Trung Quốc khoác áo tư nhân để thâu tóm lãnh vực bán dẫn châu Âu

Thụy My - RFI| Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 350 tỉ đô la chip bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa. Đây là mặt hàng chiến lược cần thiết cho điện thoại thông minh, máy tính, xe hơi và cả hỏa tiễn đạn đạo. Nhà nước Trung Quốc đều can dự trong mỗi thương vụ mua các đơn vị nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn nhưng giấu mặt sau các quỹ tư nhân. Nhiều nước châu Âu không biết được vì thông tin nằm rải rác và bằng tiếng Hoa. Chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp phá kỷ lục, khí hậu, vấn đề chẩn đoán vô sinh, đó là các chủ đề lớn trên báo chí Paris hôm nay. Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde giải thích "Trung Quốc tìm cách kiểm soát các công ty bán dẫn châu Âu như thế nào". Đang lẹt đẹt phía sau, Bắc Kinh âm thầm ẩn mình sau các công ty bình phong để thâu tóm công nghệ này, kể cả tại Pháp. Mua được các công ty bán dẫn, Bắc Kinh cho xây nhà máy tại Hoa lục Hôm 13/05, quỹ đầu tư Trung Quốc Wise Road Capital đề nghị mua lại công ty Pháp Unity Semiconductor (SC) SAS. Quỹ này có vẻ vô hại: được thành lập năm 2017 để đầu tư vào các công ty công nghệ nhất là bán dẫn, trên trang web cho biết là « tư nhân », khẳng định có « quyết định độc lập ». Thế nhưng theo cơ quan tình báo kinh tế Datenna, nhiều cổ đông có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Trung Quốc, và thực tế là công cụ của Bắc Kinh để nâng cao sức mạnh công nghệ. UnitySC tuy ít được biết đến nhưng có tương lai rất sáng sủa. Nhờ trung tâm nghiên cứu ở « thung lũng Silicon mini » Grenoble, công nghệ của công ty rất cần thiết khi những con chip bán dẫn ngày càng được thu nhỏ. Theo South China Morning Post, nhiều trung tâm nghiên cứu, đơn vị sản xuất đã bị rơi vào tay Wise Road Capital và được chuyển giao cho Trung Quốc. Chỉ một tháng sau khi bị mua lại, United Test and Assembly Center (UTAC) của Singapore thông báo xây nhà máy tại Sơn Đông, công ty Đức Huba Control cũng cùng chung số phận, được đưa về Tứ Xuyên. Công ty liên doanh với Áo AMS thì xây nhà máy tại An Huy. Với công nghệ số, chip điện tử là mặt hàng không thể thiếu trong kỹ nghệ thế giới, có mặt trong điện thoại thông minh, máy tính, xe hơi và cả hỏa tiễn đạn đạo. Một chiếc xe hơi cần từ 1.000 đến 1.400 con chip. Việc sản xuất tập trung vào một số ít nước, và Trung Quốc vốn chỉ làm được 15% số chip tiêu thụ, đang lệ thuộc vào Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 350 tỉ đô la chip bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa. Dù chỉ 1% chip bán dẫn được sử dụng trong quân sự, Hoa Kỳ vẫn thận trọng hạn chế xuất sang Trung Quốc. Lập 1.800 quỹ đầu tư để đứng đầu thế giới trong 10 công nghệ Với kế hoạch Made in China 2025 tung ra năm 2015, Bắc Kinh tự ra hạn định 10 năm để đứng đầu thế giới trong mười công nghệ chủ chốt, và lập ra trên 1.800 quỹ đầu tư công về kỹ nghệ, sở hữu 390 tỉ euro, theo Viện Mercator. Tổng giám đốc Datenna nhấn mạnh, riêng về lãnh vực bán dẫn, Nhà nước Trung Quốc đều can dự trong mỗi thương vụ nhưng giấu mặt sau các quỹ tư nhân. Nhiều nước châu Âu không biết được vì thông tin nằm rải rác và bằng tiếng Hoa. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Hoa Kỳ đã bác việc Wise Road Capital, thông qua hai chi nhánh ở quần đảo Caiman và bang Delaware, mua lại nhà sản xuất bán dẫn Magnachip của Hàn Quốc niêm yết tại Wall Street. Anh chặn việc bán Newport Wafer Fab cho chi nhánh ở Hà Lan của một công ty điện tử Trung Quốc. Tại Pháp, cả bộ Kinh Tế lẫn UnitySC đều từ chối bình luận về khả năng Trung Quốc mua lại. Từ ngày 01/04/2020, việc nước ngoài mua các công ty bán dẫn phải được cơ quan chức năng xét duyệt, vì lý do an ninh quốc gia. Mùa xuân 2019, Liên Hiệp Châu Âu đã loan báo cơ chế thanh lọc, các quốc gia thành viên phải thông tin về mọi đầu tư ngoại quốc trong công nghệ nhạy cảm. Nhưng Viện Thẩm kế châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc có được dữ liệu hoàn chỉnh cập nhật, và như vậy vẫn chưa có được cái nhìn chung về các hoạt động thâu tóm của Bắc Kinh. Phái đoàn nghị sĩ châu Âu đến Đài Loan Trong khi đó cũng theo Le Monde, một phái đoàn châu Âu lên đường thăm Đài Loan, đất nước đang thống trị về chip bán dẫn. Chuyến đi này tiếp theo « chuyến công du » vô tiền khoáng hậu tại Liên Hiệp Châu Âu của ngoại trưởng đảo quốc. Phái đoàn thuộc Ủy ban đặc biệt của Nghị Viện Châu Âu về bóp méo thông tin và can thiệp của nước ngoài vào các tiến trình dân chủ (INGE) xuất phát từ hôm qua 02/11 để thăm Đài Bắc ba ngày. Được nghị sĩ Pháp Raphaël Glucksmann dẫn đầu, nhóm bảy nghị sĩ sẽ gặp nhiều bộ trưởng và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ông Glucksmann nằm trong số mười nghị sĩ châu Âu bị Bắc Kinh « trừng phạt » vì ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ. Hôm 28/10, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua với đa số phiếu một văn bản đòi hỏi tăng cường quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) với Đài Loan. Chủ yếu là nghiên cứu một thỏa thuận đầu tư song phương trước cuối năm – một dự án chưa bao giờ được cụ thể hóa. Nghị Viện cũng bày tỏ « hết sức quan ngại » về thái độ « hiếu chiến » của Bắc Kinh đối với Đài Bắc, kêu gọi « bảo vệ nền dân chủ Đài Loan ». Một số dự án khác đang được xem xét, trong đó có một phái đoàn quy mô hơn của Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện. Lần đầu một ngoại trưởng Đài Loan thăm châu Âu, Bắc Kinh tức tối Vốn tương đối dè dặt, EU từ hai tuần qua đã cao giọng hơn về vấn đề Đài Loan. Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager tố cáo áp lực và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại eo biển, có thể ảnh hưởng đến « an ninh và thịnh vượng » của châu Âu. EU lo ngại việc cung ứng chất bán dẫn của công ty Đài Loan TSMC, « thiết yếu cho việc phát triển kỹ nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số của Liên hiệp ». Bà Vestager kêu gọi « đối thoại », « chấm dứt các hành động đơn phương gây căng thẳng ». Mới đây ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã thăm Cộng hòa Sec và Slovakia, tham gia (qua video) một hội nghị của các nghị sĩ chống Trung Quốc tại Roma bên lề thượng đỉnh G20. Bắc Kinh giận dữ tố cáo Thượng Viện Sec « khiêu khích ». Ông Ngô Chiêu Tiếp cũng thăm Bruxelles cuối tuần rồi, nhưng các định chế châu Âu ít đề cập và báo chí Hoa lục tránh nói đến. Đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Đài Loan thăm các nước châu Âu, một sự kiện vô cùng nhạy cảm. Ông Ngô cũng thăm Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 11 tháng Chín, nhưng chính quyền Biden không có tuyên bố chính thức nào, và ngoại trưởng Đài Loan được tiếp ở Maryland chứ không phải Washington. Đài Bắc cũng đã gởi một phái đoàn do bộ trưởng Kinh Tế kiêm nhiệm phụ trách TSMC, ông Cung Minh Hâm (Kung Ming Hsin) dẫn đầu, thăm Cộng hòa Sec, Slovakia, Litva. Ông nói với trang Politico là cả ba nước đều mong được phát triển chất bán dẫn. Các tập đoàn internet Mỹ lần lượt rời Hoa lục Vẫn về công nghệ, Le Figaro và Les Echos đều chú ý đến việc các tập đoàn internet của Mỹ như Fortnite, Yahoo !, Linkedln… lần lượt rời khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc. Đầu tháng 11, Fortnite tuyên bố bỏ cuộc, và Epic Games, nhà sản xuất trò chơi video có 350 triệu người sử dụng trên thế giới, cũng loan báo rút khỏi Hoa lục. Hôm qua đến lượt công cụ tìm kiếm Yahoo ! cho biết không còn cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc sau hai thập niên hiện diện, nêu lý do môi trường pháp lý và các quy định « ngày càng khó khăn ». Một tháng trước, mạng LinkedIn quyết định « một đi không trở lại ». Các loan báo này trùng hợp với việc các quy định mới của Bắc Kinh bắt đầu có hiệu lực từ đầu tuần này, đòi hỏi các công ty ngoại quốc phải báo cáo với các cơ quan giám sát của Trung Quốc. Đặc biệt các thông tin cá nhân lưu trữ tại Hoa lục không thể được chuyển giao cho các nước có « tiêu chí thấp hơn » Trung Quốc, trước hết là Hoa Kỳ. Các tập đoàn kỹ thuật số muốn ở lại Hoa lục phải chặn các nội dung mà Bắc Kinh không thích. Linkedln năm nay đã bị chỉ trích dữ dội vì chặn tài khoản của nhiều nhà báo, giảng viên đại học, nhà đấu tranh nhân quyền. Trước đó từ 2009 Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, Wikipédia đã bị « Vạn lý Hỏa thành » phong tỏa, còn Google sập cửa ra đi năm 2010. Tình báo Mỹ : Đại dịch Covid có thể xuất xứ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán Trên lãnh vực dịch tễ, Les Echos cho biết Washington nhận định khả năng con virus corona thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín. Một báo cáo tổng hợp của năm cơ quan tình báo Mỹ được giải mật hôm thứ Sáu 29/10 kết luận con virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch Covid rất có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Đặc biệt FBI ưu tiên cho khả năng tai nạn phòng thí nghiệm. Cho dù con virus được nuôi cấy thậm chí chuyển đổi trong phòng thí nghiệm P4, các cơ quan tình báo Mỹ không cho là với mục đích tạo ra vũ khí sinh học, và nhận định bí ẩn này chỉ có thể giải mã với sự hợp tác hoàn toàn của Bắc Kinh. Dù giọng điệu báo cáo khá ôn hòa, Bắc Kinh vẫn giẫy nẫy tố cáo « trò đùa chính trị » khi nhắc đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV), tuy các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tháng 12/2019 được phát hiện chỉ cách đó vài con đường. Ban đầu Bắc Kinh khẳng định con virus là từ những con dơi bán ở ngôi chợ gần đó, nhưng đến tháng 4/2020 người ta biết rằng chợ này chưa bao giờ bán dơi. Chế độ Trung Quốc lại càng rơi vào thế thủ sau khi Quốc Hội Mỹ thứ Tư tuần trước tiết lộ các thông tin gây bối rối về công việc của WIV. Viện Y tế Quốc gia (NIH) thông qua Eco Health Alliance (EHA) đã tài trợ mấy chục triệu đô la cho thí nghiệm « tăng cường chức năng » (GOF) con virus. Peter Daszak, chủ tịch EHA năm 2018 từng xin ngân sách của DARPA, cơ quan nghiên cứu của quân đội nhưng bị từ chối vì quá nguy hiểm. Trung Quốc kiên định zero Covid, cơn ác mộng cho người lao động nước ngoài Trong khi đó Trung Quốc vẫn tự cô lập với chiến lược zero Covid, gây khó khăn cho những người ngoại quốc làm việc tại Hoa lục. Hiện nay ít nhất 6 triệu người đang bị cách ly, chủ yếu ở Lan Châu. Tại Thượng Hải, Disneyland hôm thứ Hai phải đóng cửa sau khi phát hiện một khách bị dương tính, khiến gần 34.000 khách phải xét nghiệm mới được rời khỏi khu giải trí. Ba ngày trước đó, một chuyến tàu đang hướng về Bắc Kinh bị chận đột ngột vì hai ca tiếp xúc trên tàu. Tất cả 211 hành khách bị xét nghiệm, tất cả đều âm tính nhưng… đều bị đưa đi cách ly ! Tình trạng Hoa lục đóng cửa là cơn ác mộng cho những người ngoại quốc làm việc tại đây. Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc trong báo cáo mới nhất cho biết khó thể tuyển dụng người mới, thậm chí không giữ được những người cũ đang làm việc tại chỗ. Về phía chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, Ker Gibbs lo ngại nhân viên ngoại quốc tại Hoa lục sẽ lũ lượt về nước. Qua điều tra 338 doanh nghiệp thành viên, trên 70% gặp khó khăn trong việc giữ chân người giỏi việc./.
......

Chuyên gia Mỹ: Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc là viển vông

VOA tiếng Trung - Lê Thị Thanh Loan dịch/ Nghiên Cứu Quốc Tế|  Trong 20 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không ngừng tăng cường đàn áp nội bộ và những hành động gây thù chuốc oán với bên ngoài của họ thường khiến nhiều nhà quan sát bối rối. Một mặt, họ cho rằng việc ĐCSTQ tăng cường đàn áp là biểu hiện của sự bất an. Mặt khác, việc thực hiện ngoại giao chiến lang để gây thù chuốc oán với mọi phía dường như cũng cho thấy Bắc Kinh có đủ tự tin vào sức mạnh của mình, điều đó khiến nước này không thể không thực hiện một bước nhảy vọt để thách thức trật tự quốc tế hiện thời. Tuy nhiên, ông Michael Beckley, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Tufts – Mỹ, sau nhiều năm nghiên cứu về sức mạnh quốc gia và quân sự của nước này đã đưa ra kết luận rằng, sự kiểm soát, đàn áp bên trong và các hành động khiêu khích bên ngoài của ĐCSTQ đều là sự phản ánh một cảm giác bất an về một tương lai không còn dài của chính họ. Tập Cận Bình và thuyết “Đông thịnh Tây suy” Trong 20 năm qua, biểu hiện của Trung Quốc trên trường quốc tế mang một diện mạo hoàn toàn khác so với trước đây, đến mức Kurt Campbell, điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người thường được coi là có cung cách nói chuyện vô cùng thận trọng và chừng mực, cũng không thể kìm nén nổi sự ngạc nhiên. Theo hãng tin Reuters, trong một cuộc hội thảo tại Hiệp hội Nghiên cứu châu Á vào ngày 6 tháng 7 vừa qua, Campbell đã tuyên bố, “Bắc Kinh gần đây ngày càng trở nên hung hăng và gây thù chuốc oán với nhiều nước. Chiến lược này rất khác so với chiến lược của Bắc Kinh trong những năm 1990.” Hiện nay, nhiều nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài tin rằng, việc chính quyền ĐCSTQ có thể thực hiện toàn bộ các cuộc đàn áp ở Trung Quốc, từ việc áp chế các tín đồ tôn giáo, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và người Tây Tạng, các luật sư nhân quyền, các nhà hoạt động vì quyền lao động và quyền phụ nữ, những người chủ trương đòi quyền lợi cho các nhóm thiểu số tính dục, cho đến việc gây hấn khắp nơi thông qua chính sách ngoại giao chiến lang, chủ yếu là do ĐCSTQ cho rằng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc, sức mạnh tài chính của nước này đã tăng lên nhiều đến mức họ có đủ vốn liếng để làm bất cứ điều gì mình muốn. Trong khi các nhà chức trách của ĐCSTQ đang gây hấn cả trong nước lẫn quốc tế, lãnh đạo ĐCSTQ và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, người có quyền lực tuyệt đối với lời nói nặng tựa ngàn cân, thậm chí còn khẳng định xu thế chung của thế giới hiện nay là “Đông thịnh Tây suy.” Các nhà quan sát thường coi “Đông” mà Tập Cận Bình ám chỉ là Trung Quốc dưới sự kiểm soát của nhà lãnh đạo này, còn “Tây” để chỉ các nước dân chủ có nền công nghiệp hóa phát triển do Mỹ đứng đầu. Ngoài ra, các nhà quan sát cả trong và ngoài Trung Quốc nói chung đều tin rằng, chính sách ngoại giao chiến lang gây hấn khắp nơi của Trung Quốc trong những năm gần đây có liên quan mật thiết đến Tập Cận Bình, người đã sớm thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa hết sức mãnh liệt từ trước khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, theo quan điểm của Beckley, mặc dù kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong việc trấn áp nội bộ cũng như gây hấn với bên ngoài, nhưng sự hung hăng của ĐCSTQ ở cả trong và ngoài nước trong những năm gần đây phần lớn không đến từ hành vi cá nhân của ông Tập, mà là kết quả của quá trình ĐCSTQ nhận thức được nước này đang bị đặt trong một tình thế khó khăn, đồng thời cố gắng vẫy vùng để thoát khỏi cục diện này. Beckley cũng chỉ ra rằng, việc ĐCSTQ đồng thời tạo thù trong lẫn giặc ngoài không phải chỉ mới xuất hiện kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền mà đã tồn tại từ trước đó, và nó xuất hiện cùng lúc với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Vì sao thuyết “Đông thịnh Tây suy” không đáng tin cậy Theo quan điểm của Beckley, việc Tập Cận Bình cho rằng cục diện thế giới lúc này đang theo chiều hướng “Đông thịnh Tây suy” là hoàn toàn vô lý và thiếu cơ sở, ngay cả khi có một vài người ở Trung Quốc hay thậm chí ở Mỹ và các nước phương Tây tin rằng tuyên bố này của ông Tập có căn cứ ở một mức độ nào đó. Tiến sĩ Beckley, người đã nghiên cứu về sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm qua, trước đây từng làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như các tổ chức tư vấn như RAND Corporation và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Trong khi đảm nhận công việc giảng dạy, ông tiếp tục làm công tác tư vấn cho giới tình báo Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ. Beckley đã xuất bản các bài báo trên tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs và các tạp chí khác trong những năm gần đây, đồng thời xuất bản tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao có tên “Không thể thay thế: Tại sao Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới” (Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower), để trình bày các nghiên cứu về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những điểm yếu của nước này trước công chúng và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Ví dụ, ông đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 12 năm 2020 như sau: “Với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đặc biệt nguy hiểm – nước này có khả năng phá vỡ trật tự hiện có, nhưng cánh cửa hành động của họ đang bị thu hẹp…” “Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa và năng suất lao động giảm 10%. Đồng thời, nợ công đã tăng gấp 8 lần, đạt mức 335% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2020. Trung Quốc không có nhiều hy vọng sẽ đảo ngược được những xu hướng này, vì trong 30 năm tới, nước này sẽ mất đi 200 triệu người trong độ tuổi lao động và có thêm 300 triệu người già. Khi tăng trưởng kinh tế giảm, nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị sẽ gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng sự tan rã theo kiểu Liên Xô có thể xảy ra, trong khi giới thượng lưu Trung Quốc đang chuyển tiền và gia đình của họ ra nước ngoài.” Trong cuốn sách “Không thể thay thế,” khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia và xu hướng phát triển của Mỹ, Trung Quốc và Nga, Beckley đã nêu ra những viễn cảnh nghiệt ngã mà Trung Quốc phải đối mặt theo cách này: “Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ đánh mất 1/3 lực lượng lao động và tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn bất kỳ xã hội nào trong lịch sử. Tỷ lệ người lao động và người về hưu là 8:1 hiện nay sẽ đạt mức 2:1, các cơ quan chính phủ của nước này không ngừng tham nhũng, kìm hãm sự đổi mới và cản trở cải cách sau những sai sót về chính sách, đồng thời tài nguyên thiên nhiên cũng bị suy giảm do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường.” Beckley chỉ ra rằng, song song với việc ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước, môi trường bên ngoài nước này cũng đang xấu đi, “tinh thần phản Trung Quốc trên toàn cầu dâng lên mạnh mẽ và đang ở cấp độ cao nhất kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khi chính quyền ĐCSTQ điều động quân đội đàn áp những người biểu tình vì dân chủ và chống tham nhũng, Trung Quốc gây mâu thuẫn với Ấn Độ và nhiều nước láng giềng khác, thái độ bức ép của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ dẫn đến sự phản đối của các nước láng giềng, mà còn dẫn đến sự phản ứng từ các nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp.” Khi so sánh sức mạnh tổng hợp quốc gia của các cường quốc trên thế giới, Beckley kết luận từ nghiên cứu của mình rằng, các tài liệu nghiên cứu liên quan cho đến nay đã đo lường không chính xác sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Hầu hết các nghiên cứu sử dụng một số chỉ số kinh tế rộng và nguồn lực quân sự để đánh giá sức mạnh quốc gia của các nước. Ví dụ như sử dụng tổng sản phẩm quốc nội và chi tiêu quân sự để đánh giá. Các chỉ số này đem các nguồn lực có liên quan của các quốc gia cộng lại với nhau, nhưng không trừ đi chi phí mà các quốc gia đó phải trả để kiểm soát, bảo vệ và cung cấp dịch vụ cho người dân của họ. Do đó, các chỉ số đo lường thông thường này sẽ phóng đại sức mạnh quốc gia của các nước nghèo và đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này có năng lực sản xuất lớn và lực lượng quân đội đông đảo, nhưng họ cũng phải chịu gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ mà sẽ làm tiêu tốn nhân lực và vật lực của họ.” So với Trung Quốc, “Mỹ giàu hơn Trung Quốc nhiều lần và khoảng cách tuyệt đối giữa hai bên vẫn đang gia tăng hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm. Nền kinh tế Trung Quốc tuy lớn nhưng không hiệu quả. Trung Quốc thu được sản lượng cao với chi phí cao. Các công ty Trung Quốc có chi phí sản xuất cao trong suốt cả năm và 1,4 tỷ dân của Trung Quốc tạo thành gánh nặng an ninh và phúc lợi khổng lồ. Nói một cách tương đối, nền kinh tế Mỹ lớn mạnh và hiệu quả, đồng thời đạt được sản lượng cao với chi phí tương đối thấp. Năng suất bình quân của người lao động và các doanh nghiệp Mỹ gấp bảy lần Trung Quốc, nhưng dân số Mỹ chỉ bằng 1/4 Trung Quốc, do đó chi phí phúc lợi và an ninh ở Mỹ thấp hơn nhiều. GDP và các tiêu chuẩn đo lường thông thường khác đã tạo ra những ấn tượng khiến người ta lầm tưởng rằng Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về mặt kinh tế.” Ảo tưởng về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc Beckley cho rằng, ngay cả trong lĩnh vực sức mạnh quân sự mà nhà cầm quyền ĐCSTQ đầu tư nhiều nhất, cái gọi là sức mạnh Bắc Kinh chỉ là ảo tưởng khi so với Mỹ. Ông đã viết trong cuốn sách “Không thể thay thế” như sau: “Hệ thống vũ khí của Trung Quốc chỉ có năng lực bằng khoảng một nửa so với mức trung bình của Mỹ. Số lượng binh lính, phi công và thủy thủ hải quân đã qua đào tạo của Trung Quốc chưa bằng một nửa so với Mỹ, họ có kinh nghiệm hoạt động hạn chế và thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Chi phí cho quân nhân Trung Quốc cao hơn Mỹ ít nhất 25%; các hoạt động bảo vệ lãnh thổ và an ninh tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quân sự và chiếm dụng một nửa lực lượng vũ trang đang hoạt động của Trung Quốc. Trong khi đó, quân đội Mỹ chuyển giao các vấn đề và chi phí đó đến các cơ quan dân sự.” Beckley chỉ ra, vị thế của một cường quốc không cao cũng chẳng thấp sẽ khiến Trung Quốc trở nên đặc biệt nguy hiểm trong vài năm tới và Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc duy trì hòa bình. Ông viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy: “Trong lịch sử, những hành động liều lĩnh để tranh giành vị thế quốc gia hùng mạnh thường đến từ những nước lớn đang trỗi dậy nhưng cảm thấy rằng họ không có nhiều thời gian.” Ông đã liệt kê nhiều ví dụ trong lịch sử, bao gồm Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất và Nhật Bản đã kích động Chiến tranh Thái Bình Dương bằng cách tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii vào năm 1941. Mặc dù trong các bài báo và tác phẩm của mình, Beckley cho rằng Mỹ vẫn có lợi thế rõ ràng so với Trung Quốc về sức mạnh quốc gia và quân sự, hơn nữa lợi thế này không hề giảm đi mà ngày càng được nới rộng, nhưng ông cũng chỉ ra, những lợi thế của Mỹ không phải là bất di bất dịch và trường tồn mãi mãi, mà vô số những vấn đề không thể coi nhẹ trong chính trị và xã hội Mỹ có thể khiến Mỹ đánh mất chúng. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Beckley nói rằng về lâu dài và về mặt lịch sử, là một quốc gia dân chủ, việc Mỹ kiên quyết đi theo những chính sách sai lầm không thể sửa chữa giống như những quốc gia theo chế độ chuyên chế là điều rất khó có thể xảy ra. Sau đây là phần hỏi đáp trong cuộc phỏng vấn của Beckley với VOA. Những điều Beckley bày tỏ là quan điểm cá nhân của ông. Lợi thế từ sự chuyên quyền độc tài của đảng Cộng sản Trung Quốc Hỏi: Trong cuốn sách “Không thể thay thế: Tại sao Mỹ sẽ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới,” cũng như trong các bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy và Foreign Affairs, ông đã liệt kê hàng loạt điểm yếu về kinh tế, ngoại giao, chính trị, dân số, môi trường, cung cấp lương thực, năng lượng, an ninh nội địa mà Trung Quốc phải đối mặt trong sự so sánh với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ vốn không biết kiêng nể, ĐCSTQ có thể dễ dàng và thuận tiện huy động hoặc chiếm đoạt đủ nhân lực và vật lực để làm xói mòn hoặc phá hủy nền hòa bình dưới sự thống trị của Mỹ (Pax Americana). Ông muốn nói gì về tình huống này? Beckley trả lời: Tôi nghĩ là đúng, chế độ chuyên chế có một lợi thế, nó có thể nhanh chóng huy động nhân lực và vật lực để xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn, vận động kinh phí, buộc nông dân phải dời đi và dựng lên những thị trấn ma mà các cơ quan quản lý xây dựng muốn xây dựng. Điều này cũng đúng trong quân đội. Ý tôi là Tập Cận Bình có thể ra lệnh bắt các công ty công nghệ phục vụ cho quân đội và các cơ quan an ninh của Trung Quốc. Nhưng tổng thống Mỹ không thể buộc Google cung cấp công nghệ mới nhất cho quân đội Mỹ. Rõ ràng chính phủ chuyên chế có một số lợi thế rõ ràng, nhưng những lợi thế này chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực biệt lập và chỉ mang tính ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về xu hướng dài hạn, về mặt tạo ra sự phát triển kinh tế bền vững trong khoảng thời gian hàng thập kỷ, về mặt ngoại giao và đối nội, tạo ra các chính sách ổn định hơn, thiết lập một thế cục quân sự bền vững hơn, hay nói thẳng ra là không mắc những sai lầm thảm khốc, thì các nền dân chủ hoạt động tốt hơn. Lý do rất đơn giản. Bởi vì các chế độ dân chủ có tính cạnh tranh, nên luôn có những đảng đối lập cố gắng chỉ trích và tìm ra cách làm tốt hơn đảng cầm quyền. Dân chủ có thể tránh được tình trạng hôn quân hay bạo chúa, tức là cục diện kẻ mạnh hy sinh cả đất nước vì lợi ích của riêng mình. Theo tôi, nền kinh tế Liên Xô sụp đổ vì một số lý do. Đó là vì nền kinh tế do chính phủ lãnh đạo không làm tốt trong công tác đổi mới và khởi nghiệp. Tôi cho rằng trong một số lĩnh vực, dân chủ có ưu điểm là sức mạnh quốc gia được tích lũy lâu dài, còn nhược điểm của nó nằm ở tốc độ huy động nhân lực và vật lực. Đây chính là tình hình của Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc có sự kết hợp quân – dân, là chế độ toàn dân, toàn xã hội. Trong khi đó, Mỹ có chế độ phân quyền và buộc phải tập hợp sức mạnh của tất cả các bên để hoàn thành công việc. Có phải Trung Quốc đã phá vỡ hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ ở Biển Đông? Hỏi: Một số người nói rằng Trung Quốc đã thực sự làm xói mòn và phá hủy nền hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Ví dụ, ở Biển Đông, Trung Quốc trực tiếp xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa và tuyên bố chúng là lãnh thổ của Trung Quốc. Các tàu chiến và máy bay của Mỹ giờ đây chỉ có thể nhìn chúng từ xa mà không thể can thiệp. Ông nghĩ thế nào về việc Trung Quốc đang biến Biển Đông thành của riêng mình, và cái giá phải trả là sự tín nhiệm của Mỹ và hòa bình dưới sự lãnh đạo của Mỹ? Đáp: Tôi nghĩ việc Trung Quốc có thể biến Biển Đông thành của riêng mình vẫn còn xa xôi lắm. Trung Quốc đã quân sự hóa một số đảo nhân tạo, nhưng Mỹ đã cố tình cho tàu chiến đi qua các đảo nhân tạo đó ở cự ly gần, tuyên bố rằng đây không phải lãnh thổ của Trung Quốc mà là đường biển quốc tế. Điều này được thiết lập bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye cũng tuyên bố rằng tất cả các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông đều vô hiệu. Mặc dù việc Trung Quốc biến Biển Đông thành của riêng mình vẫn còn xa, nhưng các chiến lược được Trung Quốc sử dụng mà bạn vừa chỉ ra là một cách để Trung Quốc cố gắng tạo thành một “việc đã rồi.” Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám” (Chú thích: Chiến thuật tránh đối đầu quân sự nhưng có thể buộc bên kia nhượng bộ) để thách thức quyền sử dụng tuyến đường biển đó của các nước khác. Đây là một vấn đề lớn. Hơn nữa, điều này cũng có thể mang lại cho Trung Quốc một số lợi ích ban đầu trong các cuộc xung đột có thể xảy ra. Trung Quốc triển khai và phóng các thiết bị cảm biến trên các đảo nhân tạo đó và đang trong trạng thái chuẩn bị tác chiến. Khi chiến tranh ở Biển Đông nổ ra, họ có thể hành động nhanh hơn. Nhưng tôi nghĩ, đầu tiên, Trung Quốc không hề củng cố quyền kiểm soát đối với Biển Đông, vì tôi cho rằng đây là điều không thể thực hiện được trong thực tế, vì diện tích của Biển Đông quá lớn, mà Trung Quốc chỉ mới chiếm được 7 đảo nhỏ trong số đó. Trung Quốc chỉ có một số lượng tàu chiến hạn chế và không thể củng cố quyền kiểm soát của mình ở đó. Ở một khía cạnh quan trọng hơn, dù Trung Quốc đạt được lợi ích trong ngắn hạn nhưng đã khiến không chỉ các nước xung quanh Biển Đông, các nước ở những khu vực khác, mà cả các nước Châu Âu cử tàu chiến đến Biển Đông cũng phải tuyên bố với Trung Quốc rằng, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều công nhận đó là đường biển quốc tế. Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để củng cố quyền kiểm soát thì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, và có thể phải đối mặt với sự phản đối của hơn chục quốc gia hùng mạnh do Mỹ đứng đầu. Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây là con dao hai lưỡi Hỏi: Trung Quốc chắc chắn đang trỗi dậy và đó có thể không phải một sự trỗi dậy hòa bình. Cũng không nghi ngờ rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc về cơ bản hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào vốn, công nghệ và thị trường phương Tây. Trong quá trình này, Trung Quốc đang trở thành một con quái vật mà phương Tây khó đối phó. Nói cách khác, Trung Quốc một mặt thu được lợi ích từ phương Tây, mặt khác ngày càng trở nên thù địch với phương Tây, và mức thiệt hại ngày càng nghiêm trọng. Ông nghĩ phương Tây sẽ thoát khỏi cái bẫy sinh tồn này như thế nào và khi nào? Đáp: Rõ ràng, sự tiếp xúc của phương Tây với Trung Quốc trong 30 hoặc 40 năm qua là lý do chính cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có thị trường phương Tây, công nghệ phương Tây và vốn phương Tây, Trung Quốc không thể vươn lên. Trung Quốc đã chơi rất hay trong trò chơi này, một mặt Trung Quốc duy trì quan hệ với phương Tây để có được tất cả những điều trên, mặt khác lại xây dựng sức mạnh quốc gia, xoay chuyển và bắt đầu tiến lên đưa ra những đòi hỏi của riêng mình, buộc phương Tây phải chấp nhận hoặc thay đổi mối quan hệ ban đầu giữa hai bên. Nếu Mỹ và Trung Quốc tách rời hoàn toàn về kinh tế, rõ ràng cả hai bên đều sẽ thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải xem bên nào phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường của bên kia. Quy mô thị trường Mỹ gấp ba lần thị trường nội địa Trung Quốc. Mức tiêu dùng của Trung Quốc đã trì trệ ở mức 35% GDP, đây là mức rất thấp. Vì vậy, Trung Quốc cần xuất khẩu sang các nước giàu có trên thế giới. Ai là người phụ thuộc vào ai nhiều hơn? Nếu Trung Quốc không có chip máy tính từ phương Tây hoặc thiết bị bán dẫn từ các nhà sản xuất phương Tây, máy tính của Trung Quốc sẽ không hoạt động được. Về những khía cạnh này, Mỹ và các đồng minh có lợi thế tuyệt đối. Mỹ và các quốc gia khác đã đánh bại các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei bằng cách ngăn cản họ có được những công nghệ quan trọng, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Trung Quốc cũng ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia khác về dầu mỏ và thực phẩm. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn biết rằng ngoại thương là con dao hai lưỡi, ngoại thương một mặt đem lại những lợi ích như thị trường, công nghệ; mặt khác lại khiến quốc gia bộc lộ những điểm yếu và làm bản thân nó chịu phải phụ thuộc vào những nước khác. Tôi nghĩ Trung Quốc hiện cũng thấy mình đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ chủ nghĩa bảo hộ ở khắp nơi trên thế giới. Chính quyền Biden của Mỹ tiếp tục duy trì các mức thuế trừng phạt mà chính quyền Trump đã áp đặt lên Trung Quốc trước đây, và giờ đây các mức thuế như vậy đã trở thành hiện trạng. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ kinh tế giữa họ với Trung Quốc. Một số quốc gia trả tiền cho các công ty của nước mình để họ chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng các quốc gia trên thế giới sẽ tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Quốc, nhưng chắc chắn quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước khác sẽ giảm đi. Kết quả là tất cả các nước sẽ bị thiệt hại ở một mức độ nào đó, nhưng Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Bởi vì dù cho Trung Quốc đang cố gắng cải thiện khả năng công nghệ của mình, nhưng nhìn vào các ngành công nghiệp khác nhau của nước này, chẳng hạn như công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và bất kỳ ngành nào liên quan đến máy tính, họ vẫn phải dựa vào công nghệ của phương Tây. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nước ngoài để kiếm dầu, thực phẩm và thị trường. Sự phụ thuộc vào bên ngoài của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, điều đó khiến nước này lâm vào tình thế khó khăn. Cách nhìn nhận vấn đề liên minh Trung – Nga Hỏi: Trong cục diện giữa Mỹ và Trung Quốc, ông nghĩ thế nào đến yếu tố ĐCSTQ và Nga sẽ đoàn kết lại để đối phó với Mỹ? Đáp: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, ngay cả khi hai nước này sẽ không trở thành đồng minh. Nhân tiện, tôi không nghĩ họ là đồng minh của nhau. Như chúng ta đã biết, đồng minh có nghĩa là bạn sẵn sàng hy sinh một số lợi ích trước mắt của mình cho một quốc gia khác. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga về cơ bản giống như một cuộc liên hôn được xây dựng trên cơ sở vì sự thuận tiện lâu dài. Sự hợp tác của họ là để cung cấp lợi ích cho nhau, nhưng họ cũng cạnh tranh với nhau. Ví dụ, ở Trung Á, ở Viễn Đông, và về vấn đề bên nào nên là người lãnh đạo chế độ chuyên chế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo lắng. Ngay cả khi họ không hỗ trợ lẫn nhau như những đồng minh thực sự, nhưng nếu họ làm những điều tương tự cùng một lúc, điều đó sẽ phóng đại các mối đe dọa mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt. Ví dụ, sẽ có một kịch bản ác mộng như vậy, Trung Quốc tấn công Đài Loan ở châu Á, trong khi cùng lúc đó, Nga cũng có hành động tương tự ở Đông Âu. Điều này sẽ khiến Mỹ và đồng minh khó có đủ sức mạnh để đối phó với họ trên cả hai chiến trường. Các ví dụ khác bao gồm việc Trung Quốc và Nga cùng phổ biến các phương thức và công nghệ “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số.” Cả hai quốc gia này dường như đang mài dũa và thử nghiệm các phương pháp và công nghệ như vậy ở quốc gia mình, đồng thời cũng đang tiến hành các hoạt động như vậy ở hàng chục quốc gia khác trên thế giới. Rõ ràng trong một số tổ chức quốc tế, một số chính thể phi tự do do Trung Quốc và Nga lãnh đạo làm méo mó các yếu tố cơ bản của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Khuôn khổ tự do mà các tổ chức này thiết lập lúc đầu không còn chiếm được ưu thế nữa. Các tổ chức này không còn khả năng hoạt động hiệu quả, và bất kỳ nghị quyết nào được đề xuất tại Liên Hợp Quốc nhằm lên án và xử phạt các hành vi vi phạm nhân quyền đều sẽ bị chặn lại. Một số quốc gia chống lại tự do chiếm các vị trí chính thức quan trọng trong các tổ chức này. Sự bắt tay giữa Trung Quốc và Nga khiến hiện tượng này càng dễ xảy ra hơn. Cuối cùng, tôi muốn nói về việc chia sẻ thông tin tình báo và mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Nga, họ có thể nâng cao ảnh hưởng quốc tế của nhau. Vì vậy, tôi muốn nói rằng tôi rất lo lắng. Nhưng tôi sẽ không đồng ý nếu ai đó nói rằng Trung Quốc và Nga sẽ thành lập một liên minh, bởi vì Trung Quốc và Nga chưa bao giờ thành lập một liên minh. Tôi nghĩ Trung Quốc và Nga có rất nhiều xung đột lợi ích. Hơn nữa, giữa hai quốc gia này cũng có sự cạnh tranh tự nhiên, vì họ là hai nước lớn cùng bị đặt vào một chỗ. Nhưng khi hai nước thông đồng với nhau, đó là một vấn đề đối với Mỹ và các đồng minh. Các đồng nghiệp Trung Quốc nhìn nhận điểm yếu của Trung Quốc như thế nào Hỏi: Các đồng nghiệp của ông ở Trung Quốc (học giả/nhà phân tích Trung Quốc) có nhận xét gì về hàng loạt điểm yếu của Trung Quốc được thể hiện trong cuốn sách của ông? Đáp: Khi tôi thu thập tư liệu để viết cuốn sách này, vào đầu năm 2010, tôi sống ở Trung Quốc. Lúc đó, tôi viết báo cáo học thuật ở Trung Quốc, nói về các vấn đề dân số và những điểm yếu khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc. Những báo cáo này nhận được nhiều sự quan tâm ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ. Vào thời điểm đó, nhiều người ở Mỹ nói rằng Trung Quốc đã trở thành một người khổng lồ cao 10 thước và rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường tiếp theo. Điều này chứng tỏ, bạn có thể nhìn thấy vấn đề của đất nước mình rõ ràng hơn vấn đề của nước khác. Đối với người Trung Quốc, phản ứng của họ khi nghe tôi nói về những vấn đề này là, chúng tôi cũng biết những vấn đề này; rõ ràng là chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức này. Tôi nghĩ họ nhận thức được những vấn đề này, vì vậy họ hoan nghênh các bài giảng của tôi hơn. Nhưng hiện nay theo như tôi quan sát, các đồng nghiệp Trung Quốc của tôi đang ngày càng rập khuôn theo các quan điểm của đảng. Một số người trong số họ đang lặp lại các tuyên bố của Bắc Kinh, ngoài ra cũng có sự kiểm duyệt nữa (khiến họ không thể hoặc không dám nói ra sự thật). Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cảm thấy rằng Trung Quốc đang bị cô lập, khi mà tinh thần chống Trung Quốc đã tăng lên đến đỉnh điểm kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Một số ý kiến ​​chống Trung Quốc xuất phát từ đại dịch COVID-19 và một số đến từ những thứ khác. Nhưng họ cảm thấy rằng, cộng đồng quốc tế đã thay đổi thái độ đối với Trung Quốc và e ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tôi nghĩ, họ cảm nhận được rằng Trung Quốc đang bị cô lập, điều này dẫn đến tâm lý phòng thủ hơn ở họ. Họ trở nên miễn cưỡng khi nghe mọi người nói về những điểm yếu của Trung Quốc, và họ không muốn nghe mọi người nói về việc người dân Trung Quốc thiếu ý chí chính trị khi tin tưởng chính phủ Trung Quốc hay ĐCSTQ. Trong vài năm qua, tôi đã thực sự nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của họ. Thật không may, điều này nghĩa là sẽ có ít hơn những cuộc đối thoại và trò chuyện trung thực giữa hai bên, và đôi bên sẽ không thể tuyên bố lập trường của mình để tìm ra các thỏa hiệp. Chúng ta đang thực sự bước vào kỷ nguyên cạnh tranh. Lê Thị Thanh Loan dịch từ nguồn tiếng Trung trên VOA Chinese. Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế   XEM THÊM: Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không? Thế giới nên coi chừng đảng Cộng Sản Trung Quốc    
......

Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không?

