Những con người sống sót qua khói lửa chiến tranh năm 1979 ở biên giới phía Bắc Việt Nam nay về đâu? Làm gì? Và thời gian có làm thay đổi được số phận chất ngất nỗi đau mất mát, làm lành vết thương lòng của họ hay không? Đó là những câu hỏi mà tôi muốn tìm câu trả lời dù rất mảy may chính xác trong bài viết này.
Có lẽ, cũng cần phải nói rằng đối với nhiều người Việt Nam và đối với lịch sử Việt Nam, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mệnh con dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh tàn khốc và biểu hiện rõ nét tính man rợ của người Trung Quốc trong chiến trận kể cả lúc người ta thắng hay thua.
Và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, mặc dù nhà cầm quyền đã cố ém nhẹm, lấp liếm bằng nhiều cách, mãi đến năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới có hành động đến viếng mộ những liệt sĩ của cuộc chiến tranh này và công khai hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như một sự vớt vát về trách nhiệm lãnh đạo cũng như lương tri con người. Nhưng trước đó, vết thương chiến tranh đã khảm sâu vào tâm hồn dân tộc. Vết thương vẫn chưa bao giờ nguôi mưng đau khi nhà nước còn cố giấu giếm.
Và đã có bao nhiêu số phận, bao nhiêu con người vĩnh viễn ngã xuống, cũng như đã có bao nhiêu cuộc đời trở nên trơ trọi vì mất người thân, mất chỗ dựa bởi cuộc chiến tranh gây ra? Con số khó bề mà đếm xuể.
Nhưng dù sao đi nữa, dù không nói ra nhưng vẫn có nhiều gia đình liệt sĩ Cộng sản được công nhận, được truy lĩnh tiền tuất. Nhưng, đó cũng chỉ là những con số đầy chất tượng trưng, nó tỉ lệ với bia mộ liệt sĩ và những cuốn danh sách quân nhân chưa bị đốt cháy, thất lạc (có thể lý do sẽ là chiến tranh tàn phá!).
Đó là chưa muốn nói đến hàng triệu người dân mất tất cả, từ người thân cho đến nhà cửa, tài sản, thậm chí một phần thân thể giúp họ duy trì sinh nhai cũng bị mất. Và những con người, những số phận bị chiến tranh vùi dập này đã về đâu?
Cũng xin nhắc lại là hiện tại, đang là mùa Xuân, những ngày này, trước đây ba mươi bảy năm, họ là em bé, là thanh niên mới lớn, là người mẹ trẻ, là đứa bé mới ra đời… Và chiến tranh đi qua đã cướp đi nhiều thứ có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của họ. Họ phải đối diện với sự cô đơn, trơ trọi, phải tiếp tục sống suốt ba mươi bảy mùa Xuân kế tiếp và những mùa Xuân sau nữa. Những mùa Xuân Tây Bắc.
Tôi nhấn mạnh mấy chữ Mùa Xuân Tây Bắc để thấy rằng dường như đất trời, thời gian và con người Tây Bắc chưa bao giờ thoát khỏi sự khổ nạn có tên Trung Quốc.
Bởi lẽ, trước đây ba mươi bảy năm, trong một ngày đẹp trời, một buổi sáng bình yên, hoa lan rừng nở, chim hót và sương mù giăng mắc, hương rừng ngào ngạt, đất trời khởi sắc… Bỗng dưng súng nổ, khói thuốc bay, tiếng khóc, cái chết và máu tràn ngập, sự sống trở nên lạc lỏng và mong manh chưa từng thấy!
Cái chết đến từ Trung Quốc, đến từ một quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”, từ một “người anh em quốc tế Cộng sản”, từ một “anh cả Cộng sản chủ nghĩa”… Và ai phải chết? Đó là những người lính cả hai phía, những người lính bị nhồi sọ giết tróc vô tội vạ của hồng vệ binh Trung Quốc và những người lính say chiến khi ngửi phải thuốc súng của quân đội Cộng sản Việt Nam. Cả hai phía, một bên xâm lược, một bên chống chọi bảo vệ đất nước. Nhưng cả hai bên đều được đào tạo dưới mái trường Cộng sản và cả hai bên đều xuất thân từ dân đen khốn khó.
Chỉ có những dân đen, những người lính phải trả giá cho cuộc chơi đầy thách thức và bốc đồng của Đặng Tiểu Bình với trung ương Cộng sản Việt Nam thời bấy giờ. Họ Đặng đã tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học!”. Và không hiểu cái bài học đó có thấm nhuần gì với mấy ông Cộng sản Việt Nam hay không nhưng rõ ràng là nhân dân đã trả học phí cho bài học đó bằng xương máu và nỗi đau dai dẳng!
