Ngộ…

FB Lao Ta|

Hai đồng chí đầu trọc choảng nhau, thật tưng bừng và náo nhiệt!
Bá tánh xúm vào xem song hùng mãnh hổ khoác áo cao tăng tranh giành danh lợi, vừa vỗ tay hoan hỉ vừa đặt cược rộn ràng.
Một xã hội đổ vỡ niềm tin, thì thần thánh cũng biến dạng và ngự trị trong những kẻ bất lương.


Hai đồng chí đầu trọc choảng nhau, ai thắng ai thua, vẫn còn chưa biết. Chỉ thấy rằng, tư bản vàng đã chễm chệ trên tòa sen và chốn hương khói thiền tự linh thiêng trở thành nơi nảy nở những cơ hội đầu tư siêu cấp.
Đấy, đất nước có bao giờ được như bây giờ đâu. Bóng đêm bao phủ khắp hành tinh, riêng xứ sở chúng ta vẫn có mặt trời soi chiếu rực rỡ! – (Lê Thiếu Nhơn)

Một lần trong ngôi chùa cổ ở BN, tôi đang vãn cảnh thì thấy một bà kéo áo từ phía sau, giọng gắt gỏng:

– Này, ra kia làm công đức nhà chùa đi chứ?

Thấy tôi im lặng, bà trừng mắt nhìn tôi rồi mới bỏ đi.

Một lần khác tiễn người thân đến nghĩa trang Thiên Đức, do phải trả tiền vé đường lâu vì tắc nghẽn, tôi bị tụt lại khá xa với đoàn xe tang, vì thế đỗ xe xong là tôi lao về phía nhà tang lễ.

Nhưng ngay lập tức tôi bị chặn lại, bởi một phụ nữ có đeo thẻ, yêu cầu tôi trả tiền phí đỗ xe. Tôi bảo để lát nữa, giờ tôi đang vội, thì được trả lời kiên quyết:

– Anh cứ cho xin tiền đã.

Tôi đành móc túi, thấy tan nát một cái gì đó từ nơi rất sâu trong cõi lòng.

Mới đây nhất, tại một Trạm dừng nghỉ trên Cao tốc Nội Bài- Lào Cai, tôi vào nhà vệ sinh cùng hai người nước ngoài. Trước mắt chúng tôi là cái thùng đựng tiền, ghi là TỪ THIỆN. Nhưng luôn có một bà ngồi canh cạnh đó, thấy bất cứ ai cũng đều nhắc: “Bác, anh chị nhớ bỏ tiền”. Vì hôm đó có hai cậu Tây nên bà ta liến thoắng: “Măn ni, măn ni, măn ni”. Thấy hai cậu tây luống cuống, tôi bảo:

– Cho người ta đái xong đã.

Tiện miệng, tôi hỏi:

– Hòm tiền TỪ THIỆN thì để tùy tâm người ta chứ, sao lại bắt ép?

Bà ta đáp tỉnh khô:

-Ghi thế cho nó văn minh, chứ đái ỉa là phải nôn tiền ra.

Tôi lại hỏi tiếp:

– Nhà vệ sinh nằm trong tổng thể dự án cao tốc, chúng tôi đã trả phí đường, sao lại đòi thu cả phí đi vệ sinh.

Bà ta đáp:

– Quan lớn các ông ăn rỗng cả két nhà nước, thì cũng phải nhè cho chúng tôi mấy đồng lẻ chứ.

Tôi hỏi:

– Bà thấy tôi giống quan lớn lắm à?

– Ông xong việc rồi thì đi đi. Măn ni, măn ni… Cái bọn Tây này cứ để phải nhắc.

Sau mỗi bận dính đến chuyện tiền bạc ở trên, tôi cứ buồn vô cớ. Từ bao giờ tiền lại ghê gớm với xã hội đến thế? Quan chức vơ tiền không biết mệt khi miệng nói về lòng hy sinh cho lý tưởng không biết mệt. Bao nhiêu cũng vẫn không đủ, dù chính họ biết rõ chả có cách gì để họ tiêu hết một phần số tiền ấy. Rồi trí thức dung mạo đầy sang trọng cũng sẵn sàng phun nọc vào nhau chỉ vì cái phong bì! Đã thế mà cứ mở miệng ra là trọng nghĩa khinh tài (tài là tiền nhé, không phải tài năng).

Đấy là chưa kể gần thế kỉ nay, để cổ vũ tinh thần Vô Sản, luôn là những chiến dịch khốc liệt chửi bới đồng tiền, gán cho chủ nghĩa tư bản mọi thứ xấu xa trước hết vì bọn chúng đề cao tiền, làm nô lệ cho tiền bạc?

Cho đến khi nhìn cảnh các sư cười như được lên Niết Bàn, khi con nhang đệ tử cúng dường…

Thì bỗng như ngộ ra. Không còn thấy giận, không thấy khinh ghét nữa.

Mà chỉ thấy thương đứt ruột./.

L.T.