Lời tác giả: Cách đây hơn 26 năm, từ tháng 11/1989, trên tạp chí Năng lượng (Cơ quan ngôn luận của Bộ Năng lượng, Số 11, Tháng 11-1989 Năm thứ 27): trong bài viết “Năng lượng với Tây Nguyên” (tr.20-21) chúng tôi (với bút danh là Nguyễn Trường Sơn) đã khẳng định 3 vấn đề sau này đã được thực tế chứng minh (trích nguyên văn):
- “Loại trừ bôxít ra khỏi tiềm năng kinh tế của Tây Nguyên”;
- “Điện là chiếc chìa khóa mở cửa kho vàng Tây Nguyên”;
- “Than giữa cho sinh thái không bị phá hủy”.
Đồng thời cũng đã đề xuất 3 vấn đề sau này đã trở thành hiện thực (trích nguyên văn):
- “Hệ thống điện hợp nhất toàn quốc với đường dây siêu cao áp Bắc-Nam đặt ra bây giờ không phải là quá sớm và là vấn đề đáng quan tâm”;
- “Cần thành lập một “Ủy ban phát triển kinh tế Tây Nguyên” để phối hợp các hoạt động giữa các ngành, các địa phương có liên quan;
- “Chúng ta cần xây dựng và thực hiện một “Chương trình tổng hợp về khai thác tiềm năng kinh tế ở Tây Nguyên” một cách cụ thể và khẩn trương”.
Nhắc lại những ý kiến phản biện của mình cách đây 26 năm nay đã thành sự thật, sau đây chúng tôi muốn điểm lại những vấn đề có liên quan đến các dự án bauxite-alumina-nhôm trên Tây Nguyên.
Nguyễn Thành Sơn
1 Alumina Tân Rai: những con số biết nói hay một sự khởi đầu thất bại trên Tây Nguyên
Sứ mệnh “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đã được Đảng ta hoàn thành bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bắt đầu bằng một quyết định chiến lược đúng đắn- đánh đòn phủ đầu vào Buôn Mê Thuật trên Tây Nguyên, đã dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Sứ mệnh “xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền dân tộc” đã đạt được nhiều thành công to lớn từ khi Đảng ta khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo cả dân tộc bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986. Đất nước, nền kinh tế, và xã hội VN có lẽ đã tiến xa hơn, khoảng cách đói nghèo, kém phát triển của VN đã được rút ngắn hơn, chủ quyền biển đảo đã trở nên vững chắc hơn, lòng tin của người dân đã lớn hơn… nếu như chúng ta không mắc phải những sai lầm nghiêm trọng mang tính chiến lược trong việc triển khai các dự án bauxite-nhôm Tây Nguyên.
Sau 6 năm, những thất bại trong việc thử nghiệm dự án alumina Tân Rai đã ngày càng được khẳng định. Đó là:
1-.1 Nhà thầu không có kinh nghiệm
Chọn một nhà thầu hoàn toàn không có kinh nghiệm về áp dụng công nghệ Bayer để sản xuất alumina từ bauxite dạng gibbsite. Hậu quả là:
+ Mức độ khử các tạp chất trong sản phẩm cuối cùng không đạt và chất lượng của sản phẩm chỉ cao hơn “Calcined bauxite” (bauxite nung) và “Transition aluminas” (alumina – oxit nhôm – chuyển tiếp), chưa đạt tiêu chuẩn của “Calcined aluminas”. Giá bán của sản phẩm luôn bị ép;
+ Thời gian kiềm hóa không được lựa chọn tối ưu. Dẫn đến tỷ lệ thu hồi alumnia (oxit nhôm) thấp, và giá thành (chi phí sản xuất) của alumina cao;
+ Nhiệt độ kiềm hóa được lựa chọn thấp- 145oC (ứng với chất lượng thiết bị thấp) đã làm tăng tiêu hao nhiệt và tiêu hao kiềm rất lớn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng;
