Học thuyết Trung Quốc mới của Biden

The Economist,

Lời bình luận về bài viết trên The Economist của TS. Vũ Quang Việt:

Dù Mỹ muốn hay không muốn, TQ sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới và nó đã là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của gần gấp đôi số quốc gia so với Mỹ.

Hiện nay GDP của TQ là 16,6 ngàn tỷ so với Mỹ là 21,5 tỷ, đứng thứ hai thế giới. Mà tỷ lệ để dành của TQ là 50% GDP, nhưng đầu tư chiếm 43% GDP, tức là nhà nước TQ có thể sử dụng một khối lượng khá lớn tiền dư thừa hơn 1 ngàn tỷ này để cho vay hàng năm. Tính đến 2017, TQ cho các nước vay 5 ngàn tỷ USD (trong đó có hơn 1 ngàn tỷ cho Mỹ vay qua việc mua công trái). Còn World Bank cho các nước đang phát triển vay tính đến 2019 là 1,6 ngàn tỷ USD.

Trừ trường hợp TQ bị khủng hoảng kinh tế tài chính mạnh hoặc xã hội rối loạn, TQ sẽ tiếp tục là một lực lượng đáng kể về mọi mặt và là một lực lượng đi lên so với Mỹ, một lực lượng mà nhiều nước kể cả ở châu Âu coi là đi xuống, đặc biệt là mất đoàn kết quốc gia. Mỹ càng mất đoàn kết quốc gia thì các nước khác càng tránh cam kết với Mỹ. Tập Cận Binh biết rõ điều này, nên anh ta sẽ mua chuộc (qua cho vay), hoặc đe dọa và và có những hành động áp đặt các nước nhưng tránh chiến tranh.

Đây là vấn đề làm chúng ta suy nghĩ, nhất là VN. VN không thể tránh đối phó với TQ, nhưng đối phó thế nào?

*****

Học thuyết Trung Quốc mới của Biden

Chủ nghĩa bảo hộ và luận điệu kiểu “Ta hoặc Họ” sẽ gây tổn thương cho nước Mỹ và làm mất lòng các đồng minh

Kẻ lạc quan từ lâu đã hy vọng việc đón nhận Trung Quốc vào kinh tế toàn cầu sẽ khiến nước này trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm,” và tiến tới cải cách chính trị. Trên cương vị tổng thống, Donald Trump chê bai đường hướng đó là yếu kém. Giờ đây, Joe Biden đang chuyển đổi cuộc ném bom kiểu Trumpian thành một học thuyết mới nhằm đẩy Hoa kỳ chống lại Trung Quốc, một cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị đối nghịch, mà theo Biden, chỉ có thể có một bên chiến thắng. Trump và Biden, cả hai đã nối nhau phá vỡ tan tành chính sách đối ngoại của Mỹ từ 5 thập kỷ, kể từ lúc Richard Nixon tới Trung Quốc.

Học thuyết của Biden và phe nhóm đã dựa trên tin tưởng là: “Trung Quốc ít quan tâm đến chung sống, và chỉ chú tâm nhiều tới thống trị.” Từ đó, chính sách của Mỹ là phải dập tắt mọi tham vọng của nước Tầu. Hoa kỳ sẽ làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích chung, như biến đổi khí hậu, nhưng chống lại tham vọng của Tầu ở mọi nơi khác. Điều đó có nghĩa là Hoa kỳ phải xây dựng sức mạnh nội địa, và hợp tác với đồng minh bên ngoài, để tăng cường sức mạnh kinh tế, công nghệ, ngoại giao, quân sự và đạo đức.

Nhiều điều trong học thuyết mới của Biden có ý nghĩa. Nhưng sự lạc quan về đụng độ đấu tranh, thực tế đã sụp đổ dưới sức mạnh của Trung Quốc. Dưới lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã lập trại đóng quân ở Biển Đông, áp chế đảng trị trên Hồng Kông, đe dọa Đài Loan, giao tranh với Ấn Độ và cố gắng loại trừ mọi giá trị phương Tây khỏi các định chế quốc tế. Nhiều nước tỏ ra lo lắng trước chính sách ngoại giao kiểu cách “chiến binh sói” (wolf warrior) của nước Tầu.