Lý Thái Hùng| Nhân đánh dấu sự kiện đảng Cộng Sản Trung Quốc tròn 100 tuổi (1921-2021), Tạp chí Foreign Affairs của Hoa Kỳ số ra tháng 7 & 8, 2021 đã thực hiện một chủ đề gồm 7 bài viết của nhiều tác giả nhằm trả lời câu hỏi: Trung Quốc có thể tiếp tục đà trỗi dậy hay không (Can China Keep Rising?) Bảy bài viết gồm: 1) Canh bạc của họ Tập (Xi’s Gamble) của Jude Blanchette; 2) Xem xét về nền kinh tế Trung Quốc (China’s Economic Reckoning) của Daniel H. Rosen; 3) Những tên cướp ở Bắc Kinh (The Robber Barons of Beijing) của Yuen Yuen Ang; 4) Trở nên mạnh mẽ (Becoming Strong) của Yan Xuetong; 5) Âm mưu chống lại Trung Quốc (The Plot Against China?) của Wang Jisi; 6) Sự cám dỗ của Đài Loan (The Taiwan Temptation) của Oriana Skylar Mastro; 7) Tuổi thọ của đảng (Life of the Party) của Orville Schelle. Vì khuôn khổ của bài tiểu luận này, người viết sẽ tập trung tóm lược một số ý chính vào bốn bài viết: 1) Canh bạc của họ Tập (Jude Blanchette); 2) Xem xét về nền kinh tế Trung Quốc (Daniel H. Rosen); 3/Những tên cướp ở Bắc Kinh (Yuen Yuen Ang) và Tuổi thọ của đảng (Orville Schell). Ba bài viết khác của tác giả Yan Xuetong (Becoming Strong) là cái nhìn chủ quan từ một trí thức Hoa Lục đề cập về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc gia tăng sức mạnh để sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ. Tác giả Wang Jisi (The Plot Against China) cũng là một trí thức của Hoa Lục giải thích lý do vì sao “hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc hiện nay tin rằng Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi và đố kỵ để kiềm chế Trung Quốc bằng mọi cách có thể.” Tác giả Oriana Skylar Mastro (The Taiwan Temptation) đưa ra lập luận rằng trong bối cảnh mất lòng tin lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét khả năng Bắc Kinh có thể sớm dùng vũ lực thống nhất Đài Loan hay không? *** Tập Cận Bình tại Rome, tháng Ba, 2019. Ảnh: Foreign Affairs Bài 1: Canh Bạc của Họ Tập (Xi’s Gamble), tác giả Jude Blanchette – chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS). Tác giả bắt đầu bằng hai ý kiến trái ngược nhau của giới nghiên cứu về lý do vì sao Tập Cận Bình, sau khi được đưa lên nắm quyền từ cuối năm 2012, đã có những hành động vội vã như triệt hạ các phe đối lập để củng cố quyền lực chính trị, chế ngự các tập đoàn tài chính và công nghệ cao và nhất là tiến hành chính sách ngoại giao chiến lang, gây chiến với nhiều nước láng giềng và các cường quốc ở xa hơn — đặc biệt là Hoa Kỳ? Ý kiến ​​thứ nhất cho rằng họ Tập nhìn thấy rõ sự suy thoái của Hoa Kỳ và Phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2008-2009 nên cố thúc đẩy một loạt các ​​chính sách mạnh mẽ để nhanh chóng thiết lập lại trật tự toàn cầu theo những điều kiện có lợi cho Trung Cộng. Ý kiến thứ hai cho rằng, họ Tập nhìn ra những bệ rạc, lỗi thời của hệ thống chính trị chuyên chế cộng sản nên phải củng cố sức mạnh cá nhân để thống trị Trung Quốc như một hoàng đế. Cả hai ý kiến đều dựa trên những sự thật đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc, nhưng chưa giải thích thỏa đáng lý do vì sao họ Tập đã hành động cấp bách như vậy. Theo Jude Blanchette, các tính toán của Tập Cận Bình không xác định bởi nguyện vọng hay nỗi sợ hãi mà bởi quá trình củng cố quyền lực của ông ta đã diễn ra quá nhanh và suôn sẻ, khiến họ Tập thấy phải tận dụng những tiến bộ của công nghệ cao và bành trướng ảnh hưởng địa chính trị trong khung thời gian từ 10 đến 15 năm tới, để vượt qua những thách đố nội bộ và thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu so với Hoa Kỳ. Tập Cận Bình tin rằng ông ta có thể tạo ra một tương lai mới cho Trung Quốc như các hoàng đế trong quá khứ. Nếu họ Tập thành công, Trung Quốc sẽ tự định vị là một cường quốc của kỷ nguyên đa cực mới nổi, nền kinh tế sẽ thoát khỏi cái gọi là bẫy thu nhập trung bình, và với sự phát triển công nghệ trong hai lãnh vực sản xuất và quân sự, chắc chắn Trung Quốc sẽ sánh ngang ngang hàng với các nước phát triển. Tuy nhiên, tham vọng và sự thực tế không giống nhau, và họ Tập hiện đặt Trung Quốc vào một quỹ đạo đầy rủi ro, một quỹ đạo đe dọa những thành tựu mà những người tiền nhiệm của ông ta đã đạt được trong thời kỳ hậu Mao. Thứ nhất, Bắc Kinh dựa trên quan điểm cho rằng Hoa Kỳ sa lầy ở Afghanistan và Iraq, và nhất là qua cuộc  khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, để đánh giá rằng sức mạnh và ảnh hưởng của phương Tây đã bước vào giai đoạn suy giảm nhanh chóng. Từ đó, họ Tập kết luận:  Một kỷ nguyên đa cực mới đã bắt đầu, một kỷ nguyên mà Trung Quốc có thể định hình nhiều hơn theo ý thích của mình. Nhưng Bắc Kinh đã không tính đến khả năng phục hồi của xã hội dân chủ phương Tây, đặc biệt là sức mạnh tiềm tàng của Hoa Kỳ để chịu khó kiên nhẫn chờ đợi như Đặng Tiểu Bình đã cảnh báo. Thứ hai, tuy Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong vòng ba thập niên qua, nhưng triển vọng kinh tế và nhân khẩu học đang xấu đi. Vào thời điểm họ Tập nhậm chức, dân số Trung Quốc bắt đầu già đi, xã hội bắt đầu đối mặt với sự gia tăng của người nghỉ hưu. Góp phần gây ra những tai họa này là lực lượng lao động đang thu hẹp và mức lương lại gia tăng, khiến các nhà sản xuất toàn cầu phải chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và đến những nước có chi phí thấp hơn. Hệ quả là một số lượng lớn lao động không có tay nghề bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Lực lượng lao động có trình độ đại học tại Trung Quốc chỉ chiếm 12,5% (trong khi Hoa Kỳ là 24%) cho nên huy động một số lớn lao động vào những công việc có kỹ năng cao là một cuộc chiến mới của họ Tập. Thứ ba, họ Tập nghĩ rằng nếu đẩy mạnh những tiến bộ trong công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, kỹ thuật về y học – sinh hóa sẽ giúp Trung Quốc tránh những tác động tiêu cực của lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và lão hóa. Đồng thời, với sự phát triển công nghệ cao sẽ giúp cho họ Tập giải quyết hai nhu cầu: Một là các công cụ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo giúp cho các cơ quan an ninh những phương thức kiểm soát người dân và trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hai là “kết hợp quân sự-dân sự,” cố gắng khai thác những công nghệ mới để tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội. Nhưng để thực hiện, Trung Quốc sẽ phải chi những khoản tiền khổng lồ nhằm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong một thời gian dài (dù Trung Quốc đã đi đường tắt  bằng cách ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và các quốc gia Tây phương khác). Liệu họ Tập có đủ sức để chạy đua với Hoa Kỳ và thế giới trong cuộc chiến mà năm 2014, họ Tập đã nói với Trung Ương Đảng Trung Cộng: Lợi thế của người đi đầu sẽ thuộc về “bất kỳ ai nắm giữ mũi nhọn đổi mới khoa học và công nghệ.” Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đã thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược trong việc khẳng định lợi ích của Trung Quốc trên toàn cầu vì có ý thức sâu sắc về sức mạnh mong manh tương đối của Trung Quốc và tầm quan trọng của thái độ cẩn trọng và chờ thời. Trong khi đó, Tập Cận Bình không chia sẻ sự bình tĩnh của họ Đặng, hoặc sự tin tưởng của họ Mao vào các giải pháp đường dài. Vì thế, đa số lo ngại rằng họ Tập cố gắng thực hiện một trò chơi cực kỳ mạo hiểm, đó là đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc. Giả dụ họ Tập có thành công trong việc chiếm Đài Loan đi chăng nữa, nhưng về đường dài thì Bắc Kinh sẽ kiệt sức vì những chống đối của người dân tại Đài Loan và sự cô lập của thế giới, đứng đầu là Mỹ và Nhật. Nhìn qua những gì Tập Cận Bình ứng xử hiện nay, khiến người ta nhớ đến nhà kinh tế học Adam Smith mô tả về “con người của hệ thống”: Đó là nhà lãnh đạo “tự mê với những kế hoạch lý tưởng của riêng mình, và không thể chịu đựng được những gì khác với ý mình.” Nói cách khác, để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn của mình, họ Tập đã từ bỏ “bàn tay vô hình của thị trường” và xây dựng một hệ thống kinh tế dựa vào các doanh nghiệp nhà nước để đạt được các mục tiêu đã định trước. Thông qua chủ trương này từ năm 2015 đến nay, họ Tập đã cho chuyển hàng chục nghìn tỷ nhân dân tệ vào các công ty, công nghệ và lĩnh vực mà ông ta coi là quan trọng về mặt chiến lược thông qua trợ cấp trực tiếp, giảm thuế và “quỹ hỗ trợ đặc biệt của chính phủ,” giống như các công ty đầu tư mạo hiểm do nhà nước kiểm soát. Cho đến nay, thành tích của Bắc Kinh trong lĩnh vực này hoàn toàn bị trộn lẫn: Trong nhiều trường hợp, những khoản đầu tư khổng lồ đã tạo ra lợi nhuận ít ỏi. Nhưng như nhà kinh tế học Barry Naughton đã cảnh báo: “Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc quá lớn và quá mới, nên chúng tôi chưa có đủ tư cách để đánh giá chúng. Họ có thể thành công, nhưng cũng có thể thành thảm họa.” Vì thế, họ Tập đang đặt Trung Quốc vào cuộc cạnh tranh với chính mình, trong một cuộc chạy đua để xác định xem liệu nhiều điểm mạnh của nước này có thể vượt xa những căn bệnh hiểm nghèo mà chính ông Tập đã đưa vào hệ thống hay không. Thông thường vào mùa thu năm tới (2022) tại đại hội đảng lần thứ 20, ông Tập sẽ về hưu sau hai nhiệm kỳ như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, cho đến nay, không có kỳ vọng rằng ông Tập sẽ làm như vậy, nhất là khi đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hủy giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và phó chủ tịch nước vào đầu năm 2018, mở đường cho Tập trở thành hoàng đế suốt đời của Trung Quốc. Đây là một động thái cực kỳ mạo hiểm, không chỉ đối với bản thân đảng Cộng Sản Trung Quốc mà còn đối với tương lai của Hoa Lục. Không có người kế vị được chuẩn bị, nếu họ Tập đột ngột qua đời trong thập kỷ tới, Hoa lục có thể rơi vào hỗn loạn. Ngay cả khi giả định rằng họ Tập vẫn khỏe mạnh tiếp tục cầm quyền, thì nhiệm kỳ càng kéo dài, Trung Quốc sẽ càng giống như thời phong kiến kiểu Mao. Các yếu tố biểu hiện cho hiện tượng này đã quá rõ khi cả nước đang lên đồng về cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình” vĩ đại. Thật là mỉa mai và bi thảm, nếu họ Tập, một nhà lãnh đạo với sứ mệnh cứu đảng và đất nước, thay vào đó lại ra tay với cả hai. Đường lối hiện tại của Tập Cận Bình có nguy cơ làm mất tác dụng của những tiến bộ lớn mà Trung Quốc đã đạt được trong bốn thập kỷ qua. Cuối cùng, họ Tập có thể đúng khi nói rằng thập kỷ tới sẽ quyết định thành công lâu dài của Trung Quốc. Nhưng điều mà Tập Cận Bình không hiểu là chính bản thân ông ta có thể là trở ngại lớn nhất cho sự thành công này. *** Đồng Nhân Dân Tệ. Ảnh: Foreign Affairs Bài 2: Xem Xét Về Nền Kinh Tế Trung Quốc (China’s Economic Reckoning) – tác giả Daniel H. Rose – thành viên sáng lập Tổ Hợp Rhodium, có 26 năm kinh nghiệm về phân tích kinh tế Trung Quốc và quan hệ kinh tế Trung – Mỹ. Daniel H. Rose bắt đầu bằng việc đánh giá Trung Quốc không những cứng đầu đi theo lối riêng, mà trong thực tế đã nhiều lần cố gắng cải cách dưới thời Tập Cận Bình, nhưng hầu như lần nào cũng bị phá vỡ và phải quay lại với những cách làm cũ – vốn không thành công. Cả số lượng và chất lượng tăng trưởng của Trung Quốc (nhìn qua những bất thường của thời kỳ đại dịch) đều xấu đi. Và trừ khi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc quay trở lại con đường tự do hóa kinh tế, tương lai của Trung Quốc sẽ rất khác so với bức tranh màu hồng mà Bắc Kinh đã vẽ ra. Khi họ Tập lên cầm quyền ở Hoa Lục vào cuối năm 2012, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã chậm lại ở mức một con số và lợi tức đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng đang giảm xuống. Sau khi củng cố quyền lực vào trong tay với Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị từ 9 giảm xuống thành 7 người, họ Tập đích thân chỉ huy toàn bộ các nhóm liên quan đến soạn thảo chính sách. Liên quan đến nhóm cải cách kinh tế, Tập Cận Bình chọn Lưu Hạc (Liu He) làm người phụ tá và nhóm đã đề nghị họ Tập phải có những hành động cải cách táo bạo nếu không sẽ phải đối mặt với bẫy nợ nội bộ của chính mình. Bắt đầu vào mùa xuân năm 2013, các nhà hoạch định chính sách đã đặt mục tiêu “giải phẩu” hệ thống tài chính vốn đang căng thẳng với các khoản nợ quá lớn đầy rủi ro. Các ngân hàng thì cho vay thế chấp tài sản ngắn hạn với lãi suất cao, nhưng lại sử dụng số tiền thu được đầu tư vào các tài sản dài hạn nhưng cũng  nhiều rủi ro hơn. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc ra biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn của họ. Động thái này đã tạo ra hậu quả: Các ngân hàng đột ngột ngừng cho vay ngay, khiến lãi suất vay ngắn hạn tăng từ 2% – 3% vọt lên 20% – 30% và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn 10% khi các nhà giao dịch cố gắng tiếp cận tiền mặt thông qua bất kỳ tài sản thanh khoản nào có sẵn. Từ năm 2013 đến năm 2016, vay qua thị trường tiền tệ ngắn hạn đã tăng lên gấp bội, và bùng nổ cái gọi là cho vay trong bóng tối, với việc các ngân hàng Trung Quốc cung cấp tiền cho các tổ chức bên thứ ba, từ đó tìm kiếm lợi nhuận cao hơn bằng cách thông qua các kênh không được kiểm soát. Cuộc khủng hoảng thị trường liên ngân hàng này chỉ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những tác hại của nỗ lực cải cách táo bạo, sau đó là thoái lui khi những nỗ lực đó gây ra bất ổn và biến động. Sự kiện này tái diễn vào năm 2014, khi Bắc Kinh thực hiện các bước để giúp công ty Trung Quốc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Từ vốn đầu khoảng 73 tỷ USD (2013) đã tăng lên 216 tỷ USA (2016). Sự bùng nổ đầu tư ra nước ngoài đã mang lại cho Trung Quốc quyền tự hào với tư cách là một công ty toàn cầu – ví dụ như việc mua lại Anbang Insurance của Waldorf Astoria và tài trợ cho liên doanh Carnival Cruise Lines của China Investment Corporation. Nhưng khi các tài sản nước ngoài này chất đống, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc – được tích lũy trong nhiều năm nhờ thặng dư thương mại, đã giảm gần một phần tư (từ gần 4 ngàn tỷ USD xuống dưới 3 ngàn tỷ USD) khi các nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm Mỹ Kim để đầu tư ra nước ngoài. Nhưng chỉ hai năm sau, 2016, Tập Cận Bình lo lắng về dòng tiền chảy ra quá nhanh nên đã quyết định ngưng hỗ trợ, và áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn. Đầu tư ra nước ngoài đã bị đình trệ kể từ đó. Họ Tập cũng cố gắng mở cửa thị trường chứng khoán để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các ngân hàng nhà nước. Mức nợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước là một nỗi lo thường trực, và viễn cảnh sử dụng danh sách thị trường chứng khoán để xóa nợ là không thể cưỡng lại. Vào năm 2013, Bắc Kinh đã đơn giản hóa các yêu cầu đối với những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và trong vòng một năm, 48 đợt IPO đã được hoàn thành và 28 đợt khác đã được các cơ quan quản lý xóa. Các quan chức cũng dỡ bỏ các hạn chế đối với ký quỹ giao dịch và chỉ thị cho các tờ báo viết một loạt bài khuyến khích người dân mua cổ phiếu. Nhưng những sôi động về cổ phiếu kéo dài chẳng bao lâu, đến tháng Sáu, 2015 thị trường chứng khoán đã mất một phần ba giá trị.  Ngày nay, bất chấp sự mở rộng đáng kể của nền kinh tế nói chung, thị trường vẫn thấp hơn 25% so với mức cao nhất năm 2015. Ngân hàng là một lĩnh vực khác mà ông Tập hy vọng sẽ đạt được những bước tiến. Vào tháng Mười, 2015, ngân hàng Trung Quốc đã công bố một cột mốc được mong đợi từ lâu: Tự do hóa hoàn toàn lãi suất tiền gửi ngân hàng và các khoản cho vay. Các tỷ giá này trước đây do ngân hàng trung ương quy định với sự hướng dẫn của chính phủ trung ương thường thấp hơn so với điều kiện thị trường. Hệ thống đó đã ngăn cản các ngân hàng cạnh tranh với nhau giữa người gửi tiền và người đi vay. Người gửi tiền lẽ ra phải nhận được lãi suất tiết kiệm cao hơn và người đi vay đáng lẽ phải trả lãi suất cho vay cao hơn. Điều đó có tác dụng khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vào những ngành vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa hiệu suất và giảm sức tiêu dùng của các hộ gia đình. Để giải quyết những vấn đề này, ngân hàng trung ương cho phép các ngân hàng cạnh tranh bằng cách cung cấp cho người gửi tiền lãi suất cao hơn 50% so với lãi suất chuẩn chính thức; mức trần trước đó chỉ là 10%. Ngay sau đó, mức trần lãi suất huy động đã được loại bỏ hoàn toàn. Nhưng, trên thực tế, các quan chức ngân hàng lo ngại rằng các ngân hàng nhỏ sẽ tạo ra sự bất ổn nếu họ cạnh tranh dựa trên các lực lượng thị trường, và vì vậy họ duy trì một số quy tắc không chính thức rằng lãi suất huy động không được cao hơn 50% so với lãi suất chuẩn. Sự kiện này cho thấy là lãi suất trên danh nghĩa đã được tự do hóa, nhưng thực chất vẫn bị kiểm soát và các ngân hàng vẫn bị hạn chế trong cách họ có thể cạnh tranh để giành được khách hàng. Một mục tiêu khác trong chiến lược tự do hóa tài chính của họ Tập là bảo đảm việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) công nhận đồng nhân dân tệ như đồng tiền dự trữ xứng đáng được đưa vào rổ tiền tệ mà IMF căn cứ vào quyền rút vốn đặc biệt (SDRs), một đơn vị tài khoản mà các ngân hàng trung ương sử dụng để thực hiện các giao dịch. Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc hy vọng rằng nếu đồng nhân dân tệ được quy chế này, sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương khác mua tài sản bằng đồng nhân dân tệ, làm cho thị trường của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, rắc rối là các loại tiền tệ trong rổ SDR được cho là có thể sử dụng tự do trong các giao dịch quốc tế và được giao dịch thường xuyên.  Nhưng chính các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc khiến cho việc đáp ứng các tiêu chí đó trở nên khó khăn. Mô hình khôi phục quyền kiểm soát trung ương sau những nỗ lực tự do hóa thất bại có thể đạt đến đỉnh điểm trong cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ tài chính. Dưới danh nghĩa chống độc quyền, họ Tập đã chỉ đạo cuộc tấn công vào hai công ty công nghệ khổng lồ: Alibaba và Tencent, nhất là ngăn chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, một công ty con của Alibaba. Bắc Kinh giải thích những hành động này là để bảo vệ người tiêu dùng, điều này có vẻ hợp lý trong một thế giới mà nhiều quốc gia khác đang tìm cách kiềm chế những gã công nghệ khổng lồ công nghệ; nhưng đối với Bắc Kinh, các động thái này đánh dấu sự kết thúc của một quá trình mở cửa tài chính quan trọng. Bởi vì sau vụ kiểm soát này tuy có giảm thiểu rủi ro tài chính, nhưng nó cũng làm đảo ngược lợi ích của cải cách, vì nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp hiện có ít lựa chọn hơn trong việc tiếp cận tín dụng. Rốt cuộc là từ năm 2013 cho đến nay, những nỗ lực cải cách kinh tế vĩ mô của họ Tập có thể nói là đều tạo ra những cuộc khủng hoảng nhỏ với đe dọa trở thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn, khiến Bắc Kinh quay lại với những gì họ biết rõ nhất – chỉ huy và kiểm soát. Tất nhiên, đường lối chính thức là không có thất bại nào và Trung Quốc đang tiến về phía trước một cách chắc chắn với chương trình nghị sự “cải cách và mở cửa” theo dấu ấn của Đặng Tiểu Bình. Trong một bài phát biểu vào tháng Mười Hai, 2020, Tập Cận Bình tự hào là đã đưa ra 2.485 kế hoạch cải cách, đạt được các mục tiêu của đảng theo đúng tiến độ. Tháng sau, tờ báo chính thức People’s Daily cũng đồng tình khi nói rằng 336 mục tiêu cải cách ưu tiên cao đã “hoàn thành về cơ bản” và ca ngợi “những bước đột phá đáng kể trong việc cải cách sâu rộng toàn diện.” Nhưng câu chuyện thực tế không phải là thành công cải cách của Trung Quốc cũng như sự chần chừ trong cải cách của họ. Họ Tập đã cố gắng nhưng phần lớn không thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự Đặng Tiểu Bình đưa ra vào năm 1978 mà những người tiền nhiệm của ông Tập đều cố gắng duy trì.  Kể từ khi họ Tập lên nắm quyền, tổng nợ đã tăng từ 225% GDP lên ít nhất 276%. Trong năm 2012, phải mất sáu nhân dân tệ tín dụng mới để tạo ra một nhân dân tệ tăng trưởng; vào năm 2020, nó mất gần mười. Tăng trưởng GDP đã chậm lại từ khoảng 9,6% trong những năm trước ông Tập xuống dưới 6% trong những tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tăng trưởng tiền lương và tăng thu nhập hộ gia đình cũng chậm lại. Và trong khi tăng trưởng năng suất – khả năng tăng trưởng mà không cần sử dụng thêm lao động hoặc tài nguyên – chiếm tới một nửa khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào năm 1990 thì nay ước tính chỉ đóng góp khoảng một phần trăm vào mức tăng trưởng 6% của Trung Quốc. Những dữ liệu này đang báo hiệu sự mất năng động của nền kinh tế Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là họ Tập đã không chống lại cải cách, nhưng tại sao lại thất bại? Nếu các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các chính phủ khác tin rằng ông Tập đã từ chối cải cách nhưng Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt, thì họ sẽ tán thành và đầu tư vào mô hình của Bắc Kinh. Nhưng nếu họ hiểu rằng họ Tập trên thực tế đã cố gắng tự do hóa nhưng cuối cùng phải rút lui để quay về nền kinh tế chỉ huy và kiểm soát với năng suất thấp, thì họ sẽ tính toán và rời khỏi thị trường Hoa Lục. Chắc chắn Tập Cận Bình đã nhìn thấy: Nếu không cải cách thì Trung Quốc sẽ đi vào ngõ cụt. Câu hỏi đặt ra là khi nào nó sẽ đến và liệu Bắc Kinh có thực hiện những bước đi táo bạo mà mọi quốc gia đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình đã buộc phải thực hiện hay không. Trung Quốc hiện không còn ở vào thời điểm hấp dẫn như thập niên 1980. Thứ nhất, trong những năm gần đây, chỉ tính riêng lãi vay (không tính đến nợ gốc) đã tăng gấp đôi giá trị tăng trưởng GDP hàng năm: Tình trạng này đang gây ra sự thất bại của các ngân hàng, tái cơ cấu và các vụ vỡ nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước. Thứ hai, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra thảm họa Đại Nhảy Vọt dưới thời Mao, dân số lao động đang thu hẹp lại, dẫn đến lực lượng lao động ít hơn và ít người mua bất động sản so với mức cung quá thừa mứa hiện nay. Thứ ba, so với thời gian 1978 – 2015, Hoa Kỳ và các cường quốc khác đã không còn chính sách “can dự” với Trung Quốc trên con đường hợp tác toàn cầu. Theo nhiều cách, những luồng gió mà Trung Quốc thừa hưởng được từ sự nhiệt tình của toàn cầu về sự trỗi dậy của họ trước đây thì nay đã trở thành những luồng gió ngược. Nếu Bắc Kinh không thể lôi kéo các công ty tư nhân gia tăng đầu tư và không thuyết phục được các nền kinh tế lớn tiếp tục gắn bó với Trung Quốc, thì triển vọng kinh tế của Trung Quốc rõ ràng là u ám và bị đẩy ra phía sau. Tại một số thời điểm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối đầu với sự đánh đổi: Hiệu quả kinh tế bền vững và sự độc tôn trong quyền lực chính trị không đi đôi với nhau. Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo đã phải đối mặt với vấn đề hóc búa này ở Trung Quốc và các nơi khác đã cố gắng che giấu năng suất lao động giảm để câu giờ và tiếp tục tìm cách duy trì sự tồn tại. Thực sự, một số thống kê gần đây đã không được công bố ở Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ chỉ ra kỷ lục của mình về chủ nghĩa ngoại lệ, nhưng nếu họ tìm ra cách để duy trì sự ổn định, kiểm soát nhà nước và sự năng động kinh tế cùng một lúc, thì đây sẽ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được như vậy. Nhưng dựa trên thành tích cải cách hỗn độn trong những năm vừa qua dưới thời họ Tập cầm quyền, sự hoài nghi dường như là chính đáng. Nếu Trung Quốc gặp phải số phận của các quốc gia có thu nhập trung bình khác không cải cách được cách thức của họ để thoát khỏi tình trạng giảm năng suất, bức tranh sẽ trở nên u ám. Giá tài sản bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể, gây ra sự bất ổn chính trị khi mọi người thấy của cải bốc hơi. Với sự tự tin chùn bước và quá dựa vào những hứa hẹn của chính phủ sẽ đảm bảo ổn định, đầu tư mới sẽ giảm, tạo việc làm sẽ chậm lại, cơ sở thuế và doanh thu sẽ thu hẹp. Tất cả những điều này đã bắt đầu xảy ra, Bắc Kinh buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn hơn nhiều trong tương lai. Điều đó có nghĩa là một thời kỳ thắt lưng buộc bụng đau đớn đối với Trung Quốc sẽ đến và làm ảnh hưởng đến cả những đối tác của nước này ở nước ngoài – những người đã tin tưởng vào Trung Quốc như một người mua quặng sắt, một nhà cung cấp hỗ trợ phát triển, và một nhà đầu tư trực tiếp vào các công ty khởi nghiệp và nhiều doanh nghiệp khác. Điều này sẽ gây ra một hậu quả địa chính trị to lớn, vì sẽ dẫn đến sự điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Bắc Kinh có thể trở nên hiếu chiến để tìm kiếm các giải pháp che dấu sự khó khăn bên trong. Nhưng ngược lại, biết đâu Bắc Kinh có thể quay trở lại trọng tâm phát triển trong nước như những năm trước theo đúng lời khuyên “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và hạn chế sự tập trung của đảng. Các kinh tế gia không có khả năng dự đoán về những chọn lựa chiến lược của những nhà lãnh đạo chính trị, nhưng lịch sử đã chứng minh rằng mọi quốc gia thành công để có thu nhập cao đều đã trải qua những cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Những người chấp nhận sự cần thiết của điều chỉnh và loại bỏ ảo tưởng về hiệu quả mà không cần cải cách sẽ có tính cạnh tranh cao hơn. Trung Quốc có một di sản đáng ca ngợi là chấp nhận cải cách và điều chỉnh, điều này đã tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ. Cải cách không phải là một chương trình nghị sự của phương Tây thúc đẩy Trung Quốc mà chính là từ nỗ lực của Trung Quốc. Sau một thập kỷ cải cách không thành công, Bắc Kinh dường như đang tìm kiếm một con đường dễ dàng hơn. Nhưng họ Tập cần khám phá rằng cải cách là con đường khó nhất, ngoại trừ tất cả những con đường khác. *** Ảnh: Dan Bejar/ Foreign Affairs   Bài 3: Những tên cướp ở Bắc Kinh (The Robber Barons of Beijing) – tác giả Yuen Yuen Ang – Phó Giáo Sư Khoa Chính Trị tại Đại Học Michigan và là tác giả cuốn “Thời đại vàng son của Trung Quốc: Nghịch lý của sự bùng nổ kinh tế và tham nhũng lớn” (China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption.) Trung Quốc hiện đang ở giữa Thời Đại Vàng Son của riêng mình. Các doanh nghiệp tư nhân đang trở nên giàu có đáng kinh ngạc nhờ được tiếp cận đặc biệt với các đặc quyền của nhà nước, cũng như sự cấu kết thủ lợi của quan chức nhà nước các cấp. Nhận thức được sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản thân hữu, Tập Cận Bình đang cố thực hiện một “kỷ nguyên tiến bộ” của chính Trung Quốc — kỷ nguyên ít tham nhũng hơn và bình đẳng hơn — thông qua trấn áp bạo lực. Tuy nhiên, cách làm của họ Tập không thực sự cải cách mà là đang triệt tiêu nguồn năng lượng từ dưới lên – lực lượng nắm giữ chìa khóa để giải quyết các vấn đề nan giải hiện nay của Trung Quốc — và khi làm như vậy, họ Tập có thể sẽ khiến cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Thông thường, các quốc gia tham nhũng đều nghèo và giữ nguyên trạng. Nghiên cứu cho thấy có sự quan hệ chặt chẽ giữa tham nhũng và nghèo đói. Nhưng Trung Quốc đã cố gắng duy trì bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế bất chấp mức độ tham nhũng mà ngay cả ông Tập đã mô tả là “nghiêm trọng” và “gây sốc.” Tại sao Trung Quốc đã đi ngược được xu hướng? Câu trả lời nằm ở loại hình tham nhũng đang thịnh hành ở Trung Quốc. Theo Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế về chỉ số nhận thức về tham nhũng từ 0 đến 100 thì vào năm 2020, chỉ số này ở Trung Quốc là 42 điểm, vượt qua Cuba, Namibia và Nam Phi. Nhưng cách tính này không phù hợp mà nhiều khi còn sai lầm đối với các hiểu biết về tình hình tham nhũng tại Trung Quốc. Có ba loại hình tham nhũng: 1/ Trấn lột vặt chẳng hạn như cảnh sát bắt và làm tiền đối với những người đi đường; 2/ Trộm cắp lớn như cán bộ bòn rút tiền của công rồi chuyển ra nước ngoài; 3/ Hối lộ nhằm bôi trơn bộ máy hành chánh quan liêu. Tham nhũng ở Trung Quốc theo một kiểu khác, khó nắm bắt hơn: Tiếp cận tiền (access money). Trong loại tham nhũng này, các nhà tư bản đưa phần thưởng cổ phần cao cho các quan chức quyền lực không chỉ để đổi lấy sự ưu đãi, mà còn để được tiếp cận các đặc quyền sinh lợi bao gồm tín dụng giá rẻ, cấp đất, quyền độc quyền, hợp đồng mua sắm, giảm thuế, và những thứ tương tự. Trong bốn thập kỷ qua, tham nhũng ở Trung Quốc đã trải qua một quá trình phát triển chuyển từ hành vi côn đồ và trộm cắp tiến tới tiếp cận tiền (access money). Do nhu cầu trục lợi để làm giàu, các nhà tư bản đã tìm cách đút lót tiền cho các cán bộ đảng và nhà nước để dành lấy những dự án, các đặc quyền, đặc lợi. Hình  thức tham nhũng này đang chiếm ưu thế hiện nay và đã kích thích thương mại, xây dựng và đầu tư, tất cả đều đóng góp vào tăng trưởng GDP. Nhưng nó cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gây ra những rủi ro cho cả hệ thống. Ví dụ, các khoản vay ngân hàng chuyển sang các công ty có liên hệ chính trị một cách không cân xứng, buộc các doanh nhân thiếu tiền phải vay từ các ngân hàng bóng tối với lãi suất cao ngất ngưởng. Các công ty có liên kết, tràn ngập tín dụng dư thừa, sau đó có thể đủ khả năng chi tiêu một cách vô trách nhiệm và đầu cơ vào bất động sản. Hơn nữa, các cán bộ nhà nước được hưởng lợi cá nhân từ các khoản đầu tư mà họ được chia, bị thúc đẩy đi vay và xây dựng một cách sốt sắng, bất kể hiệu quả của các dự án có bền vững hay không. Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là một nền kinh tế tăng trưởng cao, mà còn là một nền kinh tế có rủi ro cao và mất cân bằng. Sự phát triển mạnh mẽ của tham nhũng và chủ nghĩa tư bản này bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình, người đã lèo lái Trung Quốc theo một hướng mới sau ba thập kỷ thảm họa dưới thời Mao. Với chủ nghĩa thực dụng, họ Đặng nhận ra rằng tự do hóa kinh tế và chính trị đồng thời sẽ gây ra bất ổn cho Trung Quốc. Đối với một quốc gia đang bị lung lay bởi sự hỗn loạn, theo họ Đặng thì “sự ổn định và thống nhất là điều quan trọng hàng đầu.” Vì vậy, họ Đặng đã chọn con đường tự do hóa kinh tế từng phần. Thay vì lao thẳng vào chủ nghĩa tư bản, ông đã đưa ra các cải cách thị trường bên lề của nền kinh tế kế hoạch và giao quyền kiểm soát cho các chính quyền địa phương. Làm như vậy, Đặng Tiểu Bình đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc chia sẻ lợi nhuận trong bộ máy hành chính: Các bộ máy sẽ được hưởng lợi cá nhân từ chủ nghĩa tư bản miễn là họ trung thành với đảng. Không có gì ngạc nhiên khi quan chức các cấp đều nhiệt tình ủng hộ vì qua cải cách, nhiều quan chức đã trở thành doanh nhân đại diện – điều hành các doanh nghiệp tập thể, tuyển dụng các nhà đầu tư thông qua mạng lưới cá nhân và điều hành doanh nghiệp. Khi thị trường bắt đầu mở cửa vào năm 1980, tham nhũng phát triển mạnh mẽ. Nó xuất hiện dưới những hình thức đặc biệt đối với một quốc gia còn lạc hậu với nền kinh tế hỗn hợp và một chính phủ ít có khả năng giám sát hàng triệu quan chức. Ví dụ, chính quyền địa phương nắm giữ cái được gọi là “kho bạc nhỏ,” các quỹ chuyển nhượng chứa đầy các khoản phí, tiền phạt và tiền trái phép được trích từ người dân và doanh nghiệp. Khi biến cố Thiên An Môn xảy ra năm 1989 đã giáng một đòn khá nặng vào phong trào cải cách. Lúc đó Trung Quốc có thể dễ dàng quay trở lại thời kỳ Mao; nhưng họ Đặng sau chuyến “công du phía Nam” vào năm 1992, tiếp tục chính sách mở cửa theo triết lý “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc tính Trung Quốc.” Qua chủ trương này, Bắc Kinh đã loại bỏ các yếu tố chính của kế hoạch hóa tập trung (ví dụ, kiểm soát giá cả và hạn ngạch sản xuất) và giảm mạnh sở hữu nhà nước trong nền kinh tế. Từ năm 1998 đến năm 2004, khoảng 60% công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước đã bị sa thải. Đồng thời, chính quyền trung ương theo đuổi những cải cách mạnh mẽ về ngân hàng, hành chính công, tài chính công và quy định. Những nỗ lực này đã đặt nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng nhanh – nhưng không có tự do hóa chính trị. Chu Dung Cơ, Thủ Tướng Trung Quốc từ năm 1998 đến năm 2003 là người kiến trúc sư đảm trách công cuộc cải cách vào lúc này. Nổi tiếng với những bài phát biểu nảy lửa, Chu Dung Cơ đã mắng các quan chức địa phương là tham lam, kém cỏi nên triệt để thực hiện một loạt cải cách hành chính. Bắc Kinh đã cho hợp nhất các tài khoản ngân hàng công để loại bỏ những quỹ chuyển nhượng bất hợp pháp và theo dõi chặt chẽ hơn các giao dịch tài chính. Các cuộc cải cách đã có kết quả. Bắt đầu từ năm 2000, số vụ án tham nhũng liên quan đến tham ô và lạm dụng công quỹ giảm dần. Các phương tiện truyền thông đề cập đến “lệ phí tùy tiện” và “tống tiền quan liêu,” một chỉ số cho thấy mối quan tâm của công chúng về những vấn đề này đã giảm đáng kể. Do đó, không có gì ngạc nhiên là năm 2011, khi Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế mở cuộc thăm dò về tình hình tham nhũng thì chỉ có 9% người dân Trung Quốc nhận là có trả hối lộ để tiếp cận các dịch vụ công, trong khi so với 54% người Ấn Độ và 84% người Campuchia. Ở Trung Quốc, ít nhất là ở các khu vực ven biển phát triển hơn nên các hình thức tham nhũng cản trở tăng trưởng ở khu vực này được kiểm soát. Tuy nhiên sau năm 2010 thì các vụ hối lộ qua hình thức “tiếp cận tiền” tăng vọt, liên quan đến số tiền ngày càng lớn và toàn là những quan chức cao cấp. Báo chí đăng những câu chuyện trên trang nhất về các vụ bê bối tham nhũng, với đầy rẫy những chi tiết tồi tệ về sự suy đồi và tham lam. Một cựu bộ trưởng đường sắt bị buộc tội nhận hối lộ 140 triệu USD, chưa kể hơn 350 căn hộ mà ông ta được tặng. Người đứng đầu một công ty cho vay thuộc sở hữu nhà nước bị cáo buộc có hậu cung với hơn 100 nhân tình và bị bắt với ba tấn tiền mặt được giấu trong nhà. Một cảnh sát trưởng ở Trùng Khánh đã tích lũy một bộ sưu tập bảo tàng tư nhân bao gồm các tác phẩm nghệ thuật quý giá và những quả trứng khủng long hóa thạch. Tại sao những vụ hối lộ bùng nổ? Bởi vì những cải cách mà Trung Quốc thực hiện không làm giảm quyền lực của nhà nước đối với nền kinh tế nhiều như thay đổi nó. Vào những năm 1980, vai trò chủ yếu của các quan chức nhà nước là lập kế hoạch và chỉ huy, thì nay trong nền kinh tế tư bản toàn cầu hóa của những năm 1990, họ có thêm các chức năng mới – thu hút các dự án đầu tư có tỷ trọng cao, vay và cho vay vốn, cho thuê đất, phá dỡ và xây dựng lại ở một tốc độ điên cuồng. Tất cả những hoạt động này đã mang lại cho các quan chức những nguồn quyền lực mới mà trước đây không thể tưởng tượng được trong một hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi có thể bắt nguồn từ một vấn đề dường như ít người biết đến: Sự mất cân bằng tài khóa giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Năm 1994, như một phần trong nỗ lực hiện đại hóa, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ đã tập trung hóa thuế doanh thu, quy định phần gửi về trung ương luôn luôn cao và giảm đáng kể phần do các địa phương giữ lại. Vì thế, các chính quyền địa phương bị hạn chế về tài chính ngay cả khi họ phải đối mặt với áp lực liên tục thúc đẩy tăng trưởng và cung cấp các dịch vụ công. Vì vậy, một nguồn thu nhập thay thế đã được tìm thấy: Đất đai. Tất cả đất đai ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước và do đó không thể bán được, nhưng Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương được quyền cho các công ty thuê để tăng doanh thu. Từ thời điểm đó trở đi, các quan chức địa phương đã chuyển từ công nghiệp hóa sang hướng đô thị hóa. Tức là thay vì dựa vào sản xuất làm động lực tăng trưởng chính, các chính quyền địa phương đã chuyển hướng sang việc cho các nhà bất động sản thuê đất nông nghiệp để làm khu dân cư và thương mại. Trong hai thập kỷ sau năm 1999, doanh thu từ việc cho thuê quyền sử dụng đất đã tăng hơn 120 lần. Các chủ đầu tư đã thu lợi rất lớn từ sự sắp xếp này, thu về giá thuê cắt cổ sau khi trả tiền thuê đất nông nghiệp với giá hời và biến nó thành những dự án bất động sản phù phiếm. Qua chủ trương này, đương nhiên các quan chức địa phương cũng được “lại quả” bằng những khoản tiền rất lớn nhằm hỗ trợ bạn bè, người thân của mình trong việc chiếm giữ những lô đất quý giá. Họ đã giúp các nhà phát triển tổ chức đấu giá để mua các lô đất với giá rẻ, và họ triển khai sức mạnh của nhà nước để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa một cách giả tạo. Các cơ quan địa phương đã dồn nông dân vào các căn hộ ngoại ô để giải phóng đất đai ở nông thôn, và họ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đô thị, chẳng hạn như lưới điện, tiện ích công cộng, công viên và giao thông, để tăng giá trị của những phát triển mới. Tất cả cơ sở hạ tầng mới này không chỉ được tài trợ thông qua việc bán quyền sử dụng đất mà còn thông qua các khoản vay. Luật cấm các chính quyền địa phương thực hiện thâm hụt ngân sách, nhưng các quan chức đã vượt qua quy định đó bằng cách thành lập các công ty con được gọi là “phương tiện tài trợ của chính phủ.” Các thực thể này đã vay tiền để huy động tiền, số tiền mà các quan chức sau đó sử dụng để tài trợ cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng của riêng họ. Chính nguồn tín dụng kép này – cho thuê đất và vay tiền – đã tài trợ cho sự bùng nổ cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc. Từ giữa năm 2007 đến năm 2017, Trung Quốc tăng hơn gấp đôi chiều dài đường cao tốc, từ 34.000 dặm đến 81.000 dặm- “đủ để đi vòng quanh thế giới hơn ba lần” như sự tự hào của một trang web của chính phủ. Việc xây dựng tàu điện ngầm cũng điên cuồng như vậy. Trung Quốc hiện tự hào có 8 trong số 12 hệ thống tàu điện ngầm dài nhất thế giới. Mặc dù nó đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa của Trung Quốc, nhưng sự bùng nổ cơ sở hạ tầng đã tạo ra những rủi ro mới. Chính quyền địa phương và các phương tiện tài chính của họ đã tích lũy các khoản nợ ngày càng lớn. Ngay cả các cơ quan quản lý trung ương cũng không biết quy mô của các khoản nợ này cho đến năm 2011, khi họ tiến hành cuộc kiểm toán đầu tiên, kết quả cho thấy chính quyền địa phương đã vay khoảng 1,7 ngàn tỷ USD. Bất chấp các sắc lệnh liên tục từ Bắc Kinh chống lại việc vay nợ, các khoản nợ địa phương vẫn tiếp tục tăng, đạt 4 ngàn tỷ USD vào năm 2020, gần tương đương với tổng thu nhập mà các chính quyền địa phương kiếm được trong năm đó. Đây là bong bóng mà sự đe dọa bùng nổ đang rình rập từng ngày. Do quyền lực của các quan chức đối với đất đai, sự thông đồng giữa các doanh nghiệp và nhà nước đã dẫn đến việc đầu tư quá mức vào một lĩnh vực cụ thể — bất động sản, mang lại lợi nhuận chưa từng có cho những người liên quan đến chính trị. Kết quả là, các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với những động lực tiêu cực để chuyển nỗ lực của họ ra khỏi các hoạt động sản xuất để hướng tới đầu cơ. Ví dụ, một số công ty đường sắt quốc doanh và các nhà thầu quốc phòng hiện nhận thấy các hoạt động đầu tư bất động sản của họ có lợi hơn hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ.  Trong thế giới kinh doanh, các nhà tư bản có liên hệ chính trị có thể dễ dàng bảo đảm các hợp đồng chính phủ, các khoản vay giá rẻ và đất đai chiết khấu, mang lại cho họ lợi thế to lớn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong xã hội nói chung, giới siêu giàu chọn những căn hộ sang trọng làm tài sản đầu tư, trong khi nhà ở đô thị vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người Trung Quốc bình thường. Kết quả là một tình trạng tồi tệ trong đó thiểu số người Trung Quốc sở hữu nhà thường không sống ở đó và phần lớn những người cần nhà không thể mua được. Bây giờ rõ ràng là Trung Quốc đầy rẫy tham nhũng, bất bình đẳng, suy đồi đạo đức và rủi ro tài chính. Kể từ khi các cải cách của Đặng bắt đầu, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thành công trong việc đưa khoảng 850 triệu người thoát khỏi đói nghèo nhờ tăng trưởng kinh tế, nhưng một thiểu số nhỏ đã được hưởng lợi một cách không cân xứng, đặc biệt là những người đủ may mắn để kiểm soát tài sản. Năm 2012, hệ số Gini của Trung Quốc (thước đo bất bình đẳng thu nhập, với số 0 đại diện cho bình đẳng hoàn hảo và 1 đại diện cho bất bình đẳng hoàn hảo) đạt 0,55, vượt quá con số 0,45 của Hoa Kỳ. Đây là một sự khác biệt đặc biệt chói tai đối với một quốc gia mang danh nghĩa là cộng sản. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi họ Tập xác định di sản của mình bằng cách tiến hành hai cuộc chiến then chốt: Chống tham nhũng và nghèo đói. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước Bộ Chính Trị, họ Tập tuyên bố: “Tham nhũng sẽ hủy diệt đảng và nhà nước.” Từ đó, họ Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng dài nhất và rộng nhất trong lịch sử của đảng. Tính đến năm 2018, có hơn 1,5 triệu quan chức đã bị kỷ luật. Không giống như các chiến dịch chống tham nhũng trước đây, chiến dịch này không chỉ thanh trừng các quan chức cấp thấp mà còn cả những quan chức cấp cao – “đả hổ diệt ruồi” – theo cách nói của ông Tập. Cuộc đàn áp của họ Tập chỉ là một cái cớ để thanh trừng nội bộ hay là để giảm thiểu tham nhũng? Câu trả lời là cả hai. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông Tập sử dụng chiến dịch để loại bỏ tận gốc những kẻ đe dọa cá nhân, bao gồm cả các quan chức bị cho là có liên quan đến âm mưu lật đổ sự cai trị của ông. Tuy nhiên, Tập Cận Bình cũng muốn đặt ra mục tiêu tăng cường đạo đức cán bộ – ví dụ, ban hành một danh sách 8 quy định cấm “thói quen làm việc xa hoa và không mong muốn,” chẳng hạn như uống rượu khi làm việc. Tuy nhiên, nhận thức của người dân Trung Quốc còn trái ngược nhau. Trong khi nhiều người bị ấn tượng bởi cuộc đàn áp mạnh mẽ, những người khác bị vỡ mộng bởi những chi tiết kỳ quái về lòng tham của cán bộ qua các cuộc điều tra tham nhũng đã tiết lộ. Còn quá sớm để nói liệu chiến dịch của ông Tập có làm giảm đáng kể mức độ hối lộ hay không; nhưng có hai điều rõ ràng. Một là chiến dịch của họ Tập đã khiến các quan chức phải cảnh giác cao độ. Hai là liệu những quan chức bị kỷ luật có còn sống sót hay không. Nói cách khác, chiến dịch của họ Tập tuy thành công trong việc đánh vào nỗi sợ hãi của các quan chức tham nhũng, nhưng nó không loại bỏ được gốc rễ tạo ra tham nhũng – cụ thể là quyền lực to lớn của đảng vẫn đè nặng lên nền kinh tế và hệ thống bao che trong bộ máy hành chính. Ngoài việc bắt giữ một số lượng lớn các quan chức tham nhũng, họ Tập vì muốn củng cố quyền lực đã buộc các quan chức cán bộ phải thể hiện lòng trung thành đối với mình. Những biện pháp này đã dẫn đến sự bất lực và tê liệt của bộ máy hành chính – “quản trị lười biếng,” như người Trung Quốc thường nói – với các quan chức lo lắng chọn không làm gì để tránh bị đổ lỗi, thay vì đưa ra các sáng kiến ​​có thể gây tranh cãi. Sự khăng khăng chủ quan của họ Tập cũng đã dập tắt những phản hồi trung thực từ trong bộ máy hành chính. Ví dụ, lúc đầu Bắc Kinh đã do dự và trì hoãn các phản ứng cần có đối với đại dịch Covid-19; nhưng vì hệ thống hành chánh quan liêu và e ngại tin xấu,  nên một số địa phương không dám báo cáo thật. Tóm lại, trong nỗ lực chấm dứt chủ nghĩa tư bản thân hữu để ngăn chặn tham nhũng, Tập Cận Bình đang hồi sinh hệ thống chỉ huy, chính cách lãnh đạo này đã thất bại thảm hại dưới thời Mao. Nhưng sau khi kiểm soát thành công đợt bùng phát Covid-19, họ Tập lại càng tỏ ra tự tin vào sự quyết đoán của mình, với các mệnh lệnh từ trên xuống dưới là cách duy nhất để tiến tới. Nhưng bằng cách từ chối cách tiếp cận từ dưới lên, họ Tập đang kìm hãm khả năng thích ứng và tinh thần kinh doanh của Trung Quốc — chính những phẩm chất này đã từng giúp nước này vượt qua rất nhiều trở ngại trong nhiều năm. Một quan chức Trung Quốc đã nói với tác giả: “Nó giống như đi xe đạp vậy – Bạn càng nắm chặt tay cầm, càng khó giữ thăng bằng.” *** Quảng Trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, tháng 11/2012. Ảnh: David Gray/ Reuters Bài 4: Tuổi Thọ của Đảng (Life of the Party) – tác giả Orville Schell – Giám Đốc Trung Tâm Quan Hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc thuộc Tổ Chức Asia Society, New York. Ngày 23 tháng Bảy, 2021 đánh dấu 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Thượng Hải năm 1921. Đại hội đảng đầu tiên có sự tham dự của Mao Trạch Đông, 27 tuổi, người đã thực hiện một cuộc hành trình gian khổ đến từ tỉnh Hồ Nam. Mùa hè năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ kỷ niệm thật hoành tráng để tuyên truyền trong dịp này. Mặc dù đảng hủy bỏ cuộc duyệt binh ở Quảng Trường Thiên An Môn (vì sợ tạo ấn tượng hiếu chiến trong lúc này), nhưng  tờ Hoàn Cầu Thời Báo lại tiết lộ rằng “các cuộc triển lãm quy mô lớn sẽ được tổ chức để trưng bày quá trình vinh quang, những thành tựu to lớn và kinh nghiệm quý báu của đảng Cộng Sản Trung Quốc thay đổi trong 100  năm qua.” Khi Trung Cộng đánh dấu 100 năm thành lập bằng việc công bố một loạt lịch sử đảng, chính thức miêu tả Trung Quốc như một siêu cường, có ba cuốn sách phát hành gần đây đóng vai trò nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản nảy mầm ở Trung Quốc đã làm phát sinh tính đa dạng đáng ngạc nhiên về quan điểm và phong cách của các nhà lãnh đạo. Mặc dù các nhà lãnh đạo đều có chung cam kết xây dựng nhà nước theo chủ nghĩa Mác-Lenin, nhưng thực tế này đã bị ám ảnh liên tục về khả năng kiểm soát tình hình của cấp lãnh đạo, cho thấy sự thiếu tự tin vào hệ thống mà họ đã hình thành. Quyển thứ nhất: Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Một Thế Kỷ Trong 10 Cuộc Đời (The Chinese Communist Party: A Century in Ten Lives) được viết bởi 3 tác giả: Timothy Cheek, Klaus Mühlhahn và Hans van de Ven (Editor) mô tả về cuộc đời của 10 nhân vật từng đóng những vai trò quan trọng trong sự phát triển đầy mâu thuẫn của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ bao gồm những chính trị gia cộng sản như Henk Sneevliet (người Hà Lan) có bí danh là Maring, đã giúp tổ chức đảng Cộng Sản Trung Quốc trong những năm 1920; nhà trí thức cánh tả Vương Đấu Vị, bị chặt đầu năm 1947 và Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương có tư tưởng cải cách và đã bị thanh trừng năm 1989 vì ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ hóa của sinh viên. Quyển thứ hai: China’s Leaders (Những nhà lãnh đạo Trung Quốc) được viết bởi David Shambaugh, với  năm bài luận về Mao và những người kế nhiệm Mao gồm: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Theo Shambaugh, họ Tập đã đánh dấu sự khác biệt mạnh mẽ với những nhà lãnh đạo khác thời hậu Mao. Họ Tập đã chấm dứt lề lối lãnh đạo tập thể, tự phong cho mình là nhà lãnh đạo duy nhất, biến Trung Quốc thành một nền công nghệ tập trung cao độ, chuyên chế theo chủ nghĩa tân Mao. Với “Trung Hoa Mộng,” họ Tập đã tập trung tăng cường cạnh tranh thương mại, công nghệ và ngoại giao nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ — đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc vào vòng xoáy tử thần. Quyển thứ ba: Đảng và Nhân Dân (The Party and the People)  được viết bởi Bruce Dickson, đưa ra những điểm mạnh và điểm yếu của đảng Cộng Sản Trung Quốc, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những sự linh hoạt của đảng này để có thể cầm quyền lâu nhất trong lịch sử. Những cải cách được đánh giá cao dưới thời Đặng Tiểu Bình là nhờ “giảm thiểu” sức tác động của chủ nghĩa Lênin, nhưng dưới thời của Tập Cận Bình, Trung Quốc lại quay trở lại hình dạng chủ nghĩa Mao. Điều mới nhất, như Dickson lưu ý trong sự nghiên cứu là tính hợp pháp của đảng “không dựa trên sự đồng ý với chính quyền mà dựa trên khả năng hiện đại hóa đất nước.” Rõ ràng là trong suốt những câu chuyện kể về lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc, những tiếng nói bất đồng chính kiến ​​bên ngoài đảng đã nhiều lần được lắng nghe và giúp thay đổi hướng đi của đảng. Truyền thống đa dạng này vẫn được mã hóa trong DNA chính trị của Trung Quốc, và sẵn sàng bộc phát bất cứ lúc nào. Do đó, những thay đổi này sẽ giúp cho các nhà quan sát phải nhớ rằng: Tại bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh và vị trí của Trung Quốc chỉ đóng khung trong thời điểm đó mà thôi, đừng bao giờ nghĩ là nó bất biến. Nói cách khác, nhìn lại 100 năm lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cả ba quyển sách đều cho thấy là nội tình của Trung Cộng liên tục bị xáo trộn bởi các yếu tố: Xung đột về ý thức hệ, tranh chấp phe phái và nhất là xung khắc về tầm nhìn, hướng đi tới của đảng. Mặc dù hệ thống độc đảng mà Stalin để lại cho Bắc Kinh về cơ bản vẫn không thay đổi kể từ năm 1921, nhưng những chuyển biến của xã hội và phong cách lãnh đạo mà ba cuốn sách này mô tả cho thấy là tình hình chính trị của Trung Quốc đang xoay chuyển giữa các cực kể từ khi hệ thống đế quốc Liên Xô cũ kết thúc. Chính tình trạng luôn biến động và chưa được giải quyết này khiến những bước đi của Bắc Kinh trở nên khó đoán. Đối với Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo này luôn có cảm giác rằng Trung Quốc liên tục bị bao vây bởi kẻ thù bên trong và bên ngoài; vì thế mà họ cố giữ bí mật và mong muốn điều chỉnh mọi thứ qua các chiến dịch “cải tạo” và “cải cách” bất tận để “đảng phải kiểm soát” mọi lúc. Thay vì chấp nhận quan điểm rằng con người, giống như thị trường, cần được trao quyền tự do nhiều nhất có thể để điều chỉnh và phát triển, họ Tập lại cho rằng hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người đều cần đến sự giám sát và can thiệp. Sự tăng cường kiểm soát và hạn chế ở trong nước, cũng đồng thời được áp dụng đối với thế giới bên ngoài. Trong khi phương Tây coi “quyền lực mềm” là thứ một sản phẩm phụ tự nhiên, độc lập trong các hoạt động văn hóa và xã hội, Tập Cận Bình lại coi đó là thứ cần được quản lý cẩn thận – thậm chí là kiềm chế và thao túng. Ngay cả chính sách thương mại quốc tế, thay vì tuân theo các quy luật thị trường, lợi nhuận và không kiềm chế, ngoại trừ khi chịu sự giám sát của WTO, Tập Cận Bình lại coi thương mại như một vũ khí, có thể sử dụng để đạt được ảnh hưởng và lợi thế địa chiến lược. Các chính sách thương mại gần đây của Trung Quốc lặp lại chiến lược kinh tế mà Đức theo đuổi trước Thế Chiến Thứ Hai. Nước Đức của Hitler vào năm 1941 đã sử dụng thương mại toàn cầu “như một công cụ chính để đạt được lợi thế thương mại và quân sự trước kẻ thù của mình,” biến “ngoại thương thành công cụ quyền lực, sức ép và thậm chí là chinh phục” để “làm suy giảm nền kinh tế của đối thủ, ngay cả khi điều đó gây ra chi phí cho nền kinh tế của chính mình.” Trung Quốc đã trở thành một nhà kinh doanh quyền lực, tìm cách biến mình thành thị trường nhập khẩu nguyên liệu thô quan trọng đến mức biến những nước khác “thành các nước chư hầu phụ thuộc, luôn luôn lo sợ Trung Quốc có thể cắt đứt xuất khẩu của họ bất cứ lúc nào.” Bắc Kinh đã trả đũa và trừng phạt nếu nước nào không tuân theo quy luật của họ. Sự kiện Bắc Kinh cắt giảm xuất khẩu cá hồi của Na Uy sau khi nhà bất đồng chính kiến ​​Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình; đóng cửa hàng loạt những cửa hàng của chuỗi Lotte Hàn Quốc điều hành, ngừng du lịch và ngừng trao đổi K-pop sau khi Seoul chấp nhận xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa THAD của Hoa Kỳ; cấm vận xuất khẩu của Canada sau khi giám đốc tài chính của Huawei bị bắt giữ ở Vancouver; áp thuế lên rượu vang, bông và lúa mạch xuất khẩu của Úc khi Canberra thúc giục WHO điều tra về nguồn gốc virus của đại dịch COVID-19; và trừng phạt một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin và các thành viên trong Nghị Viện Châu Âu sau khi họ chỉ trích cách đối xử tồi tệ của Bắc Kinh đối với người dân Uyghur tại Tân Cương. Nói chung, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm thị trường lớn hơn và nhiều lợi nhuận hơn mà còn tạo cho chính mình thành một thế lực độc tài để trở thành bá chủ toàn cầu. Chính Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Trách nhiệm của chúng ta là đoàn kết… làm việc để hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc nhằm đưa đất nước Trung Quốc đứng vững hơn và hùng mạnh hơn giữa tất cả các quốc gia trên thế giới.” Thế giới không chỉ đối đầu với một cường quốc thương mại, công nghệ, công nghiệp, kinh tế và quân sự đáng gờm, mà còn là một nhà nước sẵn sàng khai thác tất cả những lực lượng này để biến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn cho hình thức chuyên quyền của nó. Ngày nay, các biện pháp kiểm soát xã hội chặt chẽ, cơ sở hạ tầng ấn tượng, nền kinh tế năng động và quân đội hiện đại hóa của Trung Quốc có thể tạo nên diện mạo của một quốc gia trật tự, tự tin và bất khả chiến bại, xoay chung quanh một nhà lãnh đạo không có đối thủ và một đảng thống nhất. Không nên bác bỏ những thành công này của Bắc Kinh. Nhưng những vấn đề xảy ra bên trong của Trung Quốc lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn và không an toàn. Một bài viết gần đây trên trang Foreign Affairs của nữ giáo sư Thái Hà (Cai Xia) thuộc Trường Đảng Trung Ương đã thẳng thắn cho rằng: “Tập không phải là nhà cải cách.” Bà viết: “Trong suốt nhiệm kỳ của họ Tập, chế độ đã liên tục thoái hóa và trở thành một chế độ cực quyền, cố gắng nắm giữ quyền lực thông qua sự hung bạo và tàn nhẫn.” Sau bài viết này bà xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), giáo sư luật Đại Học Thanh Hoa cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ về những sai lầm của họ Tập trong vụ xử lý đại dịch Covid-19 và việc quay trở lại lề lối cai trị sùng bái cá nhân như dưới thời Mao Trạch Đông. Ông viết: “Đủ rồi, những lời nói dối quái đản và những đau khổ vô tận; Đủ rồi, triều đại đỏ hút máu và nhà nước tham lam. Đủ rồi, các chính sách và cai trị phi lý trong việc cố gắng đưa đồng hồ trở lại trong bảy năm qua; Đủ rồi, những xác chết chất thành núi, máu  chảy thành biển là kết quả của chế độ độc tài đỏ trong 70 năm qua.” Giáo Sư Hứa Chương Nhuận đang bị họ Tập quản chế tại nhà và cấm không được giảng dạy. Mùa xuân năm nay, ngay cả cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng đã lên tiếng nhân cái chết của mẹ ông trên tờ Macau Herald, mô tả về cuộc đàn áp đối với thân phụ của ông trong Cách Mạng Văn Hóa. Họ Ôn viết: “Cha tôi thường xuyên bị‘ tra khảo’ và đánh đập dã man. Theo suy nghĩ của tôi, Trung Quốc không nên đi theo lối mòn cũ mà nên là một quốc gia vận hành trên nền tảng công bằng và công lý. Cần phải luôn tôn trọng ý chí của con người, tính nhân văn và bản chất của con người.” Bài viết của Ôn Gia Bảo đã bị kiểm duyệt và không được phổ biến trên mạng xã hội. Sự xuất hiện liên tục của những tiếng nói phản kháng trong suốt lịch sử hình thành chế độ cộng sản tại Trung Quốc cho thấy rằng việc kiểm soát chặt chẽ về chính trị, và chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế và cơ sở hạ tầng đã không tạo nên một quốc gia bền vững lâu dài. Vậy nó thiếu cái gì? Thiếu cái mà nhà kinh tế học Adam Smith gọi là “tình cảm đạo đức – moral sentiments.” Đây chính là điều đang bị bỏ quên, chưa hoàn thiện và dễ bị tổn thương nhất trong quá trình cải cách của Trung Quốc. Thật ra, Trung Quốc có một truyền thống lịch sử lâu đời về chủ nghĩa nhân văn và cải cách, nhưng nó đang bị bỏ quên và chỉ làm theo mệnh lệnh của họ Tập như cảnh báo mới đây nhất: “Tất cả công việc của các phương tiện truyền thông của đảng phải phản ánh ý chí của đảng, bảo vệ quyền lực của đảng và bảo vệ sự đoàn kết của đảng. Họ phải yêu đảng, bảo vệ đảng, gắn bó chặt chẽ với sự lãnh đạo của đảng về tư tưởng, chính trị và hành động.” Tác giả Shambaugh nhận xét: “Tập Cận Bình đã mở ra một triều đại trấn áp thô bạo và kiểm soát toàn diện đối với xã hội Trung Quốc như chưa từng thấy kể từ thời Mao.” Tác giả Dickson thì đề nghị các nhà quan sát không nên để sự đàn áp của Bắc Kinh làm mờ cách thức phản ứng của chế độ. Dickson viết: “Không nghi ngờ gì về việc Bắc Kinh sử dụng trấn áp để ngăn chặn làn sóng phản kháng, nhưng nó cũng sử dụng các công cụ khác để tác động lên sự ủng hộ của người dân: Sự thịnh vượng gia tăng, lòng tự hào dân tộc, thậm chí cả những phản ứng chống đối từ bên ngoài nhắm vào Bắc Kinh.” Rõ ràng là sau nhiều năm cải cách, Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ vật chất. Tuy nhiên, phần lớn người ta sẽ có cảm giác báo động sâu sắc về việc Tập Cận Bình đang dùng bàn tay sắt để chuyển hướng đất nước của mình. Một câu hỏi được đặt ra cho công trình đế quốc mà họ Tập đang cố xây dựng: Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục tồn tại và tiến bộ mà không cần cốt lõi đạo đức nhân văn? Thiếu thành phần quan trọng đó, Trung Quốc sẽ trở thành một thí nghiệm khoa học xã hội khổng lồ. Có lẽ Trung Cộng đã cố gắng hoàn thiện một mô hình phát triển hoàn toàn mới không đòi hỏi những giá trị lâu đời như tự do, công lý và dân chủ. Nhưng lịch sử hiện đại cho thấy rằng sự vắng mặt của những yếu tố này sẽ khiến một số quốc gia bị ảnh hưởng. Hãy nghĩ về phát xít Ý và Đức, đế quốc quân phiệt Nhật Bản, chế độ độc tài Francoist Tây Ban Nha, chế độ thần quyền Iran và Liên Xô. Tuy nhiên, ngay cả khi nó thiếu những điều nhân văn tốt đẹp như vậy, Trung Cộng hiện đang kỷ niệm một trăm năm thành lập. Liệu người Trung Quốc có thể khác với những dân tộc khác, đặc biệt là những người ở phương Tây? Có lẽ, một số ý kiến ​​cho rằng, công dân Trung Quốc sẽ chỉ bằng lòng để đạt được sự giàu có và quyền lực, mà không có những khía cạnh của cuộc sống mà các xã hội khác thường coi là cơ bản để trở thành con người. Một giả định như vậy có vẻ không thực tế chứ đừng nói là trịch thượng. Cuối cùng, người Trung Quốc có thể sẽ chứng tỏ sự khao khát của họ ít khác biệt so với người Canada, người Séc, người Nhật Bản hoặc người Hàn Quốc. Chỉ vì những người bên ngoài Trung Quốc không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy một biểu hiện đầy đủ hơn về các giá trị phổ quát ngay bây giờ, không có nghĩa là những mong muốn như vậy không tồn tại. Bị đóng băng trong thời điểm này, chúng đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong quá khứ và chắc chắn sẽ xuất hiện lại trong tương lai. *** Tóm lại, qua nội dung phân tích của bốn bài viết được tóm lược ở trên, chúng ta có thể đúc kết hai điểm nhìn lại 100 năm lịch sử của đảng Cộng Sản Trung Quốc: 1/ Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc không chỉ là cường quốc về kinh tế mà đang là một siêu cường cạnh tranh gay gắt với Hoa Kỳ về các mặt thương mại, công nghệ, y học, quân sự sau 40 thập niên cải cách. Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng cùng với tham vọng bá quyền của giới lãnh đạo, đặc biệt là dưới Tập Cận Bình, cho thấy là Trung Quốc đang có quá nhiều mầm mâu thuẫn trầm trọng từ trong nội bộ và nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. 2/ Tuy Trung Quốc lớn mạnh nhờ tăng trưởng kinh tế và sự kiểm soát chặt chẽ của giai cấp thống trị ở trong đảng; nhưng xã hội Trung Quốc hoàn toàn thiếu vắng tính Nhân Văn để giúp cho xã hôi luôn luôn phát triển bền vững, gắn kết mọi người với nhau. Chính sự thiếu vắng này sẽ khiến cho Trung Quốc không đi ra ngoài số phận của những đế quốc đã từng phát triển và sụp đổ: Phát xít Ý và Đức, đế quốc quân phiệt Nhật Bản, chế độ độc tài Francoist Tây Ban Nha, chế độ thần quyền Iran và Liên Xô. Câu nói nổi tiếng của chính trị gia người Anh Lord Acton vào thế kỷ thứ 19 “Absolute power corrupts absolutely” – “Quyền lực tuyệt đối sẽ đưa đến tình trạng tham nhũng tuyệt đối,” có thể chuyển thành “Absolute power collaps absolutely” – Quyền lực tuyệt đối sẽ tuyệt đối không thể đứng vững và sẽ sụp đổ – theo kinh nghiệm đã qua của nhiều quốc gia trên thế giới trong thế kỷ 20 và 21.  Trung Cộng khó mà cưỡng lại nguyên lý hiển nhiên này. 1 tháng Bảy, 2021 Lý Thái Hùng https://viettan.org/trung-quoc-co-the-tiep-tuc-da-troi-day-hay-khong/  
......

Nói không với vaccine Sinopharm, Sinovac China

Phạm Đình Trọng No Sinopharm 1. Khi chưa đủ thực lực thực hiện dã tâm, Tàu cộng cố mang bộ mặt phúc hậu, tử tế, văn minh, cố giấu giếm tham vọng làm chủ thế giới nhưng đảng Cộng sản Tàu không thể giấu mãi được mưu đồ thâu tóm thế giới, nô dịch loài người, biến các nước khác thành chư hầu của Trung cộng, biến các dân tộc khác thành nộ lệ của người Hán, đưa người Hán lên thống trị thế giới, thực hiện giấc mộng đất nước Trung Hoa là trung tâm thế giới, văn minh Trung Hoa là nền văn minh khai sáng, dẫn dắt loài người. Trước hết Tàu cộng quyết liệt, khẩn trương thâu tóm các nước lân bang nhỏ bé, nô dịch các dân tộc nghèo khó. Sau đó Tàu cộng sẽ mở “Một vành đai, một con đường”, Nhất đới, nhất lộ, One Belt, One Road, mang tiền ra nước ngoài mua các quan chức tham nhũng để các quan chức tham nhũng mang lãnh thổ ra thế chấp cho Tàu cộng, vay vốn đầu tư của Tàu cộng. Đầu tư kinh tế chỉ là cớ để quan chức tham nhũng dấm dúi nhận tiền của Tàu cộng, không phải vì mục đích kinh tế. Vì vậy các dự án quan chức tham nhũng vay tiền của Tàu cộng đều không có hiệu quả kinh tế. Không có hiệu quả kinh tế thì không thể trả nợ Tàu cộng. Nước vay tiền Tàu cộng mãi mãi là con nợ, là chư hầu Tàu cộng. Đã trói chặt Việt Nam bằng ý thức hệ cộng sản, Tàu cộng càng trắng trợn thâu tóm đất nước Việt Nam, càng tàn bạo nô dịch người dân Việt Nam. Nô dịch, xiềng xích lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam bằng ý thức hệ cộng sản. Lấn chiếm, từng bước cướp dần đất đai biển đảo Việt Nam. Phá hoại, gây chảy máu kinh tế, kìm hãm xã hội phát triển, buộc Việt Nam mãi mãi khốn khổ trong nghèo đói, mãi mãi phải quị luỵ, nhờ vả Tàu cộng, phụ thuộc vào Tàu cộng. Thâm hiểm và độc ác tột cùng là mưu đồ giết dần con người Việt Nam, xoá sổ dân tộc Việt Nam bằng cách với lãnh đạo và trí thức Việt Nam thì đầu độc về tư tưởng và văn hoá để nhận thức của tầng lớp định đoạt, chi phối đời sống xã hội Việt Nam chỉ biết mở to mắt nhìn vào sự vĩ đại của lịch sử Đại Hán mà nhắm mắt trước lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam. Với người dân Việt Nam thì âm thầm huỷ hoại, tiêu diệt thân xác con người bằng hàng hoá, lương thực, thực phẩm, thuốc thang độc hại. Xài hàng hoá, thuốc thang độc hại Tàu cộng, con người trước sau sẽ lần lượt mắc bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa. Lớp người có vai trò định đoạt, chi phối đời sống xã hội Việt Nam chỉ biết mở to mắt ngưỡng vọng nhìn lên phương Bắc và nhắm tịt mắt trước lịch sử bi tráng của Việt Nam đến nỗi hàng trăm ngàn người Việt bỏ mạng trong cuộc chiến tranh mười năm 1979 – 1989 chống Tàu cộng xâm lược giữ nước ở biên giới phía Bắc nhưng không có một chữ, một dòng trong sách giáo khoa lịch sử của học sinh từ tiểu học đến trung học. Đến năm cuối cùng trung học, sách giáo khoa lịch sử lớp 12 mới có 11 dòng, chỉ nhắc thoáng qua tên gọi cuộc chiến tranh lẫm liệt của ý chí Việt Nam chống Tàu cộng xâm lược giữ nước ở thế kỉ 20. Lớp người có vai trò định đoạt, chi phối đời sống xã hội Việt Nam nô lệ Tàu cộng đến mức khi dư luận xã hội phẫn nộ về cuộc chiến tranh giữ nước đẫm máu 1979 – 1989 ở biên giới phía Bắc bị gạt ra khỏi sách giáo khoa lịch sử thì ông giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Tung làm sách giáo khoa lịch sử dạy thế hệ trẻ Việt Nam lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, mới lộ ra sự đớn hèn nô lệ: Các nhà sử học Việt Nam và Trung Quốc phải ngồi lại với nhau bàn bạc thống nhất quan điểm, nội dung rồi mới có thể đưa cuộc chiến tranh Việt – Trung 1979 – 1989 vào sách học trong nhà trường! Cái gọi là trí thức Việt Nam xã hội chủ nghĩa nô lệ Tàu cộng nhục nhã như vậy đó. Muốn viết lịch sử cuộc chiến giữ nước chống Tàu cộng xâm lược phải thỉnh ý, phải thương lương và được kẻ gây chiến, kẻ xâm lược cho phép! Người làm khoa học còn nhục nhã nô lệ Tàu cộng đến như vậy thì nhà chính trị bị xiềng xích vào Tàu cộng bằng ý thức hệ cộng sản còn nô lệ nhục nhã đến thế nào! Người dân bình thường từ chàng trai chạy xe ôm đến bà giáo già về hưu đều thấy rõ mưu thâm kế hiểm của Tàu cộng áp đặt ách nô lệ cho Việt Nam ngày càng trắng trợn và tàn bạo. Nhưng những người nắm quyền lực đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã bị Tàu cộng xiềng xích bằng ý thức hệ cộng sản, đã bị Tàu cộng mua linh hồn thì cố tình không thấy. Không thấy họ mới hối hả, gấp gáp, dồn dập kí những hợp đồng kinh tế cho Tàu cộng mở “Một vành đai nô lệ, một con đường chư hầu” vào Việt Nam. Họ mới ngửa tay nhận đồng tiền đầu tư nô lệ và hứng công nghệ lỗi thời, phế thải của Tàu cộng đổ vào Việt Nam. Xây dựng nền công nghiệp hiện đại Việt Nam bằng công nghệ phế thải của Tàu cộng và nền công nghiệp “hiện đại” đó càng vận hành càng thua lỗ, càng trở thành Chúa Chổm. Tất cả những công trình giao thông, những dự án kinh tế kí với nhà thầu Tàu cộng đều bị nhà thầu thi công dây dưa kéo dài, đều đội vốn lên gấp hai, ba lần vốn thiết kế ban đầu, chất lượng đều tồi tệ nhưng hầu hết các dự án kinh tế Việt Nam đều lọt vào tay nhà thầu Tàu cộng. Những dự án này với chủ đầu tư phía Việt Nam là dự án kinh tế, dự án làm giầu cho người kí duyệt chọn thầu nhưng với Tàu cộng là dự án chính trị để Tàu cộng đánh phá nền kinh tế Việt Nam. Liên hiệp gang thép Thái Nguyên công nghệ Tàu cộng dần hiện nguyên hình là đống sắt phế thải để lại cho nền kinh tế đất nước hàng ngàn tỉ đồng tiền thua lỗ nhưng ông tổng giám đốc gang thép Thái Nguyên thì xây lâu đài nguy nga như cung điện Buckingham của hoàng gia nước Anh. Những nhà máy điện than công nghệ Tàu cộng lỗi thời mọc lên khắp nước, trùm khói đen lên che kín trời xanh Việt Nam, giết chết màu xanh đất đai Việt Nam. Công nghệ Tàu cộng vừa giết môi trường sống, vừa kéo nền công nghiệp Việt Nam tụt lại phía sau hàng trăm năm, vừa buộc nền kinh tế đất nước phải chịu giá điện cao ngất ngưởng. Nhưng Tổng giám đốc những nhà máy điện đó đều bước một bước từ cuộc đời vô sản lên cuộc đời đế vương! Điển hình cho công trình kí kết với nhà thầu Tàu cộng, tạo cơ hội cho Tàu cộng đánh phá kinh tế Việt Nam, làm chảy máu nền kinh tế Việt Nam, buộc Việt Nam trở thành con nợ bền vững của Tàu cộng là công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Những quan chức tham nhũng đi đêm với Tàu cộng rước tai hoạ về cho đất nước Việt Nam, rước gánh nợ oằn lưng cho người dân Việt Nam vẫn nhơn nhơn vô can, bình thản thăng tiến. Và bộ Công thương, bộ Giao thông vận tải cứ hối hả thi nhau vẽ ra liên tiếp những dự án ngàn tỉ cho quan chức cấp bộ, cấp cục trở thành chủ đầu tư đón nhà thầu Tàu cộng. Những thảm hoạ khủng khiếp gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, điện than Vĩnh Tân, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông… còn sờ sờ ra đó. Nay bộ Y tế lại rước vaccine Tàu cộng Sinopharm, Sinovac về tiêm cho dân Việt Nam, giao tính mạng trăm triệu dân Việt Nam cho dã tâm Tàu cộng. Gang thép Thái Nguyên, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dù thiệt hại, mất mát nặng nề cũng chỉ thiệt hại, mất mát của cải, tiền bạc. Sinopharm, Sinovac là sự sống, là tính mạng cả trăm triệu dân Việt Nam, là sự mất còn cả dân tộc Việt Nam. Lịch sử ngàn năm cha ông chống phương Bắc xâm lược, hiện thực cuộc sống hàng ngày người dân phải chứng kiến những hành động độc ác tàn bạo của phương Bắc với đất nước, con người Việt Nam, danh dự và lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam cho người dân Việt Nam ý chí mạnh mẽ: Không vaccine Sinopharm, Sinovac China 2. Tai ương dịch covid 19 kéo dài suốt hai năm 2020 – 2021 trên khắp hành tinh. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngưng hoạt động. Người lao động phải nghỉ việc không lương. Ở nhiều nước dù những người phải nghỉ việc không lương do covid 19 đều có tài sản lớn, có nhà vườn, có ô tô riêng nhưng Chính phủ lo cho dân vẫn dốc ngân sách ra trợ cấp cho người dân không có thu nhập vì covid 19. Ở Việt Nam có hàng chục triệu người dân phải ở nhà thuê, kiếm sống từng bữa. Anh PĐH, 29 tuổi ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, chạy xe grab. Vì dịch covid 19, không có khách đi xe, không có tiền sống, ngày 29.5.2021 anh đã leo lên cầu Bình Triệu nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử. Dịch covid 19 làm cho cuộc sống của anh bế tắc đến nỗi có người cứu kịp đưa lên bờ, anh lại phăm phăm chạy ra sông quyết tìm đến cái chết bằng được để giải thoát cuộc sống bế tắc. Nhà nước thu thuế người dân và nhà nước quản lí những nguồn lợi từ tài nguyên quốc gia là để lo cho dân. Người dân trao cho nhà nước quyền lực cũng để lo cho dân. Lúc bình thường người dân đã cần đến nhà nước. Khi hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh, người dân càng cần đến sự lo cho dân của nhà nước. Trận đánh nào, người chỉ huy cũng phải có lực lượng dự bị. Nhà nước nào dù nghèo khó đến đâu cũng phải có quĩ lương thực và tiền bạc dự trữ quốc gia phòng khi quốc gia có sự cố bất thường. Việt Nam không những có quĩ dự trữ quốc gia kha khá mà còn có tiền rủng rỉnh làm những tượng đài hàng ngàn tỉ đồng trên khắp đất nước, có tiền thoải mái đổ ra hàng ngàn tỉ đồng tổ chức những lễ hội, những đại hội diễn ra rềnh rang từ cấp phường, xã đến cấp quốc gia. Các tỉnh đều thi nhau đổ ra hàng trăm tỉ đồng dựng những cổng chào kệch cỡm, lố lăng của thẩm mĩ Lí Toét ở đầu tỉnh, cuối tỉnh. Vậy mà khi dịch covid 19 hành dân, người dân đang khốn khổ, không có tiền sống hàng ngày vì dịch covid 19 thì Chính phủ lại ráo riết thúc dân góp tiền mua vaccine ngừa covid 19. Điện thoại riêng của từng người dân ngày nào cũng phải nhận những tin nhắn vô lương tâm, vô liêm sỉ: Mặt trận Tổ quốc và Chính phủ kêu gọi mọi người dân đoàn kết, tương thân, tương ái cùng chung tay đóng góp cho quỹ vắc xin phòng chống covid 19 của Chính phủ thông qua cổng 1400. Ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều. Chính phủ vô cảm ra rả xin tiền dân. Đến bộ Thông tin Truyền thông là nơi đơn thuần làm công việc kĩ thuật của văn minh tin học cũng vất bỏ danh dự nghề nghiệp đi nã tiền dân: Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi người dân tham gia ủng hộ cho Quỹ Vac xin phòng Covid 19 để phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất Vac xin trong nước và sử dụng vac xin phòng Covid 19. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn gian nan chính là dịp thử thách và bộc lộ bản chất và bản lĩnh. Dịch covid 19 gây khó cho Chính phủ một thì gây khó cho dân gấp trăm lần vì covid 19 cướp đi nguồn sống hàng ngày, cướp đi mạng sống người dân. Lúc khó khăn thì thì Chính phủ buông tay, đẩy khó cho dân, Chính phủ đó có đáng mặt là Chính phủ của dân không nhỉ? Phạm Đình Trọng  
......