+ Nồng độ kiềm trong dung dịch tuần hoàn thấp, cũng được thiết kế/tính toán ứng với việc sử dụng các thiết bị rẻ tiền, mau hỏng;
+ Modul kiềm caustics trong dung dịch tuần hoàn được thiết kế thấp (chỉ ứng với thiết bị công nghệ rẻ tiền có khả năng chống ăn mòn hóa học thấp) đã làm tăng tổn thất alumina vào bùn đỏ;
+ Mức tiêu hao vôi được tính toán không có cơ sở khoa học (không có kinh nghiệm), làm giảm tỷ lệ thu hồi alumina;
+ Hiệu quả kiềm hóa (caustic hóa) được nhà thầu cam kết ở mức thấp nhất đối với qui trình công nghệ Bayer;
+ Tiêu hao quặng bauxite đầu vào được thiết kế rất cao (2,737 tấn bauxite/tấn alumina), chứng tỏ các giải pháp kỹ thuật kém hiệu quả, dẫn đến tổn thất tài nguyên lớn;
+ Cỡ hạt (độ nghiền) của bauxite đầu vào được thiết kế không dựa trên các phân tích thực tế đúng qui định các mẫu thí nghiệm làm tăng chi phí nghiền và ảnh hưởng xấu đến quá trình cô đặc của dung dịch trong khâu kiềm hóa;
+ Mức độ tự động hóa của nhà máy quá thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp, chi phí tiền lương cao.
Kết luận: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”. Kết quả xem xét các thông số thiết kế trên đây cho thấy nhà thầu chưa có kinh nghiệm về gibbsite.
1.2 Chủ đầu tư bị sập bẫy “giá rẻ”
TKV đã không chọn các nhà tư vấn quốc tế có kinh nghiệm, chỉ chọn tư vấn theo tiêu chí “nội lực” và tiêu chí “đang không có việc làm” nên đã bị “sập” cái “bẫy giá rẻ” do chính mình đặt ra. Về mặt luật pháp, việc chủ đầu tư (với bất kỳ lý do gì) đã bỏ qua giai đoạn đấu thầu quốc tế rộng rãi để chọn nhà tư vấn độc lập là một sai phạm không thể chấp nhận được.
Theo Luật đấu thầu, trong HSMT của dự án alumina cần phải xác định chi tiết: phạm vi công việc; giá trị/chất lượng công việc; và tiến độ thực hiện công việc.
Trên cơ sở đó, theo qui định trong đấu thầu, các sai lệch (deviations) trong bản chào (HSDT) của Chalieco cần được đánh giá để đưa về “giá đánh giá”, làm cơ sở cho việc chọn nhà thầu:
Về công suất thiết kế: theo cam kết của nhà thầu chỉ có 630.000 tấn/năm, giảm 20.000 tấn/năm so với công bố của TKV. Sai lệch này cần được đánh giá cả về giá trị thực và giá trị hiện tại thuần.
Giá trị thực của sai lệch này bằng (giá trị 20.000 tấn/năm nhân (x) với suất đầu tư bình quân (khoảng 1000U$/tấn công suất) = 20 triệu U$.
Giá trị hiện tại thuần của sai lệch này được tính theo mức độ giảm doanh thu hàng năm trong vòng 20 năm. Doanh thu giảm hàng năm là (20.000 t./n.*250 U$/tấn =) 5 tr.U$/năm. Như vậy, giá trị hiện tại thuần (NPV) trong 20 năm với lãi suất 5%/năm của 5 tr.U$ này là 62,31 tr.U$.
Hệ số huy động công suất: theo nhà thầu cam kết là >92,5% tức tương đương với 8.103 h/năm. Trong khi đó, cũng trong cam kết của nhà thầu, thời gian phải dừng để sửa chữa 28 ngày/năm, tức tương đương với hệ số huy động chỉ có 92,3%, hay tương đương với 8.088 h/năm. Sai lệch (8.103-8088=) 15 h này tương đương với công suất là 1302 tấn/năm và có giá trị bằng tiền là (1302 tấn/năm*250 U$/tấn =) 325.000 U$/năm. Giá trị hiện tại thuần của sai lệch này là (NPV với lãi suất 5%/năm, trong 20 năm của 325.000 U$) = 4,05 tr.U$.
