Đi tìm một chỗ đứng chung: Người Âu Châu tranh luận

|

Liên Hiệp Âu Châu sắp tổ chức một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới, cuộc bầu cử Quốc Hội Âu Châu (European Parliament, BBT).

Với Anh Quốc đang còn chân trong chân ngoài, những phong trào bài Âu Châu vẫn còn đang gia tăng ủng hộ ở các quốc gia thuộc Đông Âu cũ, trong khi bên kia bờ Đại Tây Dương, lần đầu tiên Âu Châu đối diện với một chính phủ Hoa Kỳ không thân thiện, giấc mơ một Âu Châu thống nhất, hòa bình, dân chủ và tiến bộ, đang lâm nguy. Nhưng một số công dân Âu Châu đang tìm cách tạo đối thoại qua một cuộc tranh luận đối diện ở ngay thủ đô Brussels.

Hầu hết trong số khoảng trên 500 người tham dự đã đi xe hay bay hơn 500 mile để đến dự – vài chục người đã đi hơn 1.000 mile – sau khi họ được cặp đôi qua Internet với bạn tranh luận từ các quốc gia khác để tham dự một cuộc bàn luận về tương lai của Âu Châu.

Triển lãm tại trung tâm nghệ thuật Bozar ở Brussels, Bỉ, về cuộc khủng hoảng di dân ở Âu Châu. (Hình: John Thys/AFP/Getty Images)

Cuộc gặp gỡ này, mang cái tên Europe Talks, là đứa con tinh thần của các chủ bút của tờ nhật báo Die Zeit, một tờ báo bảo thủ trung dung lâu đời ở Đức, vốn đã nảy sinh ý kiến này trong khi đang đánh ping pong ngay trong phòng tin. (Xin mở ngoặc trong cố gắng giúp sức khỏe của các nhà báo, vốn nổi tiếng có cuộc sống thiếu lành mạnh, có cơ hội vận động, tòa soạn đã đặt một cái bàn ping pong ngay trong phòng tin.) Mục đích của họ rất đơn giản nhưng đầy tham vọng: làm sao cho người ta bước ra khỏi cái “bong bóng filter” vốn loại bỏ mọi điều hay mọi người không đồng ý ra khỏi ý thức của mình, và liên lạc – trực diện – với những công dân Âu Châu có một quan điểm chính trị khác mình.

Tổng chủ bút của tờ Die Zeit, ông Jochen Wegner, kể lại là cuộc thí nghiệm đầu tiên của họ là trong nội bộ nước Đức, nói tiếp, “Chúng tôi nghĩ chắc chỉ có 100 hay 200 người ghi tên, nhưng 12.000 người ghi tên” và họ đến từ khắp nước Đức. Họ bèn quyết định lập lại cuộc đối thoại này nhưng trên toàn Âu Châu. Ông thêm “Điều đang xảy ra hôm nay chưa từng xảy ra trong lịch sử Âu Châu.”

Trong khi họ chờ cho chương trình chính thức bắt đầu, một cặp được chọn làm partner Juhani Tanayama từ Helsinki, Phần Lan đến; và Yavor Ivanov từ Sophia, Bulgaria đến, nói chuyện một cách hăng say.

Họ đã được cặp đôi với nhau dựa trên những câu trả lời cho một số câu hỏi kể cả “Liên Hiệp Âu Châu có cải thiện cuộc sống của các công dân của họ không?” (90% đồng ý), “Liệu Liên Hiệp Âu Châu có nên tăng giá xăng để giúp bảo vệ môi trường không?” (72% đồng ý), và “Có phải có quá nhiều di dân ở Âu Châu hay không?” (76% không đồng ý).

Ông Wegner nói, “Chúng tôi cố nghĩ ra những câu hỏi gây chia rẽ, nhưng nó có vẻ không làm được điều đó.”

Ông Ivanov, một chuyên gia kỹ thuật vốn tự nhận mình là say mê về Hỏa Tinh và đi xe đạp, đã leo lên máy bay đến Brussels vì ông muốn có mặt để nói về những vấn đề chung của Âu Châu. Ông nói, “Tôi rất vui sướng là Bulgaria là một phần của Liên Hiệp Âu Châu.”

Bulgaria là một trong những nước nghèo nhất của Liên Hiệp, trong khi quê hương của ông Tanayama, Phần Lan, là một trong những nước giàu nhất. Họ không đồng ý về câu hỏi “Các quốc gia giàu hơn ở Âu Châu có nên giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn hay không?” (88% những người đến dự nói nên làm.)

Tuy Liên Hiệp Âu Châu nên đầu tư một số tiền vào giáo dục và hạ tầng cơ sở, những ngân khoản đó nên phải có điều kiện, ông Tanayama nói, rồi thêm là phải có hậu quả nếu một quốc gia sử dụng sai tiền của Liên Hiệp, và không tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Liên Hiệp.

