Chủ tịch đảng Việt Tân nhận định tình hình Việt Nam năm 2023

Ông Lý Thái Hùng, chủ tịch đảng Việt Tân. Ảnh: Facebook Việt Tân

LTS. Nhân dịp đầu năm 2023, ông Lý Thái Hùng, chủ tịch đảng Việt Tân, dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây, nhận định tình hình Việt Nam trong năm mới. 

Người Việt: Trong năm 2022, Việt Nam cho biết tăng trưởng kinh tế là 8,02%, cao nhất trong 12 năm, và cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Ông đánh giá ra sao kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

Ông Lý Thái Hùng: Đó là con số thực tế, nhất là khi tổng xuất nhập cảng của Việt Nam năm qua hơn $700 tỷ. Kết quả này là do Việt Nam đã qua đại dịch, Trung Quốc bị phong tỏa vì đại dịch, làm nhiều nhà đầu tư đổ vào Việt Nam, hàng gia công tăng, xuất nhập cảng tăng cao là đương nhiên, là tốt, nhưng đó chỉ là bề nổi. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao là nhờ các nhà đầu tư lớn, ví dụ như Samsung, chiếm 75% trong khi Việt Nam chỉ có 25%.

Như vậy là quá yếu, như vậy tăng trưởng là do người ngoài, con số là màu hồng, không thấy khả năng của chính mình.

Năm 2023 thế giới có thể gặp khủng hoảng kinh tế, ví dụ như tại Trung Quốc, Mỹ, và Liên Âu, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, không có việc làm, lạm phát gia tăng. Nếu Hà Nội không điều chỉnh sẽ gặp khó khăn.

Tại Việt Nam, xuất cảng đa số là gia công và lắp ráp. Các xí nghiệp cung cấp vật liệu để làm hàng xuất cảng đa số do nước ngoài làm chủ, tỉ lệ đóng góp trực tiếp vào xuất cảng của Việt Nam kém. Điều này cho thấy Việt Nam thiếu đầu tư vào trí tuệ, giáo dục, hoặc đầu tư của người Việt Nam chưa được khuyến khích đầy đủ, không làm chủ, lệ thuộc chủ nhân ông nước ngoài.

Thiếu những yếu tố này thì Việt Nam khó vươn lên.

Người Việt: Trong thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng, còn gọi là “đốt lò,” của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, truy tố và bỏ tù nhiều nhân vật cao cấp, qua các trọng án như vụ Việt-Á, giải cứu công dân, Vạn Thịnh Phát… Mới đây, các nhân vật cao cấp của Việt Nam ngụ ý cho biết việc “đốt lò” sẽ tiếp tục và mạnh mẽ hơn. Ông đánh giá việc này thế nào trong năm 2023?

Ông Lý Thái Hùng: Trong chế độ độc tài đảng trị như ở Việt Nam thì tham nhũng là quốc nạn, và dưới các đời lãnh đạo khác trước đây cũng vậy. Lý do ông Trọng làm mạnh hơn những người trước đây vì ông là một lý thuyết gia, muốn để lại dấu ấn kể từ năm 2011.

Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta thấy càng chống thì tham nhũng càng cao, vì đồng lương quá thấp, nên không chống được, vì thế, ông Trọng chỉ muốn tạo dấu ấn.

Tham nhũng lên tới 160.000 tỷ đồng, chống tham nhũng chỉ thu lại được 16.000 tỷ đồng, tức là 10%. Cán bộ thấy tiền như “mèo thấy mỡ.” Tiền nhiều quá đi tù ‘nhằm nhò’ gì. Bởi vậy, bây giờ, người dân nào cũng biết câu nói “Hy sinh đời bố cũng cố đời con.”

Nói chung là, trên thực tế, chống tham nhũng ở Việt Nam không có kết quả thực sự.

Kế đến, chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ tạo ra khủng hoảng nhân sự. Những vụ án lớn không thể gọi là tham nhũng, mà là lợi dụng chức quyền để ăn chia với nhau, nếu bắt hết tham nhũng sẽ không có người làm việc. Để giải quyết vấn đề này, đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhìn lại, phải chấp nhận tư duy đổi mới đa nguyên, mở ra cho tự do báo chí, bớt bưng bít, có nghĩa là đa nguyên về mặt xã hội.

Phải mở xã hội ra để có tiếng nói độc lập, phản biện, công khai, và thẳng thắn trình bày các vấn đề của đất nước. Đây là lúc phải đa nguyên xã hội.

