Thưa quý độc giả, ký giả Gardiner Harris và Jane Perlezmay của báo New York Times, trong một bài viết từ Hà Nội về những sinh hoạt của Tổng Thống Obama, đã viết như sau về cảnh tượng trong hội trường rộng lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội, khi ông Obama đọc bài phát biểu tại đó:
"Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, và không có quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của mình lên bạn," ông Obama nói, và nhận được một tràng vỗ tay lớn.
Nhưng hội trường, đầy khán giả gần như chắc chắn được lựa chọn bởi chính quyền, đã lặng im khi ông thúc giục đất nước này cải thiện cách họ thực hành nhân quyền.
Những điều ông Obama phát biểu liên quan đến nhân quyền kéo dài gần 6 phút trong bài phát biểu của ông chắc là sẽ không có bất cứ một tờ báo nhà nước nào dám nhắc đến trong các bài tường thuật của họ.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bản dịch bài phát biểu của Tổng Thống Obama sau đây.
BBT
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Thống Obama tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia ngày 24-5-2016
Xin chào! Xin chào Việt Nam! Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều. Cám ơn chính quyền và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi sự đón tiếp nồng hậu và lòng hiếu khách trong chuyến viếng thăm này. Cám ơn tất cả các bạn có mặt hôm nay. Có sự hiện diện của những người Việt Nam từ trên khắp đất nước tuyệt vời này, trong đó có rất nhiều người trẻ, đại diện cho sự năng động, tài năng và hy vọng của Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, tim tôi đã nhiều lần rung động bởi sự thân thiện của người Việt. Qua những người đứng dọc hai bên đường, cười và vẫy chào, tôi cảm được tình bạn giữa nhân dân hai nước chúng ta. Tối qua tôi đã đi thăm khu phố cổ ở Hà Nội, thưởng thức một số món ăn Việt nổi bật, ăn bún chả và uống bia Hà Nội. Tôi phải nói là phố phường Hà Nội thật đông đúc, tôi chưa từng nhìn thấy nhiều xe máy như thế trong đời. Tôi chưa dám thử băng qua đường, nhưng có thể sau này khi tôi quay lại thăm, các bạn sẽ chỉ cách cho tôi.
Tôi không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam trong những năm vừa qua. Nhưng tôi là người đầu tiên, giống như nhiều bạn, lớn lên khi cuộc chiến đã chấm dứt. Khi quân đội Mỹ rời Việt Nam, tôi mới 13 tuổi. Lần đầu tôi biết đến Việt Nam, gặp gỡ người Việt, là khi lớn lên ở Hawaii, nơi có một cộng đồng người Mỹ gốc Việt sinh sống.
Cùng lúc đó tại Việt Nam có nhiều người trẻ hơn tôi rất nhiều. Cũng như hai cô con gái của tôi, nhiều bạn cả đời chỉ biết một chuyện – đó là hòa bình và quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Vì thế tôi đến đây, ý thức về quá khứ, về lịch sử khó khăn của chúng ta, nhưng tập trung vào tương lai, vào sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy.
Tôi cũng đến đây với lòng tôn trọng sâu sắc đối với di sản cổ xưa của Việt Nam. Hàng thiên niên kỷ qua, nông dân đã trồng cấy trên mảnh đất này. Lịch sử đó được ghi trên Trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã có nghìn năm cạnh sông Hồng. Thế giới quý trọng lụa và tranh Việt Nam, và Văn Miếu sừng sửng đó tượng trưng cho lòng hiếu học của dân Việt Nam. Nhưng qua nhiều thế kỷ, vận mệnh các bạn thường bị ức chế bởi người khác. Mảnh đất thương yêu không phải lúc nào cũng do các bạn tự chủ. Nhưng cũng như tre, tinh thần cương cường của người dân Việt Nam thể hiện qua câu thơ của Lý Thường Kiệt: "Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách Trời".