Nhưng nội dung của học thuyết Biden còn nhiều điều thật đáng lo ngại, sợ nhất là sẽ không hữu hiệu. Vấn đề đầu tiên, là kiểu cách xác định hiểm họa của Biden. Vì chính trị ở Washington đang vỡ lở, Biden như cảm thấy cần phải có hỗ trợ của tinh thần Trân Châu Cảng để khơi dậy ý thức về mục tiêu quốc gia. Đó là một tính toán nhầm lẫn.

Quả thật là đảng Cộng hòa nhảy vào tấn công bất cứ điều gì mà họ cho là mềm mỏng với Trung Quốc (mặc dù mỗi lần nói bầu cử tổng thống bị đánh cắp là họ đã xử dụng kiểu cách tuyên truyền của người Tầu.) Song, không chắc đảng Cộng hòa sẽ bắt đầu ủng hộ chương trình nghị sự nội địa của Biden, chỉ vì nó được khắc dấu hai chữ “Trung Quốc” trên trang bìa.

Tệ hơn nữa, càng sử dụng những lời lẽ cứng rắn để kích động dân Mỹ, thì Biden càng khó thực hiện được mục tiêu khích lệ các đồng minh, và các cường quốc mới nổi như Ấn Độ và Indonesia. Bằng cách đóng khung mối quan hệ như một cuộc thi có tổng số bằng không, Biden đang giới thiệu cho mọi người, một cuộc đấu tranh phân biệt đen trắng kiểu Manichean giữa dân chủ và độc tài chuyên quyền, thay vì tìm kiếm sự tương đồng để cùng tồn tại. Trời đất hỡi, về điểm này, Biden đang đánh giá quá cao ảnh hưởng của Hoa kỳ, và lượng định thật thấp mức độ mà các đồng minh sẽ chịu thua thiệt khi quay lưng lại với Trung Quốc.

Bằng nhiều phương cách đo lường kinh tế, Trung Quốc sẽ trở thành một thế lực thống trị, bất chấp Hoa kỳ có làm gì đi chăng nữa. Trung quốc sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nước Tầu đã là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của nhiều quốc gia, gần gấp đôi so với Mỹ. Đức và những cường quốc xuất khẩu của châu Âu đều nhắm duy trì các liên kết thương mại với Trung Quốc ngay cả khi các liên kết chính trị bị khóa chặt. Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia trông cậy vào Mỹ vì an ninh quốc gia và dựa dẫm vào Trung Quốc vì sự thịnh vượng của chính đất nước họ. Và nếu buộc phải lựa chọn giữa một trong hai siêu cường, một số nước có thể chọn Trung Quốc.

Thay vì áp đặt một quyết định trên các quốc gia khác như hiện nay, Joe Biden cần phải học cách thu phục họ. Và cơ hội tốt nhất cho đương kim Tổng thống Mỹ là chứng minh Hoa kỳ có thể phát triển mạnh ở nội địa, và là đầu tàu của một nền kinh tế mở và thành công ở thế giới.

Đây là những chi tiết chứng tỏ lịch trình của Biden đang tạo ra nhiều vấn đề rắm rối. Thay vì xây dựng thế mạnh của Mỹ trong tư cách nhà vô địch của qui chuẩn toàn cầu, chính quyền Biden lại sử dụng mối đe dọa Trung Quốc để hỗ trợ chương trình nghị sự nội địa của chính mình. Học thuyết Biden toàn là chính sách công nghiệp, sự can thiệp của chính phủ, thiết chế và kiểm soát. Nó không tạo được hào hứng như sự phân tách đường hướng mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Để hiểu rõ sự thể này sẽ dẫn đến hậu quả gì, hãy xem báo cáo của chính quyền về bốn chuỗi cung ứng quan trọng cho chất bán dẫn, pin, đất hiếm, và các thành phần dược phẩm quan trọng đã được công bố tháng trước. Báo cáo không những chỉ viện dẫn an ninh quốc gia cho sự can thiệp của chính phủ vào các ngành này, mà còn bao gồm những vấn đề đại diện công đoàn, công bằng xã hội, và khá nhiều thứ khác. Nhiều báo cáo tương tự sẽ được phổ biến tiếp kế. Nếu đây là một hướng dẫn, Joe Biden đang đề xuất sử dụng mọi khoản trợ cấp và quy định, để đảm bảo cho công ăn việc làm và sản xuất được nằm chặt trong biên giới của Hoa kỳ.

