Chuyến đi định mệnh?

Tân Phong –Viêt Tân

“Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay” – câu thơ ông Nguyễn Phú Trọng từng trích dẫn Truyện Kiều để so sánh với vai trò “thiên mệnh” của mình.

Chuyến đi biểu tượng hay sự lựa chọn của CSVN?

Ông Nguyễn Phú Trọng thăm “mẫu quốc” từ ngày 30/10 – 3/11/2022, theo “lời mời” của hoàng đế Tập Cận Bình, ngay sau khi bế mạc đại hội XX của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Mặc dù, từ trước tới nay, theo thông lệ, sau mỗi kỳ đại hội đảng, các lãnh đạo của hai quốc gia độc tài có mối quan hệ “môi hở, răng lạnh,” “vận mệnh tương thông” thường thăm hỏi và chúc mừng nhau. Nhưng chuyến đi lần này của ông Trọng có nhiều điểm bất thường khiến ngoại giới quan tâm.

Sau mỗi kỳ đại hội đảng, việc sắp xếp nhân sự, ổn định bộ máy là một công tác quan trọng, thường kéo dài nhiều tháng. Nhất là sau kỳ đại hội XX lần này, Tập Cận Bình đã thay đổi nhiều cơ cấu lãnh đạo trung ương, các tỉnh thành lớn và đặc biệt dàn tướng lĩnh trong Quân Ủy Trung Ương… loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của nhóm “nguyên lão,” cơ cấu cánh Đoàn Thanh Niên, “thái tử đảng” của các gia tộc lớn.

Rõ ràng, với một cơ cấu lãnh đạo mới và trước một tình hình kinh tế không mấy khả quan sau 2 năm áp dụng chính sách Zero-Covid, tiếp nối cuộc chiến tranh thương mại suốt nhiệm kỳ của Tổng Thống Mỹ Donald Trump khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này phải đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ thống và cơ cấu.

Có nhiều công tác nhẽ ra cần được ban lãnh đạo Trung Quốc quan tâm hơn là việc tiếp đón một chư hầu nhỏ bé như Cộng Sản Việt Nam. Liệu Việt Nam đóng một vai trò nào đó, quan trọng hơn các vấn đề nội trị và thách thức về kinh tế- xã hội mà Trung Quốc đang đối diện?

Đây là lần thứ 4 ông Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ta kể từ đại hội đảng CSVN lần thứ XIII.

Trong 3 năm qua, chưa có một ủy viên bộ chính trị nào của CSVN đến Bắc Kinh. Trong quãng thời gian đó, Hà Nội có vẻ như có những động thái dịch lại gần Hoa Kỳ khi nhận nhiều viện trợ y tế của Tây Phương, trong khi “anh bạn vàng 4 Tốt” ngó lơ người anh em trong cơn dịch bệnh kinh hoàng.

Việc ông Trọng, năm nay đã 78 tuổi, vận động đi lại thậm chí còn khó khăn, vội vã sang Bắc Kinh để “chúc mừng” hoàng đế Tập Cận Bình đăng cơ, xem ra có nhiều ý nghĩa và nội dung quan trọng hơn là một chuyến đi mang tính biểu tượng. Và nó cũng là câu trả lời rõ ràng cho thứ diễn ngôn “Việt Nam không chọn phe mà chọn chính nghĩa” và “chính nghĩa” ở đây là Trung Quốc.

Chuyến đi này, cần đặt trong bối cảnh biến động địa chính trị toàn cầu và mục tiêu trọng tâm của Tập Cận Bình giai đoạn tiếp tới. Quan trọng hơn là vai trò của Việt Nam trong bàn cờ và tham vọng bá quyền của Trung Quốc là gì?
Mục tiêu của Tập Cận Bình?

Sau 10 năm “đả hổ, diệt ruồi,” quyền lực của Tập Cận Bình đã ở mức tột bực. Trong đại hội đảng lần này, người ta không còn thấy hình ảnh quen thuộc của những biểu tượng Mác – Lê – Mao. Trong báo cáo chính trị tại đại hội, ông Tập đã nhắc đến cụm từ “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới” với tần suất lặp lại tới 39 lần khái niệm “Thời đại mới” như sự khẳng định một hệ tư tưởng và lý luận hoàn toàn mới và duy nhất, đoạn tuyệt với các hệ giá trị cũ như “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân hay “Xã hội hài hòa” của Hồ Cẩm Đào.

