Các hội đoàn dân sự phải có quyền chính trị Hiến định

Nguyễn Hồng Phúc - VNTB

Dự thảo luật về hội do Bộ Nội Vụ soạn thảo, ở Điều 2.2 ghi: “Luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam”. Như vậy, phải chăng sẽ có sự phân biệt về “quyền chính trị” giữa các hội đoàn dân sự thành lập trong tương lai theo Luật về hội?

Không áp dụng nhưng vẫn bảo đảm quyền tự do chính trị?

Ở bản dự thảo luật về hội đã trình Quốc hội (khóa XIII, tải bản dự thảo tại http://bit.ly/2IjWMG4), quy định luật này không áp dụng đối với: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam”.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo luật là không áp dụng luật này đối với các tổ chức chính trị – xã hội được quy định tại Điều 9 của Hiến pháp. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội, trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị – xã hội.

Phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đưa ra quan điểm việc không áp dụng luật này đối với 6 tổ chức chính trị – xã hội là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.

“Hơn nữa, một số tổ chức này đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật công đoàn, Pháp lệnh cựu chiến binh. Vì vậy, dự thảo luật được tiếp thu chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất, quy định rõ trong luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội và đây cũng là việc luật hóa quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự minh bạch và tránh gây hiểu lầm trong quá trình thi hành luật”. [trích Báo cáo số 39/BC-UBTVQH14, tải toàn văn báo cáo tại http://bit.ly/2DbaUNS]

Như vậy, về các quyền chính trị của Công Ước về các Quyền Dân Sự và Chính Trị 1966 (ICCPR), mà Việt Nam gia nhập vào ngày 24/9/1982, có được thực thi với các hội đoàn dân sự thành lập theo Luật về hội?

Vì sao lại phân biệt hội đoàn dân sự có hay không sự hiện diện của Đảng?

Theo dự thảo luật về hội đã trình Quốc hội trước đây, thì trong “Việc công nhận điều lệ hội”, được chia theo cấp như sau: Bộ trưởng Bộ Nội Vụ công nhận điều lệ hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh, Thủ tướng Chính phủ công nhận điều lệ hội có Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện công nhận điều lệ hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện.

Về vấn đề này có ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ hội có Đảng đoàn và hội không có Đảng đoàn, đồng thời phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật được tiếp thu chỉnh lý như sau: Thủ tướng Chính phủ công nhận điều lệ hội của các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo luật. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ công nhận điều lệ hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh (khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 15). Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận điều lệ hội hoạt động trong tỉnh; căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận điều lệ hội hoạt động trong phạm vi huyện (khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 15). [*]

Một báo cáo nội bộ của Bộ Nội Vụ viết: Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị – xã hội: Căn cứ Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (quy định về Mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị – xã hội); Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14/12/2004 của Ban Bí Thư về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể (các đoàn thể gồm 05 tổ chức chính trị – xã hội nêu trên) và các luật, điều lệ hiện hành của các tổ chức này, do đó việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 05 tổ chức chính trị – xã hội nêu trên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật về hội là phù hợp.

Đối với hội có đảng đoàn, các hội được công nhận là tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp và hội được thành lập, hoạt động theo Luật chuyên ngành: Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng đã ghi “Không xây dựng văn bản riêng đối với một số hội đã được công nhận là tổ chức chính trị – xã hội, hội có đảng đoàn và không quy định hội có tính chất đặc thù”. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, quy định pháp luật về hội áp dụng chung cho tất cả các hội (trừ Mặt trận Tổ quốc và 5 tổ chức chính trị – xã hội nêu trên). [tải báo cáo tại http://bit.ly/2IjWMG4]

Như vậy, trong nội dung dự thảo luật về hội sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2019, cần làm rõ liệu có phân biệt về các quyền lợi chính trị giữa các hội đoàn dân sự có “đảng đoàn” với “không đảng đoàn”? Bởi Hiến pháp 2013 đã bảo hộ quyền tự do chính trị của công dân: “Điều 14.1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Nguyễn Hồng Phúc

* Chú thích:

“Điều 12. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi địa phương.
Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội hoạt động trong phạm vi huyện”.

“Điều 15. Thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hội, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, giải tán hội
1. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật này có thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hội, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hội, đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, giải tán hội, trừ trường hợp công nhận điều lệ hội quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Thủ tướng Chính phủ công nhận điều lệ hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Việt Nam”.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Xã hội dân sự là nền tảng của quốc gia

https://www.youtube.com/watch?time_continue=17&v=DNj-RGGsceg