Những người gạt nước mắt mà đi

Nhật báo lớn thứ ba Đài Loan UDN đã đăng tải bức hình này của chị Trần Thị Nga một ngày sau khi tòa sơ thẩm tuyên chị 9 năm tù giam cho tội "tuyên truyền chống nhà nước" trong bản tin về những người hoạt động Việt Nam bị tù đày vì lên tiếng chống lại tập đoàn Formosa.

Nhưng đây là hình ảnh chị Nga của 10 năm về trước, trong một cuộc họp báo ở Đài Loan về tình trạng của người lao động nhập cư. Giọt nước mắt của chị khi ấy là khóc cho thân phận của chính mình - một người lao động Việt Nam gặp nạn trên đất Đài, bị cả chủ người Đài lẫn môi giới người Việt lừa đảo và phó mặc.

Giọt nước mắt ấy đã hòa chung trong biển nỗ lực của các tổ chức và người hoạt động cả Đài lẫn Việt trên đất Đài hàng chục năm qua, giúp công luận và chính giới Đài Loan nhận thức rõ hơn vấn đề của người lao động nhập cư, từ đó có những chính sách tiến bộ hơn để người lao động nhập cư được sống 'người' hơn.

Tuy nhiên, từ khi chị về nước và dần trở thành một người tranh đấu cho dân oan mất đất, cho nạn nhân ô nhiễm môi trường và những cảnh đời oan trái trên đường tìm công lý, hiếm khi thấy chị rơi nước mắt nữa, ít nhất là trước mặt người khác.

Có thể vì chị thấy cuộc sống vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn, hoặc có thể đơn giản chỉ vì tiếp xúc với quá nhiều những phận đời cùng khổ, con người ta thấy những gì mình đã từng chịu chẳng bõ bèn gì. Cũng có thể là tất cả những lý do đó.

Cuộc đời của những người hoạt động như chị Nga, và nhiều người khác nữa, có những lúc rất đáng khóc cho bản thân. Nhưng còn có nhiều lúc hơn thế nữa - những lúc đứng trước những phận người ở tận cùng khổ đau - họ hiểu rằng họ phải gạt nước mắt để bước tiếp.

Ngay lúc này đây, chị Nga đang đứng trước vành móng ngựa cho những điều chị ấy tin là đúng. Và cho cả những giọt nước mắt chị ấy đã gạt đi, hoặc nuốt vào trong, để bước tiếp trên con đường chị ấy đã chọn.