Hôm nay, chúng ta cũng nhớ lại một lịch sử lâu dài hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà hai bên thường không để ý. Hơn 200 năm trước, khi một vị khai quốc công thần của chúng tôi, ông Thomas Jefferson, khi trồng lúa đã tìm đến gạo Việt Nam, nổi tiếng là trắng, thơm ngon và năng suất cao. Không lâu sau đó, các tàu buôn của Mỹ đã cập cảng Việt Nam để giao thương.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, người Mỹ đã đến giúp Việt Nam đấu tranh chống ngoại xâm. Khi phi công Mỹ bị bắn rơi, người dân Việt đã cứu giúp. Vào ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, khi người Việt đổ ra những nẻo đường của thành phố này, ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Ông nói, “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền không thể xâm phạm. Trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Vào một thời điểm khác, những tuyên xưng lý tưởng giống nhau và cùng lịch sử tranh đấu chống thực dân có thể đưa hai nước lại gần nhau sớm hơn. Nhưng thay vào đó, sự đối đầu trong Chiến tranh lạnh và nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản đã đẩy chung ta vào thế xung đột. Như những xung đột trong lịch sử nhân loại, chúng ta lại lần nữa có bài học cay đắng — chiến tranh, dù với mục đích gì, chỉ đem lại đau khổ và bi kịch.
Ở đài tưởng niệm liệt sĩ không xa đây, với bàn thờ trong nhiều gia đình khắp nơi trên đất nước, các bạn tưởng nhớ đến 3 triệu người Việt Nam, cả quân và dân, của hai miền đã nằm xuống. Ở bức tường tưởng niệm ở Washington D.C, chúng ta vẫn có thể chạm vào tên của 58.315 người Mỹ đã ra đi trong cuộc chiến đó. Ở cả hai nước, các cựu chiến binh và gia đình của những người gục ngã vẫn còn đau xót cho bạn bè, người thân đã mất. Như ngay ở nước Mỹ, chúng tôi học được rằng dù có ít nhiều sự bất đồng với cuộc chiến, chúng ta vẫn luôn vinh danh những người chiến đấu và chào đón họ trở về với sự tôn trọng mà họ xứng đáng, hôm nay đây, người Việt và Mỹ, chúng ta có thể cùng nhau nhìn nhận nỗi đau và sự hy sinh của cả hai bên.
Gần đây hơn, trong hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Ngày nay, thế giới có thể nhìn rõ những thành tựu mà các bạn đã đạt được. Với công cuộc đổi mới kinh tế và các hiệp định giao thương, trong đó có với Hoa Kỳ, các bạn đã gia nhập vào nền kinh tế toàn cầu, buôn bán hàng hóa khắp thế giới. Đầu tư nước ngoài đang thêm vào. Và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Châu Á, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Chúng ta có thể nhìn thấy sự tiến bộ của Việt Nam qua những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, Tp.HCM, những trung tâm thương mại và khu đô thị mới. Chúng ta thấy qua các vệ tinh Việt Nam đã phóng vào không gian, và một thế hệ trẻ vào mạng khởi nghiệp và điều hành các dịch vụ kinh doanh. Chúng ta thấy qua hàng chục triệu người Việt Nam có Facebook và Instagram. Và các bạn không chỉ đăng ảnh tự sướng — mặc dầu tôi nghe nói là có nhiều — và mấy hôm nay có nhiều người xin chụp selfie với tôi. Các bạn còn lên tiếng về những việc mình quan tâm, như bảo vệ cây cổ thụ ở Hà Nội.
Sự năng động đó đã đem lại tiến bộ cho rất nhiều người. Việt Nam đã giảm nghèo rất nhiều, nâng cao thu nhập các hộ gia đình và nâng hàng triệu người lên tầng lớp trung lưu. Đói khát, bệnh tật, tử vong ở phụ nữ và trẻ em đều đã giảm. Số người có được điện nước, trẻ em trai và gái được học hành, và tỷ lệ biết đọc — tất cả đều gia tăng. Đó là những tiến bộ phi thường, là điều các bạn đã làm được trong một thời gian ngắn.
