14 vào tháng Mười Hai tới đây sẽ là: Trần Quốc Vượng (tổng bí Thư), Nguyễn Phú Trọng (chủ tịch nước), Vương Đình Huệ (thủ tướng), Trương Thị Mai (chủ tịch quốc hội).

Tóm lại, ông Nguyễn Văn Bình bị đề nghị “xem xét kỷ luật” một cách đột xuất của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương là vì ông Bình vốn là đàn em cật ruột của Nguyễn Tấn Dũng, trở thành một đối thủ nặng ký làm trở ngại cho việc sắp xếp nhân sự của ông Trọng cho đại hội 13 dự trù sẽ khai mạc vào tháng Giêng, 2021.

Trung Điền

#nguyenvanbinh  #daudanoibo  #daihoi13