Nỗi đau của ngư dân Việt

Sau cái chết của ngư dân Trương Đình Bảy trên khu vực biển Trường Sa, ngay ở ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, có thể nói rằng niềm tin của ngư dân vào nhà nước đã hoàn toàn biến mất và ngọn lửa đấu tranh chống ngoại xâm của ngư dân cũng bị tắt ngúm, thay vào đó là nỗi tuyệt vọng và sự cô đơn.
Những ngư dân Việt Nam vẫn thường được các quan chức nhà nước hô biến, thổi phồng và bơm hơi thành những chiến sĩ tiền tiêu trên biển đã bị đối xử lạnh nhạt, cô đơn như thế nào khi bị Trung Quốc hành hạ, bắn chết người?

Sống sợ hãi và chết cô đơn

Một ngư dân tên Trung, người Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đã buồn bã chia sẻ: “Đúng ra thì phải có người nhà nước ra ngoài kia, nhận chạy đưa (anh Bảy) vô thì nó nồng nàn hơn, nó tốt đẹp hơn. Giờ nó vì cái mục tiêu chính trị chứ chẳng có tình người. Giờ tình trạng chung là người ta theo đuổi một cái mục tiêu gì gì đâu chứ chẳng quan tâm gì đến con người, cái tình người nó cũng chi chi… đâu á!”.

Ông Trung nói rằng tình trạng chung của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt xa bờ đó là sống trong sợ hãi và chết trong cô đơn. Bởi cái chết của ngư dân Trương Văn Bảy đã nói lên tất cả nỗi cô đơn của ngư dân Việt Nam.

Ông Trung nói rằng hầu hết ngư dân Việt Nam khi đánh bắt xa bờ đều lâm vào tình trạng chung là nợ nần, vay đi vay lại của ngân hàng để đắp đổi và bù lỗ cho những chuyến đánh bắt bị Trung Quốc rượt đuổi, cướp phá, thậm chí hành hạ và giết tróc. Ngư dân đã vay tiền, lao như con thiêu thân giữa biển khơi để đối mặt với nguy hiểm. Đặc biệt, ngư dân Quảng Ngãi với máu lửa giữ nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo của cha ông mấy trăm năm nay đã tự đặt cho mình sức mệnh giữ biển đảo chứ không chỉ đơn thuần là đánh bắt kiếm sống.

Nhưng rất tiếc, suốt nhiều năm nay, có một điều là số lượng cảnh sát biển Việt Nam ngày càng đông, hải quân Việt Nam cũng không ít, và lượng hải sản tươi sống để cảnh sát biển và hải quân ăn nhậu mỗi cuối tuần ngày càng tăng. Nhờ vào đồng lương cao ngất, cuối tuần, cảnh sát biển thường đưa vợ con đến những quán hải sản có uy tín trên đảo Lý Sơn để ăn nhậu, thưởng ngoạn.

Trong khi đó, ngư dân Việt Nam khi đụng phải tàu Trung Quốc, bị cướp phá, đánh đập thì chưa bao giờ thấy cảnh sát biển Việt Nam đến can thiệp. Thậm chí, khi ngư dân Trương Văn Bảy bị bắn chết trên biển, hầu hết ngư dân Việt Nam khi nghe tin này đều hy vọng rằng nhà cầm quyền sẽ một mặt lên án mạnh mẽ hành vi man rợ của kẻ đã bắn anh Bảy cũng như chính phủ của họ, một mặt hết sức hỗ trợ để đưa anh Bảy về quê nhà.
Nhưng không hề có chuyện đó, chiếc tàu cá nhỏ nhoi giữa biển khơi, đưa anh Bảy từ nơi bị bắn về nhà trong cô đơn, chỉ có những bạn ngư dân chia sẻ. Và trên đường đưa anh Bảy về, ngư dân phải ướp xác anh Bảy vào hầm đá dùng đựng cá để tránh tình trạng phân hủy nhanh do nắng chói chang. Một cái chết thê thảm và ảm đạm, cô đơn đến tận cùng của ngư dân Việt Nam.

