!
Mặc dù nhà cầm quyền CSVN chưa chính thức lên tiếng về việc ông Nguyễn Phú Trọng bị “đột quỵ” khi đang đi công cán tại Kiên Giang vào chiều ngày 14 tháng 4 ngay sau khi họp với cán bộ đảng ủy Tỉnh Kiên Giang, nhưng thông tin và những lời bình luận đã tràn ngập trên cộng đồng mạng.
Trong thời đại mạng hiện nay, những loại tin nóng như vụ ông Trọng bị đột quỵ, đi rất nhanh và rất xa vì thu hút sự quan tâm và chia xẻ của công dân mạng. Trước áp lực quan tâm của số đông, tại những quốc gia dân chủ, đại diện phía chính quyền thường lên tiếng ngay để trấn an dư luận; nhưng tại Việt Nam, tin tức liên quan đến sức khoẻ lãnh đạo thuộc dạng “bí mật” quốc gia, nên thông tin chính thức việc ông Trọng bị đột quỵ sẽ không bao giờ có.
Sự kiện ông Trọng bị đột quỵ và xảy ra tại Kiên Giang, một tỉnh cực Nam, nơi ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư đã dấy lên nhiều đồn đoán, khi mà phe ông Dũng và ông phe Trọng đang đối đầu nhau trong trận chiến “đốt lò chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi có tin ông Trọng bị đột quỵ, báo lề đảng đã đồng loạt đăng tải những hình ảnh và các chi tiết liên quan đến chuyến công cán của ông Trọng tại Kiên Giang, không hề nhắc gì đến câu chuyện ông bị đưa vào nhà thương cấp cứu.
Ông Nguyễn Phú Trọng đến Kiên Giang vào chiều ngày 13 tháng 4, tại đây ông được đưa đi thăm Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang để quan sát dây chuyền sản xuất gỗ công nghiệp, Công ty cổ phần Trung Sơn về nuôi tôm công nghiệp xuất khẩu và sau đó dự tiệc khoản đãi của Tỉnh ủy. Sáng ngày 14 tháng 4, ông Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang và nghe báo cáo của ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Phát biểu trong buổi làm việc, ông Trọng đánh giá rằng sự phát triển của Kiên Giang ví như một Việt Nam thu nhỏ.
Ngay sau cuộc họp, ông Trọng bị choáng váng và nhức đầu nên được đưa đến bệnh viện Tỉnh để khám nghiệm. Ngay sau đó, ông Trọng được đưa thẳng đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn bằng trực thăng.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 75 đảm nhận hai trách vụ quan trọng là Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước khiến ông chịu rất nhiều áp xuất của công việc. Trong mấy năm qua, ngoài một vài chuyến công du đi ngoại quốc, ông Trọng xuất hiện tại nhiều cuộc họp ở Hà Nội và thỉnh thoảng đi công tác một vài tỉnh ở phía Bắc còn phía Nam thì mới chỉ đến Đà Nẵng mà thôi.
Chuyến công cán của ông Nguyễn Phú Trọng tại Tỉnh Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14 tháng 4 vừa qua không những đây là lần đầu tiên ông đến đất Kiên Giang từ khi nhận chức Tổng Bí Thư vào năm 2011, mà cũng là chuyến công cán đầu tiên ở vùng đất phía Nam từ năm 2016 sau khi đánh bại ông Nguyễn Tấn Dũng trong Đại Hội 12 vào tháng 1 năm 2016.
Sau những thành công trấn áp các phe nhóm qua chiến dịch đốt lò, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhân vật có quyền lực nhất ở trong đảng và nắm chặt hai bộ máy công an (Ủy viên thường trực Đảng bộ công an) và bộ máy quân đội (Bí thư đảng ủy quân đội).
Ông Nguyễn Phú Trọng hiện được mô tả là Tổng bí thư có nhiều quyền lực nhất trong lịch sử đảng CSVN. Vì thế mà nhiều phần, ông Trọng sẽ được “tân trung ương đảng” do ông Trọng sắp xếp và tiến cử vào trong đại hội 13 (2021-2026) tới đây, tiếp tục giữ ông Trọng ở lại vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho 5 năm tới.
Nói cách khác, ông Trọng không cần phải thay đổi nội quy đảng hay hiến pháp như Tập Cận Bình đã làm mà âm thầm thay máu hàng loạt cán bộ của những phe nhóm khác, để đưa nhân sự của phe ông Trọng vào trong Trung ương khóa 13.
Năm nhân sự được coi là những cận thần, giúp xây dựng đế chế Nguyễn Phú Trọng gồm Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban bí thư), Phạm Minh Chính (Cựu thứ trưởng công an, hiện là Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương đảng phụ trách về nhân sự), Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương), Phan Đình Trạc (Trưởng Ban Nội Chính Trung Uơng), và Trần Cẩm Tú (Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng).
Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ – dù nặng hay nhẹ – sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự và phân bố lại quyền lực trong nội bộ đảng CSVN trong kỳ đại hội 13. Nhiều phần là ông Trọng sẽ cố cầm cự để tiếp tục giữ vai trò Tổng bí thư và Chủ tịch nước cho đến tháng 1 năm 2021 nhằm tránh những xáo trộn nội bộ, nhất là ảnh hưởng vào tiến trình “thay máu” 600 cán bộ chiến lược mà phe ông Trọng đang chủ trương.
Nhưng đến đại hội 13, các vị trí tứ trụ (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) sẽ phải thay đổi. Nhiều phần các ông Trọng, Phúc và bà Ngân sẽ ra đi sau tháng 1/2021.
Trong những thành viên Bộ chính trị hiện nay, cũng sẽ ra đi sau tháng 1/2021 là ông Nguyễn Thiện Nhân, Đinh Thế Huynh, Trương Hòa Bình, Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch, bà Trương Thị Mai và bà Tòng Thị Phóng.
Những nhân sự có nhiều tiềm năng trụ lại ở Đại hội 13 gồm các ông Phạm Bình Minh, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải.
Riêng ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, là tuổi phải về hưu khi đến tháng 1/2021 nhưng có thể được ông Trọng yêu cầu giữ lại trong Trung ương và Bộ chính trị khóa 13, để đảm nhận trách vụ Tổng bí thư. Lý do là trong hàng ngũ nhân sự ở lại Bộ chính trị của khóa 13, ông Trần Quốc Vượng là nhân vật có nhiều ảnh hưởng ở trong đảng sau ông Trọng và là nhân vật bảo thủ, thân Trung Quốc.
Nếu ghế Tổng bí thư rơi vào tay ông Trần Quốc Vượng thì các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội sẽ sắp xếp cho các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình hay là ông Phạm Minh Chính. Ông Hoàng Trung Hải sẽ tiếp tục trụ ở ghế Bí thư Thành phố Hà Nội, trong khi ông Võ Văn Thưởng sẽ rời Ban Tuyên Giáo về nắm Bí Thư Thành Ủy HCM thay cho ông Nguyễn Thiện Nhân về hưu.
Đảng CSVN đã có quá nhiều kinh nghiệm về những nhân sự bất khiển dụng do phát bệnh bất ngờ sau khi đưa ra nắm giữ những trách vụ trong Bộ chính trị. Dù bị đột quỵ – nhẹ hay nặng – viễn cảnh cho thấy là ông Trọng khó có thể giữ những trách vụ quá cao ở trong đảng và nhà nước như hiện nay. Biết đâu, sự đột quỵ này của ông Trọng sẽ là tiếng chuông cảnh báo “đêm trước của cuộc cách mạng Việt Nam.”