Tất nhiên, kế hoạch của Biden cần có sự hoán đổi. Mục tiêu của cuộc tấn công của Tổng thống Hoa kỳ vào Trung Quốc là việc nước này lạm dụng nhân quyền, đặc biệt là đối với người Duy Ngô Nhĩ, phải bị bắt giữ và cưỡng bức lao động ở Tân Cương. Trọng tâm trong chính sách của Biden về biến đổi khí hậu là chuyển sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cả hai đều vướng mắc, ít nhất là trong ngắn hạn. Bởi lẽ Tân Cương là nguồn gốc của 45% silicon được sử dụng để sản xuất điện mặt trời.

Vấn đề cơ bản hơn là chủ nghĩa bảo hộ mềm của học thuyết Trung Quốc. Điều này có lợi cho các công ty đương nhiệm so với các đối thủ cạnh tranh, và nhiều khả năng làm suy giảm hơn là làm tăng giá trị của nền kinh tế. Chương trình thám hiểm mặt trăng mới được ủng hộ, được phổ biến, phần lớn là một cách để chứng tỏ Hoa kỳ có thế ưu việt hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sôi động tới mức độ cho phép cả loạt cạnh tranh mà trong đó các công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin có thể tỏa sáng.

Vấn đề thứ ba là học thuyết của Biden sẽ khiến các đồng minh của Mỹ cảnh giác hơn nữa. Nếu mục đích của việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc chỉ là cách để kiến tạo công ăn việc làm tốt cho công đoàn Mỹ, các đồng minh sẽ tự hỏi: thế mình sẽ được gì trong chính sách đó.

Kế sách của Joe Biden là một cơ hội bị bỏ lỡ. Nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một trật tự toàn cầu theo hình ảnh của họ, thì Hoa kỳ nên tích cực bảo vệ đường hướng toàn cầu hóa luôn phục vụ tốt cho nước Mỹ. Trọng tâm chính của cung cách tiếp cận đó là thương mại và hệ thống đa phương, thể hiện tin tưởng sự cởi mở và ý tưởng tự do sẽ tạo ra lợi thế trong đổi mới.

Nếu thực sự muốn chống lại Trung Quốc ở châu Á, Hoa kỳ sẽ phải tham gia thỏa thuận thương mại toàn châu Á đã ký vào năm 2016. Điều đó hiện rất khó xảy ra, nhưng Hoa thạnh Đốn vẫn có thể tìm kiếm các thỏa thuận mới về môi trường và thương mại kỹ thuật số. Nước Mỹ cũng nên bỏ tiền, và tạo ra những ý tưởng mới để củng cố trật tự phương Tây, chẳng hạn như chương trình vắc-xin cho các đại dịch trong tương lai, hệ thống thanh toán kỹ thuật số, an ninh mạng, và một kế hoạch cơ sở hạ tầng để cạnh tranh với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc kinh. Thay vì sao chép chủ nghĩa công nghệ-dân tộc của Trung Quốc, một nước Mỹ tự tin hơn nên xác quyết những gì đã khiến phương Tây trở nên mạnh mẽ.

The Economist, Jul 17th 2021

Bản gốc: https://www.economist.com/…/17/bidens-new-china-doctrine

Vũ Văn Lê dịch

Nguồn: https://m.facebook.com/usvietnamcenter/posts/536715804444727