Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế
Của Ủy ban thường trực về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế
28 tháng năm 2015
Kính thưa Ông Chủ tịch, quý thành viên của Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế, quý quan khách,
Kính chào quý vị,
Cảm ơn quý vị đã dành cho chúng tôi cơ hội trình bày thêm chứng cớ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tháng trước, quý vị đã được nghe từ một chiến hữu của tôi và cũng là chủ tịch của đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm. Tôi hy vọng buổi điều trần hôm nay không chỉ làm phong phú và tăng thêm sự hiểu biết của quý vị mà còn thúc đẩy quý vị hành động.
Như quý vị đã biết, chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn nhiều nhà hoạt động nhân quyền rời Việt Nam để tham dự các hội nghị, để gặp gỡ các nhóm nhân quyền trong khu vực, hoặc xuất hiện trước các ủy ban như thế này. Việt Tân đã ghi nhận được hơn 30 cuộc cấm đoán di chuyển như vậy trong hai năm qua.
Vì vậy, chúng ta đặc biệt may mắn có được sự hiện diện của hai nhà hoạt động từ Việt Nam tại đây ngày hôm nay để làm chứng cho sự tàn bạo của cảnh sát và những đàn áp mà họ phải trực diện hàng ngày.
Ông Trương Minh Tâm là một nhà bảo vệ nhân quyền và là một cựu tù chính trị. Ông sẽ có thể chia sẻ những kinh nghiệm trực tiếp về sự giam giữ tùy tiện và những ngục hình kinh hoàng đối với người bạn của ông, tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng là một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng, đại diện cho Hội đồng liên tôn - một trong số ít các nhóm xã hội dân sự thực sự độc lập của Việt Nam.
Ban đầu, hai thành viên trong gia đình của những tù nhân lãnh các án tù dài nhất dự trù sẽ có mặt hôm nay. Nhưng, họ đã không thể khởi hành kịp từ Việt Nam để tham dự buổi điều trần này; tôi xin được gửi lời khai của họ đến Ủy Ban trong những ngày tới.
Nhiều nhà hoạt động chính trị và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam bị đàn áp hàng ngày qua nhiều hình thức như bị công an theo dõi, tra vấn, đánh đập. Đối với những người trở thành mục tiêu của chế độ Hà Nội, họ bị bắt, thường là dưới những tội danh tùy tiện và bị từ chối có đại diện pháp lý thỏa đáng. Các thủ tục tố tụng tiếp theo thường là những buổi xử mang tính diễn xuất.
Trò hề như vậy đã diễn ra vào tháng Giêng năm 2013 trong một vụ án chính trị được coi là một trong những vụ án lớn nhất diễn ra tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tổng cộng, 14 nhà hoạt động ôn hòa bị kết án 86 năm tù giam. Hôm nay, phía sau tôi, là hình ảnh của ba người đã bị giáng những bản án tù dài nhất: Ông Đặng Xuân Diệu, 13 năm; Ông Hồ Đức Hòa, 13 năm; Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, 8 năm.
Trong tháng 11 năm 2013, Nhóm Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đã phán quyết rằng việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động ôn hòa này đã vi phạm luật pháp quốc tế. UNWGAD kêu gọi chính quyền Việt Nam thả những nhà hoạt động này và phải bồi thường họ cho việc giam giữ tùy tiện.
Nếu bạn hỏi các quan chức Việt Nam, họ sẽ vặn vẹo đáp trả rằng, chỉ có bọn tội phạm mới bị nhốt tù. Chúng tôi biết sự thật không phải như vậy. Bênh vực cho quyền tự do phát biểu, tự do chính trị như trường hợp của Cô Minh Mẫn không phải là một cái tội.