Và trong khi Việt Nam đang chuyển hóa, thì quan hệ giữa hai quốc gia cũng vậy. Chúng ta đã học được bài học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói rằng, “Trong một cuộc đối thoại thật sự, đôi bên phải sẵn sàng thay đổi.” Với cách đó, cuộc chiến vốn chia rẽ chúng ta nay lại là nguồn gốc của hàn gắn. Nó giúp chúng ta đi tìm những binh sĩ mất tích và đem hài cốt họ về. Nó giúp chúng ta tháo gỡ bom mìn chưa nổ, để không có đứa trẻ nào bị mất chân chỉ vì chơi đùa bên ngoài. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam, trong đó có trẻ em, cũng như giúp tháo bỏ chất độc da cam, để Việt Nam cải tạo lại đất. Chúng ta vui mừng với công việc đã làm ở Đà Nẵng, và sẽ tiếp tục nỗ lực này tại Biên Hòa.
Đừng quên rằng quá trình hòa giải giữa hai nước đã được bắt đầu từ những cựu chiến binh, từng đối đầu nhau trên chiến trường. Hãy nghĩ đến Thượng nghị sĩ John McCain, tù nhân chiến tranh nhiều năm, khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người nói rằng hai nước nên là bạn không nên là thù nữa. Hãy nghĩ đến tất cả các cựu chiến binh, Việt và Mỹ, đã giúp chúng ta hàn gắn và xây dựng mối quan hệ mới. Ít có ai có nỗ lực nhiều như cựu sĩ quan Hải quân, và bây giờ là Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, John Kerry, có mặt ngày hôm nay. Thay mặt tất cả chúng ta, xin cám ơn ông cho các nỗ lực phi thường này.
Vì các cựu chiến binh ấy đã chỉ đường cho chúng ta, vì những người lính đã can đảm đi tìm hòa bình, dân tộc hai nước bây giờ gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Giao thương tăng lên nhiều. Sinh viên và học giả chúng ta cùng nhau học hỏi. Chúng tôi chào đón nhiều sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ du học hơn bất cứ quốc gia nào khác tại Đông Nam Á. Mỗi năm du khách Mỹ đến Việt Nam lại tăng lên, trong đó có những người du lịch balô, đến Hà Nội 36 phố phường đến Phố cổ Hội An, đến kinh thành Huế. Cả người Việt và người Mỹ đều có thể cảm được lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao: "Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người".
Là Tổng thống, tôi tiếp tục xây dựng trên tiến triển đó. Với quan hệ đối tác toàn diện, chính quyền hai nước đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết. Với chuyến viếng thăm này, chúng ta đặt quan hệ hai nước trên nền tảng vững chắc hơn cho các thập niên tới. Lương duyên hai nước bắt đầu từ Tổng thống Thomas Jefferson hai thế kỷ trước đến giờ phút này đã được trọn vẹn. Đã mất nhiều năm và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng chúng ta có thể nói một điều không ai ngờ trước đây: Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác. Tôi tin rằng kinh nghiệm của hai nước cũng là bài học cho thế giới. Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều xung đột và đối đầu tưởng như không dứt, chúng ta đã chứng minh trái tim có thể thay đổi, tương lai sẽ khác nếu ta từ bỏ sự giam hãm của quá khứ. Chúng ta đã cho thấy hòa bình tốt đẹp hơn chiến tranh như thế nào. Chúng ta đã cho thấy tiến bộ và phẩm giá con người được thúc đẩy bởi hợp tác chứ không phải xung đột. Đó là điều mà Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cho thế giới thấy.
Đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được đặt trên những nguyên tắc căn bản. Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt hoặc quyết định số phận thay cho Việt Nam. Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công của VN. Tuy thế quan hệ hợp tác của chúng ta vẫn ở giai đoạn tiên khởi. Với thời gian còn lại của tôi, tôi muốn chia sẻ một tầm nhìn mà tôi tin rằng sẽ điều hướng chúng ta trong các thập niên tới.