Hàng made in China

Nguyen Khan Công bằng mà nói, cuối thập niên 70 thế kỷ trước, một trạm không gian của Mỹ cũng được thả rơi tự do sau khi hoàn thành “nghĩa vụ”. Trạm không gian bay theo quỹ đạo thấp dần cho đến khi rơi xuống trái đất. Khi ấy nhiều nước, đặc biệt là Thái Lan, người dân lo sắm mũ bảo hiểm. Lúc ấy có tin đồn nhà khoa học không gian lỗi lạc Nguyễn Xuân Vinh, người vẻ đường bay cho phi thuyền Apollo của NASA đã dự đoán chính xác vị trí rơi của trạm không gian là ngoài khơi Australia, không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Có vẻ như lần ấy dễ dự đoán hơn, vì trạm không gian bị bỏ ngỏ bay theo quỹ đạo thấp dần... Lần này thì...Tầng trung tâm tên lửa đẩy Trường Chính 5b của Trung Cộng, dài 30m, rộng 5m, nặng 21 tấn... Theo lập trình, khi tên lửa vào quỹ đạo, phần trung tâm này sẽ rơi trở lại một vị trí được ấn định trên trái đất, song vì đây là sản phẩm made in China, sao chép, chôm chỉa công nghệ 5 cha 7 mẹ, tên lửa chưa hiểu hết tiếng Tàu nên tầng trung tâm không chịu rớt xuống trái đất, nó nổi cơn điên bay theo quỹ đạo trước sự bất lực của những nhà khoa học Trung Cộng. Tên lửa made in China đang bay theo “cơn điên”, trên một quỹ đạo khùng, chắc chẳng ai có thể đoán nỗi nó rơi ở đâu ! Theo dự kiến vài ngày nữa nó sẽ rơi xuống trái đất. Và theo ước tính của các nhà khoa học thì lực ma sát không đốt hết, chắc cũng còn một ít sắt vụn made in China “viếng thăm” đâu đó trên mặt địa cầu. Ai yếu bóng vía thì nên đội mũ bảo hiểm. (P/S : giá sắt thép thế giới đang tăng mạnh, gần 50%... Các bạn đón lượm sắt vụn made in China bán ve chai nhé)  
......

Nhiệm vụ của Phạm Minh Chính trong vai trò thủ tướng là gì?

Đỗ Ngà| “Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn” là chủ trương của Phạm Minh Chính nhưng mãi đến ngày 27/10/2017 HĐND tỉnh mới thông qua. Sau đó, vào tháng 5/2018 Quốc hội CS Việt Nam mới phát hành hạn chế đề án này và cho đại biểu quốc hội xem để biểu quyết Luật đặc khu. Dự định là tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 6/2018. Tuy nhiên vào ngày 10/6/2018 bộ luật này bị vấp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân nên tạm hoãn. Dù tạm hoãn biểu quyết luật, nhưng công tác hoàn thiện Đặc khu Kinh tế Vân Đồn vẫn cứ tiến hành và chỉ cần thời điểm thích hợp cho Quốc hội “gật” là xong. Cũng giống như máy tính vậy, Đặc khu Kinh tế nó có “phần cứng” và “phần mềm”. Phần cứng là phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm là phần hạ tầng pháp lý. Điều khó nhất là làm phần cứng, vì nó tốn nhiều tiền đầu tư và mất thời gian rất dài để thi công. Còn phần mềm thì rất đơn giản, dự thảo có rồi đợi khi nào dân không còn mặn mà với việc biểu tình phản đối nữa là Bộ Chính Trị cho đưa ra Quốc hội thông qua là xong. Nghĩa là Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn giờ như dàn máy tính đã sắm sửa đầy đủ phần cứng, USB chứa phần mềm cũng có sẵn, chỉ cần gắn USB vào máy và cài Win là vận hành thôi. Chắc chắn Chính quyền CS sẽ không bỏ cuộc việc thực hiện Luật đặc khu kinh tế. Tại sao? Để muốn biết tại sao, hãy đọc nội “Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn”. Trong phần Tổng Quan của đề án, ĐCS đã nói rằng “Trong hơn 30 năm đổi mới, mô hình tăng trưởng của Việt Nam bộc lộ không ít yếu kém nội tại, không có khả năng duy trì tăng trưởng cao, bền vững và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhìn chung mô hình tăng trưởng chậm được đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chập lại. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Do đó bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra cho Việt Nam thời cơ và thách thức rất lớn cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”(hết trích) Ba đột phá chiến lược là gì? Đó là hoàn thiện thể chế ( Ý là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và phát triển hạ tầng. Mục tiêu này được đưa ra tại đại hội XI năm 2011 nhưng chỉ qua mấy năm ĐCS đã nhận ra mục tiêu thất bại hoàn toàn. Ở đây chúng ta thấy, “ba đột phá chiến lược” là chính sách dùng nội lực để thực hiện, còn thành lập đặc khu kinh tế là chính sách mời ngoại bang vào thực hiện (cho thuê đất một thế kỷ). Điều này cũng có nghĩa là ĐCS đã thừa nhận sự bất lực của nó nên cầu viện, còn cầu viện ai thì mọi người tự hiểu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nói thẳng ra là thể chế kinh tế theo mô hình Trung Cộng. Thể chế kinh tế hiện nay của ĐCS Việt Nam là y hệt thể chế kinh tế của Tàu, điểm khác biệt quan trọng nhất chỉ là “xây dựng đặc khu” mà thôi. Nếu ĐCS Việt Nam bổ sung thêm các đặc khu thì nó giống y hệt Tàu Cộng. Như vậy từ “đổi mới thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong cách nói của ĐCS chỉ là bổ sung phần “đặc khu kinh tế” thôi. Ý của ĐCS là vậy chứ không cần phải nói tránh nói né một cách màu mè làm gì. Hôm nay ngày 5/4 trên báo VnEconomy có bài viết “5 mục tiêu trong nhiệm kỳ mới của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính” đưa ra 5 mục tiêu của ông tân thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó ông có một đoạn như sau “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”. Đoạn này chính là nội dung đã biên soạn trong “Đề án Thành lập Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt Vân Đồn” mà tôi đã trích. Nó chính là ý tưởng của Phạm Minh Chính khi còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh. Thêm vào đó là ngày 28/3 ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết là chính phủ “tiếp tục nghiên cứu Luật Đặc khu” như là bước tạo đà của Nguyễn Xuân Phúc dành cho Phạm Minh Chính để ông Chính trình Quốc hội thông qua. Nói tóm lại thời kỳ Phạm Minh Chính hứa hẹn là một thời kỳ triển khai quyết liệt dự án đặc khu kinh tế. Ông Phạm Minh Chính có ngày hôm nay cũng vì ông đi đầu trong chủ trương làm đặc khu. Mà quan trọng nhất là tạo cho ĐCS một hướng giải quyết bế tắc trong vấn đề quản lý kinh tế. Vì vậy mà bây giờ ĐCS (không biết là ĐCS Việt Nam hay ĐCS Tàu) đã đưa ông Chính lên để “cải cách thể chế kinh tế thay đổi mô hình phát triển”. Một lần nữa sự yếu kém về năng lực đã đẩy ĐCS phải mời ngoại bang vào bằng mọi giá và ông Phạm Minh Chính sẽ thực hiện nhiệm vụ đó. Đáng buồn cho số phận đất nước này lắm./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://baotintuc.vn/…/quang-ninh-thong-qua-de-an-thanh… https://baomoi.com/ba-dot-pha-chien-luoc…/c/37796599.epi https://thanhnien.vn/…/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tiep… https://vneconomy.vn/5-muc-tieu-trong-nhiem-ky-moi-cua…  
......

Cái giá phải trả sau hơn 40 năm phương Tây dung dưỡng Trung cộng.

  Nguyễn Đình Bổn .   Nuốt lời hứa với dân Hong Kong, đe dọa Biển Đông, lộ rõ ý đồ xâm lược Đài Loan, tàn ác với các sắc tộc bị chiếm đóng như người Duy Ngô Nhĩ, sẵn sàng bốp chát với Mỹ, xem thường các nước châu Âu, Trung Quốc hơn lúc nào hết cảm thấy mình đã đủ sức mạnh để làm bá chủ thế giới, và cho rằng các nước phương tây đang suy tàn, không thể đảo ngược.   Do là nhà nước độc tài, mọi nguồn lực đều có thể huy động, chi trả bởi giới cầm quyền mà không cần dân đồng ý, TQ có lợi thế hơn hẳn so với phương Tây khi cần đối đầu. Vụ trả đũa khi bị Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Mỹ và Canada, trừng phạt về tội đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương là một ví dụ.   Theo các nghiên cứu, điều tra từ phương Tây mà TQ bác bỏ, hiện có ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Họ bị cưỡng bức phải lao động trên các cánh đồng trồng bông, thời TT Trump, Mỹ cho rằng việc đàn áp thiểu số Hồi Giáo này cấu thành tội ác diệt chủng. Và sau đó một số công ty hàng may mặc sẵn như H&M của Thụy Điển, hay Uniqlo của Nhật Bản, hiệu giầy Nike của Mỹ, Adidas của Đức đã cam kết vào năm ngoái sẽ tẩy chay vải bông từ Tân Cương - khu vực chiếm gần 1/5 sản lượng toàn cầu và cung cấp cho nhiều doanh nghiệp may mặc lớn trên thế giới.   Trung Quốc đã đáp trả lạnh lùng trên tâm thế kẻ mạnh. H&M đã chứng kiến sản phẩm của họ bị rút khỏi các trang bán hàng trực tuyến chính của Trung Quốc. Các diễn viên và ca sĩ Trung Quốc loan báo rằng họ sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Nike, Adidas, Uniqlo, Converse hoặc thậm chí là Calvin Klein, mà họ là đại sứ. Đoàn Thanh niên CSTQ cũng phát động tẩy chay cho thấy các nghệ sĩ đã bị chỉ đạo hành động.   Những đáp trả từ đất nước có 1 tỷ 443 triệu dân với sức tiêu thụ hàng đầu thế giới làm các công ty chùn tay. Và H&M có cho hiển thị các bản đồ TQ có hình lưỡi bò cũng dễ hiểu bởi họ phải thỏa hiệp để cứu doanh thu.   Khi Dương Khiết Trì lên mặt giảng đạo đức cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Alaska, và sau đó được dân TQ ca tụng như người hùng, Hoa Xuân Oánh thì nói thẳng phương Tây chính là nguồn gốc của các hành động thù địch, một lãnh sự Trung Quốc tweet rằng thủ tướng Canada là "con chó theo đuôi Mỹ", Trung Quốc hiện đã cảm thấy đủ tự tin để tiến đến việc bá chủ thế giới và họ đã tuyên bố trật cũ do Mỹ dẫn đầu đã kết thúc.   Gần 50 năm trước khi Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH với hiệp định Paris, Đệ thất hạm đội án binh bất động khi Hoàng Sa thất thủ chính là thời điểm con ác long thu mình chờ thời cơ, và nay trong suy nghĩ của nó, thời cơ đã chín.  
......

Trung Quốc và lựa chọn định mệnh đối với Đài Loan

The Economist - Phan Nguyên biên dịch Sự trỗi dậy của Trung Quốc liên quan đến một số quyết định mang tính định mệnh đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo của đất nước. Không gì quan trọng hơn là câu hỏi liệu có nên tấn công Đài Loan để đưa hòn đảo dân chủ, thân phương Tây với 24 triệu dân này vào vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản hay không. Nếu một ngày nào đó một chiếc xe limousine Hồng Kỳ bọc thép chở ông Tập trong vai trò “nhà chinh phục” diễu qua các đường phố ở thủ đô Đài Bắc của hòn đảo, ông sẽ trở thành một nhà Cộng sản bất tử. Ông sẽ được xếp ngang hàng Mao Trạch Đông với tư cách là người cùng giành chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc vốn vẫn dang dở từ năm 1949 khi chế độ Quốc Dân Đảng bại trận lưu vong sang Đài Loan. Có lẽ ông Tập sẽ diễu qua những con phố Đài Bắc vẫn còn nghi ngút lửa, đầy máu và vắng bóng dân thường do lệnh thiết quân luật. Nhưng cuộc chinh phục Đài Loan vẫn sẽ đánh dấu sự nâng tầm Trung Quốc lên hàng các cường quốc hùng mạnh đến mức không một quốc gia nào dám thách thức mong muốn của họ. Đối với những lãnh đạo cứng rắn cai trị Trung Quốc, lịch sử không được viết bởi những kẻ mềm yếu. Nếu ông Tập ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm Đài Loan, quyết định của ông sẽ được định hình bởi một nhận định quan trọng nhất: liệu Mỹ có thể ngăn cản ông hay không. Trong 71 năm, sự tồn tại của Đài Loan như một hòn đảo tự trị là nhờ vào khả năng của Mỹ trong việc răn đe ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc. Đúng vậy, Đài Loan cũng được hưởng lợi từ sự kiên nhẫn của Trung Quốc trong khi Trung Quốc muốn thử nghiệm các kế sách khác để có thể tránh được chiến tranh. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ràng buộc Đài Loan với đại lục về mặt kinh tế. Họ cũng đã cố gắng lôi cuốn công chúng Đài Loan bằng những lời hứa về quyền tự chủ nếu họ chấp nhận sự cai trị từ Bắc Kinh, theo tiêu chuẩn “một quốc gia, hai chế độ”. Năm ngoái, nhận thức về khái niệm đó đã được chuyển từ ngờ vực thành bác bỏ bởi sự phá hủy các quyền tự do công dân ở Hồng Kông, một lãnh thổ được trao những lời hứa tương tự. Nhưng Trung Quốc đang mất kiên nhẫn với việc “tái thống nhất bằng biện pháp hòa bình”, và những tính toán lạnh lùng hơn luôn quan trọng hơn. Về cơ bản, Trung Quốc vẫn e ngại vì sợ rằng quân đội Đài Loan có thể sẽ cầm cự được cho đến khi lực lượng Mỹ đến ứng cứu. Tổng thống Joe Biden và các trợ lý chính sách đối ngoại của ông, những người rất giàu kinh nghiệm, biết rõ vai trò trung tâm của nước Mỹ trong thế trận này. Đó là lý do tại sao vào ngày thứ tư sau khi chính quyền Biden nhậm chức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án các nỗ lực quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc nhằm đe dọa Đài Loan, đồng thời tuyên bố cam kết của Mỹ đối với hòn đảo này là “vững như bàn thạch”. Trên thực tế, khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn một cuộc xâm lược Đài Loan đang suy yếu dần. Lý do chính là vì Trung Quốc trong hơn 20 năm đã theo đuổi mục tiêu duy nhất là các vũ khí tiên tiến và các kỹ năng cần thiết để ngăn chặn sự can thiệp của các lực lượng Mỹ. Một yếu tố khác là ý thức về vận mệnh lịch sử của ông Tập và việc ông sử dụng chủ nghĩa dân tộc dân túy để củng cố quyền lực của mình — mặc dù chủ nghĩa dân tộc cũng làm tăng chi phí của một cuộc tấn công bất thành. Trên một số diễn đàn, các học giả Mỹ và các quan chức cấp cao nghỉ hưu đã ca ngợi chính quyền Trump vì đã thông qua giao dịch bán vũ khí cho Đài Loan trị giá hơn 17 tỷ USD. Họ cũng phê phán các trợ lý của Trump, những người đã phô trương sự ủng hộ đối với Đài Loan như một cách khiêu khích Trung Quốc mà không nghĩ đến những rủi ro đối với hòn đảo này. Một số học giả từng là nhà ngoại giao, chẳng hạn như Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), đã thúc giục Mỹ chấm dứt chính sách “mơ hồ chiến lược”, tức tránh đưa ra các cam kết rõ ràng trong việc đáp lại các hành động gây hấn chống lại Đài Loan. Sự mơ hồ này là nhằm ngăn cản sự hấp tấp của các chính trị gia Đài Loan và gây phẫn nộ cho Trung Quốc. Bonnie Glaser, chuyên gia về an ninh Trung Quốc và Đài Loan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một viện nghiên cứu chính sách ở Washington, nói rằng chính quyền Biden đang tỏ ra kiên quyết khi nói về Trung Quốc và Đài Loan, vì họ “rất lo lắng về khả năng xảy ra tai nạn và tính toán sai lầm”. Bà Glaser, một học giả có nhiều mối quan hệ, bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ ngẫu nhiên, chẳng hạn như giữa các máy bay hoặc tàu của Trung Quốc và Đài Loan, và về khả năng xảy ra xung đột quân sự có chủ ý trong 5 hoặc 10 năm nữa. Robert Blackwill, cựu trợ lý an ninh quốc gia của George W. Bush và là đồng tác giả của bài phân tích mới của CFR, The United States, China and Taiwan: A Strategy to Prevent War (Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan: Chiến lược ngăn chặn chiến tranh), muốn Mỹ tạo ra “khả năng răn đe địa – kinh tế đáng tin cậy”, cũng như củng cố sự răn đe về mặt quân sự. Ông cho rằng Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản nên nói rõ rằng Trung Quốc sẽ bị trục xuất khỏi các hệ thống tài chính và thương mại dựa trên đồng đô la nếu nước này tấn công Đài Loan. Blackwill nói nếu các chỉ huy Trung Quốc thúc giục chiến tranh, “chúng ta muốn các lãnh đạo kinh tế có mặt trong phòng” để chỉ ra các chi phí kinh tế của hành động đó. Tuy nhiên, phần khó nhất của việc ngăn chặn Trung Quốc là việc xây dựng các liên minh vững mạnh sẵn sàng thách thức sự xâm lược của Trung Quốc. Các so sánh với thời Chiến tranh lạnh không phù hợp với vấn đề Đài Loan. Sự sống còn của Tây Berlin được coi là lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ và các đồng minh NATO, những người đã lên kế hoạch chiến tranh để ngăn chặn việc Liên Xô phong tỏa thành phố. Nhưng điều quan trọng là Liên Xô là đối thủ yếu về kinh tế. Ngày nay, không có sự đồng thuận nào giữa các đồng minh khu vực của Mỹ rằng sự sống còn của Đài Loan là một lợi ích quan trọng đáng để họ phải chọc giận Trung Quốc, vốn thường là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt tính dễ bị tổn thương của đất nước trước áp lực kinh tế bên ngoài. Trong một bài báo vào tháng 5 năm ngoái, Qiao Liang, một thiếu tướng không quân đã nghỉ hưu, dự đoán rằng nếu chiến tranh xoay quanh Đài Loan nổ ra, Mỹ và các đồng minh sẽ chặn các tuyến đường biển chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường vốn của Trung Quốc. Tướng Qiao ủng hộ các động thái của ông Tập nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu kinh tế bên ngoài. Ông nói thêm rằng chìa khóa cho câu hỏi Đài Loan sẽ là kết quả của cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa Trung Quốc với Mỹ. Vị tướng này là một kẻ khiêu khích theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, nhưng những bình luận của ông phản ánh quan điểm của nhiều người ở Trung Quốc ngày nay. Điều đó sẽ khiến các đồng minh của Mỹ phải suy nghĩ. Đối với nhiều người Trung Quốc, việc thu hồi Đài Loan không chỉ là một sứ mệnh quốc gia thiêng liêng. Việc hoàn thành sứ mệnh này cũng sẽ báo hiệu rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sắp kết thúc. Nếu Trung Quốc tin rằng họ có thể hoàn thành sứ mệnh đó với chi phí có thể chấp nhận được, họ sẽ ra tay. The Economist - Phan Nguyên biên dịch Nguồn: “China faces fateful choices, especially involving Taiwan”, The Economist, 18/02/2021.    
......

Có phải Chính phủ Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh ?

Nguyễn Quang Duy| Tuần lễ qua trên thế giới diễn ra hai sự kiện quan trọng: Thứ nhất là vào ngày 12/3/2021 lần đầu tiên Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với thủ tướng ba nước Úc, Ấn và Nhật trong Bộ Tứ An Ninh (the Squad); Và sự kiện thứ hai là nước Anh công bố chuyển hướng Chiến lược ngoại giao, an ninh và quốc phòng từ đặt trọng tâm vào Châu Âu chuyển sang Châu Á Thái Bình Dương. Cả hai sự kiện cho thấy Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đang hình thành chiến lược phát triển khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Ý tưởng chiến lược Vào tháng 8/2007 tại Bombay, cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đưa ra ý tưởng xây dựng một châu Á trải dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương như một vùng biển của tự do và mở rộng cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Ngày 18/11/2016, khi ông Trump vừa đắc cử Tổng thống, ông Abe đã bay sang Mỹ gặp và thuyết phục ông Trump rằng Bắc Hàn chỉ là thách thức ngắn hạn còn về lâu dài Trung cộng mới chính là thách đố chiến lược cho cả hai quốc gia. Còn ông Trump thì rất quan tâm đến Ấn Độ, một quốc gia dân chủ pháp trị, sử dụng tiếng Anh, đông dân, đang cải cách kinh tế và luôn đối đầu với Trung Quốc, nên ngay khi đắc cử chính ông Trump đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để bàn chuyện quốc tế. Từ những cuộc họp với Nhật, Ấn và Úc đã hình thành Bộ Tứ An Ninh (the Squad) và phát triển thành Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương (U.S. Strategic Framework for the Indo - Pacific). Giải mật Khung Chiến Lược Là tài liệu mật được ghi chú “không dành cho công dân nước ngoài” lẽ ra Khung Chiến Lược sẽ được bảo mật cho đến năm 2043, nhưng Thượng Viện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số ngày 5/1/2021 đã cho phép giải mật và công bố một tuần trước ngày Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm. Ông Robert O’Brien cố vấn an ninh quốc gia thời đó cho biết việc giải mật là để thể hiện những cam kết chiến lược của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tập tài liệu gồm 10 trang đánh máy, một vài chỗ chưa được giải mật bị bôi đen, chừng một nửa tài liệu trực tiếp nói về chính sách cho 2 nước Trung Hoa và Ấn Độ, với những mục tiêu (objectives) và hướng dẫn hành động (actions) cụ thể. Đối đầu mang tính hệ thống Theo Khung Chiến Lược này việc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ tiếp tục tồn tại do hệ thống chính trị và kinh tế của hai nước quá khác biệt cả về bản chất lẫn mục tiêu. Trung cộng đã bất chấp mọi quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giành lợi thế thống trị toàn cầu vì vậy Mỹ cần gia tăng ảnh hưởng tại Á châu nhằm ngăn chặn Trung cộng tiếp tục thiết lập những khu vực ảnh hưởng mới. Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung cộng nhưng phải hợp tác công bằng và phù hợp với lợi ích của người Mỹ, không phải hợp tác bằng mọi giá như các chính phủ trước đây đã sai lầm vướng phải. Hoa Kỳ tiến hành xây dựng liên minh với các nước đồng minh và đối tác, trên tinh thần tôn trọng và hợp nhất với chiến lược của các quốc gia khác để thành hình một chiến lược chung cho toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời các quốc gia đồng minh cũng phải đối xử công bằng và phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, như chia sẻ gánh nặng về quốc phòng với Mỹ và thương lượng lại các Hiệp định thương mại tự do không để người Mỹ quá thiệt thòi. Mục tiêu chính yếu được đề ra trong Khung Chiến Lược là xây dựng kinh tế và quốc phòng Ấn Độ để quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đủ khả năng đối đầu với Trung cộng về mọi mặt và về lâu dài. Mục tiêu khác là thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Khối ASEAN trong việc giữ gìn an ninh khu vực, và khuyến khích các nước thành viên đạt được đồng thuận về những vấn đề then chốt. Ngay khi Khung Chiến Lược được giải mật, ngày 14/1/2021, bà Lê Thị Thu Hằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến giúp phát triển Khối ASEAN và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Khác với Việt Nam, Cam Bốt và Miến Điện nay đã ngả về phía Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á còn lại thì sợ bị lôi kéo vào chiến tranh lạnh giữa hai đại cường Mỹ - Trung. Khung Chiến Lược không trực tiếp đề cập đến các quốc gia Âu Châu, nhưng ông Robert O’Brien cho biết các quốc gia như Anh, Đức và Pháp sẽ tham gia vào Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Thay đổi nhận thức Nhiệm kỳ Tổng thống Trump là một nhiệm kỳ đầy tranh cãi, nhưng Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương đối đầu với Trung cộng gặp nhiều thuận lợi hơn chống đối. Theo tôi, thành công lớn nhất của Chính phủ Trump là đã thay đổi được một phần nhận thức của người Mỹ và thế giới về sự đối nghịch giữa đảng Cộng sản Trung Hoa và người dân của xứ này. Có nhận thức được rõ ràng khái niệm trên thì mới hiểu rõ được mô hình chính trị và tham vọng bá quyền của đảng Cộng sản Trung Hoa. Từ đó mới có thể đề ra được những chính sách và chiến lược thực tiễn, cụ thể và rõ ràng cho nước Mỹ và thế giới. Ngày nay đa số người Mỹ đã thấy được tham vọng bá quyền của Trung Quốc, các chính trị gia Mỹ cũng thay đổi chính kiến nên hầu hết các Đạo Luật về Tân Cương, Đài Loan và Hồng Kông đều được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhanh chóng thông qua với đa số tuyệt đối. Các quốc gia tự do khác trên thế giới như Anh, Đức và Pháp cũng thay đổi nhận thức và nhìn nhận Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chỉ với một nhiệm kỳ tổng thống 4 năm, ông Trump đã thay đổi được cả tầm nhìn chiến lược của nước Mỹ và thế giới, nhưng đó cũng chỉ là mới bắt đầu và cần được các chính phủ kế nhiệm nhìn nhận và thực hiện. Liệu Chính Phủ Biden còn tiếp tục ? Các chính sách về Trung cộng của Chính Phủ Biden đòi hỏi cả hai viện đồng thuận thông qua, đảng Dân Chủ hiện nắm cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện nhưng với số ghế lại rất bập bênh nên có thể đoán trước sẽ không có nhiều thay đổi. Ngày 3/3/2021, Tổng thống Biden công bố Chính sách an ninh quốc gia tạm thời nhấn mạnh sự cần thiết liên minh với các nước dân chủ và Trung cộng vẫn là đối thủ cạnh tranh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ. Trong cuộc họp Bộ Tứ An Ninh, ngày 12/3/2021, ông Biden cho biết Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nước đồng minh và các đối tác nhằm ổn định và phát triển khu vực, bảo đảm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Với Úc, Điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ông Kurt Campbell tuyên bố: “Mỹ sẽ không để Úc chiến đấu một mình, Bắc Kinh phải ngừng các hành vi đe doạ kinh tế Úc trước khi muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.” Chính phủ Biden cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 15 viên chức quân sự để xem xét chính sách đối với Trung cộng đặt trọng tâm vào Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngày 3/3/2021 Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhìn nhận một số giới chức trong chính phủ Mỹ trước đây đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người Mỹ. Ông Blinken cho biết chính sách ngoại thương của Chính Phủ Biden là giành lại công bằng thương mại cho nước Mỹ và bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Mỹ. Ngày 16/3/2021 tại Tokyo Nhật Bản, ông Blinken cho biết những yêu sách về chủ quyền của Trung cộng trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với cả hai nước Mỹ và Nhật, ông cho biết: “Chúng ta sẽ đẩy lùi, nếu cần thiết, khi Trung cộng sử dụng biện pháp cưỡng ép và hung hãn để thực hiện ý đồ của họ”. Vào ngày 18/3/2021 hai phái đoàn Mỹ - Trung gặp nhau tại tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, trước sự hiện diện của truyền thông Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã bắt đầu buổi họp bằng lời tuyên bố: “Chúng tôi không muốn xảy ra xung đột, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh gay gắt và chúng tôi sẽ luôn đứng lên bảo vệ các nguyên tắc, người dân và bạn bè của chúng tôi.” Ngoại trưởng Blinken thì nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ đến các hành động của Trung cộng ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như các hành vi Trung cộng bắt nạt kinh tế với các nước đồng minh với Mỹ, tấn công mạng nhắm vào Mỹ, ông Blinken cho biết: "Mỗi hành vi nêu trên của Trung cộng đều đe dọa đến trật tự và luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng duy trì ổn định toàn cầu.” Ông Jake Sullivan tiếp lời: “Những hành vi Ngoại trưởng Blinken đã nêu ra không phải là những vấn đề nội bộ (của Trung Quốc), chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây, ngày hôm nay." Bạn vẫn có thể nghi ngờ và cho rằng: đó chỉ là những lời nói đầu môi của các chính trị gia chuyên nghiệp Mỹ, chỉ nhằm gầy dựng niềm tin của cử tri Mỹ và của các nước bạn đồng minh. Nhưng đó là những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Biden sẽ áp dụng Khung Chiến Lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng, với mục tiêu phá vỡ chiến lược “Một vòng đai Một con đường”, bao vây và kềm hãm khả năng bành trướng của cộng sản Bắc Kinh. Nguyễn Quang Duy
......

Một đứa trẻ kêu khóc ở Myanmar … và Trung Quốc giả vờ không nghe thấy

Simon Tisdall – Khánh An dịch – (VNTB) – Vị thế toàn cầu của Trung Quốc đang sụt giảm khi Tập Cận Bình cố gắng minh oan cho những hành động tàn ác dưới danh nghĩa thâu tóm quyền lực Tiếng kêu khóc đau đớn khủng khiếp hiện trên khuôn mặt của một cô bé và kể về câu chuyện tàn bạo của quân đội đàn áp ở Myanmar. Shwe Yote Hlwar, năm tuổi, đang đứng bên cạnh một chiếc quan tài mở nắp, chứa thi thể của cha cô, Ko Zwe Htet Soe, bị lực lượng an ninh bắn chết. Khuôn mặt của cô bé đau buồn vô tận. Những người phụ nữ cố gắng an ủi cô nhưng không được. Ai có thể giải thích cái chết của cha cô là không cần thiết? Ai có thể nói tại sao những người mặc quân phục lại nghĩ rằng họ có thể làm những việc như vậy? Tiếng kêu khóc đau đớn của Shwe là tiếng kêu khóc của cả một quốc gia. Tiếng khóc vang vọng khắp thế giới. Có người nghe thấy, nhiều người lại không. Tại hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tuần trước, Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của Nga, Ấn Độ và Việt Nam, một lần nữa đã ngăn cản việc lên án thẳng thừng về cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước và ngăn cản động thái hướng tới các biện pháp trừng phạt do Vương quốc Anh soạn thảo. Lá phiếu của Trung Quốc là quan trọng nhất. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ vào Myanmar theo kế hoạch Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình. Điều này, chứ không phải là sự phẫn nộ đối với “trận giết chóc”, theo lời của Tổ chức Ân xá Quốc tế, của quân đội xác định chính sách của Tập Cận Bình. Đúng là Trung Quốc không trực tiếp có lỗi cho hàng chục cái chết và hàng ngàn vụ bắt giữ và đánh đập của thường dân. Có thể ông Tập sẽ thích nhà lãnh đạo dân cử, thân thiện với Bắc Kinh của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tiếp tục nắm quyền. Lãnh đạo đảo chính, Tướng Min Aung Hlaing, trước đây đã cáo buộc Trung Quốc âm mưu với các phần tử nổi dậy sắc tộc. Ông ấy không phải là bạn lớn. Nhưng Tập Cận Bình thà gắn bó với Min Aung Hlaing hơn là rủi ro bất ổn. Và thà đối mặt với sự phản đối của quốc tế hơn là giúp khôi phục các quyền dân chủ vốn là điều đáng ghét đối với ĐCSTQ. Nói tóm lại, ở Myanmar và các nơi khác, ĐCSTQ đang biết rằng việc xây dựng đế chế là mơ hồ và có thể phải chịu nhiều tai tiếng. Những thiết kế vĩ đại quyền bá chủ toàn cầu mời gọi sự phản kháng ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Các đặc điểm kiêu ngạo và hung hăng của Tập Cận Bình hiện đang được thể hiện trên nhiều mặt trận. Tinh thần chống Trung Quốc chưa bao giờ lộ rõ hơn thế ở Myanmar. Người dân ở đó coi người hàng xóm khổng lồ giống như người Ba Lan hoặc người Estonia cảm nhận đối với nước Nga. Nhưng với việc Bắc Kinh bảo vệ các tướng lĩnh sát nhân, sự thù địch tiềm ẩn đó đang được công khai bày tỏ. Những cuộc tẩy chay các doanh nghiệp Trung Quốc đã diễn ra. Các quan chức Trung Quốc lo lắng trước những lời đe dọa trên mạng xã hội về việc làm nổ tung một dự án đường dẫn dầu quan trọng nối Trung Quốc với Vịnh Bengal trong dự án Vành đai và Con đường, trang web độc lập Irrawaddy tường trình. Tuy nhiên, vì Trung Quốc coi cuộc đảo chính là “vấn đề nội bộ”, những người biểu tình nói một cách mỉa mai, việc phá hoại tài sản của người Trung Quốc cũng sẽ là một vấn đề nội bộ thuần túy. Đã quen với việc điều khiển tin tức theo ý muốn, các lãnh đạo Trung Quốc giả vờ rằng cuộc khủng hoảng này không xảy ra, rằng những tội ác khủng khiếp không xảy ra hàng ngày. Họ dường như không nhận ra rằng trong thế giới nằm ngoài sự kiểm duyệt của họ, cơ hội che giấu hoặc từ chối vĩnh viễn những hành động tàn bạo như vậy ngày càng giảm dần, dù chúng xảy ra ở đâu. Đó là một bài học mà Tập Cận Bình đã không thể tiếp thu được ở Tân Cương. Một báo cáo chi tiết, độc lập của Hoa Kỳ vào tuần trước đã xác nhận rằng chế độ của Tập Cận Bình đã liên tục vi phạm công ước của LHQ về tội ác diệt chủng với việc ngược đãi kinh khủng người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn kiên trì đưa ra những tuyên bố kỳ cục, từ chối thẳng thừng bằng chứng được quay và ghi lại sự lạm dụng thô bạo. Những lời nói dối của họ sẽ thật buồn cười nếu chúng không quá nghiêm trọng. Đồng thời, họ phỉ báng báo chí độc lập, thực tế – và than phiền quá mức khi đại sứ của Anh nhấn mạnh tầm quan trọng đó. Những kẻ mù quáng và lạc hậu vì mục tiêu chính trị đáng thương này nên thức tỉnh lại. Các cuộc thăm dò cho thấy vị thế quốc tế của Trung Quốc đang giảm mạnh. Cảm giác ác cảm và thù hận ngày càng gia tăng.  Khán giả toàn cầu ngày càng tinh vi hơn, được kết nối hơn đang xem xét kỹ lưỡng các hành động hàng ngày của Trung Quốc, họ không dễ dàng bị lừa bịp như quần chúng nông thôn Trung Quốc, bị đồng lương chết đói, tuyên truyền và sự sợ hãi kiểm soát. Nếu Tập Cận Bình muốn có được sự tôn trọng thường dành cho một cường quốc, ông ta phải hành động có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng như Myanmar, thành thật về Tân Cương và Tây Tạng, hãy ngừng bắt nạt những quốc gia láng giềng, và ngừng những lời nói dối ngớ ngẩn như là có thể tạo ra một thực tế thay thế bằng cách nào đó. Hồng Kông là một sân khấu miễn cưỡng khác trong cái nhà hát giả dối đen tối của Tập Cận Bình – và một tâm điểm khác của phản ứng dữ dội chống Trung Quốc. Tuần một luật mới từ chối chức vụ dân cử đối với các ứng cử viên được coi là “không yêu nước” đã được thông qua. Để khẳng định rằng Hồng Kông vẫn có thể được coi là một nền dân chủ dưới một hệ thống như vậy là sự xúc phạm trí thông minh của mọi người. Có lẽ các cán bộ cộng sự của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tin điều đó. Họ tin bất cứ điều gì Tập Cận Bình nói. Sự ác cảm quốc tế đang gia tăng. Anh Quốc và các đối tác cân nhắc các biện pháp trừng phạt mới. Lực lượng đối lập nhanh nhạy của Hồng Kông đang tập hợp bên ngoài. Áp lực đang gia tăng khi  Mỹ đảm bảo rõ ràng khả năng phòng thủ của Đài Loan. Một đô đốc hàng đầu của Mỹ thúc giục triển khai tên lửa mới dọc theo “quần đảo đầu tiên ”. Các công ty công nghệ cao như Huawei là những công ty bị ghẻ lạnh. Các quốc gia đang phát triển tỏ ra khó chịu trước chính sách ngoại giao nợ của Bắc Kinh. Liên minh ngăn chặn được gọi là Bộ Tứ – Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản – đang hồi sinh. Các nhà ngoại giao “chiến binh sói” mồm to hàng ngày đã gây hại cho danh tiếng của Trung Quốc. Các tác nhân có ảnh hưởng ở nước ngoài, bám vào đảng để lấy tiền và ưu đãi, phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn. Mọi thứ có thể đang thay đổi. Tuy nhiên, Trung Quốc của Tập Cận Bình giống như một đoàn tàu tháo chạy, với một đoàn xe “Làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”, có thể có động cơ rất lớn nhưng lại thiếu phanh. Các nhà phân tích khu vực cho rằng Tập Cận Bình là một , “Mao Trạch Đông mới”,  vượt quá mức khi đặt bản thân và di sản cá nhân lên trên lợi ích quốc gia. Những người khác cảnh báo rằng thời kỳ Tập Cận Bình đang nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc-dân tuý điên cuồng mà cuối cùng lại không thể kiểm soát được. Họ nói rằng thời kỳ đó sẽ không kết thúc có hậu. Những cái đầu lạnh, khôn ngoan hơn ở Bắc Kinh nên bình tĩnh lại khi có thể – hoặc có nguy cơ trật đường ray hoàn toàn. Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao đầu tiên với chính quyền Biden. Đó là một thời điểm tốt để giới lãnh đạo Trung Quốc trở nên thực tế, từ bỏ tinh thần bá chủ về địa chính trị và thay vào đó tập trung vào việc thúc đẩy các mục tiêu chung và các giá trị phổ quát. Bắt những kẻ đã sát hại cha của Shwe Yote Hlwar sẽ là một khởi đầu tốt. Nguồn: The Guardian  
......

Bạch tuột đã hiện nguyên hình

Nguyen Khan| Khi quân đội Myanmar đảo chính chính phủ dân sự nửa vời của bà cố vấn Aung San Suu Kyi với lý do gian lận bầu cử, là lúc không ít người đang cay cú vụ gian lận bầu cử bên Mỹ, thất vọng vì tổng thống Trump không ban hành thiết quân luật trừng trị bọn gian lận, nhất thời có thiện cảm với quân phiệt Myanmar, chưa soi đến khía cạnh chính phủ dân sự Myanmar là chính phủ nửa vời bị giới quân nhân khống chế thì làm gì có đủ thực quyền để gian lận. Có vẻ như bà Aung San Suu Kyi không đáp ứng yêu cầu của quyền lực ngầm Toàn cầu hóa nên bị báo chí cánh tả phương Tây đánh phá dữ dội, lên án bà không ngăn chặn, thậm chí còn bao che cho hành vi đàn áp người Rohingya tại Myanmar làm nhiều người cuốn theo, nhất thời không có thiện cảm với chính phủ dân sự và bà cố vấn Aung San Suu Kyi, chưa để ý đến khía cạnh nếu bà có thực quyền đầy đủ thì đã làm tổng thống chứ có đâu núp bóng dưới danh nghĩa cố vấn để điều hành chính phủ, và với vai trò nửa vời như vậy thì làm gì cản được phe quân đội đàn áp dân thiểu số Hồi giáo Rohingya.   Nhưng cộng đồng mạng Việt Nam rất tỉnh táo, sau giai đoạn nhất thời lúng túng chưa có cái nhìn thấu cáy về tình hình Myanmar vì bị bóng đen gian lận bầu cử Mỹ che phủ, sau đó, nhìn vào thực tế sự phản kháng đảo chính mang tính sống còn của nhân dân Myanmar, cộng đồng mạng đã nhanh chóng nhận ra vụ đảo chính quân sự tại Myanmar thực chất là do bạch tuộc TC (Trung Cộng) giật dây quân phiệt Myanmar vì lợi ích địa chính trị và lợi ích kinh tế của chúng, gian lận bầu cử được thổi phồng làm cớ cho bọn chúng thực hiện mưu ma chước quỷ.   Bởi chẳng ai còn lạ gì trong quá khứ TC là nước bảo kê cho chế độ quân phiệt độc tài tàn bạo Myanmar tồn tại từ năm 1962 đến năm 2015 là năm bọn chúng phải miễn cưỡng chia quyền cho chính phủ dân sự trước sức đấu tranh kiên trì và dũng mãnh của nhân dân Myanmar dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, không biết bao nhiêu người đã ngã xuống, bao nhiêu người bị khủng bố đàn áp khủng khiếp, bao nhiêu máu đã tuông ra, bao nhiêu tù tội, thương tật... Mà nhân dân Myanmar đã đánh đổi để giành lại một chính phủ dân sự nửa vời.   Bởi trước đó đã một lần tổng tuyển cử, liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối nhưng bị bọn quân phiệt lật kèo phủi bỏ, bắt bớ tù tội nhiều người, giam lỏng bà Aung San Suu tại gia nhiều năm liền.   Năm 2015,rút kinh nghiệm lần tổng tuyển cử thảm bại trước, bọn quân phiệt xây dựng bản hiến pháp khống chế số ghế đại biểu Quốc Hội dân sự, để nếu phe dân sự có thắng tuyệt đối bầu cử Quốc Hội như lần trước vẫn không đủ ghế sửa đổi hiến pháp, không đủ ghế vô hiệu hóa quyền mặc định phe quân đội nắm giữ mấy bộ chủ chốt trong nội các.   Như vậy sự cấu kết lợi ích giữa TC và quân phiệt Myanmar không chỉ diễn ra trong vụ đảo chính lần này, sự tàn ác dã man của chúng cũng không chỉ mới xảy ra hôm nay, mà đã xảy ra hơn nửa thế kỷ, hơn nửa thế kỷ nhân dân Myanmar đánh đổi bằng máu mới giành lại chính phủ dân sự nửa vời trong 5 năm, để rồi cũng như lần trước, bọn chúng lại lật kèo bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiêu quan chức chính phủ dân sự.   Bởi bọn quân phiệt xem việc chia quyền cho chính phủ dân sự chỉ là một thủ đoạn hạ nhiệt tạm thời sức nóng đấu tranh của nhân dân, hạ nhiệt sự lên án của cộng đồng quốc tế, rảnh tay cũng cố quyền lực đang bị sói mòn vì máu của nhân dân Myanmar đổ ra quá nhiều trong các cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ. Nay mọi chuyện tạm ổn, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bạch tuộc TC đang lúc rất cần Myanmar đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ địa chính trị dang hồi sốt nóng, nên bọn chúng cấu kết dựng chuyện gian lận bầu cử để đoạt lại phần quyền mà chúng đã miễn cưỡng chia cho chính phủ dân sự Myanmar 5 năm trước.   Hơn nửa thế kỷ qua, kể sao xiết tội ác TC qua bàn tay "thái thú" của bọn quân phiệt gây ra cho nhân dân và đất nước Myanmar giàu tài nguyên và đất hiếm. Bao nhiêu tài nguyên đã bị bọn quân phiệt bán rẻ cho TC, bao nhiêu dự án giao cho TC, đẩy đất nước và nhân dân Myanmar vào thảm cảnh nghèo khổ, khánh kiệt.   Cuộc đảo chính lần này, như nói ở phần trên, là lúc bọn tướng lĩnh nối lại chế độ quân phiệt nguyên vẹn như trước, thủ đoạn hạ nhiệt bằng chính phủ dân sự nửa vời không còn cần thiết, bọn quân phiệt phải thu lại quyền lực của chính phủ dân sự để độc tôn lãnh đạo đất nước, độc tài lợi ích, độc quyền quan hệ chặt chẽ và mờ ám với TC, chứ không phải cải tổ chính phủ do gian lận bầu cử như chúng lu loa. Bởi đây là thời điểm TC có thời cơ bức phá loại bỏ Mỹ và Phương Tây khỏi Ấn Độ Thái Bình Dương khi tổng thống khắc tinh của TC là Donald Trump bị phơi áo, nên TC đang rất cần quân phiệt Myanmar cho kế hoạch bành trướng.   Bắc Kinh đang gia tăng áp lực quân sự lên Biển Đông, liên tục tập trận, đang có những chuẩn bị kỹ lưỡng và cấp tập cho chiến tranh, thì đường ống dẫn dầu của TC từ Ấn Độ Dương xuyên qua lãnh thổ Myanmar vào TC rất quan trọng với TC nếu chẳng may chiến tranh tắt đường vận chuyển dầu qua eo biển Malacca. Hơn nữa, vũ khí duy nhất TC đang độc quyền sở hữu chống lại cuộc chiến công nghệ với Mỹ, Nhật, Hàn và các nước Phương Tây là đất hiếm. Myanmar có trữ lượng đất hiếm khá nhiều, nếu không kiểm soát được nguồn đất hiếm tại Myanmar thì lực ép nguồn cung đất hiếm của TC sẽ không hiệu quả.   Nay mọi chuyện đã hai năm rõ mười:   • Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã chứng minh tội ác dã man của quân phiệt Myanmar dùng súng máy và đạn thật sát thương người biểu tình ôn hòa, đã kết luận không loại trừ khả năng tập đoàn quân sự "phạm tội ác chống nhân loại", là tội mà Hitler, Polpot... Đã phạm. Sự tàn ác của quân phiệt Myanmar đã được khẳng định.   • TC làm đầu têu ngăn cản quyết liệt Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không cho thông qua nghị quyết lên án quân phiệt Myanmar. Vai trò giật dây chống lưng cho quân phiệt Myanmar đảo chính của TC đã được xác định.   • Hai quan chức bộ ngoại giao Myanmar bị quân phiệt bắt giữ vì cáo buộc để lộ bí mật nhà nước, tiết lộ nội dung cuộc họp khẩn giữa đại diện chính quyền TC và nhà cầm quyền quân phiệt về việc phía TC yêu cầu quân phiệt bảo vệ các doanh nghiệp và công ty TC tại Myanmar, bảo vệ hai đường ống dẫn dầu và khí đốt v.v... Quan hệ chặt chẽ và mờ ám giữa TC và quân phiệt Myanmar đã được khẳng định.   Như vậy, không còn nghi ngờ vai trò của TC trong vụ đảo chính Myanmar. Con bạch tuộc TC đã hiện nguyên hình./.
......

Lịch sử dễ tiếp thu bởi lòng chân thành và sự thật!

  Ảnh: Thầy Thái Tùng Quân. Phạm Minh Vũ     Như mọi năm, vào dịp 17-02 Thái Tùng Quân giáo viên đang công tác tại trường PTTH Lý Tự Trọng thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh hay tổ chức phút tưởng niệm và nhắc lại đoạn lịch sử đau thương của đất nước cho các em học sinh của thầy. Năm nay, đúng thời điểm là buổi học đầu năm mới, Thày Quân đã biến ít phút của buổi học thành buổi củng cố kiến thức lịch sử cho các em. Thầy ghi trên fb cá nhân có đoạn:   "Ngày này cách đây 42 năm, 17-02- 1979, hàng vạn đồng bào, chiến sỹ của chúng ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên giới phía Bắc trước sự xâm lược tàn bạo của quân đội Trung Quốc. Thầy trò chúng tôi có trách nhiệm phải tưởng nhớ tới họ như những vị anh hùng dân tộc vì sự trường tồn của đất Việt thân yêu. Đó là một cuộc chiến oai hùng và bi tráng, một cuộc chiến cần phải được vinh danh”.   Cả lớp 12A5 với 39 học sinh trường PTTH Lý Tự Trọng đã đứng dậy và dành ít phút mặc niệm đến hàng vạn chiến sỹ đồng bào đã nằm xuống dưới họng súng quân xâm lược Trung cộng năm 1979. Hình ảnh đã làm cho tôi cảm thấy vô cùng xúc động.   Xúc động vì hàng năm ngân sách rót cho giáo dục hàng ngàn tỷ đồng nhưng không hề dạy các em cách tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống năm ấy, càng xúc động hơn khi cách giáo dục nhồi sọ hôm nay nhất là môn lịch sử đã làm các em học sinh chán ngán. Hỏi mấy em học sinh hay thế hệ 9X như tôi có nhớ ngày 17-02 là ngày gì có mấy ai biết, vậy mà, chỉ một hành động đơn sơ là nói sự thật cho các em biết về ngày 17-02 năm 79 ra sao thì các em tự động cảm thấy nghẹn ngào. Và tôi cũng nghẹn ngào.   Xúc động hơn, vì hệ thống chính trị hôm nay muốn đục bỏ muốn xoá mờ một giai đoạn hào hùng chống TQ xâm lược đó của dân quân VN, giáo dục muốn phớt lờ, nhưng thầy Quân đã cố níu kéo đã cố tạc lại bức tranh lịch sử một cách rõ nét nhất.   Càng xúc động hơn khi các em làm một nghĩa cử tử tế, nó khác với những kẻ quyền thế là lãnh đạo quốc gia mà khom lưng khuỵ gối không dám nhắc tới hai chữ Trung cộng. Nhiều kẻ lãnh đạo lại muốn xoá bỏ, muốn quên đi để mong vinh thân phì gia vì ngoan ngoãn nghe lời cấp trên, không muốn nhớ xương máu đồng bào đã đổ xuống cho độc lập đất nước.   Thì ra chúng ta tốn hàng ngàn tỷ để tìm ra phương pháp dạy lịch sử, viết ra các đề án tiền tỷ hầu tìm ra giải pháp cho các em học sử hiệu quả mà bao nay không tìm ra, nhưng chỉ cần nói bằng lòng chân thành và làm một cách trung thực nhất về lịch sử thì nó đã được các em đón nhận một cách đàng hoàng tử tế.   Bài học đầu năm mới dành cho các em thật ý nghĩa và cũng đầy suy nghĩ.    
......

Xem kẻ cướp nước là “anh em”, cố tật không thể sửa được của đảng cs

Đỗ Ngà| Với người dân Việt Nam, thì cho dù đó là ngày những người lính VNCH ngã xuống vì Hoàng Sa hay những người lính của quân đội CS đã ngã xuống vì chống lại quân bành trướng Phương Bắc đều được tưởng nhớ như nhau. Đây là điều ai cũng nhận ra. Cũng phải thôi, với dân thì tổ quốc là trên hết. Không quan trọng thành phần xã hội, không quan trọng ý thức hệ, chỉ cần biết anh hy sinh cho đất nước là anh được tôn vinh. Đấy là lòng dân. Tuy nhiên với ĐCS thì họ không như vậy, họ đề cao ý thức hệ nên khi họ bắt tay với Trung Cộng, họ đã chà đạp lên công lao những con người phải hy sinh xương máu vì tổ quốc. Cuộc chiến biên giới phía bắc 1979 là cuộc đối đầu lớn nhất giữa CS Tàu và CS Việt. Tuy rằng trên mặt trận tuyên truyền thì Tàu gọi cuộc chiến đó là “dạy Việt Nam một bài học” nhưng thực chất đó là cuộc xâm lược cướp nước. Theo ước tính của Phương Tây phía Tàu có khoảng 28.000 người chết và hàng chục ngàn người bị thương, trong khi đó phía Việt Nam khoảng 8.000 người chết và 12.000 người bị thương. Rõ ràng quân Tàu đông hơn với 600.000 quân nhưng vấp phải sự kháng cự quá rát của quân Việt Nam và kết quả chết và thương vong đã nói lên sự thiện chiến của phía Việt Nam. Đó là lí do tàu rút quân về vì họ thấy nuốt miếng mồi này không trôi chứ chẳng phải họ “thử sức chiến đấu” của quân đội nước họ đâu. Thử chỉ là mục đích phụ, mục đích chính vẫn là cướp nước. Pháp đánh Việt Nam mục đích là để giữ thuộc địa, có thể xem họ cướp nước cũng được nhưng gọi thế cũng có phần khiên cưỡng. Thực tế, Pháp chỉ muốn đánh bật Việt Minh lấy chủ quyền trao cho triều đình nhà Nguyễn chứ họ không lấy đó làm lãnh thổ của nước Pháp. Với Mỹ thì họ đến Việt Nam chỉ muốn chặn sự lớn mạnh chủ nghĩa CS ở Đông Nam Á chứ họ không có ý định cướp một tấc đất nào của Việt Nam cả. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng với Tàu thì khác, nếu giả sử quân đội CS Việt Nam không đẩy lùi quân Tàu về thì 6 tỉnh biên giới phía Bắc hiện nay là một phần của tỉnh Vân Nam rồi. Như vậy nếu nói quân cướp nước thực sự trong 3 cường quốc trên thì chỉ có Tàu mới thực sự là cướp đúng nghĩa. Trong sử thì CS không ngần ngại gọi Pháp và Mỹ là quân cướp nước, và họ có huân chương chống Pháp, huân chương cống Mỹ, tuy nhiên huân chương chống Tàu thì không. Ngược lại họ còn gọi quân cướp nước là “anh em”. Với cách gọi ấy, ĐCS Việt Nam đã phản bội lại anh linh của những chiến sĩ đã hy sinh vì gìn giữ vùng đất thiêng liêng của tổ quốc. Câu hỏi đặt ra là, Tàu có gì để CS Hà Nội không xem là quân cướp nước? Họ có ý thức hệ giống nhau thôi. Nghĩa là vì ý thức hệ ĐCS xem nhẹ tất cả, xem nhẹ chủ quyền quốc gia, xem nhẹ sự hy sinh của đồng bào, và xem nhẹ chính xương máu người lính đã chấp nhận làm lá chắn cho đảng. Giá trị của ĐCS là vậy, lịch sử là bài học mà có lẽ ĐCS không bao giờ chịu học. Chỉ có dân thì cần phải học, rằng ĐCS sẽ không bao giờ đặt quyền lợi dân tộc và quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của nó. Không bao giờ. Dân tộc này muốn trường tồn thì bài toán lớn nhất phải là tìm cách giải quyết ĐCS. Dù cho đến bao lâu, dù cho mất bao công sức, dù có hy sinh đến đâu cũng cần phải giải quyết dứt điểm cái ý thức hệ nguy hiểm này. Đất nước này cần tạo ra một nhà nước, nơi mà chỉ dung nạp những đảng phái chính trị biết đặt quyền lợi quốc gia và quyền lợi dân tộc lên trên hết./. -Đỗ Ngà-  
......

Diêm vương cũng bó tay với thầy trò nhà này!

Ngô Trường An Diêm vương đang ngồi đánh cờ thì quỷ sứ hớt hãi chạy vào tâu: - Kính bẩm Điện Hạ, con đi tuần thì gặp 3 tên kia cãi nhau loạn xạ bằng tiếng gì con không hiểu, nên con dẫn về đây trình ngài tra xét ạ. Diêm vương ngước nhìn 3 người đang đứng run rẩy trước mặt, đập bàn quát: - Bọn bay ở đâu? Vì sao cãi nhau? Nói! - Dạ, kính bẩm Diêm vương! Trên trần hôm nay cúng tất niên, con là người địa phương đang ngồi hưởng thì 2 thằng này ở đâu chạy đến giành ăn với con ạ. - Dạ bẩm ngài! Con là người Mỹ tử trận ở miền nam VN. Vì nghe chủ nhà trên ấy trân trọng thỉnh mời hết thảy các vong hồn "đao binh, tử trận" về dự. Chẳng qua là tôn trọng lời mời con mới đến, chứ đâu thèm giành ăn với nó. - Mày là người Mỹ, sao lại tử trận ở Việt Nam? - Dạ, họ nói con xâm lược ạ! - À! Hèn chi hơn nửa thế kỷ nay, năm nào đến tháng 4 là ta muốn bể đầu vì loa công cộng, đài truyền thanh, truyền hình... léo nhéo suốt ngày đinh tai, nhức óc. Tội xâm lược của mày ta sẽ xử sau. Còn thằng lùn kia! Mày ở đâu mà giành ăn với người bản địa, hả? - Bẩm ngài, con người Trung Quốc, tử trận ở miền bắc VN ạ. - Mày người TQ tại sao lại tử trận ở VN? - Dạ, bọn con vì tinh thần quốc tế vô sản, nên qua miền bắc giúp đỡ khối XHCN anh em ạ. - Mày láo! Làm gì có chuyện đó, sao ta không nghe nói? - Dạ, đây là sự thật mà! - Mày có gì chứng minh điều mày nói là sự thật, hả? - Dạ bẩm ngài, nghĩa trang liệt sĩ người TQ hiện đang nằm hiên ngang nhiều nơi ở miền bắc, năm nào lãnh đạo VN cũng cúi đầu tưởng niệm. Không lẽ con chết bên TQ mà họ kéo qua miền bắc chôn rồi phong liệt sĩ sao ạ? - Ừ nhỉ, có lý! Còn thằng người Việt kia, trên đó họ mời những người tử trận, vậy mi có tử trận không mà cũng dám lại ăn? - Dạ con tử trận bên Campuchia ạ. - Hả? Cái gì? Mi là người Việt sao lại tử trận bên Campuchia? - Dạ con đi làm nhiệm vụ quốc tế bên đấy ạ! - Láo! Quốc tế nào giao nhiệm vụ cho mày? - Dạ thật đấy ạ! Năm 1978 họ bắt con đi nghĩa vụ QS, vô quân trường học qua loa hơn tháng rồi đưa thẳng qua Campuchia. Trước khi lên xe họ bắt viết đơn tình nguyện với nội dung: đơn xin đi làm nhiệm vụ quốc tế giải phóng Campuchia ạ. Nghe đến đây Diêm vương đứng bật dậy, khoa 2 tay trước mặt, miệng lẩm bẩm : - Ối thiên la, địa võng ôi! Cùng 1 sự việc như nhau, cùng 1 bản chất giống nhau. Nghĩa là thằng này đem quân qua nhà thằng kia mà đứa thị bị gọi là xâm lược, đứa thì được ngợi khen giúp đỡ khối XHCN anh em, còn đứa kia thì được tôn vinh hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Bà mẹ! Tau cũng bó tay cho cái lưỡi cô hồn bọn bay! *** Kính chúc quý bạn năm mới an khang - thịnh vượng. Ngô Trường An  
......