Mức tiêu hao quặng bauxite tinh: là chỉ tiêu đánh giá rất quan trọng của dự án alumina. Chỉ tiêu này được đánh giá trên cơ sở so sánh với mức b/q của các nhà thầu khác, hoặc (trường hợp không có các nhà thầu khác), so sánh với mức b/q của thế giới. Cụ thể: mức tiêu hao quặng để sản xuất alumina b/q trên thế giới là <2 tấn/tấn. Mức cam kết của nhà thầu là 2,737 tấn/tấn. Giá trị bằng tiền của sai lệch này là ((2,737 tấn/tấn - 2,000 tấn/tấn)* 25 U$/tấn * 630.000 tấn/năm =) 11,607 tr.U$/năm. Giá trị hiện tại thuần của sai lệch này là (NPV của 11,607 tr.U$/năm, trong vòng 20 năm, với lãi suất 5%/năm=) 144,65 tr.U$;
Mức tiêu hao năng lượng: đối với nhà máy alumina được qui đổi về đơn vị tính là MJ/tấn sản phẩm.
Tiêu hao năng lượng để sản xuất alumina trên thế giới trong giai đoạn 1985-2012 khoảng 12.156÷15.737MJ/tấn, b/q 13.606 MJ/tấn như trong đồ thị sau:
Nguồn:http://www.world-aluminium.org/statistics/metallurgical-alumina-refining...
Tiêu hao năng lượng cho lò nung alumina Tân Rai được nhà thầu cam kết (chưa tính năng lượng từ nhà máy điện CFB) chỉ có (25,32 MJ/kg*0,180 tấn/tấn =) 4.558 MJ/tấn. Ngoài ra, theo cấu hình, trong khuôn khổ của dự án còn có nhà máy nhiệt điện, với suất tiêu hao được cam kết là (25,32 MJ/kg*0,499 tấn/tấn =) 12.634 MJ/tấn. Như vậy, mức tiêu hao năng lượng để sản xuất alumina theo thiết kế của nhà thầu ở Tân Rai là (4.558+12.634=) 17.192 MJ/tấn (tương đương với mức b/q ở TQ năm 2012).
Nếu lấy mức b/q của TG (thay cho mức b/q trong các HSDT) để tham chiếu, sai lệch này là (17.192-13.606=) 3.586 MJ/tấn, hay tương đương với giá trị (3.586 MJ/tấn x 0,004 U$/MJ x 630.000 tấn/năm =) là 9,036 tr.U$/năm. Như vậy, giá trị hiện tại thuần của sai lệch này (NPV của 9,036 tr.U$/năm trong vòng 20 năm với lãi suất 5%/năm=) là 112,95 tr.U$.
Tóm lại, mới chỉ xét theo 4 tiêu chuẩn cam kết chính, tổng giá trị các sai lệch trong HSDT của Chalieco đã lên tới (20+62,31+4,05+144,65+112,95=) 344 tr.U$ (lẫy số chẵn). Hay nói theo ngôn ngữ đấu thầu, “giá đánh giá” phải được cộng cho HSDT của Chalienco thêm ít nhất 344 tr.U$ để so sánh với các nhà thầu khác, hoặc cân nhắc trước khi quyết định chọn nhà thầu.
Nói theo ngôn ngữ kinh tế, TKV đã mua dự án Tân Rai với giá “đắt hơn giá trị thực” 344 tr.U$!. Nói theo ngôn ngữ bình dân, chủ đầu tư đã bị “sập bẫy giá rẻ” với thiệt hại 344 tr.U$. Còn nói theo ngôn ngữ nhà chùa, nhà thầu có “lại quả” 344 tr.U$.