Đầu tiên, hãy cùng làm việc để đem lại cơ hội và thịnh vượng thực sự cho nhân dân hai nước. Chúng ta biết bí quyết để thành công về kinh tế trong thế kỷ 21. Trong nền kinh tế toàn cầu, đầu tư và giao thương sẽ đến bất cứ nơi nào có pháp quyền, vì không ai muốn phải hối lộ để mở công ty, họ chỉ muốn bán hàng. Không ai muốn bán hàng hóa hoặc đi học nếu họ không biết họ sẽ bị đối xử ra sao. Trong nền kinh tế tri thức, công ăn việc làm sẽ vào tay những ai có được tu duy độc lập, trao đổi ý kiến và có óc sáng tạo. Đối tác kinh tế thật sự không phải là nước này khai thác tài nguyên nước kia, mà là đầu tư vào nguồn tài nguyên lớn nhất, đó là con người với kỹ năng và tài năng, dẫu sống ở thành phố lớn hay ngôi làng nhỏ. Đó là hình thức đối tác mà Hoa Kỳ mong muốn. Như tôi đã tuyên bố hôm qua, Đội Quân Hòa Bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam lần đầu tiên, tập trung vào việc dạy Anh ngữ. Sau một thế hệ của người Mỹ trẻ tuổi đến đây chiến đấu, nay có một thế hệ người Mỹ mới đến đây để dạy tiếng Anh và thắt chặt tình hữu nghị hai nước. Một số công ty công nghệ và đại học hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các đại học Việt Nam để đẩy mạnh huấn luyện về khoa học, công nghệ, công trình toán và y khoa. Vì dù tiếp tục mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ du học, chúng tôi tin rằng giới trẻ xứng đáng có được một học vấn với chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam.
Đó là một trong những lý do mà chúng tôi rất phấn khởi để thông báo là vào mùa thu này, Đại Học Fulbright Việt Nam sẽ khai giảng tại Tp.HCM - trường đại học độc lập, bất vụ lợi đầu tiên của Việt Nam – nơi sẽ có hoàn toàn tự do học thuật và học bổng cho sinh viên nghèo. Sinh viên, học giả, nghiên cứu sinh sẽ tập trung vào các lãnh vực chính sách công, quản trị, kinh doanh, kỹ thuật, tin học, và các ngành nhân văn, mọi thứ từ thơ Nguyễn Duy đến triết lý Phan Chu Trinh đến toán học của Ngô Bảo Châu.
Chúng tôi cũng sẽ duy trì hợp tác với giới trẻ và các doanh nhân, vì chúng tôi tin rằng khi có thể tiếp cận công nghệ, kỹ năng và vốn cần thiết, không gì có thể ngăn được bạn — kể cả đối với giới phụ nữ tài năng của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng bình đẳng phái tính là một nguyên lý quan trọng. Từ thời Hai Bà Trưng đến nay, những người phụ nữ giỏi, tự tin luôn góp phần đưa Việt Nam đi lên. Bằng chứng rất rõ ràng – Tôi nói điều này bất cứ nơi nào tôi đến trên thế giới – gia đình, cộng đồng, và quốc gia sẽ thịnh vượng hơn khi phụ nữ và các em gái có cơ hội bình đẳng để thành đạt trong trường học, trong công việc và chính quyền. Điều đó đúng khắp mọi nơi, và cũng đúng ngay tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ giúp Việt Nam phát huy tiềm lực của nền kinh tế thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. TPP sẽ giúp Việt Nam bán nhiều hàng hóa hơn ra thế giới, đồng thời thu hút vốn đầu tư mới. Nhưng TPP đòi hỏi sự cải tổ để bảo vệ người lao động, pháp quyền và sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam thực hiện các cam kết. Tôi muốn các bạn biết là trong vai trò Tổng Thống Hoa Kỳ, tôi ủng hộ TPP mạnh mẽ vì các bạn có thể mua sản phẩm làm tại Hoa Kỳ.
Hơn thế, tôi ủng hộ TPP vì những lợi ích chiến lược của nó. Việt Nam sẽ ít phụ thuộc vào bất cứ một đối tác giao thương nào và mở rộng quan hệ với nhiều đối tác hơn, kể cả Hoa Kỳ.