Đặng Tiểu Bình mượn cớ dạy cho CSVN bài học, xâm lăng Việt Nam năm 1979

Phạm Minh Vũ|   Ngày 15 tháng 02 năm 1979, người đàn ông này đã tuyên bố rằng dạy cho Việt Nam một bài học.   Chỉ 2 ngày sau, tên này đã hiện thực lời tuyên bố đó bằng việc y cho đem 60 vạn đại quân vượt Biên giới Việt Nam với xe tăng và đạn pháo hỗ trợ, bắt đầu cuộc chiến biên giới đẫm máu giữa hai nước từng là anh em môi hở răng lạnh. Cuộc chiến kéo dài chưa đầy 30 ngày đã khiến khoảng 100 ngàn thường dân Việt Nam thiệt mạng, nhiều nhà cửa, đường xá bị tàn phá. Trong thời gian chuẩn bị rút quân, Trung Quốc phá hủy một cách có hệ thống toàn bộ các công trình xây dựng, từ nhà dân, bệnh viện hay trường học, cột điện, tại các thị xã thị trấn Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn.   Tổng Chúp- Cao Bằng, là nơi tội ác của bọn Trung cộng xâm lược thực hiện một cách dã man và tàn bạo với đồng bào ta.   Tại nơi này, chúng bắt được một đoàn phụ nữ và trẻ em, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai. Giặc Tàu hãm hiếp rồi dùng gậy, búa bổ củi xiên vào âm hộ, đập chết tất cả 43 người rồi quăng xuống giếng làng. Một cụ già người Tày hơn 80 tuổi, cụ là một nhân chứng đã chứng kiến trực tiếp những tội ác mà lính Trung Quốc gây ra, cụ kể lại:   ... Khi dân làng trở về thì thấy ruồi xanh bay kín miệng giếng. Họ chạy lại thì xác chết la liệt. Tổng cộng 46 người, có 43 người dưới giếng và 3 người bị vứt cách đó mấy mét...   Quân Trung Quốc đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối.   Gần một tháng, quân trung cộng xâm lược Việt Nam đã giết gần 100.000 người dân Việt, số 46 người ở Tổng Chúp bị hành quyết chỉ là con số nhỏ so với 100.000 dân bị giết kiểu như thế, khắp tuyến biến giới Việt - Trung.   Tội ác khủng khiếp đó không ai khác chính là Đặng Tiểu Bình, người từng được hồ chí minh chào đón nồng nhiệt gây ra. Đặng Tiểu Bình (trái) vai bên  vai với Hồ Chí Minh   Một bài học mà lấy đi 100.000 sinh mạng nhân dân Việt Nam, thật khủng khiếp thay.   Mới đây, Tập Cận Bình điện đàm với Nguyễn phú trọng sau lời chúc Tết, Tập đã dạy Nguyễn Phú trọng cách “bảo vệ chủ quyền” là chống lại sự xúi dục từ bên ngoài ở Biển Đông.   Có những bài học trả bằng máu, nhưng hậu thế không rút ra được.   Chơi với dao có ngày đứt tay   Chơi với giặc có ngày chúng xua quân qua đánh là có thật.
......

Cái cúi đầu trước quân xâm lược

Phạm Minh Vũ   1. Ngày 30/9/2018 Đại sứ quán Trung Quốc cùng một số quan chức Việt Nam đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc ở Gia Lâm Hà Nội được truyền thông Trung Quốc tường thuật chi tiết, nói rằng Việt Nam “trân quý” và “vô cùng biết ơn” sự hy sinh của các liệt sĩ nước này trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.   Tại buổi viếng nghĩa trang này, bà Trần Thị Phương, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội nói rằng:   “Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hy sinh của các liệt sĩ Trung Quốc đã hy sinh mạng sống cho độc lập của Việt Nam và tình hữu nghị quý báu giữa hai nước’’   2. Ngày 4-4-2019, Các quan chức Việt Nam vừa cùng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, tham dự một buổi lễ dâng hương tưởng niệm các tử sĩ Trung Quốc tại Việt Nam ở Thái Nguyên.   Tại buổi tưởng niệm này, ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn nói rằng: “Những anh hùng đó đã hy sinh tại Việt Nam để giành độc lập cho đất nước chúng ta, vì hòa bình thế giới. Việc chăm sóc phần mộ của họ là cách mà chúng tôi thể hiện lòng tri ân và kính trọng những gì họ đã làm’’.   Những sự kiện viếng thăm nghĩa trang người Trung quốc đều từ Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức, đây là những hoạt động mà phía TQ muốn nhắc lại rằng Bắc Kinh đã cử hơn 320.000 lính Trung Quốc sang Việt Nam chiến đấu giúp bảo vệ độc lập theo lời cầu viện của đảng cộng sản VN.   3. Hàng năm, vào những ngày tưởng niệm những binh lính trung quốc trên đất Việt Nam được tổ chức rất rầm rộ, như muốn nhắc nhở rằng VN có được hôm nay là nhờ trung quốc góp phần.   Nhưng, trái ngược với những hoạt động ‘’tri ân’’ binh lính TQ đã giúp đảng cộng sản thì những hoạt động tưởng niệm những nạn nhân do chính quân đội TQ gây ra trong trận chiến tranh xâm lược nước ta vào ngày 17-02-1979 như bị xóa mờ.   Người ta sẽ dễ dàng tìm ra các vị liệt sĩ có công chống Pháp, có công chống Mỹ nhưng chẳng ai tìm ra liệt sĩ nào có công chống trung quốc   Bằng cách nào đó, thế lực nào đó có thể đục bỏ chữ ‘’Quân trung quốc’’ trên tấm bia ghi danh nơi diễn ra trận đánh oai hùng của Sư đoàn 337 chặn đánh quân đội trung quốc trên đường tiến công xâm lược nước ta.   Hỏi thế hệ trẻ ngày nay ngày 17-02 năm 1979 là ngày gì thì chẳng mấy ai được biết. Nguyên nhân là do đảng cộng sản VN, các đời tổng bí thư nhất là Nguyễn phú trọng muốn xóa bỏ, muốn đục bỏ một giai đoạn lịch sử tàn khóc đó, khong muốn thế hệ sau có thái độ thù hận với quân bành trướng Bắc kinh. Như cách họ đục bỏ tấm bia có ghi chữ ‘’quân trung quốc’’ vậy. Một sự thật thật oái ăm, một cuộc bể dâu nhắc tới mà không ai không đau đớn lòng.   Lịch sử muốn chối bỏ một giai đoạn đau thương là thế, vậy mà Giáo sư Sử học Phạm Hồng Tung, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trả lời một cuộc phỏng vấn trong năm 2019 nói rằng: Tôi nghĩ cuộc chiến tranh năm 1979 đã lùi xa 40 năm. Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước.   Sử của Việt Nam mà giáo sư sử học VN lại yêu cầu người TQ vào viết sử, rồi lại lên giọng dạy người dân là phải "Cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” … không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục." Một sự hồ đồ đến ‘’ngáo trung’’ đến kinh tởm của một vị giáo sư sử học.   Người viết sách sử mà quỳ lạy trung quốc đến như thế, thì làm sao thế hệ trẻ hôm nay họ biết về cuộc chiến đẫm máu năm 1979 ấy?   Bà Trần Thị Phương, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội hay ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn- Thái Nguyên, hay giáo sư Phạm Hồng Tung đã cúi rạp đầu trước quân đội Trung quốc, có từng lên Tổng Chúp Cao Bằng để nghe kể lại sự kiện lính TQ, lính mà trước đó các ông các bà nói ‘’VN mang ơn họ’’ đã gây ra tội ác với đồng bào ta ở đó như thế nào chưa? Có từng cúi đầu trước những vong linh người đã khuất do chính quân đội TQ gây ra chưa?   4. Tôi có một số bạn học báo chí ra và đã làm một số cơ quan báo chí có tiếng ở nhà nước, được cử sang TQ du học hay nâng cao nghiệp vụ báo chí, nói là du học thực chất là bồi dưỡng tư tưởng thì đúng hơn, khi sự kiện quốc hội VN bỏ phiếu thông qua luật đặc khu thì bị nhân dân phản đối, bạn tôi nói rằng nếu để TQ thuê thì càng, và nếu TQ lấy đất của VN thì càng tốt hơn.   Tôi thật sự kinh hoàng vì một thế hệ trẻ như tôi, ngày xưa từng trao đổi và có thái độ ghét trung quôc bao nhiêu, không hiểu sao khi đi TQ học về thì lại có thái độ như muốn sát nhập vào TQ.   Tôi kinh hoàng hơn, khi biết được hàng năm không biết bao nhiêu lớp học do phía TQ đào tạo chính cán bộ VN, từ cấp Tỉnh trở lên trung ương đều đi sang TQ học, và tôi biết đó là ‘’điểm cộng’’ cho những ai muốn thăng tiến trên quan lộ. Tôi đang đặt câu hỏi những lớp học do TQ tổ chức và VN cử cán bộ sang đi đào tạo đều có thái độ phục tàu như vậy không? Nếu như vậy thì thật sự là mối nguy.   Nhưng, dù có hay không điều đó chưa thấy được, chỉ thấy ngay trước mắt các quan chức VN quỵ rụp đầu trước quan chức Bắc kinh mỗi khi thăm gặp, nó biểu lộ rõ qua cái cách cúi đầu khen trà tàu ngon hơn trà Việt do tổng bí thư Nguyễn phú trọng nói ra.   Lịch sử ngàn năm cho thấy, Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp của Dân tộc VN, cái cúi đầu trước quân xâm lược nó cho ta thấy cái hèn cái nhục lẫn cái uất ức vô cùng ở trong đó. Nó còn thể hiện rõ hạ mình trước quân giặc đích thị là những bè lũ phản quốc.   Đó là những cái cúi đầu nhận giặc làm cha!  
......

Mặt nạ, mặt mo và nơi khai sinh virus Corona?

Nguyen Khan Khi tổ chức y tế thế giới WHO đến Bắc Kinh tìm hiểu, công bố không có dấu hiệu virus cúm Tàu lây từ người qua người, chỉ trích các nước cấm cửa nhân dân TC (Trung Cộng) là hành xử thái quá, là phân biệt đối xử... Liền sau đó ông Tập Cận Bình ra lệnh phong tỏa tuyệt đối thành phố Vũ Hán, nội bất xuất ngoại bất nhập để ngăn virus corona lan rộng, làm mặt nạ WHO rớt xuống thành Mặt Mo. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên án TC giấu dịch làm cộng đồng quốc tế mất hai tuần lễ vàng là thời gian tối cần để ngăn dịch hiệu quả, khiến dịch "bung toang" nhiều nơi trên thế giới. TC cãi chày cãi cối rằng TC minh bạch không giấu giếm, rất trách nhiệm, tích cực giúp các nước chống dịch, để "bung toang" là do không học cách dập dịch của TC. Liền sau đó lộ chuyện TC đàn áp, bắt giữ, phạt vạ, bịt miệng, buộc bác sĩ Lý Văn Lượng và một số đồng nghiệp của ông rút lại những stt trên mạng xã hội mà nhóm bác sĩ này đã viết để cảnh báo mọi người về một đại dịch mới do một loài virus lây nhiễm nguy hiểm tựa virus corona gây bệnh SARS. Cái mặt nạ gian xạo của Tập Cận Bình rớt xuống thành cái Mặt Mo. Khi đại dịch lan tràn nhiều nước trên thế giới, WHO khăn khăn dịch cúm Tàu chỉ đe dọa khu vực, chưa đe dọa các nước khác nên WHO không thể công bố dịch trên toàn cầu. Liền sau đó Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Italy bung toang... WHO lật đật công bố dịch thì đã quá trễ, cái mặt nạ của WHO rơi xuống lần nữa, Mặt Mo dày lên gấp đôi. Bắc Kinh cho phép WHO và các nhà khoa học trên thế giới đến TC nghiên cứu virus cúm Tàu. Khi phái đoàn đến, được giới chức TC đưa đến một địa phương an toàn ở Quảng Đông để nghe TC khoe mẽ thành tích chống dịch của mình. Các nhà khoa học hụt hẫng vì cơm đùm cơm dở đi nghiên cứu virus cúm Tàu, hóa ra đến TC chỉ để xem Tập Cận Bình diễn kịch, đành lủi thủi ra về không kèn không trống, chỉ duy nhất một quan chức cao cấp của WHO được đến Vũ Hán. Song khi quan chức này từ Vũ Hán bay về Bắc Kinh, chuẩn bị lên phi cơ rời TC, bị các nhà báo chất vấn, quan chức này đành nói thật là chỉ đến cơ quan phòng chống dịch và một vài bệnh viện an toàn tại Vũ Hán. Nghĩa là lãnh đạo cao cấp của WHO cũng chỉ đi xem kịch. Cái mặt nạ của WHO và TC bị rớt lần nữa Mặt mo càng thêm dày. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus cúm Tàu là Chinese's virus, không chấp nhận WHO lấp liếm giúp TC bằng cái tên COVID 19 chẳng ăn nhập gì đến cúm Vũ Hán. Bởi WHO đã từng gọi cúm Tây Ban Nha, viêm não Nhật Bản hay dịch tả lợn Châu Phi... Khi ấy Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Châu Phi có phản ứng gì đâu, thì việc gì không gọi cúm Tàu ? Việc gì khi nghe Ông Trump gọi Chinese's Virus thì TC giãy nảy như đỉa phải vôi ? TC phản ứng quyết liệt, phản đối cách gọi tên virus của Ông Trump, cho là kỳ thị chủng tộc, rằng virus cúm Tàu có thể khởi phát ở Mỹ hay ở Ý. Liền sau đó rộ tin TC không chỉ xóa dấu vết chợ bán động vật hoang dã Vũ Hán là nơi TC cho là ca nhiễm F(0) nhiễm virus corona từ động vật được bày bán ở chợ này, đồng thời xóa hết hồ sơ y tế những ca nhiễm tiên khởi mà nhóm khoa học gia đầu tiên của TC dựa vào dó để nghiên cứu và kết luận F(0) không liên quan gì đến chợ bán động vật hoang dã mà có thể lây nhiễm từ con dơi trong cơ quan quản lý động vật hoang dã cách chợ vài km. TC cũng cấm các nhà khoa học TC nghiên cứu F(0), không cho bất cứ nhà khoa học nào trên thế giới, kể cả WHO, dến Vũ Hán nghiên cứu F(0), cùng với tin rò rỉ virus cúm Tàu có thể xỗng chuồng từ viện Nghiên cứu virus P4 Vũ Hán cách chợ bán động vật hoang dã Vũ Hán 30 dặm... Phản ứng thái quá và khác thường của TC trước những chứng cứ không thể chối cãi chẳng khác gì lạy ông tôi ở bụi này, mặt nạ TC rớt xuống, Mặt mo dày thêm một khúc. Và mới đây, WHO lại đến Vũ Hán điều tra F(0) khi mọi dấu vết đã bị xóa sạch, cứt trâu để lâu đã hóa bùn... Khiến một cặp mặt mo dày hơn tấm thớt chặt xương là WHO và TC phối hợp công bố ngô nghê như người từ cõi trên mới xuống, rằng không tìm thấy dấu vết F(0) tại TC, nghĩa là không tìm thấy giấy khai sinh virus corona tại nước này./.  
......

Dưới hàng cờ đảng vinh quang- Dân lầm than!

Phạm Minh Vũ     Hôm qua ngày 8, Nguyễn phú trọng đã điện đàm với người thầy của mình là Tập để chúc mừng Tết cổ truyền.   Ngày 1-02 sau khi kết thúc đại hội đảng, ông trọng được mệnh danh là sĩ phu Bắc Kinh tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ tổng bí thư lần thứ 3, vi phạm điều lệ đảng và sức khỏe hầu như không còn. Người cận kề thành thiên cổ, nhưng ông trọng vẫn cố bám víu cho thoả chí tham lam.   Những năm khi ông trọng lên nắm quyền, hầu như ông ta như một kẻ thừa thải giữa dân tộc. Là con rối cho Bắc kinh sai khiến, Tập muốn thâu tóm đất cho danh chính ngôn thuận thì ông trọng xây dựng dự luật đặc khu, tập muốn xâm lược Việt Nam khi đem giàn khoan HD981 cùng tàu chiến sang thì trọng kêu “nếu có xung đột trên biển làm sao tổ chức đại hội đảng”. Nhưng, khi người dân đóng góp ý kiến góp ý xây dựng đất nước thì ông trọng kêu “phải đấu tranh không khoan nhượng với phần tử cơ hội, phản động”, quả thật nói ông trọng hèn với giặc ác với dân quả không sai.   Lúc khai mạc hội nghị Tw 15, ông trọng khoe thành tích Việt Nam dập dịch thành công, là ý chí toàn đảng, là đảng quang vinh.   Nhưng, bắt đầu trưa nay, Thành hồ được lệnh giãn cách, cấm tụ tập đông người, Quảng Ninh Hải Dương thì nội bất xuất ngoại bất nhập. Và nhiều địa phương khác hầu như đang lo sốt vó vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hải Dương có huyện phải chặt bỏ Đào vì không bán được. Có nơi dân không bán lay- ơn phải cho bò ăn, đau lòng hơn người dân phải ăn chuột trên rừng vì không còn gì ăn.   Và thành hồ hôm nay có lệnh giãn cách đồng nghĩa với việc nông sản, cây, hoa màu mà nông dân ngày đêm chăm bón cả mấy tháng mong gỡ gạc một chút, công sức đó đã bị tan thành mây khói.   Dịch khó khăn là thế, nhưng ông trọng gọi là lãnh đạo, ăn cơm của dân mà có đoái nhìn thấu những hoàn cảnh cơ cực trong mùa Tết này không? Tổ chức đại hội xong ông trọng đã đưa quyết sách gì mang lại lợi ích cho Nhân dân? Hay đại hội xong ông mặc kệ dân ngập chìm trong khốn khổ, trong nợ nần và âu lo vì rồi đây không biết sống ra sao khi nợ chồng nợ.   Ông trọng miệng vẫn nói vinh quang, nhưng nhìn hàng quất của dân đổ sụp trước cơ quan công quyền sừng sững, đổ sụp dưới hàng cờ đảng sao mà nhói đau đến thế, dân chỉ lầm than.   Dù chính phủ ông trọng, đảng ông trọng giỏi tới đâu đi chăng nữa mà để dân lầm than, bao cảnh đau thương như thế thì tất cả chỉ là... ba xạo!   Ngày mai, Dân đón tết nước mắt thay men rượu, đống nợ nần thay cho bánh chưng xanh.
......

Về việc Trung Quốc đặt tên lửa gần Việt Nam

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân| Ngày 3 tháng Hai, 2021, trang Đại Ký Sự Biển Đông đã đăng bản tin: “Ảnh vệ tinh phân tích cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không (Surface to Air Missile – SAM) đang được hoàn tất cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, cách một công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng khoảng 40 km.” Được biết hai vị trí quân sự này nằm tại huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Một ngày sau trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao, khi được hỏi phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội về nguồn tin này, phát ngôn viên Thu Hằng đã trả lời: “Chúng tôi sẽ xác minh thông tin của phóng viên hỏi.” Lối trả lời theo kiểu con vẹt câu giờ như thế đúng là chuyện tiếu lâm. Bởi vì theo các nguồn tin “tình báo” và hình ảnh vệ tinh mà trang ĐKSBĐ có được, các căn cứ này được xây dựng từ tháng Sáu, 2019, cách đây gần 2 năm. Tức là những chuyện quan trọng như thế này Bộ Ngoại Giao không thể không biết; hơn nữa tổ chức loan đi bản tin đầu tiên này do một nhân vật thuộc Bộ Ngoại Giao đứng đầu. Thế nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao lại không biết và nói cần phải xác minh… về một chuyện diễn ra ở sát nách mình. Nhà cầm quyền CSVN rõ ràng có một hệ thống biên phòng và Bộ Quốc Phòng không thể không có hệ thống thu lượm tin tức tình báo để bảo vệ đất nước. Họ không thể nói không biết gì, hoặc nói khác đi, biết nhưng muốn dấu vì sợ sứt mẻ cái gọi là “tình hữu nghị.” Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với đảng CSVN những gì dính líu tới Trung Quốc thì chỉ đạo của đảng phải im lặng hoặc làm ngơ vẫn là vàng. Chính phủ chỉ mở miệng khi người dân hay giới hoạt động có phản ứng mạnh mẽ, dồn chế độ vào thế chẳng đặng đừng, nghĩa là phải lên tiếng cho có mà thôi. Ngay cả mới đây khi Luật Hải Cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai, cho phép tàu Trung Quốc sử dụng vũ khí bảo vệ chủ quyền trên biển thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao cũng chỉ phản ứng chiếu lệ bằng thứ ngôn ngữ vô hồn “đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong khi ban hành luật biển.” Đó cũng là phản ứng đáng hổ thẹn của chính phủ Việt Nam mà người ta có thể biết trước mỗi khi chủ quyền của đất nước bị Trung Quốc xâm phạm qua những hành động ngang ngược trên Biển Đông. So với Indonesia, quốc gia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng trước sự đe doạ trắng trợn của Trung Quốc, chỉ huy Cơ quan An Ninh Hàng Hải Indonesia Phó Đô Đốc Kurnia đã cảnh báo trước Quốc Hội Indonesia:  “Trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông và xem xét phản ứng của các nước lớn có lợi ích trong khu vực về luật hải cảnh mới, nguy cơ xung đột có thể xảy ra.” Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là tại sao Trung Quốc lại đặt hoả tiễn phòng không sát nách Việt Nam? Có 3 điều đáng nói chung quanh sự kiện này: Thứ nhất, hành động của Trung Quốc bố trí hoả tiễn sát biên giới Việt Nam chỉ cách 20 km không gì ngoài ý nghĩa “răn đe” lãnh đạo đảng CSVN. Trò răn đe là một trong 3 thủ thuật của bá quyền Trung Quốc đối với Việt Nam: dụ dỗ – mua chuộc và răn đe. Trước đây năm 1999, sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Giang Trạch Dân đề ra phương châm 16 chữ vàng “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện” để dụ Cộng Sản Việt Nam. Sau hơn 20 năm Trung Quốc đã hoàn toàn lộ mặt là kẻ bá quyền lừa đảo chính trị nên chiêu này đã hết thời. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đã mở rộng cửa thị trường cho Việt Nam giao thương buôn bán. Vậy Trung Quốc ngày nay chỉ còn chiêu sau cùng là công khai răn đe nước láng giềng yếu hơn mình. Thứ hai, Trung Quốc đi theo con đường cũ từ ngàn năm trước là chuẩn bị chiến tranh. Với luật hải cảnh mới cho phép dùng vũ khí bắn vào người và tàu nước ngoài, mà nhiều phần là của Việt Nam và Philippines, thì thế nào cũng có đụng độ trên Biển Đông. Nếu xung đột bùng nổ dù lớn hay nhỏ cũng tạo ra tình trạng chiến tranh trên Biển Đông. Lúc ấy lực lượng trên biển của Trung Quốc có thể bị hạm đội Mỹ khống chế, viện dẫn luật bảo vệ đồng minh Philippines. Trung Quốc sẽ dùng những dàn hoả tiễn ở Quảng Tây để hăm he, kềm chế nếu Việt Nam dựa vào Mỹ để phản công lại. Thứ ba, trong thế đối đầu với Mỹ hiện nay Trung Quốc đánh giá tình hình sẽ rất nghiêm trọng dưới thời Tổng Thống Biden. Hai vùng biển Hoa Nam và Biển Đông thế nào cũng xảy ra đụng độ giữa các hải đội tàu chiến của Hoa Kỳ và Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng. Đó là xu thế tất yếu, vì chiến tranh không có định lý như toán học, nhưng an ninh thế giới đôi khi phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế vượt mức và sự tìm kiếm thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Trên bản đồ Biển Đông, Việt Nam là một mắc xích dính liền trong chiến lược bao vây Trung Quốc từ vùng Đông Bắc Á xuống phía Nam. Do đó, răn đe Việt Nam bằng vũ lực là biệp pháp hữu hiệu nhất khiến Hà Nội không dám ngả theo Mỹ gây bất lợi cho Trung Quốc. Nói tóm lại giàn hoả tiễn SAM của Trung Quốc đặt cách Việt Nam 20 km mà Bộ Ngoại Giao Hà Nội hoàn toàn không biết và tránh né bằng cách trả lời là “sẽ kiểm chứng” khi bị hỏi, cho thấy là có sự che giấu giữa bộ máy tình báo và ngoại giao về những liên hệ phức tạp với phương Bắc trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN. Phạm Nhật Bình  
......

Mối nguy của chủ nghĩa đại hán và vấn đề Việt Nam

Đỗ Ngà| Hiện nay dân số Trung Quốc trên 1,4 tỷ người nhưng hết 92% trong đó là người Hán. Số lượng người Hán chiếm áp đảo hôm nay nó có nguồn gốc lịch sử hơn bốn ngàn năm đi xâm chiếm, diệt chủng và đồng hóa. Chuyện đồng hóa là chuyện dài nhiều tập: họ xóa ngôn ngữ bằng nền giáo dục của người Hán; xóa văn hóa ngoại tộc bằng cách áp đặt cưỡng bức văn hóa người Hán, họ cho người Hán kết hôn với ngoại tộc rồi xóa nguồn gốc họ tên của tộc khác vv… Như vậy trong 92% người Hán ấy có phần không nhỏ là người thuộc dân tộc khác bị đồng hóa và giờ họ ngỡ mình là người Hán. Chủ nghĩa Đại Hán trong Tiếng Anh người ta dùng từ “Han Chauvinsm”, tức nó là một dạng Chủ Nghĩa Sô -Vanh (Chauvinism). Mà chủ nghĩa Sô – Vanh là gì? Nó là một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đề cao dân tộc nước lớn, bài ngoại, tự cho dân tộc mình là dân tộc siêu đẳng có sứ mệnh lãnh đạo các dân tộc khác. Từ chủ nghĩa Sô – Vanh nó xuất phát từ thời Napoléon Bonaparte, tuy nhiên về bản chất thì thứ chủ nghĩa nguy hiểm này nó bắt nguồn từ nước Tàu hơn 2 ngàn năm trước. Như vậy dân tộc Hán lớn mạnh không có nghĩa là bởi người Hán sinh sôi nảy nở trở nên đông đúc dần lên mà nó được bổ sung bởi người của tộc khác bằng Chủ Nghĩa Đại Hán. Lịch sử cho thấy, người Mông cổ đã xâm chiếm và cai trị Trung Quốc thời nhà Nguyên, cuối cùng Mông Cổ mất phần Nội Mông trù phú về tay người Hán, người Mãn Châu xâm chiếm và cai trị Trung Quốc thời nhà Thanh và cuối cùng người Mãn đã mất nước và vùng Nội Mãn Châu về tay người Hán (vùng Ngoại Mãn Châu thuộc Nga). Cả vùng Nội Mông và Nội Mãn phần lớn đã bị đồng hóa thành người Hán. Chuyện Nội Mông và Nội Mãn Châu đã là chuyện quá khứ, hiện nay chuyện người Tạng và người Uyghurs đang xảy ra. Với người Tạng và người Uyghurs thì việc xâm chiến đã xong, nghĩa là bước đầu đã xong và hiện nay Trung Cộng đang thực hiện 2 bước tiếp theo, đó là diệt chủng và đồng hóa. Quá trình này nó xảy ra phải cả trăm năm mới biến hầu hết người Tạng và Uyghurs thành người Hán được, đó là quá trình lâu dài. Chính vì vậy dân Việt dứt khoát không chấp nhận cho Tàu thuê đặc khu 99 năm là rất sáng suốt. Ngày trước họ diệt chủng bằng cách “giết”, nhưng ngày này với khoa học đã tiến bộ họ không cần phải vấy máu như vậy. Ngày nay chính quyền của người Hán tại các vùng đó họ cho lùa phụ nữ vào trại tập trung rồi tiêm thuốc cho triệt sản, còn những con nhỏ họ cho lẻ bầy để giáo dục đồng hóa làm mất gốc biến những em bé người Uyghurs ấy thành người Hán sau này. Cứ như vậy qua từng thế hệ tộc người Uyghurs sẽ bị teo tóp và khi số lượng người Uyghurs trở nên quá ít và vô hại, thì nghiễm nhiên họ trở thành “dân tộc thiểu số” và tồn tại bên cạnh những dân tộc thiểu số vô hại khác. Qua lịch sử trăm năm, ngàn năm thì Chủ Nghĩa Đại Hán nó sẽ xóa dần những dân tộc khác. Đặc biệt những dân tộc nào gần Tàu thì phải cẩn thận. Để hóa giải Chủ Nghĩa Đại Hán thì chỉ có tư tưởng tự do dân chủ kèm với nền giáo dục khai phóng. Hồng Kông là một ví dụ, vùng đất này vốn là vùng đất của người Hán, tuy nhiên qua trăm năm thuộc địa Anh, tính hẹp hòi của chủ nghĩa Đại Hán nó đã mờ nhạt đi rất nhiều. Thay vì tôn sùng Chủ Nghĩa Đại Hán người Hồng Kông họ chấp nhận Chủ Nghĩa Đa Văn Hóa, thay vì hẹp hòi thì giờ họ trở nên cởi mở hơn. Rất nhiều người Hồng Kông giờ đây đã trở thành công dân toàn cầu, rất tiến bộ. Với Việt Nam thì cũng rõ, dân tộc này không ưa Tàu từ nhiều ngàn năm qua và nay vẫn thế. Đó là một đặc tính mà từ đó có thể giải thích tại sao dân tộc này vẫn có độc lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc và hiện hay họ vẫn còn làm chủ một quốc gia của riêng mình. Tuy nhiên dưới thời CS thì khác, chính CS đã đặt ý thức hệ lên quá cao nên họ đang đưa dân tộc Việt Nam tiến gần với Tàu hơn, đó là một điều không tốt. Để an toàn, đất nước này cần một nền chính trị khác để làm sao cho dân Việt có được tư tưởng giống như dân Hồng Kông bây giờ thì sự an toàn trước ông Đại Hán sẽ được nâng lên. Tuy nhiên vấn đề dân chủ cho Việt Nam hiện nay là rất khó vì người Việt vẫn đang có tư tưởng trông cậy vào thế lực khác đánh Tàu thay mình, trong khi đó Tàu đang trổi dậy và nó vượt mặt Mỹ chỉ là thời gian. Hiện nay nền kinh tế Tàu đang lên và có thể nó soán ngôi vị trí số một của Mỹ trong một thập kỷ nữa. Mà khi kinh tế vượt thì quân sự vượt Mỹ cũng là vấn đề thời gian. Đó là viễn cảnh khó đảo ngược. Tuy nhiên, hiện nay Tàu đang bành trướng bằng thứ Chủ Nghĩa Đại Hán ích kỷ thì nó chỉ có thể gây sự chống đối của các dân tộc khác mà thôi. Dù lớn mạnh thế nào thì Tàu sẽ mãi không có sức mạnh mềm như Mỹ được. Ngã về Mỹ nhưng vẫn làm ăn với Tàu như đối tác chứ không được quá gần gũi quá mức bằng quan hệ “anh em” như hiện nay. Vì vậy ĐCS rất cần phải cởi mở chính trị, đó mới là bước đi bền vững cho đất nước và cho cả ĐCS nữa. Tuy nhiên để ĐCS cởi mở chính trị thì có thể nói… còn khó hơn lên trời hái sao./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.bbc.com/vietnamese/world-55976596  
......

Xuất khẩu sản phẩm chính trị và con đường bành trướng của tàu cộng

Đỗ Ngà| Hiện nay Trung Cộng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, tuy nhiên đó chỉ là xuất khẩu những mặt hàng trong lĩnh vực kinh tế. Đã từ lâu nước Mỹ không còn là quốc gia xuất khẩu hàng hóa kinh tế nữa vậy mà đất nước này vẫn là cường quốc số 1 thế giới đã 3/4 thế kỷ rồi. Thực chất, nước Mỹ xuất khẩu mặt hàng vô cùng lợi hại, đó chính là “dân chủ” và “nhân quyền”. Chính sản phẩm này nó đã làm nên làn sóng tự diễn biến trong lòng ĐCS Liên Xô và các ĐCS khác ở Đông Âu, và từ đó khối này tự đổ và kết thúc chiến tranh lạnh. Mặt hàng “dân chủ”, “nhân quyền”vv… đó là sản phẩm chính trị chứ không phải sản phẩm kinh tế. Thế giới ngày nay phải cảm ơn Mỹ vì đã xuất những sản phẩm này, vì nó đã tạo ra những xã hội văn minh hơn tại các nước Đông Âu. Tuy nhiên dưới con mắt của các chính quyền độc tài CS còn sót lại, thì họ rất sợ vì nó đe dọa sự tồn vong của họ. Chính vì vậy mà chính quyền CS Việt Nam luôn tìm mọi cách để loại bỏ hiện tượng “tự diễn biến” trong giới đảng viên với những cảnh giác cao độ. Hậu Chiến tranh lạnh, Tàu nổi lên thành cường quốc thứ nhì thế giới. Nếu họ chỉ tập trung xuất khẩu các mặt hàng kinh tế thì chắc chắn họ sẽ không có cơ hội để mà soán ngôi Mỹ được. Họ thừa hiểu điều đó. Trên thế giới, bao nhiêu nước xuất siêu lớn trong nhiều thập kỷ như Nhật, Đức vv… có nước nào soán ngôi được Mỹ đâu? Nền kinh tế Mỹ năm nào cũng nhập siêu khủng nhưng Mỹ vẫn cứ sừng sững ở vị trí siêu cường quốc số 1 thế giới, thế mới lạ chứ. Nếu Trung Cộng tìm kiếm vai trò bá chủ của mình bằng con đường thuần về kinh tế thì chắc là đến Tết Congo họ cũng không thành công. Vì vậy, Bắc Kinh phải làm cách khác và họ nhận ra điều đó. Họ cũng đã bắt chước nước Mỹ xuất khẩu sản phẩm chính trị và họ đang xem nó là công cụ để bành trướng tầm ảnh hưởng. Vậy câu hỏi đặt ra là, Tàu sẽ xuất cảng sản phẩm nào? Một sản phẩm nào đó mà nó phải đóng vai trò khắc chế sản phẩm “dân chủ” và “nhân quyền” của Mỹ. Họ thừa hiểu nếu chế độ độc tài bị ngâm lâu trong cái bể chứa “dân chủ” và “nhân quyền” thì thế nào đôi chân chế độ sẽ bị mục rữa và chế độ sẽ ngã đổ. Như vậy sản phẩm của Tàu Cộng sẽ là thứ vừa loại bỏ vừa kìm hãm không “dân chủ” và “nhân quyền” phát triển. Mua chuộc độc tài bằng tiền bẩn, dùng cách cho vay bẫy nợ, liên kết với những nhà độc tài bằng các dự án béo bở vv.. đó là những thủ đoạn khiến những nhà độc tài ngã về Tàu, và sau đó là hỗ trợ nhà độc tài bằng hoạt động tình báo để đưa nhà độc tài lên nắm quyền. Tuy nhiên nếu không xuất khẩu phương pháp nào mà có thể vừa kiểm soát vừa triệt tiêu được sức mạnh toàn dân thì những chế độ độc tài đó không sớm thì muộn cũng đổ. Chế độ độc tài không bền vững thì những khoản đầu tư lớn của Trung Cộng tất sẽ bị mất trắng. Vì vậy khi xuất khẩu sản phẩm chính trị, Tàu Cộng phải xuất khẩu trọn bộ. Trong 10 ngành mũi nhọn mà Tập đặt ra để đưa nền kinh tế Tàu bứt phá thì ngành Công nghệ thông tin được xếp ở vị trí số 1. Trí tuệ nhân tạo – AI là một mảng trong công nghệ thông tin được Trung Cộng đầu tư và bây giờ công nghệ AI Tàu đã ngang tầm với Mỹ. Tuy nhiên dụng ý việc ứng dụng của trí tuệ nhân tạo của ĐCS Tàu là hoàn toàn bất chính. Nhờ AI tiến bộ, chính quyền Tàu Cộng đã có công cụ kiểm soát từng hành động của toàn dân và từ đó giúp ngành công an triệt phong trào dân chủ từ trong trứng nước. Đi kèm với ứng dụng AI trong việc kiểm soát toàn dân thì Luật An Ninh Mạng phiên bản Tàu cũng ra đời. Ngày 7/11/2016 Trung Cộng đã thông qua Luật An Ninh Mạng và ngày 1/6/2017 thì luật này có hiệu lực. Sau đó 1 năm, tức năm 2018 Trung Cộng cho 170 triệu camera nhận diện khuôn mặt trên toàn quốc. Đến năm 2020 số lượng được nâng lên đến 600 triệu Camera, tính ra khoảng 2 người là có 1 camera theo dõi. Bộ sản phẩm “Luật An Ninh Mạng + Lắp camera thông minh theo dõi toàn dân” sau đó không lâu Trung Cộng xuất khẩu sang Việt Nam. Được biết ngày 12/6/2018, Quốc hội CS Việt Nam đã thông qua luật An Ninh Mạng và ngày 1/1/2019 thì có hiệu lực. Và năm 2019 chính quyền CS Sài Gòn đã cho lắp 10.000 Camera giám sát công dân như là một giải pháp thực hiện từng bước. Nếu ổn thì thế nào số lượng và chất lượng camera sẽ được nâng lên sau đó. Chính sách của tàu khi xuất khẩu sang Việt Nam bao giờ nó cũng có độ trễ từ 2 đến 5 năm. Với Việt Nam, Trung Cộng đã xuất khẩu hầu hết các sảm phẩm chính trị của nó để giúp ĐCS nước này kiểm soát hoàn toàn 100 triệu dân Việt. Và thực tế với những đạo luật nhập khẩu, những chính sách nhập khẩu, những thủ đoạn nhập khẩu, và cả những công nghệ kiểm soát nhập khẩu ấy, ĐCS Việt Nam đã giúp Trung Cộng kiểm soát 100 triệu dân Việt. Và tất nhiên “tiền công” mà ĐCS Việt Nam sẽ thanh toán cho phía Tàu là một nước Việt Nam hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Tàu Cộng. Người đang chịu trách nhiệm thanh toán “tiền công” ấy cho quan thầy không ai khác chính là Nguyễn Phú Trọng. Việt Nam là hình mẫu, Trung Cộng sẽ nhân rộng nó ra ở các nước độc tài khác. Bước một, Bắc Kinh đưa chế độ độc tài thân Tàu lên nắm quyền. Tiếp theo là họ sẽ xuất khẩu những sản phẩm chính trị “made in China” để giúp các nhà độc tài đó kiểm soát toàn dân nước họ và loại trừ mầm móng dân chủ. Và cứ như thế, Tàu sẽ xây dựng sức mạnh của nó ra khắp thế giới để thách thức vị trí số 1 của Mỹ./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.ispionline.it/…/us-china-competition-trade… https://www.businessinsider.com/how-china-uses-facial… https://ictnews.vietnamnet.vn/…/tp-hcm-se-lap-10-000…  
......

Hãy nói với Tập Cận Bình chúng ta phản đối Luật hải cảnh

  Việt Tân   Việc Trung Quốc ra lệnh dùng vũ lực trên Biển Đông qua Luật Hải Cảnh là mối đe dọa đến đời sống và sinh mệnh ngư dân Việt Nam. Chúng ta hãy đồng loạt phản đối bằng cách gọi các Đại Sứ Quán Trung Cộng khắp nơi, với thông điệp gởi Tập Cận Bình: CHÚNG TÔI PHẢN ĐỐI LUẬT HẢI CẢNH VÀ SẼ KHÔNG NGỪNG ĐẾN KHI LUẬT NÀY ĐƯỢC THU HỒI!   We condemn the Coast Guard Law and demand Communist China to stop violating Vietnamese sovereignty! Đây chỉ là gợi ý, bạn hãy phản đối theo cách riêng của mình. Nếu ghi âm lại cuộc gọi để chia sẻ thì rất tốt, hoặc bạn có thể gởi ad để phổ biến. Sau đây là các số điện thoại của Sứ Quán Trung Quốc tại một số quốc gia: Chinese Embassy in Viet Nam Số 46, Đường Hoàng Diệu, Hà Nội Tel: +844-38453736 Fax: +844-38232826 E-mail address: chinaemb_vn@mfa.gov.cn Lãnh sứ quán: Số 175 Đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn Tel: +848-38292457 Fax: +848-38295009 E-mail: chinaconsul_hcm_vn@mfa.gov.cn Chinese Embassy in America 3505, International Place, N.W., Washington D.C. 20008 Tel: +1-202-4952266 Fax: +1-202-3282582 E-mail: WEBMASTER@CHINA-EMBASSY.ORG Consular Office: New York 520 12th Avenue Tel: +1-212-2449456, +1-212-2449392 Administrative Office: 9008, 9006 Fax: 001-212-5020258 E-mail: cnnyconsulate@gmail.com San Francisco 1450 Laguna St. Tel: +1-415-852-5900 E-mail: chinaconsul_san_us@mfa.gov.cn Los Angeles 443 Shatto Place Tel: +1-213-8078088, 8078011 Fax: +1-213-8078091 Chinese Embassy in Australia 15, Coronation Drive, Yarralumla, A.C.T. 2600, Canberra, Australia Tel: +61-2-62283999 Fax: +61-2-62283836 E-mail: chinaemb_au@mfa.gov.cn Chinese Embassy in Belgium 443-445 Ave. de Tervuren, 1150 Woluwe Saint-Pierre Tel: +32-27712038 Fax: +32-27792895 E-mail: chinaemb_bel@mfa.gov.cn Chinese Embassy in Canada 515 St. Patrick Street, Ottawa, Ontario, K1N 5H3 Tel: +1-613-7893434/7910511 Fax: +1-613-7891911/7891414 E-mail: chinaemb_ca@mfa.gov.cn Chinese Embassy in Denmark Oeregaards Alle 25, 2900 Hellerup Copenhagen Tel: +45-39460889, 39460890 Administrative Office:39460875, 39625484(fax) Fax: +45-39625484 E-mail: mail@chinaembassy.dk Chinese Embassy in France 20, Rue Monsieur, 75007 Paris Tel: +33-1-49521950 Fax: +33-1-47202422 E-mail: chinaemb_fr@mfa.gov.cn Consular Office: 20, Rue Washington, 75008 Paris Tel: +33-1-47367790 Fax: +33-1-47363446 Chinese Embassy in Germany Markisches Ufer 54, 10179 Berlin Tel: +49-30-27588-0 Fax: +49 30-27588221 Political Office: (030)27588203 Press Office: (030)27588234 E-mail: de@mofcom.gov.cn E-mail: jyct-dg@yahoo.de Chinese Embassy in Japan 3-4-33 Moto-Azabu, Minato-Ku, Tokyo Postal code:106-0046 Tel: +81-3-34033388 Fax: +81-3-34033345 +81-3-34035447 (consul office) E-mail: lsb@china-embassy.or.jp Chinese Embassy in the Netherlands Willem Lodewijklaan 10 2517 JT, the Hague Tel:+70-3065099, 651335779, 613664691 Fax: +70-3551651 E-mail: chinaemb_nl@mfa.gov.cn Chinese Embassy in New Zealand NO. 2-6 Glenmore Street, Wellington, New Zealand Tel: +64-4-4721382 Fax: +64-4-4990419 E-Mail: info@chinaembassy.org.nz Chinese Embassy in Norway Tuengen Alle 2B, Vinderen 0244, Oslo, Norway Consular Affairs: +47 22148908,22920677 (fax) Commercial Office: +47 22449638,22447230 (fax) E-mail: webmaster@chinese-embassy.no Chinese Embassy in Switzerland Kalcheggweg 10, 3006 Bern Tel: +4131-3527333 Fax: +4131-3514573 E-mail: CHINA-EMBASSY@BLUEWIN.CH Chinese Embassy in the United Kingdom 49-51 Portland Place, London W1B 1JL Tel: +44-20-72994049, 0797 0292561 (24 hours) Fax: +44-20-76362981,76365578 Political Office: 72994037 E-mail: chinaemb_uk@mfa.gov.cn
......

Thư con trai gửi Ngoại trưởng Micheal Pompeo

  Le Anh   Ngoại trưởng Micheal Pompeo, có thể nói là một trong những Ngoại trưởng của Hoa Kỳ có quan điểm chống Trung Quốc triệt để nhất so với những Ngoại trưởng tiền nhiệm của Hoa Kỳ. Ông cũng là một trong những nhân vật mà Tập Cận Bình rất e ngại trong suốt 4 năm qua trên các diễn đàn quốc tế mỗi khi nói về Trung Quốc.   Nỗ lực làm việc liên tục ngày đêm, không mệt mỏi của ông đã được người con trai chứng kiến và ghi nhận. Anh rất tự hào về người cha của mình đã cống hiến cho đất nước Hoa Kỳ.   Dưới đây là lá thư của con trai viết về ông trong suốt thời gian làm việc 4 năm qua cho đến hết nhiệm kỳ.   Lê Ánh =====================   Con rất tự hào về những gì ba đã đạt được - cũng là cách ba phụng sự đất nước của chúng ta.   Bốn năm trước, gia đình chúng ta không biết Chúa sẽ đặt trên vai chúng ta thử thách gì. Thật khó để tóm tắt một cách chính xác, vì vậy con sẽ không cố định nghĩa làm gì. Nhưng điều con muốn nói là con chưa bao giờ cảm thấy tự hào về ba như trong ngày hôm nay.   Danh sách thành tích của ba là một danh sách dài, bao gồm cả việc làm trung gian hòa giải ở Trung Đông theo đúng nghĩa đen. Con đi ngủ mỗi đêm với cảm giác an toàn hơn khi biết ba ở đó, luôn đứng vững trước cái ác và đưa ra những quyết định khó khăn vì đất nước của chúng ta.   Nhưng con không chỉ tự hào về những gì ba đã làm - con còn tự hào về cách ba đã thực hiện điều đó.   Ba luôn trung thực và bộc trực, không ai phải thắc mắc ba đứng ở đâu, phe ai. Ba luôn giữ vững niềm tin và giá trị của mình, bất chấp những cuộc tấn công không ngừng, ác ý và thường là vô căn cứ từ các phương tiện truyền thông.   Ba đã làm việc không mệt mỏi - 20h / ngày, 7 ngày / tuần trong 4 năm liên tiếp. Và mọi quyết định ba đưa ra, ba đều lưu tâm đến lợi ích cao nhất của nước Mỹ. Đây là những lý do mà con tự hào nhất về ba.   Người dân Mỹ sẽ không bao giờ biết được toàn bộ những gì ba đã làm cho đất nước này, nhưng con thì có. Con cũng biết sự thật về con người của ba và với con không còn niềm tự hào nào hơn khi được là con trai của ba.   Cảm ơn ba - không chỉ vì đã phục vụ nước Mỹ - mà còn vì CÁCH ba đã cống hiến cho nước Mỹ.   https://twitter.com/npompeo/status/1352069544244899843?s=21  
......

Kỷ niệm 47 năm Ngày mất Hoàng Sa: Áng hùng văn 47 năm về trước về chủ quyền Hoàng Sa

Nguyễn Xuân Diện| TUYÊN CÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG TRONG KHU VỰC ĐẢO HOÀNG SA (NGÀY 19.1.1974) Nguyên văn: Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng–Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng- Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam-Tuyền, Quang-Hòa và Duy-Mộng. Lực lượng Hải-quân Trung-Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn. Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực. Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam. Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên. Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia. Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới. Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công. Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó. Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu. Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. (Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sài Gòn, Số 015/BNG/ TTBC/ TT) Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam. Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên. Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia. Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới. Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công. Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo của Trung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó. Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu. Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia. (Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sài Gòn, Số 015/BNG/ TTBC/ TT) #tuongniemhoangsa1974 #tuyencaoVNCH1974
......

Nhìn lại Covid-19: Tác hại và những bài học

Trần Diệu Chân - Việt Tân| Đại dịch coronavirus chủng mới phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 vẫn tiếp tục hoành hành khắp thế giới cho tới những ngày đầu năm 2021, với hơn 80 triệu người bị lây nhiễm và hơn 1.8 triệu người thiệt mạng. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo các chuyên gia, con số bệnh nhân còn cao hơn gấp bội trên thực tế vì thiếu sót thử nghiệm, trong khi đó có những người bị nhiễm virus mà không có triệu chứng, và có những chính phủ ém nhẹm con số thực. Tia hy vọng cuối đường hầm là nhiều loại vaccines đã được phát minh và tiến trình chủng ngừa vừa được bắt đầu ở một số nơi trong tháng qua. Nhưng những ảnh hưởng kinh hoàng của đại dịch này đã được đánh giá là kinh khủng nhất trong thế kỷ qua về mọi lãnh vực. Bài viết này nhằm tổng hợp ngắn gọn những tác hại của đại dịch và những bài học rút tỉa cho tương lai của thế giới loài người. A. Những tác hại từ đại dịch Covid-19 I- Về mặt kinh tế Chưa một diễn biến nào có tác hại lớn và đồng bộ lên nền kinh tế toàn cầu như đại dịch 2020 vì hầu hết mọi quốc gia và xã hội phải đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, do đó đã giảm thiểu các hoạt động kinh tế tối đa, từ sản xuất tới tiêu thụ và đầu tư, khiến tổng sản lượng mọi quốc gia bị co cụm và hoạt động thương giao giữa các nước cũng sụt giảm nặng nề.  Kết quả là: 1/ Lợi tức suy giảm khiến hàng triệu công ty bị phá sản, số người thất nghiệp gia tăng, tiền lương và lợi tức bình quân đầu người giảm, kéo theo thảm họa đói nghèo và nguy cơ bất ổn trong xã hội. Trong chiều hướng chung này, quốc gia nghèo chịu ảnh hưởng nặng hơn, và những người nghèo trong một quốc gia bị thiệt thòi hơn, đa số là thành phần phụ nữ, trẻ em, di dân và thiểu số trong xã hội. 2/ Sự chênh lệch giầu nghèo gia tăng do điểm 1 nêu trên, nhưng cũng có những ngành nghề lại phát triển hay không bị ảnh hưởng xấu của đại dịch, như ngành công nghệ cao IT, AI, buôn bán trên mạng v…v… khiến có những công ty đã giầu lại tiếp tục kiếm bộn tiền trong năm qua. Sự chênh lệch giầu nghèo gia tăng giữa các quốc gia, giữa nhiều thành phần trong một xã hội, giữa các kỹ nghệ và ngành nghề khiến nhiều công ty nhỏ bị triệt tiêu khi không thể mở cửa buôn bán, càng gia tăng cơ nguy của bất công và bất ổn xã hội. 3/ Nợ công gia tăng vì kinh tế sụt giảm và chính phủ phải đưa ra các gói kích cầu kinh tế cũng như cứu trợ người dân. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro tài chính lớn trên toàn cầu. II- Về sức khỏe thể chất, tâm thần và dịch vụ y tế Các ảnh hưởng tiêu cực bao gồm: 1/ Ngoài khả năng giết hại hàng triệu người trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 còn để lại các di sản tàn phá trong thân thể của nhiều nạn nhân mà hệ quả đường dài chưa thể đánh giá. 2/ Covid-19 cũng đã giết hại nhiều chuyên viên y tế – các bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế và nhân viên, tức các chiến sĩ tuyến đầu trong trận chiến cứu người. 3/ Dịch bệnh này còn tạo ra những tác hại tâm lý/tinh thần như gây ra sự sợ hãi, lo lắng, căng thẳng về căn bệnh; những xáo trộn trong đời sống thường nhật, và sự cách ly để ngăn ngừa lây nhiễm đã tạo ra tâm bệnh rộng khắp trong xã hội, nhất là đối với những ngưòi lớn tuổi, đơn độc, và trẻ em (do các em không được đến trường, phải xa rời bạn bè và cảm nhận bị tù túng khi phải ở trong nhà). 4/ Gia đình các bệnh nhân phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần từ việc chăm sóc người thân, lo cách ly phòng ngừa bệnh, lại không được ở gần người thân tại bệnh viện hay phút lâm chung. Nhân viên y tế cũng đau buồn lây trước hoàn cảnh đau thương của bênh nhân. 5/ Mọi hoạt động tang ma, hôn lễ hay tụ tập đông người đều bị giới hạn tối đa để ngăn ngừa bệnh. Mọi hoạt động xã hội bị đảo lộn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, và tạo hệ quả nghiêm trọng lên tinh thần của nhiều người. III- Về giáo dục Để ngăn ngừa dịch bệnh, trường học các cấp đã phải đóng cửa và lớp học được mở ra online. Hiệu năng học hỏi bị suy giảm, nhất là các môn học cần thực nghiệm hoặc cần nỗ lực chung của một đội ngũ. Trường học online cũng tạo căng thẳng cho con trẻ, giáo chức và cha mẹ, và có những gia đình nghèo không đủ phương tiện tham gia online. Ngoài ra, những sinh viên du học các nước đôi khi phải trở về nguyên quán trong giai đoạn trường học đóng cửa, tạo ra khá nhiều khó khăn và tốn kém cho họ. IV- Khủng hoảng nhân quyền và dân chủ Vào tháng Mười, 2020 ông Michael J. Abramowitz, chủ tịch của Freedom House (FH), cho biết họ đã nghiên cứu 192 quốc gia và nhận thấy điều kiện dân chủ/nhân quyền tại 80 nước đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Covid-19 lan truyền. Chính quyền các quốc gia này đã lợi dụng sự phòng chống dịch để siết chặt guồng máy kiểm soát thông tin, gia tăng bắt bớ và đàn áp các nhà hoạt động dân chủ, nhất là trong sự thờ ơ của thế giới vì đang bận rộn chống đỡ đại dịch. Có 64% những chuyên gia được khảo sát đồng ý rằng, ảnh hưởng này sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm tới. Đặc biệt là những hành xử phản dân chủ của Trung Quốc có thể trở thành một chuẩn mực cai trị của những thể chế độc tài trong tương lai, bao gồm tăng cường chủ nghĩa dân tộc, dập tắt những kêu gọi về tính minh bạch và tinh thần trách nhiệm, gia tăng bưng bít thông tin và giới hạn quyền tụ họp, ngôn luận. Trong bối cảnh này, các hoạt động của những đoàn thể xã hội dân sự, những tiếng nói phản biện hoặc quyền lên tiếng chống lại bạo lực nhà nước bị khống chế. Tại Việt Nam hai vụ án điển hình cho sự khống chế bạo lực của nhà cầm quyền CSVN trong thời Covid-19 là cuộc thảm sát và xử án Đồng Tâm và việc bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang. V- Xáo trộn đời sống bình thường và đảo lộn trật tự thế giới Các chuyên gia thế giới thẩm định rằng cuộc sống bình thường tiền Covid nếu không trở thành những điều của quá khứ thì cũng khó trở lại toàn vẹn như trước. Chúng ta thấy đại dịch đã đặt ra một thứ tự ưu tiên cho mọi quốc gia về vấn đề cải thiện hệ thống y tế để có thể đối phó nhanh chóng với những căn bệnh truyền nhiễm, các quốc gia có khả năng nghiên cứu cũng cần phát huy kiến thức về virus, cách truyền bệnh từ vật sang người, các biến thể, thuốc chủng ngừa và các biện pháp ngăn ngừa. Quốc gia nào có khả năng chống dịch mạnh có thể tạo được vị trí chính trị và kinh tế tốt hơn. Ngược lại, quốc gia dân chủ phát triển nào mà có lãnh đạo giỏi cũng có khả năng kềm chế đại dịch tốt hơn, lấy thí dụ các nước phát triển như Nauy và Đan Mạch rất thành công về kềm chế dịch, trái lại Thụy Điển thì lại có con số tử vong cao nhất trong vùng. Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu về tiền bạc và khả năng chống dịch trong nhiều thập niên qua, nhưng hiện đang dẫn đầu thế giới về con số lây nhiễm và tử vong vì Covid-19: hơn 20 triệu người nhiễm và hơn 350.000 người chết, với hơn 3.000 người thiệt mạng mỗi ngày trong tháng 12/2020, tức cứ mỗi 30 giây lại có một người chết. Dân số Mỹ chỉ chiếm 4% trên thế giới, nhưng tỷ lệ nhiễm Covid-19 lên tới 24% và tử vong 19.4% trên tổng số bệnh nhân toàn cầu. B. Những bài học rút tỉa từ đại dịch 1/ Tầm quan trọng của hợp tác và phối hợp quốc tế trong chiến lược phòng bệnh và chữa bệnh. So sánh với hoàn cảnh của các dịch bệnh trước đây trong nhiều thập niên qua như cúm châu Á (1957-1958), cúm Hong Kong (1968-1970), cúm Nga (1977-1978), SARS (2002-2005), cúm lợn (2009-2010), MERS-CoV (tháng 6, 2012), Ebola (tháng 2, 2014) …, các chuyên gia nhận định chưa có dịch nào diễn ra đồng loạt trên phạm vi toàn cầu như lần này (không kể cúm Tây Ban Nha vì xảy tra trên một thế kỷ, từ 1918-1920). Và họ kết luận là sự hợp tác quốc tế quá chậm chạp và kém cỏi lần này chính là nguyên nhân biến một dịch bệnh địa phương thành đại dịch thế giới với số lượng thiệt mạng lên tới hàng triệu người như vậy. Vai trò lãnh đạo và phối hợp nỗ lực toàn cầu của các cường quốc như Hoa Kỳ, khối EU, các định chế quốc tế như WHO … rất cần thiết và cần được cải thiện để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các trường hợp tương lai. 2/ Toàn cầu hóa có vấn đề. Nếu toàn cầu hóa giúp cho nhân loại chan hòa sản xuất và mở rộng thương mại trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì chính hai lợi ích này đã bị đại dịch làm tê liệt. Thứ nhất là việc khai dụng sức mạnh cá biệt của từng quốc gia để hữu hiệu hóa sản xuất và giảm giá thành nhờ vào nhân công rẻ và tài nguyên đặc thù ở một số quốc gia đã đưa tới việc chuyên biệt hóa. Nhưng khi các quốc gia đóng cửa giao thông và giao thương để ngăn ngừa đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ, nhất là khi sàn sản xuất tập trung vào một nơi như hiện nay là Trung Quốc. Một quốc gia có ảnh hưởng lớn về kinh tế như vậy lại là một nước độc tài với tham vọng xâm lược thì sẽ rất nguy hiểm tới sự ổn định và thịnh vượng chung; họ có thể tạo áp lực “con tin” lên thế giới cho mục tiêu chính trị và lợi nhuận. Thứ hai là giao thương giữa các nước, cả hàng hóa lẫn dịch vụ, đòi hỏi sự chuyển vận và tiếp xúc gia tăng trên thế giới khiến dịch bệnh dễ lan tỏa rộng khắp. Sự phân tích này không có nghĩa là toàn cầu hóa không còn giá trị nâng cao kinh tế và đời sống con người, nhất là giúp cho các quốc gia chậm phát triển được thăng tiến. Tuy nhiên, các nước cần đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia để khỏi phụ thuộc quá mức vào một nước khác, đồng thời thế giới phải đa dạng hóa nguồn cung ứng để khỏi bị lệ thuộc vào một hay vài quốc gia, đặc biệt những nước có thành tích bất hảo về nhân quyền. 3/ Cần cải thiện hệ thống thông tin để ngăn ngừa tin giả, thuyết âm mưu và hiện tượng “chính trị hóa” đại dịch. Hệ thống Internet tuy đã trở thành một phương tiện truyền thông quan trọng và bổ ích, giúp truyền đạt nhiều điều hữu ích và gia tăng kiến thức cho nhân loại. Nhưng trong vài năm trở lại đây, đã trở thành một công cụ “tấn công sự thật” hữu hiệu và rộng khắp, khiến thế giới bị chia hẳn thành hai phía: một bên tin vào các cơ quan truyền thông chính thống, chuyên nghiệp; bên kia tin vào các nguồn “ngoài luồng” với tin tức, dữ kiện bịa đặt hoặc không kiểm chứng được. Hai thế giới tin tức khác hẳn và đối chọi, cho thấy một bên là thế giới thật và một bên là thế giới ảo. Nguy cơ của thế giới ảo là tấn công và bôi đen mọi nỗ lực truyền thống qua những thông điệp tuyên truyền hoàn toàn dựng đứng hoặc thêu dệt từ một dữ kiện nhỏ có thật, nhưng toàn bộ là tin thất thiệt. Nỗ lực này đã reo rắc nghi ngờ và hoang mang cho những người nằm trong quỹ đạo ảo. Dù với mục tiêu gì đi chăng nữa – vì quyền lực chính trị hay thống trị, lợi ích cá nhân hay phe nhóm, lợi nhuận kinh tế, kể cả những mục tiêu bệnh hoạn muốn trả thù hay phá hoại, thì hệ quả là các tin tức về Covid-19 và vaccines đã bị xuyên tạc trầm trọng, khiến cho các nỗ lực ngăn chặn đại dịch bị vô hiệu hóa và đưa đến nhiều trường hợp tử vong. Một thí dụ về “chính trị hóa” đại dịch bất kể nguy cơ cho xã hội và tác hại ngay lên chính bản thân và gia đình họ, đó là nhiều chính trị gia Mỹ đã cho rằng Covid-19 là âm mưu gian tà, bịa đặt của các đối thủ chính trị, và đã không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Cuối cùng có người đã mắc bệnh hoặc tử vong vì Covid-19. Trong hoàn cảnh phải cách ly xã hội để ngăn chặn đại dịch, các sinh hoạt online gia tăng. Do đó, cần phải có sự hợp tác của các công ty mạng để bài trừ tệ nạn tin giả, xuyên tạc và thuyết âm mưu; đồng thời các quốc gia phải ban hành luật lệ để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng tự do ngôn luận/tự do báo chí trên mạng cũng như ngoài đời để đưa tin thất thiệt. Ngược lại,  các định chế giám sát cần theo dõi để các lãnh đạo độc tài không nhân cơ hội này siết chặt tự do phát biểu của người dân. Việc thông tin và giáo dục đại chúng để nhận thức và phân biệt tin giả với tin thật cũng là điều tối quan trọng.  4/ Chăm sóc y tế là ưu tiên và phải bao gồm cả lãnh vực sức khỏe tâm lý và tinh thần. Trong đời sống bất ổn hiện nay, con người cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, không chỉ yếu tố thể chất mà còn phải bao gồm cả lãnh vực tâm lý, tinh thần và tâm linh để đem lại an bình, hạnh phúc bền vững cho cá nhân và tập thể.  Quyền được chăm sóc y tế phải được xem là một quyền căn bản, mở rộng cho mọi thành phần xã hội một cách bình đẳng thì mới mong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh được phân bổ đều khắp và hữu hiệu. 5/ Môi trường được cải thiện nhanh chóng khi con người bớt dùng động cơ Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm  khi con người hạn chế di chuyển bằng xe hơi, máy bay và giảm sản xuất. Từ đó, các chuyên gia cho biết không khí đã trở nên trong lành khác thường, nước sông hồ ở một số nơi có độ ô nhiễm nặng trước đây như Trung Quốc và Ý đã trở nên trong hơn. Nồng độ nitro dioxide, khí thải carbon dioxide, methane, carbon monoxide, các hạt nhỏ ở Mỹ và các nước kỹ nghệ đã giảm thấp thấy rõ. Tuy nhiên, vấn đề mua đồ ăn “to go” đã khiến rác thải gia tăng và cần phải sử dụng các vật liệu có thể tái chế.  Trung Quốc cũng đang ngập ngụa trong chất thải y tế từ các bệnh viện. Tại thành phố Vũ Hán, chất thải y tế tăng gấp bốn lần, lên hơn 200 tấn mỗi ngày. Từ những bài học trong đại dịch, con người cần có những thay đổi lớn trong xã hội về vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi sinh để tránh một tai họa khổng lồ từ hệ quả thay đổi khí hậu toàn cầu mà đại dịch đã minh chứng là chúng ta có thể cải thiện.  Kết luận Thảm họa Covid-19 đã cho thấy xã hội văn minh loài người hiện nay vẫn còn rất nhiều những thiếu sót cần điều chỉnh để ngăn ngừa và đối phó hữu hiệu với những vấn nạn mà đôi khi do chính con người tạo ra và phát tác. Nguy cơ và khổ nạn cũng đã giúp con người phát huy được khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân và quốc gia để giúp cho nhân loại thoát hiểm. Chưa bao giờ mà vaccines chống Covid lại được phát minh ở vận tốc nhanh chóng như hiện nay. Đó là nhờ nỗ lực phối hợp giữa các khoa học gia và các công ty, cũng như từ thành quả nghiên cứu của các đợt dịch những năm trước. Tuy nhiên đã thiếu sự hợp tác và lãnh đạo từ Mỹ trong nỗ lực chống dịch năm 2020, khiến dịch bệnh bộc phát và Mỹ trở thành trung tâm dịch lớn nhất thế giới. Tầm quan trọng của sự hợp tác, nối kết các nỗ lực và sự hình thành các định chế quốc tế để phối hợp các nỗ lực chung cần phải đặt ưu tiên trong hoàn cảnh hiện nay. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cần được giúp đỡ và cải thiện, chứ không phải dẹp bỏ, để giúp các nước nghèo được trợ giá vaccine và phân bổ thuốc cũng như các nhu yếu phẩm y tế cần thiết tới mọi nơi. Thế giới là ngôi nhà chung và sẽ không an toàn khi một điểm nóng của virus vẫn còn tồn tại. Nhu cầu coi trọng quyền căn bản của người dân như được thông tin trung thực, quyền tự do đòi hỏi sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm từ chính quyền, quyền được chăm sóc y tế và cứu trợ bình đẳng  v…v… đều là những yếu tố căn bản trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Nếu Trung Quốc coi trọng sinh mạng của người dân và tôn trọng lời cảnh báo của Bác sĩ Li Wenliang vào cuối năm 2019, thay vì đe dọa, bịt miệng ông và che đậy đại dịch khi bùng nổ ở Vũ Hán, thì thế giới đã kịp trở tay sớm hơn để ngăn chặn Covid-19 lan tỏa và tác hại. Một chính quyền dân chủ, nhân bản và trách nhiệm cũng giúp cho tiến trình hợp tác quốc tế để đối phó với đại dịch hữu hiệu hơn. Tác giả Trần Diệu Chân: Tiến Sĩ Kinh tế và là nhà hoạt động về Nhân quyền, Truyền thông lâu năm trong cộng đồng người Việt. https://viettan.org/nhin-lai-covid-19-tac-hai-va-nhung-bai-hoc/  
......

