Hình Taxi phong tỏa đường vào Paris ngày 26/01/2016 để tỏ phẫn nộ bị các dịch vụ của Uber tại Pháp bóp chết.Reuters
« Ubérisation » chưa được đưa vào tự điển Robert hay Larousse nhưng là một trong 12 từ ngữ phổ biến nhất năm 2015 trong ngôn ngữ của Molière. Tất cả các ngành nghề, từ tài xế taxi đến bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, thầy giáo, chủ hiệu bánh mì hay nhà hàng, …đều đứng trước thách thức bị « Uber hóa ». Danh từ chung đó đang làm cả chính phủ lẫn giới chủ và người làm công ăn lương lo sợ về một một mô hình kinh tế mới đang mở ra.
Một nền kinh tế « Uber hóa » là gì ? Tại sao một số người nói tới một « cuộc cách mạng » đem lại những thay đổi to lớn cho các hoạt động kinh tế của thế kỷ 21 ?
Từ một vài năm trở lại đây, chúng ta có thể đi thuê nhà nghỉ mát trên mạng mà không cần đến các hệ thống khách sạn truyền thống, nhờ trung tâm môi giới AirBnB. Chúng ta bắt đầu ghi danh ở những đại học nổi tiếng nhất thế giới ở mãi tận phương trời xa lạ nào mà không cần đặt chân đến trường nhờ MOOC Massive Open Online Course.
Bên cạnh đó là các dịch vụ ngân hàng trên mạng, là các hoạt động mua bán trên internet. Sắp tới, khi xe hỏng, chỉ cần truy cập vào Internet là ta có thể tìm thấy được một ông thợ sửa xe gần nhà kể cả ngoài giờ làm việc của các ga-ra chữa xe. Rồi cũng chỉ cần biết sử dụng thông thạo các ứng dụng điện thoại ta có thể nhờ bắc sĩ chẩn mạch, kê toa thuốc mà chưa chắc gì bệnh nhân phải tới phòng mạch hay vị lang y phải đến nhà khám bệnh. Đó là một cánh cửa mà Uber, tập đoàn tin học chuyên khai thác ứng dụng điện thoại trong ngành giao thông, đã mở ra mới chỉ từ 6 -7 năm nay.
Tại Pháp hiện tại có 276 trung tâm kết nối các dịch vụ đa nguồn. Được biết tới nhiều hơn cả là Uber trong dịch vụ thuê xe taxi, AirBnB để thuê nhà, Blablacar để cùng đi xe chia sẻ lộ phí … Các trung tâm kết nối này có doanh thu hơn 2 tỷ rưỡi euro, bao gồm 15.000 doanh nghiệp.
Theo thăm dò của trung tâm nghiên cứu về thói quen của người tiêu dùng, CREDOCS thì có đến 8 trên 10 người được hỏi từng sử dụng những dịch vụ « chia sẻ » theo mô hình của Uber và 50 % trong số đó đã giao dịch, mua bán qua trung gian các trung tâm này.
Uber và thế độc quyền trên thị trường taxi
Chỉ trong vòng 5 năm, giới tài xế taxi ở Pháp đã đau đầu vì cạnh tranh sau khi Uber từ San Francisco đổ bộ tới Paris rồi nhiều thành phố lớn khác trên toàn quốc.
Để làm việc với Uber, bất kỳ một cá nhân nào, chỉ cần có một chiếc xe và ứng dụng điện thoại di động để liên lạc với Uber và khách hàng, cũng có thể trở thành một « tài xế taxi » và đáp ứng nhu cầu của hành khách. Đương nhiên Uber thu tiền hoa hồng giá một cuốc xe như vậy.
Toàn bộ chi phí, từ xăng dầu đến bảo quản xe đều thuộc về chủ nhân của chiếc xe. Đối với người tiêu dùng, dùng xe của Uber có nhiều điểm lợi : nhanh vì tài xế đến đón khách là những người đã có mặt ngay trong khu vực ; rẻ vì tài xế không có những chi phí phải đóng cho các quỹ xã hội, hay phải đầu tư ban đầu để có được giấy phép tác nghiệp.
