Maximilian Popp - Der Spiegel
Hiếu Bá Linh, dịch
Thay vì khiển trách giới lãnh đạo Ukraine, chính phủ Đức nên tự hỏi mình rằng nguyên nhân Kyiv không tin tưởng Đức đến từ đâu và Ukraine có thể được giúp đỡ như thế nào.
Ukraine đang chiến đấu vì sự sống còn của mình. Các thành phố của họ đang bị không quân Nga ném bom, công dân của họ đang bị thảm sát, hãm hiếp và bắt cóc bởi binh lính Nga. Từ những nơi như Bucha, Irpin hay Mariupol, các tường thuật mới về những hành động tàn bạo của quân đội Nga được đưa ra công luận mỗi ngày.
Và Đức làm gì?
Họ liên tục soi mói, bắt bẻ chính phủ Ukraine, nơi đang kháng cự lại tội ác chống lại loài người này.
Chẳng hạn, nghị sĩ đảng SPD Axel Schäfer đã nói với SPIEGEL về một “sự sỉ nhục không thể tưởng tưởng nổi” chỉ vì Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, công khai không mong muốn tiếp người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier (thuộc đảng SPD) ở Kyiv. Lãnh đạo Khối nghị sĩ đảng SPD Rolf Mützenich không chấp nhận “sự can thiệp quá mức vào chính trị nội bộ của đất nước chúng tôi” của các đại diện ngoại giao Ukraine. Và trên Twitter, thành viên Ban chấp hành đảng SPD, Aydan Özoğuz, phàn nàn rằng chính phủ Ukraine “đòi hỏi khá nhiều mọi thứ từ chúng tôi, nhưng lại không muốn gặp Tổng thống chúng tôi“.
Đôi khi có vẻ như các chính trị gia hàng đầu của đảng SPD có thể bị xúc phạm bởi sự từ chối đón tiếp của Zelensky hơn là bởi cuộc chiến xâm lược của Putin.
Ngay cả trong thời bình, chủ nghĩa gia trưởng (paternalism) của người Đức thật là kỳ lạ, bây giờ chiến tranh đang hoành hành ở giữa châu Âu thì nó thật đáng xấu hổ. Thay vì khiển trách giới lãnh đạo Ukraine, chính phủ Đức nên khiêm tốn và tự hỏi mình rằng sự không tin tưởng của Kyiv (và những người Đông Âu khác) thực sự nguyên nhân đến từ đâu.
Trong nhiều năm, Berlin đã xu nịnh nhà độc tài Nga Vladimir Putin, bất chấp tội ác chiến tranh của Nga ở Syria, bất chấp việc sáp nhập Crimea và cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Các chính trị gia của chính phủ Đức muốn giữ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ngay cả sau khi Nga đã từ lâu điều động hơn 100.000 binh sĩ tới biên giới với Ukraine. Cùng với bà Thủ tướng Angela Merkel, kiến trúc sư của chính sách nước Nga sai lầm này trong nhiều năm là Frank-Walter Steinmeier.
Chỉ dưới tác động của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chính phủ Đức mới chỉnh sửa lại chính sách của mình. Với nhiều xúc cảm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố về một “bước ngoặt“ tại Quốc hội Đức vào ngày 27-2. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, điều đó chính xác có nghĩa gì.
Chắc chắn, chính phủ Đức đã nói lời từ biệt với một số điều tin chắc trước đây. Sau một thời gian dài do dự, nay Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đức muốn ít phụ thuộc hơn vào dầu khí của Nga. Tuy nhiên, chính sách của Đức dường như vẫn nửa vời đối với Ukraine và nhiều đối tác châu Âu. Và Berlin chủ yếu phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Một lệnh cấm vận khí đốt có thể khó khăn, nhưng tại sao chính phủ Đức ít nhất không thúc đẩy nhanh chóng quá trình loại bỏ dầu khí của Nga? Tại sao Berlin không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine? Có thể có câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng Scholz im lặng. Ông ta làm như rằng đó là một sự xúc phạm khi đặt ra những câu hỏi đó.
Giúp đỡ Ukraine không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức. Mối quan tâm sâu sắc nhất về an ninh của Đức là Putin phải thua trong cuộc chiến này.
Chừng nào các chính trị gia của chính phủ Đức còn khó chịu về những dòng tweet từ Đại sứ Ukraine hơn là về việc bà Manuela Schwesig, Thống đốc bang Mecklenburg-Vorpommern, đã biến tiểu bang của mình trở thành nhà cung cấp dịch vụ Gazprom, thì vẫn còn nghi vấn liệu họ có sẵn sàng bảo vệ lợi ích an ninh của Đức hay không./.