TPP sẽ tăng cường hợp tác trong khu vực. TPP giúp giải quyết vấn đề cách biệt giàu nghèo, thúc đẩy nhân quyền, với lương bổng cao hơn và điều kiện làm việc an toàn hơn. Lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có quyền thành lập công đoàn độc lập và nghiêm cấm việc cưỡng bức lao động và lao động trẻ em. TPP có những điều khoản bảo vệ môi trường khắt khe nhất và các chuẩn mực chống tham nhũng mạnh mẽ nhất trong các hiệp ước giao thương trong lịch sử. Đó là tương lai mà TPP hứa hẹn cho tất cả chúng ta – Hoa Kỳ, Việt Nam, và các quốc giá ký kết khác — bởi vì tất cả phải tuân theo quy định mà chúng ta đã cùng định ra. Đó là tương lai dành cho tất cả chúng ta. Do đó chúng ta phải hoàn thành cho được – vì mục đích thịnh vượng kinh tế và quốc phòng.
Điều này đưa đến lãnh vực thứ hai mà chúng ta có để hợp tác, đó là bảo đảm an ninh hỗ tương. Trong chuyến thăm này, chúng ta đồng ý đẩy mạnh hơn hợp tác và xây dựng niềm tin giữa hai quân đội. Chúng tôi tiếp tục huấn luyện đào tạo và cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam để giúp nâng cao năng lực trên mặt biển. Chúng ta sẽ hợp tác để cứu trợ nhân đạo khi có thiên tai. Với tuyên bố hôm qua gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí, Việt Nam có thể có được những thiết bị quân sự cần thiết cho quốc phòng. Và Hoa Kỳ cho thấy rõ cam kết bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam.
Nói rộng ra, thế kỷ 21 đã dạy cho chúng ta - cả Hoa Kỳ và Việt Nam - một điều là trật tự thế giới mà mối an ninh hỗ tương của chúng ta phụ thuộc vào phải đặt nền tảng trên một số nguyên tắc và thông lệ nhất định. Các quốc gia đều có chủ quyền, và dù lớn hay nhỏ, chủ quyền quốc gia đó phải được tôn trọng, và lãnh thổ không thể bị xâm phạm. Nước lớn không nên bắt nạt nước nhỏ. Tranh chấp nên được giải quyết ôn hòa. Và các định chế khu vực, như ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á, phải được đẩy mạnh. Đó là điều tôi tin tưởng. Đó là điều Hoa Kỳ tin tưởng. Đó là hình thức đối tác mà Hoa Kỳ mong muốn cho khu vực. Tôi mong được thúc đẩy tinh thần tôn trọng và hòa giải này khi tôi đến thăm Lào lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Tại Biển Đông, Hoa Kỳ không phải một trong các nước tranh chấp chủ quyền. Nhưng chúng tôi sẽ sát cánh với các đối tác để duy trì những nguyên tắc cơ bản, như tự do hải hành, tự do không hành, tự do giao thương không bị ngăn cản, và giải quyết ôn hòa các tranh chấp bằng các phương tiện luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, lái tàu và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi ủng hộ quyền của quốc gia khác cũng làm vậy.
Và trong khi chúng ta hợp tác chặt chẽ hơn trong những lãnh vực tôi vừa mô tả, quan hệ đối tác của chúng ta còn có yếu tố thứ ba - giải quyết những vấn đề mà chính quyền hai bên còn bất đồng, trong đó có vấn đề nhân quyền. Tôi không nói riêng về Việt Nam, vì không quốc gia nào hoàn hảo. Hai thế kỷ qua, chính nước Mỹ cũng đang cố gắng đạt được lý tưởng của những người lập quốc. Chúng tôi vẫn đối phó với những thiếu sót của mình – quá nhiều tiền chi phối chính trị, kỳ thị chủng tộc trong hệ thống tư pháp, phụ nữ không được trả lương ngang với người nam cho cùng một công việc. Chúng tôi vẫn có những vấn đề. Và chúng tôi cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, tôi xin hứa vậy. Tôi được nghe mỗi ngày. Nhưng việc soi xét đó, tranh luận mở rộng, đối diện với sự bất toàn của chúng tôi, và cho phép mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi mạnh hơn, thịnh vượng hơn, công bằng hơn.
Tôi đã nói rồi – Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt thể chế của chúng tôi lên Việt Nam. Những quyền mà tôi đề cập đến không phải là những giá trị của Hoa Kỳ; tôi tin rằng chúng là những giá trị phổ quát được nêu trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Chúng cũng được nêu trong hiến pháp Việt Nam, có ghi rằng “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, quyền tụ tập và quyền biểu tình.” Những điều này nằm trong hiến pháp Việt Nam. Do đó thật ra, đây là vấn đề mà tất cả chúng ta, mỗi quốc gia, tìm cách áp dụng những nguyên tắc này để chúng ta tuân theo các lý tưởng đó.