Và sau bài học đó, cả Cộng sản Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam vẫn vinh thân phì gia, chẳng hề hấn gì. Chỉ có nhân dân là mất mát mọi thứ, mất cả lẽ sống. Và cũng sau mùa Xuân chết chóc 1979, những con em người Việt may mắn sống sót, lại tiếp tục chết trong tay Trung Quốc bởi một cuộc chiến tranh khác. Cuộc chiến tranh này cũng không gây hề hấn gì tới giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, thậm chí nó còn tạo ra những cái bắt tay chứa đầy lợi lộc cho hai tay trùm Cộng sản này.
Nếu như năm 1979, những con em bơ vơ, lạc lõng sau chiến tranh phải chật vật bới từng hạt gạo trong đống đổ nát chiến tranh để cầm hơi mà sống thì hiện tại, những con dân sống sót lại tiếp tục oằn lưng cõng một cuộc chiến tranh khác, đó là chiến tranh của miếng ăn.
Thật là đau lòng khi hầu hết những cửu vạn thồ hàng, bốc hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam lại chính là những người từng mất mát, đau đớn trong cuộc chiến tranh biên giới 1979! Bởi sau khi cuộc chiến đi qua, họ trơ trọi và nghèo khổ, họ kiếm sống bằng nhiều cách. Và cuối cùng, đi làm cửu vạn là cách khả dĩ nhất đối với những người chỉ còn biết hy vọng vào đôi tay, tấm lưng và đôi chân tõe ngón vì bươn bả với cuộc đời của họ.
Nếu như cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng, tài sản và niềm hy vọng tương lai của hàng vạn gia đình thì cuộc chiến tranh hiện tại mà vũ khí chính là hàng giả, hàng độc hại từ Trung Quốc đang ồ ạt tấn công vào từng cơ thể, từng sinh mệnh Việt Nam ( xin giới hạn đây chỉ là cuộc tấn công ở biên giới phía Bắc và có tác động đến những con người từng trải qua cuộc chiến 1979). Và thay vì chiến đấu chống với nó, những nạn nhân cuộc chiến tranh 1979 lại tự biến họ thành những người lính của Trung Cộng, mang thứ vũ khí chết bằng đường miệng, đường tiêu dùng về đầu độc đồng bào, dân tộc của mình.
Thật là đáng sợ khi nghĩ về miếng ăn, chỗ ở và cái mặc. Dường như con người đã tê liệt hoàn toàn bởi cái nghèo và sự sợ hãi về nó. Những người làm cửu vạn mang hàng Trung Quốc vào Việt Nam có đáng trách hay không? Nói đáng trách cũng đúng mà nói đáng thương cũng không sai. Đáng trách bởi họ đã không vượt qua được sự bế tắc cũng như sự cám dỗ của đồng tiền (mặc dù phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt mới có được nó!). Nhưng đáng thương bởi họ đâu có cơ hội nào khác để mà lựa chọn!
Suy cho cùng, hàng hóa Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam, kẻ có lợi vẫn là kẻ có quyền thế trong bộ máy nhà nước, từ những quan chức hải quan, cửa khẩu, biên phòng cho đến quan chức cấp tỉnh, cấp trung ương… Tất cả bọn họ đều được hưởng một phần không nhỏ lợi lộc bởi các kênh hối lộ, đút lót, đổi chác quyền lực với chỉ thị bề trên Trung Cộng…
Và, cái chết vẫn thuộc về dân đen, từ người tiêu dùng cho đến người vận chuyện, họ lao lực với đồng tiền công chỉ đủ để tồn tại mỗi ngày, không có bảo hiểm, không có lương hưu và cũng không có gì bảo đảm rằng ngày mai họ ngã bệnh, những ông chủ, bà chủ đã thuê họ thồ hàng, bốc hàng sẽ ghé đến và cho họ một lon sữa. Suy cho cùng, nhân dân bao giờ cũng là nạn nhân của kẻ bán nước, kẻ thỏa hiệp và kẻ cơ hội!
Và bây giờ, mùa Xuân 2016, khi mà lịch sử một lần nữa phải được minh bạch, thì có những cuộc đời, những số phận của nhân dân đi qua cuộc chiến tranh ấy phải mãi mãi trôi và chìm. Họ trôi vào dòng lãng quên, ém nhẹm của chế độ và họ chìm dần vào những cơn đau mới, cái chết mới do Trung Quốc mang đến dưới sự bảo trợ, nội ứng của nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Có thể nói rằng người dân Tây Bắc, người dân của những tỉnh gần Trung Quốc đã sống như những bông hoa lan rừng, sống âm thầm, lặng lẽ tự hút tinh chất của gió trời để vặn mình trổ hoa, để rồi khi sức tàn lực tận, lại chết một cách lặng lẽ nơi núi rừng, im hơi và lặng tiếng. Lại một mùa Xuân mới trên biên giới phía Bắc Việt nam, mùa Xuân thứ 37. Nó đủ dài để biến một đứa bé thành một người cha, người mẹ và nó cũng đủ dài để biến một mùa Xuân thành một tiếng thở dài. Hun hút!