Một số bài báo trên những tờ báo lớn của thế giới như BBC, CNN, VOA… đều nhận định rằng vụ tấn công quấy rối tình dục cộng với cướp bóc xảy ra tại Cologne và một vài thành phố khác của Đức ngay đúng vào thời điểm New Year’s Eve vừa qua đã ảnh hưởng sâu sắc đến nước Đức, và có lẽ, cả châu Âu nữa.
Ngay sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn tại Paris vào ngày Thứ Sáu định mệnh 13.11.2015, trong đó, theo báo chí, 2 hoặc 3 trong số những kẻ khủng bố là vừa mới đi từ Hy Lạp tới châu Âu với tư cách là người tị nạn Syria; vụ tấn công tình dục với mức độ chưa từng thấy này: hơn 1000 thanh niên có bề ngoài Bắc Phi và Trung Đông, trong số đó có những người vừa mới xin tỵ nạn, với khoảng hơn 500 trường hợp bị tấn công được ghi nhận. Dù không phải tất cả những kẻ tình nghi đều là những người mới đến Đức, nhưng đây thực sự là một cái tát cho bà Angela Merkel và cho tất cả những người dân Đức vừa mới hổ hởi tiếp đón những người tỵ nạn. Dưới sức ép của dư luận, chính phủ của bà Angela Merkel chắc chắn phải xem xét lại chính sách mở cửa hào phóng cho người tỵ nạn như thời gian qua. Và châu Âu cũng vậy.
Các nước sẽ buộc phải thay đổi chính sách. Nhưng điều đáng nói hơn, các xã hội văn minh, dân chủ, nhân ái ở phương Tây đã thay đổi sâu sắc. Sự bất an, nghi kỵ, chia rẽ, cả sự phân biệt chủng tộc ẩn sâu bên trong, đã xuất hiện, đã “thức dậy”.
Và đó là cái hại lớn nhất, sự mất mát lớn nhất. Để cho một xã hội trở nên tử tế hơn, văn minh hơn thì phải mất hàng trăm năm, nhưng để cho nó tệ hại đi thì chỉ cần vài sự kiện như thế này thôi. Dù người châu Âu có nói rằng không gì có thể hủy hoại được những giá trị lâu đời, sự tử tế, nhân ái của mình nhưng sâu thẳm bên trong, những vết nứt đã xuất hiện.
Như ở Na Uy này cũng vậy, trước đây xã hội Na Uy hết sức bình yên. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX cho tới nay, Na Uy đã trở thành một quốc gia đa chủng tộc, đa văn hóa. Bên cạnh những điểm tích cực, những hệ luy do dân nhập cư đến từ những quốc gia nghèo đói, lạc hậu cũng nảy sinh.
Trước đây nhiều thứ trong xã hội được vận hành chủ yếu dựa trên sự tự giác, tự nguyện, tin cậy ở con người. Ví dụ, nếu như ở Paris, London, Berlin, Barcelona…trạm metro có cửa ngăn lại, người đi qua phải có vé thì cửa mới mở ra, nếu muốn trốn vé cũng khó, nhưng ở Oslo thì hoàn toàn không có cửa, người đi tự giác quẹt thẻ và đi qua. Bây giờ thì hiện tượng đi lậu vé hơi nhiều, người ta phải tăng số lượng người kiểm soát vé lên để bất ngờ soát vé trên xe hoặc ngay cửa ra vào. Hiện tượng ăn cắp, móc túi trước kia rất hiếm, bây giờ đi xe bus, xe điện thỉnh thoảng lại nghe một giọng đọc sẵn phát ra từ hệ thống âm thanh trên xe, nhắc nhở mọi người coi chừng móc túi!
Ngay ở trường đại học cũng thế. Trường đại học Oslo không có tường bao quanh cũng không có cổng ra vào như nhiều thành phố lớn ở các nước khác, buộc sinh viên phải quẹt thẻ, trình thẻ mới vào được, sinh viên và cả người ngoài ở đây cứ vào ra thoải mái, trước đây thì chả có chuyện gì, bây giờ thì ngay trong trường chỗ này chỗ kia thấy dán giấy nhắc nhở coi chừng móc túi! Thế là bớt văn minh đi, là đáng xấu hổ chứ còn gì nữa.
