Thấy gì qua clip “nhận tội” của Hóa

Trưa ngày 08/04/2017 trên mạng xã hội lan truyền clip xin khoan hồng của Nguyễn Văn Hoá, một thanh niên trẻ ở Hà Tĩnh. Hoá bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt ngày 11/01/2017. Thời điểm Hoá bị bắt giữ, tình hình khiếu kiện Formosa ở Hà Tĩnh diễn ra hết sức căng thẳng. Và cho đến nay sự bức xúc của người dân vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có lẽ đó cũng là lý do vì sao clip này lại được đăng tải lúc này.

Hoá có tội hay không ở đây tôi không bàn tới vì Hóa không chịu được áp lực từ phía an ninh mà nhận tội thì Hoá phải tự chịu trách nhiệm với bản thân mình.

Nhiều người lo lắng những lời “thú tội” trong lúc biệt giam của Hoá sẽ làm ảnh hưởng đến phong trào hoạt động dân sự và những người lao động đang phải chịu bất công ở Hà Tĩnh. Clip này sẽ tạo cớ cho nhà cầm quyền đàn áp người dân khi họ lên tiếng đòi quyền lợi và tuyên truyền sai lệch về những gì đang diễn ra ở 4 tỉnh miền Trung.

Sự lo lắng này không hề thừa bởi những gì đang diễn một năm qua đã phá hủy tính chính danh của nhà nước này trong mắt của rất nhiều người và họ cần một lời thú tội như ý họ muốn để làm cái phao trong việc tuyên truyền răn đe và đánh tráo sự thật.

Nhưng chúng ta cần nhìn nhận rằng Hoá nhận tội là việc riêng của Hoá. Hóa chỉ là một cá nhân, một thanh niên tuổi đời còn trẻ. Hóa không thể đại diện cho ai, cho một hoạt động, một vấn đề xã hội nào chỉ vì Hoá cũng làm một số việc tương tự họ và hay tham gia vào những lần hoạt động diễn ra. Những lời nhận tội trong lúc bị biệt giam, không có luật sư, không được gặp gia đình thì càng không có giá trị bởi Hoá hoàn toàn có thể bị bức cung và ép buộc.

Một thanh niên trẻ như Hoá có khả năng gì mà có thể kích động, điều khiển được cả chục ngàn con người miền Trung ? Không thể trong clip Hoá nói những lần xuống đường khiếu kiện đòi quyền lợi và công lý của người dân Hà Tĩnh là gây rối thì đó là gây rối.

Còn nhớ năm đó, khi truyền thông lề dân còn chưa phát triển, luật sư Lê Công Định cũng phải chịu sức ép không nhỏ, bị khủng bố tinh thần khi tạm giam và buộc phải cầm giấy đọc theo những gì phía an ninh soạn thảo sẵn. Chúng ta không thể chê trách những người đang phải cô độc chịu sự áp bức bởi lẽ chúng ta chưa từng trải qua cảm giác ấy. Lần này có lẽ họ đã rút ra được kinh nghiệm trước đó, tuy không cầm giấy trên tay nhưng những gì Hoá nói trong clip chẳng khác một bài đọc thuộc lòng được soạn sẵn.

Một điều quan trọng khác cần phải thấy trong clip trên báo Hà Tĩnh hôm nay là sự vi phạm tố tụng và vi Hiến của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra thường rất căng thẳng với các luật sư và dằn mặt khi họ tham gia bất cứ vụ án nào. Tiết lộ bí mật điều tra có thể khiến luật sư bị truất thẻ ngành thậm chí bị xử lý theo pháp luật. Nhưng trong những vụ án thế này để đạt được mục đích chính cơ quan điều tra lại vi phạm nguyên tắc điều tra, coi quyền lực là công cụ, đồng thời phán tội thay toà án, khẳng định pháp luật vô giá trị với họ.

Nếu là cách đây vài năm có lẽ những lời nhận tội kia của Hoá còn có giá trị tuyên truyền. Nhưng ngày hôm nay dưới sự lan tỏa thông tin của Internet và với những tổn thất, tổn thương nhà cầm quyền đang gây ra cho người dân miền Trung thì nó chỉ khiến người dân càng thêm bức xúc và coi thường cách hành xử của Chính phủ.

FB Trịnh Kim Tiến

*****

SAI NGUYÊN TẮC

Quả đúng là nguy hiểm và không có luật pháp khi ngay trong quá trình điều tra mà cơ quan điều tra đã đưa clip quay phim người bị tạm giam "thú nhận" hành vi phạm tội của mình và đưa lên truyền hình để "kết tội" và nhờ đó được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Việc này vừa vi phạm bí mật điều tra, vừa vi phạm nguyên tắc Hiến định "không ai bị coi là có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án". Và nguyên tắc này lại một lần nữa được quy định ngay phần đầu tiên của Bộ luật Tố tụng hình sự. Và lời thú nhận (lời khai) không phải là chứng cứ duy nhất dùng để buộc tội, và nó hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị nếu sau này bị phản cung, phủ nhận, hoặc được chứng minh là bị ép cung, mớm cung, dụ cung hay nhục hình.

Đây là hành vi vừa xâm phạm quyền cá nhân, hình ảnh và vi phạm nguyên tắc điều tra, nguyên tắc suy đoán vô tội.

Luật pháp hay là một công cụ? Không còn luật pháp nào nữa nếu cứ tiếp diễn tình trạng này từ chính cơ quan điều tra.

FB Ls. Luân Lê