Đấy là lý do giải thích vì sao, mới chỉ năm 2013 trên toàn nước Pháp có 2.900 tài xế taxi làm việc với Uber, con số đó tăng lên thành 15.000 vào cuối 2015. Cần biết rằng trên cả nước có 55.000 giấy phép hoạt động và để được phép hành nghề, một tài xế phải chi ra 200.000 euro, phải đóng đủ mọi thứ thuế từ TVA đến bảo hiểm xã hội, đóng tiền bảo hiểm cho xe cộ, bản thân và khách hàng …
Paris là thí điểm của UberCab ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Vào lúc cuộc đọ sức giữa giới tài xế taxi « truyền thống » của Pháp với các đối thủ cạnh tranh làm việc dưới màu cờ của Uber đang dâng cao với các các cuộc đình công dữ dội, công ty mẹ Uber từ bang California đưa ra báo cáo dự trù tạo thêm 70.000 công việc làm chỉ nhờ dịch vụ thuê bao xe này.
Con số 70.000 chỗ làm đó được tung ra vào thời điểm Pháp đang đau đầu với hơn 3,5 triệu người thất nghiệp, chính phủ liên tục sửa đổi luật lao động để « cởi trói » cho thị trường, giảm thuế cho doanh nghiệp để khuyến khích tuyển dụng thêm nhân viên.
Báo cáo hay nói đúng hơn là « hứa hẹn » của Uber rất gần với thực tế : 25 % tài xế taxi xin làm việc với Uber là những người thất nghiệp. Trong khu vực Paris và vùng phụ cận, gần một nửa trong số đó đến từ những thành phố nơi có hơn 15 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm.
Nói cách khác, chỉ với dịch vụ taxi, Uber đem lại việc làm cho người thất nghiệp, đem lại một nguồn thu nhập phụ trội cho những người có đồng lương quá ít ỏi.
Trong mô hình cộng tác này, Uber chỉ là nhịp cầu giữa những người có xe và sẵn sàng đón khách, với những ai cần dùng dịch vụ taxi. Do vậy khoản đầu tư « nặng » nhất mà tập đoàn công nghệ xuất xứ từ bang California này phải chi ra, là ứng dụng điện thoại di động để hai bên « cung và cầu » dễ dàng gặp nhau trên một thị trường.
Về phía những người sử dụng ứng dụng của Uber – tức là những người có xe, sẵn sàng làm tài xế trong một hay nhiều cuốc xe, thì họ không trực tiếp nhận lương của Uber, mà vẫn nhận thù lao của khách hàng ; họ lại không bị khống chế vì thời gian làm việc ; thu nhập tùy thuộc vào số lượng các cuốc xe, vào thời gian làm việc, đúng theo nghĩa của một người « làm nghề tự do » ; khai báo với cơ quan thuế vụ lại là chuyện khác.
Trong mô hình này, thì người sử dụng và người cung cấp một dịch vụ trực tiếp thỏa thuận với nhau và khách hàng có quyền đánh giá chất lượng dịch vụ.
Chỉ là nhịp cầu giữa «cung với cầu » trên thị trường taxi trị giá chứng khoán của Uber hiện tại là 50 tỷ đô la, tương đương với tập đoàn xe hơi General Motors của Mỹ. Hai tập đoàn này được sáng lập cách nhau gần đúng một thế kỷ, (2008-2009 trong trường hợp của Uber, GM được khai sinh năm 1908). Về số lượng nhân viên, nếu như Uber chỉ tuyển dụng có 3.000 người trong lúc GM trả lương hàng tháng cho hơn 200.000 nhân viên trên thế giới. Tập đoàn GM sản xuất ra những chiếc xe làm mê hoặc nhiều thế hệ, ngược lại với dịch vụ taxi, Uber không bán ra sản phẩm và cũng không trực tiếp cung cấp dịch vụ.