Các quốc gia Bắc Âu vốn được xem là yên bình hết mức, nay cũng lác đác xảy ra những vụ khủng bố nhỏ lẻ, và nguy cơ khủng bố với mức độ lớn hơn cũng sẽ không loại trừ, trong tương lai.
Trong năm vừa qua, ngoài Đức, Thụy Điển là nước có lượng người tỵ nạn từ Syria và các nước Hồi giáo đang có chiến tranh đông thứ nhì, thứ ba trong khối Liên Hiệp Châu Âu-khoảng hơn 100,000 người, Đan Mạch và Na Uy ít hơn. Đan Mạch có chính sách cứng rắn hơn, tiếp nhận khoảng 18,000 người, Na Uy có khoảng 31, 000 người nộp hồ sơ xin tỵ nạn, trong đó có một lượng không nhỏ đi từ biên giới Nga qua bằng xe đạp!
Thật sự là một bài toán nan giải cho các chính khách, nhà lãnh đạo ở các nước châu Âu giữa vấn đề nhận hay không nhận người tỵ nạn từ những quốc gia Hồi giáo đang có chiến tranh. Khoan hãy nói đến những người Hồi giáo cực đoan hoặc sự lo ngại các chiến binh của những nhóm Hồi giáo cực đoan như IS có thể trà trộn trong dòng người xin tỵ nạn, đổ vào các nước châu Âu. Bản thân người viết cũng là một người tỵ nạn chính trị, là di dân đang sống ở nước người ta nhưng sau thời gian dài quan sát giữa người tỵ nạn, di dân thuộc các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi với người tỵ nạn, di dân đến từ các nước Đông Nam Á, Đông Á, và các khu vực khác, người viết có nhận xét rằng tâm thế và cách ứng xử của người Hồi giáo nói chung khi sống trên nước người rất khác với tâm thế và cách ứng xử của người Việt chẳng hạn, và dân Đông Á nói chung.
Người Hồi giáo Trung Đông rất tự hào về lịch sử, văn hóa lâu đời và về tôn giáo của họ. Khi nhìn Mỹ và các nước phương Tây, cái nhìn của họ là “nhìn xuống”, họ cho lịch sử, văn hóa của Mỹ và phương Tây không bằng, còn về tôn giáo thì Hồi giáo mới là tôn giáo xa xưa nguyên thủy nhất, do đó “tinh túy” nhất. Họ nghĩ Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã gây ra chiến tranh cho đất nước họ, khu vực của họ thì phải có trách nhiệm giúp đỡ họ, chứ họ không việc gì phải mang ơn các quốc gia phương Tây cả.
Trái ngược hẳn với suy nghĩ của người Việt, khi nhìn Hoa Kỳ và các nước phương Tây thường “nhìn lên”, ngưỡng mộ, cho nước người ta, dân người ta cái gì cũng hơn nước mình, dân mình, và luôn có cái cảm giác mình là người ở nhờ xứ người ta, phải mang ơn nước người ta, nhất là ở những người vượt biên được nước khác cứu vớt trên con đường vượt biển năm phần sống năm phần chết, cảm giác mang ơn đó càng rõ. Từ mang ơn, dẫn tới thái độ cái gì của nước người ta cũng tốt đẹp, cũng ngợi khen. Cho đến các thế hệ ra đi sau này, bằng những con đường khác, cũng vẫn cứ có cái tâm trạng ngưỡng mộ nước người.
