Ốc đảo giữa hải đảo

Hoa Kỳ là hy vọng sau cùng – mà chẳng biết và khỏi cần biết

* Một hải đảo giữa tiền rừng bạc biển? *
 

Nhiều biến cố kinh tế hy hữu đã đánh dầu năm 2014 đang kết thúc: sau sáu năm hạ lãi suất tới số không và bơm ra lượng tiền lớn lao chưa từng thấy khiến tư bản chan hòa khắp nơi, Hoa Kỳ hưởng thành quả của phát minh về thuật lý (technology) trong kỹ thuật khai thác năng lượng để thành nhà sản xuất dầu thô có thế giá. Như một hải đảo được địa dư bảo vệ giữa một thế giới nhiễu nhương về an ninh và trì trệ về kinh tế, Hoa Kỳ có thể thản nhiên nhìn Mỹ kim lên giá và dầu thô sụt giá với cường độ rất lớn. Và coi đó là ưu thế hiển nhiên về kinh tế lẫn an ninh.

 

Chúng ta đã thấy hai tiền lệ tương tự, với hậu quả tai hại đến vô lường.

 

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, tiền rẻ và phát minh mới của cuộc cách mạng tín học đã thổi cổ phiếu điện tử lên trời và thị trường chứng khoán tăng đều 20% một năm trong năm năm liền. Rồi bể. Kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức ra đời, rồi cũng chuyện tiền rẻ đi cùng nhiều kỹ thuật tài chánh tân kỳ đã thổi bùng thị trường địa ốc. Rồi bể từ năm 2006 khiến Hoa Kỳ bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.

 

Biện pháp ứng phó với khủng hoảng và suy trầm kinh tế thời 2008-2009 đang tái lập một trật tự bấp bênh, được nhồi thêm kỹ thuật lấy dầu từ đá phiến. Chúng ta đang chứng kiến, một lần nữa, sự chuyển dịch dữ dội của các yếu tố sản xuất khiến người ta hồ hởi sảng rồi lại hốt hoảng bậy.

Sự thăng giáng thất thường và đột ngột của thị trường đang tạo ra nhiều bất ổn mới cho năm tới.
 

 

Vào buổi cuối năm, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vẫn vượt lên đỉnh và giới đầu tư lẫn nhiều phần tử ưu tú của xã hội vẫn thờ ơ trước sự bất ổn của Đông Á, Đông Âu và Trung Đông. Vụ khủng hoảng tại Nga còn xác nhận ưu thế của nước Mỹ. Vladimir Putin có thể ngang nhiên tấn công Ukraine nhưng lại làm nhiều xứ lo ngại, như Saudi Arabia, và thị trường đẩy giá dầu thấp hơn khiến Liên bang Nga cạn vốn, đồng Rúp tụt giá và kinh tế suy thoái.

 

"Bất chiến tự nhiên thành" bỗng dưng là phương châm xử thế của Hoa Kỳ. Nhìn lại thì năm 2014 khởi đầu với chuyện "tiền hung" tại Crimea mà vẫn là "hậu cát" cho nước Mỹ. Với những phát minh mới, như kỹ thuật "fracking" và cái iPhone, Hoa Kỳ vẫn ngự trên đỉnh sóng. Thế giới có lầm than ở chung quanh thì đấy là chuyện của thế giới.

Không có gì nguy hiểm hơn cho các nước và riêng cho Hoa Kỳ, nếu ta chào mừng năm 2015 với tinh thần đó.
 

Thuần về kinh tế, Hoa Kỳ chưa ra khỏi hậu quả tai hại của vụ khủng hoảng 2008. Nếu sau đó kinh tế có tạo thêm việc làm vào các năm 2009-2013 thì hầu hết là trong ngành dầu khí nhờ thuật fracking của hai vạn xí nghiệp loại nhỏ và vừa tại 16 tiểu bang. Trong khi đó, thị trường lao động không tăng mà còn giảm, kéo theo lợi tức của giới trung lưu và gây vấn đề xã hội là dị biệt lợi tức quá lớn giữa các thành phần dân chúng.
 

Khi dầu thô sụt giá hơn nữa, có thể thấy từ giữa năm tới, nhiều doanh nghiệp đào dầu sẽ ngưng hoạt động vì hết lời. Dù thường xuyên cải thiện kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất tới mức 30-40 đồng một thùng, họ vẫn khó tồn tại trên trường cạnh tranh. Công việc mới trong ngành sản xuất và yểm trợ dầu khí đã chấm dứt từ năm 2013, và sẽ đảo ngược nếu dầu thô mất giá nữa.

 

Quốc hội khóa 113 sắp mãn nhiệm được gọi là Quốc hội "không làm gì cả" vì ách tắc chính trị giữa hai đảng. Thật ra, đấy là một ưu điểm! Nhân loại mất nhiều thế kỷ để đẩy lui vai trò của triều đình và nhà nước vì qua một mức căn bản thì nhà nước càng ít ra luật dân càng dễ thở. Qua năm tới, tình trạng ù lỳ của một nhà nước bao biện sẽ chấm dứt, với đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại lưỡng viện và cố thu hồi những đạo luật đã ban hành từ năm 2009. Vì vậy, năm 2015 có nhiều đảo lộn trong xã hội và ngoài thị trường, khiến người thấp cổ bé miệng sẽ chẳng biết đâu mà mò!