Lưu ý: Con số 343 tr.U$ này còn nhỏ hơn thực tế rất nhiều, vì: (i) Thông thường trong HSMT phải có ít nhất 10÷15 tiêu chuẩn chấm thầu khác nhau, và trong HSDT (kể cả của những nhà thầu nghiêm túc) có ít nhất vài chục sai lệch. Trên đây, mới chỉ có 4 sai lệch được đánh giá theo 4 tiêu chuẩn; và, (ii) Các sai lệch đó được đánh giá theo các giả định rất khiêm tốn (ví dụ: giá quặng bauxite tinh cấp cho nhà máy chỉ giả định có 25 U$/tấn, trong khi giá quyết toán của TKV là 26,1 U$/tấn, và giá b/q của thế giới >60U$/tấn; giá bán alumina được giả định có 250 U$/tấn, trong khi giá bán b/q của TKV là 326 U$/tấn v.v.)...
1.3 “Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” không phải là sự thật
“Một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Dự án alumina Tân Rai được đánh giá “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” chỉ là một phần của sự thật. Còn nhiều phần khác chưa được công khai:
1/ Năm 2013: chưa tính đủ đã lỗ
Giá thành xuất xưởng (chi phí sản xuất) của alumina Tân Rai năm 3013 đã được quyết toán là lỗ nặng (xem bảng sau).
Tổng hợp Giá thành alumina Tân Rai năm 2013 đã được quyết toán:
Giá thành 7.545.450 đ/tấn nêu trên là “giá thành xuất xưởng”, chưa tính chi phí vận chuyển alumina từ Tân Rai về cảng Gò Dầu (được khoán ~390.000 đ./tấn); và chưa tính khấu hao tài sản nhà máy alumina, chỉ tính khấu hao các tài sản khác với giá trị rất thấp (36.207 đ/tấn).
Ngoài ra, giá bauxite nguyên khai cấp cho dự án được TKV tính rất thấp (chỉ có 70.838 đ/tấn- tương đương 3,3 U$/tấn) do không phải khai thác (phần lớn có sẵn nhờ thu hồi trong quá trình xây dựng cơ bản- chi phí đã tính vào vốn đầu tư của công trình) và do thuế tài nguyên của VN không đáng kể (gần như “biếu không” tài nguyên bauxite cho TKV). Theo quyết toán trên, giá quặng bauxite tinh cấp cho nhà máy alumina chỉ có 561.097 đ/tấn (tương đương 26,1 U$/tấn). Giá quyết toán này quá thấp so với mức b/q của thế giới là trên 60 U$/tấn (xem http://www.boxitvn.net/bai/32850).
Theo công bố của TKV tại VUSTA 9/5/2013, tổng mức đầu tư của Tân Rai là 14.642.227 tr.VND và thời hạn khấu hao dự kiến 30 năm. Như vậy, giá trị khấu hao tài sản phải được đưa vào giá thành hàng năm là (14.642.227 tr.đ : 30 năm =) 488.074 tr.đ/năm. Như vậy, tính b/q năm 2013 (với sản lượng 235.201 tấn) khoản mục chi phí khấu hao phải là (488.074 tr.đ/năm : 235.201 tấn/năm=) 2.075.136 đ/tấn. Như vậy, giá thành tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển của alumina Tân Rai năm 2013 là (7.545.450 + 390.000 + 2.075.136 - 36.207=) 9.974.379 đ/tấn, tương đương 464 U$/tấn.
Giá bán cũng theo “dự kiến” TKV công bố 9/5/2013 tại VUSTA là 7.957.414 đ/tấn (tương đương 370 U$/tấn). Như vậy, để báo cáo Thủ tướng “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó”, TKV đã cố tình “lờ” đi con số lỗ khổng lồ của năm 2013 là (464 - 370=) 94 U$/tấn.
Nếu tổng số alumina tiêu thụ lũy kế được 663 ngàn tấn, năm 2014 tiêu thụ 492 ngàn tấn, thì năm 2013 tiêu thụ được (663-492=) 171 ngàn tấn (tương đương tổng mức lỗ khoảng 16 tr.U$/năm 2013).