Ông Ivanov muốn thấy có thêm tài trợ tài chánh cho các quốc gia nghèo hơn trong Liên Hiệp Âu Châu, nhưng công nhận là tài trợ của Liên Hiệp đã gia tăng tham nhũng ở Bulgaria. Ông nói, “Chúng tôi đang xây dựng hạ tầng cơ sở với đồng tiền của Liên Hiệp, nhưng phẩm chất không tốt lắm vì một nửa số tiền đã đổ vào túi của các tay tài phiệt.”

Ông Tanayama gật đầu đồng ý – ngay trước khi cuộc thảo luận chính thức bắt đầu họ đã đồng ý với nhau. Ông nói, “Điều quan trọng là tìm một chỗ đứng chung, một mẫu số chung.”

Sau chương trình chào đón chính thức, cô Anne Helgers, một kỹ sư, và ông Anno Muhlhoff, một cảnh sát viên, đều từ Köln, Đức đến, bàn luận về cuộc gặp gỡ đầu tiên trong một quán cà phê. Cô Helgers nói, “Chúng tôi cảm thấy là cả hai chúng tôi đều có lập trường rất khác biệt về một số đề tài, thành ra tôi nói ‘Ờ, có một điều tôi bảo vệ rất mạnh mẽ. Tôi sống với một phụ nữ khác.’” Ông Muhlhoff không ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Nhưng ông Muhlhoff nói, hơi cảm động, vì cuộc thảo luận “đã làm giảm lập trường cứng rắn của tôi về vấn đề này – chính là vì tôi đặt lập luận của tôi theo một cách làm tổn thương Anne. Cô ấy tử tế nhận lời xin lỗi của tôi. Nó làm cho mọi sự trở thành thân cận hơn.” Cô Helgers nói, “Đối với tôi, nay tôi nghĩ nhiều hơn về truyền thông. Tôi muốn thuyết phục toàn thế giới là những người như tôi, chúng tôi tuyệt vời lắm – nhưng ngay cả nghĩ chúng tôi không đến nỗi xấu cũng là một tiến bộ.” Ông Muhlhoff vội chen vào “Tôi không bao giờ nghĩ cô là xấu.”

Bên ngoài hành lang, các partner tranh luận đã bắt đầu chui vào những góc của Trung Tâm Mỹ Thuật, được gọi là BOZAR và là nơi được chọn cho cuộc thảo luận. Chủ trì cuộc ăn mừng cho Âu Châu dân chủ hôm nay, trung tâm này được xây dựng nên trong thời thập niên 1920 do những thế lực chắc chắn là không dân chủ: Nó được xây dựng hầu hết dưới hầm, để cho khỏi cản trở tầm nhìn của nhà vua từ tòa lâu đài nhìn xuống thành phố ở dưới chân.

Tựa vào quầy nhận quần áo trong một bồ đồ tây may mắc tiền và cặp mắt kiếng mà có lẽ được gọi là “rất Ý,” ông Giulio Anichini của Rome, Ý, nói chuyện với cô Anastasia Weirich, ngồi xếp bằng trên quầy cho thấy đôi giày Doc Martens.

Cô Weirich đi xe từ Aachen, Đức, đến vào buổi sáng. Ông Anichini đón xe lửa Eurostar từ Luân Đôn, nơi ông làm việc. Nghề của họ giống nhau – họ đều là bác sĩ – nhưng họ bất đồng về điều được coi như là câu hỏi gây tranh cãi nhất của hội nghị “Liệu Âu Châu có nên có liên hệ thân cận hơn với Nga hay không?” (53% đồng ý, 46% nói không).

Ông Ainichini nói, “Tôi không thích cuộc xâm lăng Crimea.” Cô Weirich công nhận, “Và tôi không có một tầm nhìn khách quan.” Công nhận cô từ Nga đến, cô tiếp, “Gia đình tôi vẫn còn sống ở đó – Tôi muốn có nhiều hợp tác hơn.”

Khi cuộc tranh luận kết thúc, những người tham dự tiếp tục câu chuyện của họ, tràn ra đường phố để uống ly cà phê hay ly bia ngay bên ngoài nhà hàng BOZAR, vốn đã được một ngôi sao Michelin cho những món ăn rất dân chủ như bánh pie thịt heo và sự bác bỏ “những món ăn phức tạp một cách vô lý.”

Ông Christian Schroller từ Hamburg, Đức, và ông Kurt Strand từ Copenhagen, Đan Mạch, đã bàn luận suốt buổi chiều, vừa mới khám phá là họ bất đồng ý kiến về câu hỏi “Liệu bạn có đồng ý từ bỏ passport quốc gia của bạn để có một passport Âu Châu không?” (80% muốn có passport Âu Châu). Ông Schroller nói, “Tôi hết sức muốn bỏ đi cái cá tính Đức và có một công dân Âu Châu.”

Ngay cả ở nước Anh Brexit, có nhiều người Anh giờ đây đang ao ước là họ có một passport Âu Châu để họ có thể từ bỏ Anh Quốc.

Lê Phan

Nguồn: Người Việt