BBT New York Times / Mai Hưng dịch
Cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội đã phát lộ những mối hiểm nguy trong cách tiếp cận cá nhân của ông Trump đối với hoạt động ngoại giao.
Không có một sự tô hồng nào dành cho thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un.
Mặc dù có những lời giới thiệu có cánh – ông Trump tự sướng về những thông điệp tình yêu mà họ trao đổi, mối quan hệ “tuyệt đẹp” mà họ chia sẻ và những ước đoán về một thành công lớn – Lễ ký kết Thỏa thuận chung của Nhà Trắng đã bị hủy ngang, và cuộc họp báo đã lên kế hoạch với ông Kim đã diễn ra như một buổi độc tấu của riêng ông Trump.
“Thỉnh thoảng bạn cũng phải đi bộ, dạo chơi tí chứ”, ông Trump đã nói như vậy với các phóng viên tại Hà Nội khi cuộc đàm phán kéo dài hai ngày mà mục đích của nó là kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn đã kết thúc.
Đó là một phản ứng kiềm chế, hợp lý từ một tổng thống dường như đang vội vã cho bất kỳ một thỏa thuận nào mà sẽ mang lại cho ông ít nhất như là một biểu hiện chiến thắng trong chính sách đối ngoại. Có lẽ ông Trump đã rút ra được một điều gì đó kể từ cuộc gặp lần thứ nhất vào tháng 6 năm ngoái tại Singapore, khi ông tuyên bố Bắc Hàn đã không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa, rằng giờ đây thế giới đã biết rằng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vẫn còn tồn tại.
Kết quả tại Hà Nội, Việt Nam, đã chứng minh rằng những mối nguy hiểm của nền ngoại giao cá nhân với các nhà lãnh đạo độc đoán vốn đã trở thành lời lẽ thường dùng và cách hành xử thường thấy của ông Trump. Từ những tuyên bố về sự vô tội của Vladimir Putin trong việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ hồi 2016 cho tới vụ Hoàng tử Mohammed bin Salman mà ông Trump phủ nhận cáo buộc rằng ông Hoàng tử này đã sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, ông Trump đã cho thấy rằng ông ta tin vào các nhà độc tài, chuyên chế hơn là tin vào chính quyền của mình. Sự xuất hiện của ông đối với những kẻ độc tài như ông Kim tiếp tục làm xói mòn nền tảng đạo đức mà các thế hệ đã ủng hộ chính sách ngoại giao của Mỹ, và quan niệm về vai trò của nước Mỹ trên thế giới.
Lần này thì ông Trump nói rằng ông Kim không hề biết gì về tình trạng của Otto Warmbier, một sinh viên đại học người Mỹ đã chết vì tổn thương não sau khi được thả ra khỏi nhà tù Bắc Hàn vào năm 2017, “và tôi tin vào những lời của ông ta (Kim Jong Un)”.
Trong khi các cuộc thảo luận trực tiếp như vậy có thể có kết quả – hãy xem Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev tại Reykjavik – thất bại ở Hà Nội một lần nữa chứng minh rằng chính quyền Trump không sẵn lòng hoặc không thể chuẩn bị một cách đầy đủ cho các cuộc gặp gỡ cấp cao.
Điều gì đã làm cho cuộc gặp thất bại, cho đến giờ, vẫn chưa có gì là chắc chắn. Nếu lời giải thích của phía Mỹ là chính xác – rằng Bắc Hàn muốn tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế phải được dỡ bỏ để đổi lấy việc tháo dỡ tổ hợp hạt nhân tại Yongbyon – thì ông Trump đã thực hiện một nước đi đúng đắn khi đột ngột chấm dứt cuộc gặp.
Ri Yong-ho, Ngoại trưởng Bắc Hàn, đã có một cuộc họp báo hiếm hoi, cho biết rằng chính quyền Bắc Hàn đã đưa ra một đề xuất “thực tế” về việc dỡ bỏ từng phần các lệnh trừng phạt. Nhưng khi người Mỹ “khăng khăng rằng chúng tôi phải tiến thêm một bước nữa, ngoài việc phá hủy các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon”, ông nói, “rõ ràng là Hoa Kỳ đã không sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi”.
