Giúp Ukraina chống xâm lược Nga: Phương Tây ‘‘bị cô lập’’

Tổng thống Ukraiana Volodymyr Zelensky (T) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại sân bay Vélizy-Villacoublay, trước khi đi Bruxelles, ngày 09/02/2023. AFP - MOHAMMED BADRA

Trọng Thành

Cuộc đọ sức giữa chính phủ và nghiệp đoàn về dự án cải tổ hưu trí chuẩn bị bước sang hồi quyết liệt là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay, trước kỳ nghỉ cuối tháng 2. Nhật báo Liberation gọi ngày biểu tình toàn quốc thứ 5 hôm qua 16/02/2023, và cuộc thảo luận cuối cùng về dự luật hưu trí tại Hạ Viện, hôm nay 17/02, là ‘‘hồi còi nghỉ giữa hai hiệp đấu’’.

Cuộc kháng chiến Ukraina chống xâm lược Nga là một chủ đề thời sự chính khác. Vận động thêm hậu thuẫn quốc tế cho Ukraina sẽ là chủ đề trọng tâm của Hội nghị An ninh quốc tế Munich, Đức, khai mạc hôm nay, và kéo dài đến ngày 19/02. Tuy nhiên tình hình không khả quan. Nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa trang nhất như một lời báo động có vẻ bi quan ‘‘Chiến tranh Ukraina: Các nước phương Tây bị cô lập’’.

Phương Tây phải thuyết phục được dân trong nước

Tuy nhiên, báo động không phải để gây sợ hãi, mà để đối mặt với thực tại. Điều mà La Croix lo ngại là từ vài tuần nay, trong nội bộ châu Âu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sự ‘‘mệt mỏi’’ của các đồng minh phương Tây của Ukraina. Nhiều nước châu Âu tỏ ra chần chừ trong việc đáp ứng nhu cầu về vũ khí của Ukraina. Công luận trong nước ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraina tại Mỹ và châu Âu sụt giảm.  Hiện tại chỉ còn 48% người Mỹ ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraina so với 60% hồi tháng 5/2022. Tỉ lệ ủng hộ tài chính cũng sụt giảm. Đây là điều đáng sợ bởi cuộc chiến chống xâm lăng Nga là lâu dài, hậu thuẫn cũng cần dài hơn.

Báo động thực trạng để huyến khích hành động kiên quyết hơn. Xã luận La Croix nhan đề ‘‘Thuyết phục’’ nhấn mạnh đến thách thức đầu tiên với các nước phương Tây là thuyết phục được chính công luận nước mình. Theo La Croix, ‘‘các lãnh đạo châu Âu đã bị đẩy vào chân tường. Họ biết rằng trong cục diện địa chính trị toàn cầu hiện nay, không có thế lực nào khác hơn có thể hỗ trợ Kiev ngoài họ. Họ hiểu rằng Vladimir Putin hiểu điều này… và đang rất hài lòng. Nhưng họ cũng hiểu rõ rằng – đối với tương lai của châu lục – ‘nước Nga không thể và không được phép chiến thắng’, như điều mà tổng thống Pháp đã nói trực tiếp với tổng thống Ukraina’’.

Các lãnh đạo các nước châu Âu cần noi gương kiên quyết của tổng thống Ukraina. ‘‘Chúng tôi chiến đấu không chỉ để bảo vệ lãnh thổ riêng của chúng tôi, mà chúng tôi còn bảo vệ ngôi nhà chung châu Âu’’ là tuyên bố dứt khoát của ông Zelensky.

Hố sâu ngăn cách giữa ‘‘phương Tây và phần còn lại của thế giới’’

Hội nghị về An ninh quốc tế Munich diễn ra ngay trước một giai đoạn mới của cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraina. Cũng trong số báo hôm nay, hồ sơ chính của La Croix muốn làm rõ hơn việc phương Tây bị cô lập như thế nào trong nỗ lực hậu thuẫn Ukraina. La Croix nhận xét: ‘‘Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga và thái độ oán thán bất hợp tác (với phương Tây) của nhiều nước đang phát triển báo hiệu sự cáo chung của một trật tự thế giới dưới sự thống trị của các cường quốc phương Tây’’.

