Khi nhìn vào phong trào đấu tranh dân chủ, các phong trào xã hội dân sự, chống độc tài...hiện nay ở cả Việt Nam, Hồng Kông... phần đông dễ dàng đi đến kết luận: sẽ chẳng mang lại kết quả gì, sẽ chẳng đi đến đâu, đấm tay vào tường chỉ tổ đau tay. Tất nhiên, kết luận đấy từ những người trung dung, những người chọn cho mình sự an toàn. Đấy cũng dễ hiểu.
Jimmy Lai
Con người ta thường chỉ nhìn thấy những gì cụ thể, rõ ràng, hiện ra ngay trước mắt, trên mặt đất và dưới bầu trời. Trong khi đó, kết quả của những phong trào đấu tranh dân chủ, phong trào xã hội dân sự, chống độc tài lại thường không rõ ràng, không cụ thể, rất khó nhận biết và đâu đó bên trên những đám mây.
Điều này làm tôi liên tưởng đến một sự kiện nổi tiếng đã xảy ra trong Thế chiến lần thứ 2: cuộc rút lui chiến thuật của liên quan Anh-Pháp tại bờ biển Dunkirk (Dunkirk evacuation).
Trước sự tấn công khủng khiếp của Đức quốc xã vào Pháp và Bỉ, những sai lầm chiến lược và chiến thuật của bộ tư lệnh quân Pháp đã phải trả giá đắt bằng việc Bỉ tuyên bố đầu hàng và quân Đức trên đà tiến đến Paris. Khi đó, quân viễn chinh hoàng gia Anh phải triệt thoái khỏi biên giới Pháp-Bỉ theo đường qua bờ biển Dunkirk. Nhiều bộ phim và nhiều tài liệu về cuộc triệt thoái này đã được thực hiện.
Có một chi tiết mà phim ảnh, các tài liệu hiếm khi đề cập. Sự oán hận của các binh sĩ dành cho không quân hoàng gia Anh khi bỏ mặc các lực lượng bộ binh, hải quân dưới mưa bom bão đạn của hải quân và không quân Đức. Sự oán hận này lớn đến mức xảy ra ẩu đả giữa các binh sĩ các binh chủng này với không quân khi họ trở về Anh. Điều này đã được Winston Churchill lên tiếng giải thích trước quốc hội Anh rằng: các binh sĩ đâu nhìn thấy những gì đang xảy ra trên cao những tầng mây khi không quân Anh đang chiến đấu anh dũng chống lại sự áp đảo của không quân Đức. Nếu không có họ thì tất cả những con tàu bên dưới, tất cả những binh sĩ đang rút lui chỉ còn lại những đống thịt.
Và kết quả, cuộc rút lui ở Dunkirk đã giải cứu được 338.226 binh sĩ.
Cuộc đấu tranh dân chủ, những cuộc tranh đấu dân sự, chống độc tài...cũng mang lại kết quả phần nào giống như vai trò của không quân Anh ở câu chuyện trên.
Bạn chỉ có thể thấy điều gì đó cụ thể, trên mặt đất. Nhưng bạn nên biết rằng ở góc tối nào đó, chính quyền độc tài đang run lên bần bật, đang sợ hãi. Chúng run lên khi nghĩ đến những bạn trẻ đang đấu tranh ngoài kia, chúng sợ hãi khi đối diện lương tri đang gào thét. Và chúng phải hết sức cân nhắc, thận trọng trong mọi điều.
Nếu không có những đòi hỏi đó thì làm sao có “người đốt lò vĩ đại”.
Nếu không có những đòi hỏi đó thì làm sao có những lò lửa như những gì đang xảy ra với Đinh La Thăng, với Vũ Huy Hoàng, với Nguyễn Thành Tài, với Tất Thành Cang, với Nguyễn Đức Chung...
Nếu không có những đòi hỏi đó thì đã có thêm những Formosa khác ở Quảng Ngãi, ở Cà Ná và rất nhiều nơi khác.
Nếu không có những đòi hỏi đó thì tất cả các loài cá, tất cả các loài chim đều đã bị đầu độc đến cái xương cũng không còn.
Nếu không có những đòi hỏi đó thì tất cả cây xanh ở Sài gòn, ở Hà nội và ở nhiều nơi khác đã bị đốn sạch.
Nếu không có những đòi hỏi đó thì sẽ thêm bao nhiêu người “treo cổ tự tử” trong nhà tạm giam nữa.
Và còn rất nhiều điều khác nữa nếu bạn chịu khó suy nghĩ.
Nếu bạn không thấy những cuộc tranh đấu dân chủ hiệu quả, điều đấy cũng dễ hiểu.
Nếu bạn thấy những lời kêu gọi của anh Trần Huỳnh Duy Thức không dẫn đến đâu, điều đấy cũng dễ hiểu.
Nếu bạn không thấy phong trào Dù vàng với những cái tên như Hoàng Chí Phong, như Chu Đình không liên quan đến mình, cũng dễ hiểu mà.
Chu Đình - Hoàng Chí phong
Bởi những phong trào ấy, những con người ấy đang bay trên cao, phía trên những đám mây để đảm bảo cho bạn, cho con bạn và cả cho cháu của bạn nữa sẽ được đứng bình yên dưới mặt đất.
Tất cả mọi người đều đi trên mặt đất.
Nhưng chúng ta nên biết rằng, có một số rất-rất ít người bay được.
*** Lời tựa BVN đặt thêm