Những Người Chiến Đấu Trong Bóng Tối

11 năm tù và 5 năm quản chế là mức án nặng nề mà toà án tỉnh Nghệ An ngày 15/11/2019 đã tuyên cho thầy Nguyễn Năng Tĩnh, với những cáo buộc vô cớ về tội chống lại Nhà nước XHCNVN.
 
Là người can đảm, trung thực và đầy lòng yêu nước, thầy đã dạy cho các em học sinh biết thế nào là phẩm giá và quyền con người và đòi lại những quyền chính đáng ấy cho dân tộc, cho người dân.
 
Bây giờ thầy phải trả giá bằng án tù oan sai và đầy bất công của nhà cầm quyền cộng sản Nghệ an, nhưng thầy đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa khi biết mục đích của cuộc đời mình và dấn thân trên con đường đó.
 
Người ta cho rằng, mục đích và lý tưởng ấy chỉ đưa thầy, như bao Tù nhân lương tâm khác, vào ngõ cụt của tù tội, nhưng điều đó chỉ là khúc quanh của cuộc đời. Nhà văn Herbert Kaufman đã nói: “Thất bại chỉ là thành công tạm thời bị trì hoãn, chừng nào lòng can đảm còn tôi luyện cho khát vọng. Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng.” và ông còn nói về những người không thực hiện được lý tưởng, nhưng vẫn nuôi dưỡng khát vọng với cái giá phải chấp nhận là sự đày đoạ hàng ngày, “Họ chiến đấu trong bóng tối không tỏa sáng.”
 
Người ta không thể cho ai thứ gì mình không có. Điều mà thầy Nguyễn Năng Tĩnh khát khao và hiểu thấu đáo điều khát khao của mình, là tấm lòng yêu thương quê hương và độc lập, tự do cho dân tộc, là động lực giúp thầy truyền cảm hứng cho những lớp trẻ học sinh của thầy thể hiện qua ý chí, đưa đến hành động và “ước ao lửa đó bùng lên”.
 

Đó chính là vận mệnh của thầy như trong lời tuyên bố sau cùng trước phiên toà “án sẵn”:

“… Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ.
Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc.
Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc.”
Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến…”
 
Ngọn lửa mà thầy khát khao ấy khác xa với những ước muốn tầm thường của những người chỉ muốn chăm chăm lo “nồi cơm” của mình mà trở nên “mù, câm, điếc và vô cảm” trong hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương này, chưa nói đến những người có những loại khát khao hoang dã, hạ cấp và vô luân.
 
Những tù nhân lương tâm như thày, dù đang sống trong chốn lao tù, vẫn kiên định trong lý tưởng, trui luyện trong gian khó và kiên cường trong phẩm giá, chứ không sống những tháng ngày vô nghĩa, không biết sống để làm gì, ngoài khát khao những giá trị tầm thường, chẳng biết làm gì để đóng góp cho đời, nên để cuộc đời léo lái, theo đuổi những mục tiêu “cấp thấp”, hoặc đi tìm những thú vui mau chóng huỷ hoại con người.
 
Những khát khao và nỗi lo lắng của thầy Nguyễn Năng Tĩnh khiến người ta phải suy nghĩ lại để có định hướng rõ rệt cho cuộc đời mình, kẻo rơi vào lối sống mòn và sống thừa. Biết nuôi dưỡng một mục đích sống cao cả thì dù trong thực tế cuộc sống, với những mặt trái của nó, càng tạo thêm động lực để bản thân vượt lên và vượt qua.

Bản án bất công thày phải chịu làm đau nhói tâm hồn những người thân; khát khao và nỗi lo lắng của thày như một sự thiêu đốt không cách nào lắng dịu được trong lòng những người còn trăn trở với vận mệnh dân tộc, đất nước.