Tương tự như Uber, AirBnB trung gian môi giới cho những người có nhà cho thuê và những ai có nhu cầu thuê nhà cũng chỉ là một địa chỉ, để « cung và cầu » gặp nhau. Bản thân AirBnB không có nhà, không có phòng, cho thuê như các hệ thống khách sạn truyền thống. « 1001 » trung tâm tâm kết nối dịch vụ đa nguồn như Uber đã lần lượt ra đời hay phát triển mạnh hơn, dựa theo mô hình của Uber.
Ba đặc điểm của mô hình kiểu Uber
Trở lại với điểm khởi đầu : công ty khởi nghiệp UberCab do ba sáng lập viên trẻ tuổi là Garett Camp, Travis Kalanick và Oscar Salazar thành lập năm 2009, tức là vào thời điểm kinh tế Mỹ đang đắm chìm trong khủng hoảng tài chính subprime. Chứng khoán mất giá, cả chục triệu người lao đao, người thì bị mất việc, kẻ thì bị tịch biên nhà. Dân Mỹ bị nghèo đi.
Không chỉ riêng Uber mà các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đều sớm nhận thấy là về phía « cung », thì có những người cần tìm được việc làm để có được nguồn thu nhập. Còn ở phía « cầu », người tiêu dùng muốn tiết kiệm dùng internet để săn lùng hàng hay dịch vụ rẻ hơn.
Đó cũng là thời điểm mà cả tất cả các bên cùng bắt đầu khai thác tối đa những thông tin có được để tăng thu nhập hay sức mua. Ở đây internet đóng vai trò trọng yếu. Tuy nhiên để phát triển mạnh như ngày nay, từ Uber cho đến AirBnB hay các dịch vụ trao đổi khác trên mạng dựa trên ba trục cơ bản : một là sự chia sẻ - từ thông tin cho đến những vật dụng cần thiết giữa một bên cung và bên cầu ; hai là phát minh về kỹ thuật trong trường hợp này là internet và các ứng dụng điện thoại ngày càng tinh tế, thứ ba là những người tham gia vào các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đó đều chấp nhận những công việc lặt vặt – gig economy, với thu nhập thất thường.
Thay đổi sâu rộng trên thị trường lao động
Hình thức làm việc kiểu này ở Mỹ gọi là freelance và theo một nghiên cứu của đại học Harvard thì hình thức làm việc tự do như vậy ở Hoa Kỳ đang phát triển nhanh hơn so với mô hình cổ điển của thị trường lao động. Hiện tại đã có tới 1/3 người lao động đi làm dưới hình thức này và tỷ lệ đó sẽ tăng lên tới 40 % trong 5 năm sắp tới.
Điều đó có nghĩa là các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đang làm thay đổi sâu rộng cục diện của thị trường lao động. Uber chẳng hạn tuyển dụng rất ít nhân viên (3.000 trên 60 quốc gia) trong công việc quản lý và mở rộng các ứng dụng, nhưng tất cả những tài xế taxi đăng ký sử dụng ứng dụng của Uber là những « đối tác » chứ không phải là nhân viên của Uber.
Về câu hỏi các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn có tạo được công việc làm cho người dân trong tương lai hay là một mối đe dọa như trường hợp các tài xế taxi của Uber đang đè bẹp các tập đoàn taxi đã có từ lâu đời tại những thành phố lớn, Bruno Teboul chuyên gia về các công nghệ mới, giám đốc cơ quan tư vấn Keyrus, giảng dậy tại đại học Paris-Dauphine trả lời :
« Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn kinh tế đình trệ, dân số thì đang trên đà lão hóa, tăng chậm. Cả hai yếu tố đó khiến những khái niệm từng được nhà bác học người Áo Joseph Schumpeter đề xướng không còn tính thời sự. Vào thế kỷ XX Schumpeter đưa ra khái niệm chu kỳ kinh tế gắn liền tăng trưởng với những thay đổi nhờ đổi mới kỹ thuật. Khi có những thay đổi như vậy, thì sẽ có những lĩnh vực bị bỏ rơi, và có những ngành nghề mới được tạo ra. Đó là điều Schumpter gọi là " sự phá hủy mang tính sáng tạo ".