Vòng Trân Châu Tàu - chiếc thòng lọng nguy hiểm

Ấn Độ có dân số 1,38 tỷ, Trung Cộng có dân số 1,44 tỷ được xem như là tương đương. Trung Cộng có hạt nhân thì Ấn Độ cũng có. Hiện nay Trung Cộng cùng với Mỹ, Nga, Anh Pháp đang thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ, nhưng Ấn Độ thì không. Đây là một thiệt thòi cho Ấn Độ, và hiện nay Ấn Độ đang nỗ lực để có được vị trí như Tàu tại hội đồng quyền lực nhất của LHQ. Trên thế giới thì Trung Cộng đang cố vượt Mỹ, nhưng tại châu Á thì Trung Cộng đang muốn ghìm ấn độ để đất nước này không thể vượt Tàu được. Về kinh tế thì Ấn Độ còn thua Tàu khá xa, nhưng về quân sự thì rõ ràng Ấn Độ không kém cạnh gì Tàu cả. Chính vì vậy tìm cách bao vây Ấn Độ về quân sự lẫn kinh tế là kế sách mà Tàu Cộng chưa bao giờ từ bỏ. Muốn mình mạnh thì phải đè kẻ thách đấu tiềm năng. Chuỗi Ngọc Trai (Tiếng Anh là the String of Pearls) là một học thuyết địa chính trị mà Trung Công đã đưa ra trước cả dự án “Vành Đai Con Đường” của Tập. Chuỗi này là một chuỗi gồm 15 điểm bắt đầu từ bờ đông của Trung Cộng trên biển Hoa Đông, xuống biển Đông, qua eo biển Malacca kết nối Myamar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và các điểm trên bờ tây Châu Phi thuộc Ấn Độ Dương và Biển Hồng Hải. Sau này khi mà dự án “Vành Đai Con Đường” được công bố, thì chuỗi ngọc trai này trở thành một phần của dự án đó. Nếu nhìn tổng thể đại dự án “Vành Đai Con Đường” thì khó mà thấy được ý đồ của Trung Cộng, thế nhưng tách chuỗi ngọc trai ra khỏi “vành đai con đường” thì nó hiện lên rất rõ những điểm thắt mà Trung Cộng muốn vây hãm cô lập một số vùng. Chính vì vậy, người Ấn họ hay nói về “chuỗi ngọc trai” hơn là “vành đai, con đường” của Tập. Để cô lập Ấn Độ, Trung Cộng đang dụ dỗ Myanmar, Bangladesh và Pakistan ngã về mình. Thử kết nối chuỗi từ Trung Quốc đến Bangladesh đến Sri Lanka, sang Pakistan thì rõ ràng Trung Cộng đang muốn nhốt Ấn Độ vào trong ma trận căn cứ quân sự của họ. Để đối phó với âm mưu Tàu Cộng, Ấn Độ đưa ra Chính sách Hướng Đông (Look East Policy). Một chính sách có thể nói là rất hay. Trong chính sách này Ấn Độ lôi kéo các nước láng giềng Đông Nam của Trung Quốc như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản. Đặt biệt là Ấn Độ tham gia liên minh quân sự với Mỹ, Nhật, Úc hình thành nên một bộ tứ được gọi là Tứ Giác Kim Cương- QUAD. Trong liên minh này, Ấn Độ có thể sử dụng căn cứ quân sự chung với 3 nước còn lại trên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Người ta ví như là NATO phương Đông, thì đủ hiểu vai trò lợi hại của nó. Để gỡ “vòng trân châu Tàu” đang siết Ấn Độ ở mạn đông, Thủ tướng Narendra Modi đã có chuyến thăm Bangladesh và ký thỏa thuận với Bangladesh xây dựng hạ tầng quân sự biển sâu ở Sonadia để tạo nên một vị trí giám sát cảng Chittagong tại vịnh Bengal mà Trung Cộng đang có ý đồ xây dựng cũng trên đất nước Bangladesh. Xa hơn nữa, Ấn Độ còn bắt tay với chính quyền bà Au Sang Suu Kyi và ký viện trợ tín dụng hơn 1,75 tỷ USD cho Myanmar, để đổi lại Myanmar cho đóng băng hàng loạt dự án mà Tập Cận Bình đã ký với phía Myanmar trước đó. Chính vì thế mà hồi đầu tháng 9 vừa rồi Tập đã phải cử Dương Khiết Trì sang Myanmar gỡ rối. Để gỡ “vòng trân châu Tàu” ở mạn tây, Ấn Độ đã nhanh chân ký thỏa thuận với Iran hợp tác phát triển cảng Chabahar tại Iran. Mục đích là để canh chừng cảng quân sự Gwadar mà Tàu đang xây dựng ở Pakistan. Trong chiến lược này thì có thể nói là Tàu rất thâm, họ lợi dụng sự thù địch lâu năm giữ Ấn Độ và Pakistan mà kết đồng minh với quốc gia này bao vây Ấn Độ. Cảng Chabahar tuy thuộc Iran nhưng nó chỉ cách cảng Gwadar khoảng chừng 100 km đường biển. Đặc biệt là cảng Chabahar nằm sâu trong vùng vịnh Pắc-xích nên nó có thể chặn đường chở dầu của Tàu từ các nước vùng vịnh ra Ấn Độ Dương. Đây là đường chặn vô cùng hiểm yếu đối với Trung Cộng, chỉ sau đường chặn Malacca. Để gỡ “vòng trân châu Tàu” ở mạn Nam, Ấn Độ đã bắt tay với chính quyền Sri Lanka quyết liệt ngăn chặn chính sách quân sự hóa của Tàu Cộng tại cảng Hambantota. Trước năm 2015, chính phủ Rajapakshe đã dính bẫy nợ của Tàu Cộng và nhượng cảng Hambantota sử dụng trong 99 năm. Năm 2015 Rajapakshe thất cử và thay vào đó là Sirisena thân Ấn Độ hơn, ông này đã chặn không cho tàu ngầm hạt nhân Trung Cộng cập cảng Hambantota. Tuy nhiên năm 2019 ông Sirisena lại thất cử và ông Rajapakshe trở lại ghế thủ tướng Sri Lanka. Tại quốc gia phía nam Ấn này là nơi mà Tàu và Ấn đang dành giật ảnh hưởng, có lúc Sri Lanka ngã về Tàu, có khi ngã về Ấn, điều đó cho thấy Ấn muốn phá cho Tàu không được yên ở căn cứ quân sự phía nam này. Chính điều này cũng hạn chế vai trò của tàu Cộng ở Sri Lanka khá nhiều. Thực ra “vòng trân châu Tàu” không chỉ siết cổ Ấn Độ mà nó còn siết cổ vùng Đông Nam Á, đặt biệt là 5 nước Miến – Thái – Lào – Cam – Việt. Trong đó chúng ta thấy Trung Cộng đang muốn mua chuộc chính phủ Thái Lan chấp nhận cho Tàu bỏ 30 tỷ USD ra xây dựng kênh đào Kra. Hiện thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan Prayuth Chan-ocha không đồng ý cho Tàu đầu tư vào kênh đào này. Trước đây anh em nhà Shinawatra là Thaksin và Yingluk đều gật đầu với Tàu xây dựng kênh đào, nhưng hiện nay chưa thấy dấu hiệu nhà Shinawatra trở lại chính trường nên Trung Cộng vẫn chưa thể xúc tiến kế hoạch xẻ kênh đào này được. Eo biển Malacca là điểm vận chuyển 80% lượng dầu của Trung cộng, trong đó 47% là xuất phát từ Trung Đông, phần còn lại là từ Châu Phi và các nước khác. Thế nhưng nó vẫn không thuộc quyền kiểm soát của Trung Cộng, còn ngặt hơn nữa, Hải Quân Ấn Độ cứ triển khai tàu tuần tra ở khu vực này thường xuyên, đây là điều mà Trung Cộng không thích. Nếu dụ được Thái gật đầu, Tàu sẽ bỏ ra 30 tỷ thì chắc chắn Tàu giữ quyền khai thác kênh đào này, khi đó Tàu có thể an tâm dùng kênh đào này thay thế eo biển Malacca và không loại trừ khả năng Tàu dùng nó cho mục đích quân sự. Điều đáng nói là nếu Tàu có được kênh đào Kra thay thế eo biển Malacca thì rõ ràng “vòng trân châu Tàu” đang siết chặt hơn 5 nước Miến – Thái – Lào – Cam – Việt. Hiện nay Miến và Thái đang nói không với Tàu, đấy là một thuận lợi. Nếu các nước Đông Nam Á không ngồi lại bàn chuyện chung thì rất có thể, Trung Cộng chia ra bẻ gãy từng thằng một mà không tốn quá nhiều sức lực. Điều đáng tiếc là trong khi Miến và Thái đang chiến đấu đẩy Tàu ra xa thì CS Việt Nam vẫn đang buông bỏ tại biển Đông. Thế mới đau chứ! -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.rfi.fr/…/20200924-ấn-độ-nhật-đức-và-brazil-muốn… https://tuoitre.vn/tu-giac-kim-cuong-my-nhat-an-uc-siet-cha… https://www.24h.com.vn/…/chien-luoc-lon-cua-ong-tap-gap-kho… https://www.indiatimes.com/…/here-is-all-you-should-know-ab… https://foreignpolicy.com/…/china-india-conflict-thai-kra-…/ https://www.timesnownews.com/…/double-blow-for-china…/647466  
......

Cúm Tàu, đại hội đảng CSVN lần thứ 13, bãi Tư Chính và “thuyết âm mưu”

Tân Phong - Web Việt Tân| Bài viết này đặt ra nhiều câu hỏi và những điều khác thường về diễn biến cúm Tàu, đại hội đảng CSVN các cấp lần thứ 13 sắp tới và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở bãi Tư Chính, Biển Đông. Nếu như đánh giá các dữ kiện và sự việc theo một cách riêng rẽ cũng đã có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Trong khi đó, sự trùng hợp các sự kiện hiếm hoi trong cùng một thời gian, không gian địa lý, trong bối cảnh chính trị, quân sự chung của khu vực và thế giới diễn biến cực kỳ phức tạp… khiến cho người ta cần phải nhìn nhận một bức tranh toàn cảnh theo chiều kích rộng lớn hơn chứ không thể qui chụp những suy đoán đó là “thuyết âm mưu” như từ trước tới nay. Sự trở lại bí ẩn của cúm Tàu ở Đà Nẵng Cơn ác mộng mang tên cúm Tàu vẫn chưa có hồi kết. Số nạn nhân của cơn dịch bệnh khởi nguồn từ Trung Quốc này lớn đến nỗi mọi con số thống kê giờ đây dường như không còn nhiều ý nghĩa. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người trên thế giới nhiễm loại virus này và con số tử vong đang tiến gần tới mốc dấu 1 triệu. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, con virus bé nhỏ khởi nguồn từ “quốc gia trung tâm” đã xây dựng một “đế chế” trải khắp toàn cầu. Có lẽ Tần Thủy Hoàng hay Mao Trạch Đông sống lại, hẳn phải rất ghen tị với nó. Người viết không có ý nói rằng con quái vật COVID-19 hay SARS-CoV-2 (cũng đều là tên gọi khác của 2019-nCoV mà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli, một chuyên gia về virus corona của Viện Vi Trùng Học Vũ Hán) đã đặt tên cho nó trước khi đại dịch bùng phát) là một sản phẩm “made in China” mà chỉ so sánh khả năng bành trướng và reo rắc sự chết chóc của nó với các bạo chúa Trung Hoa mà thôi. Tuy vậy, có vẻ “cuộc xâm lược lần thứ nhất” của virus Tàu vào Việt Nam đã bị đánh bại ngay ở “vòng gửi xe” trong giai đoạn đầu. Thực sự cho đến nay không thể hiểu lý do gì khiến nó (virus 2019-nCoV) trở nên “hiền lành” đến như thế sau khi tàn sát hàng vạn người trước đó. Điều kỳ lạ nữa là gần 1 triệu người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2020 mà không có một kiểm soát y tế nào. Tuy vậy, chỉ có 3 trường hợp bị ghi nhận dương tính là có “yếu tố Tàu” theo như truyền thông “lề đảng” cho biết. Tới ngày 23 tháng Bảy, 2020 gần như tất cả các trường hợp phát hiện nhiễm bệnh đều được chữa khỏi khá ngon lành. Thành tích này biến thành cuộc biểu trưng “lòng tự hào dân tộc” và thắng lợi chính trị to lớn để giới chức tha hồ…“ngạo nghễ Việt Nam.” Tuy vậy, sau 99 ngày được cho không có ca nhiễm mới, ngày 24 tháng Bảy ca nhiễm COVID19 được ghi nhận tại Đà Nẵng đánh dấu sự trở lại của làn sóng thứ 2. Chỉ nửa tháng sau, Việt Nam đã có thêm hàng trăm ca dương tính và 13 ca tử vong. Nguồn lây nhiễm của đợt dịch thứ 2 không được xác định và diễn biến dịch bệnh rất giống với những gì đã xảy ra ở Vũ Hán giai đoạn đầu. Giới chức y tế Việt Nam cho biết chủng COVID-19 ở Đà Nẵng là một biến dị hoàn toàn mới, có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Tuy vậy, thông tin này cần thêm bằng chứng khoa học hay sự xác nhận bởi giới khoa học quốc tế. Nếu như mức độ lây nhiễm và phát triển của virus theo một hàm logarit như đã biết, thì nó sẽ đạt đỉnh ở thời điểm cùng lúc với các cuộc bầu bán của đại hội đảng các cấp lần thứ 13 của CSVN tiến hành và cũng là thời gian mà các cuộc tập trận hải không quân có qui mô chưa từng có của quân đội Trung Quốc PLA sẽ triển khai ở biển Đông. Đó quả là một sự trùng hợp “thú vị”? Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 của CSVN Là quốc gia cộng sản duy nhất ở vùng Đông Nam Á, chính sách phụ thuộc và thái độ qui phục của Hà Nội trong nhiều thập kỷ khiến cho thế giới nhìn nhận Việt Nam như một chư hầu hoặc một tỉnh lỵ của Trung Quốc. Các quan chức từ cấp bộ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành quan trọng được bầu lên đều có bóng dáng sắp đặt của Trung Cộng. Những lãnh đạo đảng qua các thời kỳ như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương… và bây giờ là Nguyễn Phú Trọng đều phải được sự chuẩn y của Bắc Kinh. Ông Trọng là một người bảo thủ, một tín đồ của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, được đào tạo ở Trung Quốc nhiều năm trước khi được đưa về Việt Nam và đặt vào bệ phóng. Trên cương vị tổng bí thư và chủ tịch nước, ông ta đã ủng hộ và trực tiếp ký kết những hiệp định hợp tác với Trung Cộng gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế, an ninh quốc phòng Việt Nam. Điều đáng chú ý, người “đốt lò vĩ đại” đang tổ chức những vở tuồng chống tham nhũng “hoành tráng” ngay trước thềm đại hội nhằm “nhắc nhở” tất cả các “đồng chí” quyền lực cũng như uy tín của ông ta. Đồng thời, “ông bí thư đảng ủy Bộ Công An” cho tiến hành một đợt tái cơ cấu hầu như toàn bộ vị trí giám đốc, phó giám đốc công an các tỉnh thành trọng yếu. Lực lượng này có vai trò “cầm chịch” các phe cánh địa phương trước khi tiến hành đại hội. Qui mô của động thái luân chuyển, bổ nhiệm mới này là chưa từng có. Có thể nhận thấy những gương mặt mới phần lớn được tuyển chọn từ đội ngũ sỹ quan trung và cao cấp đã được đào tạo và bồi dưỡng ở Trung Quốc nhiều năm trước, theo các hiệp định đào tạo cán bộ nguồn giữa hai đảng cộng sản. Điều này nói nên điều gì? Mặc dù sức khỏe không cho phép và ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tiếp tục ứng cử. Nhưng những động thái trong trò chơi sắp xếp nhân sự và truyền thông lại cho thấy chiều hướng ngược lại. Tới tận phút 89, người ta không thể rõ ý định thực sự của ông Trọng trong việc tiến cử ai sẽ là người kế tiếp ngồi vào ghế tổng bí thư lần tới. Mặc dù trước đó, đã có những động tác thể hiện sự tín nhiệm đối với Thường Trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng. Nhưng gần đây, người ta nhận thấy sự lu mờ của nhân vật này trên các diễn đàn. Thay vào đó, một nhân vật đầy tai tiếng và đặc biệt thân Trung Cộng đang nổi lên. Đó là Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung Ương Đảng Phạm Minh Chính. Đồng thời, có một sự ỡm ờ “muốn ăn gắp bỏ cho người” và những kịch bản khá lộ liễu từ phía Ban Tuyên Giáo TW cho thấy khả năng ông Trọng sẽ có thể tiếp tục “một đít hai ghế” trong nhiệm kỳ tới đây. “Ba mươi chưa phải là Tết” và việc ông Trọng ở lại sau đại hội 13 hay một nhân vật thân tín của Bắc Kinh sẽ trở thành ‘thái thú đất Giao Chỉ” nhiều khả năng diễn ra theo đúng ý đồ của Trung Nam Hải. Diễn biến ở Tư Chính và biển Đông Sau khi phải hủy bỏ dự án khai thác chung với liên doanh Repsol tại hai lô dầu khí là lô 135-136/3 vào tháng Bảy, 2017 và mỏ Cá Rồng Đỏ trong lô 07.3 vào tháng Ba, 2018, Hà Nội đã phải chấp nhận trả 1 tỷ USD cho tập đoàn Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (The United Arab Emirates), theo các thoả thuận “chấm dứt” và “bồi thường” hợp đồng. Đây có thể nói là hai nhượng bộ và thất bại thảm hại liên tiếp của Hà Nội trước Bắc Kinh. Không chỉ đơn giản là mất 1 tỷ Mỹ Kim tiền phạt mà việc rút lui khỏi hai lô khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính, Hà Nội đã ngầm định chối bỏ chủ quyền quốc gia tại khu vực này và tạo ra một tiền đề cực kỳ nguy hại cho các dự án liên doanh khai thác dầu khí tiếp theo ở biển Đông. Không chỉ dừng lại có vậy, sau rất nhiều nỗ lực “đàm phán” với Bắc Kinh, Hà Nội tiếp tục phải nhượng bộ lần thứ 3 với việc hủy bỏ dự án liên doanh với tập đoàn dầu khí Rosneft của Liên Bang Nga. Mức bồi thường dự đoán sẽ là “vài triệu Mỹ Kim” – như theo lời một viên chức chính phủ Việt Nam cho biết. Đây là một điều khá bất ngờ. Vì nếu Hà Nội đề nghị chính quyền Putin can thiệp để bảo vệ lợi ích của Rosneft (tập đoàn có 50% cổ phần của gấu Nga), thì nhiều khả năng sẽ cứu vãn được tình thế. Tuy vậy, Hà Nội đã nhanh chóng qui hàng đầy nhục nhã trước Bắc Kinh. Theo như nhà nghiên cứu Hayton thì nếu như không có một sự quyết đoán thực sự của Mỹ tại Biển Đông thời gian tới (không loại trừ khả năng quân sự), thì sau 3 lần nhượng bộ của Hà Nội vừa qua, bàn cờ ở đây đã “game over” với chiến thắng thuộc về Trung Quốc. Gần đây, CSVN dường như “lớn giọng” hơn với Trung Quốc và liên tiếp đưa công hàm phản đối. Ông Tổng Tịch sau hồi im hơi lặng tiếng suốt thời gian dài, đột nhiên tươi tỉnh và năng nổ gửi thư chúc mừng Tổng Thống Donald Trump. Trong những văn bản của đảng CSVN gần đây, vấn đề Biển Đông và Trung Quốc sau nhiều thập kỷ bị coi là “húy kỵ,” đã được nhắc tới. Nhìn thì có vẻ như ông Tổng Tịch đang đổi đồ uống từ trà Bắc Kinh sang café latte của Starbucks. Nhưng thực đơn chính của ông ta (cũng giống như ông Hồ) vẫn luôn là các món Tàu ưa thích từ khi ông ta học tập chính trị ở “Trung Hoa vĩ đại.” Thay đổi “khẩu vị” của người già là điều rất khó khăn! Và nếu Dương Khiết Trì sang thăm Hà Nội với một bức tượng Mao chủ tịch bằng vàng ròng (phải to hơn bức tượng ông Hồ mà Formosa đã tặng cho ông Trọng) thì ông Tổng Tịch sẽ cảm kích nhắc lại câu “Trung Quốc người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu.” Ông Trọng không thích gái Tàu như ông Phiêu và vì lý do sức khỏe, nên chắc ông ta sẽ thích ngắm tượng vàng của cả hai lãnh tụ Mao, Hồ trong lúc thưởng trà ở tư gia. Lúc đó, trà Bắc Kinh chắc chắn vẫn ngon hơn …café Starbucks, còn câu chuyện Tư Chính sẽ khép lại để bảo vệ tình hữu nghị Việt-Trung và cái “đại cục” của đảng. Và “thuyết âm mưu”? Giới chính khách và học giả thế giới nói nhiều hơn về một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai đã thực sự bắt đầu. Điều đó đã rõ ràng. Cuộc đối đầu, cạnh tranh khốc liệt trên tất cả các mặt trận giữa hai cường quốc Mỹ, Trung sẽ là một tiến trình dài hạn qua nhiều đời tổng thống Mỹ tiếp theo bất kể ai là chủ Nhà Trắng. Song cục diện Châu Á thì cần phải sớm định đoạt, vì người Mỹ vốn không có sở trường trong các xung đột kéo dài. Nền chính trị của họ không cho phép điều đó. Nếu xảy ra xung đột quân sự, Trung Quốc thực sự không có cơ hội chiến thắng ở Biển Đông nơi mà Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác đều có lợi ích chung to lớn. Song điều đó có thể khác ở Việt Nam, nơi Bắc Kinh có thể thao túng nhân sự chóp bu đảng cầm quyền và điều hành tướng lĩnh quân đội, công an Việt Nam bằng những vali đầy ắp dollar và những lời phủ dụ ngọt ngào “16 chữ vàng, 4 tốt.” Và trong một cuộc chiến tranh phi truyền thống bẩn thỉu thì người Trung Quốc rất giỏi. Không xét đến việc con virus 2019-nCoV là nhân tạo hay có nguồn gốc tự nhiên, nhƯng chắc chắn nó có “quốc tịch” Trung Quốc. Hãy nhìn tổn thất khủng khiếp mà phương Tây đang phải gánh chịu từ con virus nhỏ bé được Thạch Chính Lệ công bố phát hiện và đặt tên trên tạp chí Nature vào tháng Mười Hai, 2019. Nếu so sánh về tổn thất kinh tế, chắc chắn Mỹ và Phương Tây chịu tổn thất lớn hơn rất nhiều lần so với tổn thất Trung Quốc phải chịu từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung do ông Donald Trump tiến hành. Những tổn thất khổng lồ không thể định lượng được này sẽ khiến nhiều nước phương Tây cần nhiều thập kỷ để phục hồi. Còn nếu so sánh tổn thất về nhân mạng, thì con virus có “quốc tịch” Tàu này chắc chắn sẽ vượt xa con số thương vong của cả hai quả bom “fat man” và “little boy” mà người Mỹ đã ném xuống Nagasaki và Hiroshima vào tháng Tám, 1945 cộng lại. (Quả bom nguyên tử fat man ném xuống Nagasaki đã giết chết hơn 40.000 người và quả little boy ném xuống Hiroshima giết chết 140.000 người). Thật vô lý nếu không có ai đó phải chịu trách nhiệm về điều này? Khi người Nhật tấn công bất ngờ Trân Châu Cảng, người khổng lồ đã thức giấc. Giờ đây, không phải là một cuộc tấn công quân sự vào hạm đội Hoa Kỳ, mà là một cuộc tấn công toàn diện vào những giá trị đạo đức cốt lõi của thế giới tự do, nhân phẩm của loài người. Không phải chỉ là nền kinh tế bị suy yếu, công nghệ bị đánh cắp mà những giá trị xã hội truyền thống của Thiên Chúa Giáo, Đức tin, những giá trị Tự Do hiến định ở xã hội Mỹ… chẳng phải đã bị xói mòn, chia rẽ, bị thoái hóa nhiều thập kỷ qua, bởi vì đâu? Đây không đơn thuần là một cuộc chiến giữa hai quốc gia và nó chắc chắn không chấm dứt như một cuộc chiến truyền thống. Đây là cuộc chiến kéo dài và diễn ra khốc liệt ngay trong lòng các xã hội, các quốc gia, ở cả hai bên chiến tuyến. Không có đường biên giới nào dành cho tư tưởng con người cũng như virus cả. Nhưng cũng giống như bất cứ cuộc chiến nào khác, nó cũng cần một lý do chính đáng để bắt đầu và con virus 2019-nCoV là một lý do hoàn hảo. Ngọn thủy triều thời đại đã đổi dòng và những người cộng sản Việt Nam đứng trước một lựa chọn khó khăn: Thay đổi để bảo vệ và phát triển quốc gia hay bảo thủ và tiếp tục qui phục Trung Cộng để bảo vệ quyền lợi của đảng phái như bấy lâu? Với một cơ thể chính trị mục ruỗng bởi tham nhũng, một lớp lãnh đạo tư duy đầy định kiến và ấu trĩ, cũng như một đội quân giỏi buôn lậu hơn chiến đấu bảo vệ tổ quốc, Việt Nam như đứa trẻ cầm trên tay cục vàng đi giữa chợ đông. Không phải vô lý khi nhiều nhà bình luận chính trị nước ngoài cho rằng Việt Nam là mục tiêu lý tưởng cho PLA “tập dượt” năng lực tác chiến sau hơn 40 năm không có chiến tranh và không khó để hình dung kết cục của tấn thảm kịch này. Tuy vậy, Hà Nội chắc gì đã chịu nổi áp lực của cùng lúc dịch bệnh, sự sụp đổ kinh tế và đe dọa chính trị của Bắc Kinh, chưa nói đến vũ lực. Đó cũng là thế cờ vây sở trường của Trung Quốc, dồn ép nạn nhân kiệt quệ về tinh thần và vật chất trước khi ra đòn dứt điểm. Khi “quả táo độc” được Bắc Kinh chìa ra, “nàng Bạch Tuyết” Việt Nam sẽ dễ dàng chấp thuận. Khi đó, chẳng có chàng hoàng tử Mỹ hay bảy chú lùn nào có thể cứu “nàng” được nữa. Đơn giản, đây không phải là câu chuyện cổ tích. Tân Phong XEM THÊM: Báo động đỏ: Rủi ro lây nhiễm Covid-19 cho đội ngũ nhân viên các trung tâm kiểm soát dịch bệnh CDC Việt Nam Vì sao Hoa Kỳ chọn thế “đối đầu” với Trung Cộng ở Biển Đông vào lúc này  
......

Tại sao Việt Nam không thể bỏ Trung Quốc?

canhco’s blog – RFA Trong suốt thời gian từ năm 1972 đến nay chưa bao giờ thế giới chứng kiến việc Hoa Kỳ thẳng thừng lên án Trung Quốc như thời gian vừa qua. Bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại giữa hai nước do Mỹ phát động đến việc cấm Huawei hoạt động trên đất Mỹ sau đó chuyển sang kết án Bắc Kinh đã cố tình im lặng phát tán virus Corona làm cho nước Mỹ và EU ngập chìm trong chết chóc, hỗn loạn dẫn tới quyết định nhanh chóng trước việc Hong Kong bị thủ tiêu chính sách “một quốc gia hai chế độ” và lần đầu tiên Mỹ lên án nặng nề việc chính quyền Trung Quốc giam giữ, hành hung, triệt sản hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và lập tức cấm vận những công ty, cán bộ chóp bu người Trung Quốc tại Tân Cương cho thấy Mỹ không còn do dự vì mối quan tâm đến việc trao đổi thương mại với Trung Quốc như xưa nay nhiều người nhận xét. Cuối cùng nhưng chưa phải là kết thúc: Mỹ ra lệnh lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston Texas phải về nước trong vòng 72 giờ vì đã có hành vi gián điệp trên nước Mỹ. Đây là tiếng chuông báo tử cho quan hệ hai nước. Đối với Việt Nam, Mỹ chính thức chống lại đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc không những bằng lời nói mà còn bằng những hành động thiết thực như mang hai hạm đội tuần tra Biển Đông hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc tập trận như cảnh báo Bắc Kinh về sức mạnh liên quân mà Trung Quốc không bao giờ có. Cho tới khi bài diễn văn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Mike Pompeo đọc tại thư viện Richard Nixon vào ngày 26 tháng 7 như đập nước khổng lồ Tam Hiệp bị vỡ gây chấn động khắp nơi, nhất là Trung Quốc, cho thấy rõ ràng sách lược chống Trung Quốc triệt để của Washington đã được sự đồng thuận không những của chính quyền Trump mà cả lưỡng viện Quốc hội đã mạnh tay lật lá bài Trung Mỹ trước bàn cờ thế giới. Người Việt khắp nơi kỳ vọng vào Mỹ sẽ giúp chính quyền Việt Nam thay đổi bản lĩnh trong cách ứng xử với Trung Quốc, thay vì bị động, nhu nhược như từ xưa tới nay có thể trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và nhất là độc lập hơn trong mọi giao dịch với Trung Quốc. Nhưng thời gian vừa qua cho thấy hầu như bài diễn văn của ông Pompeo chưa đủ khả năng gây phản ứng tích cực từ Hà Nội khi Việt Nam tiếp tục bưng bít những thông tin mà nước Mỹ đưa ra. Điển hình là tờ báo duy nhất và lớn nhất Việt Nam là VNExpress sau khi dịch và post lên toàn bộ bài diễn văn lịch sử này chỉ một ngày sau đã bị hạ xuống mất tăm. Hành động này giống như báo chí đưa tin hối lộ bị rút bài vì khác với quan điểm của Ban Tuyên giáo trung ương. Người dân tự hỏi không biết tại sao nhà nước lại làm như vậy, khi mà nước Mỹ như một cứu tinh duy nhất và khả thi đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông nhưng nhà nước lại phản ứng rất tiêu cực nếu không muốn nói là phủ nhận vai trò của nước Mỹ đối với chủ quyền đất nước hiện nay. Trả lời câu hỏi này chắc phải quay lại với hai điểm quan trọng mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài phát biểu mạnh mẽ và chuyên sâu của ông. Nó chứng tỏ rằng không ai hiểu rõ Trung Quốc hơn chính quyền Mỹ và vì hiểu nó nên Việt Nam chạnh lòng cho vị trí của mình trên bàn cờ thế giới. Ông Pompeo nhìn nhận: “Chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác – Lênin. Tổng bí thư Tập Cận Bình là một tín đồ đích thực của một ý thức hệ toàn trị phá sản”. Lời ghi nhớ của ông Pompeo khiến Hà Nội bối rối vì cho tới nay bất kể biến động thế nào đi nữa ông TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết hướng dẫn cả nước theo con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, nếu bắt tay với Mỹ ông Trọng sẽ không còn việc gì làm vì ông ta chỉ có duy nhất một giáo điều, duy nhất một căn tính và duy nhất một quyết tâm. Câu thứ hai của ông Pompeo làm cả hệ thống bất an hơn nữa: “Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã phớt lờ, hạ thấp những lời của những nhà bất đồng chính kiến ​​dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng tôi về bản chất của chế độ mà chúng tôi phải đối mặt.” Theo thống kê của nhiều tổ chức nhân quyền thế giới Việt Nam đang giam giữ hơn 270 người có tư tưởng và hành động bảo vệ nhân quyền, cạnh đó danh sách của người bất đồng chính kiến đang bị theo dõi, trù dập, đe dọa lên tới hơn 300 người khác. Đây là sự thật, là mối quan ngại của Việt Nam khiến các nỗ lực bắt tay với Mỹ để làm đối trọng trước hiểm họa bị Trung Quốc áp chế, bức tử bị bỏ qua. Khi TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn còn sợ hãi không dám đánh đổi thứ lý thuyết hoang tưởng do ông trót hấp thụ mà không thể tiêu hóa nhưng thứ lý thuyết ấy giúp ông và Đảng cộng sản Việt Nam tại vị, ít nhất cho tới khi nào người trong đảng can đảm đồng loạt bày tỏ sự chống đối do bị áp chế bằng các phần thưởng lấy từ nhân dân quá lâu thì may ra Việt Nam mới có cơ hội nói không với Trung Quốc. Lúc đó vế thứ hai mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nói sẽ tự nhiên được hóa giải vì lúc ấy nỗi lo mất đảng không còn nữa. Những nút thắt này ông Trọng có đủ can đảm vì dân vì nước hay không sẽ còn kéo dài, ít nhất sau Đại hội Đảng lần thứ 13 thì nhân dân mới vỡ òa lên được. canhco’s blog  
......

21 quan điểm đá tảng của chính quyền TT Donald Trump về CHND Trung Hoa

Nguyen Ngoc Chu| I-KHÔNG CHỈ LÀ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI Với lịch sử hơn 3000 năm, bắt đầu từ cuộc xâm lược của giặc Ân, Việt Nam phải đối mặt với gần 20 cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc, thiết tưởng Việt Nam hiểu Trung Quốc hơn bất cứ quốc gia phương Tây nào. Với lịch sử 71 năm từ khi ra đời (01/10/1949) chính thể Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam bị Cộng sản Trung Quốc đâm lén hàng ngàn mũi dao cho đến khi không thể che đậy phải lộ diện bằng cuộc chiến tranh xâm lược 10 năm 1979-1989, thiết tưởng người Việt Nam hiểu Cộng sản Trung Quốc hơn bất cứ người phương Tây nào. Khi TT Donald Trump phải lên thang, xuống thang trong suốt hơn 2 năm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thiết nghĩ Hoa Kỳ khó tránh khỏi kế sách hoãn binh “mèo vờn chuột” của Trung Quốc: bề ngoài tưởng là lép vế nhún nhường cam chịu, nhưng bên trong lại là người dẫn dắt nhịp điệu cuộc chơi. Khi TT Donald Trump tiến hành chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thiết tưởng chỉ vì mục đích lợi ích, thoả thuận được sự nhân nhượng lợi ích từ Trung Quốc là dừng. Hôm nay, đọc bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/7/2020 tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Nixon ở California, mới vững dạ, rằng TT Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo hiểu Cộng sản Trung Quốc hơn Việt Nam, rằng Hoa Kỳ không dừng ở chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. II- 21 QUAN ĐIỂM ĐÁ TẢNG CỦA CHÍNH QUYỀN TT DONALD TRUMP VỀ CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, có tiêu đề “Trung Quốc Cộng sản và Tương lai Thế giới Tự do” – là bài cuối cùng trong chuỗi 4 bài phát biểu về Trung Quốc của các “chiến tướng” trong chính quyền của TT Donald Trump. Đó là: Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien nói về ý thức hệ, Giám đốc FBI Chris Wray nói về gián điệp, và Bộ trưởng Tư pháp Barr nói về kinh tế. Ngoại trưởng Pompeo đề cập: “Chúng tôi có một mục đích rất rõ ràng, một nhiệm vụ thực sự. Đó là để giải thích các mặt khác nhau của mối quan hệ Mỹ với Trung Quốc, sự mất cân bằng lớn trong mối quan hệ đó đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ, và các thiết kế của Đảng Cộng sản Trung Quốc để giành quyền bá chủ”. Sau đây là 21 quan điểm đá tảng của chính quyền TT Donald Trump về Trung Quốc rút ra từ phát biểu “Trung Quốc Cộng sản và Tương lai Thế giới Tự do” của Ngoại trưởng Mike Pompeo. SAI LẦM BẢN LỀ CỦA HOA KỲ LÀ ĐÃ MỞ CỬA PHƯƠNG TÂY CHO ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC LÀM TRUNG QUỐC TRỞ THÀNH CON QUÁI VẬT FRANKENSTEIN Như thống đốc bang California Wilson cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo chọn Thư viện TT Nixon để nói về Trung Quốc – bởi chính TT Nixon cách đây gần 50 năm (1972) đã mở cửa cho Trung Quốc bước vào thế giới phương Tây. TT Nixon cho rằng thế giới không an toàn khi Trung Quốc chưa thay đổi. Và để Trung Quốc thay đổi thì mở cửa cho Trung Quốc tương tác. Nhưng chính TT Nixon đã sợ rằng sự mở cửa cho ĐCS Trung Quốc có làm cho Trung Quốc thay đổi? hay tạo ra con quái vật Frankenstein? Sau gần 50 năm, nỗi lo sợ của TT Nixon đã thành sự thật. Trung Quốc là con quái vật Frankenstein. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Năm tới đánh dấu nửa thế kỷ kể từ khi sứ mệnh bí mật của Tiến sĩ Kissinger đến Trung Quốc, và kỷ niệm 50 năm chuyến đi của Tổng thống Nixon không phải là quá xa vào năm 2022”. “Chúng tôi tưởng tượng sự kết hôn với Trung Quốc sẽ tạo ra một tương lai với lời hứa sáng sủa về sự hợp tác và hợp tác”. “Nhưng hôm nay – hôm nay tất cả chúng ta vẫn đeo mặt nạ và chứng kiến ​​số lượng cơ thể đại dịch gia tăng vì ĐCSTQ thất bại trong lời hứa với thế giới. Chúng tôi đã đọc mỗi sáng những tiêu đề mới về sự đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương”. “Chúng tôi đã thấy các số liệu thống kê đáng kinh ngạc về các vụ lạm dụng thương mại của Trung Quốc gây thiệt hại cho việc làm của Mỹ và giáng những đòn mạnh vào các nền kinh tế trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả ở miền nam California. Và chúng tôi đang theo dõi một quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn và thực sự đáng sợ hơn”. “Người dân Mỹ phải thể hiện điều gì sau 50 năm kể từ khi đính hôn với Trung Quốc”? “Kiểu đính hôn mà chúng ta đang theo đuổi đã không mang lại sự thay đổi bên trong Trung Quốc mà Tổng thống Nixon đã hy vọng diễn ra”. “Tổng thống Nixon đã từng nói, ông sợ rằng ông đã tạo ra một quái vật Frankenstein bằng cách mở cửa thế giới cho ĐCSTQ, và chúng ta đang ở đây !”. PHÁ BỎ DI SẢN CỦA TT NIXON. MÔ HÌNH HỢP TÁC VỚI TRUNG QUỐC LÀ THẤT BẠI VÀ KHÔNG ĐƯỢC QUAY LẠI Đó là quan điểm rõ ràng của chính quyền TT Doanald Trump: “Chúng ta phải thừa nhận một sự thật phũ phàng sẽ hướng dẫn chúng ta trong những năm và thập kỷ tới, rằng nếu chúng ta muốn có một thế kỷ 21 tự do, chứ không phải thế kỷ Trung Quốc mà Tập Cận Bình mơ ước, mô hình cũ về sự hôn ước mù quáng với Trung Quốc, đơn giản là không đưa đến thành công. Chúng ta không được tiếp tục và chúng ta không được quay lại nó”. TRUNG QUỐC LÀ KẺ PHẢN TRẮC Hãy nghe sự thừa nhận của Ngoại trưởng Pompeo về sự phản trắc của Trung Quốc: “Sự thật là các chính sách của chúng ta – và của các quốc gia tự do khác – đã hồi sinh nền kinh tế thất bại của Trung Quốc, chỉ để thấy Bắc Kinh cắn những cánh tay quốc tế đang nuôi dưỡng nó”. “Chúng ta mở rộng vòng tay với công dân Trung Quốc, chỉ để thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác xã hội tự do và cởi mở của chúng ta. Trung Quốc đã gửi các nhà tuyên truyền vào các cuộc họp báo, trung tâm nghiên cứu, trường trung học, trường cao đẳng và thậm chí vào các cuộc họp PTA của chúng ta”. HOA KỲ VÀ PHƯƠNG TÂY ĐÃ SAI LẦM KHI LIÊN TIẾP NHÂN NHƯỢNG TRUNG QUỐC ĐỂ ĐỔI LẠI THỊ TRƯỜNG “Chúng ta đã cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính thể của nó một đối xử kinh tế đặc biệt, chỉ để thấy ĐCSTQ khăng khăng im lặng trước các vi phạm nhân quyền của nó, như là giá trao đổi để các công ty phương Tây vào Trung Quốc”. “Đại sứ O Brien đã đánh dấu một vài ví dụ ở ngày hôm trước: Marriott, American Airlines, Delta, United đều xóa các nguồn dẫn về Đài Loan khỏi các trang web công ty của họ, để không chọc giận Bắc Kinh”. “Ở Hollywood, cách đây không xa – tâm điểm của tự do sáng tạo của Mỹ, có những người tự chỉ định mình là trọng tài phán xét công bằng xã hội – đã tự kiểm duyệt ngay cả những nguồn dẫn nhẹ nhàng nhất về Trung Quốc”. “Việc thành lập công ty này đối với ĐCSTQ cũng xảy ra trên toàn thế giới”. TRUNG QUỐC CƯỚP BÓC VÀ ĐỘT KÍCH HOA KỲ “Và các công ty này đã làm việc nhiệt thành như thế nào? Nịnh hót của nó có được đền đáp lại không? Tôi sẽ cung cấp cho bạn một trích dẫn từ bài phát biểu mà Tướng Barr đã đưa ra, Tổng chưởng lý Barr. Trong một bài phát biểu tuần trước, ông nói rằng, “Tham vọng tối hậu của những người cầm quyền Trung Quốc không phải là thương mại với Hoa Kỳ. Nó là để đột kích Hoa Kỳ”. “Trung Quốc xé toạc tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của chúng ta, nguyên do của hàng triệu việc làm trên khắp nước Mỹ”. “Nó hút chuỗi cung ứng ra khỏi Mỹ”. TRUNG QUỐC NGÀY CÀNG ĐỘC ĐOÁN Ở TRONG NƯỚC VÀ HUNG HĂNG THÙ ĐỊCH VỚI BÊN NGOÀI Mở cửa cho Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thay đổi về hướng tốt hơn, mà ngược lại: “Dù lý do là gì – bất kể lý do là gì, ngày nay Trung Quốc ngày càng độc đoán ở nhà, và hung hăng hơn trong sự thù địch với tự do ở mọi nơi khác”. Và TT Donald Trump đã quyết định chấm dứt: “Đủ rồi”. ĐỐI THOẠI VỚI TRUNG QUỐC LÀ VÔ VỌNG Ngoại trưởng Mike Pompeo đi guốc trong bụng các nhà ngoại giao Trung Quốc. Ông chỉ ra trong đàm phán, Trung Quốc muôn thuở lặp lại sách cũ, nói nhiều nhưng thực chất không có một đề xuất nào. Trung Quốc chỉ chờ đợi đối phương sốt ruột, mắc sai lầm mà thay đổi. Đây là một nhận xét kinh điển cho Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc. Hãy xem ông Pompeo nói về đàm phán với Dương Khiết Trì: “Chỉ vài tuần trước, Tôi đã đến Honolulu để gặp Dương Khiết Trì”. “Đó vẫn là câu chuyện cũ – đầy từ ngữ, nhưng thực chất không có đề nghị nào để thay đổi bất kỳ hành vi nào”. “Lời hứa của Dương, giống như rất nhiều ĐCSTQ đưa ra trước ông ta, trống rỗng. Tôi cho rằng, sự kỳ vọng của ông ta là tôi đã đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì thật lòng mà nói, đây là điều mà quá nhiều chính quyền trước đây đã làm. Tôi đã không, và Tổng thống Trump cũng không”. Nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Dương Khiết Trì và ngoại giao Trung Quốc thật bổ ích cho Việt Nam. ƯỚC MUỐN NHIỀU THẬP KỶ CỦA TẬP CẬN BÌNH LÀ THỐNG TRỊ THẾ GIỚI Đây là nhận định chính xác và thẳng thắng của Ngoại trưởng Pompeo, đúng tim đen của Tập Cận Bình: “Như Đại sứ OBrien đã giải thích rất tốt, chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ ĐCSTQ là chế độ Mác – Lênin. Tổng Bí thư Tập Cận Bình là một người thực sự tin tưởng vào một hệ tư tưởng toàn trị phá sản”. “Đó là ý thức hệ này, đã thông báo ước muốn dài hàng thập kỷ của ông ta về quyền bá chủ toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Nước Mỹ không còn có thể bỏ qua những khác biệt chính trị và ý thức hệ cơ bản giữa các nước chúng ta, giống như ĐCSTQ chưa bao giờ bỏ qua chúng”. KHÔNG ĐƯỢC TIN TRUNG QUỐC Nếu trước đây, TT Regan tin tưởng vào Liên Xô, thì Ngoại trưởng Mike Pompeo để lại lời nguyền là không được tin Trung Quốc. Đây là kinh nghiệm cả đời ông cho đến lúc này. Ông nói: “Kinh nghiệm của tôi trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, và sau đó là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, và hơn hai năm nay là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đưa tôi đến sự hiểu biết trung tâm này: Rằng chỉ một cách duy nhất – cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc cộng sản là hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà là cách họ hành xử. Và bạn có thể thấy chính sách của Mỹ đáp ứng với kết luận này. Tổng thống Reagan nói rằng ông đã giao dịch với Liên Xô trên cơ sở “tin tưởng nhưng xác minh”. Khi đến với ĐCSTQ, tôi nói chúng ta phải không tin tưởng và xác minh”. GIAO DỊCH VỚI TRUNG QUỐC KHÔNG ĐƯỢC THEO LỐI THÔNG THƯỜNG MÀ PHẢI CÓ CÁCH HÀNH XỬ KHÁC Trung Quôc không như các quốc gia khác. Giao dịch với Trung Quốc phải khác biệt, không theo lối thông thường. Đây là một kết luận để đời nữa của Mike Pompeo: “Chúng tôi biết rằng giao dịch với Trung Quốc không giống như giao dịch với một quốc gia bình thường, tuân thủ luật pháp. Bắc Kinh đe dọa các thỏa thuận quốc tế, coi các đề xuất quốc tế như là ống dẫn cho sự thống trị toàn cầu”. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Mỹ có đối sách thích hợp: “Nhưng bằng cách nhấn mạnh vào các điều khoản công bằng, như đại diện thương mại của chúng tôi đã làm khi đảm bảo thỏa thuận thương mại giai đoạn một của chúng tôi, chúng tôi có thể buộc Trung Quốc nghĩ đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các chính sách gây tổn hại cho người lao động Mỹ”. “Chúng tôi cũng biết rằng làm kinh doanh với một công ty được hỗ trợ bởi ĐCSTQ không giống như làm kinh doanh với một công ty Canada. Họ không trả lời cho các hội đồng độc lập, và nhiều người trong số họ được tài trợ bởi nhà nước, và do đó không có nhu cầu theo đuổi lợi nhuận. Một ví dụ điển hình là Huawei. Chúng tôi đã chấm dứt sự giả vờ của Huawei là một công ty viễn thông vô tội – chỉ xuất hiện để đảm bảo bạn có thể nói chuyện với bạn bè của mình. Chúng tôi đã gọi nó đúng như bản chất của nó – một mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự – và chúng tôi đã hành động tương ứng. Chúng tôi cũng biết rằng, nếu các công ty của chúng tôi đầu tư vào Trung Quốc, họ có thể tế nhị hoặc không tế nhị hỗ trợ các vi phạm nhân quyền thô bạo của Đảng Cộng sản. Do đó, Bộ Tài chính và Thương mại của chúng tôi đã xử phạt và đưa vào danh sách đen các nhà lãnh đạo và thực thể Trung Quốc đang làm hại và lạm dụng các quyền cơ bản nhất cho mọi người trên toàn thế giới. Một số cơ quan đã làm việc cùng nhau trong một tư vấn kinh doanh để đảm bảo các CEO của chúng tôi được thông báo về cách thức chuỗi cung ứng của họ hoạt động bên trong Trung Quốc”. SINH VIÊN TRUNG QUỐC ĐẾN MỸ ĐỂ LÀM GIÁN ĐIỆP VÀ ĐỂ ĂN CẮP SÁNG CHẾ Việc cử người đến nước khác hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật là chuyện thường tình. Điều đặc biệt của Trung Quốc là đã cử hàng chục ngàn sinh viên đến Mỹ học để làm gián điệp, để ăn cắp sáng chế, để tuyên truyền cho Trung Quốc. Mỹ đã nhận ra điều này, đang có biện pháp đối phó – bao gồm trục xuất hàng loạt. Đây là bài học đắt giá cho phương Tây. Ông Pompeo nhận xét: “Chúng tôi cũng biết rằng không phải tất cả sinh viên và nhân viên Trung Quốc chỉ là sinh viên và công nhân bình thường đến đây để kiếm một ít tiền và thu thập cho mình một số kiến ​​thức. Quá nhiều người trong số họ đến đây để đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi và đưa điều này trở lại đất nước của họ. Bộ Tư pháp và các cơ quan khác đã mạnh mẽ theo đuổi hình phạt cho những tội ác này”. QUÂN ĐỘI TRUNG QUỐC LÀ QUÂN ĐỘI KHÔNG BÌNH THƯỜNG VÀ PHẢI ĐỐI PHÓ THEO CÁCH KHÁC Người Mỹ đã nhận thấy Trung Quốc là đất nước không bình thường, sinh viên Trung Quốc không bình thường và quân đội Trung Quốc lại càng không bình thường. Và Mỹ đã có cách đối phó với quân đội Trung Quốc: “Chúng tôi biết rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân cũng không phải là một đội quân bình thường. Mục đích của nó là duy trì sự cai trị tuyệt đối của giới tinh hoa Đảng Cộng sản Trung Quốc và mở rộng đế quốc Trung Quốc, không phải để bảo vệ người dân Trung Quốc. Và vì vậy, Bộ Quốc phòng của chúng ta đã tăng cường nỗ lực, tự do hoạt động hàng hải ra ngoài và khắp Biển Đông và Biển Nam Trung Hoa, và ở Eo biển Đài Loan. Và chúng tôi đã tạo ra một Lực lượng Không gian để giúp ngăn chặn Trung Quốc khỏi sự xâm lược trên biên giới cuối cùng đó. Và cũng vậy, thành thật mà nói, chúng tôi đã xây dựng một bộ chính sách mới tại Bộ Ngoại giao đối phó với Trung Quốc, đẩy các mục tiêu của Tổng thống Trump về sự công bằng và có đi có lại, để viết lại sự mất cân bằng đã phát triển trong nhiều thập kỷ. Chỉ trong tuần này, chúng tôi đã tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vì đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Chúng tôi đã đảo ngược, hai tuần trước, tám năm thay đổi liên quan đến luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc rằng các khả năng hạt nhân của họ phải tuân thủ với chiến lược thực tế của thời đại chúng ta. Và Bộ Ngoại giao – ở mọi cấp độ, trên toàn thế giới – đã tiếp xúc với các đối tác Trung Quốc chỉ đơn giản là để đòi hỏi sự công bằng và có đi có lại”. TÁCH BIỆT NHÂN DÂN TRUNG QUỐC VỚI ĐCS TRUNG QUỐC Nhân dân luôn khác biệt với nhà cầm quyền. Chỉ có nhà cầm quyền tồi tệ. Còn với nhân dân – luôn là hữu nghị hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ. Trong quan hệ với Trung Quốc, người Việt Nam luôn rạch ròi điều này. Và người Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, cũng vậy: “Chúng ta cũng phải tham gia và trao quyền cho người dân Trung Quốc – một dân tộc năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó bắt đầu với ngoại giao trực tiếp. Tôi đã gặp những người đàn ông và phụ nữ Trung Quốc với tài năng lớn và sự siêng năng bất cứ nơi nào tôi đi. Tôi đã gặp những người Uyghur và người dân tộc Kazakhstan đã trốn thoát khỏi các trại tập trung Tân Cương. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân chủ Hồng Kông, từ Hồng y giáo chủ Zen cho đến Jimmy Lai. Hai ngày trước tại Luân Đôn, tôi đã gặp gỡ với chiến binh vì tự do của Hong Kong Nathan Law. Và tháng trước trong văn phòng của tôi, tôi đã nghe những câu chuyện về những người sống sót ở Quảng trường Thiên An Môn. Một trong số họ ở đây hôm nay. Wang Dan là một sinh viên chủ chốt chưa bao giờ ngừng chiến đấu vì tự do cho người dân Trung Quốc. Ông Wang, bạn vui lòng đứng để chúng tôi có thể nhận ra bạn chứ? Cũng với chúng tôi hôm nay là cha đẻ của phong trào dân chủ Trung Quốc, Wei Jingsheng. Ông đã trải qua hàng thập kỷ trong các trại lao động Trung Quốc để vận động. Anh Wei, anh sẽ đứng lên chứ?” ĐCS TRUNG QUỐC LUÔN NÓI DỐI, KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO 1,4 TỶ DÂN TRUNG QUỐC, VÀ SỢ LỜI NÓI THẬT CỦA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC Hãy nghe Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận xét: “Tôi lớn lên và phục vụ Quân đội trong Chiến tranh Lạnh. Và nếu có một điều tôi học được, những người cộng sản hầu như luôn nói dối. Lời nói dối lớn nhất mà họ nói, là nghĩ rằng họ nói cho 1,4 tỷ người bị giám sát, áp bức và sợ hãi nói ra. Hoàn toàn ngược lại. ĐCSTQ sợ người dân Trung Quốc, ý kiến ​​trung thực hơn bất kỳ kẻ thù nào”. “Chỉ cần nghĩ rằng thế giới sẽ tốt hơn bao nhiêu – không kể đến những người bên trong Trung Quốc – nếu chúng ta có thể nghe được từ các bác sĩ ở Vũ Hán và họ được phép đưa ra báo động về sự bùng nổ của chủng loại virus mới”. ỦNG HỘ NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN Ở TRUNG QUỐC Đây là kết luận rút ra của Ngoại Trưởng Mike Pompeo: “Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã phớt lờ, hạ thấp những lời của những nhà bất đồng chính kiến ​​dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng tôi về bản chất của chế độ mà chúng tôi phải đối mặt. Và chúng ta không thể bỏ qua được nữa”. ĐCS TRUNG QUỐC LẶP LẠI CÁC SAI LẦM CỦA LIÊN XÔ – KHÔNG THỪA NHẬN SỞ HỮU TƯ NHÂN Một nhận xét mang tính quy luật của Ngoại trưởng Pompeo, rằng các sai lầm lặp lại của ĐCS Trung Quốc sẽ dẫn đến sự thay đổi Trung Quốc: “ĐCSTQ đang lặp lại một số sai lầm tương tự mà Liên Xô đã gây ra – xa lánh các đồng minh tiềm năng, phá vỡ niềm tin trong và ngoài nước, từ chối quyền sở hữu”. “Nhưng thay đổi hành vi của ĐCSTQ không thể là nhiệm vụ của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải làm việc để bảo vệ tự do. Nhưng tôi có niềm tin chúng ta có thể làm được”. “Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin vì sự thức tỉnh mà tôi thấy trong số các quốc gia khác biết rằng chúng ta không thể quay về quá khứ giống như cách chúng ta làm ở Mỹ. Tôi đã nghe điều này từ Brussels, tới Sydney, Hà Nội”. TRUNG QUỐC PHỤ THUỘC VÀO THẾ GIỚI NHIỀU HƠN THẾ GIỚI PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC Đây là một nhận xét mấu chốt của Mike Pompeo, rằng đừng sợ ly dị với Trung Quốc.Vì có nhiều người sợ ly dị với Trung Quốc thì kinh tế sụp đổ, ý thức hệ sụp đổ: “Khác với Liên Xô, Trung Quốc hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn chúng ta”. KHÔNG THAY ĐỔI TRUNG QUỐC THÌ TRUNG QUỐC SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI Đây phải nói là lời nguyền. Đây phải nói là TT Donald Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo hiểu chính thể Trung Quốc hiện nay hơn bất cứ ai: “Nếu thế giới tự do không thay đổi – không thay đổi, Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta”. “Bảo vệ các quyền tự do của chúng ta khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc là sứ mệnh của thời đại chúng ta, và nước Mỹ có vị trí hoàn hảo để lãnh đạo nó bởi vì các nguyên tắc sáng lập của chúng ta cho chúng ta cơ hội đó”. “ĐCSTQ sẽ làm xói mòn các quyền tự do của chúng ta, và phá vỡ trật tự dựa trên các quy tắc mà xã hội của chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ để xây dựng. Nếu chúng ta uốn cong đầu gối bây giờ, con của con chúng ta có thể phải chịu sự thương xót của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. TẬP CẬN BÌNH KHÔNG PHẢI SINH RA ĐỂ ĐỘC TRỊ TRONG VÀ NGOÀI TRUNG QUỐC Rất đanh thép và rõ ràng, Ngoại trưởng Pompeo đã gửi đi một thông điệp cho nhân dân Trung Quốc và thế giới và cho chính Tập Cận Bình về vị trí của Tập Cận Bình: “Tổng bí thư Tập không được định sẵn để độc trị trong và ngoài Trung Quốc mãi mãi, trừ khi chúng ta cho phép”. Đây là lời cảnh tỉnh sấm rền cho những ai sợ và chịu khuất phục trước Tập Cận Bình. KHUYẾN KHÍCH CÁC NƯỚC NHỎ LIÊN MINH Không như trước đây, Hoa Kỳ đã hành động chống Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á, làm dũng cảm các nước nhỏ đang sợ hãi, và khuyến khích thành lập các liên minh mới cho các nước nhỏ vững dạ. “Chúng ta phải vẽ những đường chung trên cát không thể bị cuốn trôi bởi những mặc cả của ĐCSTQ”. “Thật vậy, đấy là những gì Hoa Kỳ đã làm gần đây khi chúng tôi bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông một lần và mãi mãi, cũng như chúng tôi đã thúc giục các nước trở thành Quốc gia Sạch để thông tin cá nhân của công dân không bị rơi vào tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi đã làm điều đó bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn”. “Nó khó khăn cho một số nước nhỏ. Họ sợ bị chọn ra. Một số trong số họ vì lý do đơn giản là không có khả năng, không có sự can đảm để sát cánh cùng chúng tôi trong lúc này”. “Có lẽ đã đến lúc thành lập cho một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ”. THÀNH LẬP LIÊN MINH CHỐNG TRUNG QUỐC Xuyên suốt bài phát biểu, Ngoại trưởng Mike Pompeo hướng tới lập một Liên minh Toàn cầu chống Trung Quốc. “Đây là thời điểm để các quốc gia tự do hành động. Không phải mọi quốc gia sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, họ cũng không nên như vậy. Mỗi quốc gia sẽ phải tự hiểu về cách bảo vệ chủ quyền của chính mình, cách bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế của chính mình và làm thế nào để bảo vệ lý tưởng của mình khỏi những xúc tu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. “Thách thức của Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực, năng lượng từ các nền dân chủ – những người ở Châu Âu, những người ở Châu Phi, những người ở Nam Mỹ và đặc biệt là những người ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. “Liên Xô đã bị đóng cửa khỏi thế giới tự do. Trung Quốc cộng sản đã ở trong biên giới của chúng ta”. “Vì vậy, chúng ta không thể đối mặt với thử thách này một mình. Liên hợp quốc, NATO, các nước G7, G20, sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự kết hợp của chúng ta chắc chắn đủ để đáp ứng thách thức này nếu chúng ta chỉ đạo rõ ràng và rất can đảm”. “Hôm nay nguy hiểm đã rõ. Và hôm nay sự thức tỉnh đang xảy ra. Hôm nay thế giới tự do phải phúc đáp. Chúng ta không bao giờ có thể quay lại quá khứ. Xin Chúa ban phước lành cho mỗi bạn. Xin Chúa ban phước lành cho người dân Trung Quốc. Và xin Chúa ban phước lành cho người dân Hoa Kỳ. Cảm ơn tất cả”. (https://www.state.gov/communist-china-and-the-free-worlds-future/). III. AI HIỂU ĐCS TRUNG QUỐC BẰNG CHÍNH QUYỀN TT DONALD TRUMP? Không thể trích ra ở đây cả trăm ý trong bài phát biểu tuyệt vời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Quả thật là khó có thể bỏ qua một từ nào trong chiến thư hiệu triệu này. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã loại bỏ hoàn toàn hoài nghi, rằng TT Donald Trump không hiểu Trung Quốc, mà chứng minh ngược lại, rằng TT Donald Trump hiểu Trung Quốc hơn nhiều lãnh đạo các quốc gia có lịch sử ngàn năm bang giao với Trung Quốc. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho thấy chính quyền của TT Donald Trump hiểu ĐCS Trung Quốc hơn chính những người cộng sản. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Hoa Kỳ biết những nước cờ của Trung Quốc. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho thấy chính quyền của TT Donald Trump không dừng ở chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, mà bắt đầu một tiến trình loại bỏ chính thể Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. LỜI NGUYỀN Đây là bài phát biểu kỳ diệu của Mike Pompeo. Kỳ diệu bởi ông đã để lại những lời nguyền về Trung Quốc. Hai trong số đó là: – “KHÔNG ĐƯỢC TIN TRUNG QUỐC”. – “NẾU CHÚNG TA KHÔNG THAY ĐỔI THÌ TRUNG QUỐC CỘNG SẢN SẼ THAY ĐỔI CHÚNG TA”.
......

