Nguyễn Công Bằng
Chuyến đi của Tô Lâm mang thông điệp gì?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày. Đến tối ngày 20/8 phía Việt Nam đã công bố Tuyên bố chung cho chuyến thăm cấp nhà nước này.
Chuyến thăm này diễn ra chỉ nửa tháng sau khi ông Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 3/8 và cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức.
Tổng Bí thư Tô Lâm năm nay 67 tuổi, đã phục vụ trong ngành công an được một thời gian dài, giữ chức Bộ trưởng Công an từ năm 2016. Tháng 5/2024, Bộ trưởng Công an lúc đó là Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam, thay thế ông Võ Văn Thưởng đã từ chức 2 tháng trước đó.
Ngày 3/8, ông Tô Lâm được bầu làm tân Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam với số phiếu 100% (mà chỉ những nước như Việt Nam mới có), hoàn thành nốt nhiệm kỳ 2021-2026 của ông Nguyễn Phú Trọng, người đã qua đời vào ngày 19/7.
Với tư cách là tân Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến thăm đầu tiên, điều này mang một số thông điệp.
Kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991, đã thành thông lệ, bất cứ Tổng bí thư nào của Việt Nam sau khi nắm quyền sẽ phải sang Trung Quốc.
Chỉ tính từ khi ông Nguyễn Phú Trọng - Người tiền nhiệm của ông Tô Lâm đã có nhiều lần sang Trung Quốc trong cương vị Tổng bí thư.
Năm 2011, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng sau khi được bầu làm Tổng Bí thư là tới Trung Quốc; năm 2017, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư tại Đại hội 12, với điểm đến lại là Trung Quốc. Sau khi Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc kết thúc năm 2022, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc. Chuyến thăm đó cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng sau khi ông được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội đảng lần thứ 13.
Như vậy, theo thông lệ của Đảng cộng sản Việt Nam, chuyến thăm Bắc Kinh vừa rồi của ông Tô Lâm cũng rập theo khuôn mẫu đó.
Tuy nhiên, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng – người thực hiện chuyến thăm Trung Quốc sau khi nhậm chức đến vài tháng, thì ông Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc chỉ nửa tháng sau khi nhậm chức lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, một điều tương đối hiếm trong lịch sử.
Thông điệp của ông Tô Lâm trong chuyến đi này giống như tuyên bố của ông ta khi vừa giữ chức Chủ tịch nước, ông đã gặp ngay Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tại Hà Nội hồi tháng 6/2024 và nói rõ rằng: “Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại”.
Về mặt đối nội, ông Tô Lâm vừa mới nhậm chức lãnh đạo cao nhất của đất nước, vẫn cần có kinh nghiệm ngoại giao. Chuyến thăm Trung Quốc thực hiện ngay sau khi nhậm chức sẽ giúp ông Tô Lâm khẳng định hơn nữa uy tín của mình ở trong nước, củng cố tính hợp pháp trong quản lý của ông và đảm bảo quá trình chuyển đổi của nền chính trị Việt Nam diễn ra suôn sẻ.
Thành quả của chuyến đi - những cái bánh vẽ
Trong Tuyên bố chung lần này, chúng ta có thể thấy, mặc dù câu chữ hơi khác đi một chút, nhưng những nội dung cơ bản thì gần như không có gì khác so với những Tuyên bố chung lần trước, cụ thể như Tuyên bố chung năm 2023. Có chăng, chỉ có một khác biệt nho nhỏ trong vấn đề Đài Loan, theo đó: “Phía Việt Nam khẳng định kiên định thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, công nhận trên thế giới chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc. Ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức, không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.”
Về kết quả của chuyến đi, ông Lê Hoài Trung - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã cho biết hai bên nhất trí: “mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”; nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước;”
Phía Trung Quốc thì khẳng định “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, mở rộng các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc; Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.”
Như vậy, chúng ta có thể hiểu là Việt Nam chấp nhận cho việc Trung Quốc tham gia việc nghiên cứu phương án, tiến tới việc thực hiện xây dựng 3 tuyến đường sắt tại Việt Nam, trong đó có tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Viên chăn - Vũng Áng… Đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ nhập khẩu nhiều hơn nông sản từ Việt Nam, và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những cam kết miệng, nhìn vào các văn kiện ký kết của hai bên, chúng ta có thể thấy, trong số 16 văn kiện ký kết, chỉ có 3 Nghị định thư về trái dừa tươi, về cá sấu nuôi và về trái sầu riêng là có ý nghĩa, còn lại chỉ là bản ghi nhớ (MOU), không có bất kỳ giá trị cam kết nào.
Đến đây, chúng ta lại nhớ năm 2016, khi Duterte - Tổng thống Philippines lên nhậm chức đã có ngay chuyến thăm Trung Quốc. Khi gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, họ Tập đã hứa hẹn đầu tư 24 tỉ USD vào Philippines với nhiều thoả thuận được ký kết, nhưng sự thật thì sao? Chỉ là cái bánh vẽ mà thôi.
Chính vì thế, năm ngoái, sau khi thất vọng với những lời hứa hão của Tập, cộng với dã tâm chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc, Manila đã từ bỏ tham gia Vành đai và Con đường.
Những bánh vẽ của Tập với Tô Lâm, chúng ta cứ chờ xem đã nhé.