LUẬT PHÁP VÀ CÔNG LÝ CÓ TỒN TẠI HAY KHÔNG?

Sáng qua, ngày 09/06/2017, theo lịch tôi xuống Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam sớm để làm việc và sao chụp hồ sơ vụ án bà Trần Thị Nga bị bắt và truy tố về tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 BLHS 1999.

Nhà tranh đấu Trần Thị Nga bình thản khi bị bắt. Ảnh: báo chí nhà nước.

Khi gặp anh thư ký, chúng tôi cũng xã giao vui vẻ và bình thường như những người khác. Nhưng có vẻ như đôi mắt ngắn và bé của anh thư ký có chút dò xét và ẩn chứa nhiều thắc mắc hơn lẽ thường. Đang sao chụp hồ sơ, anh thư ký hỏi với hàm ý khẳng định: luật sư những vụ này thì nhận được nhiều "đô" lắm nhỉ. Được tài trợ mà.

Tôi không bất ngờ lắm với câu hỏi này, nhưng tôi chỉ thấy bất an khi đáp lại rằng: anh làm ở toà án, sao lại vội vàng để kết luận như vậy? Tôi thầm nghĩ "nếu người ta với tư duy ấy trong đầu thì công lý có nghĩa gì và chắc nó khó lòng mà có mặt trong những phòng xử". Tôi cảm thán và lắc đầu trong suy nghĩ vì những nhận thức ấy của một người đang tiến hành tố tụng, mà theo chức trách họ chỉ tuân theo pháp luật và có nghĩa vụ bảo vệ công lý. Nhưng nghe tới những câu nói ấy, tôi vội xoá trắng đi những nghi ngờ về cán cân ở vị trí cân bằng khi người ta nghĩ ngay đến tiền bạc và làm xấu đi hình ảnh của bị can, bị cáo dù còn chưa xét xử.

Tiếp nữa, anh thư ký vẫn chưa thoả mãn, lại tiếp: vụ này đang có ba luật sư nhỉ. Chắc chắn chưa dừng lại mà còn nhiều luật sư nữa tham gia. Lắm tiền mà nên lo gì. Tôi thực sự thấy bất ổn hơn nữa với nhận thức như vậy. Tôi chỉ vừa chụp tài liệu vừa đáp: đó là quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Bất cứ ai được nhờ đều có thể tham gia. Đừng nghĩ về vấn đề tiền bạc, mà là vấn đề quyền được bào chữa.

Câu chuyện rẽ sang một hướng khác, nhưng có vẻ như anh thư ký này hay nói về "tiền". Tôi thấy chút gì đó đắng chát, vì nếu chỉ có tiền trong đầu thì người ta sẽ nghĩ gì về luật pháp, về công lý, về thân phận con người?

Xong việc cũng trưa. Tôi nghỉ ngơi và ăn uống. Đầu giờ chiều vào trại tạm giam để làm việc với bị cáo.

Khi gặp bà Nga, ngồi đối diện trong buồng tiếp phạm, bên cạnh tôi còn một nữ an ninh bịt khẩu trang, một quản giáo nam mặc sắc phục. Bất cứ những gì tôi và bà Nga trao đổi đều được vị nữ cảnh sát kia miệt mài ghi lại không bỏ sót một từ. Tôi biết nhưng vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện của mình, mặc dù nó gây ra những phiền nhiễu và cả vi phạm nghiêm trọng quyền bí mật của thân chủ và luật sư.

Điều gì đang diễn ra khi họ dám công khai ngồi ngay cạnh và ghi chép lại toàn bộ cuộc trò chuyện của luật sư và bị can, bị cáo? Họ là ai và có quyền gì để xâm phạm vào cuộc trò chuyện này, mà đúng luật thì chỉ có luật sư và thân chủ được trao đổi, những trao đổi đó là bí mật và là quyền bất khả xâm phạm về thông tin, về thân chủ, về vụ việc, về quyền được bào chữa.

Họ ngồi ngang nhiên giám sát và ghi chép toàn bộ lại cuộc nói chuyện giữa luật sư và thân chủ. Có đất nước nào mà nền tố tụng lại trắng trợn xâm phạm ngang nhiên đến vậy hay không? Vậy thì còn gì bí mật giữa thân chủ và luật sư? Làm gì còn bí mật về các thông tin, việc trao đổi các quan điểm, nội dung để thực hiện việc bào chữa?

Vậy cái khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 đâu có cần thiết gì khi họ giám sát mọi lúc, mọi nơi, trong trại tạm giam họ còn ghi chép lại mọi lời trao đổi của bị can, bị cáo??? Vậy thì cần gì nghĩa vụ tố giác thân chủ nữa cho mệt và phản thực tiễn, bởi lẽ làm gì có bí mật nào để mà tố giác?

Từ hôm qua trở về, tôi vẫn tự hỏi mình, rằng, luật pháp và công lý có thể tồn tại hay không?

Có thể tồn tại hay không!

FB Luân Lê