2/ Năm 2014: tiếp tục lỗ TKV đã không dám công bố quyết toán
TKV đang “phong tỏa” số liệu quyết toán của dự án Tân Rai. Vì vậy, dưới đây sẽ xem xét hiệu quả dựa trên các số liệu của TKV đã công bố. Theo đó:
Năm 2014 tổng số alumina tiêu thụ 492 ngàn tấn với giá bán b/q cả 326,5 U$/tấn. Vì “sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó”, nên mức khấu hao tài sản năm 2014 vào giá thành của 492 ngàn tấn alumina b/q là (488.074 tr.đ: 0,492 tr.tấn=) 992.020 đ/tấn. Nếu các chi phí khác coi như không tăng, giá thành b/q của alumina tính cả chi phí vận tải về cảng Gò Dầu, và tính đủ khấu hao năm 2014 tối thiểu là (7.545.450 + 390.000 + 992.020 -36.207=) 8.891.263 đ/tấn, tương đương 413,5 U$/tấn. Như vậy, trong năm 2014, mỗi tấn alumina bị lỗ ít nhất là (413,5-326,5=) 87 U$/tấn. Tổng số lỗ do “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” là (87 U$/tấn*492.000 tấn=) 42,8 tr.U$/năm 2014.
3/ Năm 2015: TKV đã đưa “lỗ” vào “Kế hoạch phối hợp kinh doanh”
Về giá bán: Theo Kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2015 của TKV, cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sản xuất 660 ngìn tấn alumina, được dự kiến tổng doanh số 4.920 tỷ đ. Như vậy, giá bán b/q của alumina năm 2015 được TKV dự tính là (4.920 tỷ đồng : 660.000 tấn=) 7,454545 tr.đ/tấn, tương đương với giá bán chỉ có 346,7 U$/tấn. Trong khi đó, theo công bố của Golman Sachs, do Indonesia hạn chế xuất khẩu quặng bauxite, và thị trường alumina sẽ bị thiếu 138÷639.000 tấn, giá bán alumina năm 2015 sẽ đạt mức 370 U$/tấn vào quí II 2015, và sẽ tăng lên 380 U$/tấn vào quí III 2015 (http://lityo.com.ua/13299-goldman-sachs-obnovil-prognoz-po-tsenam-na-gli...).
Giá thành b/q năm 2015: Giả sử các khoản mục chi phí sản xuất không tăng (bằng mức năm 2013), nhà máy alumina đạt công suất 630.000 tấn/năm, khoản mục khấu hao phải tính vào giá thành b/q là (488.074 tr.đ/năm : 630.000 tấn/năm=) 774.720 đ/tấn. Giá thành tính đủ khấu hao và chi phí vận chuyển năm 2015 sẽ là (7.545.450+390.000+774.720-36.207=)8.673.963 đ/tấn, tương đương với 403,4 U$/tấn.
Như vậy, alumina “sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó” trong năm 2015 sẽ lỗ (403,4-346,7=) 56,7 U$/tấn, tương đương với tổng mức lỗ là (56,7 U$/tấn*660.000 tấn=) 37,42 tr.U$/năm 2015.
Toàn cảnh bức tranh “sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó” theo các số liệu của chính TKV được tổng hợp như trong bảng sau:
Dự kiến mức lỗ tối thiểu của alumina chưa được TKV báo cáo:
Ghi chú (*): năm 2015, nếu dự án Tân Rai cũng vẫn chưa đạt công suất thiết kế 630.000 tấn thì giá thành sẽ còn cao hơn rất nhiều, tức lỗ còn nặng hơn.
1.4 Dự án đã “chết” nhưng chưa được “chôn”
Phải nói ngay, hiện TKV cũng đang có một dự án khác được triển khai sau dự án alumina trên Tây Nguyên, đó là dự án sản xuất ammonium nitrate tại Thái Bình, dưới vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng thuộc loại lỗ nặng, nhưng chưa được công bố. Khác với trên Tây Nguyên, ở Thái Bình TKV đã bị sập thầu “giá đắt”. Hai dự án có hai cách chết khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ là chưa được “chôn”.