Chính vì vậy mà trong báo cáo được công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi tháng 1/2016 giới chuyên gia đã bi quan cho rằng trong khoảng 10 năm nữa máy móc, sẽ thay thế gần một nửa những công việc mà con người đang làm hôm nay. Để trụ lại được trong thị trường lao động, bắt buộc phải có kiến thức và tay nghề cao để làm chủ được các làng sóng cách mạng kỹ thuật đó. Ngược lại thì sẽ có những người bị bỏ rơi lại phía sau. Nhưng tôi không nghĩ là mô hình này sẽ tiếp tục hiện hữu. Có nhiều khả năng thị trường lao động sẽ có những thay đổi lớn.
Với Uber và các tập đoàn khai thác mô hình kinh tế như Uber thì ta thấy tầng lớp làm công ăn lương sẽ giảm mạnh, tức là sẽ không còn có giới chủ và nhân viên, không có hợp đồng dài hạn. Công việc làm ngày càng bấp bênh, nhân viên không có hợp đồng, không được bảo hiểm an sinh xã hội. Trong tương lai, những thế hệ mai sau sẽ thay đổi xí nghiệp rất nhiều, thậm chí họ có thể làm nhiều ngành nghề, hay được trả thù lao dưới nhiều dạng khác nhau … nhưng sẽ không là thành phần làm công ăn lương như chúng ta thấy bây giờ »
Nói cách khác, tạo thêm công việc làm để bù đắp lại với nạn thất nghiệp hiện tại hay không thì không biết, nhưng mô hình của giới làm công ăn lương và được chủ trả lương cố định hàng tháng, để rồi cả giới chủ lẫn người đi làm cùng đóng bảo hiểm an sinh xã hội… tất cả những yếu tố có nguy cơ trở nên lỗi thời với mô hình đang được Uber và các dịch vụ kết nối đa nguồn áp đặt.
Cuộc cách mạng của thế kỷ 21 ?
Trong trường hợp của Uber, như vừa nói đây là một « cuộc chơi » giữa ba bên : Người có nhu cầu thuê taxi, người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó và bên thứ ba là Uber ở giữa nhận 20 % tiền hoa hồng từ mỗi cuốc xe.
Mô hình khép kín đó, trong thời gian đầu đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, để rồi từng bước chính phủ, từ Mỹ đến các nước Châu Âu đều phải xét lại những chuẩn mực về thuế khóa, về pháp lý, về chất lượng, về an toàn vệ sinh, … để bảo đảm một sự công bằng trong xã hội, khi mà bất kỳ một ai cũng có thể trở thành một nhà cung cấp tí hon hay một tiểu doanh nhân mà không nhất thiết phải khai báo về các nguồn thu nhập nhỏ của mình.
Trên đây là quan điểm của bà Jennifer Leblond, thuộc tổ chức Ouishare, chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế dựa trên sự chia sẻ các phương tiện sản xuất :
« Uber thực ra không phải là một mô hình kinh tế dựa trên sự chia sẻ như các phương tiện truyền thông thường ghi nhận. Nói một cách dễ hiểu, Uber là một dạng trung gian, một nhịp cầu kết nối giữa cung và cầu trên cùng một thị trường, người có nhu cầu và người có thể đáp ứng nhu cầu đó. Trong trường hợp cụ thể của Uber là dịch vụ thuê bao taxi, sử dụng các phương tiện công nghệ kỹ thuật số. Nhìn rộng ra hơn, nhờ có kỹ thuật số, mà mỗi cá nhân đều có thể trở thành một doanh nhân, tự quản lý công việc của mình ».
