Thắng Bùi
International Women’s Day hay Ngày Quốc Tế Phụ Nữ (8/3) hàng năm cho chúng ta cơ hội tôn vinh những đóng góp của người phụ nữ từ văn hóa, chính trị đến giáo dục, kinh tế và xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân loại. Ngày này còn mang ý nghĩa quan trọng nữa là nhắc chúng ta hãy tôn trọng quyền con người, chống phân biệt giới tính, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em cần được bảo vệ và yêu thương.
Những đóng góp tích cực và quan trọng của người phụ nữ trong xã hội ngày nay đã không chỉ góp phần đưa xã hội tiến bộ và xác định các giá trị nhân bản, đặc biệt là ở những nước có dân chủ và nhân quyền, mà còn khuyến khích sự lớn mạnh của những phong trào chống lại bất công, kỷ thị và áp bức tại những xã hội độc tài, độc đảng.
Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, chúng ta cùng nhìn lại vị thế cùa người phụ nữ Việt Nam, họ có được đối xử công bằng và được luật pháp bảo vệ?
Khi thế giới văn minh và nhân loại có những bước tiến quan trọng trong việc chống bạo hành, chống phân biệt đối xử về giới tính, chống bất công cũng như bảo vệ quyền lợi, khuyến khích, giúp đỡ, cổ võ cho phụ nữ luôn được đề cao, nhất là những người phụ nữ đấu tranh cho quyền bình đẳng, lên tiếng cho bất công trong xã hội v.v…, họ cần được xã hội ủng hộ và quan tâm một cách tối đa cả về vật chất và tinh thần.
Ngược lại ở đất nước Việt Nam của chúng ta nhưng do Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền và lãnh đạo, cho nên nhân quyền con người không có, và bị tước đoạt một cách trắng trợn. Nhân quyền, tự do, bình đẳng chỉ nằm trên giấy, trong luật mà thôi.
Bất công trong xã hội tràn lan, người dân lại sợ lên tiếng vì cốt lõi của vấn đề là do sự cai trị hà khắc của chế độ, gieo rắc sự an phận cùng nỗi sợ hãi vào quần chúng nhân dân. Mà nếu có ai đó dám đứng về phía công lý và sự thật thì sẽ bị nhà cầm quyền đàn áp, sách nhiễu, cùng với đó là những bản án nặng nề.
Những tù nhân lương tâm can đảm tại Việt Nam ngày nay, mà không ít trong số họ là những phụ nữ, là những con người sống có trách nhiệm với xã hội, muốn có một Việt Nam thật sự có nhân quyền, bình đẳng, muốn cho các em trẻ có cơ hội biến những ước mơ đẹp thành hiện thực… mà can đảm, tự nguyện dấn thân.
Những người vợ, người mẹ, người chị đó là Trần Thị Nga, Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), em Nguyễn Đặng Minh Mẫn, chị Huỳnh Thục Vy… Chị Nga người Hà Nam, từng có thời gian đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan. Trong thời gian làm việc tại đây, chị bị tai nạn và phải nằm viện hơn một năm nhưng công ty ký hợp đồng lao động đưa chị qua Đài Loan lại không trả khoản tiền, bồi thường bảo hiểm an toàn lao động mà chị đáng được hưởng. Từ đó chị tìm hiểu và tham gia đấu tranh khi quay lại Việt Nam.
Chị tham gia vào nhiều hoạt động đòi công bằng, chống oan sai, tuần hành bảo vệ môi trường… tất cả những việc làm của chị đều mong muốn có một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại cho rằng chị chống đối nhà nước. Một người phụ nữ thì lấy gì chống lại một nhà nước? Để thỏa mãn việc đàn áp người dân, nhà cầm quyền đã bắt và tuyên một bản án hết sức nặng nề 9 năm tù và 5 năm quản chế, trong một phiên toà chóng vánh vào ngày 25/7/2017 cho bà mẹ 2 con nhỏ, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam 1999 (nay là điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015).
Với bản án dành cho chị Trần Thị Nga, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã nhận rất nhiều chỉ trích từ nhiều tổ chức và cá nhân trong giới đấu tranh vì nhân quyền. Một điều nữa là Việt Nam đã ký hầu hết những công ước quốc tế về nhân quyền nhưng lại phớt lờ, không thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ.
Nhưng đó chỉ là một phần trong muôn vàn bất công mà phụ nữ Việt Nam đã và đang phải đối diện.
Bất công và oan trái sẽ còn được nhắc đến nhiều khi chế độ Cộng Sản còn ngự trị trên đất nước Việt Nam.