Quay trở lại Tây Nguyên, như trên đã phân tích, cái “bẫy giá rẻ” đã làm cho mỗi tấn alumina của TKV bị lỗ ít nhất gần 56,7 U$/tấn (14%). Trong quản trị kinh doanh, cái “bẫy giá rẻ” đang dẫn đến cái bẫy “chết người” là dòng tiền của dự án. Với tình trạng như hiện nay, dự tính sơ bộ, cả 2 dự án alumina sẽ có dòng tiền “âm” (B-C<0) cho đến trước năm 2038-2039 (xem đồ thị sau):
Đồ thị: Dòng tiền (B-C) của Tân Rai và Nhân Cơ
Như trên đã phân tích, dự án alumina Tân Rai chỉ tồn tại được để “sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó” nhờ có kế hoạch “phối hợp kinh doanh” (chủ yếu dựa trên tăng chi phí khai thác than ở Quảng Ninh) đang được áp dụng một cách méo mó trong nội bộ TKV (“bù giá”, “bù lỗ”, “hoãn khấu hao”, “treo chi phí” v.v.).
Như vậy, cách đây vài năm, những vi phạm trong chọn thầu khi xây dựng dự án alumina đã dẫn TKV chui vào “cái bẫy giá rẻ” gây thiệt hai hàng trăm triệu U$. Hiện nay, khi đi vào hoạt động, dự án alumina còn đang tiếp tục dẫn TKV đến các sai lầm khác trong hạch toán kinh tế. Sau đây vài năm, cũng chính các dự án alumina sẽ dẫn đến việc phải giảm đáng kể sản lượng khai thác của các mỏ than ngoài Quảng Ninh.
Việc giảm sản lượng than ngoài Quảng Ninh (nếu nó xẩy ra) sẽ dẫn đến nhiều bất cập: phải nhập khẩu than, phải giảm việc làm của hàng vạn lao động (vốn có năng suất lao động đang rất thấp, và thu nhập không cao), hệ thống điện của VN sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào thiên nhiên và vào nước ngoài v.v.
Đã đến lúc, TKV hôm nay không nên cứ tiếp tục che dấu trước Thủ tướng những sai lầm của TKV ngày hôm qua. Người gây ra sai lầm chưa chắc đã có tội (vì đều đã “hạ cánh an toàn”), nhưng người che dấu sai lầm có khi còn mắc tội nhiều hơn. Bé như một “cái kim trong bọc cũng còn bị lòi ra”, to như 2 dự án alumina (giá trị hơn 2 tỷ U$) làm sao cứ tiếp tục không trung thực với Thủ tướng, với đảng, với nhân dân mãi được.
2 Dự án luyện nhôm Nhân Cơ: “Đắm đò nhân thể rửa trôn”
2.1 Dự án nhôm kim loại đang được triển khai trên lưng người dân dùng điện
Điều kiện tiên quyết để triển khai dự án “Nhôm kim loại” là được mua điện với mức giá rẻ hơn (tương đương với 5 cents/kWh) so với giá thị trường (khoảng 7,5 cents/kWh) trong vòng 10 năm.
Nhôm kim loại: được sản xuất thương mại theo qui trình điện phân (do Hall (Mỹ) và Heroult (Pháp) độc lập lẫn nhau đề xuất từ năm 1886) dựa trên phản ứng hóa học khử ôxy trong ôxít nhôm như sau:
Al2O3 + 3/2C => 2Al + 3/2CO2
Theo công nghệ trên, mức b/q trên thế giới, để điện phân ra được 1 tấn nhôm kim loại cần phải có:
Ô xít nhôm (alumina): 1,90÷1,95 tấn;
Chất điện phân (electrolyte): 0,04÷0,06 tấn;
Các bon điện cực (anode carbon): 0,43÷0,50 tấn;
Điện năng: 13.000÷16.000 kWh
Với mức tiêu hao điện thấp nhất thế giới (12.900 kWh/tấn), dự án nhôm kim loại Nhân Cơ có công suất 450 nghìn tấn nhôm/năm sẽ phải mua 5,8 tỷ kWh/năm.
