„Dân Chủ“ trong không khí mừng lễ tưng bừng

„Lễ hội Schwarzrotgold ở Hambach lôi kéo được nhiều quan khách mặc dù thời tiết thất thường"

Từ con đường Schlossstrasse của làng Hambach nhìn lên tòa lâu đài Hambacher Schloß trông rất hấp dẫn. Nhưng còn hấp dẫn hơn là lễ hội „Schwarzrotgold“ vào cuối tuần qua, ngày lễ hội của con đường Schlossstrasse. Rất nhiều phó nhòm và nhà báo đã chụp được những bức hình rất đặc biệt với đại kỳ Đức quốc; những câu nói của những nhân vật nổi tiếng về đề tài: „dân chủ“ được in trên những miếng vải trắng và được treo lên cao để mọi người có thể đọc, những quầy bán hàng, những chậu hoa để ở trước cửa sổ rất đẹp và những đèn chiếu vào buổi chiều gây được sự chú ý của khách tham dự.

Ảnh 3 người mẫu nổi tiếng của làng Hambach: Charlotte Dietz, Petra Henke và Konstanze Ertel, đang đứng trước tòa lâu đài Hambach,  ông Helmut Pauly người đang chụp hình. (Foto:LM)

Lễ hội lần này không những chương trình rất phong phú mà thời tiết cũng rất ư là „phong phú“. Lúc khai mạc vào chiều ngày thứ sáu bài diễn văn của người trưởng làng bà Gerda Bolz trước tiệm bán rượu Johann Müller đã không lấn át được tiếng sấm sét của trận mưa rào rất lớn. Mặc dù vậy bà rất vui vì đã bán được 90 vé để đi thử rượu của nhiều tiệm rượu khác nhau. Sau khi tạnh mưa thì một số khách mới tới. Ngày thứ bảy thời tiết lý tưởng nhất, ngày chủ nhật thì lại quá nóng.

Không những phong cảnh từ con đường Schlossstrasse nhìn lên tòa lâu đài Hambacher Schloß là „tuyệt đẹp“, mà còn nhiều cái „đẹp“ khác nữa. Chẳng hạn như những mảnh vải trắng với những câu rất đáng để suy nghĩ như: „ Nếu bạn không chăm lo gì cả thì tôi sẽ bỏ bạn ra đi…. Người bạn DÂN CHỦ“; hoặc những bóng đèn màu được những giá đựng rượu úp lên khi chiếu tạo nên một bầu không khí rất đặc biệt. Dọc theo đường Schlossstrasse có những ghế dài để người ta có thể ngồi nghỉ hoặc ngắm người qua lại; rất nhiều khách tham dự đến từ vùng chung quanh hai sông Rhein và Neckar, hoặc những dân làng Hambach mặc sắc phục cổ truyền nhảy múa trong các sân hoặc ngay trên đường.

Trong một số sân của dân làng có bầy bán các nữ trang, thiệp, mật ong… tự làm cũng rất đặc biệt. „ Người tới coi thì nhiều lắm, nhưng người mua thì ít“, ông Jochen Heim trả lời nhà báo như thế. Ông để bán trong tiệm Café Liberté những bức hình rất đẹp ông chụp ở hãng xưởng hóa chất lớn nhất thế giới BASF hoặc ở nhà máy điện Mannheim, hoặc của những lâu đài, phong cảnh thiên nhiên….

Dĩ nhiên là có sân bán bánh và cà phê. Có vài thiếu niên dựng một cái bàn và bán bánh Pháp Crêpes. Người ta có thể vừa ăn bánh Crêpes nóng hổi mới nướng xong và ngắm những bức tranh tuyệt đẹp được vẽ theo phương pháp Aquarelle của bà Zita Gutting.

Trong sân Albert thì người ta cần dùng đến óc sáng tạo. „Ở đây có cá heo. Đây là cá mà tôi thích nhất”, cô bé 7 tuổi Vivienne vừa nói vừa xếp giấy theo hình con cá heo. Cô người Nhật Misaki Yoshinaga đang chỉ cho người lớn và trẻ em cách xếp giấy các thú vật theo nghệ thuật Origami.

Người ta vẫn phải còn tranh đấu cho Tự Do là điều mà gia đình ông bà Trịnh Đỗ trình bầy ở quầy thông tin về những Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam, song song đó có thể thưởng thức những món ăn thuần tuý Á Châu.

Và ở đây người ta có thể thưởng thức nhiều thể loại nhạc khác nhau tuỳ theo sở thích của mỗi người. “ Nếu cùng hát theo thì  dễ “chịu đựng” được hơn”, một nhân viên bán thức ăn trước tòa thị sảnh nói thế, và phải “chịu đựng” nghe nhạc của “Lifestyle”. Những khách tham dự thì có thể chọn lựa xem thích nghe nhạc nào, vì có rất nhiều ban nhạc sống chơi trong các sân hoặc ngay trên đường.

Annegret Ries - Minh Hoài phỏng dịch

http://www.rheinpfalz.de/lokal/neustadt/artikel/demokratie-in-bester-fei...