FBI đã bắt nhà nghiên cứu Juan Tang

Le Anh| Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nâng cấp trong mấy ngày qua, ngoài việc đóng cửa Lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston còn truy lùng ‘bắt người’ đã làm gia tăng căng thẳng giữa 2 bên. Hoa Kỳ đã tiến hành bắt các nhân vật Trung Quốc được cho là các thành phần gián điệp có liên hệ đến Quân đội của Trung Quốc. Các cá nhân này bị buộc tội gian lận thị thực liên quan đến việc không trung thực về tình trạng của họ với tư cách là thành viên của lực lượng quân đội Trung Quốc, trong khi đang ở Mỹ với tư cách là nghiên cứu sinh. Hôm 24 Tháng Bảy, 2020, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo nhà nghiên cứu người Trung Quốc tên Đường Quyên (Juan Tan trốn trong Lãnh sự quán San Francisco) đã bị bắt vào tối 23 Tháng Bảy, 2020 vì không có quyền miễn trừ ngoại giao. Chính quyền liên bang Mỹ cũng đã bắt giữ ba nhà nghiên cứu Trung Quốc khác vì che giấu mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc. Theo ông John Brown, Trợ lý Giám đốc điều hành của Chi nhánh An ninh Quốc gia FBI cho biết, trên khắp nước Mỹ, FBI đã phát hiện ra âm mưu che giấu tư cách thực sự của những nhà nghiên cứu Trung Quốc để lợi dụng Hoa Kỳ và người dân Mỹ. Theo tài liệu của FBI cho biết vài trò của các nhân vật bị bắt có liên hệ đến Quân đội Trung Quốc như sau: - Juan TANG - Sĩ quan của Không quân Trung Quốc - Xin Wang - Thiếu tá quân đội Trung Quốc - Chen SONG - Làm việc cho Không quân Trung Quốc - Kaikai Zhao - Làm việc cho Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc. Được biết theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, mỗi cá nhân bị buộc tội gian lận thị thực có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm và phạt tiền lên tới 250.000 USD. Việc Lãnh sự quán Trung Quốc chứa chấp tội phạm (gián điệp?) đã cho dư luận khẳng định những lời tuyên bố của các quan chức Hoa kỳ rằng, Lãnh sự quán của Trung Quốc là ổ gián điệp là điều không sai. Lê Ánh  
......

Bài phát biểu của Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ - Mike Pompeo

Lê Quốc Quân| Bài phát biểu của Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ - Mike Pompeo tại Thư Viện Nixon về những điều đảng cộng sản Trung Quốc đã gây ra cho nước Mỹ và thế giới sau gần 50 năm Tổng thống Nixon đưa tay giúp đỡ họ hội nhập với thế giới. Ông cũng ca ngợi những người dân Trung Quốc và nêu lên những đối sách cần có đối với con "quái vật" đang trỗi dậy này. Tôi cho rằng đây là một bài phát biểu rất hay, chính xác và người Việt Nam chúng ta nên đọc kỹ, đặc biệt những ngừoi tham gia hoạt động chính trị. Tổng thống Trump đã nói "enough". Tôi nghĩ bây giờ là thời điểm.   Cảm ơn quý vị. Cảm ơn tất cả. Cảm ơn ngài, thưa ngài Thống đốc, vì lời giới thiệu rất, rất rộng lượng. Thật vinh dự khi được có mặt tại đây, Yorba Linda, nơi người cha của Nixon đã xây dựng ngôi nhà mà ông đã sinh ra và lớn lên. Tôi muốn nhận ra một số nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đầy can đảm đã kết thúc chuyến đi dài để tham gia với chúng ta ở đây hôm nay. Nhận xét của tôi hôm nay là tập hợp nhận xét thứ tư trong một loạt các bài phát biểu về Trung Quốc mà tôi đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Giám đốc FBI Chris Wray và Tổng chưởng lý Barr tập hợp lại giúp tôi. Chúng tôi có một mục đích rất rõ ràng, một nhiệm vụ rất cụ thể. Đó là giải thích các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, sự mất cân bằng lớn trong mối quan hệ đó đã được hình thành trong nhiều thập kỷ và các ý đồ của Đảng Cộng sản Trung Quốc để giành quyền bá chủ. Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ các mối đe dọa đối với nhân dân Hoa Kỳ, mà chính sách về Trung Quốc của Tổng thống Trump đã trình bày rất rõ ràng, và chiến lược của chúng tôi để bảo về các quyền tự do đã được thiết lập. Đại sứ O'Brien đã nói về ý thức hệ. Giám đốc FBI Wray đã nói về hoạt động gián điệp [của Trung Quốc]. Tổng chưởng lý Barr đã nói về các vấn đề kinh tế. Và bây giờ mục tiêu của tôi hôm nay là tổng hợp chúng lại cho người dân Hoa Kỳ, và nói chi tiết về mối đe dọa của Trung Quốc đối với nền kinh tế của chúng ta, đối với nền tự do của chúng ta và hơn nữa là cho tương lai của các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới. Năm tới sẽ tròn nửa thế kỷ kể từ sứ mệnh bí mật của Tiến sĩ Kissinger đến Trung Quốc, và kỷ niệm 50 năm chuyến đi của Tổng thống Nixon không còn quá xa vào năm 2022. Thế giới đã khác xưa rất nhiều. Chúng ta đã từng mường tượng rằng sự hợp tác với Trung Quốc sẽ tạo ra một tương lai với lời hứa đầy tươi sáng về sự hữu nghị và tinh thần hợp tác. Nhưng hôm nay - hôm nay tất cả chúng ta vẫn đang phải đeo khẩu trang và chứng kiến số người chết do đại dịch tăng lên vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thất hứa với thế giới. Mỗi buổi sáng, chúng ta đều đọc những tin tức nóng hổi về sự đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương. Chúng ta đang chứng kiến những con số thống kê đáng kinh ngạc về các vụ lạm dụng thương mại của Trung Quốc vốn đang gây thiệt hại cho việc làm của Mỹ và giáng những đòn mạnh vào các nền kinh tế trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả ở miền Nam California này. Và chúng ta đang chứng kiến quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn và thực sự đáng sợ hơn. Tôi sẽ lặp lại những câu hỏi vang lên trong trái tim và khối óc của nhân dân Hoa Kỳ từ đây, ở California, đến tiểu bang Kansas của tôi, và những nơi khác nữa: Nhân dân Hoa Kỳ phải thể hiện điều gì sau 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc? Liệu các lý thuyết của các nhà lãnh đạo của chúng ta đề xuất về một sự tiến hóa theo hướng tự do và dân chủ của Trung Quốc đã được chứng minh là đúng? Đây có phải là định nghĩa của Trung Quốc về một tình huống đôi bên cùng có lợi? Và thực sự, vấn đề trọng tâm, từ quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao, liệu Hoa Kỳ có đang trở nên an toàn hơn không? Liệu chúng ta có khả năng thiết lập nền hòa bình hơn cho bản thân chúng ta và cho các thế hệ tiếp theo hay không? Xin hãy quan sát , chúng ta cần thừa nhận một sự thật phũ phàng. Chúng ta phải thừa nhận một sự thật phũ phàng mà sẽ định hướng chúng ta trong những năm tới và thập kỷ tới, rằng nếu chúng ta muốn có một thế kỷ XXI tự do, và không phải thế kỷ Trung Quốc mà Tập Cận Bình đang mơ ước, thì mô hình cũ về mối quan hệ đầy mù quáng với Trung Quốc chỉ đơn giản là đã không giành chiến thắng. Chúng ta không được tiếp tục và chúng ta không được lặp lại. Như Tổng thống Trump đã nói rất rõ ràng, chúng ta cần một chiến lược bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ, và thực sự là bảo vệ lối sống của chúng ta. Thế giới tự do phải chiến thắng chế độ chuyên chế mới này. Bây giờ, trước khi tôi có vẻ quá háo hức phá bỏ di sản của Tổng thống Nixon, tôi muốn làm rõ rằng ông đã làm những gì ông tin là tốt nhất cho người dân Mỹ vào thời điểm đó, và ông có thể đã đúng. Ông là một học sinh xuất sắc của Trung Quốc, một chiến binh lạnh lùng đầy quả cảm và là một người rất ngưỡng mộ người dân Trung Quốc, giống như tôi nghĩ tất cả chúng ta đều vậy. Ông xứng đáng được tín nhiệm vì nhận ra rằng Trung Quốc quan trọng đến mức không thể bị bỏ qua, ngay cả khi quốc gia này bị suy yếu vì sự tàn bạo do chính những người cộng sản tự gây ra. Năm 1967, trong một bài báo rất nổi tiếng trên tạp chí ‘Foreign Affairs’, Nixon đã giải thích chiến lược tương lai của mình. Ông nói: “Xét trên quan điểm dài hạn, đơn giản là chúng ta không thể để Trung Quốc mãi mãi đứng bên ngoài đại gia đình các quốc gia. Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Vì vậy, mục tiêu của chúng ta - trong phạm vi chúng ta có thể, là chúng ta phải ảnh hưởng đến các sự kiện. Mục tiêu của chúng ta là tạo ra sự thay đổi”. Và tôi nghĩ đó là cụm từ chính trong toàn bộ bài viết: “tạo ra sự thay đổi”. Vì vậy, với chuyến đi lịch sử tới Bắc Kinh, Tổng thống Nixon đã khởi động chiến lược hợp tác của chúng ta. Ông đã tìm kiếm một thế giới tự do và an toàn hơn, một cách đầy cao thượng, và ông hy vọng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ trở về với cam kết đó. Rồi năm tháng trôi đi, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ ngày càng cho rằng khi Trung Quốc trở nên thịnh vượng hơn, nó sẽ cởi mở hơn, nó sẽ trở nên tự do hơn ở trong nước, và thực sự ít gây ra mối đe dọa ở nước ngoài, nó sẽ thân thiện hơn. Tất cả điều này dường như chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng thời đại của điều tất yếu đã qua. Kiểu quan hệ mà chúng ta đang theo đuổi đã không mang lại sự thay đổi bên trong Trung Quốc mà Tổng thống Nixon từng hy vọng tạo ra. Sự thật là các chính sách của chúng ta - và của các quốc gia tự do khác - đã hồi sinh nền kinh tế đang trên đà sụp đổ của Trung Quốc, chỉ để thấy Bắc Kinh đã đá vào cái bát đang nuôi dưỡng mình. Chúng tôi ta đã mở rộng vòng tay với công dân Trung Quốc, chỉ để thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác xã hội tự do và cởi mở của chúng ta. Trung Quốc đã gửi các nhà tuyên truyền vào các cuộc họp báo, trung tâm nghiên cứu, trường trung học, trường cao đẳng và thậm chí vào các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại ưu đãi của chúng ta. Chúng ta bỏ rơi người bạn của chúng ta - Đài Loan, nơi mà sau đó đã phát triển thành một nền dân chủ mạnh mẽ. Chúng ta đã cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính chế độ này sự đối xử kinh tế đặc biệt, chỉ để thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên quyết im lặng trước các vi phạm nhân quyền của mình và ra giá cho các công ty phương Tây muốn xâm nhập Trung Quốc. Mới hôm trước Đại sứ O'Brien đã chỉ ra một vài ví dụ: Marriott, American Airlines, Delta, United, tất cả các tập đoàn này đều loại bỏ các tài liệu tham khảo về Đài Loan khỏi các trang web của các tập đoàn của họ, để không làm Bắc Kinh tức giận. Ở Hollywood, cách đây không xa - tâm điểm của tự do sáng tạo của Mỹ, và những người tự quyết định công bằng xã hội – họ đã tự kiểm duyệt ngay cả với những đề cập ít bất lợi nhất cho Trung Quốc. Sự thỏa hiệp của các tập đoàn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng xảy ra trên toàn thế giới. Và sự nhiệt thành của các tập đoàn này đã vận hành như thế nào? Là sự nịnh hót của nó sẽ được khen thưởng? Tôi sẽ chỉ cho quý vị một trích dẫn từ bài phát biểu mà Tổng chưởng lý Barr đã đưa ra. Trong một bài phát biểu tuần trước, ông nói rằng: “Tham vọng cuối cùng của các nhà cai trị Trung Quốc không phải là giao dịch với Hoa Kỳ. Nó là để tấn công Hoa Kỳ”. Trung Quốc đã ăn cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của chúng ta, làm mất hàng triệu việc làm trên khắp nước Mỹ. Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng rời khỏi Hoa Kỳ, và đã sử dụng lao động với cách thức giống hệt như với những nô lệ. Trung Quốc đã khiến cho các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trở nên kém an toàn hơn cho thương mại quốc tế. Tổng thống Nixon đã từng nói ông sợ rằng ông đã tạo ra một con quái vật bằng cách giúp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hội nhập với thế giới, và chúng ta đang phải đối mặt với con quái vật ấy. Bây giờ, những người trung thực có thể tranh luận tại sao các quốc gia tự do cho phép những điều tồi tệ này xảy ra trong suốt những năm qua. Có lẽ chúng ta đã ngây thơ về chủ nghĩa cộng sản đầy mạnh mẽ của Trung Quốc, hay về chiến thắng nối tiếp chiến thắng của chúng ta trong Chiến tranh Lạnh, hay bởi các nhà tư bản điên cuồng, hay bị che giấu bởi diễn ngôn về sự trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh. Dù lý do là gì - bất kể lý do là gì, ngày nay Trung Quốc ngày càng độc đoán ở trong nước, và hung hăng hơn trong sự thù địch với nền tự do tại mọi quốc gia khác. Và Tổng thống Trump đã nói: “Thế là đủ”. Tôi không nghĩ nhiều người đang ở phe đối lập sẽ tranh cãi về sự thật mà tôi nêu ra hôm nay. Nhưng ngay cả bây giờ, một số người vẫn khăng khăng rằng chúng ta nên duy trì mô hình đối thoại, chỉ vì mục đích đối thoại. Bây giờ, để rõ ràng, chúng ta sẽ tiếp tục nói chuyện. Nhưng những cuộc trò chuyện ngày nay thì khác. Tôi đã tới Honolulu vài tuần để gặp Dương Khiết Trì. Vẫn là câu chuyện cũ – quá nhiều ngôn từ, nhưng về bản chất không có đề nghị thay đổi bất kỳ hành vi nào. Những lời hứa của ông Dương, giống như rất nhiều lời hứa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hứa từ trước đó, là trống rỗng. Tôi cho rằng sự kỳ vọng của ông ấy là tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, bởi vì thật lòng mà nói đây là điều mà quá nhiều chính quyền trong những nhiệm kỳ trước đã thực hiện. Tôi đã không thực hiện, và Tổng thống Trump cũng không. Như Đại sứ O'Brien đã giải thích rất tốt, chúng ta phải ghi nhớ rằng chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ Mác-xít – Lêninít. Tổng Bí thư Tập Cận Bình là một người tin tưởng thực sự vào một hệ tư tưởng toàn trị vốn đã bị phá sản. Ý thức hệ này, chính cái ý thức hệ này đã khẳng định khát vọng kéo dài hàng thập kỷ của ông đối với quyền bá chủ toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Hoa Kỳ không còn có thể bỏ qua những khác biệt chính trị và ý thức hệ cơ bản giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giống như Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ bỏ qua chúng. Kinh nghiệm của tôi trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, và sau đó là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương, và giờ là hai năm làm Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa tôi đến sự hiểu biết cơ bản này: Đó là cách duy nhất - cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc cộng sản là hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà dựa trên cách họ hành xử. Và quý vị có thể thấy chính sách của Mỹ phù hợp với kết luận này. Tổng thống Reagan nói rằng ông đã giao dịch với Liên Xô trên cơ sở “lòng tin tưởng và sự xác nhận”. Khi nói đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi nói chúng ta buộc phải mất đi “lòng tin tưởng và sự xác nhận”. Chúng ta, các quốc gia yêu tự do trên toàn thế giới, phải khiến Trung Quốc thay đổi, giống như Tổng thống Nixon từng mong muốn. Chúng ta phải khiến Trung Quốc thay đổi theo những cách sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi vì hành động của Bắc Kinh đe dọa nhân dân chúng ta và sự thịnh vượng của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách người dân và các đối tác của chúng ta nhìn nhận về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta phải nói sự thật. Chúng ta không thể coi sự hồi sinh này của Trung Quốc như thể đó là quốc gia bình thường, giống như bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng ta biết rằng giao dịch với Trung Quốc không giống như giao dịch với một quốc gia bình thường, tuân thủ luật pháp. Bắc Kinh đe dọa các thỏa thuận quốc tế, hoặc coi các đề xuất quốc tế - hoặc coi các đề xuất về thỏa thuận quốc tế, như là những công cụ cho sự thống trị toàn cầu của mình. Nhưng bằng cách nhấn mạnh vào các điều khoản công bằng, như đại diện thương mại của chúng ta đã làm khi giải cứu thỏa thuận thương mại giai đoạn một của chúng ta, chúng ta có thể buộc Trung Quốc nghĩ đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và các chính sách gây tổn hại cho người lao động Hoa Kỳ. Chúng ta cũng biết rằng làm ăn với một công ty được hỗ trợ bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc không giống như làm ăn với một công ty Canada. Các công ty này không cần trả lời các hội đồng độc lập, và nhiều công ty trong số chúng được tài trợ bởi nhà nước và do đó không cần phải theo đuổi lợi nhuận. Một ví dụ điển hình là Huawei. Chúng ta đã ngừng giả vờ coi Huawei là một công ty viễn thông vô tội vốn chỉ xuất hiện để đảm bảo các bạn có thể nói chuyện qua điện thoại với bạn bè của mình. Chúng ta đã gọi nó là một mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự - và chúng ta đã hành động một cách tương ứng. Chúng ta cũng biết rằng nếu các công ty của chúng ta đầu tư vào Trung Quốc, họ có thể khéo léo hoặc vô tình hỗ trợ cho những sự vi phạm nhân quyền đầy thô thiển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, Bộ Tài chính và Thương mại của chúng ta đã xử phạt và đưa vào danh sách đen các nhà lãnh đạo và các công ty Trung Quốc đang làm hại và lạm dụng các quyền cơ bản nhất cho mọi người dân trên toàn thế giới. Một số Bộ đã làm việc cùng nhau trong một tổ chức tư vấn kinh doanh để đảm bảo các Giám đốc điều hành của chúng ta được thông báo về cách thức chuỗi cung ứng của họ hoạt động bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Chúng ta cũng biết rằng không phải tất cả sinh viên và người lao động Trung Quốc chỉ là sinh viên và người lao động bình thường đến đây để kiếm một ít tiền và thu thập cho mình một số kiến thức. Quá nhiều người trong số họ đến đây để đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta và đưa những tài sản này trở lại đất nước của họ.Bộ Tư pháp và các cơ quan khác đã mạnh mẽ áp dụng hình phạt cho những tội ác này. Chúng ta biết rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng không phải là một đội quân bình thường. Mục đích của nó là duy trì sự cai trị tuyệt đối của giới cầm quyền trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và mở rộng một đế chế Trung Quốc, không phải để bảo vệ người dân Trung Quốc. Và vì vậy, Bộ Quốc phòng của chúng ta đã tăng cường nỗ lực, tự do hoạt động hàng hải ra ngoài và khắp Biển Đông, Biển Hoa Đông, và Eo biển Đài Loan. Và chúng ta đã tạo ra một Lực lượng Không gian để giúp ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc trên biên giới cuối cùng đó. Và cũng vậy, thật lòng mà nói, chúng ta đã xây dựng một bộ chính sách mới tại Bộ Ngoại giao đối phó với Trung Quốc, thúc đẩy các mục tiêu của Tổng thống Trump về sự công bằng và đôi bên cùng có lợi, để xóa bỏ sự mất cân bằng đã phát triển trong nhiều thập kỷ. Chỉ trong tuần này, chúng ta đã tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston vì đây là một trung tâm gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Hai tuần trước, chúng ta đã đảo ngược tiến trình kéo dài suốt tám năm qua đối với việc theo dõi sự tôn trọng pháp luật quốc tế trên Biển Đông. Chúng ta đã kêu gọi Trung Quốc cư xử mẫu mực đối với các khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân của mình phù hợp với các thực tế chiến lược của thời đại chúng ta. Và Bộ Ngoại giao - ở mọi cấp độ, trên toàn thế giới - đã tham gia với các đối tác Trung Quốc của chúng ta chỉ đơn giản là để đòi hỏi sự công bằng và đôi bên cùng có lợi. Nhưng cách tiếp cận của chúng ta không thể chỉ dừng lại ở điểm khó khăn đó. Nếu không, chúng ta khó có thể đạt được kết quả mà mình mong muốn. Chúng ta cũng phải tham gia và trao quyền cho người dân Trung Quốc đầy năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó bắt đầu với ngoại giao trực tiếp. Tôi đã gặp những người đàn ông và phụ nữ Trung Quốc có tài năng và đầy siêng năng ở bất cứ nơi nào tôi tới. Tôi đã gặp những người Ngô Duy Nhĩ và người dân tộc Kazakhstan trốn khỏi các trại tập trung của Tân Cương. Tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo dân chủ của Hồng Kông, từ Hồng y Zen đến Jimmy Lai. Hai ngày trước tại Luân Đôn, tôi đã gặp gỡ với võ sĩ tự do Hồng Kông, Nathan Law. Và tháng trước, trong văn phòng của tôi, tôi đã nghe những câu chuyện về những người đã sống sót sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. Một trong số họ đang có mặt ở đây hôm nay. Vương Đan từng là một thủ lĩnh sinh viên chưa bao giờ ngừng chiến đấu vì tự do cho người dân Trung Quốc. Ngài Vương, ngài vui lòng đứng dậy để chúng tôi có thể nhận ra ngài chứ? Cũng với chúng tôi hôm nay là người sáng lập phong trào dân chủ Trung Quốc, Ngụy Kinh Sinh. Ông đã dành nhiều thập kỷ trong các trại lao động Trung Quốc để vận động. Ngài Ngụy, ngài sẽ vui lòng đứng dậy chứ? Tôi lớn lên và phục vụ trong Quân đội suốt cuộc Chiến tranh Lạnh. Và nếu có một điều tôi học được, những người cộng sản hầu như luôn nói dối. Lời nói dối lớn nhất mà họ nói là nghĩ rằng họ nói cho 1,4 tỷ người bị giám sát, áp bức và sợ hãi nói ra sự thật. Hoàn toàn ngược lại. Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ những ý kiến trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào, và để cứu vãn cho sự mất dần quyền lực của chính họ, họ chỉ có lý do đó - không có lý do nào khác. Chỉ cần nghĩ rằng thế giới sẽ tốt hơn bao nhiêu - không kể đến những người bên trong Trung Quốc - nếu chúng ta có thể được lắng nghe từ các bác sĩ ở Vũ Hán và họ đã được phép gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng nổ của virus chủng mới. Trong rất nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng ta đã phớt lờ, coi thường những lời phát biểu của các nhà bất đồng chính kiến dũng cảm của Trung Quốc, những người đã cảnh báo chúng ta về bản chất của chế độ mà chúng ta đang phải đối mặt. Và chúng ta không thể bỏ qua nó nữa. Họ biết cũng như bất cứ ai tront chúng ta đều biết không bao giờ có thể quay lại hiện trạng cũ. Nhưng thay đổi hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể là nhiệm vụ của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải hành động để bảo vệ tự do. Đó là điều dễ dàng nhất Nhưng tôi có niềm tin rằng chúng ta có thể làm được. Tôi có niềm tin này bởi vì chúng ta đã thực hiện điều này từ trước đây. Chúng ta biết làm thế nào để tiếp tục thực hiện điều này. Tôi có niềm tin bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lặp lại một số sai lầm tương tự mà Liên Xô đã gây ra - xa lánh các đồng minh tiềm năng, phá vỡ niềm tin ở trong và ngoài nước, từ chối quyền sở hữu và nền pháp trị. Tôi có niềm tin. Tôi có niềm tin vì sự thức tỉnh mà tôi nhận thấy giữa các quốc gia khác, vốn đã biết rằng chúng ta không thể quay về quá khứ giống như cách chúng ta đang thực hiện ở Hoa Kỳ. Tôi đã nghe điều này từ Brussels, Sydney, và Hà Nội. Và hơn hết, tôi có niềm tin chúng ta có thể bảo vệ tự do vì chính sự hấp dẫn ngọt ngào của tự do. Hãy nhìn vào những người Hồng Kông đang kêu gọi di cư ra nước ngoài khi Đảng Cộng sản Trung Quốc siết chặt hơn thành phố đầy tự hào đó. Họ vẫy những lá cờ Hoa Kỳ. Đó là sự thật, nhưng có chút khác biệt. Khác với Liên Xô, Trung Quốc đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn chúng ta phụ thuộc vào họ. Hãy nhìn xem, tôi bác bỏ quan niệm rằng chúng ta đang sống trong một thời đại không thể tránh khỏi, rằng một cái bẫy nào đó đã được định sẵn, rằng quyền thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là tương lai của thế giới. Cách tiếp cận của chúng ta không phải là thất bại vì nước Mỹ đang suy tàn. Như tôi đã nói ở Munich đầu năm nay, thế giới tự do vẫn đang chiến thắng. Chúng ta chỉ cần tin và biết điều đó và tự hào về nó. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới vẫn muốn đến với các xã hội mở. Họ đến đây để học tập, họ đến đây để làm việc, họ đến đây để xây dựng cuộc sống cho gia đình họ. Họ không định cư tại Trung Quốc một cách đầy tuyệt vọng. Đến lúc rồi. Thật tuyệt khi được ở đây hôm nay. Thời điểm thật hoàn hảo. Đã đến lúc các quốc gia tự do phải hành động. Không phải mọi quốc gia sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cùng một cách, và họ cũng không nên như vậy. Mỗi quốc gia sẽ phải tự hiểu về cách bảo vệ chủ quyền của chính mình, cách bảo vệ sự thịnh vượng kinh tế của chính mình và làm thế nào để bảo vệ lý tưởng của mình khỏi những chiếc vòi bạch tuộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng tôi kêu gọi mọi nhà lãnh đạo của mọi quốc gia hãy bắt đầu bằng cách làm những gì mà Hoa Kỳ đã làm - chỉ đơn giản là kiên quyết đòi hỏi sự đôi bên cùng có lợi, kiên quyết đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ là những kẻ cai trị còn cách rất xa với sự phổ quát. Và những tiêu chuẩn đơn giản nhưng mạnh mẽ này sẽ đạt được rất nhiều kết quả. Chúng ta đã để cho ĐCSTQ thiết lập các điều khoản hội nhập quá lâu, nhưng giờ là lúc kết thúc. Các quốc gia tự do phải thiết lập lại tinh thần chung. Chúng ta phải hoạt động trên cùng các nguyên tắc. Chúng ta phải cùng nhau vẽ ra những ranh giới chung trên cát mà sẽ không thể bị cuốn trôi bởi những món hời hay những lời tán tỉnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thật vậy, đây là những gì Hoa Kỳ đã thực hiện gần đây khi chúng ta bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông một lần và mãi mãi, vì chúng ta đã thúc giục các nước trở thành “Các quốc gia minh bạch” để thông tin cá nhân của công dân họ không bị rơi vào tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta đã thực hiện điều đó bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn. Bây giờ, đúng là thực hiện điều này thật khó khăn. Đó là khó khăn cho một số nước nhỏ. Họ sợ bị loại ra. Một số trong số họ vì lý do đó đơn giản là không có khả năng, sự can đảm để sát cánh cùng chúng ta lúc này. Thật vậy, chúng ta có một đồng minh NATO đã không đứng lên theo cách mà nó cần đối với Hồng Kông vì họ sợ Bắc Kinh sẽ hạn chế quyền tiếp cận vào thị trường Trung Quốc. Đây là một sự nhu nhược sẽ dẫn đến thất bại lịch sử, và chúng ta không thể lặp lại nó. Chúng ta không thể lặp lại những sai lầm của những năm qua. Thách thức của Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực và năng lượng từ các nền dân chủ - những nền dân chủ ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và đặc biệt là những nền dân chủ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Và nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, cuối cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ làm xói mòn các quyền tự do của chúng ta và phá vỡ trật tự dựa trên các quy tắc mà xã hội của chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ để xây dựng lên. Nếu chúng ta quỳ gối vào lúc này, con cháu chúng ta có thể phải chịu ân huệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một đảng mà hành động của nó là thách thức chính thế giới tự do ngày nay. Tổng bí thư Tập Cận Bình không phải là kẻ được định sẵn để cai trị theo hướng chuyên chế hóa cả ở trong và ngoài Trung Quốc mãi mãi, trừ khi chúng ta cho phép ông ta hành động như vậy. Bây giờ, điều này không phải là về sự ngăn chặn. Đừng thực hiện điều đó. Đây là về một thử thách mới đầy phức tạp mà chúng ta chưa từng phải đối mặt. Liên Xô đã bị loại ra khỏi thế giới tự do. Quốc gia Trung Quốc cộng sản đã nằm trong các vòng vây của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể đối mặt với thử thách này một mình. Liên hợp quốc, Khối NATO, các nước G7, G20, các sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự kết hợp của chúng ta chắc chắn đủ để đáp ứng thách thức này nếu chúng ta chỉ hướng tới một cách dứt khoát với lòng can đảm lớn lao. Có lẽ đã đến lúc cho một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ. Chúng ta có các công cụ. Tôi biết chúng ta có thể làm điều đó. Bây giờ cái chúng ta cần là ý chí. Trích dẫn Kinh Thánh, tôi muốn hỏi là liệu “tinh thần của chúng ta có thể mạnh mẽ trong thân xác yếu đuối”? Nếu thế giới tự do không thay đổi - không thay đổi, đất nước Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Không thể quay lại các trạng thái trước đây vì chúng thoải mái hoặc vì chúng tiện lợi. Đảm bảo các quyền tự do của chúng ta trước Đảng Cộng sản Trung Quốc là sứ mệnh của thời đại chúng ta và nước Mỹ có vị trí hoàn hảo để lãnh đạo sứ mệnh này bởi vì các nguyên tắc sáng lập của chúng ta cho chúng ta cơ hội đó. Như tôi đã giải thích ở Philadelphia tuần trước, khi đứng trước và nhìn chăm chú vào Hội trường Độc lập, quốc gia của chúng ta được thành lập với tiền đề rằng tất cả loài người đều có những quyền nhất định không ai có thể xâm phạm được. Và đó là công việc của chính phủ chúng ta để đảm bảo các quyền đó. Đó là một sự thật đơn giản và mạnh mẽ. Nó khiến chúng ta trở thành ngọn hải đăng của tự do cho mọi người dân trên khắp thế giới, bao gồm cả những người dân Trung Quốc. Thật vậy, Richard Nixon đã đúng khi ông viết vào năm 1967 rằng thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Bây giờ chúng ta phải chú ý lời nói của ông. Mối nguy hiểm ngày hôm nay đã rất rõ ràng. Và hôm nay sự thức tỉnh đang xảy ra. Hôm nay thế giới tự do phải hành động. Chúng ta không bao giờ có thể quay lại quá khứ. Xin Chúa ban phước lành cho quý vị. Xin Chúa ban phước lành cho người dân Trung Quốc. Và xin Chúa ban phước lành cho người dân Hoa Kỳ. Xin cảm ơn tất cả quý vị./. (Bản lược dịch của dịch giả Nguyễn Trung Kiên) Bài phát biểu đầy đủ trên youtube nằm tại link sau : https://www.youtube.com/watch?v=7azj-t0gtPM  
......

Vì sao Hoa Kỳ chọn thế “đối đầu” với Trung Cộng ở Biển Đông vào lúc này

Ngoại Trưởng Hoa Lỳ Michael Pompeo. Ảnh: CNN Trung Điền – Việt Tân Vào năm 1995, dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, Hoa Kỳ lần đầu tiên công bố về Biển Đông là: “Không có quan điểm về các nội dung pháp lý của các yêu sách chủ quyền trên các đảo, đá, san hô và bãi khác nhau trong Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết theo nguyên tắc hòa bình trong các tranh chấp.” Năm 2010, khi Tổng Thống Obama đưa ra chính sách “xoay trục về Á Châu,” quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông được nâng cấp thành: “kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao tập thể, và khẳng định rằng Mỹ cùng các nước hưởng lợi từ tự do hàng hải trên Biển Đông.” Năm 2012 khi xảy ra vụ Trung Cộng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, tuy Hoa Kỳ vào lúc đó vẫn giữ thái độ trung lập, nhưng bắt đầu lên tiếng mạnh hơn trong việc yêu cầu các bên làm rõ những yêu sách trên Biển Đông theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Năm 2016, Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Obama đã lên án mạnh mẽ việc  Trung Cộng cải tạo và quân sự hóa các bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, đồng thời lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về Biển Đông qua vụ kiện của chính phủ Philippines đối với yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là phi pháp. Năm 2019, dưới thời Tổng Thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã một mặt tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và tuyên bố Biển Đông không là “ao nhà” của Trung Quốc, mặt khác cho rằng các yêu sách của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS 1982, và các nước có quyền làm những gì được luật quốc tế cho phép. Năm 2020, với tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Michael  Pompeo công bố vào ngày 13 tháng Bảy vừa qua cho thấy là trên nguyên tắc Hoa Kỳ không thay đổi lập trường về Biển Đông; nhưng từ vị trí trung lập cách nay 20 năm, Hoa Kỳ đã chuyển sang thế đối đầu khi xác định: “các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp… Hoa Kỳ đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi theo các quyền và nghĩa vụ của họ căn cứ theo luật quốc tế.” Nói cách khác, Hoa Kỳ không muốn dính đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ các đảo, bãi đá ngầm vì đó là chuyện giữa các nước đang tranh chấp phải thương thảo hay nhờ bên tòa án quốc tế giải quyết. Nhưng nếu vượt qua 12 hải lý từ các đảo mà đưa ra yêu sách đòi chủ quyền trên biển, thì Hoa Kỳ không chấp nhận, và cho đó là vi phạm luật pháp quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ đã đưa ra hai quyết sách quan trọng: 1/ Bác bỏ hoàn toàn yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough (Philippines), Bãi Tư Chính (Việt Nam), tại bãi cạn Luconia (Malaysia), đảo Natuna (Indonesia), bãi James (nằm cực Nam Biển Đông). 2/ Khẳng định bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các nước ở những vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện các hoạt động khai thác tài nguyên đó, đều là phi pháp. Có ba lý do, Hoa Kỳ đã chọn thế đối đầu với Trung Quốc qua tuyên bố của Ngoại Trưởng Pompeo vào ngày 13 tháng Bảy, 2020. Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sự đồng hành với khối ASEAN, nhất là với Philippines bằng một số hành động cụ thể, để buộc Trung Quốc phải tôn trọng và thi hành phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về UNCLOS vào ngày 12 tháng Bảy, 2016. Mục tiêu sâu xa của Hoa Kỳ là để tranh thủ Tổng Thống Dueterte của Philippines không ngả theo những dụ dỗ của Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn thấy rõ là để bảo vệ sự tự do hàng hải trên Biển Đông trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trên vùng biển này, thì chỉ có Philippines là quốc gia sẵn sàng đứng cùng với Hoa Kỳ chiến đấu, trong khi các quốc gia như  Malaysia, Indonesia, CSVN vẫn còn giữ khoảng cách vì sự e ngại trả đũa từ Trung Quốc. Thứ hai, Hoa Kỳ thấy rõ hướng đi của Bắc Kinh trong thời gian tới là áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đã được Trung Quốc xây dựng từ năm 2010, cùng thời điểm Bắc Kinh tuyên bố đơn phương lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Nếu để cho Bắc Kinh thiết lập ADIZ thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ không chỉ khống chế biển, lòng biển và cả bầu trời Biển Đông, khiến mọi máy bay khi bay qua khu vực Biển Đông đều phải xin phép. Do đó, Hoa Kỳ phải hành động trước bằng cách tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc là phi pháp để ít ra làm trì hoãn kế hoạch thiết lập ADIZ của Bắc Kinh hiện nay. Thứ ba, Hoa Kỳ đã đưa ba hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz tuần tra cùng lúc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ giữa tháng Sáu, trong đó hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đã có những cuộc tập trận tại vùng biển quanh khu vực Trường Sa. Điều này cho thấy là Hoa Kỳ không thể tiếp tục làm ngơ, mà phải sẵn sàng giúp các nước khác chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc khi đưa tàu của ngư dân mình ra đánh cá hay thực hiện các cuộc thăm dò dầu khí. Sự kiện hai công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Rosneft của Nga phải ngưng các dự án thăm dò dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam vì áp lực của Trung Quốc trong thời gian gần đây, khiến cho Hoa Kỳ không thể im lặng. Những quan điểm của Hoa Kỳ về Biển Đông nói trên, đã được lưỡng đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ra tuyên bố ủng hộ vì thế mà nó sẽ trở thành chính sách của Mỹ, qua đó Quốc Hội Hoa Kỳ có thể coi các hoạt động gây hấn quân sự, hoặc bắt nạt các nước ASEAN của Trung Quốc đều là phi pháp, để từ đó thiết lập những dự luật trừng phạt nhắm vào các công ty, quan chức Trung Quốc đã có những hành động phi pháp trên Biển Đông. Một cách cụ thể, theo ông David Stilwell, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ thì Quốc Hội sẽ có những biện pháp trừng phạt những công ty quốc doanh của Trung Quốc như Tập đoàn Xây Dựng và Thông Tin của Trung Quốc (CCCC) đã dẫn đầu trong việc phá san hô, cải tạo đá, xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo, bãi đá chìm; hay Tập đoàn Dầu Khí Ngoài Khơi Trung Quốc (CNOOC) đã đưa những giàn khoan thăm dò dầu khí một cách bất hợp pháp trong thềm lục địa của một số nước ASEAN. Tuyên bố của Hoa Kỳ, tuy giữ trung lập về vấn đề chủ quyền, nhưng không chấp nhận hành động bắt nạt, cướp đoạt tài nguyên ngoài khơi Biển Đông một cách thô bạo, coi thường luật pháp quốc tế bằng hành vi “cường quyền là công lý” của Trung Quốc. Tuyên bố này đã tạo một cơ sở cho các quốc gia trong ASEAN, mà cụ thể là Việt Nam, Philippines, Mã Lai tiếp tục đấu tranh bác bỏ toàn bộ các quy định phi lý của Trung Quốc trong việc cấm đánh bắt cá và chiến dịch Blue Code của Bắc Kinh trong việc cấm tất cả các hoạt động thăm dò đáy Biển Đông. Tuyên bố này, đặc biệt còn mở ra một cơ hội rất tốt để nhà cầm quyền CSVN nộp đơn lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển 1982. Nói tóm lại, tuyên bố của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hôm 13 tháng Bảy đã đẩy cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một trở nên gay gắt, nhưng ngược lại đây là cơ hội mà Việt Nam thể hiện tính độc lập, toàn vẹn chủ quyền để nộp hồ sơ pháp lý lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển, nhằm dùng chính luật pháp quốc tế bảo vệ sinh mệnh của bà con ngư dân và bảo vệ tài nguyên hải sản, dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam đã được quốc tế công nhận. Trung Điền  
......

Nhà virus học đến Mỹ tị nạn sau khi tiết lộ quan chức Trung Quốc che giấu COVID-19

Nhà virus học Trung Quốc – Tiến sĩ Li-Meng Yan, đang tị nạn tại Mỹ. (Ảnh cắt từ video phỏng vấn của Fox News) Thiện Thành (Theo Epoch Times)  - tinhhoa.net Một nhà virus học Hồng Kông tiết lộ cô được một quan chức chính quyền Trung Quốc cho biết virus Vũ Hán lây từ người sang người vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên mãi đến 21/1/2020, Bắc Kinh mới chính thức công bố thông tin này. Sau đó cô đã sang Mỹ tị nạn vì sợ bị trả thù, Epoch Times đưa tin Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, công bố vào ngày 10/7, Tiến sĩ Yan Li-Meng cho biết cô đã được người người giám sát của mình tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông chỉ định nghiên cứu một loại virus giống SARS, xuất hiện ở thành phố Vũ Hán và đang bùng phát vượt khỏi phạm vi thành phố vào cuối tháng 12 năm ngoái.  Do không thể có được thông tin trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc, Yan cho biết cô đã chuyển sang tiếp cận bạn của mình, một nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc, cũng là một trong những người có thông tin đầu tiên về vụ dịch. Người bạn của cô tiết lộ, chính quyền phát hiện dịch bệnh có khả năng  lây từ người sang người vào ngày 31/12. Nhưng họ chỉ đưa ra thông báo chính thức sự bùng phát của COVID-19 cùng ngày hôm đó. Đến ngày 21/1 họ mới xác nhận virus lây từ người sang người, Sau hơn 3 tuần lặp luận rằng có rất ít hoặc không có bằng chứng cho điều này. Sau khi công bố thông tin, Yan đã phải trốn sang Hoa Kỳ vào tháng 4/2020 và đã xin tị nạn vì sợ bị trả thù nếu trở về Hồng Kông. “Lý do tôi đến Hoa Kỳ là vì tôi gửi thông điệp công bố sự thật của COVID-19,” Yan nói với Fox News. Công bố từ các nhà khoa học cộng với các bằng chứng liên kết cho thấy Bắc Kinh đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát ban đầu những vẫn cố tình che đậy nó. Vào thời điểm Bắc Kinh thừa nhận virus lây truyền từ người sang người và phong tỏa toàn thành phố Vũ Hán, 5 triệu cư dân đã rời khỏi thành phố, phát tán virus ra khắp đất nước Trung Quốc và trên toàn thế giới. Yan cho biết khi cô báo cáo những phát hiện của mình về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh bùng phát cho người giám sát của mình vào giữa tháng 1/2020, cô được khuyên “phải giữ im lặng và thận trọng.” Lúc đó ông (người giám sát) đã cảnh báo tôi rằng, ‘đừng chạm vào vạch đỏ’. Chúng ta sẽ gặp rắc rối và chúng ta sẽ biến mất,” Yan nói với Fox News Nhiều tài liệu nội bộ của chính quyền Trung Quốc mà Epoch Times có được tiết lộ rằng các nhà chức trách đã liên tục báo cáo về số lượng các ca nhiễm COVID-19 ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Trung Quốc, kể cả những cụm dịch vừa mới xuất hiện trong những tháng gần đây ở Đông Bắc Trung Quốc và ngay thủ đô Bắc Kinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – nhiều lần ca ngợi sự minh bạch của Bắc Kinh trong việc xử lý đại dịch, gần đây đã sửa lại cách thông báo về sự bùng phát ban đầu của Trung Quốc trong tài khoản chính thức của mình. Trước đó, dòng thời gian trên trang chính thức của cơ quan này cho biết, các cơ quan y tế Trung Quốc đã công bố dịch bệnh vào ngày 31/12, nhưng sau đó họ cho hay văn phòng của họ ở Trung Quốc đã dựa vào một tuyên bố về các ca nhiễm COVID-19 (lúc đó họ gọi là bệnh viêm phổi do virus Vũ Hán) từ trang web truyền thông của Ủy ban Y tế thành phố. Tuần trước, Hoa Kỳ đã đệ trình một thông báo, tuyên bố chính thức rút khỏi WHO vì cho rằng tổ chức này tiếp tay chính quyền Trung Quốc che giấu đại dịch COVID-19. Được biết, cơ quan Liên Hợp Quốc này chỉ mới bắt đầu quá trình điều tra nguồn gốc của vụ dịch. Thiện Thành (Theo Epoch Times)  - https://tinhhoa.net/nha-virus-hoc-den-my-ti-nan-sau-khi-tiet-lo-quan-chuc-trung-quoc-che-giau-covid-19.html
......

Mỹ điều 2 tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới Biển Đông

Nguyễn Đình Trọng| TIN TỨC HY VỌNG! 1. Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông với âm mưu xấu xa. Ngày 4/7/2020: Mỹ điều 2 tàu sân bay và nhiều tàu chiến tới Biển Đông gần nơi Trung Quốc tập trận. Ngày 3-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter: "Mỹ đồng ý với các bạn bè ở khu vực Đông Nam Á của chúng tôi rằng: Việc tập trận quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là hành vi gây hấn lớn. Chúng tôi phản đối những tuyên bố phi pháp của Bắc Kinh". Lầu Năm Góc cũng cho rằng "các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là những động thái mới nhất trong một chuỗi dài những hành động của nước này nhằm đưa ra những tuyên bố hàng hải phi pháp và gây tổn thất cho các nước láng giềng Đông Nam Á của họ ở Biển Đông" (tuoitre.vn). 2. Cả lãnh đạo Việt Nam đồng loạt chúc mừng nước Mỹ và các lãnh đạo quyền lực nước Mỹ vào ngày 3/7/2020: Nhân kỷ niệm Ngày quốc khánh Mỹ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng tới Tổng thống Donald Trump. Theo Bộ Ngoại giao ngày 3-7, cũng nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện mừng tới Chủ tịch Thượng viện Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Sắp tới vào ngày 11-7, Việt Nam và Mỹ cũng kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11-7-1995). (tuoitre.vn). 3. Báo tuổi trẻ viết rất mạnh mẽ và đáng đọc ngày 4/7/2020: Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp Nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam và các nước xung quanh bắt đầu tìm thấy sự thống nhất trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trong vòng 72 tiếng đầu tiên của tháng 7-2020, câu chuyện Biển Đông chứng kiến những diễn biến đáng chú ý từ bàn đàm phán cho đến thực địa. Mặt trận pháp lý: Trung Quốc đã thông báo về cuộc tập trận của hải quân nước này từ ngày 1-7 tới 5-7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng phi pháp của Việt Nam. Hành động này nhanh chóng vấp phải sự phản ứng từ phía Việt Nam, Mỹ và cả Philippines. Không để Trung Quốc câu giờ: GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Úc) cho rằng khi COC ngưng trệ, Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất. "Vì họ đã liên tục áp đặt chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian đại dịch và hình thành "những thực tế trên thực địa" như tạo ra hai quận hành chính quản lý ở Biển Đông, sửa tên nhiều thực thể ở vùng biển này và thách thức việc thăm dò dầu khí của Malaysia. Nói cách khác, Trung Quốc đã không tự kiềm chế mà lại tận dụng COVID-19 để tăng cường vị thế nhằm kiếm lợi thế trên bàn đàm phán" - GS Thayer nhận định với Tuổi Trẻ (tuoitre.vn) Chính trị là điều chúng ta khó đoán, khó khẳng định, nhưng trong lúc tối tăm với sự bành trướng của Trung Quốc thì những tin tức thế này là chút hy vọng cho người đọc có quan tâm đến vận mệnh đất nước. Thân mến! P/s: Tin ngoài luồng chưa kiểm chứng là tàu Trung Quốc thấy 2 tàu Mỹ tới biển Đông đã chạy mất dép rồi. Link nguồn bài và hình bên dưới: https://tuoitre.vn/my-dieu-2-tau-san-bay-va-nhieu-tau-chien…  
......

Công hàm của Hoa Kỳ và thế trận biển Đông

Nguyên Sa -  RFA “Cuộc chiến công hàm” tiếp diễn Ngày 1/6/2020, Đại sứ Kelly Craft – Trưởng phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc khi ban hành công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019. Chúng ta còn nhớ, ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một Báo cáo về thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt là CLCS) để yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của họ tại phía Bắc biển Đông, theo quy định tại Điều 76 (8) của Công ước Luật biển 1982 (Viết tắt là UNCLOS). Cũng trong ngày này, Trung Quốc đã gửi ngay công hàm CML/14/2019 để phản đối Báo cáo của Malaysia, đồng thời lặp lại các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông. Công hàm của Hoa Kỳ có nội dung gì? Phần mở đầu, công hàm của Hoa Kỳ khẳng định, văn bản này không nhằm đáp lại Báo cáo lên CLCS của Malaysia. Trong khi đó, văn bản này tập trung vào các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc, các yêu sách này không phù hợp với luật biển quốc tế, vốn được quy định trong UNCLOS. Chính các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc đã “can thiệp một cách phi lý” tới các quyền và sự tự do trên biển của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Do đó, Hoa Kỳ thấy cần phải thể hiện sự phản đối thông qua công hàm này. Tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ cũng liệt kê các khẳng định về yêu sách của Trung Quốc, bao gồm: – Trung Quốc có chủ quyền tại Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Pratas, Hoàng Sa, Bãi Macclefield và Trường Sa; – Trung Quốc có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải đối với Nam Hải Chư Đảo; – Trung Quốc có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) đối với Nam Hải Chư Đảo; – Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Trung Quốc cũng đã đưa ra quan điểm này, ngay sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã phản đối quan điểm này của Trung Quốc trong công hàm ngày 28/12/2016 của mình, (mà Hoa Kỳ gửi kèm cùng với văn bản ngày 1/6/2020 này). Phần tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ phân tích rõ từng vấn đề mà Hoa Kỳ phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Thứ nhất, Hoa kỳ phản đối yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại biển Đông mà Trung Quốc mở rộng yêu sách này đối với các quyền lợi biển mà Trung Quốc khẳng định là phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Hoa Kỳ nhắc lại rằng trong Phán quyết năm 2016 – Phán quyết này là chung thẩm và ràng buộc pháp lý với Trung Quốc. Theo đó, yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông không thể vượt quá các vùng biển của mỗi quốc gia, được quy định trong UNCLOS. Thứ hai, Hoa Kỳ phản đối việc Trung Quốc áp dụng một cách phi lý trong việc tự ý tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc nằm rải rác tại biển Đông như trong trường hợp một quốc gia quần đảo. Theo đó, đường cơ sở này biến các vùng nước bên trong đường cơ sở (được thiết lập một cách phi lý) này trở thành vùng nội thuỷ của Trung Quốc. Chúng ta còn nhớ, năm 1996, Trung Quốc đã tự ý tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, và Việt Nam đã phản đối điều này. Trong công hàm ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cũng đã phản đối nội dung này. Thứ ba, Hoa Kỳ cũng phản đối các yêu sách về các quyền lợi biển mà Trung Quốc tuyên bố dựa trên các cấu trúc tại biển Đông. Trong khi các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” như quy định tại Điều 121 (1) của UNCLOS. Theo đó, các cấu trúc này vì không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cho nên sẽ không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) kèm theo. Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền hay các vùng biển kèm theo đối với các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển như Bãi Macclefield hay là Bãi James Shoal. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền và các vùng biển kèm theo đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi như Bãi Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây. Các cấu trúc này không thể tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia. Do đó, các cấu trúc này không thể là đối tượng yêu sách chủ quyền và có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc đã tuyên bố được. Tất cả các vấn đề này đã được Toà Trọng tài giải thích rõ ràng trong Phán quyết năm 2016. Thứ tư, khi khẳng định các “yêu sách biển quá đáng” của mình, Trung Quốc đã hàm ý hạn chế các quyền và sự tự do, bao gồm quyền hải hành và tự do hải hành cho tất cả các quốc gia khác. Hoa Kỳ phản đối các yêu sách biển dẫn đến sự mở rộng các quyền lợi biển này của Trung Quốc, mà Trung Quốc luôn khẳng định là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Tương đồng quan điểm Hoa Kỳ cũng lưu ý thêm là các chính phủ, bao gồm: Philippines, Việt Nam và Indonesia đã có các công hàm riêng rẽ cũng để phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc được thể hiện trong công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019. Hoa Kỳ cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện các yêu sách phù hợp với luật quốc tế, trong đó có UNCLOS và Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài, cũng như dừng lại các hoạt động khiêu khích trên biển Đông. Philippines đã gửi công hàm ngày 6/3/2020; Việt Nam gửi công hàm ngày 30/3/2020. Mới đây, ngày 26/5/2020, Indonesia cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách biển của Trung Quốc. Cho đến nay, cả 4 quốc gia Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ đã chính thức thể hiện quan điểm về vấn đế này. Theo đó, cả 4 quốc gia trên đều tập trung phản đối cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc được thể hiện dưới dạng “quyền lịch sử” và quyền đối các vùng biển dựa trên các nhóm cấu trúc trên biển Đông. Ngoài ra, cả 4 quốc gia này đều tỏ ý thừa nhận và viện dẫn các giải thích từ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Malaysia dù chưa đưa ra quan điểm chính thức, nhưng với Báo cáo thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019 cũng mang hàm ý tuân thủ Phán quyết năm 2016. Với việc đưa ra quan điểm vào thời điểm này, Hoa Kỳ dường như gửi đi một thông điệp quan trọng đó là Hoa Kỳ ủng hộ và sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để chống lại các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, các yêu sách này đi ngược lại luật biển quốc tế, bao gồm cả UNCLOS và Phán quyết năm 2016. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng chính thức thông qua việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để ủng hộ lập trường của các quốc gia ASEAN trong việc chống lại các yêu sách biển phi lý cũng như các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông. Đây cũng có thể hiểu là một tín hiệu từ Hoa Kỳ thể hiện, đặc biệt đối với Việt Nam – quốc gia đã gặp rất nhiều sự khiêu khích, quấy rối từ Trung Quốc trên biển Đông, rằng Hoa Kỳ sẽ và muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới. Chúng ta còn nhớ, gần đây, Mỹ đã mời Việt Nam tham dự vào cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương.” Ngoài ra, báo chí cũng cho biết Việt Nam đã được đánh tiếng mời vào nhóm “The Quad Plus” (Bộ Tứ mở rộng). Một chuyên gia cũng cho biết, Mỹ muốn cho máy bay P8 được xuất hiện trên bầu trời Việt Nam như một chỉ dấu cho việc tăng cường quan hệ “ngoại giao quốc phòng” đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thái độ của Việt Nam vẫn còn chần chừ vì “sợ oai hùm” từ Bắc Kinh. Nếu Việt Nam thực sự muốn thoát khỏi “sự đe doạ” từ Trung Quốc, thì đây chính là một thời điểm thật sự thích hợp để Việt Nam có thể chuyển mình, tạo những bước đi và thế đứng mới trước một Trung Quốc “hung hăng và xấu xí.” Nguyên Sa -  RFA XEM THÊM: Vì sao Hoa Kỳ gởi công hàm cho Liên Hiệp Quốc vụ Biển Đông? Cần phải kiện Trung Quốc trước Toà Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc Tóm lược Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc  
......

Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO

Ông Bruce Aylward, nguời đứng đầu phái đoàn WHO-Trung Quốc về virus corona trong cuộc họp báo tại Genève ngày 25/02/2020, sau chuyến thăm Bắc Kinh. © REUTERS/Denis Balibouse/File Photo …Cuộc trao đổi này cho thấy WHO đã đặt chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng như thế nào. Cũng như Tedros, ông Aylward đã đánh đồng quan điểm của Trung Quốc với Đài Loan và lúc nào cũng tìm cách ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc…’ Thụy My RFI| Chuyên gia: « Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO, tổng giám đốc sắp tới không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh. Nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu. » Trên trang Ý kiến của Wall Street Journal ngày 08/04/2020, tác giả Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi), thành viên Hoover Institution có bài viết mang tựa đề « Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO » (Lost in Beijing: The Story of the WHO – dựa theo tựa đề bộ phim nổi tiếngLost in Translation). Chuyên gia này nhận định, Trung Quốc đang thao túng nặng nề Tổ chức Y tế Thế giới. Hoa Kỳ cần phải chỉnh đốn điều này, còn nếu không thì nên ra đi và thành lập một tổ chức khác. Theo tác giả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chỉ « thiên về Trung Quốc » như tổng thống Trump đã nói hôm thứ Ba 7/4, mà còn đã « hỏng bét và thỏa hiệp ».  WHO đã lúng túng khi dịch Ebola xảy ra tại Tây Phi năm 2014, khiến trên 11.000 người thiệt mạng. Giờ đây phản ứng của WHO trước đại dịch virus corona chứng tỏ tổ chức này đặt chính trị lên trên sức khỏe công chúng. Cung cách WHO thường xuyên ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ nhu cầu cần phải cải cách một cách căn cơ. Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la năm 2019, còn Trung Quốc đóng chỉ có 44 triệu đô la, theo bộ Ngoại Giao Mỹ. Donald Trump đề nghị nước Mỹ giữ lại số tài trợ này trong lúc chính quyền giám sát kỹ những gì đạt được. Theo ông Chen, tổng thống Mỹ và Quốc Hội cần phải đi xa hơn nữa. Trong khi Washington chi tiền, thì Bắc Kinh đứng sau hậu trường để giựt dây các nhà lãnh đạo WHO. Tổng giám đốc hiện nay, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã được chính quyền Trung Quốc ủng hộ hết sức mạnh mẽ trong cuộc chạy đua vào chức vụ này. Ông Tedros là một chọn lựa gây tranh cãi, do bị cáo buộc đã che giấu nạn dịch tả tại quê hương Ethiopia của ông, lúc đang là bộ trưởng y tế (2005-2012) và sau đó là ngoại trưởng (2012-2016). Trong những năm đó, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Ethiopia và cho vay nhiều tỉ đô la. Chẳng bao lâu sau khi được bầu làm tổng giám đốc WHO, ông Tedros đến ngay Bắc Kinh và ca ngợi hệ thống y tế của nước này : « Tất cả chúng ta đều học được điều gì đó từ Trung Quốc ». Dưới sự lãnh đạo của ông Tedros, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận những dối trá của Trung Quốc về virus corona, và giúp Bắc Kinh phủi trách nhiệm, thông qua những tuyên bố có vẻ nghiêm túc. Ngày 14/01/2020, ngay cả trước khi phái đoàn chính thức của WHO đến Trung Quốc, họ đã nhắc lại như vẹt tuyên bố của Bắc Kinh là « không có bằng chứng rõ ràng là virus này lây từ người sang người ». Hai tuần sau đó, khi Trung Quốc cho biết có hơn 4.500 ca nhiễm virus và trên 70 người tại các nước khác lâm bệnh, ông Tedros đến thăm Bắc Kinh và ca ngợi « tính minh bạch » của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Cần nhắc lại rằng Trung Quốc đã đợi đến sáu tuần lễ sau khi những bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán xuất hiện các triệu chứng, mới bắt đầu cho phong tỏa. Trong thời gian đó, chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt và trừng phạt tất cả những ai cố gắng đưa ra lời cảnh báo, nhắc đi nhắc lại những lời dối trá là con virus không lây từ người này sang người khác, lại còn tổ chức một buổi tiệc lớn ngoài trời ở Vũ Hán với mấy chục ngàn gia đình tham dự. Cùng lúc ấy đã có hơn năm triệu người rời Vũ Hán, theo như thị trưởng cho biết. Trong đó có cả bệnh nhân đầu tiên được xác nhận là dương tính tại Mỹ. Rốt cuộc WHO cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế vào ngày 30/1, sau khi đã xác định được gần 10.000 ca dương tính với virus corona. Con số mà Trung Quốc đưa ra vào đầu tháng Hai tăng lên trên 17.000 ca dương tính và 361 trường hợp tử vong. Tuy vậy ông Tedros lại chỉ trích tổng thống Donald Trump vì đã hạn chế số khách từ Trung Quốc đến Mỹ, và cổ vũ các nước khác không nên theo chân Hoa Kỳ. Tedros nói rằng nguy cơ virus lan ra bên ngoài Trung Quốc là « tối thiểu và rất chậm ».  Mãi đến ngày 11/3, WHO mới chịu tuyên bố đại dịch. Vào lúc đó, con số chính thức đã lên đến 118.000 người tại 114 quốc gia bị nhiễm con virus từ Vũ Hán! Ảnh hưởng của Trung Quốc còn thấy rất rõ trong việc WHO loại Đài Loan ra ngoài. WHO thậm chí còn không thèm trả lời khi Đài Loan cho biết kết quả điều tra vào tháng 12/2019, rằng ngược với những gì Bắc Kinh khẳng định, virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người. Tháng trước, một phóng viên truyền hình Hồng Kông đã đặt câu hỏi với Bruce Aylward, người lãnh đạo phái bộ chung WHO-Trung Quốc về virus corona, là liệu Tổ chức Y tế Thế giới có suy nghĩ lại về việc từ chối không cho Đài Loan gia nhập hay không. Trong video được nối kết, ông Aylward im lặng không nói được gì trong gần 10 giây đồng hồ. Phóng viên phải nhắc « Hello ? ». Aylward rốt cuộc trả lời : -Rất tiếc, tôi không nghe được câu hỏi của cô. Để tôi hỏi lại. Không, như vậy được rồi. Hãy chuyển sang câu khác. Khi cô phóng viên cứ hỏi tiếp về Đài Loan, ông ta ngắt kết nối. Nhà báo gọi lại và cố khai thác theo một góc độ khác: « Tôi chỉ muốn biết nếu ông có thể bình luận một chút về việc Đài Loan đã làm thế nào để ngăn chận được con virus ».  Ông Aylward trả lời: « Chúng ta đã nói về Trung Quốc và cô biết đấy, khi nhìn vào tất cả các địa phương của Trung Quốc, họ đều làm tốt công việc ». Cuộc trao đổi này cho thấy WHO đã đặt chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng như thế nào. Cũng như Tedros, ông Aylward đã đánh đồng quan điểm của Trung Quốc với Đài Loan và lúc nào cũng tìm cách ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng, chưa bao giờ WHO điều tra kỹ lưỡng về những gì Bắc Kinh tuyên bố về con virus, hay tỏ ra minh bạch về cách nghĩ phía sau các quyết định. Là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, Hoa Kỳ có quyền thúc đẩy một sự cải cách triệt để. Quốc Hội nên đặt điều kiện cho mọi tài trợ trong tương lai, WHO phải giải thích cụ thể cho những quyết định về y tế cộng đồng, điều tra nghiêm túc và độc lập khi nạn dịch lan rộng. Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO. Chính quyền Trump đã có một bước đầu tốt đẹp hồi tháng Giêng khi đặt ra chức đặc phái viên ở bộ Ngoại Giao, tập trung vào việc chống lại các mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức quốc tế. Tổng giám đốc sắp tới của WHO không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh. Tác giả  Lanhee J.Chen kết luận, nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu. Có thể thành lập một tổ chức tương tự, mở rộng cho tất cả các nước tôn trọng các tiêu chí cao nhất về minh bạch, quản lý giỏi và chia sẻ những phương pháp tốt nhất. Thế giới cần có một tổ chức khả tín để đối mặt với những vấn đề sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới – nếu không phải là WHO, thì sẽ là một tổ chức khác. Thụy My * Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi) là thành viên của Hoover Institution, giám đốc nghiên cứu về chính sách đối nội của chương trình chính trị công, trường đại học Stanford (California, Hoa Kỳ). Chuyên gia này từng là cố vấn chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Mitt Romney năm 2012, được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn lưỡng đảng về chính sách an sinh xã hội.  
......

COVID-19 có phải do con người tạo ra?

Lý Thái Hùng| Tính tới ngày 27 Tháng Ba, 2020, tức là khoảng 2 tháng sau khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán và chính quyền Bắc Kinh bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa 450 triệu công dân ở 80 thành phố trong Hoa Lục vào ngày 23 Tháng Giêng, 2020 để ngăn chặn sự lây nhiễm, thì nay dịch đã lan đến hơn 200 quốc gia và khu vực, với số người bị lây nhiễm được công bố chính thức là 553.159 người, hơn 25.045 ca tử vong, và nhất là đang ảnh hưởng đến đời sống của 3,2 tỷ người trên hành tinh. Nếu so sánh với những trận đại dịch xảy ra vào năm 1918 (dịch cúm Tây Ban Nha – Spanish Flu) hay đại dịch năm 1957 (dịch cúm Á Châu – Asian Flu) khiến cho hàng chục triệu người bị lây nhiễm và cướp đi mạng sống của hàng triệu người từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi trong nhiều tháng trời, thì trận dịch COVID-19 hiện nay chỉ mới là bắt đầu. Đây không phải là trận đại dịch lần đầu tiên mà nhân loại đối diện trong thế kỷ 21. Gần đây nhất có bệnh dịch SARS bùng phát tại Quảng Đông và Hong Kong vào năm 2003, cũng như bệnh dịch Ebola bùng phát tại Phi Châu vào năm 2014 giết chết hàng chục ngàn người; nhưng các bệnh dịch này đã không có hiện tượng lây lan nhanh chóng và “vô hình” như bệnh dịch COVID-19. Nghĩa là SARS hay Ebola chỉ lây lan sau khi có những triệu chứng rõ rệt, trong khi virus corona có thể lây lan mà người truyền nhiễm không hề có triệu chứng gì. Chính vì vậy mà đa số các nhà chuyên môn và nguyên thủ các quốc gia đã đánh giá sai hiện tượng lây nhiễm COVID-19 lúc đầu, cho đến khi dịch bùng nổ trên toàn xã hội với tốc độ lây nhiễm chóng mặt mới cuống cuồng chống đỡ và quá trễ. Bệnh dịch COVID-19 không chỉ đe dọa đến sức khoẻ và tính mạng con người mà còn làm cho mọi sinh hoạt của xã hội bị khựng lại từ thể thao, di chuyển, ăn uống, giải trí, giáo dục, cho đến làm việc, họp hành, tham dự thánh lễ… Nói cách khác, bệnh dịch COVID-19 đang phá vỡ tất cả những quy ước trong đời sống bình thường của con người và kẹt nhất là không biết đến bao giờ mới chấm dứt để thế giới có thể trở lại những sinh hoạt như cũ. Nguyên ủy của bệnh dịch COVID 19 Câu hỏi được đặt ra là con virus vô hình có sức mạnh vạn năng – đang làm điên đầu không chỉ các nhà khoa học mà cả những nhà chính trị và kinh tế thế giới – ở đâu mà ra? Theo “thuyết âm mưu” thì Coronavirus là do Trung Quốc tạo ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và bị thoát ra ngoài vì bất cẩn. Lý thuyết này hoàn toàn không có bằng chứng, và mới đây đã bị các khoa học gia đánh sập với những phân tích khoa học về cấu trúc di truyền của virus. Họ đã kết luận “Coronavirus 19 không thể nào được cấu tạo hay chế biến trong phòng thí nghiệm,” mà là một biến thể tự nhiên. Nhưng con người đã không hoàn toàn vô can. Theo các chuyên gia, có hai nguyên ủy chính của dịch bệnh lây lan – đều đến từ con người. Một là do hiện tượng biến đổi khí hậu Từ nhiều thập niên qua, người ta nói nhiều đến hiện tượng biến đổi khí hậu hay còn gọi là hâm nóng toàn cầu; nhưng mức quan tâm trên thực tế vẫn chưa đủ vì chưa hiểu rõ tầm quan trọng của sự biến đổi này đã và đang ảnh hưởng đến sự sống còn của con người ra sao. Biến đổi khí hậu, một cách ngắn gọn là sự biến đổi xấu đi ở các môi trường sinh học hoặc vật lý tự nhiên, mang đến hệ quả thiên tai như như sóng thần, lũ lụt, động đất, gió bão, nắng nóng, khô hạn, cháy rừng… và đều do vấn nạn hâm nóng toàn cầu. Những thay đổi này do con người tạo ra như đốn cây rừng bừa bãi, nuôi thú để ăn quá nhiều, xả rác đồ nhựa và các chất hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường v.v… làm gia tăng khí thải đưa đến hiện tượng hâm nóng trái đất. Hiện tượng này không chỉ đưa đến những hệ quả thiên tai kể trên, mà còn biến đổi hệ sinh thái trầm trọng, khiến nhiều giống vật bị triệt tiêu hoặc phải di tản lánh nạn để sinh tồn. Chúng tiếp xúc với con người và những loại thú khác khiến nguy cơ lây lan các chủng vi khuẩn giữa vật và người trở nên phổ biến hơn, và các bệnh truyền nhiễm như dịch COVID-19 xảy ra là điều tất yếu. Khi Coronavirus gây bệnh đường hô hấp xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán vào Tháng Mười Một năm ngoái, người ta nghĩ rằng đây cũng chỉ là một loại virus giống như SARS và sẽ chỉ lây lan ở Trung Quốc rồi thôi. Không ngờ chỉ hai tháng sau khi tung hoành ở Trung Quốc và Á Châu, COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu. Theo các chuyên gia, COVID-19 nhiều phần đến từ động vật, đặc biệt là dơi – một sinh vật sống ẩn náu nơi hoang dã, nhưng đã phải di tản vì hệ sinh thái của chúng bị tàn phá và phải tới các khu vực của con người để sinh sống rồi truyền virus dịch bệnh. Một nhận định khác là virus gây bệnh đến từ những thú hoang bị giết hại để ăn thịt, mà hiện tượng COVID-19 phát xuất từ một khu chợ bán thịt thú hoang từ Vũ Hán và dịch SARS phát xuất tương tự từ Trung Quốc năm 2003 là hai thí dụ điển hình. Nói cách khác, Coronavirus xuất hiện là một cảnh báo cho nhân loại về sự hủy hoại từ những hành vi độc hại của con người đối với thiên nhiên, mà nếu không kịp dừng lại và chuẩn bị những đối phó thì nhân loại có thể phải đối diện với những vấn nạn kinh hoàng hơn gấp bội. Ngay từ năm 2015 trong chương trình TED Talk, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates đã cảnh báo thế giới cần phải chuẩn bị nhiều hơn nữa để đối phó với một đại dịch, và lời khuyên này đã không được trân trọng lắng nghe khiến cả thế giới hiện đang phải lúng túng đối phó với dịch bệnh mà con số lây nhiễm và tử vong chưa thấy có cơ ngừng lại. Hai là do tác động toàn cầu hóa Từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với sự phát triển của mạng internet đã làm cho xu thế toàn cầu hóa phát triển một cách rộng lớn không chỉ trên bình diện kinh tế mà cả địa chính trị. Sự tự do hóa thương mại, tài chính và đầu tư trên phạm vi toàn cầu đã mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới cho các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Sự gia tăng thu nhập của các quốc gia đang phát triển cũng đã tạo ra nhiều thị trường tiêu thụ mới, thu hút đầu tư ngày một rộng lớn. Từ đó phát sinh ra hiện tượng sản xuất xuyên biên giới quốc gia, chuyển các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chế tạo liên quan đến các trình độ kỹ thuật ngày càng nhiều sang các xã hội khác. Trong tiến trình phát triển này, từ vị trí là một “công xưởng thế giới”, Trung Quốc đã trở thành quốc gia giữ vai trò “chuỗi cung ứng toàn cầu”. Ngoài những mặt hàng gia công, nước này đã và đang chi phối ba sản phẩm chính yếu: smart phone, máy tính, và phụ tùng xe hơi đối với các doanh nghiệp toàn cầu. Theo tổ chức Dun & Bradstreet thì có ít nhất 51.000 đại doanh nghiệp và 5 triệu công ty trung bình trên toàn thế giới đã bị lệ thuộc vào “chuỗi cung ứng toàn cầu” của Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán tuy chỉ đứng hàng thứ 9 trong số các thành phố lớn của Trung Quốc, nhưng lại là một trung tâm công nghiệp lớn của thế giới vì là khu bản lề của ngành xe hơi, và là đại bản doanh của các công ty ngoại quốc, đóng vai trò quan trọng vào bậc nhất trong “chuỗi cung ứng toàn cầu.” Không những thế, Thành phố Vũ Hán còn là ngã ba quan trọng của chiến lược “một vành đai một con đường”, với cơ sở hạ tầng khổng lồ được thiết kế để nối kết nhanh chóng các trục giao thương giữa Trung Quốc với Âu Châu, và giữa Trung Quốc với các nước phía Nam lục địa Á Châu. Sự kiện Coronavirus tấn công Thành Phố Vũ Hán là điều không ai có thể tiên liệu, nhưng hậu quả không chỉ là sự lây lan nhiễm bệnh đe dọa sinh mạng đến hàng triệu con người tại Trung Quốc và trên toàn thế giới, mà còn tạo ra tình trạng hỗn loạn, đặt toàn cầu hóa vào một thách thức rất lớn. Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, dẫn đến sự tê liệt hoạt động của hơn 500 triệu dân Trung Quốc, khiến cho chuỗi cung gián đoạn dẫn đến hệ quả là các đại doanh nghiệp phải đóng cửa. Khủng hoảng này đã làm cho  con người phải đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế thế giới hiện đang nối kết với nhau, trong sự lệ thuộc “chuỗi cung ứng toàn cầu” của Trung Quốc. Qua các diễn biến lây lan của dịch COVID-19, người ta thấy rằng toàn cầu hóa không chỉ góp phần làm gia tăng nhanh chóng sự lây nhiễm một trận đại dịch, nó còn làm cho các đại công ty và các quốc gia đang tùy thuộc lẫn nhau, dễ rơi vào tình trạng suy thoái và có thể sụp đổ toàn diện, khi xảy ra những biến động bất thường. Theo Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) thì kinh tế toàn cầu năm 2019 tăng trưởng 2,9%, với bệnh dịch COVID-19 đang làm “chuỗi cung ứng toàn cầu” của Trung Quốc bị khựng lại, sẽ khiến cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 chỉ có thể đạt 1%. Những dự đoán này xuất hiện thậm chí còn trước khi giá dầu giảm sâu hôm mồng 9 Tháng Ba, và thị trường chứng khoán tại nhiều khu vực đối mặt với phiên giao dịch được coi là “thảm hại” nhất trong nhiều thập niên qua. Nhiều chuyên gia kinh tế còn e ngại sự suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài sang tới 2021. Thế giới đã giải quyết ra sao Đứng trước một đại dịch toàn cầu, hay một thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, đòi hỏi sự hợp tác quốc tế để cùng nhau chung sức giải quyết. Trong lịch sử, đã có những hợp tác rất lớn giữa các quốc gia để giải quyết nhiều vấn nạn chung của nhân loại như gửi quân đội đến gìn giữ hòa bình tại những khu vực tranh chấp, đồng thuận trong Hiệp ước về Biến đổi khí hậu ở Paris và gần đây nhất là 62 quốc gia đã đóng góp tiền bạc, nhân sự để cùng nhau ngăn chặn thành công thảm họa Ebola không lây lan khắp thế giới vào năm 2014. Nhưng từ khi xu hướng toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, đã xuất hiện một khuynh hướng chống lại, đó là chủ nghĩa dân tộc hữu khuynh còn gọi là “chủ nghĩa dân túy” như hiện tượng Brexit ở Âu Châu, “America First” ở Hoa Kỳ… với khuynh hướng rút lui khỏi các định chế quốc tế, xa rời liên minh, và mạnh ai nấy sống. Chính những chuyển biến nói trên đã làm cho nhân loại ngày nay khi phải đối mặt với một vấn nạn chung như COVID-19 đã không còn niềm tin và cơ chế liền lạc để hỗ trợ nhau như thời kỳ SARS và Ebola trước đây. Khi bệnh dịch lây lan rộng khắp toàn cầu, sự tin tưởng và hợp tác giữa các chính quyền là yếu tố then chốt để trấn an nỗi sợ hãi của con người và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong vụ dịch Ebola 2014, Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu cùng với 61 quốc gia khác trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh này trên thế giới, như Hoa Kỳ đã từng đi đầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác trong một chính sách nhằm ngăn chặn đà đi xuống của nền kinh tế toàn cầu. Trong vụ đối phó với dịch bệnh COVID -19, mỗi quốc gia không những phản ứng một cách riêng lẻ, mà các nhà lãnh đạo còn coi thường những cảnh báo của các nhà khoa học, coi nhẹ sự nguy hiểm của việc lây nhiễm dịch bệnh, nên đã không hề quan tâm đến các biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Khi dịch bệnh bùng nổ rộng khắp, đưa số người tử vong lên cao như tại Italy, Spain, Iran… các chính quyền mới nghĩ đến biện pháp tự “phong tỏa” để ngăn chận lây lan; nhưng lại không hề đề cập đến sự liên kết nào giữa các nước, để cùng nhau giúp đỡ và đối phó chung trong một trận tuyến như các Hội nghị đối phó trận dịch bệnh Ebola năm 2014. Chính khoảng trống lãnh đạo và thiếu sụ hợp tác tích cực giữa các quốc gia càng cho thấy là các chính quyền thật sự lúng túng, khó có thể sớm ngăn chặn được đại dịch, và chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh hơn trong tương lai. Tóm lại, những vấn nạn hiện nay, chính yếu là nằm ở con người. Nếu các chính quyền tự cho mình là đỉnh cao, không cần liên kết với các quốc gia bạn trong tinh thần chung sống và hợp tác để sinh tồn, mà mỗi nước lại theo đuổi những chủ trương riêng, phó mặc cho sự thao túng của các tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia khai thác lợi nhuận toàn cầu hóa, thì chắc chắn sẽ đào sâu sự chia rẽ  giữa các nước và đẩy con người ngày càng ít tin tưởng cũng như hợp tác với nhau. Hậu quả tất nhiên là xã hội bị tha hóa cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu bùng phát, số lượng virus tạo dịch bệnh sẽ ngày một nhiều hơn. Riêng tại Việt Nam, đêm giao thừa năm Canh Tý – 2020 đã khởi đầu năm mới bởi một trận giông tố bao trùm khắp thủ đô Hà Nội, vài ngày sau đó là nạn dịch COVID -19 đổ ập đến Việt Nam. Những cảnh báo đen tối đó, không dừng ở dịch bệnh COVID-19 mà chưa biết ngày nào sẽ được ngăn chặn, Việt Nam còn phải đối diện với hai thiên tai khác. Đó là nạn hạn mặn tại 5 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện nay, và nạn châu chấu sa mạc sẽ ập đến Việt Nam vào tháng 6. Những vấn nạn này không chỉ làm cho đảng và nhà nước CSVN điêu đứng, mà còn sẽ ảnh hưởng rất lớn lên đời sống của gần 100 triệu người dân Việt trong thời gian tới. Một vài đề nghị cho tương lai Từ một số những phân tích nói trên, chúng ta thấy là trái đất mà con người chung sống, thực sự đang bị những virus “vô hình” tấn công. Kinh nghiệm cho thấy là cơn dịch nào rồi cũng sẽ đi qua; nhưng nếu cứ để tái phát hàng năm chắc chắn đời sống của loài người sẽ bị đe dọa, do đó chúng ta cần phải hành động khẩn cấp: Thứ nhất, ngưng ngay những tác hại lên trái đất, đảo ngược hiện tượng hâm nóng toàn cầu bằng cách sống thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái, tôn trọng đời sống của thú hoang hầu giảm thiểu tối đa các thiên tai và dịch bệnh như SARS, MERS, COVID-19, Ebola, Cúm Heo H1N1… Virus truyền từ vật lạ sang người, và có cơ lây lan, hoành hành khi môi trường sống ô nhiễm hơn và hệ miễn nhiễm của con người để chống chỏi với dịch bệnh cũng yếu đi. Nỗ lực trong sạch hóa môi trường – không khí, nước uống, đất, biển, sông, hồ – cũng sẽ giúp giảm thiểu những chất ô nhiễm độc hại xâm nhập vào cơ thể con người và gây bệnh. Hơn lúc nào hết vấn đề bảo vệ Môi Trường Sống phải được quan tâm đầu tiên trong tất cả chúng ta. Thứ hai, khuynh hướng toàn cầu hóa gia tăng sự tương tác, hợp tác và phát triển kỹ nghệ, kinh tế để nâng cấp đời sống con người, nhưng phải được thực hiện trong tinh thần bảo vệ trái đất, không khai thác bừa bãi thiên nhiên và có tinh thần trách nhiệm đối với các quốc gia đối tác. Quan trọng hơn nữa, sự yếu kém trong việc đối phó dịch COVID-19 cho thấy là các nước chưa quan tâm đủ việc củng cố hệ thống y tế cộng đồng. Vì thế, phát triển hệ thống chăm sóc y tế quốc gia và quốc tế trong tinh thần liên đới để ngăn ngừa và đối phó những dịch bệnh hầu chống lây lan và ảnh hưởng dây chuyền lên toàn cầu – cả lãnh vực y tế lẫn kinh tế – là điều khẩn cấp. Hơn lúc nào hết vấn đề hoàn thiện hệ thống y tế cộng đồng trong sự bùng phát toàn cầu hóa là điều quan tâm thứ hai sau Môi Trường Sống. Thứ ba, nếu như chính quyền Bắc Kinh công khai một cách minh bạch về sự xuất hiện dịch bệnh COVID -19 ngay từ những ngày đầu vào trung tuần Tháng 11, 2019 và Tổ chức WTO nhập cuộc ngay từ khi phát hiện bệnh dịch này có cùng nguồn gốc với SARS vào cuối Tháng Mười Hai, 2019 thì nhân loại đã không vất vả như ngày hôm nay. Việc Bắc Kinh cho phong tỏa Thành Phố Vũ Hán sau hơn một tháng bệnh dịch đã lây lan trong thành phố có 11 triệu dân, không những là sai lầm mà còn nói lên bản chất bưng bít của chế độ độc tài. Ngày nay, Bắc Kinh còn muốn chạy tội của mình bằng cách huy động bộ máy tuyên truyền tung tin sai lạc rằng COVID -19 là do Hoa Kỳ mang vào Vũ Hán hoặc COVID- 19 xuất phát từ Ý nên có số tử vong cao như vậy. Hơn lúc nào hết, thế giới tự do cần phải tăng cường biện pháp trừng phạt đối với những che giấu có tác hại lớn tới sinh mạng con người như vậy. Lý Thái Hùng 27/3/2020 https://viettan.org/covid-19-co-phai-do-con-nguoi-tao-ra/?fbclid=IwAR1CqHK1twbpkfN_oPQCy3yc_Qhppge6L5pYVKFsN7Mv3ZoVhcg07hDC9oU  
......

Nhận diện cuộc chiến chống Virus Vũ Hán

Bài hát truyền cảm hứng chống Virus Vũ Hán Thiện Tùng - huynhngocchenh.blogspot| Bịnh dịch đã trở thành kẻ thù của nhân loại. Nó tấn công không phân biệt đẳng cấp, nghèo giàu, màu da, sắc tộc… Người hùng chống lại nó không phải binh lực Quân đội mặc áo rằn ri, với “súng đồng đại bác” mà là đội quân Thầy thuốc “bạch giáp bạch bào”, với kim chích và vác-xin.   Hoán vị: Cuộc chiến giữa người và người, Quân đội thủ vai tiên  phuông tiến ra phía trước ngăn giặc; kế đến là ngành Y nằm trong nhóm trợ chiến (Hậu cần); dân thủ vai hậu phương cung cấp người và của cho tiền phương. Cuộc chiến chống vi trùng, ngành Y tiến ra phía trước, tiếp đến là Quân đội thủ vai trợ chiến, dân vẫn thủ vai hậu phương.   Trận chiến với virus Vũ Hán (Wuhan): Không đơn giản chút nào, cuộc chiến với Covid Vũ Hán là cuộc chiến chống vi trùng, không có chiến tuyến, nó tàng hình, không công khai nghinh chiến, len lõi theo gió bụi như ma quỷ, tấn công vào con người không phân biệt như đã nói ở trên.    Dịch Covid Vũ Hán, mới hơn 2 tháng, đã lan rộng khắp các châu lục. Theo BBC, đến ngày 23/3/2020, nó xâm nhập 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây nhiễm 336.000 ca, gây tử vong 14.600 ca. Một số nước áp dụng chiến thuật ‘sống chung với dịch” đang chuốc lấy thảm họa. Việt Nam ta áp dụng chiến thuật “đối đầu với dịch” – chúng xuất hiện nơi đâu bao vây khống chế chúng lại, chờ vũ khí vác-xin. Vậy là cuộc chiến với Covid Vũ hán nầy phải theo phương châm: “dài hơi, khộng cụt hơi và không được hụt hơi?.     Việt Nam dàn trận: Những người hùng “bạch giáp bạch bào”  thuộc ngành Y đang xung trận / Quân đội thủ vai trợ chiến đắc lực/ Nhân dân sống cách ly phòng lây nhiễm bịnh / tam trụ triều đình: Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bận lo kiện toàn Đảng cầm quyền, tối mặt tối mũi chuẩn bị Nhân sự và Văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm tới; Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn thị Kim Ngân bận việc gì đó cả mấy tháng nay không thấy xuất hiện; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên bám quan trường chỉ đạo chống dich Vũ Hán từ xa, nói riết không rõ tiếng. Quan chức cấp cao phần lớn lặn.   Thử nghĩ: Cứ lo củng cố đội ngũ lãnh đạo (Đảng) mà không quan tâm đến những người bị lãnh đạo (Dân), trong nạn đại dịch Corna quái ác nầy, nếu dân có “mệnh hệ nào” thì Đảng lãnh đạo ai, chẳng lẽ mình lãnh đạo mình?! Nếu vậy có khác nào làm tướng mà không có quân. Từ lâu, Đảng sống và phát triển được nhờ Nhân dân bao cấp?. “Không dân Đảng tính làm sao?” – rã bành tô.    Chiến thuật nào phải phương pháp ấy: Đối phó với  virus Vũ Hán:Tác chiến (ngành Y) và trợ chiến (Quân đội) như thế là tốt rồi. Trong khi cầm cự chờ vũ khí vác-xin  để kết liễu lũ Covid Vũ Hán khốn nạn nầy, người viết thấy cần chú ý 3 điểm:    + Cách ly là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân: Người ta đang ngày đêm đối phó với Virus trong khó khăn, thậm chí nguy hiễm đến tính mạng, phận là người dân, chỉ có việc cách ly yên nghĩ tại nhà nhầm tránh lây nhiễm làm nặng gánh thêm cho ngành Y, thế mà còn có một số người bất tuân, “xé rào”, chẳng những vô trách nhiệm với bản thân còn làm phương hại cộng đồng?    Áp dụng triệt để hai hình thức cách ly: Cách ly tập trung dành cho người VN từ nước ngoài về hoặc khách đến / Cách ly tại nhà - hạn chế đến mức thấp nhứt giao/ngao du. Khi có triệu chứng “mắc dịch”, cử người thân hay dùng điện thoại báo với ngành Y đến xét nghiệm, nếu dương tính thì vào nơi tập trung điều trị, âm tính thì ở tại nhà dùng thuốc theo ngành Y chỉ dẫn.   Cấp cứu virus Corona - ảnh Vũ Đức Liêm/Facebook + Nhìn hình ảnh xem, ai mà không xúc động khi thấy những người thuộc ngành Y “bạch giáp bạch bào” trùm đầu, trùm mặt tù túng, nực nội, chật chội, khó thở,  ngày đêm đương đầu với Virus bảo vệ bịnh nhân!. Đối với những người hùng nầy, thiết nghĩ, nhà cầm quyền ngoài phải đảm bảo đầy đủ cho họ thuốc ngừa và phương tiện phòng lây nhiễm (như trang bị vũ khí cho Quân độii), ngoài tiền lương nên trợ cấp thêm tiền cho họ để bồi bổ cơ thể trong thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt nầy – ưu tiên cho tiền tuyến.   + Chống dịch như chống giặc, sự xuất hiện của lãnh đạo tối cao ở những điểm “nóng” sẽ tiếp thêm sức mạnh, lòng tin … cho những người lính chiến nói riêng, nhân dân nói chung.   Uy tín của lãnh đạo sẽ sụp đổ nếu xuất hiện không đúng lúc, không kịp thời. Trong đại dịch Vũ Hán nầy, có 2 nhân vật uy tín bị sụp đổ thê thảm:   1/ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: Ngoài tội giấu dịch, nhân dân Vũ Hán nói riêng, Hồ bắc nói chung chết lên chết xuống thì ông đóng cửa thủ đô Bắc Kinh, ẩn mình trong đó. Đến khi  Vũ hán vừa thoát nạn thì Ông đến Vũ Hán nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng để “kiếm phiếu”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Vũ Hán ngày 10/3. Ảnh: Xinhua. 2/ Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Y tế thế giới (WHO), trong khi dịch Covid Vũ Hán gây chết người như rạ, lan truyền chẳng những ở Trung Quốc mà còn vượt biên, thế mà Ông bình chân như vại, luôn miệng trấn an. Đến khi, riêng Vũ Hán  lan tràn hết Á, Âu, sang Mỹ, riêng ở Vũ Hán  nhiễm 41.533 ca, chết 910 ca, ông mới chịu  rời ghế sang  gặp riêng Tập Cận Bình  tại “Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh” để “nắm tình hình”. Trông bộ dạng ưa không nổi. Khi về, ông hốt hoảng báo động toàn cầu về virus Crona. Rồi Ông ngồi đó chứng kiến người người lớp lớp  phải ngã gục do đạo quân virus Vũ Hán - vô trách nhiệm như thế là cùng. Bởi vậy mới có 350.000 người ký kiến nghị kêu gọi Ông từ chức Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình bắt tay trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1. Ảnh: Reuters. – sao kỳ không đứng ngay lên?! Nhìn qua hình ảnh người ta có cảm giác ông Bình là khách? Không biết rồi đây, ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung còn có thêm bao nhiêu vị lãnh tụ hoặc quan chức cấp cao  bị nhân loại chê cười , mai mỉa về thái độ, hành xử lạnh nhạt trước đại dịch Virus Vũ Hán nầy – Chắc có thêm, số lượng là bao  làm sao nói trước được? . -/-  
......

Sự thay đổi chính trị đang đến với Trung Quốc?

  Yuen Yuen Ang – Nguyễn Quang A dịch – Yuen Yuen Ang là một Phó giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan, Ann Arbor. Bà là tác giả của cuốn How China Escaped the Poverty Trap và China’s Gilded Age sắp ra – Nguồn bản gốc: Is Political Change Coming to China? *** Ann Arbor – Ở Trung Quốc đương đại, sự biến đổi chính trị sâu sắc có thể – và đã – xảy ra mà không có sự thay đổi chế độ hay dân chủ hoá kiểu Tây phương. Thí dụ nổi bật nhất là giai đoạn “cải cách và mở cửa” bắt đầu trong năm 1978 dưới sự trông coi của Đặng Tiểu Bình. Mặc dù Đặng đã bác bỏ các cuộc bầu cử đa đảng, ông đã làm thay đổi căn bản đường hướng của Đảng Cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ), cũng như sự phân bổ quyền lực bên trong nó. Dịch coronavirus bắt đầu ở Vũ Hán trong tháng Mười Hai 2019 có thể báo trước một điểm ngoặt lịch sử tương tự. Sự bùng nổ của cái bây giờ được gọi là COVID-19 là nhiều hơn chỉ một thời khắc căng thẳng thoáng qua đối với ĐCSTQ. Thế giới phải chuẩn bị cho những gì có thể đến tiếp theo. Bình thường, một dịch bệnh duy nhất, cho dù được xử lý tồi, sẽ không phá vỡ chế độ Trung Quốc. Trong hơn bốn thập niên qua, ĐCSTQ đã vượt qua nhiều khủng hoảng, từ thảm hoạ Thiên An Môn 1989 và bệnh dịch SARS 2002-03 đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Một số nhà phê phán chế độ từ lâu đã tiên đoán cái chết tức thì của nó, đều chứng tỏ đã sai. Trước Chủ tịch Tập Cận Bình, phong cách quản trị Trung Hoa đã là thích ứng (adaptive) và phi tập trung, hay là cái tôi gọi là “ngẫu hứng có định hướng (directed improvisation).” Ngoài ra, xã hội dân sự, kể cả nghề báo bới móc (muckraking journalism), đã mở rộng nhanh chóng. Lần này là khác. Kể từ khi lên nắm quyền trong năm 2012, Tập đã siết chặt sự kiểm soát chính trị ở trong nước và phóng chiếu các tham vọng siêu cường ra nước ngoài. Các chính sách này đã làm mất nhuệ khí của các nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc, đã báo động các cường quốc Tây phương, và đã làm trầm trọng thêm các mối căng thẳng với Hoa Kỳ, tất cả những thứ đó đã góp phần cho một sự chậm lại kinh tế rộng hơn. Sự bùng nổ COVID-19 đã thêm một nguồn của sự căng thẳng và tính không tiên đoán được cho các thách thức tăng lên của chế độ. Khi dịch bệnh vẫn còn, Trung Quốc sẽ vật lộn để mở cửa lại cho việc kinh doanh, gây ra các làn gió ngược kinh tế thậm chí mạnh hơn vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, các công nhân mất việc làm, và lạm phát tăng lên. Trong khi ban lãnh đạo Trung Quốc hết sức gói trong việc giải quyết một khủng hoảng mỗi lần một, nó đã hiếm khi phải đối mặt với nhiều khủng hoảng gần-sống còn như vậy cùng một lúc. Trong một bình luận gần đây, Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia người bây giờ là Chủ tịch của Asia Society, đã cho rằng “cuộc khủng hoảng, một khi được giải quyết, sẽ không làm thay đổi cách Trung Quốc được cai quản trong tương lai.” Nhưng dự đoán đó là quá lạc quan. Quả thực, đang xuất hiện các rạn nứt trong ban lãnh đạo tối cao của Tập rồi. Thí dụ, vào đỉnh điểm của sự tức giận của công chúng đối với sự che giấu ban đầu của Chính phủ về sự bùng nổ dịch, Tập đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Sau cuộc gặp của ông với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, vào ngày 28-1-2020, ông đã không nổi lên cho đến cuộc gặp cấp nhà nước của ông với Thủ tướng Cambodia Hun Sen vào ngày 5-2-2020. Đối với một lãnh tụ mà bình thường chi phối chuỗi tin tức Trung Quốc mỗi ngày, sự vắng mặt của Tập giữa sự hoảng loạn quốc gia đã là đáng chú ý, và đã dẫn một số nhà quan sát Trung Quốc tới suy đoán rằng sự nắm chặt quyền lực của ông có thể bị hiểm nguy. Nếu điều đó có vẻ không thể tưởng tượng được, là đáng nhớ rằng những năm qua đã tạo ra các sự kiện mà ít người tiên liệu được trước. Ai đã tiên đoán, chẳng hạn, rằng một trùm tư bản địa ốc Mỹ lại đối đầu với một thái tử đảng Trung Quốc trong một cuộc tranh đua siêu cường gây rung động trái đất, hay rằng Trung Quốc có thể thay thế Hoa Kỳ như một quán quân cho toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa? Thời khắc bấp bênh hiện thời rất có thể dọn đường cho sự thay đổi chính trị sâu sắc hơn. Ba khả năng nổi bật lên. Cực đoan nhất, kịch bản xấu nhất là sự sụp đổ chế độ. Những người đánh Trung Quốc mà đọc đâu đó không được hể hả, bởi vì một sự tan rã đột ngột của một chế độ độc đoán không nhất thiết dẫn tới dân chủ hoá; trong nhiều trường hợp, nó dẫn đến nội chiến, như chúng ta đã thấy ở Iraq sau khi Hoa Kỳ loại bỏ Saddam Hussein bằng vũ lực và như chúng ta thấy ngày nay ở Libya hậu-Qaddafi. Một cuộc đấu tranh quyền lực bên trong Trung Quốc sẽ là tai hoạ cho toàn thế giới. May thay, kịch bản này là không chắc. Mặc dù Trung Quốc dưới sự căng thẳng chưa từng thấy, nền kinh tế của nó đã không ngưng trệ. Như Shang-Jin Wei của Đại học Columbia đã chỉ ra, ngành thương mại điện tử hết sức phát triển của Trung Quốc cho phép dân cư tiếp tục mua sắm từ nhà mình. Và trong khi hàng chục ngàn người Trung Quốc bị nhiễm virus và còn nhiều hơn thế nhiều sự tức giận Chính phủ, tuyệt đại đa số dân cư chẳng hề gần tuyệt vọng. Kịch bản thứ hai là một sự thay đổi trong ban lãnh đạo ở mức cao nhất. Tập không thể tránh trách nhiệm vì sự phản ứng dữ dội chống lại các chính sách đối nội hạn chế và các hành động quyết đoán ở nước ngoài của ông, mà đã bắt đầu xén bớt sự ủng hộ cho ông rồi ngay cả trước dịch COVID-19. Với cái chết của Lí Văn Lượng (Li Wenliang), một Bác sĩ đã bị các nhà chức trách hành hạ vì đã cảnh báo những người khác về virus, những thất bại của cách tiếp cận từ trên xuống của Tập đã lộ rõ. Tin về cái chết của Lí đã thổi bùng cơn bão phê phán trực tuyến đối với Chính phủ, và việc Tập không xuất hiện trên tuyến đầu của cuộc chiến (chống dịch) đã làm giảm thêm sự tín nhiệm của ông như một lãnh tụ dân tuý. Về nguyên tắc, việc Tập bãi bỏ các hạn chế nhiệm kỳ cho phép ông tiếp tục ở lại như Chủ tịch suốt đời. Nhưng liệu ông sẽ thực sự vẫn tại vị sau nhiệm kỳ hiện thời của ông kết thúc vào năm 2022 bây giờ là một câu hỏi bỏ ngỏ. Do sự tập trung quyền lực trong hệ thống Trung Quốc, lãnh tụ tối cao có một tác động quá khổ lên mọi lĩnh vực xã hội cũng như lên chính sách đối ngoại. Nếu giả như một lãnh tụ mới tiếp quản trong 2022 – hay thậm chí trước đó – kết cục có khả năng nhất sẽ là một sự đặt lại tất cả các ưu tiên chính sách của Tập, buộc phần còn lại của thế giới để xét lại suy nghĩ của mình về Trung Quốc và vai trò toàn cầu của nó. Trong kịch bản thứ ba, Tập bám lấy chức của ông ta, nhưng nó bị khoét rỗng và quyền lực chuyển cho các phái cạnh tranh khác nhau. Một sự dàn xếp như vậy sẽ không phải là không có tiền lệ. Sau Đại Nhảy Vọt, cuộc vận động cuồng tín của Mao Trạch Đông trong 1958-62 để “đuổi kịp nước Anh trong mười năm,” đã giết 30 triệu nông dân, Mao đã buộc về nghỉ hưu nhưng vẫn là lãnh tụ tối cao trên danh nghĩa. (Muộn hơn, ông dàn xếp một sự quay lại, mở ra một tai hoạ dài một thập niên khác: Cách mạng Văn hoá). Là rõ rồi rằng chính trị và sự cai quản Trung Quốc sẽ không còn như cũ sau sự bùng nổ COVID-19. Huyền thoại rằng Tập và những người ủng hộ của ông giữ vững được các đức hạnh của sự kiểm soát tập trung đã bị phá huỷ. Các lời từ biệt của Lí – “Một xã hội lành mạnh không được chỉ có một tiếng nói” – sẽ vẫn được khắc vào tâm trí của hàng trăm triệu người Trung Quốc, những người đã tự mình thấy rằng sự kiểm duyệt có thể gây nguy hiểm cho mạng sống của họ. Nguyễn Quang A dịch Yuen Yuen Ang là một Phó giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan, Ann Arbor. Bà là tác giả của cuốn How China Escaped the Poverty Trap và China’s Gilded Age sắp ra. Nguồn bản gốc: Is Political Change Coming to China? Dịch giả gửi BVN  
......

Dòng thời gian của dịch viêm phổi lây nhiễm từ Trung quốc

Timothy Trinh   Dưới đây là dòng thời gian của dịch viêm phổi cấp, từ một chợ hải sản tại Trung Quốc, trong vòng một tháng, đã lây nhiễm đến ít nhất 20 tỉnh thành tại Hoa Lục, và theo các hành khách máy bay đi đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc.   Ngày 12 tháng 12 năm 2019, trường hợp đầu tiên của dịch viêm phổi cấp được phát hiện tại chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán; vì thế, báo chí thường gọi là "dịch viêm phổi Vũ Hán". Đến gần ba tuần lễ sau đó, nhà cầm quyền mới chính thức đưa ra thông báo vào ngày 30 tháng 12 để cảnh báo những người buôn bán tại chợ Hoa Nam.   Sau khi thông báo được phổ biến, mọi sinh hoạt buôn bán vẫn tiếp diễn trong khu vực chợ. Ngày 31 tháng 12, phóng viên của "The Paper", một phương tiện truyền thông trực tuyến khởi nghiệp được hỗ trợ bởi tập đoàn truyền thông Shanghai United Media Group tại Trung Quốc, đã phỏng vấn một chủ tiệm tại chợ Hoa Nam. Ông ta đã xác nhận mọi người đều lo sợ nhưng họ vẫn tiếp tục buôn bán.   Một số người dân Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm, tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng Weibo, đã bị bắt giữ về tội "phổ biến thông tin giả nhằm gây hoang mang dư luận."   Ngày 2 tháng 1, Bộ Y tế Singapore công bố rằng họ quan tâm về sự bùng phát bệnh viêm phổi tại Vũ Hán và đang theo dõi tình hình chặt chẽ.   Ngày 9 tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán là do chủng vi rút "coronavirus" chưa được biết đến trước đây. WHO đã yêu cầu cơ quan y tế của Trung Quốc phải cung cấp thông tin cho những chuyên gia quốc tế để họ tìm biện pháp ngăn chặn kịp thời.   Vào thời điểm đó, Trung Quốc công bố chỉ có 59 trường hợp tại Vũ Hán, không có trường hợp nào ở trên những tỉnh thành khác, và loại "vi-rút lạ" gây ra dịch viêm phổi cấp này không có dấu hiệu lây nhiễm giữa người và người. Về sau, rút lại con số từ 59 xuống còn 41 trường hợp.   Trưởng phòng dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Center for Disease Control), Zeng Guang, lập luận cho rằng "đây chỉ là một vài trường hợp, nếu so với dân số của Vũ Hán có hơn 10 triệu người".   Tình trạng trở nên tệ hại khi hàng chục ngàn du khách, mang theo vi rút Vũ Hán đi ra nước ngoài. Trong dịp Tết năm nay, từ ngày 20 đến 27 tháng 1, sẽ có 2.105 chuyến bay từ thành phố Vũ Hán đi khắp các tỉnh thành Hoa Lục, và 231 chuyến bay ra nước ngoài (kể cả Việt Nam).   Ngày 13 tháng 1 năm 2020, trường hợp đầu tiên phát hiện ở Thái Lan, bên ngoài lãnh thổ Hoa Lục. Một phụ nữ Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi nhẹ đang trở về Thái Lan sau chuyến đi đến Vũ Hán.   Ngày 15 tháng 1, Ủy ban y tế Trung Quốc cho biết "cho đến nay, không có sự lây truyền vi rút Vũ Hán từ người sang người". Lời công bố của ủy ban đã không đứng vững trước sự kiện của một người phụ nữ tại Hồ Bắc đã bị lây nhiễm mặc dù bà ta không hề đến chợ Hoa Nam. Ông chồng của bà đã làm việc ở chợ và trở thành nạn nhân của dịch viêm phổi trước đó. Như vậy, bà ta đã có thể bị lây nhiễm bởi người chồng.   Ngày 16 tháng 1, trường hợp đầu tiên phát hiện tại Nhật Bản.   Ngày 17 tháng 1, trường hợp thứ hai tại Thái Lan. Trong cùng ngày, nạn nhân thứ hai đã chết tại Vũ Hán. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh kiểm tra y tế các hành khách từ Trung Quốc đến các sân bay San Francisco, New York's JFK and Los Angeles   Ngày 20 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Nam Hàn.   Ngày 21 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Đài Loan.   Trong cùng ngày 21/1, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên tại Hoa Kỳ. Các quan chức CDC cho biết Hoa Kỳ sẽ nghiêm ngặt hơn về kiểm tra sức khỏe của hành khách máy bay đến từ Vũ Hán. Bệnh nhân không được nêu tên, đang cách ly tại Trung tâm Y tế. Anh ta ở độ tuổi 30 và sống ở Hạt Snohomish, tiểu bang Washington, ngay phía bắc Seattle.   Và virus cũng có thể đã lan sang Úc. Một người đàn ông ở thành phố Brisbane đã được thử nghiệm về chủng coronavirus mới gây chết người sau khi trở về từ chuyến đi đến Trung Quốc để thăm gia đình. Giám đốc y tế của tiểu bang Queensland, bà Jeanette Young, nói với các phóng viên rằng người đàn ông đã bị cô lập tại nhà của anh ta.   "Chúng tôi hiện đang theo dõi sức khỏe một người đàn ông đã đến Vũ Hán, trở về lại Úc và bị bệnh hô hấp", bác sĩ Young nói với các phóng viên hôm thứ ba. "Chúng tôi đã thực hiện một số thử nghiệm trên anh ấy và đang chờ kết quả thử nghiệm."   Đến hôm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc báo cáo đã có 6 người chết tại Vũ Hán. Tổng số trường hợp tại Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc được nhà nước nâng lên từ 41 đến 314 vụ cần phải nhập viện. Một số video ngắn được đưa lên mạng cho thấy các bác sĩ và nhân viên bệnh viện ở Vũ Hán phải mặc loại áo chống nhiễm dịch tai các khu cách ly hiện đang điều trị bệnh nhân bị viêm phổi vì "coronavirus".   Trưởng khoa Y của đại học Hồng Kông HKU, Giáo sư Gabriel Leung, cho biết con số trường hợp ở Trung Quốc có thể lên đến 1.700 vụ. Ngoài ra, Giáo sư Leung theo phép tính của ông, dịch viêm phổi cấp phát xuất từ Vũ Hán hiện đang lan tràn đến 20 tỉnh thành tại Hoa Lục. Con số của Giáo sư Leung đưa ra đã phù hợp với con số ước lượng của một nhóm chuyên gia y tế của Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại thủ đô London, Anh.   Trong bản báo cáo của Imperial College, phổ biến ngày 17 tháng 1, nhóm chuyên gia MRC đã ước tính có đến tổng cộng 1.723 trường hợp bị nhiễm vi rút "2019-nCoV" tại thành phố Vũ Hán.   Cho đến hôm nay, Trung Quốc nhìn nhận chủng "coronavirus" này có khả năng lây nhiễm giữa người và người. Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm, nói với đài truyền hình CCTV của nhà nước rằng: sự lây truyền từ người sang người là "khẳng định".   Việt Nam và Bắc Triều Tiên, hai láng giềng giáp ranh với Trung Quốc, không có báo cáo xác định trường hợp nhiễm "coronavirus" nào cả. Báo Thanh Niên có đăng tin vào ngày 15/1, với tiêu đề "Xuất hiện 2 du khách nghi nhiễm viêm phổi 'lạ' tại Việt Nam."   Việt Nam hiện nay là quốc gia mở rộng cửa một cách ưu đãi quá độ đối với người và súc vật đến từ Trung Quốc./.  
......

Hàng loạt gián điệp Trung Quốc bị Đức truy quét

Đức ồ ạt đột kích truy bắt các nghi phạm làm gián điệp cho Trung Quốc. Các công tố viên Đức vừa cho biết, cảnh sát đã đột kích nhiều ngôi nhà và văn phòng trên toàn nước Đức trong một vụ án liên quan đến ba người bị nghi là gián điệp cho Trung Quốc. Tạp chí Der Spiegel - cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về các cuộc đột kích, cho biết một trong ba nghi phạm là một công dân Đức từng là một nhà ngoại giao cao cấp cho cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu cho đến năm 2017. Người này thậm chí từng giữ chức đại sứ EU. "Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang thực hiện một cuộc điều tra về hoạt động của các điệp viên tình báo. Chưa có nghi phạm nào bị bắt giữ", ông Markus Schmitt, phát ngôn viên của các công tố viên liên bang Đức cho biết. Trong khi đó, các công tố viên từ chối xác nhận danh tính hoặc ngành nghề của 3 nghi phạm. Đây là vụ việc đầu tiên trong những năm gần đây liên quan đến các cáo buộc cụ thể về gián điệp của Trung Quốc tại Đức và EU. Vụ việc vảy ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng trên khắp châu Âu về việc Trung Quốc đang tăng cường hoạt động gián điệp trên toàn thế giới khi nước này ra sức xây dựng ảnh hưởng chính trị tương đương với kinh tế của họ. Đức và các nước châu Âu khác đang chịu áp lực từ Washington để loại trừ nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc Huawei khỏi đấu thầu xây dựng mạng điện thoại di động thế hệ thứ năm. Các cuộc đột kích diễn ra tại Brussels, Berlin và hai bang miền nam nước Đức là Baden-Wüttemberg và Bayern, trung tâm chính của các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến của Đức./. https://de.reuters.com/article/eu-deutschland-china-spionage-idDEKBN1ZF0JR  
......

Người Trung Quốc tràn sang từng đoàn: Dân lo, chính quyền phản ứng chậm!

 Diễm Thi - RFA| Dân không tin Trung Quốc! Chỉ trong 10 ngày, ba đoàn khách Trung Quốc với số lượng từ hàng trăm lên đến vài ngàn sang Việt Nam tham gia các hoạt động văn hóa của riêng họ khiến nhiều người đọc báo ngỡ ngàng. Lý do theo họ chưa bao giờ có hiện tượng như vậy xảy ra. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền chỉ có biện pháp khi sự việc dường như đã rồi. Vụ việc đầu tiên diễn ra hôm 10 tháng 12, hơn 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức “tour 0 đồng” qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long, tụ tập tại Cung Quy hoạch – Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát… Ngày 11 tháng 12, bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh – cho báo chí biết đã đề xuất cho tạm dừng chương trình vì chưa được phép của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cho rằng doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản thông báo đến các cơ quan chức năng là được phép tổ chức mà không cần chờ cấp giấy phép hay có ý kiến phản hồi. Ngày 12 tháng 12, hơn 700 khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu là khách nữ, đến Cung Cá heo quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (thành phố Hạ Long) tụ tập chụp ảnh khiến chính quyền địa phương phải đưa khoảng 30 người đến giám sát. Hai vụ đó chưa kịp lắng xuống trong công luận thì sáng 20 tháng 12, hơn 2.000 người Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến thành phố Hải Phòng để dự tiệc mà dư luận cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng khiến dư luận không khỏi lo ngại. Theo TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm, thì theo lẽ thường, khi một nước, một tỉnh hoặc một vùng du lịch mà có khách du lịch đến ăn uống, tiêu xài, thuê mướn khách sạn, hội trường… thì đấy là một điều mừng chứ không phải điều lo, nhưng dư luận Việt Nam lại thấy lo ngại trước hiện tượng người Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt vì nhiều lý do. Ông giải thích: “Thứ nhất là họ ồn ào, mất vệ sinh, hung dữ. Thứ hai là họ đến tuyên truyền những điều không được phép như tuyên truyền về đường lưỡi bò; tuyên truyền lịch sử Việt Nam vốn là từ Trung Quốc tách ra; tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.” Tuy dư luận xã hội lo lắng trước hiện tượng này nhưng ông Lê Thế Hùng – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Quảng Ninh, cho rằng việc hơn 600 du khách qua biểu diễn thời trang tại địa phương này chỉ là buổi sinh hoạt nội bộ của du khách, cũng giống như du khách trong nước đi du lịch thường mặc đồng phục để check-in, sau đó ăn uống, ca hát… Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, một trong những thành phố có đông khách du lịch Trung Quốc, phân tích lý do vì sao có hiện tượng trên: “Mình không ở trong ban tổ chức nên mình không biết chắc chắn họ có ý đồ gì không, nhưng tôi nghĩ nó có thể rơi vào mấy trường hợp sau: Thứ nhất họ coi chuyện đó là bình thường, không vi phạm luật pháp Việt Nam. Thứ hai là họ có sự cố ý. Họ làm vậy để thể hiện người Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ Việt Nam theo tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Cô Trần Thị Tuyết, nhân viên công ty bảo hiểm Prudential cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình rằng người Trung Quốc họ không bao giờ đối xử tốt với người Việt Nam mà họ chỉ tìm cách hại người Việt Nam từ thực phẩm cho đến chủ quyền quốc gia. Cô nói thêm: “Người Trung Quốc họ đâu có tốt. Ở bên nước nó mà nó đã xấu rồi thì qua tới Việt Nam mình nó còn xấu tới cỡ nào nữa!” Chính quyền quản lý lỏng lẻo hay sợ Trung Quốc? Là một nước lớn lại nằm cạnh Việt Nam, từ hàng ngàn năm qua Trung Quốc lăm le xâm chiếm Việt Nam, coi Việt Nam như một nước chư hầu của mình. Gần nhất là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Chính vì thế, chuyện từng đoàn khách du lịch Trung Quốc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tụ tập như những ngày qua khiến người dân không thể an lòng. Các cấp chính quyền cũng chỉ giám sát hoặc tạm ngưng các chương trình của họ khi “gạo đã nấu thành cơm” mà không thể ngăn cản ngay từ đầu. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định: “Điều đó nói lên Việt Nam rất lỏng lẻo trong vấn đề để người Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ nhất là sự lỏng lẻo của hệ thống chính quyền tại các địa phương đó. Thứ hai là không có sự chỉ đạo một cách nhất quán từ trung ương xuống đến địa phương. Thể hiện sự buông lỏng quản lý của cấp trung ương với hiện tượng này.” Theo lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, sự có mặt của hơn 2.000 khách Trung Quốc như kể trên là hoạt động du lịch bình thường. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, thật ra chính quyền chỉ lên tiếng khi công luận bức xúc lên tiếng trên báo chí hoặc trên mạng xã hội. Lúc đó họ mới giật mình rồi đổ qua đổ lại. Ông nói tiếp: “Tôi cũng ở trong bộ máy Nhà nước nhiều năm nên tôi biết. Họ vô tâm lắm, họ chả có ý thức chuyện đó đâu. Cán bộ cao cấp Việt Nam rất là sợ Bắc Kinh. Nếu làm phật ý Bắc Kinh là có thể bay ghế liền, cho nên hiện tượng người Trung Quốc sang Việt Nam ờ ạt như vậy chỉ có người dân là bức xúc mà thôi chứ cán bộ thì ít, đặc biệt cán bộ cao cấp nhiều khi còn tránh né sợ đụng chạm.” RFA hỏi chuyện một vài người dân rằng giả sử người Mỹ qua Việt Nam du lịch từng đoàn người đông như vậy và có những hoạt động tương tự các đoàn khách Trung Quốc thì họ có thấy lo lắng không? Cô Tuyết trả lời không do dự: “Không! Tôi không thấy lo vì người Mỹ họ qua họ giúp Việt Nam Từ hồi nào giờ tôi chỉ thấy người Trung Quốc là xấu thôi chứ Mỹ thì không!” Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cùng ý kiến. Ông nêu dẫn chứng chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Hải quân Mỹ trong ban nhạc Hạm đội 7 đã có một đêm nhạc sôi động thu hút hàng trăm người dân tham gia tại chân cầu Rồng. Ông nói: “Không hề lo ngại. Hoan nghênh và vui vẻ là đằng khác. Đó không phải là suy diễn mà là thực tế. Những chiếc tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng hay Nha Trang tổ chức những sự kiện văn nghệ, người dân đến xem và tham gia vui vẻ. Họ đâu có ghét. Phải nói thẳng tâm lý của người Việt Nam là rất kỵ Trung Quốc.” Qua mấy vụ vừa rồi, mạng xã hội lan truyền lại bài thơ “Đường sang nước bạn” của Tố Hữu với hai câu: “Bên ni biên giới là mình Bên kia biên giới cũng tình quê hương…”    
......

