Mặc dù trong việc “xác nhận lý lịch công dân”, UBND phường chỉ có mỗi chức năng (và khả năng) xác nhận chữ ký và địa chỉ nơi cư trú của công dân, song trên thực tế, các cán bộ phường thường hay tưởng mình có thẩm quyền rộng hơn thế.
Bà Trần Thị Tố Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mới đây đã hồn nhiên “bổ sung” vào bản xác nhận lý lịch cho ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Đình Hà như sau:
“Ông Nguyễn Đình Hà năm 2008 tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam; đã từng được thành viên của Đảng Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; dự hội thảo hướng tới nền báo chí độc lập tại Việt Nam... Là công dân không gương mẫu”.
Chẳng ngờ bà Nga gặp phải ông Hà là cử nhân luật và cũng là người có thâm niên hoạt động xã hội (hay theo cách gọi của công an và dư luận viên là có thâm niên “phản động”), nên bà bị ông Hà “dũa” lại như sau:
- Nội dung trong phần “Bổ sung phần xác nhận” kể trên không thuộc thẩm quyền xác nhận của UBND cấp xã / phường được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/04/2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và Công tác Tư pháp của UBND cấp xã” và Chỉ thị số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/03/2014 của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch.
- Thông tin trong phần nội dung đó không thuộc loại thông tin, dữ liệu mà UBND cấp xã / phường thu thập, lưu trữ, quản lý, sử dụng. Vậy, ai, cơ quan/ đơn vị nào cung cấp thông tin này cho bà Nga?
- Bà hay bất cứ quan chức địa phương nào đều không có quyền xác nhận / phán xét một công dân là “không gương mẫu” (trong khi tôi không có tiền án, tiền sự, không có điều tiếng tại địa phương và được sự yêu quý của hàng xóm, khu phố).
- Chi tiết “đã từng được thành viên của Đảng Việt Tân ở hải ngoại tiếp đón, tham gia phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ; dự hội thảo hướng tới nền báo chí độc lập tại Việt Nam” hoàn toàn không vi phạm pháp luật Việt Nam. Chi tiết này thể hiện thái độ tiêu cực với quyền tự do báo chí của công dân theo Hiến pháp, xa hơn là đối với quan hệ bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ đang ngày càng gắn kết.
- Chi tiết “năm 2008 tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam” không vi phạm pháp luật Việt Nam và bà không có tài liệu, chứng cứ chứng minh được tư cách thành viên Đảng Dân chủ Việt Nam của tôi.
v.v.
Bà Trần Thị Tố Nga kết luận ông Nguyễn Đình Hà là công dân không gương mẫu. Đáp lại, bà bị ông Hà kết luận: “Việc bà xác nhận như vậy là hoàn toàn trái pháp luật, thể hiện sự lạm quyền và không chính xác trong vận dụng pháp luật”.
Thật lạ. Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng” thì tại sao chính quyền lại xem việc một người là thành viên của đảng Dân chủ, tham gia hoạt động của đảng Việt Tân (nếu có) là khiến người đó trở thành “công dân không gương mẫu”?
Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Hà nói đúng nhưng vẫn thiếu một điểm, và ông không đề cập đến là may cho bà Phó Chủ tịch. Ấy là: Trong phần “bổ sung phần xác nhận lý lịch”, bà Trần Thị Tố Nga, với tư cách Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ, đã gọi tên đảng Việt Tân và đảng Dân chủ, thậm chí còn viết hoa ba từ: Đảng Việt Tân.
Đó là hành động công nhận sự tồn tại và hoạt động của Việt Tân với tư cách một đảng chính trị, trong khi lâu nay, an ninh và tuyên giáo đảng Cộng sản vẫn nhất định gắn nhãn cho Việt Tân là “tổ chức khủng bố”.
Đương nhiên, vì thiếu hiểu biết, vị cán bộ phường cũng đã công nhận luôn cả đảng Dân chủ, và thừa nhận rằng việc công dân Việt Nam tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào, ngoài đảng Cộng sản, đều là “không gương mẫu”.
Đoan Trang