Vấn đề không chỉ liên quan đến Ukraina mà là thế lực của phương Tây trên phạm vi toàn cầu. Cách nay 16 năm, cũng tại Hội nghị Munich, tổng thống Nga Putin đã có một bài diễn văn 20 phút khiến cử tọa lạnh gáy, thách thức trực tiếp trật tự thế giới hậu chiến tranh Lạnh, do Hoa Kỳ thống trị, với sự bành trướng của khối NATO về phía đông. Vào thời điểm đó, ‘‘thái độ hung hãn’’ của ông Putin gây sốc, nhưng không khiến các nước phương Tây quan tâm thực sự. 16 năm sau, sự trở lại của chiến tranh cường độ cao ngay tại châu Âu đã ‘‘phá tan ảo ảnh về một châu Âu thịnh vượng dựa trên khí đốt giá rẻ của Nga, buôn bán với Trung Quốc, và dựa vào Mỹ để được bảo đảm an ninh’’.

Ảo tưởng tan vỡ, phương Tây cần đến một cách ứng xử thực tế hơn nhiều.La Croix chú ý đến bản báo cáo của ban tổ chức, công bố hôm trước ngày khai mạc hội nghị. Ngôn từ đã thay đổi. Giờ đây không còn là sự đối đầu giữa khối ‘‘các quốc gia dân chủ’’ và ‘‘các nước độc tài’’, các diễn đạt mang đậm dấu ấn của trật tự quốc tế do phương Tây thống trị, dựa trên các tiêu chuẩn thuần túy phương Tây. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga phơi bày ra trước toàn thể thế giới sự thật trần trụi: đó là một khoảng cách lớn giữa ‘‘phương Tây và phần còn lại của thế giới’’.

Theo cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jean-Marie Guehenno, đông đảo các nước phía Nam vẫn gắn bó với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và một trật tự pháp lý quốc tế, nhưng ‘‘hoài nghi khả năng của các nước phương Tây trong việc bảo vệ các quy tắc’’. Họ không quên là chính nước Mỹ và đồng minh đã từng nhiều lần chà đạp lên các quy tắc, cụ thể là tại Irak. Việc có các đối trọng với quyền lực của nước Mỹ không làm nhiều nước bất bình, mà ngược lại.

Cuộc chiến Ukraina thúc đẩy một thế giới dựa trên luật pháp?

Hội nghị An ninh Munich với sự tham dự của hơn 450 nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và phi chính phủ, giới chuyên gia, doanh nghiệp, truyền thông, và xã hội dân sự, là một cơ hội cho việc thuyết phục. Phương Tây cần mở rộng liên minh để việc hậu thuẫn Ukraina thu hút được thêm các nước tham gia.

La Croix cảnh báo, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, và sẽ không còn gì như trước. Theo quan điểm của cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jean-Marie Guehenno, ‘‘tính trung tâm chiến lược của châu Âu đối với thế giới đang sắp chấm dứt’’.

Cuộc chiến tranh tại Ukraina với việc Nga ngang nhiên chà đạp Hiến chương Liên Hiệp Quốc buộc cộng đồng quốc tế đặt ra những câu hỏi triệt để: Liệu cuộc chiến tranh này là chỉ dấu cho thấy thế giới đang bước vào giai đoạn mà quan hệ quốc tế giờ đây ‘‘chỉ thuần túy dựa trên tương quan sức mạnh ?’’ Hay ngược lại, đây là một xúc tác cho phép hướng đến các nỗ lực mới nhằm xây dựng một thế giới dựa trên luật pháp ?’’. Vấn đề hiện tại đang hoàn toàn để ngỏ.