Ông Trung lấy làm buồn rầu khi mà lực lượng cảnh sát biển, lực lượng hải quân Việt Nam đông đến mức chỉ cần nghe tin máy bay MH 370 rơi vào vùng biển Việt Nam, mặc dù nguồn tin này chưa xác thực nhưng chính phủ, quân đội Việt Nam đã huy động một lực lượng hùng hậu để tìm kiếm. Trong khi đó, một ngư dân Việt Nam và một con tàu của ngư dân Việt Nam bị bắn, bị hại, đã có người chết cần sự giúp đỡ, hỗ trợ… Thì cảnh sát biển Việt Nam nói riêng và nhà nước Việt Nam nói chung chỉ loan tin xác nhận có người chết, sau đó đổ xô ra cảng Sa Kỳ để đón thì ít mà để ngăn cản phóng viên tác nghiệp thì nhiều.

Điều này làm cho không riêng gì ông Trung hay các ngư dân Quảng Ngãi thấy tủi thân mà ngay cả những ngư dân Đà Nẵng cũng thấy buồn, lo lắng về tương lai của họ.

Ngư dân Đà Nẵng nói gì?

Ông Phát, ngư dân thành phố Đà Nẵng, hiện sống ở phường Thọ Quang, chia sẻ: “Nói chung chung rứa, nó nói tàu lạ bắn đang chờ điều tra, nó cứ nói quanh quanh là tàu lạ bắn chứ nó không có kết luận điều tra mà cho đến bây giờ vẫn chưa nghe có kết luận điều tra. Thì cứ nói lòng vòng là tàu lạ. Nhân dân thì nghi ngờ là tàu Trung Quốc bắn hại nhưng nhân dân không có chứng cứ thì chịu thôi chứ sao chừ?!”.


Đến thờ ngư ông cầu xuôi buồm thuận gió của ngư dân Đà Nẵng. RFA photo

Theo ông Phát, ngư dân Đà Nẵng luôn đối mặt với nguy hiểm, thậm chí mối nguy hiểm còn cao hơn cả ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi. Nhưng vì nhận biết những cái chết sẽ đến bất kỳ giờ nào với các ngư dân câu mực khi họ không có đồng nghiệp đi bên cạnh nên các ngư dân Đà Nẵng từ lâu đã chấp nhận mua phiếu thông hành từ phía Trung Quốc nếu như họ yêu cầu.

Nghĩa là với những ngư dân câu mực, tối đến, mỗi người một bộ đàm, một thúng rái, một chiếc đèn măng-sông hoặc đèn điện ắc-qui trên thúng rái và cứ như vậy trôi lênh đênh trên biển suốt đêm để câu mực. Sáng mai, tàu chủ lại liên lạc qua bộ đàm để tìm đến đón ngư dân câu mực. Trong tình trạng lênh đênh một mình giữa biển khơi như vậy, nếu gặp tàu Trung Quốc, họ chỉ cần chạy mạnh lướt ngang qua túng rái cũng đủ gây chết người.
Và nhiều năm trước, số người dân Đà Nẵng chết vì Trung Quốc không phải là ít. Chỉ riêng trận Gạc Ma năm 1988, có đến hơn hai mươi thanh niên trên đường Núi Thành, phường Hòa Cường bị kẻ thù bắn chết, mất xác giữa biển khơi nhưng nhà cầm quyền lúc đó không làm lễ truy điệu, bắt buộc gia đình của những chiến sĩ đã hy sinh phải giữ bí mật chuyện đau lòng này. Mãi cho đến bây giờ, gia đình của những chiến sĩ này vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi buồn vì sự hy sinh của con em mình cũng như sự lạnh nhạt của nhà cầm quyền địa phương.

Chính vì thấy bài học trước mắt, các ngư dân Đà Nẵng buộc lòng phải tìm đường sống bởi họ luôn phải đối mặt với nguy hiểm, với cô đơn trên biển khơi. Ông Phát cho biết thêm là những năm 1989, 1990 quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều ngư dân đi câu mực và bị giết hại nhưng lúc đó thông tin không sốt dẽo và công khai như bây giờ.

Có thể nói rằng cái chết oan uất của ngư dân Trương Đình Bảy là một bài học lớn cho ngư dân Việt Nam khi tin tưởng những phát ngôn cửa miệng của giới quan chức, cho rằng mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ biển đảo. Bởi đó là những lời lừa phỉnh, những viên kẹo bọc đạn bắn ra từ miệng lưỡi nhà quan.

Thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về những ngư dân cả một đời bám biển, yêu biển và chết với biển!

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/vietnamese-fishermens-distres...