Ảnh minh họa
Cách đây hai năm, vào tháng 4/2017 khi đông đảo làng báo Việt Nam hân hoan, cảm kích… vì Chủ tịch Hà Nội đi xe “xuống” địa bàn đối thoại với dân Đồng Tâm, tôi từng viết rằng: “Đa số nhà báo Việt Nam, nhất là trong mảng nội chính, có biểu hiện của hội chứng Stockholm ở thể nhẹ. Xin nhấn mạnh là “thể nhẹ”, bởi vì (…) tâm lý phổ biến của họ chỉ mới ở mức thông cảm với chính quyền, với các quan chức, cán bộ Đảng và Nhà nước mà họ thường xuyên tiếp xúc do yêu cầu công việc”.
Đến nay, tôi phải đau lòng mà nhận ra rằng tôi viết như thế vẫn sai. Rất đông nhà báo Việt Nam mắc chứng Stockholm nặng đến nỗi họ không chỉ dừng ở mức thông cảm với chính quyền, với các quan chức, cán bộ, mà họ đi xa hơn: Họ thậm chí đã coi mình đứng cùng hàng ngũ với chính quyền, quan chức, cán bộ lãnh đạo, trở thành một người trong số “các đồng chí” ấy, một vị trí quan trọng trong bộ máy ấy.
KHI BỆNH Ở THỂ NHẸ
Tác nghiệp trong mảng nội chính (chính trị trong nước – pháp luật – xã hội), các nhà báo “có điều kiện” gặp gỡ thường xuyên, gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với bộ máy quan chức của Đảng và Nhà nước. (Trong ngôn ngữ tuyên giáo, cụm từ “có điều kiện” nghĩa là “có cơ hội”, “có đặc ân”).
Khi đó, khác hẳn với “dân” (tức những người không ở trong giới báo chí), nhà báo được chứng kiến những gì lãnh đạo làm, nghe những lời lãnh đạo nói, tận mắt nhìn nét mặt, cử chỉ, điệu bộ của lãnh đạo.
Thế là từ đó, nhà báo Việt Nam bắt đầu thấy và suy nghĩ những điều khác dân. Ví dụ như họ thấy Nguyễn Phú Trọng không phải “đảng trưởng”, “tổng bí lú”, mà chỉ còn là một ông giáo tóc bạc kính trắng, một trí thức hiền lành nho nhã, một cán bộ cao cấp mà trong sạch, không tham nhũng.
Tiếp xúc sâu hơn nữa, nhà báo xúc động thấy những giây phút các nhà lãnh đạo căng thẳng lo “đàm phán với Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước”, ngặt nỗi “Trung Quốc mạnh quá, rắn quá, mà chúng ta thì nội lực yếu”, “muốn chống Trung Quốc thì phải có nội lực vững mạnh, phải chống tham nhũng, kinh tế-chính trị phải ổn định”, mà nếu như thế thì phải dập tắt ngay ba cái chuyện gây rối, phá phách của các thế lực thù địch, phản động…
Và rồi nhà báo sẽ thấy khinh ghét đám phản động hằn học, bất mãn, không có thông tin, chẳng biết gì, chỉ chửi đổng là giỏi.
HỘI CHỨNG STOCKHOLM THỂ NẶNG
Giờ thì nhiều nhà báo Việt Nam mắc chứng Stockholm ở dạng nặng lắm rồi. Nghĩa là, họ không chỉ thông cảm với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nữa, họ còn tin rằng chính mình cũng giữ một cương vị quan trọng trong hàng ngũ ấy, ngang hàng với các đồng chí lãnh đạo và giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, ấy là nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích đường lối của Đảng và Nhà nước cho dân. Dân chưa hiểu thì phải giải thích cho họ chứ.
Tiếp xúc với lãnh đạo nhiều, có nhiều thông tin, nhất là những chuyện “cung đình”, “thâm cung bí sử”, nhà báo ta bỗng thấy mình cao hẳn lên, sang hẳn lên, quan trọng hẳn lên, ít nhất là vượt hẳn khỏi đám quần chúng dốt nát, “không có thông tin”.
Tôi từng (nhiều lần) nhìn thấy vẻ mặt khinh khỉnh của những viên công an đi trấn áp biểu tình chống Tàu. Luận điệu ưa thích của chúng để hạ nhục những người bị bắt về đồn luôn là: “Đảng và Nhà nước vẫn đang xử lý vấn đề chủ quyền biển đảo, quan hệ với Trung Quốc hết sức linh hoạt, khéo léo. Các anh các chị không có thông tin nên cứ phá phách lung tung, đi biểu tình gây rối trật tự công cộng, chẳng được việc gì, khéo lại còn hại thêm nước mình”.
Có công an còn bịa thêm chuyện “sinh viên Việt Nam mình du học bên Trung Quốc đến khổ vì các anh các chị đi biểu tình ở đây, hơi một tí là bị dân Trung Quốc đốt cờ”. Tôi vặn lại: Sinh viên nào, học ở đâu, chính tôi từng gặp du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc và cả đồng nghiệp báo chí Trung Quốc đây, tôi chưa bao giờ nghe chuyện đó. Viên công an bơ đi rồi bảo tôi nghe “thông tin sai sự thật”.
Cách xử lý của nhà nước công an trị với dân là như vậy đó, nhất quán từ trên xuống dưới: Chúng bưng bít, giữ dân trong tình trạng không có thông tin; và khi dân đưa thông tin ra thì chúng rống lên là “sai sự thật”, “xuyên tạc”.
Cái nhà nước ấy tất yếu đẻ ra, và tồn tại nhờ một đám cán bộ công an, quân đội, nhà báo… nghiễm nhiên coi mình cao hơn dân, mình có thông tin, mình có tầm nhìn xa, có chiến lược này nọ.
Công an và quân đội vốn là hai cột trụ bạo lực của đảng Cộng sản bạo lực, khủng bố, nên cách hành xử khệnh khạng, ở trên dân, của hai lực lượng này không có gì lạ. Thế nhưng, nhà báo vốn dĩ là nạn nhân của chế độ độc tài mà lại có thể đồng nhất mình với thủ phạm, thì là một điều hơi lạ, hay nói đúng hơn, một sự bệnh hoạn.
* * *
Tôi cũng là nhà báo. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa tôi và nhiều nhà báo khác (không phải tất cả báo giới) là: Khi chứng kiến lãnh đạo họp hành, công du, ra chủ trương này quyết sách kia, họ sẽ thành kính chiêm ngưỡng và lặng lẽ suy tư, chiêm nghiệm, tất nhiên sẽ không bao giờ tiết lộ bừa bãi thông tin mà “chỉ nói cho người cần được biết”, hoặc đôi khi khề khà nơi quán nhậu, cùng lắm là bóng gió đôi câu trên facebook. Còn tôi thì chỉ thích tầm thường hoá bọn người ấy thôi, đánh tụt đám ấy xuống thay vì nâng chúng lên bàn thờ, và làm cho ai ai cũng biết về bộ mặt thật của chúng. Chẳng hề sang trọng, cao quý, bậc nhân kiệt... gì như người ta tưởng.
Tôi sẽ reo ầm lên: “Ối giời ơi, bà con ra mà xem bọn ngu lãnh đạo đất nước này”, “sao chúng ta lại phải làm dân cho cái lũ này lãnh đạo?”.