Kể từ khi báo chí đưa tin về việc Nhà thờ chính toà Bùi Chu sẽ bị dỡ bỏ (dùng từ cổ một cách tôn kính là “hạ giải”) vào ngày 13/5 tới để xây nhà thờ mới, rất nhiều phương tiện truyền thông đã đề cập với nhiều ý kiến trái chiều.
Là một người Công giáo, yêu mến hoạt động xã hội và quan tâm đến vấn đề này, nhiều người bạn trong và ngoài công giáo, đã hỏi tôi nhưng tôi chưa có ý kiến vì mình chưa có đủ thông tin. Hôm nay Chúa Nhật ngày 5/5/2019 chúng tôi đã có dịp về thăm nhà thờ chính toà Bùi Chu và một số giáo xứ thuộc Giáo phận Bùi Chu. Khi đến TGM lúc 4h chiều thì một thánh lễ đang diễn ra. Chúng tôi đã tìm hiểu xung quanh nhà thờ, vào trong nhà thờ và đã gặp gỡ một số linh mục, giáo dân cũng như một số khách đang hành hương thăm quan nhà thờ.
Ân tượng đầu tiên của tôi là ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo phận Bùi Chu được xây dựng từ 1885 rất bề thế. Nhà thờ được xây dựng bởi Đức giám mục Wenceslao Onate Thuận với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m. Giáo xứ được thành lập từ năm 1670.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết Giáo phận Bùi Chu dự tính dỡ bỏ nhà thờ này để xây dựng một nhà thờ mới, với cấu trúc tương tự như thế nhưng to hơn, rộng hơn ngay tại vị trí đất đó. Theo một linh mục cho biết thì nhà thờ hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn tường nứt nẻ, cột lim trong nhà thờ đã bị mục, nền nhà thờ thấp… Nhà thờ có thể sập bất cứ lúc nào và để an toàn cho giáo dân thì nên xây mới. Quyết định này đã được hội đồng linh mục, bàn bạc nhiều lần, bỏ phiếu thông qua, đã chuẩn bị vật tư vật liệu và mô hình nhà thờ mới cũng được thiết kế.
Đi sâu hơn tìm hiểu, trực tiếp gặp một số Chủng sinh và một vị linh mục cao trọng mà chúng tôi cho rằng có viễn kiến đang phục vụ trong Toà giám mục Bùi Chu, chúng tôi lại được nghe câu chuyện khác. Theo vị linh mục này thì Nhà thờ là một kiến trúc độc đáo, một bảo vật có giá trị tầm cỡ quốc gia, gắn liền với lịch sử phát triển của cộng đồng dân cư vùng châu thổ Sông Hồng. Ngôi thánh đường này vẫn có kết cấu rất vững chắc, trải qua rất nhiều cơn bão lớn nhưng vẫn đứng vững. Mặc dù hiện tại có những vết nứt nẻ ở các góc tường (nhìn mắt thường thì nhiều năm nay vẫn không dãn ra). Một số cột cũng bị hỏng, mái nhà thờ có kết cấu nặng… tuy nhiên những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu trùng tu.
Với kiến thức và hiểu biết sâu rộng cuả mình, vị linh mục này cho biết giờ đây đã có rất nhiều công nghệ trùng tu mới hiện đại, nếu được áp dụng thì có thể kéo dài tuổi thọ nhà thờ, để lại cho thế hệ mai sau một giá trị tuyệt vời của Cha Ông và sẽ tăng dần theo thời gian.
Nói chuyện với giáo dân chúng tôi được biết kiến trúc cổ đẹp đẽ này gắn liền với những ngày đầu gian khó, những ký ức thương qua nhiều thời kỳ, với nhiều thế hệ giáo dân. Giáo dân và Linh mục còn nhắc tới ngôi nhà thờ đổ ở Xã Hải Lý, giờ chỉ còn một tháp chuông nhưng vẫn thu hút được nhiều du khách thập phương. Sự yêu thương gắn bó với Giáo hội thường đến từ việc chăm chút gìn giữ theo thời gian chứ không phải “đùng một cái đẻ ra trong từng – triều đại”.
Phía trước Nhà thờ hiện tại là Đền Đức Mẹ, kế đó là hai khu đất vuông viên đã được giải toả, có thể tiến hành xây dựng Nhà thờ mới nếu Giáo phận quyết tâm. Ảnh: Facebook Lê Quốc Quân
Trả lời cho chúng tôi về giải pháp làm sao để giáo dân tiếp tục có nơi rộng rãi, an toàn để thờ phượng. Vị linh mục đã mở bản đồ chỉ cho chúng tôi thửa đất phía sau đài Đức Mẹ, đối xứng với Nhà thờ hiện tại. Miếng đất này hình chữ nhật có chiều dài tới 200m, chiều rộng gần 100m và đã được đền bù thành “đất sạch”. Như vậy đã có quỹ đất hoàn toàn đáp ứng việc xây dựng một ngôi thánh đường mới. Nếu theo phương án xây mới này thì chúng ta sẽ có một Nhà thờ đủ rộng và an toàn cho toàn bộ cộng đoàn, đồng thời vẫn giữ được ngôi thánh đường lịch sử 134 năm tuổi.
Khi hỏi thăm cả linh mục và giáo dân về Quyết định dỡ bỏ và xây dựng, nhiều ý kiến cũng cho biết dù rất nhiều linh mục muốn giữ lại nhưng “có thể vì đức vâng lời” hoặc vì “dĩ hoà vi quý” mà đã chấp nhận hoặc không dám bày tỏ thẳng thắn ý kiến của mình.
Mặc dù được biết rằng việc xây mới đã được chuẩn bị công phu nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể lắng nghe thêm các ý kiến và tạm hoãn việc phá dỡ trong những ngày tới để chờ sự đánh giá lại toàn diện của các nhà chuyên môn, của Viện bảo tồn di tích.
Đây là một vấn đề rất tế nhị mà tôi nghĩ Nhà nước không thể nhảy vào và căn cứ theo Luật Di sản để can thiệp vì đã từng xảy ra như trường hợp Phát Diệm. Họ cấp chứng nhận di tích và sau đó lại định đặt barrier để thu vé, Giáo hội công giáo không thể chấp nhận chuyện đó, nhà thờ là Nhà chung, cho tất cả mọi người, không thể áp dụng việc quản lý của Nhà nước theo luật di tích.
Cá nhân tôi kính đề nghị các Đấng bậc bằng cách nào đó “nghe lại” ý kiến của Linh Mục Đoàn một cách thẳng thắn, dân chủ và tự do, thì bằng trình độ, viễn kiến và lòng yêu mến Giáo Hội các Ngài có thể có một quyết định tốt nhất, phù hợp với hiện tại và mai sau.
Theo tôi phương án vẫn giữ lại nhà thờ và xây mới trên mảnh đất đối diện là tốt đẹp nhất. Tại nhiều di tích trên thế giới, bên cạnh những công trình đồ sộ, thường có một ngôi nhà thờ cũ được bảo tồn, và nơi đó, giờ đây lại là điểm thu hút khách và giáo dân đến nhiều hơn.
LS Lê Quốc Quân - FB Lê Quốc Quân