Sự kiện chấn động khi cựu Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào – người đã đưa Tập Cận Bình lên vị trí hôm nay – đã bị nhân viên an ninh áp tải ra khỏi đại hội vì có thể muốn nói điều gì đó không vừa ý với “hoàng đế.” Một màn thể hiện quyền uy tuyệt đối của Tập Cận Bình. Quyền lực lãnh đạo của Trung Quốc Cộng Sản đảng giờ không phải do “tâp thể lãnh đạo” mà độc tôn vai trò thống trị của hoàng đế Tập Cận Bình.

Nếu đặt cạnh nhau các đại dự án “Một vành đai, một con đường,” “Trung Hoa mộng” với “Tư tưởng Tập Cận Bình” và “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới” ngày hôm nay, nhìn sâu vào bản chất các giá trị và mục đích cốt lõi của chúng, người ta sẽ phải giật mình vì sự tương đồng với Mein Kampf. Chỉ có điều, nó quyến rũ hơn, có vẻ hài hòa hơn và đương nhiên là hấp dẫn hơn cả món vịt quay Bắc Kinh. Chỉ có điều, bạn sẽ ngộ độc khi say mê món ăn này.

Một thứ gì đó pha trộn giữa Khổng Giáo của Khổng Khâu, Pháp Gia của Hàn Phi Tử, lý luận XHCN của Karl Marx, các chính sách cai trị, vỗ về chư hầu, “quân chánh hợp nhất, dân binh hợp nhất” của Tề Hoàn Công… được diễn giải theo thứ ngôn ngữ triết lý Phương Đông rất huyền ảo, che đậy bởi các bánh vẽ tương lai và ngôn từ đẹp đẽ.

Nó vừa khơi gợi, vừa che đậy tham vọng quyền lực tuyệt đích của giới tinh hoa cộng sản Trung Quốc, ve vuốt lòng kiêu hãnh “thiên mệnh đế vương” và thúc giục các nhà lãnh đạo quốc gia này thực hiện các “sứ mệnh lịch sử.” Giới tinh hoa Trung Quốc hôm nay đang hình thành, củng cố những tín điều của một hệ tư tưởng mới, hướng đến mục tiêu thống trị thế giới. Nó đáng sợ hơn học thuyết của Hitler.

“Một Trung Quốc có thể suy yếu hơn về kinh tế, khoa học kỹ thuật vì ngày càng bị cô lập nhưng nguy hiểm hơn” – Đó là lời nhận xét của giới phân tích, bình luận chính trị quốc tế khi đánh giá xu hướng hiện nay của Trung Quốc. Cuộc chiến xâm lược Ukraine là một minh chứng những gì mà các nhà độc tài như Putin hay Tập Cận Bình có thể đem đến cho thế giới.

Mặc dù lời lẽ trong các diễn văn trong đại hội XX đã bị “chỉnh sửa” kỹ lưỡng trước khi phát sóng để tránh những từ ngữ có thể khiến Hoa Kỳ “nóng mặt.” Nhưng nội dung các chính sách thì không thay đổi. Ông Tập tuyên bố “chúng ta sẽ không bao giờ hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực.” Cụm từ “quân đội hùng mạnh,” “quốc gia hùng mạnh” liên tục được nhắc lại và việc thống nhất, thu hồi Đài Loan được coi là “sứ mệnh lịch sử.”

Hãy xem hàng loạt các chính sách “kinh tế tuần hoàn kép,” Zero-Covid, các vấn đề liên quan tới Tân Cương, Hong Kong và tiếp tới là Đài Loan, Biển Đông… có ý nghĩa gì nếu chẳng phải là những bước để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh?

Trong cơ cấu Quân Ủy Trung Ương hiện nay của Tập Cận Bình, hai nhân vật chủ chốt là tướng lĩnh trưởng thành từ cuộc chiến tranh 1979 với Việt Nam là Trương Hựu Hiệp, 72 tuổi, hiện giữ chức phó chủ tịch thứ nhất, và Lưu Chấn Lập, 58 tuổi, quân ủy viên. Đó không phải là sự tình cờ. Mặc dù, PLA đã được hiện đại hóa đáng kể, thao diễn và duyệt binh thường xuyên. Nhưng đó là một đội quân không hề có kinh nghiệm thực chiến suốt 40 năm qua.

Cuộc chiến xâm lược Ukraine khiến Putin sa lầy và nước Nga đang “cạn máu,” thất bại chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự tỉnh thức của Phương Tây trước những âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc và nỗ lực xiết chặt dần vòng kim cô, phong tỏa và chặt đứt các vòi bạch tuộc của Trung Quốc. Tất cả diễn biến bất lợi đó khiến cho Tập Cận Bình phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình thống nhất Trung Hoa (thu hồi Đài Loan) cũng như giành vị trí thống trị ở Đông Á. Nếu Putin thất bại ở Ukraine và nước Nga sụp đổ quá nhanh trước khi cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông bắt đầu, thì cơ hội giành chiến thắng bằng vũ lực sẽ ngày càng vô vọng.