Hiện nay, giá bán điện b/q của EVN là 1.622 đ/kWh, tương đương ~7,5 cents/kWh, và giá bán điện thấp nhất (cho các hộ nghèo dùng <50 kWh/tháng) là 1388 đ/kWh, tương đương ~6,45 cents/kWh. Hy vọng mức giá bán điện này sẽ “trong tầm kiểm soát”, không tăng trong 10 năm tới. Như vậy, tất cả người dân VN dùng điện sẽ phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại hàng năm b/q (7,5 cents/kWh-5 cents/kWh)*5,8 tỷ kWh=) 145 tr.U$/năm. Công suất nhôm kim loại càng cao, bù lỗ càng lớn, dự án nhôm kim loại càng triển khai nhanh, càng sớm phải bù lỗ. Và trong vòng 10 năm, số tiền bù lỗ của người dân cho nhôm kim loại là 1450 tr.U$. Số tiền nhà đầu tư được hưởng lợi này còn cao hơn tổng mức đầu tư của dự án nhôm kim loại (665 tr.U$) ~2,2 lần. Có lẽ, chưa có dự án nào đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay với mục đích xóa đói, giảm nghèo của nhà nước được bù lỗ “khùng” như vậy.
Dự án nhôm kim loại sẽ làm giảm lỗ cho các dự án alumina tối đa là 17,55 tr.U$/năm. Nhưng, những người dùng điện VN phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại 145 tr.U$/năm (cao hơn 8 lần)!!! Có lẽ, chưa có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nào chấp nhận bài toán kinh tế “ngược đời” đến như vậy.
2.2 Có nên sửa sai lầm này bằng sai lầm khác lớn hơn?
Mức độ sai lầm hay thành công đều được đánh giá qua “chi phí cơ hội”. Khái niện này có nguồn gốc từ “chi phí biên dài hạn” cả thế giới đang tin dùng, do các học trò (đã được giải thưởng Nobel) của Lê Nin đề xuất lần đầu tiên trong xây dựng lý thuyết cho nền kinh tế kế hoạch (định hướng XHCN) ở Liên Xô. Liên quan đến dự án nhôm kim loại của nhà đầu tư tư nhân Trần Hồng Quân, có nhiều chi phí cơ hội cần được tính đến. Sơ bộ như sau:
+ Theo biểu giá bán điện của EVN, hiện nay, những hộ dân nghèo của VN (có mức tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng) đã phải mua điện với giá là 1388 đ/kWh, tương đương với 6,45 cents/kWh, đắt hơn so với giá điện bán cho dự án nhôm kim loại. Nếu tính một hộ dân nghèo dùng 50 kWh/tháng, tương đương 600 kWh/năm, thì 9,666 triệu hộ dân nghèo mới dùng hết số điện của 1 dự án nhôm kim loại. Có lẽ, không có nền chuyên chính vô sản nào hy sinh quyền lợi của hàng chục triệu người để phục vụ lợi ích cho 1 chủ đầu tư như vậy.
+ Để có thêm 5,8 tỷ kWh/năm, EVN phải đầu tư thêm, hoặc, một dự án thủy điện (vận hành 3000h/năm) có công suất 1933MW với chi phí đầu tư phải bỏ ra khoảng 3,8 tỷ U$ (lớn hơn thủy điện Hòa Bình), hoặc, một dự án nhiệt điện chạy than (vận hành 7000 h/năm) có công suất 828 MW với chi phí đầu tư khoảng 830 tr.U$ (lớn hơn nhiệt điện Phả Lại 2).
+ Hiệu suất sử dụng điện của nền kinh tế VN hiện nay rất thấp, b/q ~1 kWh/1 U$ GDP. Như vậy, 5,8 tỷ kWh điện/năm có thể tạo ra thêm ít nhất 5,8 tỷ U$ GDP/năm. Nếu sử dụng 5,8 tỷ kWh điện này để luyện nhôm, giá trị GDP hàng năm của dự án nhôm kim loại Nhân Cơ được dự tính như sau:
- Giá bán nhôm kim loại b/q (năm 2014) trên thế giới: 1897,81 U$/t.;
- Chi phí alumina (mua của TKV): 346 U$/t.*1,95 t./t.= 675 U$/t. nhôm;
- Chi phí điện (mua giá được người nghèo bù lỗ): 12.920 kWh/t.*0,05 cents/kWh= 646 U$/t. nhôm kim loại.