Trong những năm gần đây, Việt Nam có một số tiến bộ. Việt Nam có nỗ lực điều chỉnh luật lệ đi sát với hiến pháp và chuẩn mực quốc tế. Theo các luật mới thông qua gần đây, chính quyền sẽ tiết lộ ngân sách và quần chúng có quyền tiếp cập thông tin nhiều hơn. Và, như tôi đã nói, Việt Nam cam kết cải tổ về kinh tế và lao động theo yêu cầu của TPP. Thành ra đây là những bước tích cực. Và cuối cùng lại, tương lai Việt Nam sẽ được chính người Việt quyết định. Mỗi quốc gia tự chọn lấy con đường minh đi, và hai quốc gia chúng ta có truyền thống, văn khóa, hệ thống chính trị khác nhau. Nhưng là một người bạn của Việt Nam, cho phép tôi được chia sẻ quan điểm của tôi — tại sao tôi tin rằng các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được tôn trọng.
Khi có tự do biểu đạt và tự do ngôn luận, và khi người ta có thể chia sẻ tư tưởng và tiếp cận Internet và mạng xã hội mà không bị giới hạn, điều đó sẽ thúc đẩy sáng tạo mà kinh tế cần đến. Đó là nơi ý kiến mới nảy ra. Đó là cách mà Facebook khởi đầu. Đó là cách mà một số công ty lớn nhất của chúng tôi khởi đầu — vì có người có một ý kiến mới. Ý kiến đó khác biệt. Và họ có thể chia sẽ ý kiến đó. Khi có tự do báo chí — khi mà ký giả và blogger có thể rọi đèn vào những bất công hay sai phạm — điều đó sẽ buộc giới chức có trách nhiệm và giúp quần chúng có niềm tin vào hệ thống. Khi các ứng viên có thể vận động bầu cử tự do và cử tri có thể chọn người lãnh đạo trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng, điều đó sẽ làm cho quốc gia ổn định, vì công dân biết là tiếng nói của họ có trọng lượng và thay đổi ôn hòa có thể xảy ra. Và điều đó sẽ đem theo người mới vào trong hệ thống. Khi có tự do tôn giáo, sẽ cho phép người ta bày tỏ tình thương và lòng bác ái là trọng tâm của tất cả các tôn giáo lớn, ngoài ra còn cho phép các nhóm tôn giáo phục vụ cộng đồng qua trường học, bệnh viện, chăm sóc cho người nghèo khó, khốn cùng. Và khi có tự do hội họp — khi công dân được tự do lập hội trong một xã hội dân sự — thì sẽ gúp quốc gia giải quyết những vấn nạn mà chính quyền đôi khi không thể tự mình giải quyết. Do đó quan điểm của tôi là tôn trọng các quyền này không phải là mối đe doạ cho sự ổn định, mà thật ra củng cố ổn định và nền tảng cho tiến bộ.
Cũng chính vì ước vọng cho những quyền tự do này mà người dân khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, đã đánh đổ chế độ thực dân. Và tôi tin rằng tôn trọng những quyền tự do này sự bày tỏ đầy đủ nhất của tính độc lập mà mọi người trân quý, kể cả tại đây, một quốc gia tuyên bố là “của dân, vì dân, và cho dân”.
Việt Nam sẽ thực hiện khác với Hoa Kỳ. Và chúng ta sẽ làm khác với các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng có những nguyên tắc cơ bản mà tôi cho rằng tất cả chúng ta phải nỗ lực thực hiện và cải thiện. Tôi nói điều này trong vị trí của một người sắp sửa rời quyền lực, do đó tôi có được lợi ích của tám năm để nghiền ngẫm cách thức hoạt động của các hệ thống chính trị và tương tác với các quốc gia khắp thế giới mà ngay chính họ cũng nỗ lực cải thiện.