Vương Nghị đến châu Âu nhưng không ghé Bruxelles

Nga không được mời đến hội nghị Munich, nhưng hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Les Echos có bài ‘‘Bắc Kinh muốn làm ấm quan hệ với châu Âu’’. Gọi là muốn làm ấm quan hệ với châu Âu nhưng lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc không đến Bruxelles. Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh đến dấu hiệu nói trên, cho thấy ‘‘hố sâu ngăn cách’’ giữa Trung Quốc và khối 27 nước. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc không tới ‘‘thủ đô châu Âu’’ trong một chuyến công du châu Âu kể từ năm 2020. Ngoài Nga, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đến Pháp, Ý, Hungari và Đức, quốc gia chủ nhà hội nghị Munich.  

Pháp là chặng đầu tiên của vòng công du châu Âu của Vương Nghị. Kết quả hợp tác chỉ dừng ở một số tuyên bố chung chung của lãnh đạo ngoại giao hai bên. Trong lúc Paris hy vọng Bắc Kinh gây áp lực với Nga trở lại bàn đàm phán, lập trường chính thức của Trung Quốc vẫn là duy trì chính sách nước đôi, không tỏ ra quá hậu thuẫn Nga, và cũng không công khai vi phạm các trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga.

Châu Phi, địa bàn cạnh tranh mới giữa Ukraina và Nga

Về phía khối nước ủng hộ Nga, La Croix, có bài về Nam Phi chuẩn bị tập trận với Nga và Trung Quốc. Ngược lại, nhật báo Công Giáo cũng cho biết Israel bắt đầu thay đổi quan điểm với Nga, nhích thêm một bước sang hướng ủng hộ Ukraina. Trong khi đó, Liberation có bài về châu Phi đang trở thành địa bàn cạnh tranh giữa Nga và Ukraina. Cấp lương thực miễn phí cho châu Phi là phương tiện mà chính quyền Kiev sử dụng để chinh phục công luận nhiều nước châu Phi, cho đến nay vẫn còn lưỡng lự trong việc lên án cuộc xâm lăng Nga.

Nga: Chuẩn bị giai đoạn hậu Putin

Về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, les Echos có bài phỏng vấn đáng chú ý với hai chuyên gia về Đông Âu, cho biết ‘‘tại Nga việc xem xét chuẩn bị giai đoạn hậu Putin đang bắt đầu’’.Theo nhà chính trị học Anna Colin Lebedev, chuyên về Nga và Ukraina, việc trỗi dậy của một thế hệ chính trị gia mới là điều rất khó khăn do chính quyền Putin kiểm soát chặt chẽ mọi hình thức đối lập. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh kéo dài và đầy bất trắc tại Ukraina khiến giới tinh hoa Nga bị phân hóa, với nhiều tính toán khác nhau.

Theo chuyên gia Anna Colin Lebedev, giới tinh hoa Nga ‘‘đang cân nhắc giữa các cái giá được mất của việc tiếp tục chiến tranh, từ vị trí của mỗi người.’’ Không kể các tập đoàn của giới tài phiệt hoàn toàn nằm trong tay của Putin, giới lãnh đạo cấp bộ, thống đốc tỉnh, lãnh đạo các thành phố, ban ngành đều đang phải cân nhắc lại viễn cảnh hành động tương lai, do việc quân đội Nga ‘‘bị sa lầy trên chiến trường’’.

Việc nước Nga có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn định kéo dài, chấm dứt những thập niên thịnh vượng vừa qua là nguyên nhân chủ yếu khiến một bộ phận giới tinh hoa muốn chuẩn bị cho thời hậu Putin. Ngược lại, phe ủng hộ Putin cũng còn mạnh, theo chuyên gia Anna Colin Lebedev. Đó là các thành phần ‘‘được hưởng lợi nhờ chiến tranh’’, có liên hệ mật thiết với giới quân sự, và những người được đề đạt vào các vị trí lãnh đạo tại các vùng đất mới chiếm đóng. Chuyên gia Anna Colin Lebedev lưu ý là, bất chấp các nguồn lực to lớn về tài chính, tích lũy từ nhiều thập niên nhờ thu nhập dầu khí, thế cân bằng lực lượng giữa hai nhóm, nhóm thua thiệt do chiến tranh và nhóm hưởng lợi nhờ chiến tranh hiện ‘‘đang thay đổi mạnh’’.