Người Việt sống ở đâu thì khen nước đó, sống ở Mỹ thì cái gì của Mỹ cũng nhất, sống ở châu Âu như Pháp, Anh, Đức… thì khen, yêu, mê Pháp, Anh, Đức…, chê Mỹ. Người Việt sống ở Na Uy hay Bắc Âu cũng thế, cái gì cũng Na Uy là nhất! Ai chê nước Việt mình thì được, nhưng động tới Na Uy là nhảy nhổm lên giận, bênh vực đến cùng, thật là một tâm trạng lạ lùng! Người Việt và các dân Đông Nam Á, Đông Á sống ở nước ngoài thường ít quan tâm đến đời sống chính trị xã hội của nước người ta, chỉ lo làm ăn, kiếm tiền, lo cho con cái học hành, có tiền thì thường gửi về VN làm từ thiện, về VN tiêu xài cho nó rẻ chứ cũng ít khi nghĩ tới chuyện đóng góp vào những hoạt động xã hội ở nước người. Ngay cả chuyện đi bầu là quyền lợi của mình mà nhiều người Việt còn ngại.
Ngược lại, những người Hồi giáo mà tôi có dịp tiếp xúc, quan sát đều quan tâm đến đời sống chính trị, các luật lệ của xứ sở tại và hăng hái tham gia vào môi trường chính trị của nước người ta. Ở Na Uy này, ít nhất là có vài người Hồi giáo từ Nam Á, Trung Đông trong thành phần chính phủ của Na Uy, còn nếu mở TV của đài NRK là đài quốc gia Na Uy thì những khuôn mặt từ các nước Nam Á, Trung Đông trong vai trò phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên, giải trí…khá nhiều, trong khi rất hiếm hoi một khuôn mặt gốc Việt. Khi hăng hái tham gia vào lĩnh vực chính trị hoặc truyền thông, người Hồi giáo tất sẽ tìm cách nói lên tiếng nói của cộng đồng họ, có những yêu cầu về quyền lợi cho cộng đồng họ, thậm chí tác động vào chính sách của chính phủ nước sở tại.
Trong đời sống, người tỵ nạn, di dân gốc Việt rất ngại động chạm đến người bản xứ, nhưng người Hồi giáo thì không. Người viết đã từng chứng kiến dân tỵ nạn, di dân Hồi giáo to tiếng tranh cãi với người Na Uy ở sở cảnh sát, sở an sinh xã hội hay nhà hàng, ngoài đường phố, sẵn sàng làm lớn chuyện lên ngay nếu họ cho rằng người Na Uy hoặc dân tộc khác có ý đụng chạm đến quyền lợi, tôn giáo, sự khác biệt trong văn hóa…của họ, dù nhiều khi chưa hẳn đã thế.
Mỗi dân tộc mỗi khác. Dù sao đi nữa, một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo cũng có những điểm tích cực, những lợi thế ví dụ như văn hóa, đời sống của quốc gia đó sẽ phong phú đa sắc màu hơn, con người sống trong một xã hội đa chủng tộc đa tôn giáo sẽ có cái nhìn cởi mở hơn, biết chấp nhận những cái khác mình hơn. Nhưng bên cạnh đó, những khó khăn, bất ổn, tình trạng tội phạm, sự chia rẽ cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là trong thời đại hiện nay khi nguy cơ khủng bố từ những cá nhân, tổ chức Hồi giáo cực đoan đang ngày cảng trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Và như đã nói, điều đáng lo nhất, là những bất ổn đó đã hủy hoại xã hội châu Âu-hủy hoại những giá trị lâu đời về tự do, dân chủ, bác ái. Với mỗi cá nhân thì nó hủy hoại lòng tử tế, sự tin cậy, bao dung không phân biệt đối xử, giữa con người với nhau.
Những sự kiện như vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris hay vụ tấn công tình dục ở Cologne là những minh chứng. Nói gì thì nói, đời sống ở một số quốc gia châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung bây giờ không còn như trước nữa, một cái gì đó đã thay đổi. Như nước Mỹ đã thay đổi sau ngày 11.9.2001. Và đó có lẽ chính là điều mà những phần tử Hồi giáo cực đoan mong muốn-phá hủy xã hội và người dân Hoa Kỳ và phương Tây từ bên trong, chứ không chỉ là những đổ nát, chết chóc bên ngoài.
Song Nhi