Người Việt: Trong năm qua, ông Trọng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi ông Tập Cận Bình được bầu làm tổng bí thư lần thứ ba. Trong khi đó, tổng thống Mỹ vẫn chưa thăm Việt Nam dù được Hà Nội mời tổng cộng sáu lần. Và cuộc điện đàm đầy hứa hẹn giữa ông Trọng và ông Joe Biden đến nay vẫn chưa xảy ra, cộng thêm vụ ông Phạm Bình Minh, nhà ngoại giao kỳ cựu nhất của Việt Nam và được Mỹ rất ưa chuộng, bị loại khỏi Bộ Chính Trị và chức phó thủ tướng thường trực. Ông đánh giá thế nào chính sách ngoại giao của Việt Nam với hai siêu cường đối thủ Mỹ và Trung Quốc trong năm 2023?

Ông Lý Thái Hùng: Tình hình sẽ không thay đổi nhiều, dù Hà Nội thường ca ngợi chính sách ngoại giao cây tre, thực ra là du giây để hưởng lợi tối đa.

Khi Hoa Kỳ tung ra chiến lược an ninh Biển Đông, gọi là Indo-Pacific, Washington và Bắc Kinh bắt đầu có căng thẳng dữ dội.

Chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng là biểu hiện chính sách cho Trung Quốc tin tưởng, trong khi nước này đang bị Mỹ be bờ. Đây là chiêu ngoại giao cho Trung Quốc thấy là Việt Nam không ngả về Mỹ.

Trong khi đó, trên thực tế, Mỹ đang giúp Việt Nam rất nhiều, trong các lãnh vực thương mại, văn hóa, giáo dục, và xã hội. Thành ra, quan hệ Mỹ-Việt sẽ vẫn bình thường.

Mặt khác, Mỹ vẫn muốn Việt Nam nâng cấp quan hệ lên chiến lược vì nó liên quan đến an ninh, vì đây là vấn đề không thể lỏng lẻo. Nếu không thì Mỹ không biết, nhất là khi Mỹ đang chống Trung Quốc.

Dù Việt Nam chưa chấp nhận hoặc bác bỏ đề nghị của Mỹ nâng quan hệ song phương lên chiến lược, tôi nghĩ Washington sẽ tiếp tục kiên nhẫn, chưa nâng cấp bây giờ thì sẽ nâng cấp sau này thôi.

Ngoài ra, cục diện cuộc chiến tại Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào chính sách của Hà Nội trong năm 2023.

Thêm vào đó, vụ Mỹ đang ép Trung Quốc trong lãnh vực sản xuất chất bán dẫn và chip ít nhiều sẽ ảnh hưởng chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Trong việc chống Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng không muốn có biện pháp mạnh, vì có thể ảnh hưởng các nước khối ASEAN.

Tóm lại, theo tôi đánh giá, trễ lắm là khung thời gian 2025-2026, Việt Nam phải có quyết định, phải nhượng bộ, là có nâng quan hệ lên chiến lược với Mỹ hay không, chưa kể là chính trị Mỹ có nhiều thay đổi.

Người Việt: Trong bối cảnh này, đảng Việt Tân có dự định gì không?

Ông Lý Thái Hùng: Chúng tôi thấy rõ ràng Việt Nam có khó khăn nội bộ. Họ vẫn tiếp tục đàn áp các phong trào dân chủ và nhân quyền. Trong tình hình như vậy, Việt Tân sẽ thực hiện bốn nỗ lực.

Thứ nhất, tiếp tục phát triển hệ thống trong nước với những người muốn thay đổi đất nước, để họ có thể đóng góp vào công việc chung.

Thứ hai, hỗ trợ bà con nghèo khó trong nước, nhất là sau đại dịch COVID-19, và đồng hành với công việc giúp đỡ từ hải ngoại hoặc trong nước.

Thứ ba, tiếp tục vận động chính giới Hoa Kỳ và các quốc gia khác về vấn đề nhân quyền.

Cuối cùng là làm việc với các hội đoàn, giữ vững đoàn kết cộng đồng, nhất là trong giới trẻ, để gánh vác công việc chung.

Nhân dịp năm mới, tôi cũng xin chúc tất cả đồng hương sức khỏe, cùng nhau hợp tác, đẩy mạnh các nỗ lực để giữ vững đoàn kết cộng đồng và hỗ trợ công việc đấu tranh trong Việt Nam.

Đỗ Dzũng/Người Việt (thực hiện)

Liên lạc tác giả: dodzung@nguoi-viet.com

Nguồn: Người Việt