Lại đụng đến con anh Ba!

Cuối thế kỷ 18, cuộc tranh hùng giữa Tây Sơn và các chúa Nguyễn khiến Nguyễn Ánh phải bôn đào đến tận Phú Quốc để tránh sự truy kích của Nguyễn Huệ. Từ hòn đảo cực Nam này, sau đó ông quay về đất liền tập trung lực lượng và đánh bại nhà Tây Sơn lập ra triều Nguyễn kéo dài 13 đời vua.

Ngày nay đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang được biết đến như một vùng đất không chỉ có những làng chài nghèo, quanh năm chỉ sống bằng nghề đi biển. Mà Phú Quốc của thời kinh tế thị trường có định hướng còn là hình ảnh của một thiên đàng du lịch với sòng bạc quốc tế, những khách sạn năm sao, những khu resort cao cấp dành chiêu dụ khách đại gia đến tiêu tiền.

Kiên Giang cũng chính là giang sơn hùng cứ của “anh Ba” từ sau năm 1975, trước khi ra Bắc nhận chức thủ tướng cho tới khi ngậm ngùi lui bước về làm người “tử tế”. Nơi đây từ năm 2015, thái tử đảng Nguyễn Thanh Nghị đã từ Thứ trưởng của một bộ lên nắm chức bí thư tỉnh ủy, như một cuộc nối tiếp cho thấy quyền lực của gia đình anh Ba luôn hùng mạnh nơi mảnh đất cuối cùng này.

Nhưng bão tố như có vẻ đang kéo về Kiên Giang với những tín hiệu khá rõ ràng. Đó là bản tin hôm 2 Tháng 4 của báo chí trong nước cho biết, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra “việc chấp hành pháp luật” về đất đai, khoáng sản, môi trường đối với tỉnh Kiên Giang. Khi nói đến việc điều tra quản lý và sử dụng đất ở Kiên Giang thì phải nói đến Phú Quốc, là giang sơn riêng của anh Ba và đứa con bí thư thành ủy.

Sau chuyến công du Pháp và Cuba trở về mang theo được mấy trang báo quảng cáo và một mảnh bằng tiến sĩ danh dự, kỳ này ông Trọng quyết không cho anh Ba và con anh Ba yên thân. Cho thanh tra đất đai Kiên Giang của đứa con chính là một mẻ lưới lớn mà ông Trọng quyết tóm gọn và triệt hạ thế lực của gia đình viên thủ tướng cũ.

Thật ra vụ điều tra này đã được ông Trọng và phe cánh nhắm đến từ lâu, tính từ năm 2011 đến 2016 tức là giai đoạn mà anh Ba giữ chức thủ tướng ở nhiệm kỳ 2. Trong giai đoạn này, dự án phát triển Phú Quốc với những công trình “tầm cỡ thế giới” được rầm rộ tung ra mà lãnh đạo Kiên Giang lúc ấy đã khoe tiền đổ vào Phú Quốc cả chục tỷ đô-la, và trên 5.000 ha đất vàng được xử dụng cho các công trình lớn nhỏ trên hòn đảo này. Đó cũng là thời gian cậu ấm Nguyễn Thanh Nghị được bầu vào ủy viên dự khuyết Trung Ương đảng trong Đại hội XI mà không thông qua đề cử của cơ sở. Để rồi “hạt giống đỏ” ấy đương nhiên bước  lên ghế là ủy viên chính thức sau khi được “cơ cấu”về làm bí thư tỉnh ủy Kiên Giang.


Ông Nguyễn Thanh Nghị – con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đương kim Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
 

Điều gì đã xảy ra ở Phú Quốc đến nổi ông Trọng phải đưa thanh tra chính phủ về Kiên Giang làm việc?

Thật ra trên đất nước Việt Nam, hiện tượng các lãnh tụ đảng địa phương ra sức khai thác đất đai, tài nguyên thiên nhiên để làm giàu cho bản thân là một hiện tượng rất phổ biến. Từ khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam khai thác giá nhân công rẻ mạt để kiếm lợi nhuận, các địa phương cũng đua nhau biến đất thành đô-la để bỏ túi riêng.