Cô Mẫn và tôi cùng một trạc tuổi và cả hai đều là những nhà hoạt động nhân quyền. Tôi nghĩ rằng nếu gia đình cô đã không bị từ chối quy chế tị nạn chính trị và gửi trở lại Việt Nam từ một trại tị nạn ở Thái Lan vào thập niên 1990s, cô chắc sẽ là một nhà hoạt động trong cộng đồng người Việt hải ngoại ngày nay, và có lẽ đang điều trần ở đây ngày hôm nay.
Thay vào đó, cô đã bị nhốt tù suốt bốn năm qua. Cô bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền và ban đầu bị kết án 9 năm tù giam. Một phóng viên nhiếp ảnh tự do, cô đã ghi lại hành vi dũng cảm của những người dân Việt bình thường - vẽ những dấu hiệu "HS.TS.VN" ở nơi công cộng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cô hiện đang bị giam tại nhà tù số 5 ở tỉnh Thanh Hóa, một nơi khét tiếng về những hành xử khắc nghiệt đối với tù nhân chính trị. Cô bị lao động khổ sai, biệt giam, và cấm không được tham gia vào các hoạt động giải trí. Giống như nhiều người khác đã bị ngược đãi hoặc thậm chí bị tra tấn trong tù, Minh Mẫn đã trải qua hai cuộc tuyệt thực để phản đối. Cô đã từ chối ngay cả phần lương thực nhỏ bé mà cô được cung cấp để mang lại sự chú ý tới việc cô bị hành hạ.
Đối với ông Diệu, ông Hòa và cô Minh Mẫn - sự phản kháng can trường của họ có thể đưa họ vào con đường ngục tù, nhưng chính tinh thần bất khuất và lòng kiên trì của họ dù bị bỏ đói, bỏ khát, đánh đập là điều thúc đẩy tất cả chúng ta phải hành động.
Số lượng tù nhân chính trị bị bắt giữ tùy tiện tại Việt Nam thường không rõ ràng vì bản chất đàn áp và bí mật của chế độ. Những trường hợp mà chúng ta biết được là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của quý vị ngồi bên cạnh tôi và những người ở Việt Nam sẵn sàng hy sinh sự an nguy của họ để ghi lại những vụ bắt giữ và tham dự những buổi xử kín. Quan trọng không kém là vai trò mà cộng đồng quốc tế có thể giúp để soi rọi vào những trường hợp này.
Tôi có hai đề nghị đơn giản, cụ thể cho Tiểu ban này và Quốc hội. Tôi xin kêu gọi ông chủ tịch xem xét một cơ chế bảo trợ những người này là tù nhân lương tâm để công chúng biết đến câu chuyện của họ. Khi cùng sát vai với những người này, lý tưởng của họ sẽ trở thành lý tưởng của chúng ta. Hỗ trợ quốc tế không chỉ là việc đáng làm, mà còn là một bảo đảm tốt nhất cho sự an toàn của những con người dũng cảm này.
Ngoài ra, Quốc hội có thể thúc đẩy Đại sứ quán Canada tại Hà Nội thực hiện những chuyến thăm tù nhân để bảo đảm nhà tù tôn trọng quyền được thăm viếng được điều trị y tế, được cung cấp thực phẩm và nước uống.
Tôi muốn trích dẫn lời nói ý nghĩa của ông Cotler về trường hợp của các nhà hoạt động nhân quyền Iran. "Đối với các cá nhân xuất sắc và dũng cảm đã dám thách thức chế độ, kể những câu chuyện của họ là điều nhỏ nhất mà chúng ta có thể làm."
Tương tự, đó là điều mà chúng ta có thể làm đối với các tù nhân lương tâm Việt Nam.
Chúng ta không chỉ nêu đích danh thủ phạm vi phạm nhân quyền mà còn tôn vinh những người ở Việt Nam đang nỗ lực không mệt mỏi để tranh đấu cho quyền làm người. Chúng ta nên kể câu chuyện của họ với toàn thế giới.
Cảm ơn quý vị đã dành thì giờ quý báu, và tôi xin trao lại cơ hội phát biểu cho những nhà hoạt động từ Việt Nam.