Cơ sở Yongbyon, vốn được sử dụng để chế tạo nhiên liệu hạt nhân và nhiều hoạt động khác, là trung tâm của chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, bao gồm từ 10 đến 20 đầu đạn hạt nhân đã được lắp ráp, các nguyên vật liệu phân hạch để dùng cho tới 60 đầu đạn sẽ được lắp ráp và các tên lửa để mang các đầu đạn này tới các mục tiêu. Trong một tuyên bố hồi tháng 9 năm 2018 với phía Hàn Quốc, ông Kim cho biết rằng ông ta sẵn sàng dỡ bỏ vĩnh viễn khu phức hợp này nếu Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp tương ứng tuy nhiên các biện pháp tương ứng này là gì thì không rõ.
Trước các cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, đã có báo cáo cho biết rằng chính quyền Trump có thể đồng ý về một sự tương tác kinh tế nhiều hơn giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc, một tuyên bố thừa nhận việc chấm dứt chiến sự với Bắc Hàn, mở rộng những cuộc trao đổi trực tiếp và mở một văn phòng liên lạc tại các thủ đô.
Nhưng ông Trump đã đầu tư rất nhiều vào việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, đòn bẩy lớn nhất của ông và ngoài thỏa thuận với ông Kim về việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon, người Mỹ còn muốn một bản tuyên bố đầy đủ về các cơ sở hạt nhân, các vật liệu và vũ khí được cất giấu một cách kín đáo nhất của Bắc Hàn; tháo dỡ kho dự trữ hạt nhân của mình và các cơ sở hạt nhân khác nằm rải rác trên khắp đất nước; và việc ngừng (nhưng phải kiểm chứng được) sản xuất các tên lửa đạn đạo.
Chính quyền Trump vẫn một mực đòi hỏi Bắc Hàn phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình, mặc dù cộng đồng tình báo Mỹ đã nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ngay cả khi công cuộc phi hạt nhân hóa hoàn toàn là chưa thể xác định được, thì việc thuyết phục Bắc Hàn hạn chế mạnh mẽ chương trình của họ vẫn là rất quan trọng đối với sự ổn định của châu Á.
Nhưng điều đó có thể đạt được một cách tốt nhất thông qua quá trình từng bước mà cả hai bên đều đồng ý thực hiện các hành động tương ứng.
Vậy nhưng tình hình hiện nay là như thế nào?
Đó là một dấu hiệu tốt khi chúng ta thấy Tổng thống Trump đã thảo luận về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh với một giọng điệu bình tĩnh và có cân nhắc. Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đứng đầu các nỗ lực đàm phán, đã nói về việc tạo ra một “tiến bộ thực sự”, mà không xác định rõ tiến bộ ấy là gì, và bày tỏ hy vọng rằng cả hai bên “sẽ lại gặp lại nhau trong những ngày và tuần tới và tiếp tục tìm hiểu cái mà được gọi là vấn đề phức tạp”.
Điều đó cho thấy sự sẵn sàng về phía Mỹ, ít nhất cũng là như vậy, để tiếp tục đàm phán ở cấp độ làm việc, đó là cách duy nhất để đạt được thỏa thuận về các vấn đề phức tạp. Để có cơ hội, Bắc Hàn phải đồng thuận và tiếp tục việc đình hoãn mà phía Bắc Hàn tự cam kết với thế giới (mà tới nay đã kéo dài hơn 400 ngày) đối với các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Ông Trump cho biết ông Kim đã lên kế hoạch để làm điều đó. Ngay cả khi Kim làm điều đó, tình hình vẫn không ổn định, vì Bắc Hàn vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân và tên lửa.
Giờ đây, cho dù ông Trump và ông Kim có thân thiện đến mức nào đi chăng nữa, thì cửa sổ ngoại giao vẫn không bao giờ để ngỏ mãi mãi.
Nguyên bản Anh ngữ: What Trump Got Wrong, and Right, on North Korea
Nguồn: Việt Nam Thời Báo