Kiểu vun bồi tài sản bất hợp pháp của cán bộ đảng bằng cách móc ngoặc với các nhà đầu tư trong ngoài nước luôn luôn dẫn tới tình trạng: chỗ nào cũng có chuyện dẫm chân lên pháp luật. Hay nói khác đi xử dụng, quản lý đất đai sai pháp luật là sự cố ý của các địa phương nhằm hưởng những mối lợi kếch sù.

Vì chính quyền cộng sản từ khi chiếm được quyền hành chỉ có mảnh đất dưới chân chia chác nhau, họ vô tư coi như của riêng mang đi bán hay cho các nhà đầu tư thuê mướn dài hạn để lấy tiền. Kinh doanh, sản xuất làm ra tiền hầu như là công việc của người dân và chính phủ chỉ có mỗi việc ngồi vẽ vời các loại thuế phí để tận thu cho ngân sách.

Mặc dù chính phủ có khai thác độc quyền một số ngành “quốc doanh là chủ đạo” nhưng tình trạng kinh doanh lời giả lỗ thật rốt cuộc chỉ nắm tay nhau đi tới phá sản. Vậy các địa phương nhân cơ hội đầu tư nở rộ, nếu không móc ngoặc để bán đất công hay đất cướp của dân làm sao cán bộ có tiền tỷ chia nhau bỏ túi?

Nay ông Trọng cho Thanh tra Chính phủ đến Kiên Giang điều tra đất đai, khiến dư luận không thể không nhớ đến đòn đánh vào bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh năm ngoái. Những vụ lem nhem phân lô bán đất ở Đà Nẵng thật ra đã diễn ra từ thời Nguyễn Bá Thanh và tiếp diễn rầm rộ, công khai đến thời Nguyễn Xuân Anh. Không chạy được tội trước đòn hiểm của cặp bài trùng Trọng – Vượng, cuối cùng Xuân Anh bị lột sạch mọi chức vụ trong đảng trước sự bất lực của người cha, nguyên là một ủy viên Bộ Chính Trị trước đây.

Dự án phát triển Phú Quốc của Kiên Giang dĩ nhiên cũng có những mánh mung mờ ám mà lãnh đạo nào đã tốt nghiệp trong nghề tham ô của trường đảng cao cấp không thể nào không biết. Nghĩa là vấn đề đất đai của Phú Quốc sẽ không khác Đà Nẵng bao nhiêu và số phận Nguyễn Thanh Nghị cũng sẽ không khác Nguyễn Xuân Anh.

Không phải mới đây mà từ năm 2017, Phú Quốc đã xuất hiện sự vi phạm pháp luật trong vụ xây dựng khách sạn 5 sao Seashells, còn gọi là Hương Biển xây vượt tầng và lấn chiếm hành lang biển được giải quyết một cách xuê xoa. Chủ nhân của Seashells được cho là người trong gia đình Nguyễn Tấn Dũng và không loại trừ nguồn vốn rút ra từ ngân sách nhà nước và tiền kiếm được do tham ô.

Kỳ này Nguyễn Thanh Nghị nguy to khi vụ buôn bán, xử dụng đất đai ở Phú Quốc bị thanh tra chính phủ phanh phui. Dù cho Nghị là bí thư tỉnh ủy nhưng anh Ba cũng hết đường chạy. Rõ là nếu anh Ba thoát vụ trả lời trước tòa trách nhiệm mất 800 tỷ theo lời khai Đinh La Thăng, thì vụ điều tra quản lý đất đai ở Kiên Giang đang tiến hành anh Ba khó thoát.

Liệu hai cha con bí thư Thanh Nghị có lọt được mẻ lưới mà ông Trọng đang giăng ra hay không?

https://viettan.org/lai-dung-den-con-anh-ba/?fbclid=IwAR1jbpbtrPmNDdjPb8...