Cuối cùng, tôi nghĩ quan hệ đối tác sẽ giúp chúng ta đối phó với những thách thức toàn cầu mà không nước nào giải quyết được một mình. Nếu chúng ta muốn bảo đảm sức khoẻ của người dân và nét đẹp của quả địa cầu thì phát triển phải bền vững. Những kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long và hang Sơn Đoòng phải được bảo tồn cho các thế hệ sau. Mực nước biển tăng dần sẽ đe dọa bờ biển và sông ngòi mà nhiều người đang phụ thuộc. Và trong việc hợp tác đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện những cam kết đã ký tại Paris, chúng ta cần giúp nông dân, dân làng, và ngư dân thích nghi và đem năng lượng sạch đến đồng bằng sông Cửu Long — một vựa lúa của thế giới cần thiết cho các thế hệ tương lai. Và các quốc gia có thể hợp tác để ngăn ngừa các bệnh dịch lây lan, Hoa Kỳ cũng sẽ giúp đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam để đóng góp cho Liên Hiệp Quốc. Thật là một điều đáng nói khi hai quốc gia từng đánh nhau nay lại cùng đứng chung và giúp nhau gìn giữ hòa bình. Bên cạnh quan hệ song phương, quan hệ đối tác sẽ cho phép chúng ta định hình khung cảnh quốc tế một cách tích cực hơn.
Tầm nhìn mà tôi mô tả hôm nay sẽ không hình thành qua đêm, và cũng không chắc chắn sẽ xảy ra. Sẽ có vấp váp và thất bại trong tiến trình đó. Sẽ có những lúc hiểu lầm. Cần có nỗ lực kéo dài và đối thoại thật sự mà cả đôi bên phải tiếp tục thay đổi. Nhưng nếu xét đến lịch sử và những rào cản mà chúng ta đã vượt qua, tôi rất lạc quan trước các bạn về tương lai chung. Và sự tự tin của tôi bắt nguồn từ tình hữu nghị và ước vọng chung của hai dân tộc. Tôi nghĩ đến những người Mỹ và Việt đã vượt đại dương — một số đoàn tụ với gia đình lần đầu sau nhiều thập niên — và có người, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong bài hát của mình về nối vòng tay lớn và mở rộng trái tim, nhìn thấy mình trong người khác.
Tôi nghĩ đến tất cả những người Mỹ gốc Việt thành tựu trong mọi ngành nghề — bác sĩ, ký giả, thẩm phán, công chức. Một trong số đó, sinh đẻ tại Việt Nam, đã viết thư cho tôi bảo rằng, “Tôi đã được sống giấc mơ Hoa Kỳ … Tôi rất hãnh diện làm người Hoa Kỳ nhưng cũng rất hãnh diện làm người Việt.” Và ngày hôm nay, người đó có mặt nơi đây, trở lại quê cha đất tổ, vì ước vọng cá nhân của ông là muốn “cải thiện cuộc sống của tất cả người dân Việt Nam.”
Tôi nghĩ đến một thế hệ người Việt mới — rất nhiều bạn, rất nhiều bạn trẻ có mặt nơi đây — sẵn sàng làm rạng danh với đời. Tôi muốn nói với tất cả bạn trẻ đang lắng nghe: Tài năng, động lực, ước mơ của bạn, Việt Nam có đầy đủ để vươn lên. Vận mệnh nằm trong tay bạn. Đây là giây phút của bạn. Khi bạn đeo đuổi tương lai mong muốn, Hoa Kỳ lúc nào cũng có kế bên làm người bạn, làm đối tác của bạn.
Nhiều năm sau này, khi càng có nhiều người Việt và Mỹ cùng nhau học tập, sáng tạo và kinh doanh với nhau; cùng bảo vệ an ninh chung, và xiển dương quyền con người, bảo vệ quả địa cầu — tôi mong các bạn nhớ về khoảnh khắc này để tìm nguồn hy vọng từ tầm nhìn tôi đã chia sẻ. Hoặc tôi có thể nói một cách khác, bằng chính thơ Kiều quen thuộc:
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Cám ơn các bạn. Cám ơn các bạn rất nhiều. Cám ơn Việt Nam. Cám ơn.