Người tỵ nạn trợ giúp những người tỵ nạn

Trên đường trốn chạy ra khỏi Việt Nam Van Ri Nguyên đã trôi nổi nhiều ngày trên một con thuyền nhỏ trên biển. Năm 1982 ông ta đã đến định cư tại Mönchengladbach. Bây giờ ông ta hăng hái giúp đỡ những người tỵ nạn đến từ Ukraine. Một câu chuyện của một người đàn ông, người đã nhân được huy chương danh dự cao quý của nước Đức và đã hai lần được Đức Giáo Hoàng tiếp đón.
 
Bài viết của ký gỉa Holger Hintzen
 
 Rheydt. Đó là cuộc trốn chạy đến nơi vô định. Sáu ngày dài trôi nổi Van Ri Nguyen và gia đình ngoài khơi Việt Nam - chen chúc cùng với khoảng 100 người khác gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ con trên một chiếc tàu mà trên sàn tàu không còn một chỗ trống. Trở về Việt Nam là điều ông Nguyen không bao giờ nghĩ đến. Đối với những người Công Giáo như ông, đã từng là trẻ thơ cùng cha mẹ từ hai thập niên trước di cư từ vùng Bắc Việt đến miền Nam tự do, thì rất rõ ràng: “Cộng Sản là nguy hiểm“. Từ khi những kẻ kế thừa Ho Chi Minh nắm toàn quyền tại Việt Nam năm 1975, ông Nguyen thấy chỉ còn một con đường sống là trốn chạy.

Sự nguy hiểm và sự gian nan trên đường vượt biên khó khăn khiến ông Nguyen không bao giờ quên. Người ta nhận thấy điều này khi người đàn ông 69 tuổi ngồi trong phòng khách nhà riêng kể chuyện. Tuy nhiên người ta cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của ông ta về sự vượt qua gian khổ. Ông ta tỏ lòng biết ơn những thiện nguyện viên đã cứu vớt những người tỵ nạn đói khát sau 6 ngày trôi trên biển. “Chỉ còn một hay hai ngày nữa thôi là chúng tôi chết“ ông Nguyen kể khi ông cùng vợ và 4 người con ngồi trên tàu. Chiếc tàu thủy đã cứu vớt mọi người vào tháng 6 năm 1981 chính là chiếc tàu Cap Anamur vốn gắn liền với tên tuổi của tiến sĩ Rupert Neudeck, ông vừa là nhà báo vừa là nhà sáng lập ra tổ chức Cap Anamur / Deutsche Not-Ärzte.

Boat-People = Thuyền Nhân là tên được đặt cho những người Việt tỵ nạn mà cả hàng ngàn người được con tàu Cap Anamur cứu vớt từ biển khơi Việt Nam. Vì đã trải qua con đường tỵ nạn nguy hiểm đến tính mạng nên những người Việt tỵ nạn như ông Van Ri Nguyen đã chung tay quyên góp cho người tỵ nạn chiến tranh từ Ukraine khi ông Nguyên khởi xướng. Ông ta đã liên lạc với người Việt tại Mönchengladbach, Berlin, Hamburg và Frankfurt để quyên góp – và số tiền 7.800 Euro đã gom góp được để hôm nay trao tặng cho Hội Caritasverband Mönchengladbach hầu giúp vào quỹ Ukraine-Nothilfe.

Đối với ông Nguyen thì việc này rất đơn giản: “Tôi đã từng là người trốn chạy, được cứu vớt và được nước Đức cưu mang. Bây giờ tôi sống ở nước Đức và có thể giúp những người cùng cảnh ngộ như chúng tôi ngày xưa“.

Không phải đây là lần đầu mà ông Nguyen hăng hái làm việc xã hội. Ông ta đảm nhiệm chức vụ Hội Viên danh dự trong Hội người Việt tỵ nạn tại Mönchengladbach và trong Hội Người Việt Công Giáo tại Mönchengladbach, đồng thời là phó chủ tịch Liên Hội người Việt Tỵ nạn tại Đức Quốc.

Tổng Thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã tặng ông ta Bundesverdienstkreuz am Bande và ông Tổng Thống tiền nhiệm, Horst Köhler, cũng đã ban thưởng ông ta vào năm 2005 huân chương Verdienstmedaille des Verdienstordens der Bundesrepublik. Trong tập hồ sơ dày ông Nguyen có sưu tập vô số văn bản của những chính trị gia , trong đó có cả thư của bà cựu Thủ Tướng Angela Merkel. Lật từng trang người ta thấy hình ông ta chụp chung với bà Ursula von der Leyen, với cựu bộ trưởng y tế Philip Rösler và ông Jürgen Trittin. Trong phòng khách treo hai bức hình lớn, một bức chụp ông ta với Đức Giáo Hoàng và một bức chụp ông ta cùng gia đình choàng chiếc khăn choàng (Schal) mang hình lá cờ vàng cho Đức Giáo Hoàng Franziskus.

Làm sao mà một người tỵ nạn Việt Nam có thể gặp Đức Giáo Hoàng hai lần như thế? Trong vườn nhà ông Nguyen có trưng bày một bức tượng Madonna màu trắng, ông ta là một người tin đạo. Ngay khi đến Mönchengladbach năm 1982, ông ta đã liên lạc với những người Công Giáo tại đây. Sự liên lạc được thực hiện tại Giáo Xứ St. Johannes ở đường Urf Strasse, ông ta quen biết các đạo hữu tại đây và một trong những đạo hữu thân thuộc là Linh Mục hiện đã về hưu Johannes van der Vorst.

Những mối giao hảo này đã giúp ông ta gắn bó với đất nước xa lạ này và xem đây như là nơi ông ta sinh ra. Tại Mönchengladbach sau khi ông ta học xong khóa ngôn ngữ Đức được đào tạo thành thợ máy và phục vụ 34 năm tại hãng Voith Paper Krieger. Từ năm 2019 ông ta về hưu. Tám người con của ông trưởng thành tại nước Đức, hội nhập hoàn toàn và tất cả tốt nghiệp Đại Học. Có hai điều mà ông ta khẳng định sau 40 năm sinh sống tại Mönchengladbach là:

thứ nhất, “tôi cảm tạ nơi đây đã cưu mang tôi và cho tôi cuộc sống thanh bình tự do“,
thứ hai, để trả lời câu hỏi ông có muốn trở về Việt Nam không, dù chỉ là thăm viếng thôi? Ông phát biểu rõ ràng “khi nào còn Cộng Sản thì sẽ không bao giờ về“./.

https://rp-online.de/nrw/staedte/moenchengladbach/moenchengladbach-fluec...