 

Khi ấy, y như thành phần ưu tú đang thu mình trên ốc đảo, dân Mỹ càng không muốn dính dáng vào thiên hạ sự nữa. Mà thiên hạ sự sẽ là một đại đại dương nổi sóng.

 

Sau khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Tổng thống Franklin Roosevelt hỏi Thủ tướng Anh, rằng ta nên gọi cuộc chiến này với tên gì? Winston Churchill có câu trả lời lạnh mình: "Cuộc Chiến Không Cần Thiết". The Unnecessary War. Không cần thiết vì đáng lẽ không để xảy ra. Mà nó vẫn xảy ra với mức tàn phá kỷ lục.

 

Chỉ vì khi đó, Hoa Kỳ mắc bệnh tự hoài nghi, cứ nhìn vào tai họa và liều thuốc đổ bệnh sau vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933. Với lãnh đạo Mỹ khi đó, ưu tiên là chuyện kinh tế của ta, kệ cha thiên hạ sự! Các cường quốc Âu-Á ráng lo lấy chuyện của mình.

Ngày nay, chánh sách triệt thoái toàn phương vị, rút lui từ mọi góc về hải đảo của mình, mặc cho các nước xoay trở với nguy cơ khủng bố Hồi giáo, cả Sunni lẫn Shia, cả ISIL lẫn Boko Haram, với đà xâm lược của Putin, bành trướng của Tập Cận Bình, v.v... chánh sách đó là sự khôn ngoan tai hại cho nước Mỹ. Rồi sức năng động của thị trường khiến Mỹ kim lên giá và dầu thô hạ giá càng khiến người ta tin vào chân lý "vô vi nhi trị".
 

Chẳng làm gì cả về đối ngoại thì bốn phương vẫn phẳng lặng, bên trong thì thị trường vẫn lên giá.

 

Thật ra, không cường quốc nào có thể coi chuyện đối ngoại là thứ yếu và từ chối can thiệp tại các vùng đất xa xôi mà vẫn hy vọng duy trì vị trí cường quốc toàn cầu. Khi cảnh sát khoanh tay thì hung đồ sẽ được thể tung hoành - và nã đạn vào cảnh sát. Chuyện đang xảy ra bên trong nưoơc Mỹ chứ chẳng đâu xa. Ngay bên đảng Cộng Hoà nổi tiếng diều hâu, một nhân vật như Nghị sĩ Rand Paul thuộc phái "libertarian", tự do tuyệt đối, cũng được nhiều người theo vì chủ trương tự cô lập và chủ hòa, thậm chí phản chiến một cách ngớ ngẩn.

 

Vì kinh tế cũng là chính trị, vận mệnh Hoa Kỳ không thu gọn vào các chỉ số chứng khoán như DJIA hay S&P 500. Giới đầu tư cứ nói đến cái đỉnh 18.000 của chỉ số Dow Jones mà quên gánh công trái của Mỹ cũng vừa lên tới 18.000 tỷ đô la: nước Mỹ phải chấn chỉnh chi thu để có nền tảng ngân sách quân bình hơn. Và ta quên là khi sóng gió nổi lên từ các thị trường Âu Á vào năm tới thì hải đảo Hoa Kỳ cũng sẽ bị lụt.

May là thời sự vẫn nhắc nhở.

Ngày 16 vừa qua, khi các thị trường mỉm cười nhìn nước Nga tuyệt vọng tăng lãi suất đến 650 điểm để cứu đồng Rúp mà không xong thì tại Pakistan, đám khủng bố Taliban đã tàn sát 145 thường dân, kể cả 130 thiếu nhi. Từng em bị bắn hạ, sau khi phải nhìn tận mắt thầy giáo bị đốt sống. Chuyện ấy xảy ra sau khi một nước xa xôi và hiền hòa như Úc cũng bị một tay khủng bố đơn độc bắt giữ con tin, làm hai người thiệt mạng.

 

Người ta hài lòng nhớ đến vụ Sony bị Bắc Hàn tấn công để cấm một cuốn phim khôi hài rẻ tiền mà sau đó phim "The Interview" vẫn thu triệu bạc trong ngày trình chiếu đầu tiên. Từ nơi nghỉ cuối năm tại Hawai, Tổng thống Barack Obama cũng hài lòng nói đến việc Hoa Kỳ chấm dứt chiến dịch Afghanistan, nhưng thời sự lại nhắc đến một chuyện khác vào cùng ngày cuối năm:

Tạp chí "Inspire" của tổ chức khủng bố al Qaeda vừa nêu đích danh những mục tiêu sẽ phải thanh toán: bảy hãng hàng không Tây phương (trong đó có bốn hãng của Mỹ) và hai người Mỹ, là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ben Bernanke và... tỷ phú Bill Gates, một người hằng sản và hằng tâm!

 

Bên ngoài cái tháp ngà vẫn lung lay của Hoa Kỳ là một bầy quỷ dữ đang bóc lịch - và rút kíp lựu đạn chào mừng năm mới.

Theo dainamaxtribune.blogspot.de/