Thành lập Ban Cải cách thể chế

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Thông báo số 11/ Hội NBĐLVN về thành lập Ban Cải cách thể chế

Cải cách thể chế (CCTC) là một xu thế tất yếu phải diễn ra ở Việt Nam, trước tiên đối với chính thể và sau đó liên quan đến thị trường, doanh nghiệp, dân chúng và Xã hội dân sự.

CCTC cũng là một thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam để chuyển dần từ mô hình toàn trị sang dân chủ hóa.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam vẫn duy trì một số chính sách và cơ chế được cho là có hại cho hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội (như không có quyền sở hữu tư nhân đất đai, chính sách độc quyền kinh tế trong một số lĩnh vực, hạn chế quyền con người thông qua một số điều luật…).

Trong khi đó, quyền phản biện được xem như là một biểu hiện tự do dân chủ cơ bản và là quyền công dân chính đáng cần được bảo vệ trong các xã hội dân chủ.

Là tiếng nói truyền thông độc lập ở Việt Nam, Hội Nhà báo độc lập VN có vai trò như một thành phần góp phần vào hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội - chính trị cơ bản, trong đó có hoạt động nghiên cứu CCTC.

Hội Nhà báo Độc lập VN quyết định xây dựng nhóm hội viên chuyên trách về luật và một số chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để thành lập “Ban Cải cách thể chế” trực thuộc Hội.

Quy chế hoạt động của Ban Cải cách thể chế

Quy chế hoạt động của Ban Cải cách thể chế căn cứ vào Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Điều 1. Nhiệm vụ Ban Cải cách thể chế

1- Ban Cải cách thể chế nghiên cứu có chọn lọc một số vấn đề chủ chốt về cải cách thể chế quốc gia liên quan các lĩnh vực dân chủ hóa: các quyền tự do cơ bản, kinh tế thị trường, phúc lợi xã hội, văn hóa dân tộc, tôn giáo, chính trị đa nguyên.

2- Hoạt động nghiên cứu của Ban Cải cách thể chế cũng nhằm xây dựng cơ sở để đối thoại, khuyến nghị hoặc phản đối trong quan hệ với các cấp chính quyền, theo phương châm Xã hội dân sự tác động nhằm thay đổi những chính sách bất hợp lý, bất công của Nhà nước cùng thực tế triển khai không hoặc chưa bảo đảm lợi ích dân sinh.

Điều 2. Công bố và chuyển giao kết quả

Kết quả nghiên cứu cùng đề xuất, khuyến nghị về nội dung cải cách của Ban Cải cách thể chế được công bố đến các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế, được gửi đến các tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân sự độc lập và cơ quan chức năng nhà nước liên quan.

Ban Cải cách thể chế có thể phối hợp với các tổ chức dân sự trong và ngoài nước cùng các cơ quan nhà nước liên quan để triển khai những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao.

Điều 3. Nguyên tắc làm việc

1- Ban Cải cách thể chế hoạt động trên các nguyên tắc của Hội Nhà báo độc lập VN.

2- Báo cáo, đề xuất với Ban lãnh đạo Hội các nội dung, đề tài nghiên cứu về CCTC và giải pháp, phương hướng để thực hiện.

3- Ban Cải cách thể chế làm việc theo nguyên tắc định hình dân chủ: tập thể thảo luận, cá nhân chịu trách nhiệm, tôn trọng tác quyền, bảo mật thông tin.

4- Trưởng ban có trách nhiệm tổng hợp và chuyển gửi nội dung, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 4. Chế độ làm việc

1- Ban Cải cách thể chế làm việc trên cơ sở Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội Nhà báo độc lập VN.

2- Kết quả các phiên thảo luận của Ban Cải cách thể chế được thể hiện bằng văn bản gửi cho Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam; và thông báo cho hội viên trong trường hợp cần thiết.

Điều 5. Quan hệ công việc

1- Ban Cải cách thể chế chủ động liên hệ với các hội viên Hội Nhà báo độc lập và các giới trong xã hội để ghi nhận, trao đổi các vấn đề, liên quan đến nội dung đang thực hiện.

2- Ban Cải cách thể chế chủ động trao đổi thông tin cần thiết với các cơ quan, tổ chức dân sự xã hội trong và ngoài nước; mời đại diện các cơ quan hữu trách nhà nước tham dự các tọa đàm có liên quan đến việc thực hiện nội dung của Ban Cải cách thể chế.

3- Ban Cải cách thể chế có thể trực tiếp quan hệ và liên kết với các tổ chức quốc tế và tổ chức trong nước về hoạt động nghiên cứu và vận động.

Điều 6. Chế độ thù lao

1- Các thành viên giữ trách nhiệm trong Ban Cải cách thể chế, làm việc trên cơ sở đóng góp tự nguyện cho tổ chức dân sự - xã hội, bất vụ lợi cá nhân.

2- Thù lao (nếu có) sẽ trên cơ sở cân đối nguồn tài chính của Hội Nhà báo độc lập, và mức thù lao sẽ được công khai, minh bạch.

Điều 7. Tổ chức

Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập kiêm trưởng ban Cải cách thể chế và chịu trách nhiệm phân công, phân nhiệm, thay đổi, điều chỉnh nhân sự của Ban Cải cách thể chế.

Ban Cải cách thể chế có một số phó trưởng ban, bộ phận thư ký và cộng tác viên.

Điều 8. Thực hiện

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu cần điều chỉnh, bổ sung, Ban Cải cách thể chế sẽ có Tờ trình yêu cầu để Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập quyết định.

Sài Gòn, ngày 26 tháng 2 năm 2015

Thay mặt Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Chủ tịch

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Ghi chú: Bộ phận điều hành tạm thời của Ban Cải cách thể chế bao gồm nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội NBĐLVN), luật gia Cao Minh Tâm (Phó trưởng ban) và cử nhân Lê Mạnh Tuấn (thư ký), cùng một số cộng tác viên.

Email của Ban Cải cách thể chế: bancctc@gmail.com