Cuối cùng Nguyễn Phú Trọng cũng dám nhắc đến Biển Đông

[ S ] – FB Việt Tân| Phát biểu tại phiên khai mạc Hội Nghị Trung Ương 11 hôm 7 tháng Mười, 2019, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp. Kể từ khi Trung Quốc gia tăng gây hấn, đây là lần đầu tiên ông Trọng lên tiếng về Biển Đông. Yêu cầu phân tích về tình hình Biển Đông của ông Nguyễn Phú Trọng không nhận được nhiều sự chú ý của công luận, bởi lẽ tình hình Biển Đông đã quá rõ ràng và không có gì khó để phân tích. Suốt 3 tháng qua, Hải Dương 8 và các tàu hải giám của Trung Quốc không chỉ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), mà còn thường xuyên cho các tàu có vũ trang quấy phá giàn khoan dầu của Việt Nam trong khu vực Bãi Tư Chính. Mọi diễn biến thực địa đang được nhiều phương tiện theo dõi và cập nhật liên tục. Ngoài ra, Trung Quốc bao năm vẫn vậy, không giấu giếm ý đồ độc chiếm Biển Đông và luôn gia tăng sức ép thông qua sức mạnh vũ lực. Cho nên, điều mà người dân cần nhất lúc này không phải là phân tích hay dự báo, mà chính là thái độ và hành động của lãnh đạo. Nhiều năm qua, bất chấp việc Trung Quốc gia tăng vũ lực để chiếm Biển Đông, nhà cầm quyền CSVN vẫn duy trì tình đồng chí hữu nghị, láng giềng hữu hảo và theo đuổi chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trên thực tế, dù cố gắng tỏ ra thiên lệch nhiều hơn về phía Trung Quốc, thì chính sách này của giới lãnh đạo CSVN không có hiệu quả. Bằng chứng là Trung Quốc đang ngày càng gia tăng bồi đắp các đảo phi pháp, xây căn cứ quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và liên tục gây hấn với Việt Nam. Hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Tư Chính là vi phạm luật pháp quốc tế Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Chắc chắn đây vẫn chưa phải là hành động cuối cùng. Vì vậy đã đến lúc Việt Nam cần chấm dứt chính sách ngoại giao đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cần phải kiên quyết trong việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Tình hình đã rất rõ ràng, giải pháp để ngăn chặn bá quyền Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng đã có, vấn đề là ông Nguyễn Phú Trọng có dám vứt bỏ “tình đồng chí” với quan thầy Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền đất nước hay không!    
......

Việt Nam không thể chống tham nhũng nếu không có tự do và minh bạch

[ S ] – FB Việt Tân| Đoàn 36 cán bộ cấp vụ của Việt Nam sẽ sang Trung Quốc học tập chống tham nhũng từ ngày 5 – 14 tháng Mười Một, 2019, theo kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Quốc giai đoạn 2016-2020. Cho đến nay, chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc đã diễn ra được hơn 7 năm. Mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố rằng chiến dịch chống này đã mang lại thành công vượt trội, nhưng tình trạng tham nhũng tại đất nước này vẫn hết sức nghiêm trọng. Trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) mới nhất, tháng Giêng, 2019 do Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International – TI) thực hiện, Trung Quốc đã tụt đến 10 hạng từ 77 xuống còn 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng tham nhũng được sinh ra bởi cơ chế thiếu minh bạch, và được dung dưỡng bởi một nền tư pháp không độc lập và một nền báo chí không có tự do. Bản thân Trung Quốc được quản lý bởi một thể chế độc tài, guồng máy nhà nước của họ hội tụ đủ các điều kiện cần để tham nhũng phát triển, cho nên dù có tử hình bao nhiêu quan chức đi nữa, tham nhũng vẫn cứ tồn tại và liên tục sinh sôi nảy nở. Bởi thế, nói một cách thẳng thắn là chính quyền Việt Nam không thể chống tham nhũng hiệu quả nếu chỉ học Trung Quốc. Và càng không thể chống tham nhũng nếu cứ giữ nguyên thể chế như hiện nay. Muốn diệt trừ được tham nhũng cần xây dựng một nền tư pháp độc lập để tạo ra sức mạnh răn đe, phải có tự do báo chí để gia tăng khả năng giám sát của xã hội. Đặc biệt, quan trọng nhất phải thay đổi cơ cấu của nhà nước theo hướng minh bạch hóa thông tin. [ S ] – FB Việt Tân Chống tham nhũng chỉ là màn kịch Lò ông Trọng dùng để đốt loại “củi” nào?  
......

Cái Sẩy Hồng Kông & Giấc Mộng Siêu Cường

Tưởng Năng Tiến| Cái sẩy nó nẩy cái ung. Thành ngữ VN   Bằng giờ này năm trước, tháng 10 năm 2018, I.F.R.I – Institut Français des Relations Internationales – đã cho phổ biến bài viết (“Chine : Une Puissance Pour Le XXIe Siècle”) với hơi nhiều lời … có cánh. Thử xem chơi vài câu, qua bản dịch (“Trung Hoa: Một Siêu Cường Của Thế Kỷ XXI”) từ trang Nghiên Cứu Biển Đông: Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế, và mong muốn trở thành cường quốc trong mọi lĩnh vực. Trung Quốc đang phát triển một chiến lược gắn kết và tổng thể nhằm khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, là một cường quốc hình mẫu về kinh tế, quân sự, ngoại giao, chính trị và ý thức hệ. Trung Quốc còn dự định đề xuất một mô hình phát triển và quản trị đất nước thực sự, và tiến hành cơ cấu lại quản trị toàn cầu. Việc nổi lên của một cường quốc là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, và chỉ có thể nhận thấy trong cả quãng thời gian dài. Sau sự xuất hiện của các cường quốc Anh và Mỹ trong những thế kỷ trước, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của siêu cường Trung Quốc. Ngoài các thành tựu kinh tế, có lẽ điều phân biệt Trung Quốc với các nước mới nổi khác là quyết tâm không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy “sự đổi mới vĩ đại của nhà nước Trung Quốc”. Một ý chí sức mạnh 360° … Một ý chí mạnh mẽ muốn được thừa nhận là cường quốc … Một Trung Quốc hình mẫu cho các nước khác … ĐCSTQ cho rằng bối cảnh hiện tại thuận lợi cho Trung Quốc, và mong chờ thập kỷ sắp tới với một sự lạc quan nhất định, đồng thời không ngần ngại nhấn mạnh mặt trái của thế giới và người dân phương Tây. Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của giới bóng đá VN, là Trung Quốc sắp đặt cả nhân loại dưới gót chân của họ bằng những kỳ tích để đời. Cùng lúc – khắp nơi – thiên hạ vẫn thường được nghe những lời phát biểu, với khẩu khí cũng tự tín và lạc quan (tương tự) từ ông Chủ Tịch Đảng kiêm Chủ Tịch Nước của xứ sở này: – Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử”, bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế. – Chúng ta cần củng cố niềm tin về con đường, lý luận, hệ thống và văn hóa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước khác. – Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của ‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa. – Hương Cảng luôn trong trái tim tôi. Tập Cận Bình có “nổ” lớn quá không? Không đâu! Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, ngài chủ tịch còn có thêm một khối óc vỹ đại cùng tầm nhìn bao quát toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là “dự án lớn nhất của thế kỷ” (the largest project of the century) với kỳ vọng sẽ mang lại “một trật tự mới cho thế giới.” Quả đất vốn đã xưa, thế giới vốn đã cũ nên mọi sự mới mẻ đều được vui vẻ đón chào. Niềm vui, tiếc thay, hơi ngắn. Cái được mệnh danh là trật tự Trung Hoa – Sino-centric order – chưa kịp thành hình (mới chỉ có trong óc tưởng tượng thôi) thì đã có “sự cố” vô cùng đáng tiếc xẩy ra, khiến cho chính nước Tầu bỗng trở nên hơi bị lộn xộn và rối rắm. Cái “sẩy” này tuy chỉ do chút “thiếu tế nhị” trong lãnh vực pháp lý nhưng đã nẩy ra một cái ung to đùng, có thể làm tiêu tán giấc mộng (lớn) của Tập Cận Bình. Vấn đề đã được Mary Hui – tường thuật viên của Quartz, tại Hồng Kông – tóm gọn như sau, theo bản lược dịch của Đoan Trang: Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác: 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”. Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời. Thế là sóng gió ba đào: Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam). Có thể ví dự luật dẫn độ như một giọt nước tràn ly, và phản ứng dữ dội của người dân Hương Cảng như những cái tát (nháng lửa) vả liên tiếp vào mặt của Tập Cận Bình: – Hơn 1 triệu người biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ … – Hồng Kông Tê Liệt Vì Biểu Tình Phản Kháng Chính Quyền – Người biểu tình Hồng Kông so sánh cảnh sát với chế độ Hitler – Chính khách Úc ‘so sánh’ Trung Quốc với phát xít Đức  – Phong trào phản đối Luật dẫn độ đã dần công khai nhắm vào ĐCSTQ – Người Hồng Kông đốt cờ Trung Quốc – Vụ tự sát thứ ba của người Hồng Kông chống luật dẫn độ – Mười nghìn người Đài Loan biểu tình ủng hộ Hồng Kông – G7 “quan ngại sâu sắc” về tình hình Hồng Kông – Xuống đường ở Macau ủng hộ biểu tình Hong Kong – Sinh viên Hồng Kông bãi khóa để phản đối Bắc Kinh – Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông – Đức kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho dân Hồng Kông – Biểu tình Hong Kong: Đã có tiếng súng! Sau vô số lời đe doạ, sau khi bạo lực bị chống trả mãnh liệt bởi bạo động, và sau khi súng đã nổ nhưng những cuộc biểu tình vẫn giữ nguyên cường độ nên Trung Hoa Lục Địa “bỗng” trở nên nhũn nhặn và … lễ độ thấy rõ. Mềm nắn, rắn buông. Không buông, ngó bộ, không xong đâu! South China Morning Post, số ra hôm 4 tháng 9 năm 2019, loan tin: “Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thông báo rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Hong Kong leader Carrie Lam announces formal withdrawal of the extradition bill.” Josuhua Vong đáp lại rằng như thế là “quá ít và quá muộn. Too little and too late.”  Theo BBC, ông còn cho biết thêm: “Biểu tình sẽ tiếp tục cho đến ngày có bầu cử tự do.” Cụm từ “bầu cử tự do” – tiếc thay – lại không có trong tự điển của Tập Cận Bình. Nay muốn thêm vào e hơi bị khó. Sợ nó sẽ làm đảo lộn trật tự không chỉ ở đảo Hồng Kông mà còn ngay cả ở Trung Hoa Lục Địa nữa. Giấc mộng “Sino-centric order” – ngó bộ – còn xa. Nó cũng xa xăm và mơ hồ (y) như giấc mộng siêu cường của Tân Hoàng Đế vậy. Tưởng Năng Tiến 9/2019    
......

Bà Phạm Chi Lan: “Quá mạo hiểm, quá rủi ro, quá khờ dại”

chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan Chau Doan (Đoàn Bảo Châu ) Chiều ngày 9/8/2019, nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, trên trang facebook cá nhân của mình (Chau Doan), đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Live Stream với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xung quanh sự kiện Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính thuộc lãnh hải Việt Nam. Bà Phạm Chi Lan là một trí thức có nhiều phát ngôn trí tuệ, mang tính khai trí rất cao, được nhân dân rất quý trọng, đã giúp rất nhiều cho những người dân hiểu nhiều vấn đề về Chính trị, Kinh tế, Xã hội của đất nước. Bài trả lời phỏng vấn của bà Phạm Chi Lan trong khoảng 50 phút. Chỉ sau vài giờ đã có trên 1500 lượt thích, hơn 600 bình luận, hơn 1 nghìn lượt chia sẻ và gần 30 ngàn người theo dõi. Tôi không có điều kiện gỡ băng toàn bài, chỉ xin trích một đoạn ngắn bà nói về một sự kiện mà dư luận cả nước rất quan tâm: NGUY CƠ CÁC NHÀ THẦU TRUNG QUỐC THAM GIA LÀM ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC NAM. Nguyên văn đoạn trích như sau: “… Có thể là từ những cái ám ảnh về mặt chính trị rồi đến quyết định kinh tế mà đã để cho họ (Trung Quốc) làm quá nhiều, thì bất chấp những bài học như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, bất chấp 12 dự án thua lỗ chổng gọng ra của Bộ Công thương, hay là như con đường Đà Nẵng – Quảng Nam, tuy là đường cao tốc do tập đoàn Việt Nam làm, nhưng cái đoạn mà nhà thầu TQ làm lại là đoạn gây ra những chuyện lớn nhất… Bất chấp tất cả những chuyện như thế, người ta vẫn cứ luôn luôn nghĩ đến chuyện là Trung Quốc tham gia. Tôi nghĩ ĐẤY LÀ CÁI ĐIỀU RẤT LÀ TỆ. Trong bối cảnh hiện nay thực sự là cần thay đổi một cách triệt để. “Theo tôi hiểu theo quan hệ quốc tế thì khi giữa hai nước có quan hệ căng thẳng với nhau về lãnh thổ, về an ninh quốc phòng, như là Trung Quốc liên tục có những hành vi xâm lấn, thậm chí mưu đồ muốn chiếm đoạt biển Đông rất rõ ràng như vậy thì Việt Nam hoàn toàn có quyền loại Trung Quốc ra, không để tham gia vào những dự án quan trọng về kinh tế cũng như về an ninh quốc phòng của Việt Nam, như đường Cao tốc Bắc Nam, như đường sắt cao tốc Bắc Nam trong tương lai hoặc là sân bay Long Thành. Có thể hoàn toàn loại hẳn ra ngoài. “Vì trong tình hình căng thẳng như vậy không ai lại để cho cái kẻ thù đang đe dọa ở ngay cửa trước của mình, lại nhẩy vào cửa sau, ngay trong chính sân nhà mình, trong ngôi nhà của mình như thế cả! Làm như vậy thì quá mạo hiểm, quá rủi ro, quá khờ dại. Không ai có thể chấp nhận như vậy được cả. “Thì thà, nếu không có nhà thầu nào đủ điều kiện để làm thì hoãn các dự án lại, không sao cả. Chưa phải quá cấp bách lúc này đến mức phải chấp nhận cho Trung Quốc làm”. Bà Phạm Chi Lan nói trong tâm trạng bức xúc. Thực hiện gỡ băng: Nguyễn Ngọc Dương
......

Tập thua Trump trên mặt trận tuyên truyền

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt Đầu Tháng Năm, 2019, Tổng Thống Donald Trump “tuýt” một thông điệp dọa tăng thêm thuế quan trên $200 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc, sau cú đánh $50 tỷ từ trước. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ Thượng Hải đến Thẩm Quyến tụt xuống, tổng cộng mất $487 tỷ; nhưng báo đài loan tin không nói nguyên nhân mất giá phát xuất từ Tòa Bạch Ốc. Những trao đổi trên mạng xã hội nhắc đến lời đe dọa của ông Trump đều bị cắt bỏ. Chỉ có một mạng thông tin ở Bắc Kinh có phản ứng. Đó là mạng Taoran Notes, trên diễn đàn WeChat, cũng giống như Twitter ở Mã. WeChat tên tiếng Trung Hoa là “Vi Tín” (tin thức nhỏ), do công ty Tencent (Đằng Tấn) lập ra năm 2011. Trên nguyên tắc, Taoran là mạng WeChat thuộc nhật báo kinh tế ở Bắc Kinh.   Theo mạng WeChatScope do Đại Học Hồng Kông lập ra, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất trên diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ.” Trong hình, người dân Hồng Kông cầm biểu ngữ phản đối Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, 2019. Cả tháng qua, người dân Hồng Kông liên tục xuống đường phản kháng Trung Quốc đại lục mà không thấy có dấu hiệu giảm. (Hình: AP Photo/Kin Cheung) Mạng Taoran kịch liệt đả kích ông Trump trong một bài dài 1.500 chữ, với tựa đề “Nếu không thành khẩn thì không cần đến thương thuyết, không có điều gì cần thương thuyết cả!” Taoran cảnh cáo ông tổng thống Mỹ đừng mong Trung Quốc sẽ nhượng bộ mà sẽ gánh lấy hậu quả đau đớn. Bài báo lên giọng: “Trong chiến tranh mậu dịch không có kẻ thắng! Người nào không nhìn thấy sự thật này sau một năm đấu đá, hắn được dạy một bài học, dạy đi dạy lại, cho đến khi hắn nhận ra!” Ngày hôm sau, lời đe dọa của ông Trump được loan tải vắn tắt trên một số ít báo, đài, nhưng đều dùng lời lẽ ôn hòa. Chỉ có nhật báo Nhân Dân (Bắc Kinh) đăng lại bài bình luận của Taoran trên mục WeChat của họ. Tờ báo tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản hiếm làm như vậy. Mạng Taoran Notes là cái gì hay là ai, ở đâu ra? Taoran ra đời năm 2015, lúc đầu bàn về đủ mọi chuyện, nhưng từ Tháng Mười, 2018, trang mạng này chuyên nói đến cuộc “chiến tranh mậu dịch” Trung-Mỹ, sau khi ông Trump tuyên chiến. Nhiều người đoán rằng Taoran do giới lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Sản tạo ra để nói những điều mà họ chưa muốn nói trên các diễn chính thức. Vì không ai được phép nói những quan điểm chính sách một cách mạnh mẽ như thế. Mạng này chắc chắn có “tay trong” nên viết những điều “báo trước” các quyết định từ chóp bu trong đảng. Có lúc dư luận đều nghĩ tình hình thương thuyết Mỹ-Trung rất dễ thỏa thuận, Taoran lại đoán sắp bế tắc; quả nhiên hai ngày sau cuộc nói chuyện bị đứt đoạn. Taoran kể ra các chi tiết mà người ngoài không ai biết. Tháng Ba năm nay, Taoran tiết lộ rằng trong cuộc họp bàn giữa phái đoàn thương thuyết Mỹ-Trung, hai bên đã cãi nhau hơn hai tiếng đồng hồ chỉ vì một chữ trong một bản thảo; ngày hôm sau các báo đài của đảng đăng lại câu chuyện này. Taoran là một khí cụ thông tin tuyên truyền của Cộng Sản Trung Quốc; nhưng chỉ được dùng để chuẩn bị dư luận trong nước Tàu. Những ý kiến do Taoran nêu ra sau đó được các báo đài toàn quốc lập lại, thay đổi cách nói nhưng không thêm không bớt. Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng cung cấp tin tức và nhào nặn tình tự cho hơn một tỷ người Trung Hoa. Nhưng không gây được chút ảnh hưởng nào trong dư luận thế giới. Giới lãnh đạo Trung Cộng hầu như không quan tâm đến dư luận thế giới. Trong khi Tổng Thống Trump “tuýt” hơn 100 lần công kích các lạm dụng kinh tế và thương mại của Trung Cộng, được báo, đài Mỹ và các nước khác loan tải, thì ông Tập Cận Bình không mấy khi nói một lời. Mà khi mở miệng bàn đến chuyện này thì ông ta lại nói rất nhẹ nhàng, nhiều khi bóng bẩy. Vì vậy, trong cuộc chiến tuyên truyền, Trump đang lấn áp Tập. Trong hai năm qua dân chúng Mỹ càng ngày càng thêm ác cảm với Trung Cộng. Trong Quốc Hội, phe Dân Chủ xưa nay vẫn chống tự do thương mại còn thúc đẩy Tổng Thống Trump mạnh tay hơn, trong khi đảng Cộng Hòa vốn cổ động mậu dịch tự do cũng phải rụt rè ủng hộ ông tổng thống cùng đảng. Ngoài nước Mỹ, người ta cũng chỉ được nghe những bằng cớ và lý luận của nước Mỹ, không ai nghe tiếng nói nào của nước Tàu. Một giáo sư kinh tế học nổi tiếng, ông Dư Vĩnh Định (余永定, Yu Yongding) mới nói trong một bài thuyết trình ở Đại Học Nhân Dân, Bắc Kinh, đã kết luận: “Trung Quốc đang thua trên mặt trận tuyên truyền!” Ông hỏi: “Tại sao các công ty Trung Quốc bị tố cáo là cưỡng đoạt hoặc ăn cắp kỹ thuật của Mỹ không đứng ra cải chính, trưng ra các bằng cớ, để tự bênh vực?” Cứ im lặng như vậy, người từng làm cố vấn Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thấy rằng có những việc người Trung Quốc làm có lý nhưng cả thế giới lại thấy là phi lý, mà không người Tàu nào tự đứng ra cãi lại! Các công ty Trung Quốc không biết tự bênh vực lấy mình, vì đảng Cộng Sản không bảo họ làm thì họ không làm! Đó là sự thật. Vì guồng máy tuyên truyền của đảng bao thầu hết, như thói quen của họ từ 70 năm qua. Cho nên dư luận quốc tế chỉ được nghe nước Mỹ kể chuyện và đưa ra các lý lẽ của Mỹ. Sở trường của các Cộng Sản là bạo lực và tuyên truyền. Cộng Sản Trung Quốc nắm trong tay một guồng máy tuyên truyền mạnh nhất thế giới, trong số lượng người cũng như trong khả năng kỹ thuật tính bằng số mega-bites. Trung Cộng làm chủ dư luận trong nước Tàu, dân chúng khóc, cười theo nhịp và cường độ của Ban Tuyên Giáo. Nhưng từ khi trận đấu mậu dịch bắt đầu, họ thua Mỹ hoàn toàn trong dư luận thế giới. Một lý do là những người phụ trách tuyên truyền của họ không hiểu tâm lý các cử tọa bên ngoài nước Tàu, nhất là người Tây phương. Vì lối huấn luyện người vẫn nặng mặt nhồi sọ, các cán bộ tuyên truyền không có tập quán và khả năng tìm hiểu người khác với các quan điểm khác mình. Bộ não của họ đã bị bịt kín. Hơn nữa, họ lại không có sáng kiến để đáp ứng với các trạng huống mới lạ, nằm ngoài cách nhìn thiển cận, một chiều mà đảng dạy cho. Thiếu sáng kiến là hậu quả của lề lối làm việc hằng ngày của họ, vì lúc nào cũng bị kiểm soát, lo lắng không biết mình có “sai đường lối” hay không. Mỗi ngày phải tự kiểm điểm, cố tránh những đề tài bị cấm đoán, soi kỹ từng sự kiện cho đến từng chữ đem dùng. Ngay trên Internet, theo mạng WeChatScope do Đại Học Hong Kong lập ra để theo dõi, liệt kê và đếm các ý kiến, các bài cho đến các chữ hay bị kiểm duyệt trong lục địa, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất trên diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ”. Ngoài các nguyên nhân chủ quan trên, một yếu tố mà guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng không thể làm gì để thay đổi được là lòng tin. Người ngoại quốc, từ giới trí thức, ngành truyền thông, cho đến các nhà kinh doanh rồi lan ra đến người dân bình thường, thường không tin tưởng vào giới lãnh đạo Trung Cộng. Người ta đã có kinh nghiệm, cái gì từ Bắc Kinh phát ra thường không đúng sự thật. Ông Tổng Thống Trump có thể đã bị nhiều người nghi ngờ không quan tâm đến sự thật, nhưng đối với những điều giới lãnh đạo Trung Cộng nói ra thì người ta không nghi ngờ gì cả: Toàn là lời nói dối! Những thí dụ cụ thể ai cũng biết: Các sự kiện và lập luận được Bắc Kinh đưa ra liên quan đến Tây Tạng, đến người Uyghurs ở Tân Cương và nhất là những điều gian dối về Đường Lưỡi Bò trong Biển Đông nước ta. Báo đài Trung Cộng lại quen thói nói nhiều giọng điệu khác nhau, tùy theo họ nhắm vào thính chúng nào. Cho dân trong lục địa nghe, cho người Trung Hoa ở bên ngoài, hay cho công chúng các nước khác, mỗi mục tiêu được cung cấp các lời lẽ khác nhau. Tờ Nhân Dân Nhật Báo viết về cùng một tin hay cùng một quan điểm nhưng bản chữ Anh khác với bản chữ Hán. Đối với dân trong nước, họ kích thích tự ái dân tộc một cách lộ liễu, nhiều khi thô bạo. Còn với bên ngoài thì phô bày bộ mặt hòa hoãn mặc dù rất kiên quyết. Người ta không biết nên tin vào đâu. Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng khác hẳn với lối làm việc của mạng lưới truyền thông trong thế giới tự do. Ở Mỹ, người ta được dọc đủ mọi thứ ý kiến, từ các bản tuýt của Tổng Thống Trump cho tới những lời can ngăn ông hay thúc đẩy ông mạnh tay hơn. Đặc tính minh bạch, công khai và đa dạng này không có trong nước Tàu. Trước khi một nhà báo Trung Quốc “mở miệng” người ta đã biết họ không có ý kiến nào cả, họ chỉ nhắc lại theo chỉ thị từ trên ban xuống. Vì vậy, không ai có thể tin vào những điều từ Bắc Kinh nói ra, nhất là họ hay nói lấy được, không đưa ra các bằng cớ đáng tin cậy. Vì vậy, từ Tháng Năm vừa rồi, sau khi báo Nhân Dân (Bắc Kinh) đăng lại cả bài bình luận của mạng Taoran, và viết thêm bao nhiêu bài theo cùng giọng điệu đó, cả thế giới không ai để ý tới quan điểm của Cộng Sản Trung Quốc về cuộc chiến mậu dịch đang làm điên đảo các thị trường chứng khoán. Người ta chỉ theo dõi Taoran để “đọc giữa các hàng chữ” coi ông Tập Cận Bình đang tính toán gì. Nhưng đoán được hậu ý của người phương Đông, nhất là người Trung Hoa rất khó. Đó là cả một nghệ thuật. Phóng viên Bloomberg viết đến tên Taoran đã đoán rằng cái tên này chắc liên hệ tới một công viên ở Bắc Kinh, tên là Taoranting. Nhưng người Trung Hoa có họ thì biết người đặt tên mạng xã hội này đã dùng tới thơ Bạch Cư Dị (772-846), một thi sĩ cuối đời Đường. Hai chữ Taoran (Đào Nhiên, 陶然) rất văn chương, mô tả một thái độ ung dung thư thái. Câu thơ Bạch Cư Dị viết: Cánh đãi cúc hoàng gia nhưỡng thục – Dữ quân nhất túy nhất đào nhiên (更待菊黄家酿熟-与君一醉一陶然). Nghĩa là “Hãy đợi đến mùa hoa cúc vàng và rượu ấp đủ nồng – Cùng anh sẽ uống một cơn say sỉn và một cuộc sống thong dong.” Người nước ngoài thấy những lời khiêu khích trong mạng Taoran có vẻ “say xỉn, nhất túy” chứ chẳng thấy thong dong chút nào. Người ta chỉ thấy một thái độ hằn học, cay cú, thêm chút ngạo mạn khi Taoran dọa có ngày Donald Trump sẽ được dạy cho một bài học và lãnh hậu quả đau đớn! Đối với thế giới bên ngoài, Trung Cộng vẫn là hình ảnh một chế độ gian dối, lợi dụng tất cả mọi người, và hung hăng hiếu chiến. Donald Trump thắng Tập Cận Bình trên mặt trận tuyên truyền quốc tế. Ngô Nhân Dụng -  Người Việt  
......

Trump-Tập công khai thách đấu

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt Ngày Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, Tổng Thống Donald Trump dọa nếu Bắc Kinh không nhượng bộ ông sẽ tăng thuế nhập cảng từ 10% lên 25% trên $200 tỷ hàng hóa mua của Trung Quốc, bắt đầu từ Thứ Sáu. Ông dọa thêm, sẽ còn đánh thuế 25% trên hơn $300 tỷ hàng hóa khác. Trong ngày Thứ Hai, các thị trường chứng khoán bên Tàu tụt xuống, các cổ phiếu mất đến 6% giá trị, số tụt giảm nặng nhất trong ba năm qua. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng xuống, nhưng nhẹ hơn vì nước Mỹ xuất cảng sang Tàu ít hơn Tàu bán sang Mỹ. Trong hai ngày cổ phiếu 500 công ty Mỹ trong chỉ số S&P500 mất tổng cộng $500 tỷ. Ngày Thứ Ba, Chỉ số DJ trên thị trường chứng khoán New York tụt 473 diểm, mất 1,8%, xuống nhiều nhất kể từ đầu Tháng Giêng năm nay. Với gần 100 chữ viết trong thông điệp Twitter, ông Donald Trump đã thách thức ông Tập Cận Bình, trước mắt bàn dân thiên hạ. Trong hai ngày, báo, đài của Trung Cộng không đả động gì đến lời đe dọa của ông Trump. Tới ngày Thứ Ba, ông Tập Cận Bình mới trả lời, qua một bài ý kiến của nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh. Họ viết trên WeChat, một thứ giống như Twitter ở bên Tàu, “Làm việc gì có ích lợi, không ai đòi hỏi chúng tôi cũng làm. Cái gì không thuận lợi, thì dù anh đòi hỏi cách nào, chúng tôi cũng không lùi bước.” Và kết luận bằng giọng điệu thách thức: “Đừng ai nghĩ đến chuyện đó!” Đúng là Trump và Tập đang gườm nhau trên võ đài mậu dịch. Chuyện gì đã gây nên tình trạng căng thẳng này? Donald Trump bắt đầu tăng thuế đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc với mục đích giảm bớt thâm thủng mậu dịch của Mỹ, hàng $400 tỷ mỗi năm đối với nước Tàu. Trung Cộng đã trả đũa, đánh thuế trên hàng do Mỹ xuất cảng sang Tàu. Trong hai năm qua, số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ vẫn tăng thêm, không giảm. Kể từ Tháng Mười năm ngoái, các cuộc thương thuyết giữa hai nước diễn ra trên hai vấn đề chính. Trên một mặt trận, Mỹ tiếp tục đòi Bắc Kinh phải nhập cảng hàng của Mỹ nhiều hơn để chấm dứt cuộc đấu võ bằng quan thuế. Mặt trận thứ hai quan trọng hơn. Mỹ yêu cầu Tàu phải thay đổi chính sách kinh tế. Phải mở cửa cho các công ty Mỹ làm ăn dễ dàng hơn, chấm dứt việc trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước giúp họ cạnh tranh với các công ty Mỹ, chấm dứt việc lấy trộm các “sản phẩm trí tuệ” như các kỹ thuật tân tiến của xí nghiệp Mỹ. Cuộc thương thuyết gần đây đã tiến bộ trên cả hai mặt đó. Nhưng cho đến cuối tuần qua, hai bên bước đến một vấn đề mấu chốt: Làm cách nào để kiểm chứng các hứa hẹn của chính quyền Trung Cộng, bắt buộc họ phải thi hành nghiêm chỉnh? Phía Mỹ muốn các biện pháp “trừng phạt” nếu Bắc Kinh không giữ lời. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền kỹ thuật của Mỹ, hay đối xử bất công với các công ty Mỹ, thì chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng trên hàng mua từ nước Tàu để trừng phạt, mà phía Tàu không được phép đánh thuế trả đũa. Mỹ cũng muốn nước Tàu phải đặt ra những luật lệ mới bảo vệ quyền sở hữu trên các “sản phẩm trí tuệ” thay vì chỉ thi hành các đạo luật đang có, mà Mỹ đòi là không đủ mạnh. Đặc biệt, phía Mỹ yêu cầu phải ghi rõ các điều này trong bản thỏa hiệp hai bên sẽ ký kết. Đến chỗ đó thì Bắc Kinh không nhượng bộ. Theo nhật báo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình không chấp nhận yêu cầu của Mỹ, Ông nói rằng: “Tôi sẽ là người gánh tất cả hậu quả!” Khi Phó Thủ Tướng Lưu Hạc báo tin cho các bộ trưởng trong chính phủ Mỹ biết, ông Trump nổi giận. Nếu nhượng bộ, ông Tập Cận Bình lo sẽ có những hậu quả nào? Trước hết, Tập sẽ mất mặt. Người dân nước Tàu sẽ hỏi tại sao nhượng bộ nhiều quá như thế? Trong bản thỏa hiệp, Mỹ chỉ nhượng bộ một điều, là bãi bỏ thuế quan mới đánh. Còn Trung Cộng vừa phải xóa bỏ thuế, lại vừa phải chịu thêm các điều kiện khác! Giấc Mộng Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình vẫn hô làm khẩu hiệu từ dăm năm nay đã kích thích tự ái dân tộc của người Trung Hoa trong lục địa. Người dân đã nuôi dưỡng hình ảnh một Trung Quốc vĩ đại, sắp vượt qua Mỹ quốc đến nơi rồi. Họ không nhìn thấy những yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Ngay cả Bộ Chính Trị đảng cũng vậy. Trong phiên họp thường lệ vào Tháng Hai vừa qua, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc không bàn gì đến vấn đề kinh tế, dù cuộc chiến tranh mậu dịch đang tới hồi gay cấn. Người dân cũng không thấy cuộc chạy đua tăng quan thuế với Mỹ ảnh hường đến đời sống hằng ngày của họ như thế nào. Vì các báo, đài không được loan báo tin tức về số xuất cảng sang Mỹ tụt giảm. Ngược lại, ở Mỹ thì ai cũng được nghe tin về hàng mua từ bên Tàu đã lên giá. Tập Cận Bình đang sa chân vào cái bẫy do chính mình dựng lên. Năm 2019 lại là một năm đặc biệt, đánh dấu nhiều biến cố trong lịch sử Trung Quốc. Tháng Năm, ngày bốn là 100 năm Ngũ Tứ Vận Động. Tháng Muời sẽ là lễ hội lớn, 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tình tự dân tộc được khích động, đến ngày 4 Tháng Sáu người ta sẽ nhớ đến cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, đúng 30 năm, nếu trong lòng bất mãn với chế độ. Tập Cận Bình không rút chân ra khỏi cái bẫy này được. Đúng lúc đó thì Donald Trump “tuýt” những lời đe dọa “quyết chiến” và đặt ra những điều kiện phũ phàng! Vì vậy Tập Cận Bình càng phải tỏ ra cứng rắn! Cả hai người, Trump và Tập Cận Bình đều được lợi nếu ký kết một “thỏa ước đình chiến” trong cuộc chiến tranh mậu dịch này. Nhưng hai người đang khóa tay khóa chân nhau, đẩy nhau tới bờ vực. Cả hai không thể cho dân chúng thấy mình đã nhượng bộ đối thủ. Cả hai đều được phấn khích về nền kinh tế nước mình, vẫn tăng trưởng dù đang tranh chấp. Cứ như vậy, tại sao phải nhượng bộ, mất mặt. Nếu nhìn thuần túy về kinh tế, Tập Cận Bình cần một thỏa hiệp nhiều hơn Trump. Kinh tế Mỹ có dấu hiệu vẫn vững mạnh. Kinh tế Trung Quốc khá hơn trong mấy tháng vừa qua nhưng trên đường dài thì sẽ bất lợi hơn nếu cuộc chiến tiếp diễn. Nhưng đó là cách nhìn khách quan và trường kỳ. Trong ngắn hạn, câu chuyện có thể khác. Ông Trump sẽ phải tranh cử trong năm tới. Ông Tập Cận Bình thì không. Nếu kinh tế mỗi nước đều xuống, thì dân Mỹ sẽ kêu trời. Còn dân Tàu có muốn kêu cũng không được mở miệng. Tổng Thống Donald Trump rất quan tâm đến thị trường chứng khoán, ông vẫn coi thị trường lên là một thành quả nhờ ông mới có. Nhưng người ta tiên đoán, nếu ông thực sự tăng thuế quan lên 25% như lời đe dọa, chỉ số S&P500 sẽ tụt mất 2%; và nếu chiến tranh mậu dịch tiến đến hơn nữa, S&P500 có thể mất 7% giá trị. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ tìm cách can ngăn ông tổng thống. Ngày Thứ Ba nhật báo The Wall Street Journal mới viết trong bài quan điểm, nhắc nhở Tổng Thống Trump: “Ngày Chủ Nhật, tổng thống mới viết trên Twitter rằng đánh thuế quan (trên hàng hóa Trung Quốc) là một lý do khiến kinh tế Mỹ vững mạnh.” Nhưng tờ báo có khuynh hướng Cộng Hòa viết tiếp, “điều này trái ngược với sự thật. Kinh tế vẫn tăng trưởng mặc dù tăng thuế quan, nhưng số công việc làm trong các ngành chế tạo năm nay đã giảm bớt một phần vì kinh tế nước Tàu tiến chậm hơn.” Ngô Nhân Dụng  
......

Trung Quốc - CON Rồng rơi rụng... và tan xác theo Mật truyền Tây Tạng... vào 2019..

Trung Quốc: hành chánh và tranh chấp lãnh thổ (trái), 6 quân khu quân sự (phải) Nguyễn Đúc Tuấn Hiện nay nhiều người, nhất là giới truyền thông Tây phương, cho rằng, Tập cận Bình là người đầy quyền lực, nào là Chủ tịch nước, Chủ tịch đảng, Chủ tịch Quân Ủy hội, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và cả chục chức chủ tịch các tiểu ban khác. Tuy nhiên, có người nói không phải thế. Họ Tập chỉ còn là một con đại bàng gãy đôi cánh, nhất là sau cuộc họp Bắc Đới Hà, vào mùa hè năm 2018. Ông đã cố tình tránh mặt cuộc họp này, đi công du ở một vài nước châu Phi. Đến khi trở về, thì tình hình hoàn toàn bất lợi cho ông. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề trên một cách kỹ lưỡng hơn. Theo một số người, nhất là người Tàu, thì đảng cộng sản Tàu hiện nay chia làm hai Phe: Phe Thái tử đảng đại diện bởi Tập Cận Bình, Phe Trường đảng, đại diện bởi Lý Khắc Cường, đứng đằng sau là Hồ Cẩm Đào. Người khác nói có 3 phe: 2 phe cầm đầu bởi 2 cựu Chủ tịch đảng là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào và một phe cầm đầu bởi đương kim Chủ tịch. Ba phe này, bằng mặt chứ không bằng lòng. Bề ngoài thì ăn nói hớn hở, tươi cười, nhưng bên trong thì sẵn sàng lợi dụng sơ hở để loại trừ người của phe phái khác. 1– Phe Thái tử đảng: Hai sử gia, bà Jung Chang của đại học York và ông Jon Halliday của đại học Luân Đôn, chuyên gia về lịch sử cận đại của Tàu, trong quyển Mao, nhà xuất bản Gallimard (2005) cho rằng, đảng Cộng sản Tàu là do một nhân viên của Đệ Tam quốc tế Cộng sản, mang tên Grigori Voitinski thành lập năm 1920, và một nhân viên khác gốc người Hòa Lan đồng chủ trì Đại hội đầu tiên của đảng này vào năm 1921 ở Thượng Hải. Cũng theo hai sử gia trên, đảng này đã tàn sát 75 triệu dân dưới thời Mao Trạch Đông (1949 – 1976), tương đương với ¼ dân số Tàu lúc bấy giờ. Cũng đảng này đã dùng xe tăng cán chết sinh viên học sinh, tàn sát hàng ngàn người thời Đặng Tiểu Bình (1978 – 1989). Đảng này đang được cầm đầu bởi Tập Cận Bình, một thái tử đảng, con của ông Tập Trọng Huân, Phó Thủ tướng, đặc trách về ý thức hệ thời Mao. Đảng này hiện có khoảng 80 triệu đảng viên. Có thể nói sau khi Liên Xô sụp đổ, đây là đảng có nhiều ảnh hưởng nhất trên trường quốc tế hiện nay. 2– Phe Trường đảng: Đó là trường Huấn luyện Đảng viên Cao cấp của Trung ương đảng, được Mao thành lập và làm hiệu trưởng từ năm 1934 ở Diên An. Ngoài Mao, trường này đã cung cấp cho đảng 2 người Tổng bí thư, đó là Hồ Diệu Bang và Hồ Cẩm Đào và một đương kim thủ tướng là ông Lý Khắc Cường. Trường này cũng hãnh diện là đã đào tạo được vào khoảng 80 triệu học viên. Có nhiều người cho rằng sự tranh chấp hiện nay là giữa 2 phe trường đảng và phe thái tử đảng. Nhưng không chỉ như thế, mà còn có một phe thứ 3, phe Giang Trạch Dân. 3– Phe Giang Trạch Dân: Phe này qui tụ những thương gia, kỹ nghệ gia, phần đông ở Thượng Hải, vì trước khi lên chức Tổng Bí thư, họ Giang đã làm Tỉnh trưởng tỉnh Thượng Hải. Vì liên quan đến tham những hối lộ, cũng như liên quan đến vụ diệt chủng, giết hại Pháp Luân công, buôn bán nội tạng của những nạn nhân, phe này có rất nhiều đồng phạm. Vì Giang Trạch Dân không những làm Tổng Bí thư 10 năm, mà 10 năm sau đó hoàn toàn khống chế Hồ Cẩm Đào, đến nỗi ông này, mặc dầu là Tổng Bí thư, nhưng phải than lên là “Chỉ thị của tôi không ra khỏi Tử Cấm Thành!”, vì bị người của họ Giang ngăn chặn. Chính vì vậy mà họ Giang có rất nhiều tay em ở trong Trung ương đảng và những cán bộ ở các cấp hành chánh. Họ Giang đang chơi trò “ngư ông thủ lợi”, vì hai phe Thái tử và Trường đảng, không phe nào có đa số tuyệt đối trong Trung ương đảng. Phe Giang ngả về phe nào thì phe đó thắng. I) Diễn tiến sự việc từ ngày Tập cận Bình lên ngôi tới nay. Vào năm 2011, lúc họ Tập đang sửa soạn lên ngôi, thì xảy ra vụ Bạc Hy Lai, tỉnh trưởng Trùng Khánh. Họ Bạc được Giang Trạch Dân sửa soạn để thay thế họ Tập, nếu những vụ ám sát thành công. Nhưng không dè, nhiều lần ám sát họ Tập mà thất bại. Theo như báo chí và những người am hiểu tình hình Tàu lúc bấy giờ, thì có đến cả chục vụ ám sát hụt. Thêm vào đó, lại xảy ra vụ giết người của vợ Bạc Hy Lai, vì tham nhũng, hối lộ, chia chác không đều với một người Anh. Vợ họ Bạc đã giết ông này, và đã bắt tay em của Bạc hy Lai, ông Vương Lập Quân, đặc trách về công an tỉnh Trùng Khánh, tìm cách thủ tiêu xác. Ông Vương đã không thi hành và đã trốn vào tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Trùng khánh. Sự việc nổ ra lớn. Liên quan cả đến một âm mưu đảo chánh. Lúc đó Hồ cẩm Đao đang tại chức. Họ Hồ đã ngả về phe họ Tập, tìm cách tiêu diệt họ Giang, nên đã cho người từ Trung ương đảng mang xe xuống giải cứu Vương Lập Quân, đang bị họ Giang và họ Bạc tìm cách đuổi giết. Chính vì vậy mà Tập Cận Bình được lên ngôi một cách suôn sẻ. Từ năm 2012, Tập Cận Bình bắt đầu chính sách “Đả hổ đập ruồi” chống tham nhũng hối lộ. Nhưng trên thực tế là chỉ nhằm vào tay chân của họ Giang và những người không theo mình. Phải công nhận rằng trong nhiệm kỳ đầu, Tập cận Bình đã mang lại những kết quả trong chiến dịch “Đả hổ, đập rưồi”, đã bắt bỏ tù phần lớn những tay em thân cận của Giang, từ Chu Vĩnh Khang, nhân vật hét ra lửa, nắm giữ nội vụ, công an, cảnh sát và cả pháp luật, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, cả 2 đều là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tất nhiên có cả Bạc Hy Lai, người mà họ Giang định đưa vào Bộ Chính trị và có thể thay thế họ Tập, nếu những cuộc ám sát thành công. Tuy nhiên, sau đó Tập Cận Bình đi hơi quá lố, không những định bỏ tù Giang, mà còn nhằm đánh vào cả Hồ Cẩm Đào, người ủng hộ mình lúc đầu, qua việc đánh vào tay em họ Hồ, Lệnh Kế Hoạch, đổng lý văn phòng của ông này. Uy tín của họ Tập lên rất cao, trong kỳ Đại hội đảng lần thứ 19 vào năm 2017 và vào kỳ Họp Lưỡng viện năm 2018, đi đến chỗ họ Tập đã phá vỡ một số luật lệ bất thành văn, được lập lên từ thời Đặng Tiểu Bình, như việc bãi bỏ hạn chế Tổng Bí thư ra tranh cử lần thứ 3, tư tưởng của họ Tập được đưa vào hiến pháp. Người viết tư tưởng này không ai hơn là Vương Hổ Ninh, một trí thức gió chiều nào theo chiều đó, giáo sư đại học Thượng Hải, đã từng viết tư tưởng cho Giang Trạch Dân, thuyết hợp tác 4 giai cấp trong đảng cộng sản, không những chỉ có công nông theo Mác và Mao, nay có cả trí thức và thương gia, kỹ nghệ gia; tiếp theo là họ Vương viết tư tưởng cho Hồ Cẩm Đào, “Tính chất khoa học và hành xử khoa học trong đảng cộng sản”. Nay họ Vương viết “Giấc mơ Trung quốc, Một Vành đai, Một Con đường” cho Tập Cận Bình. Cũng không may cho họ Tập là đúng vào lúc này, Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ, khởi xướng chiến tranh thương mại với Tàu, bắt đầu bằng cách tố cáo cán cân mậu dịch quá ngả về phía Tàu, như năm 2017, Tàu nhập cảng từ Mỹ chỉ có 130 tỷ $, trong khi đó Mỹ nhập cảng từ Tàu là 505 tỷ $, thất thu là 375 tỷ. Rồi đến việc đánh thuế vào một số hàng Trung cộng, cùng việc tố cáo chính sách sao chép trái phép, không tuân thủ luật lệ quốc tế, ép những hãng xưởng ngoại quốc phải chuyển giao kỹ thuật khoa học cho những hãng quốc doanh của Tàu. Những hành động trên làm cho những hãng xưởng nước ngoài rút khỏi Tàu mau lẹ hơn, cộng thêm những yếu điểm của các cơ cấu tài chánh, thị trường lẫn nợ công, làm cho kinh tế Tàu chao đảo. Lợi dụng cuộc họp mặt tại Bắc Đới Hà vào mùa hè 2018, mà Tập cố tình tránh mặt bằng cách đi công du một vài nước Phi châu, hai cựu Tổng bí thư và một số Ủy viên Trung ương đảng, tố cáo Tập Cận Bình là đã đi theo một đường lối chính trị phiêu lưu cả về quốc nội lẫn hải ngoại: về quốc nội thì không nghĩ đến tình trạng kinh tế bắt đầu sa sút, dùng tiền tiêu vào những dự án không tưởng trong chương trình “Một vành đai, Một con đường”, chẳng khác nào như Liên Xô trước kia đã đầu tư vào Sibérie, không mang lại lợi nhuận. Về ngoại giao thì làm mất lòng phần lớn những nước chung quanh, nhất là lại tỏ vẻ thách thức Hoa Kỳ. Họp Bắc Đới Hà, một vùng biển ở phía bắc Bắc Kinh, luôn diễn ra những cuộc họp từ thời Mao, trải qua Đặng, kéo dài cho tới Giang và Hồ Cẩm Đào. Đây là dịp các ông lớn tân cũng như cựu, vừa đi nghỉ hè, vừa gặp nhau để bàn và đồng thuận về những chính sách tương lai cho xứ Tàu . Nhưng lần này Tập Cận Bình cố tránh mặt, đi thăm một vài nước Phi châu, nghĩ rằng để tay em của mình ở nhà giải quyết mọi vấn đề. Không dè sự việc xảy ra không tốt đẹp như ông nghĩ. Các ông lớn, cựu và tân, tiêu biểu là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm đào, Hồ Xuân Hoa v.v… đã họp lại và tố cáo Tập Cận Bình đã rời xa chính sách của Đặng Tiểu Bình với 16 chữ vàng “Cẩn thận quan sát. Giữ vững trận địa. Ẩn mình chờ thời. Quyết không đi đầu”, mà lại đi theo một chính sách mạo hiểm, quốc nội cũng như quốc ngoại, đang đưa nước Tàu tới gần bờ vực thẳm. Người bắn phát súng đầu tiên, đó là tay em của Giang Trạch Dân, rồi những người khác hùa theo. Họ Giang đã lợi dụng tình thế tấn công họ Tập, cho tay em viết những bài báo ngầm tố cáo họ Tập, đăng ngay trên tờ Nhân dân Nhật báo ngay sau vụ Bắc Đới Hà sau mùa hè 2018. Trong khi đó Hồ Cẩm Đào, lợi dụng tình thế, ngư ông thủ lợi. II) Tập cận bình, con đại bàng gãy cánh hay những chỉ dấu chứng tỏ họ Tập không còn quyền thế như trước, sau cuộc nghỉ hè ở Bắc Đới Hà vào mùa hè năm 2018. Thực vậy, theo những nhà theo dõi chính trị nội bộ Tàu, thì từ mùa hè năm 2018, sự xuất hiện của họ Tập càng ngày càng ít trên truyền hình và báo chí Trung Cộng. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, vào tháng 1 năm 2018 đã nhắc đi nhắc lại kế hoặch “Một vành đai, một con đường” của họ Tập, tính ra là 20 lần trong một tháng. Nhưng cũng vào tháng 1 năm 2019, chỉ nói tới 7 lần. Trong kỳ họp Lưỡng Viện, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc mới đây, vào đầu tháng 3/2019, ông Lý Khắc Cường, đương kim Thủ tướng, đọc bài tường trình chính trị trước Quốc hội, lần này không nhắc tới kế hoạch “Made in China 2025 “, trái hẳn với những lần trước từ 3 năm nay. Mặc dù uy tín và thế lực của Tập Cận Bình bị giảm nhưng họ Giang và họ Hồ vẫn giữ họ Tập tại chức. Cũng theo những nhà quan sát, thì ai cũng biết, trong 3 phe, họ Tập, họ Hồ và họ Giang, không có phe nào có đa số trong Trung Ương đảng, cơ quan quyền lực tối cao, không những của đảng, mà của toàn thể cơ cấu chính trị của Tàu, vì theo truyền thống, từ thời Lénine, cho rằng đảng là cơ quan quyền lực cao nhất của những nước cộng sản, trên chính quyền, trên quốc hội và trên bất cứ một cơ quan chính trị nào. Chính vì không có đa số ủng hộ mình, nên cũng từ cuộc họp Bắc Đới Hà 2018, họ Tập không dám triệu tập Hội nghị Trung ương đảng, theo nguyên tắc là một năm ít nhất là 2 lần, vào tháng 4 và tháng 11. Ngoài ra còn rất nhiều những chỉ dấu chứng tỏ họ Tập đã yếu thế. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao họ Giang và họ Hồ, theo nguyên tắc, hai phe hợp lại, có thể triệu tập một cuộc họp Trung ương đảng, và hất họ Tập khỏi địa vị hiện nay, việc mà trước kia đảng đã làm nhiều lần vào thời Mao và thời Đặng. Để trả lời câu hỏi này, phải tìm ra nhiều nguyên nhân và giả thuyết: Họ Giang và họ Hồ cũng biết là nước Tàu hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, hất cẳng họ Tập chỉ là việc đổ dầu thêm vào lửa, hậu quả rất khó lường, và người làm chuyện này chỉ mang tội với dân Tàu và lịch sử Tàu. Hai ông Giang và Hồ đều là những nhà chính trị lão luyện, đầy kinh nghiệm đấm đá, họ biết rằng để họ Tập ngồi tại vị, thì có thể còn giật dây ở đằng sau; nay với một Bộ Chính trị và một Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, họ khó kiểm soát người và sự việc. III) Trong ba họ, họ nào có ưu thế hiện nay? Một cách rất tương đối, thì trong 3 nhà, nhà họ Hồ có vẻ ưu thế hơn, vì ông có tay em là đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường. Đấy là chưa nói đến việc nhân vật thứ 4 trong Ban thường Vụ Bộ Chính trị Uông Dương, Chủ Tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Tàu, tương đương với Mặt trận Tổ quốc của cộng sản Việt Nam, mà nhiều nhà quan sát cho rằng là ông này là người của phe họ Hồ. Tuy nhiên trong một chế độ độc tài, bằng mặt chứ không bằng lòng, lại thêm truyền thống quân chủ phong kiến cực quyền, ngoài miệng thì hô to “Hoàng thượng vạn tuế”, nhưng sau lưng thì chỉ chờ cơ hội lật đổ hoàng thượng. Có thể có rất nhiều biến cố quan trọng sẽ xảy ra cho nước Tàu trong một tương lai gần. IV) Nước Tàu sẽ đi về đâu? Nước Tàu sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô, vì những mộng tưởng quá lớn, vì những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản, sẽ nổ tung ra từng mảnh, ít nhất là 5 mảnh: Mãn, Hán, Hồi, Tạng, Duy Ngô Nhĩ? Hay sẽ theo Nhật bản, vì thách thức địa vị độc tôn của Hoa kỳ, bị lâm vào khủng hoảng năm 1997 và từ đó đi vào suy trầm kinh tế cho tới nay? Tất cả những điều đó chỉ là những sự tiên đoán, không có gì chắc chắn, vì còn nhiều yếu tố bất ngờ chưa xuất hiện, hay đã xuất hiện rồi mà chúng ta chưa biết, vì sự hiểu biết của chúng ta cũng rất có giới hạn. Tuy nhiên có một điều chắc chắn. Đó là nước Tàu không thể tìm lại sự tăng trưởng cách đây 30 năm, với 2 con số. Và từ đó, những mộng tưởng của Tập Cận Bình “Giấc mơ Trung Quốc, Made in China 2025 – Một vành đai, một con đường, Sát nhập Đài Loan vào lục địa”, tất cả những thứ này hoặc bị quên lãng, hay nếu thực hiện thì chỉ thực hiện một phần, vì không còn quá nhiều tiền như trước kia. Chính vì vậy mà Tập Cận Bình được ví như một con đại bàng gãy cánh, theo như một nhà bình luận, không thể bay cao và bay xa nữa, mặc dù có thể ông vẫn còn tại chức, ít nhất là cho hết nhiệm kỳ 2. CON Rồng Trung Quốc sẽ rơi rụng... và tan xác theo Mật truyền Tây Tạng... vào 2019... Nước Tàu sẽ theo vết xe đổ của Liên Xô, vì những mộng tưởng quá lớn, vì những tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản, vì mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo…và bị Liên Quân Quốc Tế bao vây chia cắt...sẽ nổ tung ra từng mảnh, ít nhất là 5 mảnh: Mãn, Hán, Hồi, Tạng, Duy Ngô Nhĩ?  
......

BÀI HỌC CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA BẦY KIẾN LỬA

Giáo sư sinh vật học Bert Hölldobler chuyên nghiên cứu về kiến và tác phẩm nổi tiếng của ông là Kiến (Ants). Danh ngôn của Bert Hölldobler hay được trích dẫn cũng về kiến. Ông nhân cách hóa kiến và áp dụng vào chính sách đối ngoại: “Mục tiêu trong chính sách đối ngoại của kiến có thể được tóm tắt như sau: xâm lược không ngừng nghỉ, chinh phục lãnh thổ, tận diệt chủng tộc của các thuộc địa láng giềng bất cứ khi nào có thể. Nếu kiến có vũ khí nguyên tử, có lẽ chúng sẽ xóa bỏ thế giới trong vòng một tuần lễ.” Nhà sinh vật học người Đức này có thể không ám chỉ Trung Cộng. Tuy nhiên, người Việt nào có quan tâm cho tương lai đất nước sẽ nghĩ ngay đến Trung Cộng. Bầy kiến lửa trên một tỉ đang tập trung bên kia biên giới phía Bắc chờ có lịnh sẽ tràn sang Việt Nam và thực hiện đúng chủ trương xâm lược, chinh phục lãnh thổ, tận diệt nòi giống Việt đúng như cách Bert Hölldobler nhân cách hóa. Bầy kiến lửa Trung Cộng không thể không tràn. Bởi vì, bành trướng là một đặc điểm có tính bản chất của mọi đế quốc. Dù Mông Cổ hay Mughal ở Á Châu, Ottoman hay Liên Sô ở Âu Châu đều tồn tại trên cơ sở bành trướng. Khi một đế quốc không bành trướng được nữa đế quốc đó sẽ sụp đổ. Đế quốc Anh là một trường hợp dễ thấy nhất vì mới diễn ra vào cuối thập niên 1960 khi tất cả thuộc địa của Anh, ngoại trừ Hong Kong, giành lại độc lập hay được trao trả độc lập. Tầng lớp cai trị ở Trung Nam Hải dĩ nhiên đã học từ lịch sử các hậu quả đầy tai họa của chính sách bành trướng. Nhưng hiểu là một chuyện dừng lại được hay không là chuyện khác. Trung Cộng không thể dừng lại. Trung Cộng phải bành trướng bằng mọi cách dù là bóc lột sức lao động của người dân nghèo khổ ở Phi Châu hay ăn cắp trí tuệ của các nước tiên tiến tây phương. Về đối ngoại, Trung Cộng chỉ có thể áp dụng các chính sách một cách linh động, uyển chuyển, thỏa hiệp khi cần để sự bành trướng không dẫn tới các xung đột quốc tế có khả năng làm sụp đổ chế độ. Về đối nội, Trung Cộng thay đổi các phương pháp tuyên truyền để kiểm soát và hướng dẫn nhận thức của người dân phù hợp với đường lối và mục tiêu bành trướng của đảng. Sau biến cố Thiên An Môn, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng chuyển hướng từ “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” sang “yêu nước là yêu đảng CSTQ” và đảng CS là một chọn lựa tự nhiên, không có chọn lựa nào tốt đẹp hơn. Một triều đại phong kiến đỏ đang được hình thành tại Trung Cộng. Không ngạc nhiên khi Khổng Tử, một hình tượng bị đạp đổ trong “Cách Mạng Văn Hóa”, đã sống lại và trở thành một đảng viên CS. Trong vị trí của Việt Nam thoát khỏi ổ kiến lửa Trung Cộng là một thách thức vô cùng khó khăn. Nhưng nhiều quốc gia đã thoát được khỏi cac cường quốc láng giềng có mục tiêu bành trướng tương tự. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan đã thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của bành trướng Liên Sô và mới đây các quốc gia vùng Baltic cũng thoát ra được khỏi chính sách bành trướng của Nga dù dân số nước họ chỉ bằng một phần trăm của Nga. Dư luận thế giới thường để ý đến các nhân vật tên tuổi nhưng cách mạng dân chủ không phải bao giờ cũng được dẫn đầu bằng những người tên tuổi. Những người bước lên chuyến xe lịch sử mở đường cho hành trình phục hưng dân tộc thường khác nhau về gốc gác, nghề nghiệp, thế hệ, trình độ hiểu biết chính trị và cả mục đích cuối cùng của đời họ, tuy nhiên họ có định hướng rõ ràng trong từng giai đoạn nhất định. Boris Yeltsin, một cựu ủy viên bộ chính trị và Andrei Sakharov, một cựu tù nhân lương tâm. Họ khác nhau gần như trong mọi so sánh, nhưng trong năm 1988 họ chỉ có chung một mục tiêu thôi, đó là giới hạn đảng CS khỏi vị trí cầm quyền. Họ đã thành công. Việt Nam không phải thiếu những người không đồng ý với đảng CS, chê bai đảng CS, khinh bỉ đảng CS, chống đảng CS, căm thù đảng CS nhưng câu hỏi đặt ra những người không đồng ý, ghét, khinh, chống, thù CS đó họ có một định hướng chung chưa, câu trả lời có thể là chưa. Ngày nào những người Việt quan tâm chưa gác qua bên được những khác biệt nhỏ để định hướng cho một mục đích lớn, ngày đó lại phải chấp nhận để đảng CS dắt đi vòng vòng trong ngõ cụt tối tăm như đã đi suốt 43 năm qua và có thể còn dài nữa. Trần Trung Đạo  
......

Pages