Trước khi tiến hành một cuộc chiến. Việc Tập Cận Bình “mời” Nguyễn Phú Trọng sang tiếp kiến, hẳn đã chuẩn bị nhiều miếng phó mát ngon lành được gài trong những cái bẫy chuột tinh vi. Phải chăng, Tập Cận Bình cần một sự cam kết và thần phục tuyệt đối của CSVN trước canh bạc tất tay? Và trong tình thế này, Hà Nội không còn cơ hội để tiếp tục “đu dây” trục lợi thêm nữa? Không có quá 1 một lựa chọn duy nhất dành cho ông Trọng và mọi sự kháng cự hay chần chừ sẽ đều dẫn đến hậu quả thê thảm như Trần Đại Quang?

Việt Nam: Quốc gia bi thảm

Vốn dĩ, từ trước tới nay, Hà Nội theo đuổi chính sách “đu dây” hay còn được ví von là chính sách “ngoại giao cây tre,” không phải chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ. CSVN “đu dây” với tất cả các thế lực chính trị, kinh tế, quân sự quốc tế để lợi dụng tối đa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Về mặt kinh tế, Việt Nam phụ thuộc hơn 80% “đầu vào” bao gồm nguyên vật liệu, thiết bị, vật tư công nghiệp, phân bón, giống cây trồng… tất cả đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi hai thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ và EU. Trung Quốc cấp vốn cho các dự án lớn và đồng thời là “tổng thầu” của tất cả các dự án công nghiệp, năng lượng, hạ tầng ở Việt Nam. Trung Quốc nắm quyền chi phối hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN, TKV, VEC…cũng như các bộ ngành quan trọng như Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Giao Thông Vận Tải… của Việt Nam.

Về mặt chính trị, Bắc Kinh tuy không can thiệp nhiều vào nội bộ chính trường Việt Nam kể từ trường hợp Lê Khả Phiêu bị thất sủng. Nhưng sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về kinh tế đủ để Trung Quốc kiểm soát cuộc chơi và đặt ra “lộ trình” mà Hà Nội không thể “trật bánh.” Tuyệt đại đa số “lãnh đạo” CSVN đều thuần phục “thiên triều.”

Bị mắc kẹt từ trong lịch sử hình thành, ràng buộc bởi lợi ích băng đảng và sự tương đồng về mô hình cai trị độc tài, Hà Nội chưa bao giờ thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Mặc dù, đã có những giai đoạn hiếm hoi “thoát Trung” nhưng để rồi lại quay trở lại phụ thuộc và thần phục hơn trước.

Mặc dù Hà Nội luôn ca ngợi “16 chữ vàng” và nhịn nhục đớn hèn trước yêu sách ngạo ngược của Bắc Kinh trong khi kiếm tìm sự ủng hộ quốc tế từ kẻ cựu thù Hoa Kỳ, van xin sự bảo trợ từ Putin để bảo vệ các giếng dầu ở vùng thềm lục địa. CSVN là quốc gia hăng hái nhất ở Đông Nam Á mua sắm vũ khí từ Nga trong khi một số lượng lớn sỹ quan quân đội và công an lại dược “bồi dưỡng” ở Trung Quốc… Có thể nói, chính sách quốc phòng “4 Không” của Việt Nam cũng giống như việc một cô gái làng chơi phải “phục vụ free” cho cả đám anh chị xã hội lẫn các anh công an khu vực, dân phòng để mong yên thân, bán trôn nuôi miệng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nước Nga không còn là một thế lực chính trị, quân sự đáng kể nữa thì câu chuyện sẽ khác. Hà Nội mất đi một chỗ dựa truyền thống và nguy cơ bị người anh em “4 Tốt” thâu tóm vùng đặc quyền kinh tế biển sẽ nhanh chóng biến thành cơn ác mộng.

Địa kinh tế, chính trị, quân sự của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bàn cờ quyền lực của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Do đó, việc nắm chặt và chi phối Nguyễn Phú Trọng cùng dàn lãnh đạo khóa 13 trong tay là một mục tiêu cần đạt được đối với Tập Cận Bình càng sớm càng tốt.

Xem ra, đây là một chuyến đi “lành ít dữ nhiều” không chỉ với ông Nguyễn Phú Trọng mà còn đối với vận mệnh đất nước Việt Nam. Sự tuân phục yếu hèn của Tổng Trọng và băng đảng bán nước hại dân CSVN sẽ mở ra một trang sử bi thương của đất nước này./.