Về phần mình Bruno Teboul chuyên gia về các công nghệ mới, giám đốc cơ quan tư vấn Keyrus, giảng dậy tại đại học Paris-Dauphine, nhấn mạnh : không nên nhầm lẫn Uber với các hoạt động được gọi là của một nền kinh tế chia sẻ. Bởi vì Uber khai thác triệt để những nguyên tắc của một nền kinh tế tư bản để kiếm lời :
« Ý nghĩa ban đầu của mô hình kinh tế chia sẻ, là để hạn chế những tác động tiêu cực đối với con người hay đối với môi trường. Uber không phục vụ hai mục tiêu đó. Uber chỉ là một trung tâm kết nối các dịch vụ đa nguồn, và tiêu chí của Uber là khai thác mô hình tư bản tối đa để kiếm lời. Trị giá tất cả những doanh nghiệp hoạt động theo kiểu này đều ước tính hàng tỷ đô la. Bản thân Uber được coi là có trị giá khoảng 50 tỷ và công ty này cũng đang lỗ tới 1 tỷ một năm. Thử hỏi có hãng nào của Pháp hay châu Âu có sức chịu thua lỗ như vậy ?
Nhưng cũng chính vì thế mà tôi nghĩ rằng mọi người đánh giá quá đáng trị giá thực sự của các công ty kiểu này, do vậy tôi e rằng mô hình phát triển và quản lý kiểu đó sẽ không bền ».
Không bột mà gột nên hồ
Sự trỗi dậy của các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn không chỉ làm thay đổi phong cách của người tiêu dùng, của những người sãn sàng cung cấp dịch vụ hay sản phẩm để đáp ứng một nhu cầu, mà nó còn làm thay đổi cả nền tảng cơ bản của dây chuyền sản xuất.
Trước kia, để cung ứng một dịch vụ hay một mặt hàng, bên sản xuất cần có ít nhất hai yếu tố : tư bản và lao động. Với mô hình kinh tế kiêu Uber, tất cả đều tập trung vào khả năng phát minh ra những phương tiện kỹ thuật mới. Những dịch vụ như của Uber hay AirBnB, từ ngành tài chính ngân hàng đến bảo hiểm … không cần quá nhiều vốn, không cần những cơ sở sản xuất hay văn phòng đồ sộ , cũng không cần quá nhiều nhân viên mà vẫn có mức doanh thu bạc tỷ, và vẫn hái ra tiền.
Điển hình như trường hợp của Uber dù thua lỗ một tỷ euo một năm nhưng vẫn được các nhà tài trợ tín nhiệm rót thêm tiền vào công ty khởi nghiệp này. Để rồi năm 2015 Uber có giá trị tài chính tương đương với ông khổng lồ trong ngành xe hơi Mỹ General Motors.
Không chỉ có giới làm công ăn lương lo sợ trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà bị « Uber hóa ». Giới chủ cũng rất lo ngại trước thế độc quyền của một vài công ty khói nghiệp, Uber trong lĩnh vực taxi, AirBnb trong lịch vụ thuê phòng, thuê nhà, Blablacar trong dịch vụ đi cùng xe để chia sẻ lộ phí …
Câu hỏi đặt ra có lẽ là với mô hình như những trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn đang đề xuất thì liệu rằng những người tạo ra của cải, tạo ra giá trị của một món hàng hay một dịch vụ có chất lượng sẽ được trả thù lao như thế nào ?
Trong một công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Harvard Business Review, hai chuyên gia Mỹ Jeremy Heimans và Henry Timms đi đến kết luận : những doanh nghiệp đang chiếm thế thượng phong trong thời đại tin học hiện nay, là nhờ họ không chỉ làm chủ những phương tiện mới, những kỹ thuật mới mà còn nắm giữ luôn cả bí quyết lôi kéo đại chúng tham gia vào một tiến trình để « cùng làm ra, cùng sản xuất ra » những dịch vụ hay hàng hóa.
Nói một cách đơn giản, trong mô hình được « Uber hóa » biên giới giữa cung và cầu trên cùng một thị trường, cùng một lĩnh vực đang được xóa dần. Đó cũng là điều khiến các nhà sản xuất lo sợ. Có điều, mô hình đó liệu có lâu bên hay không, đó lại là chuyện khác.
Theo rfi.fr