Vì sao Việt Nam buộc phải quay lại TIFA?

Tuần cuối tháng Ba năm 2017 đã chứng kiến chính thể Việt Nam chính thức quay lại “bạn tình cũ” sau 6 năm “chia tay”: Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA – Trade and Investment Framework Agreement.)

Quay lại đàm phán Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư Việt - Mỹ (TIFA). Ảnh: ijavn/VOA

Cuộc thương thảo thương mại Việt – Mỹ trên diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng Ba, nhưng điều kỳ lạ là lại được thông báo bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong khi Thông tấn xã Việt Nam và các báo đảng không hiểu vì nguyên cớ gì mà vẫn nín tiếng.

Cho tới ngày 30/3/2017, tờ báo nhà nước duy nhất lấy tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ để đăng lại là Tiền Phong. Tuy nhiên phần mô tả về trưởng của hai phái đoàn lại hiện ra sự chênh biệt thấy rõ: trong khi Tiền Phong cho biết phái đoàn Mỹ do bà Barbara Weisel, Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, dẫn đầu, thì lại không nói gì về nhân sự cụ thể của phái đoàn Việt Nam, mà chỉ liệt kê: “Ngoài Bộ Công Thương, đoàn Việt Nam còn có các cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Môi trường và Tài nguyên, Tài chính, Ngoại giao, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Còn trong bản tin của mình, VOA Việt ngữ đã chi tiết hơn khi cho biết đại diện của phái đoàn Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa).

Có thể hiểu ít nhất một ẩn ý từ sự thiếu sót có chủ ý của báo Tiền Phong: chức vụ Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là không thể tương xứng với cấp bộ trưởng của Việt Nam.

Còn nhớ, những cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ từ trước tới nay đã diễn ra hết sức đồng đẳng: đại diện phía Mỹ là trợ lý Ngoại trưởng, còn đại diện phía Việt Nam cũng chỉ là cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao. Không hơn không kém.

Thế tại sao lại có sự bất tương xứng ấy trong cuộc đàm phán về TIFA? Và tại sao vào lần này phía Việt Nam lại dễ dàng nuốt vào lòng thói sĩ diện hão truyền thống để ngồi vào bàn đàm phán với người Mỹ và chấp nhận luôn hình ảnh bất xứng về cấp bậc ấy?

TTP – Hiệp định kinh tế Xuyên Thái Bình Dương – đã hầu như vỡ vụn, khiến lâu đài hy vọng mà giới quan chức Việt Nam đã cố công mơ tưởng từ năm 2010 chỉ còn là cát.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) tuy đã được ký từ cuối năm 2015, nhưng cho tới nay hiệp định này vẫn nằm im một chỗ mà chưa có động thái triển khai nào tiếp theo. Muốn được triển khai tiếp, hiệp định này cần được Nghị viện châu Âu thông qua. Và muốn được thông qua, Nghị viện châu Âu lại cần biết rằng những điều kiện nhân quyền được cài đặt trong EVFTA đã được chính quyền Việt Nam đáp ứng. Nhưng đến đây thì hoàn toàn bế tắc, vì ở Việt Nam vẫn còn nguyên tình trạng đàn áp nhân quyền khốc liệt…

Kinh tế Việt Nam lại đang bế tắc toàn diện khi đã lao vào năm thứ 9 suy thoái liên tiếp. Nợ công, nợ xấu bùng nổ, ngân sách chịu nguy cơ cạn kiệt, hầu hết các nguồn “ngoại viện” từ Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, kiều hối… đều mất hẳn tính ưu đãi hoặc giảm hẳn.

Nhìn đi nhìn lại, chỉ còn thị trường Hoa Kỳ và EU vẫn cực kỳ hấp dẫn cho xuất khẩu Việt Nam, với số xuất siêu hàng năm của Việt Nam lần lượt là 25 tỷ USD và 20 tỷ USD, trái ngược hoàn toàn với quốc nạn nhập siêu hơn 50 tỷ USD mỗi năm (cả chính ngạch lẫn nhập lậu) của Việt Nam từ Trung Quốc.

Tháng Ba năm 2017. Đó là bối cảnh mà các đoàn ngoại giao Việt Nam liên tục được “bung ra” để “quốc tế vận”. Nhưng không hướng lên phương Bắc như đoàn của Tổng bí thư Trọng vào tháng Giêng 2017, mà hướng sang phương Tây.

Đầu tiên là đoàn của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đi EU và Đức để vận động Liên minh châu Âu sớm thông qua EVFTA. Mười ngày sau đó, đến lượt chuyến đi của Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc đến Hoa Kỳ, để ngay sau đó công luận ghi nhận thái độ có vẻ nôn nóng bất thường của giới ngoại giao Việt Nam về “sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của Mỹ”.

Theo các nhà quan sát, chuyến thăm của ông Ngọc tới Mỹ lần này “mang tính thăm dò phản ứng của phía Mỹ”, cũng như “dọn đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam với ông Trump”.

Chuyến đi Mỹ của Thứ trưởng Ngọc lại diễn ra chỉ 10 ngày sau khi trang facebook của Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đăng tải một thông tin “lạ”: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “sẵn sàng đi thăm Mỹ”. Cần nói thêm rằng trước đây những chuyến thăm cấp cao Việt – Mỹ hoàn toàn được tổ chức kín tiếng qua các kênh ngoại giao chứ không ồn ã như năm nay.

Khác hẳn với thời Obama mà giới chóp bu Việt Nam đủng đỉnh, làm cao và trả treo từng chút một về nhân quyền, cho dù đã được Obama phóng tay dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, lúc này tình thế đang khác hẳn…

Giờ đây khi đã mất TPP, chính thể Việt Nam đang buộc phải quay lại điểm xuất phát của “bạn tình đã chia tay” là TIFA. Có còn hơn không. Như một an ủi cuối cùng của hoàng hôn nhiệm kỳ và chợ chiều thể chế.

Việt – Mỹ dường như cũng đang trở lại điểm khởi đầu “bình thường hóa quan hệ” vào năm 1995…

Theo Việt Nam Thời Báo (ijavn)