- Giá trị GDP của dự án nhôm kim loại làm ra tối đa là (1898 U$/t. - 675 U$/t. - 646 U$/t.)*450.000 t./năm= 259.650.000 U$/năm (lấy chẵn 260
tr.U$/năm).
- Chi phí chất điện dung và điện cực (lấy giá rẻ hơn than) là 200 U$/tấn*0,56 tấn/tấn nhôm = 112 U$/tấn nhôm kim loại.
Như vậy, giá trị GDP của dự án THQ làm ra tối đa là (1898 U$/t.-675 U$/t.-646 U$/t.- 112)*450.000 t./năm= 209.250.000 U$/năm (lấy chẵn 210 tr.U$/năm)
Như vậy, thông qua chỉ tiêu kinh tế tổng hợp là GDP, hiệu suất sử dụng điện của dự án nhôm kim loại thấp hơn ít nhất 27,6 lần so với mức b/q chung của nền kinh tế VN.
VN đang mất cân đối nghiêm trọng về điện cho phát triển kinh tế. Việc triển khai dự án luyện nhôm có hiệu suất sử dụng điện rất thấp như vậy là một hướng đi sai lầm trong tái cơ cấu nền kinh tế và trong phát triển bền vững.
Câu hỏi được đặt ra và cần được trả lời xung quanh việc triển khai “quyết liệt” dự án luyện nhôm kim loại ở đây là:
- Trong khi, cho đến nay, Quy hoạch hiệu chỉnh về bauxite-nhôm chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua, dự án nhôm kim loại được triển khai trên cơ sở quy hoạch của ngành nào?
- Trong khi Quy hoạch Điện VII còn nhiều mất cân đối, các vấn đề hạ tầng kỹ thuật khác (cung cấp nước, giao thông vận tải) phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên cũng đang mất cân đối, dự án nhôm kim loại được triển khai theo những cân đối liên ngành như thế nào?
- Trong trường hợp không cần theo qui hoạch, không cần phải cân đối liên ngành, nền kinh tế VN cứ phải triển khai dự án nhôm kim loại với bất cứ giá nào thì tại sao nhôm kim loại (là một dự án sử dụng tài nguyên khoáng sản có hạn thuộc sở hữu toàn dân và sử dụng nguồn điện khan hiếm nhưng với giá rất rẻ) không được triển khai theo hình thức “đấu thầu dự án” như qui định của luật?
3 Kết luận
1/ Các dự án bauxite, alumina, và nhôm đều được triển khai dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, và tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc sở hữu toàn dân. Hiệu quả kinh tế của các dự án này, đặc biệt là dự án luyện nhôm kim loại chỉ hoàn toàn dựa vào sự tận hưởng những ưu đãi (khai thác khoáng sản và nguồn nước ngọt với thuế tài nguyên thấp, thuế xuất khẩu nguyên liệu chiến lược bằng không, mua điện giá rẻ v.v.) lẽ ra thuộc về những người nghèo trên Tây Nguyên; Trong khi đó,
2/ Tính công khai, minh bạch của các chủ đầu tư các dự án này, đặc biệt là TKV, rất hạn chế. Các nhóm lợi ích luôn bỏ qua các ý kiến phản biện, các nhà quản lý coi thường sự thật; Vì vậy,
3/ Trước đây, chương trình bauxite đã thu hút sự quan tâm của cả xã hội về các vấn đề có liên quan đến môi trường (bùn đỏ) và an ninh quốc phòng trên Tây Nguyên. Hiện nay, sau 7 năm thử nghiệm, do có nhiều vi phạm trong chọn thầu, cả hai dự án alumina có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, rất khó khắc phục, đang bị lỗ kéo dài và đang làm nẩy sinh thêm vấn đề kinh tế; Và,
4/ Trong thời gian tới, nếu không cân nhắc đầy đủ và có trách nhiệm, việc chấp nhận bán điện giá thấp để triển khai bằng được dự án nhôm kim loại Nhân Cơ có thể sẽ còn dẫn đến những điều đáng lo ngại hơn là sự bất công trong xã hội (toàn dân dùng điện phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại).
N.T.S.